Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

Gánh nặng của "mẹ thiên nhiên" khi có 7 tỉ "con"

Thứ Hai, 31/10/2011, 12:05 (GMT+7)
Gánh nặng của "mẹ thiên nhiên" khi có 7 tỉ "con"

TTO - Khi thế giới đón công dân biểu tượng thứ 7 tỉ, câu hỏi được các nhà khoa học đặt ra lúc này là trái đất có thể nuôi sống được bao nhiêu người.

Theo báo cáo Hành tinh sống (Living Planet) của Quỹ thiên nhiên hoang dã thế giới (WWF), khi dân số toàn cầu đạt đến mức ổn định ở khoảng 9 (hoặc 10) tỉ người vào năm 2050, loài người sẽ cần tới 2,8 trái đất để duy trì cuộc sống như bình thường.

Nói cách khác, tài nguyên trên trái đất phải mất gần ba năm để hồi phục sau một năm khai thác của con người, nhưng sự chia sẻ cũng là không đồng đều. Nếu mỗi con người trên trái đất sử dụng tài nguyên với mức độ của một người Mỹ trung bình, chúng ta sẽ cần tới 4,5 trái đất ngay lúc này để tồn tại một cách bền vững.

Lương thực là vấn đề được nhắc đến đầu tiên. Theo Liên Hiệp Quốc, hiện trên thế giới đã có 1 tỉ người thiếu lương thực, không phải vì sản xuất không đủ mà do sự phân phối bất bình đẳng. Một phần ba lượng lương thực sản xuất ra không được tiêu thụ, bị hư hỏng, bị các nông dân, lái buôn hay người sử dụng vứt bỏ.

Theo Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), sản lượng lương thực phải tăng thêm 70% để cung cấp đủ cho 9 tỉ người trong tương lai.

Vấn đề tiếp theo là nước sạch. Hiện hơn 800 triệu người không được tiếp cận với các nguồn nước uống an toàn, và cứ ba người thì một người thiếu nước uống, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Sự mở rộng nhanh quá mức xã hội loài người cũng đã ảnh hưởng đến những cấu trúc sống khác trên thế giới. Nhiều chuyên gia tin rằng chúng ta sắp bước vào một thời kỳ tuyệt chủng hàng loạt, dẫn đến nguy cơ sụp đổ hoàn toàn hệ sinh thái trái đất. Trong đó, trữ lượng các loài cá ăn được trên đại dương, do bị đánh bắt quá mức, có thể giảm xuống gần không vào năm 2048. Mỗi năm cũng có thêm 10 triệu hecta rừng bị phá trên toàn cầu, theo FAO, để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau, nghiêm trọng nhất là tại Nam Mỹ và Đông Nam Á.

Tất cả những điều đó sẽ dẫn đến hiểm họa thay đổi khí hậu toàn cầu. Nhiệt độ ở hầu hết các châu lục dự kiến tăng thêm 2 độ vào năm 2030. Biến đổi khí hậu sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng đói nghèo, do tác động chủ yếu đến các quốc gia kém phát triển không có khả năng ứng phó. Hiện giờ, hơn một phần ba dân số thế giới đang sống dưới chuẩn nghèo mới là 2 USD mỗi ngày, trong khi 1% những người giàu nhất lại nắm giữ tới 43% của cải toàn cầu.

Trong khi hàng trăm triệu người không có đủ thức ăn và nước sạch hằng ngày, theo danh sách Forbes năm nay, số tỉ phú trên thế giới đạt mức kỷ lục mới, 1.210 người vào năm 2011 với tổng tài sản lên tới 4,5 nghìn tỉ USD.

HẢI MINH (Tuổi Trẻ)

Lỡ dính bầu, nhiều nữ sinh rao cho con trên mạng

Lỡ dính bầu, nhiều nữ sinh rao cho con trên mạng
17/11/2011 15:48
Vì không có con, người ta sẵn sàng "làm liều" đi bắt cóc trẻ sơ sinh mới 2 ngày tuổi về nuôi. Thế nhưng, đối với nhiều "bà bầu ét-vê", nếu lỡ dính bầu, họ sẵn sàng "chào hàng" rầm rộ trên mạng, đem con cho người khác khiến cộng đồng không khỏi xót xa.

Con chưa chào đời, mẹ đã rao cho

Chưa sẵn sàng cho cuộc sống gia đình nhưng những trường hợp bạn trẻ “ăn cơm trước kẻng” đã không còn là chuyện quá xa lạ. Do thiếu hiểu biết các biện pháp phòng tránh, đến khi dính bầu lại sợ không muốn phá bỏ hoặc thai đã quá to, họ đành tìm cách để “chào hàng” đem con cho người khác.

 Rầm rộ rao cho con trên mạng.

“Tôi mang thai bé trai được 7 tháng, cần cho con!” – lời “chào hàng” nhanh chóng được truyền khắp các trang mạng, diễn đàn. “Người mẹ ét-vê”  này cho biết: “Tôi mang thai được 7 tháng, vì còn là SV nên việc nuôi con khá vất vả với lại gia đình chưa biết nên tôi muốn cho con. Cuối tháng 12 này là bé chào đời, tôi hi vọng có ai đó cưu mang bé và nuôi dạy bé thật tốt. Tôi ở Sài Gòn, quận Bình Thạnh. Nếu gia đình nào nuôi bé thì liên hệ với tôi theo số điện thoại 0120291xxx”.

Từ lâu, trên diễn đàn hiemmuon.vn, mục thông tin cho và nhận con nuôi luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Những người khó có con thì ngày đêm khổ sở, khao khát đi tìm tiếng cười con thơ trong khi bạn trẻ lỡ dính bầu lại rao cho con khắp nơi.

Một bà bầu khác chia sẻ: “Em mang thai được 34 tuần nhưng lại không có khả năng nuôi bé, không biết có ai muốn nhận con nuôi không. Bạn trai đã bỏ em, em không dám mang con về nhà mà một mình cũng không đủ điều kiện để nuôi…”.

“Bạn gái em mang thai 6 tháng, kết quả siêu âm là một bé trai. Lúc đầu tụi em định để nuôi cháu nhưng thực sự cuộc sống càng ngày càng khó khăn (vì chúng em còn đang theo học) nên tụi em bàn nhau cho đứa bé”- một “ông bố trẻ” nói.

Chuyện rao cho con không phải đến nay mới có nhưng càng ngày nó càng xuất hiện như một trào lưu, một “mốt” của nhiều bạn trẻ, biến họ thành những người sống buông thả. Theo nhìn nhận của các chuyên gia tâm lý, những cô gái này thường có thai ngoài ý muốn lại phát hiện muộn khi thai đã lớn hoặc không dám phá vì mặc cảm tội lỗi. Số khác, muốn giữ đứa con nhưng cuộc sống chất chồng khó khăn khiến họ không thể vượt qua được đành từ bỏ.

Người “đứt ruột” tìm con, kẻ lạnh lùng cho không

Câu chuyện bé sơ sinh 2 ngày tuổi bị bắt cóc tại BV Phụ sản T.Ư ngày 3.11 vừa qua hẳn vẫn còn đọng lại trong tâm trí nhiều người. Vừa hay tin mất con, người mẹ trẻ mất ăn mất ngủ trong khi cả gia đình chạy đôn chạy đáo đi tìm khắp nơi. Cuối cùng, thủ phạm bắt cóc cũng lộ diện và hóa ra, cũng chỉ vì khao khát có một đứa con nên chị ta mới liều lĩnh hành động đến vậy. Trong khi đó, không ít bạn trẻ vì lỡ dính bầu lại mang con cho người khác khi chúng vẫn chưa cất tiếng khóc chào đời.

Mỗi ngày, phòng khám tư vấn hiếm muộn tại BV Phụ sản T.Ư, BV Phụ sản Hà Nội luôn tấp nập người ra kẻ vào. Trong số đó, không ít các đôi thanh niên nam nữ lấy nhau sau 3, 4 năm vẫn mòn mỏi chờ “tin vui”. Và cũng có không ít trường hợp, vì đã từng trót dại phá thai nên không thể sinh nở được tiếp. Lúc này, họ mới thực sự thấm thía nỗi mong chờ, khao khát có con cháy bỏng đến nhường nào…

Bất bình trước hành động rao cho con rầm rộ trên mạng, chị Kim Anh (Cầy Giấy, HN) nói: “Cho con đi thì dễ chứ nhận lại con thì khó vô cùng. Dù sao cũng là mình dứt ruột đẻ ra, cuộc sống khó khăn cũng phải cố gắng vượt qua. Đứa con chính là gia tài lớn nhất của bố mẹ, tôi đã từng chứng kiến không ít các trường hợp vợ chồng phải dày công mới có thể mang bầu sinh con. “Của để dành” ấy có phải ai muốn cũng được đâu”.
Những người phụ nữ đã từng mất con thì không khỏi ngậm ngùi, xót xa thở dài: Rồi đây đứa trẻ đó sẽ thế nào? Một phụ nữ chia sẻ: “Mình đã mất con khi ngày sinh đã gần kề. Đối với một người phụ nữ mà nói thì đó là điều đau khổ nhất, sau này muốn có con lại cũng không phải là điều dễ dàng gì”.

Đứng ở góc độ chuyên gia sức khỏe sinh sản, TS. Trịnh Thị Hoài Đức, Viện Sức khỏe sinh sản và Gia đình cho rằng, sinh con ra và cho đi đã là việc làm thiếu trách nhiệm huống hồ đứa con chưa kịp cất tiếng khóc chào đời đã bị rao cho. Đứa trẻ có quyền con người, được chăm sóc, yêu thương, và mẹ là người phải làm điều đó. Và nếu vì một lý do nào đó muốn bỏ thai thì cũng cần được bác sĩ tư vấn kỹ càng chứ không thể hành động tùy tiện, hồ đồ.

Các chuyên gia cho rằng, nhà trường, gia đình và xã hội cần tích cực giáo dục về sức khỏe sinh sản cho bạn trẻ. Vấn đề mấu chốt là phải dạy họ biết cách bảo vệ an toàn cho bản thân chứ không phải để xảy ra hậu quả mới giải quyết phần "ngọn".

Điều 10, Nghị định 19/2011 hướng dẫn thực hiện Luật con nuôi nêu rõ, thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi phải được tiến hành tại trụ sở UBND cấp xã. Khi đăng ký nuôi con nuôi, cha mẹ nuôi, cha mẹ đẻ, người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng và người được nhận làm con nuôi phải có mặt. Công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký nuôi con nuôi và trao Giấy chứng nhận nuôi con nuôi cho các bên thì việc cho con nuôi mới có giá trị pháp lý.

Theo Lao Động

Vé tàu tết

Vé tàu tết
17/11/2011 0:41
Dù sự chênh lệch cung cầu của vé tàu tết là chuyện khó có thể thay đổi một sớm một chiều, nhưng không có lý do gì cứ đến hẹn lại lên chuyện nghẽn mạng hay vé chính thức khó tìm nhưng vé chợ đen lại có đầy.

Năm nào cũng vậy, Công ty vận tải hành khách đường sắt (VTHKĐS) Sài Gòn luôn tuyên bố sẽ cải thiện hiệu quả những khó khăn trong việc mua vé tàu. Theo đó, công ty đã đưa ra nhiều biện pháp cải tiến thủ tục như: phát số thứ tự, nhắn tin lấy số thứ tự, đặt vé qua mạng. Tuy nhiên, cũng liên tục trong các năm qua, công ty luôn chịu sự phàn nàn từ dư luận bởi các biện pháp vừa nói có hiệu quả rất hạn chế. Không ít phiền toái phát sinh từ các biện pháp trên: số lượng số thứ tự được cấp nhiều hơn công suất phục vụ, không thể đặt vé qua internet vì nghẽn mạng… Vì thế, hành khách phải quay trở lại cách thức “truyền thống” là đến ga xếp hàng mua vé.

Trong khi đó, thị trường “chợ đen” bị phản ánh là hoạt động khá rầm rộ với đủ loại hạng vé, thời điểm khởi hành. Vì thế, những hành khách không còn đủ kiên nhẫn và thời gian để xếp hàng mua vé thì đành phải tốn tiền cho “chợ đen”.

Vài năm qua, Công ty VTHKĐS Sài Gòn quy định ghi tên, số chứng minh nhân dân của hành khách kèm theo vé bán ra và tiến hành kiểm tra trước khi khách lên tàu. Nếu hành khách nào không trùng tên hoặc số chứng minh nhân dân trên vé sẽ phải chịu mức phí bằng 30% giá vé để đổi lại thông tin cho trùng khớp. Tuy nhiên, thị trường vé “chợ đen” vẫn tồn tại và hành khách vẫn phải bấm bụng mua. Những hành khách mua vé “chợ đen” lại phải tốn thêm tiền thay đổi thông tin dù đã bị mất một khoản không nhỏ tiền “cò”. Khách hàng không những chẳng được hưởng lợi từ chính sách trên mà còn mất thêm tiền và thời gian để đổi thông tin trên vé. Chỉ có nhà ga lợi được thêm một khoản đáng kể.

Năm nay, báo chí lại tiếp tục phản ánh những trục trặc xảy ra ngay trong ngày đầu tiên cho phép đặt vé qua mạng. Thực tế, hạn chế những trục trặc này hoàn toàn không khó. Công ty VTHKĐS Sài Gòn chỉ cần hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật từ sớm, đủ sức đáp ứng nhu cầu hành khách. Điều này khá dễ dàng khi Công ty VTHKĐS Sài Gòn có thể ước lượng được số truy cập tối đa thông qua dữ liệu quá khứ.

Giải quyết thị trường vé chợ đen cũng vậy, Công ty VTHKĐS Sài Gòn nên hoàn thiện biện pháp mà đơn vị này đã đưa ra. Nhà ga cần bãi bỏ quy định cho phép đổi tên và số chứng minh nhân dân trên vé. Ai mua vé mà không sử dụng thì làm thủ tục trả vé theo quy định. Sau đó, chiếc vé trên được bán theo đúng trình tự thông thường. Như vậy, người mua vé chợ đen bắt buộc phải làm thủ tục trả lại vé và tất cả những ai có nhu cầu đều có cơ hội sở hữu chiếc vé trên theo đúng trình tự thông thường. Từ lâu, cách thức này đã được ngành hàng không áp dụng nên dù vé máy bay có khan hiếm vào dịp tết thì cũng không hề xảy ra tình trạng bán vé chợ đen. Đây là các giải pháp đáng tham khảo để nhà ga không phải cứ loay hoay, bế tắc giữa những bất cập.

Ngô Minh Trí (Thanh Niên)

Cô Kim: Nhà ga cố tình đó thôi. Cải tiến làm chi, sẽ bị mất quyền lợi. Cứ giả bộ lèng èng như thế thì có ăn chia với chợ đen, lại được hưởng 30% tiền phạt. Tội nghiệp cho bà con mình, đã tha phương cầu thực, đi làm ăn xa nhà, mà ngày tết muốn về sum họp gia đình cũng trần ai khổ sở! Những ai trục lợi trên sự đau khổ của người khác sẽ bị nhân quả rất nặng.

Dự luật Biểu tình gây tranh cãi ở Quốc hội

Dự luật Biểu tình gây tranh cãi ở Quốc hội
17/11/2011 23:51
Có nên đưa luật Biểu tình vào chương trình chuẩn bị xây dựng luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ QH khóa 13 hay không là một trong những nội dung gây tranh cãi giữa các ĐBQH khi thảo luận tại nghị trường sáng 17.11.

Trong dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ QH khóa 13, Ủy ban TVQH đề xuất đưa luật Biểu tình vào chương trình chuẩn bị. Bày tỏ chính kiến trước QH sáng qua, ĐB tự ứng cử của Đoàn TP.HCM Hoàng Hữu Phước đề nghị QH “loại bỏ luật Lập hội và luật Biểu tình khỏi danh sách dự án luật suốt nhiệm kỳ khóa 13”.

Để thuyết phục cho đề xuất của mình, ĐB Phước dẫn lại hàng loạt sự kiện biểu tình ở nhiều nước trên thế giới và quả quyết “ngay từ khởi thủy và cho tới tận ngày nay, biểu tình là để chống lại chính phủ nước mình hoặc chống lại một chủ trương của chính phủ”. Từ góc nhìn này, ông Phước đặt vấn đề: “VN có cần cuộc biểu tình chống chính phủ hay không? Chống các chủ trương, chính sách, đạo luật của Chính phủ VN hay không? Nếu không cần tại sao lại đưa dự án luật Biểu tình, nói rồi nói mãi như thể nó là khuôn vàng, thước ngọc để đo chiều cao, chiều rộng, chiều dài, chiều sâu của cái gọi là tự do dân chủ?”.

Tiếp tục dẫn lại những điều “mắt thấy tai nghe” khi đi ngang qua vài cuộc tập hợp đông người gần đây ở TP.HCM chống “đường lưỡi bò”, ông Phước so sánh: “Liệu cái gọi là quyền biểu tình ấy có lớn hơn quyền được kiếm sống của người dân, quyền được ra đời của con cái của người dân, quyền được sử dụng công lộ của người dân, quyền được mưu cầu hạnh phúc của người dân? Dự án luật Biểu tình đã tham vấn ý kiến, nguyện vọng của cử tri, công dân là người cao tuổi, cựu kháng chiến, cựu chiến binh, anh hùng các lực lượng vũ trang..., những nhà tu hành chân chính chưa, hay chỉ vì một nhóm nhỏ vài chục, vài trăm sinh viên, học sinh, những người chưa là những công dân có thu nhập, có việc làm?”. Và ông Phước khẳng định: “Đa số công dân sẽ không ủng hộ luật Biểu tình vì bản chất dễ bị tổn thương và dễ bị lợi dụng gây ra biến loạn”.

Phát biểu sau đó, các ĐB khác như Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên-Huế), Nguyễn Thanh Tùng (Bình Định) bày tỏ đồng tình với ý kiến của ĐB Hoàng Hữu Phước.

Bấm nút đăng ký phát biểu, nhà sử học Dương Trung Quốc phản biện : “Ở QH, đã đề cập đến vấn đề gì cần nghiên cứu đến nơi đến chốn, đưa ra những bằng chứng lịch sử dở dang, ngộ nhận là hết sức nguy hiểm”.

Dẫn lại Sắc lệnh 31, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành 11 ngày sau khi nước VN Dân chủ Cộng hòa thành lập, ông Quốc cho rằng “phải nhìn biểu tình cả hai cách của nó, đó là một quyền cơ bản của người dân, đồng thời đó là một công cụ hành pháp, công cụ lập pháp để thực thi quyền hành pháp. Nếu chỉ nhìn một mặt thì chúng ta chỉ nhìn thấy mặt hỗn loạn của nó thôi”. Cũng theo vị ĐB đã có thâm niên làm ĐB tới 3 nhiệm kỳ QH, “bây giờ chúng ta đang chứng kiến những sự kiện trong quá trình hội nhập thế giới, việc tỏ thái độ của người dân là cần thiết. Chính bởi vì không có luật (luật Biểu tình - pv) nên mới dẫn đến tình trạng hỗn loạn. Tôi không tán thành các ĐBQH cứ nhân danh nhân dân. Tại diễn đàn QH chúng ta hãy nhân danh cá nhân mình thôi, trừ khi chúng ta có sự ủy nhiệm, hoặc có điều tra định lượng để nói rằng người dân phản đối, người dân băn khoăn trước định lượng đó vì nó dẫn đến tiêu cực xã hội”.

Ông Quốc nói thêm: “Không phải tự nhiên mà Thủ tướng Chính phủ cũng đã rất chủ động đề cập đến việc đề nghị đưa vào chương trình luật pháp của chúng ta về biểu tình. Tôi nghĩ QH cần hết sức thận trọng. Phát biểu như thế là xúc phạm đến chính người dân. Chính vì thế càng thấy chúng ta cần phải có luật Biểu tình càng sớm càng tốt. Đương nhiên đây là luật rất nhạy cảm, khó khăn, chúng ta phải có lộ trình thích hợp, thận trọng”.

Quy định rõ để buộc người dân hiểu về luật pháp

Chiều qua, QH thảo luận về dự án luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Các ĐB khẳng định việc ban hành luật là cần thiết và nhất trí với quan điểm xây dựng luật phải tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo chuyển biến căn bản, bền vững về hiệu quả; phải xác lập trách nhiệm và cơ chế phối hợp, huy động các nguồn lực của các cơ quan, tổ chức và xã hội cho công tác này.
Tuyết Mai (Thanh Niên)

ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm, chỉnh sửa cho phù hợp với đối tượng phổ biến giáo dục pháp luật, phù hợp với nguyên tắc, gắn với đối tượng nghe cụ thể. Trong khi người dân chưa thấy hết sự cần thiết của việc phổ biến giáo dục pháp luật như thế nào đối với mình thì nhà nước cần có quy định ràng buộc để cho dân buộc phải nghe để hiểu về luật pháp.

Đề nghị bổ sung luật Từ chức

“ Tôi đề nghị bổ sung luật Từ chức trong nhiệm kỳ này. Hiện nay có tới 1/3 công chức chính trị, công chức hành chính, dân người ta nói mà tôi cũng được biết là chân trong, chân ngoài, làm việc không hiệu quả, nên giảm bớt đi. Hai là những người đứng đầu, nhất là người đứng đầu nếu không đủ tài trí, thì cũng nên từ chức. Điều này phù hợp với xu hướng chung. Nếu không đủ tài đức nữa thì có nên ngồi mãi không?”.(ĐB Đỗ Văn Đương - TP.HCM)

Chất vấn vụ “phù phép” 23.000 tấn muối công nghiệp

 Nhiều ĐBQH đã gửi văn bản chất vấn Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng về chuyện cho phép nhập khẩu muối, kể cả muối ăn thời gian qua, đặc biệt là việc “phù phép” 23.000 tấn muối công nghiệp thành muối ăn.

 ĐB Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) cho rằng: “Việc nhập khẩu phù phép 23.000 tấn muối công nghiệp thành muối ăn trong khi cả nước không thiếu muối ăn, chắc chắn sẽ dẫn đến dư thừa, phá vỡ cung cầu, làm giá muối sụt giảm, đe dọa sự sống còn của muối nội và đẩy diêm dân đến chỗ khốn cùng. Bên cạnh đó, muối công nghiệp chủ yếu khai thác từ các mỏ muối của các nước là Ấn Độ, Pakistan... nên chứa rất nhiều kim loại nặng gây tác hại đến sức khỏe con người như rối loạn tiêu hóa, suy giảm hệ miễn dịch và bệnh ung thư”.

Bảo Cầm (Thanh Niên)



Cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới

Cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới
12/11/2011 9:06
(TNTS) Trong vòng 10 năm tới, nhiều nước có công nghệ tiên tiến sẽ chi hàng trăm tỉ USD cho cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới. Mỹ và Nga sẽ là hai cường quốc đóng vai chính trong cuộc chạy đua này. Ngoài ra, còn phải tính đến Ấn Độ, Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên, Pháp, Israel và Pakistan.

Nga - Mỹ dẫn đầu

Nhóm nghiên cứu thuộc Trident Comission của Anh được thành lập bởi tổ chức trung lập BASIC (British American Security Information Council) do Anh và Mỹ sáng lập đã đưa ra nhận định trên. Những con số cùng các kết luận về tình hình phát triển vũ khí hạt nhân hiện nay được Trident Comission viết trong báo cáo mang tên "Ngoài lãnh thổ Vương quốc Anh". Nhiệm vụ của Trident Comission nhằm trả lời ba câu hỏi: Vương quốc Anh có cần phải là cường quốc hạt nhân? Tên lửa Trident (hiện Anh đang sở hữu) có phải là vũ khí tối ưu? Và London cần phải làm gì để thúc đẩy quá trình giải giáp hạt nhân trên thế giới?

Theo báo cáo của Trident Comission, hiện thế giới có từ 20.530 đến 21.240 đầu đạn hạt nhân, trong đó Nga và Mỹ sở hữu 20.100 đầu đạn. Hai cường quốc này, trong vòng 10 năm tới sẽ chi 770 tỉ USD cho phát triển vũ khí hạt nhân của mình. Phần lớn số tiền này thuộc về Mỹ (700 tỉ USD) và trong 10 năm tới nước này chi 100 tỉ USD về bảo dưỡng và cải tiến các phương tiện chuyên chở đầu đạn hạt nhân. Bên cạnh đó, Mỹ còn chi 92 tỉ USD để bảo dưỡng, nâng cấp các đầu đạn hạt nhân hiện hữu và các tổ hợp sản xuất ra chúng. Mỹ còn phải kéo dài thời hạn phục vụ của tên lửa xuyên lục địa Minuteman III và thiết kế loại tên lửa đạn đạo trình mới, đồng thời đóng mới 12 tàu ngầm chiến lược - SSBN(X), mà chiếc đầu tiên sẽ biên chế cho lực lượng hải quân nước này vào năm 2029. Chưa hết, Mỹ cũng phải kéo dài thời hạn phục vụ của máy bay ném bom B-52H Stratofortress đến năm 2035, thiết kế loại máy bay ném bom mới và bắt đầu thay dần các loại tên lửa mang đầu đạn hạt nhân hiện có vào năm 2025. 

Với Nga, đất nước này từ nay đến năm 2020 sẽ chi không dưới 70 tỉ USD cho thiết kế mới tên lửa xuyên lục địa có thể mang hàng chục đầu đạn hạt nhân vào năm 2018, nâng cấp các tàu ngầm thuộc dự án 66BDRM, cải tiến tên lửa "Sineva" và đóng mới 8 tàu ngầm thuộc dự án "Borei", được trang bị tên lửa mới R-30 "Bulava"...
Nga cũng đang tiến hành thiết kế tàu ngầm nguyên tử thế hệ thứ năm. Đến năm 2025 nước này sẽ có máy bay ném bom chiến lược tầm xa loại mới. Ngoài ra, trong vòng 10 năm tới, quân đội Nga sẽ nhận 10 tổ hợp tên lửa hạt nhân tầm trung. Trident Comission không nói rõ đó là loại tên lửa nào, nhưng có thể đó là tổ hợp "Iskander-M" mà Nga dự tính sẽ mua trong giai đoạn 2011 - 2020.

Và phần còn lại

Trident Comission còn ghi nhận Trung Quốc, Ấn Độ, Pháp, Israel, Pakistan và CHDCND Triều Tiên là các nước có khả năng tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân. Đáng lưu ý là Israel chưa bao giờ thừa nhận (nhưng cũng không phủ nhận) là mình có vũ khí hạt nhân. Tuy thế, vào những năm 1990, dường như Israel có cung cấp cho Ấn Độ tên lửa có cánh, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Hiện Israel còn có tên lửa Jericho-III, có tầm hoạt động từ 4.000 - 6.500 km, nước này còn có 3 tàu ngầm (loại Dolphin) có khả năng mang tên lửa có gắn đầu đạn hạt nhân. Bên cạnh đó, Israel có máy bay chiến đấu có thể mang đầu đạn hạt nhân.

Pháp hiện đã hoàn tất việc cung cấp cho hải quân nước mình 4 chiếc tàu ngầm chiến lược loại "Le Triumphant", được trang bị tên lửa M51 có tầm hoạt động 6.000 - 8.000 km. Trong vài năm qua, Pháp còn trang bị mới máy bay chiến lược Rafale 3 thay cho loại Mirage 2000 trên bộ, và loại Rafale MK3 thay cho Super Etendard trên hàng không mẫu hạm "Charles de Gaulle". Các loại máy bay mới này đều có tên lửa mang đầu đạn hạt nhân loại mới.

Với Trung Quốc, nước này đang tiếp tục phát triển loại tên lửa đạn đạo DF và đã trang bị cho quân đội của mình loại DF-21 và DF-31A (có khả năng bắn tới lãnh thổ của Mỹ). Ngoài ra, Trung Quốc còn dự tính đóng mới 5 tàu ngầm hạt nhân loại "Jin", có khả năng phóng 12 tên lửa đạn đạo. Ấn Độ hiện đang thiết kế hàng loạt tên lửa đạn đạo Agni (có tầm hoạt động khác nhau). Trong đó loại Agni-V là tên lửa xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân. Theo kế hoạch, nước này ít nhất sẽ đóng mới 5 tàu ngầm hạt nhân chiến lược, có khả năng mang tên lửa đạn đạo Sagarika. Hiện hải quân Ấn Độ đang có loại tên lửa hạt nhân có tầm bắn 350 km.

Pakistan đang thiết kế tên lửa đạn đạo Shaheen II có tầm bắn 2.000 km. Nước này còn đang thử nghiệm tên lửa chiến lược Hatf-7 (trên bộ) và Ra'ad (tức Hatf-8 cho không lực). Ngoài ra, Pakistan  còn đang thiết kế các loại tên lửa hạt nhân hạng nhẹ. Dù có thế nào, nước này luôn là đối trọng của Ấn Độ.

Cuối cùng là CHDCND Triều Tiên. Vào năm 2010, nước này tuyên bố đã thiết kế tên lửa đạn đạo Musudan có tầm bắn từ 2.500 đến 4.000 km. Triều Tiên còn đang thử nghiệm tên lửa Taepodong-2, có khả năng tiêu diệt mục tiêu cách xa 10.000 km. Trident Comission cũng nêu trong báo cáo của mình là không rõ Triều Tiên đã có vũ khí hạt nhân hay chưa, nhưng tên lửa của họ thì có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Kẽ hở của START III

Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược START III do Nga - Mỹ ký hồi tháng 8.2010 (có hiệu lực 10 năm) quy định hai bên phải cắt giảm vũ khí hạt nhân tiến công chiến lược xuống còn 1.550 đầu đạn và 700 phương tiện chuyên chở vũ khí hạt nhân. Số liệu mới nhất cho thấy Nga hiện có 1.556 đầu đạn hạt nhân đang trực chiến và 515 phương tiện chuyên chở. Như vậy Nga có thể tăng thêm gần 200 phương tiện chuyên chở và nâng cấp, cải tiến (không hạn chế số lượng) đầu đạn hạt nhân mình đang có. Ngoài ra, START III không quy định phải cắt giảm các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật, nên cả Nga và Mỹ có thể thoải mái phát triển loại hình vũ khí này.

Ngữ Tử Yên (Thanh Niên)

Cô Kim: Trong tương lai, chiến tranh sẽ tàn khốc hơn, nhân loại sẽ bị cuốn vào một cuộc sát sinh khổng lồ. Bây giờ không lo “tu” thì làm sao tự cứu mình?

Thịt nhân tạo

Thịt nhân tạo
17/11/2011 14:55
Nhà sinh vật học Mark Post thuộc Trường Đại học Maastricht ở Hà Lan đang nghiên cứu chế tạo ra loại “thịt nhân tạo” - được phát triển từ phòng thí nghiệm, thay vì từ động vật nuôi lấy thịt.


Loại thịt này được chế biến bằng những tế bào phôi từ các bộ phận bỏ đi của động vật nuôi bị giết để lấy thịt, sau đó trộn với đường, acid amino, chất lỏng, khoáng chất và một số chất dinh dưỡng quan trọng khác.

Hỗn hợp này tạo ra được các dải “thịt” có thớ gân, dài khoảng 2,5cm. Tuy nhiên, chi phí để sản xuất ra loại thịt này vẫn còn rất đắt đỏ, khoảng 334 nghìn USD cho lượng thịt đủ để làm một bánh kẹp thịt tiêu chuẩn.

Theo Lao Động

Biến tro hài cốt thành... trang sức

Biến tro hài cốt thành... trang sức 
17/11/2011 16:27

Ảnh minh họa: Shutterstock 
(TNO) Thay vì chôn cất hay hỏa táng, thi hài của người chết giờ đây có thể được biến đổi thành những hạt đá, có thể xâu thành chuỗi đeo làm trang sức.

Ông Bae Jae-yul, chủ sở hữu Công ty Bonhyang (Hàn Quốc), một trong những công ty cung cấp dịch vụ nói trên cho biết họ sử dụng nhiệt độ cao để làm tan chảy tro hài cốt cho đến khi chúng kết tinh lại và khi đó họ sẽ định hình chúng như những hạt đá, chỉ trong một quá trình khoảng 90 phút.

Bằng cách này, mọi người có thể "mang" theo người thân đã qua đời của họ ở bên cạnh mà không lo bị nấm mốc hay có mùi hôi vì chúng rất sạch sẽ.

Màu sắc thường gặp của loại hạt này là màu xanh lá cây hay màu xanh dương nhưng ông Bae Jae-yul cho biết màu hồng, tím và đen cũng được đặt hàng rất nhiều.

Cũng theo ông Bae Jae-yul, công nghệ này lần đầu tiên được sử dụng vào những năm 1990 nhưng quá trình xử lý của nó không đạt đến độ hoàn hảo.

Ông Bae Jae-yul đã nhìn thấy tiềm năng của công nghệ này nên đã mua và dành nhiều năm để hoàn thiện trước khi tung ra thị trường.

Hiện công nghệ này cũng đã được mang ra giới thiệu tại Nhật Bản, châu Âu và Mỹ nhưng nhiều người không xem đó như là một cách bình thường để xử lý xác chết.

Một số khác lại cho rằng công ty này chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà không tôn trọng quy luật của tự nhiên là để người chết quay về với thiên nhiên.

Chi phí để biến tro hài cốt thành hạt đá mất khoảng 900 USD/lần.

P.Thi (Thanh Niên)

Cô Kim: Đúng là người chết không thể siêu thoát nếu bị “nhốt” theo kiểu này. Chúng ta thương người thân của mình thì nên để họ trong chùa để nghe kinh, được thầy khai thị mà siêu thoát. Hoặc tán tro nhuyễn ra rồi rải xuống sông xuống biển, để không có nơi cho thức bám vào.

Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011

Không cho “mọc” thêm dự án mới

Không cho “mọc” thêm dự án mới
16/11/2011 0:21
Ngày 15.11, Bộ KH-ĐT tổ chức triển khai hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 1792 của Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, chỉ thị nhằm tập trung cắt giảm đầu tư công theo chủ trương của Chính phủ; đồng thời khắc phục tình trạng quản lý đầu tư còn quá nhiều bất cập như phân cấp quá rộng nhưng thiếu quản lý đồng bộ, quá nhiều dự án được phê duyệt dẫn đến mất khả năng cân đối vốn.

Chính phủ kiên quyết mạnh tay cắt giảm những dự án thiếu hiệu quả và tuyệt đối không có bất kỳ dự án mới nào được “mọc” thêm. Theo chỉ thị, dự án nào không xác định rõ nguồn vốn, mức vốn, thi công kéo dài gây lãng phí thì người ký quyết định đầu tư phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh: “Vốn trái phiếu được ưu tiên theo các mức khác nhau, trong đó những công trình đã lên kế hoạch mà chưa khởi công sẽ dừng lại, trừ khi yêu cầu quá bức thiết thì phải có giải trình. Không phân bổ vốn hoặc hạn chế tối đa cho công trình mới”.

Anh Vũ (Thanh Niên)

 Cô Kim: Có dự án là có “phết phẩy, phần trăm”, cho nên người ta mới ùn ùn đi làm dự án. Ngân sách chi 100 tỷ, nhưng không biết xuống tới dự án còn bao nhiêu tỷ?

Thận trọng khi thuê nhà trọ

Thận trọng khi thuê nhà trọ
15/11/2011 16:44

Nếu không thận trọng, sinh viên (SV) thuê nhà có thể bị một số chủ nhà trọ giăng bẫy.

Chết dở vì hợp đồng

“Cứ nghĩ chỉ cần cảnh giác với cò phòng trọ, ai ngờ ngay cả chủ nhà cũng lừa mình”, vừa nói trong giọng bức xúc, Hoàng Nga - SV Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM - vừa cho chúng tôi xem bản hợp đồng nhà trọ của mình.

Nga kể, để thuận lợi cho việc đi học, Nga và 3 người bạn thân cùng chuyển đến ký hợp đồng thuê phòng trọ thuộc hẻm 42 Hoàng Hoa Thám, P.7, Q.Bình Thạnh. Đây là phòng mà họ tìm được trên mạng và quyết định thuê với giá mỗi tháng 2,5 triệu đồng, đặt cọc trước một tháng.

Ở được 2 ngày, các thành viên mới phát hiện có một số điều lập lờ trong bản hợp đồng thuê phòng. “Đã có thêm điều khoản “phải ở đủ 12 tháng mới được nhận lại tiền đặt cọc” được viết bằng dòng chữ bút bi màu xanh trong khi toàn bộ hợp đồng được viết bằng màu đen”, Nga kể.

Quá bức xúc, Nga thắc mắc thì được chủ nhà trọ cho biết: “Tôi không quan tâm, hợp đồng như thế nào thì phải làm đúng. Nếu  bây giờ các cô dọn đi thì mất tiền đặt cọc”. Nga cho biết thêm, ngày đến xem phòng và ký hợp đồng thì không hề đọc được điều khoản này. Nó chỉ xuất hiện sau khi chủ nhà mượn lại hợp đồng với lý do “photo để mỗi bên giữ một bản”. Chính vì điều này mà nhóm bạn Nga đã lâm vào cảnh “ở không được mà đi cũng chẳng xong”.

Trần Hoàng Quân - SV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM - đang trọ ở lầu 2, chung cư Lý Thường Kiệt, Q.10 kể, ở gần hơn 4 tháng mới phát hiện ra bản hợp đồng có điều khoản ràng buộc “phải ở 6 tháng mới trả tiền đặt cọc”.

Anh Thư - SV Trường ĐH Sài Gòn, đang trọ ở hẻm 373 Lý Thường Kiệt, Q.10 - cũng là một nạn nhân tương tự. Thư rút kinh nghiệm: “Có không ít chủ nhà trọ cố tình “nhốt” tiền đặt cọc của người thuê bằng cách bắt buộc người thuê phải ở trong một thời gian nhất định. Vì vậy khi đi thuê phòng cần xem hợp đồng cẩn thận, không thể nào xem sơ sài, qua loa được”.

Phí... trễ giờ

“Ngày đầu tiên chủ nhà đã thỏa thuận bao điện, nước, nhưng nào ngờ mình phải sử dụng điện nước theo công thức chẵn, lẻ” - Hoàng Phượng, SV Trường ĐH Tài chính Marketing, thuê phòng ở đường Bế Văn Cấm, P.Tân Kiểng, Q.7 - giải thích thêm, “chẵn, lẻ” nghĩa là ngày có điện nước, ngày không, cứ xen kẽ nhau.

Nhiều lần đề xuất với chủ nhà, Phượng nhận được câu trả lời: “Đã được bao điện nước mà còn ta thán. Giá điện, nước cứ tăng thì tôi bắt buộc phải làm thế. Nếu thích sử dụng điện, nước thường xuyên thì trả thêm tiền”.

Trần Hoàng Tuyển - SV Trường ĐH Sài Gòn - cho biết vừa vào TP.HCM kiếm được phòng trọ gần trường (đường An Dương Vương, Q.5), Tuyển và các bạn cùng phòng phải mất gần 200 ngàn đồng chi phí sửa sang lại các vật dụng trong phòng. “Lúc đầu xem phòng tưởng mọi thứ đều tốt, nào ngờ vừa ở đêm đầu tiên mới phát hiện cửa phòng bị hỏng, hệ thống đường dẫn nước bị nứt, vòi nước nhà vệ sinh không sử dụng được…”. Vội báo với chủ phòng, Tuyển bất ngờ vì chủ phòng nói: “Lúc bàn giao phòng tại sao không phát hiện? Lo mà tự mua đồ về sửa lại”.

Theo nhiều phản ánh của SV, trong quá trình trọ, nhiều chủ nhà tự ý đề ra các khoản phí không hợp lý. Phương Thanh - SV Trường ĐH Ngoại ngữ tin học TP.HCM - kể: “Ban đầu, chủ trọ không có quy định phải đóng tiền truyền hình cáp, tiền rác, tiền gửi xe, tiền bảo vệ an ninh… Vào ở được một thời gian, chủ trọ liệt kê ra nhiều khoản bắt buộc”. Thậm chí có lần Thanh đi làm thêm về lúc 23 giờ đã bị chủ trọ tính “phí trễ giờ” 10 ngàn đồng/lần mặc dù trước đó chủ nhà cho biết “giờ giấc tự do”.

Thanh chia sẻ kinh nghiệm: “Khi tìm nhà, SV phải hỏi thật kỹ mọi thông tin, đồng thời viết cam kết để cả 2 bên ký đồng ý thực hiện, đề phòng trường hợp chủ nhà tự ý thay đổi mọi điều khoản, đưa ra những yêu sách bắt buộc người thuê phải chấp nhận”.

Nguyễn Thanh Nam (Thanh Niên)

Lội sông tìm chữ  
16/11/2011 23:58

Các em học sinh H’re ở huyện miền núi Ba Tơ (Quảng Ngãi) lội sông tới trường - Ảnh: Hiển Cừ
Hành trình đi tìm con chữ của học sinh ở các bản làng vùng cao thuộc huyện miền núi Ba Tơ (Quảng Ngãi) vô cùng gian nan vất vả. Tính mạng các em luôn bị rình rập bởi phải lội qua những con sông, suối nước chảy xiết để đến trường.

Khi học sinh (HS) ở Ba Tơ bước vào năm học mới cũng là thời điểm mùa mưa lũ tràn về. Mưa như trút nước khiến đường đến trường bùn đất nhão nhoẹt. Những con sông, suối nước chảy cuồn cuộn. Vì thế các trường buộc phải cho HS nghỉ học. Nước lũ vừa rút, các em lại tiếp tục bám trường, bám lớp.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó trưởng Phòng GD huyện Ba Tơ lo lắng bởi các học trò mình, nhất là bậc tiểu học và THCS phải lội sông, suối đến trường trong mùa mưa hết sức nguy hiểm, vì chỉ cần một cơn mưa lớn nước lũ sẽ đột ngột dâng cao. “Nếu thời điểm ấy các em đang lội qua sông thì làm sao trở tay cho kịp, hậu quả rất khó lường”, ông Tuấn lo lắng.

Dù trường học chỉ cách nhà một tầm nhìn nhưng đối với hơn 50 HS người H’re ở làng Đồng Dâu và Con Cua thuộc thôn 3, xã Ba Cung là một khoảng cách rất xa, nếu đi đường vòng phải mất gần 20 km. Do vậy, để đến trường đúng giờ, các em phải thức dậy từ rất sớm lội qua 2 con suối đến bến đò rồi lên ghe vượt qua sông Liên rộng hơn 100 m, nhiều chỗ nước rất sâu, chảy xiết và xoáy.

Việc lội qua suối đến trường của các em như một công đoạn đã được “lập trình” sẵn. Nhiều em mặc 2 quần, đến bờ suối cởi ra cho quần đi học vào cặp, đội lên đầu rồi lội suối. Đến lớp lại lo phơi quần ướt để tan trường mặc vào trở về nhà.

Ông Phạm Trung Tân, Chủ tịch UBND xã Ba Cung cho biết, việc các em lội suối là rất nguy hiểm, bởi trong 2 mùa lũ vừa qua đã có 2 người dân địa phương thiệt mạng. Theo ông Tân, người dân Đồng Dâu và Con Cua mong mỏi có được chiếc cầu treo bắc qua sông Liên để các em HS đi học được thuận lợi, an toàn.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, ở huyện miền núi Ba Tơ không chỉ có HS của xã Ba Cung mà còn nhiều HS ở các xã khác như Ba Điền, Ba Dinh, Ba Vì cũng rơi vào tình cảnh tương tự. “Giá như có những chiếc cầu treo bắc qua sông thì hành trình tìm con chữ của các em HS ở Ba Tơ sẽ đỡ vất vả hơn rất nhiều”, ông Tuấn nói.

Hiển Cừ (Thanh Niên)

Thiếu trầm trọng lao động có kỹ năng

Cô Kim: Nền giáo dục của nước ta đã đào tạo nên những con người chạy đua theo bằng cấp, chỉ có lý thuyết suông, thậm chí lý thuyết cũng yếu, học rồi quên ngay. Và dĩ nhiên họ không hề có kỹ năng nào trong thực tế, như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng sáng tạo, kỹ năng quản lý…Người có bằng cấp mà không xài được, vẫn thất nghiệp là vì vậy.

Cho nên, khi các bạn về sinh hoạt với Funny Home, cô Kim gần như là rèn luyện lại cho các bạn những kỹ năng ấy qua các buổi lao động, làm từ thiện, qua cách tiếp xúc với nhau, với người bên ngoài, qua các buổi học giáo lý, học cắm hoa, nấu nướng, dã ngoại… Các bạn nghĩ lại xem có đúng không? Mỗi một hoạt động đều làm các bạn trưởng thành hơn một chút. Và tất nhiên, phải chịu nghe cô Kim la rầy, uốn nắn, khuyên lơn. Bạn nào lười, hoặc hay giận hờn, thì sẽ bật ra. Còn những bạn nào chịu được sự nghiêm khắc, kỷ luật, có trái tim yêu thương, cầu tiến, thì đã trở thành những người giỏi kỹ năng, sau này không lo khi đi làm việc.

Cô Kim đang huấn luyện cho bạn Thảo viết dự án về Lễ hội ẩm thực chay sắp tới. Bạn nào muốn thử viết thì gọi cho cô Kim và cung cấp email, cô sẽ chuyển bản dự án mẫu cô viết trước đây cho các bạn, trên cơ sở đó các bạn viết lại theo chủ đề mới là Lễ hội ẩm thực chay. Nhiều bạn cùng viết, thử xem ai viết khá nhất. Đó là “bài tập”, cố gắng làm đi nhé. Một cơ hội rèn luyện, khỏi tới trung tâm đóng tiền học kỹ năng. Họ cũng dạy những điều mà cô Kim đã dạy cho các bạn, nhưng họ chỉ có lý thuyết, còn ở đây mình có thực tế để giải quyết trực tiếp, mình tiến bộ rõ hơn phải không nào!

Ra mắt nhóm kỹ năng thực hành xã hội
03/11/2011 20:07
Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM vừa ra mắt nhóm Kỹ năng thực hành xã hội nhằm rèn luyện kỹ năng sống cho các bạn trẻ.
Quá trình rèn luyện được chia thành 4 bậc gồm các nội dung: Kỹ năng sống (Kỹ năng giao tiếp, tư duy tích cực, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý thời gian…), hiểu biết về lịch sử - văn hóa Việt Nam, kỹ năng hoạt động dã ngoại và rèn luyện đạo đức.

Lê Thanh (Thanh Niên)

Thiếu trầm trọng lao động có kỹ năng
17/11/2011 0:02

Đây là kết quả khảo sát được Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) và Manpower Group (Tập đoàn đa quốc gia cung ứng dịch vụ nhân lực) công bố ngày 8.11 tại Hà Nội.

Theo các chuyên gia, sự thiếu hụt lao động (LĐ) kỹ năng sẽ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh quốc tế của Việt Nam (VN) trong tương lai.

4/6 nhóm ngành nghề chính thiếu hụt LĐ

Các doanh nghiệp (DN) tham gia điều tra của Manpower cho biết VN gặp phải tình trạng “thiếu hụt lao động cao” tại 4 trong số 6 nhóm nghề chính là: lao động giản đơn, quản lý, kỹ sư và LĐ có kỹ năng đơn giản. Bên cạnh đó còn thiếu hụt lao động ở mức độ nhẹ tại nghề dịch vụ khách hàng và thiếu hụt mức độ trung bình ở nhóm kỹ thuật viên.

Ngoài ra, các doanh nghiệp ở các ngành (khai khoáng và xây dựng, chế tạo, vận tải và thiết bị, bán buôn và bán lẻ, dịch vụ, tài chính, bảo hiểm và bất động sản) cũng gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động. 500 DN được khảo sát cho rằng có khoảng 23% LĐ không đủ khả năng mà DN cần; 35% không có khả năng đáp ứng yêu cầu của DN.

Đáng chú ý cuộc điều tra đã tìm ra nhiều “điểm mù” - những nhóm kỹ năng bị bỏ qua chỉ vì không được coi là nhu cầu cấp bách gồm: ngoại ngữ, hiểu biết cơ bản về quản lý tài chính, khả năng sáng tạo, kỹ năng vi tính và khả năng tạo động lực cho bản thân.

Các kỹ năng trên đang trở nên ngày càng quan trọng để các DN tạo ra sự khác biệt và tăng khả năng cạnh tranh. Đây là điều mà các DN VN cần điều chỉnh chiến lược đào tạo nhân viên, nhất là ở cấp điều hành, nơi sự thiếu hụt kỹ năng khá nghiêm trọng nhưng chưa thực sự được đánh giá đúng.

Theo bà Phạm Chi Lan - nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, sự thiếu hụt các kỹ năng cơ bản là một trong những trở lực chính đối với khả năng cạnh tranh của VN trong nền kinh tế toàn cầu. Còn ông Lee Chon-kin, Chủ tịch Phòng Thương mại Hàn Quốc tại TP.HCM cho biết tình trạng thiếu LĐ có kỹ năng chính là một trong những nguyên nhân khiến một số công ty Hàn Quốc không thể nâng cấp nhà xưởng máy móc tại VN. “Chúng tôi muốn đưa máy móc hiện đại vào VN nhưng không tuyển được đủ số kỹ thuật viên để vận hành. VN cần thêm trường đào tạo cho người lao động, kể cả những kỹ năng cơ bản nhất”, ông Lee Chon-kin nói.

Vẫn có tiềm năng phát triển

Mặc dù thiếu hụt về chất lượng nhưng chi phí nhân công thấp vẫn là lợi thế để thu hút đầu tư. Các nhà quản lý vẫn tin tưởng VN có tiềm năng phát triển rất lớn. 7/10 DN cho biết họ vẫn coi VN là một điểm kinh doanh tốt và 3/4 số người cho hay họ sẽ chọn kinh doanh tại đây.

Theo PGS-TS Nguyễn Bá Ngọc, Phó viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội, năng lực quản lý, năng lực triển khai thực hiện, năng lực sáng tạo… của lao động VN đều yếu. Gần đây nhất, năng lực cạnh tranh quốc tế cũng đã bắt đầu tụt hạng. Với lợi thế nhân công thấp, VN còn khoảng 5 năm để duy trì lợi thế cạnh tranh trước các nền kinh tế mới nổi khác trên thế giới. Do đó, nhóm nghiên cứu cho rằng VN cần tích cực hơn trong việc phát triển lực lượng LĐ, đánh giá nhu cầu và quan trọng là điều chỉnh chiến lược để cải thiện sự thiếu hụt nghiêm trọng hiện nay. Cụ thể, cần cải thiện kỹ năng cơ bản thường được học tập tại trường như: kỹ năng giao tiếp, vi tính, vận hành máy móc và kỹ năng chuyên biệt khác có thể được trang bị tại các trường dạy nghề hoặc các khóa đào tạo ngay tại nơi làm việc.

Để cạnh tranh thành công trong tương lai,  ông Goran Hultin, Chủ tịch Caden, Tập đoàn Manpower khuyến nghị: “Hệ thống giáo dục VN cần được cải thiện trước tình trạng không thể trang bị cho lực lượng LĐ các kỹ năng đầy đủ và yếu kém so với hệ thống giáo dục của nhiều quốc gia trong khu vực”.

Thu Hằng (Thanh Niên)


Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

Hạn chế bán rượu, bia

 Hạn chế bán rượu, bia
Thứ Tư, 16/11/2011 00:05

Phải cấm quảng cáo và hạn chế tình trạng bán rượu, bia tràn lan như hiện nay mới mong tránh được những vụ tai nạn giao thông kinh hoàng
Nhiều đại biểu trong nước và quốc tế đã nhận định như vậy tại hội thảo Nâng cao hiệu quả công tác phòng chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ uống rượu, bia diễn ra tại Hà Nội ngày 15-11.

2,5 tỉ lít bia/năm

Theo ông Graham Harrison, quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, uống rượu, bia rồi điều khiển phương tiện giao thông là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông tại Việt Nam. Ông Lê Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ GTVT, cho biết chi phí để khắc phục hậu quả do lạm dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông mỗi năm vượt xa kinh phí đóng góp từ ngành đồ uống có cồn.

TS Nguyễn Văn Tiên (đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang) cho rằng người Việt Nam đang có xu hướng uống nhiều rượu, bia hơn. Nếu năm 2006, người Việt Nam uống bình quân 18 lít bia/năm thì đến năm 2010, con số này đã tăng lên 29 lít. Hiện nay, có gần 500 cơ sở sản xuất bia với sản lượng khoảng 2,5 tỉ lít/năm và dự kiến tăng lên 4 tỉ lít vào năm 2015.

Sắp tới, lực lượng CSGT sẽ tăng cường túc trực tại các quán bia, rượu để kiểm tra nồng độ cồn

Bên cạnh đó là gần 350 triệu lít rượu/năm, trong đó hơn 1/3 sản xuất từ nhà máy, số còn lại sản xuất từ các hộ gia đình. “Độ tuổi trung bình uống rượu, bia của người Việt Nam là 24; 15% dân số thường xuyên uống rượu (10,2% nam giới uống rất nhiều, 5,7% nghiện nặng…). Năm 2010 có tới 87,3%  nam giới uống rượu; 60% bạo lực gia đình từ người say rượu. Hơn nữa, việc sử dụng rượu trong nước ít dần, thay bằng sử dụng rượu ngoại, bia ngoại tăng lên đáng kể. Điều này đang làm nghèo đất nước và hại sức khỏe của người Việt” - ông Tiên thẳng thắn.
“Hành vi ấy phải được xử lý nghiêm khắc hơn nữa: tù giam, hạn chế áp dụng cho hưởng án treo, tước giấy phép lái xe vĩnh viễn. Đồng thời, cần bổ sung chế tài hình sự trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng đối với người say rượu đi bộ, điều khiển xe thô sơ gây tai nạn…” - ông Đặng Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Lý lịch Tư pháp Quốc gia (Bộ Tư pháp), nêu quan điểm.

Hạn chế bán trong nhà hàng

Theo TS Nguyễn Văn Tiên, Chính phủ đang giao Bộ Y tế chủ trì xây dựng chính sách quốc gia về phòng chống lạm dụng rượu, bia; dự kiến sau năm 2015 sẽ có Luật Phòng chống lạm dụng rượu, bia. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đang chuẩn bị soạn thảo nghị định về quản lý, phân phối rượu, bia… Ông Tiên cho rằng các quy định cần đồng nhất, đi tới thống nhất cấm công chức, viên chức uống rượu trong giờ làm, cấm sử dụng rượu, say rượu ở một số nơi công cộng.

Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt (C67) - Bộ Công an, cho rằng so với yêu cầu thực tiễn, mức xử phạt hiện nay đối với “ma men” chưa  đủ mạnh, vẫn dừng ở mức xử phạt hành chính nên chưa có tính răn đe, giáo dục đối với lái xe. “Pháp luật hiện hành chưa có chế tài cưỡng chế bắt buộc người vi phạm phải thử máu nếu không chấp hành thổi với ống thổi. Điều này gây không ít khó khăn cho lực lượng thực thi pháp luật” - ông Tuấn nói.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng cho biết trang bị phương tiện, máy móc kiểm tra nồng độ cồn còn thiếu nhiều và chất lượng chưa đồng bộ. Máy đo nồng độ cồn mới chỉ được trang bị đến CSGT cấp tỉnh và một vài huyện trọng điểm. “Nếu chưa quy định ngay được thì trước mắt nên quy định tạm giữ hành chính đối với người và phương tiện; áp dụng hình thức xử phạt với mức tối đa khung tiền phạt được quy định và tước giấy phép lái xe không thời hạn” - ông Tuấn đề xuất.

Nhiều đại biểu đồng tình kiến nghị chính quyền địa phương các cấp phải kiểm soát được việc bán và sử dụng rượu, bia tại các nhà hàng, quán ăn nhằm thực hiện theo lộ trình từ hạn chế tới cấm bán tràn lan như hiện nay. “Chỉ nên cho phép một số nhà hàng, quán ăn bán rượu, bia có điều kiện” - ông Tuấn nói.

Nên đưa vào luật cấm quảng cáo rượu, bia

Dựa trên các kết quả thống kê, TS Nguyễn Văn Tiên đưa ra con số  40% tai nạn giao thông là do lạm dụng rượu, bia; 60% xét nghiệm máu ở những người bị chết có cồn.
Để hạn chế tình trạng mua bán rượu gia tăng, ông Tiên đề nghị sắp tới, các cơ quan xây dựng Luật Kiểm soát rượu, bia nên đưa vào nội dung cấm luôn quảng cáo bia, rượu để bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Bài và ảnh: THẾ KHA (Người Lao động)

Có 1 ý kiến
Công Thành
16/11/2011 07:41
Luật của ta rất nhiều nhưng đi vào thực tế không có tác dụng hoặc làm qua loa cho có (cái đó người dân đều biết cả). Ngay chiếm lòng lề đường để buôn bán tràn lan, thậm chí không còn lối cho xe đạp lưu thông nữa.Nhưng đâu thấy bóng CA. Đã cho kinh doanh ăn uống mà hạn chế rượu bia thì làm sao bán cho được. Dân Annam khoái uống rượu ngay chính châu Âu cũng phải sợ. Dân Texas uống một hai ly, còn dân ta một mình cũng uống vài chai, chưa kể gặp bạn bè, đã vậy còn lái xe gắn máy hoặc xe con. Đúng là coi thường pháp luật và cái chết tựa lông hồng. Phải có hành động thật nghiêm khắc của pháp luật và chế tài cứng rắn cho các đệ tử lưu linh nầy thì mới mong tai nạn giao thông và những cái chết oan uổng sẽ giảm phần nào.

Cô Kim: Nguồn thuế lớn lao thu được từ rượu bia, thuốc lá, casino, game oline đã làm nhà nước "tối mắt", mà quên rằng chính những cái đó đã giết chết bao nhiêu thế hệ thanh thiếu niên, để lại hậu quả khắc phục còn tốn kém hơn. Đụng xe, bệnh tật, đánh lộn, đâm chém, tù tội, bạc nhược... tính ra tiền thử xem có hơn tiền thuế đó không.

Nên giảm giờ làm, tăng thời gian nghỉ thai sản

GÓP Ý SỬA ĐỔI BỘ LUẬT LAO ĐỘNG
Nên giảm giờ làm, tăng thời gian nghỉ thai sản
Thứ Tư, 16/11/2011 07:05

“Ngay cả đại biểu Quốc hội, 1 tuần chỉ họp 40 giờ, nếu tăng lên 48 giờ thì nhiều đại biểu đã không đồng tình, huống chi người lao động đã làm việc 48 giờ/tuần rồi mà còn tăng giờ làm thêm lên đến 360 giờ/năm nữa là không thể chấp nhận”. Ông Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh điều này khi trao đổi với phóng viên báo Người Lao Động về một số vấn đề cơ bản trong dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi.

Làm thêm giờ quá sức, tiền lương thấp là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, ngừng việc

 * Phóng viên: Xin ông cho biết, quan điểm của Tổng LĐLĐ Việt Nam về thời giờ làm việc của người lao động trong dự thảo Bộ Luật Lao động (BLLĐ) sửa đổi?

- Ông Đặng Ngọc Tùng: BLLĐ năm 1994 quy định mỗi ngày làm việc 8 giờ, mỗi tuần 48 giờ. Quy định như vậy tại thời điểm đó là phù hợp. Sau 17 năm thực hiện, đến nay, Quốc hội đã ban hành thêm nhiều luật khác, trong đó có Luật Cán bộ Công chức, Luật Viên chức, thời giờ làm việc được rút ngắn 1 tuần còn 40 giờ. Do đó, tôi kiến nghị Quốc hội nghiên cứu rút ngắn thời giờ làm việc của người lao động xuống 44 giờ mỗi tuần. Người lao động (NLĐ) được nghỉ chiều thứ 7 để phục hồi sức khỏe và có thời gian chăm sóc gia đình, nâng cao dần mức hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần.

* Ông có đồng ý với việc dự thảo BLLĐ sửa đổi quy định thời giờ làm thêm tăng từ 200 giờ lên đến 360 giờ?

- Tôi hoàn toàn không đồng tình với quan điểm của Ban soạn thảo tăng giờ làm thêm lên đến 360 giờ/năm. Hiện nay, vì lương trả cho họ quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống nên buộc lòng họ mới chấp nhận làm thêm giờ. Hãy đặt mình vào vị trí của NLĐ sẽ thấy rõ điều đó. 

* Ý kiến của ông về thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ như thế nào?

- Chúng tôi rất tán thành quan điểm cho rằng cần phải tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ lên 6 tháng. Điều này rất quan trọng vì bảo đảm sức khoẻ của lao động nữ và trẻ sơ sinh chẳng những phù hợp với khuyến nghị của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) mà còn phù hợp với nguyện vọng của đa số lao động nữ khi sinh con. Ai cũng biết, những năm đầu đời của trẻ sơ sinh rất quan trọng, nếu bé được chăm sóc tốt trong vòng tay yêu thương của mẹ, không bị ốm đau sẽ là cơ sở cho sự phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần cho bé sau này. Vì tương lai của cả một thế hệ, chúng ta không nên tiếc gì vài tháng nghỉ thêm của lao động nữ.

* Theo ông, vấn đề bình đẳng giới trong tuổi nghỉ hưu có đồng nghĩa với việc nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên 60 như nam giới?

- Được nghỉ hưu, được nhận sổ hưu là quyền lợi là nguyện vọng của mọi người lao động. Nếu chúng ta máy móc đưa tuổi được nghỉ hưu của lao động nữ lên 60 là vô tình tước đi quyền được nghỉ hưu, được nhận sổ hưu của nhiều triệu lao động nữ, nhất là những người đang lao động chân tay ở các nhà máy, xí nghiệp hầm mỏ, nhất là trong ngành dệt may, da giày, thủy hải sản, hầm lò, khai thác khoáng sản, cao su… Thậm chí những ngành nặng nhọc độc hại còn cần phải giảm tuổi nghỉ hưu của lao động nữ xuống 50 mới phù hợp. Do đó, tôi tán thành quan điểm của ban soạn thảo về độ tuổi nghỉ hưu của lao động nữ.

Quy định rõ ràng về tiền lương để hạn chế tranh chấp

Về vấn đề tiền lương, mức lương tối thiểu, thang lương, định mức lao động, ông Đặng Ngọc Tùng cho rằng, nếu vấn đề này không được quy định rõ ràng trong luật thì rất dễ dẫn đến tranh chấp lao động, đình công. Thời gian qua, quy định mức lương tối thiểu đã thấp mà người sử dụng lao động còn chia nhỏ tiền lương dưới dạng phụ cấp, dẫn đến việc đóng bảo hiểm xã hội với mức lương thấp, gây rất nhiều bất lợi cho người lao động khi thụ hưởng chính sách thất nghiệp, thai sản, ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và chế độ hưu trí sau này.

Về vấn đề thỏa ước lao động tập thể, đây là một khế ước rất quan trọng trong quan hệ lao động; là cơ sở giữ cho quan hệ lao động hài hòa, ổn định. Vừa qua, tuyệt đại đa số các cuộc tranh chấp lao động hoặc đình công xảy ra ở các doanh nghiệp chưa có thoả ước lao động tập thể. Do đó, cần quy định, tất cả các doanh nghiệp có từ 20 lao động trở lên, khi đi vào hoạt động sau 3 năm phải có thỏa ước lao động tập thể. Điều này cũng phù hợp với xu thế của các nước tiên tiến trên thế giới.

Lệ Thủy thực hiện (Người Lao động)

Tiến trong game online, lùi trong số phận

Tiến trong game online, lùi trong số phận

TTO - Nhiều người cho rằng game online là một loại ma túy số. Riêng tôi, tôi thích coi game online là thuốc lá hơn.

Khi các nhà khoa học tiến hành một nghiên cứu về ếch, họ đã có một thí nghiệm rất thú vị.

Ban đầu, họ ném những chú ếch vào một thùng nước nóng, theo phản xạ bản năng, những chú ếch nhảy ngay ra khỏi thùng nước.

Tiếp tục, họ lại đặt đàn ếch vào một thùng nước lạnh. Lần này, đàn ếch ngoan ngoãn nằm yên trong thùng nước. Các nhà khoa học tăng dần nhiệt độ của thùng nước bằng cách đốt lửa dưới đáy thùng. Nước ấm dần, đàn ếch vẫn lim dim mắt, tận hưởng cuộc sống và không hề động tĩnh gì. Đàn ếch thoải mái đánh một giấc ngon lành mà không nhận thấy sự nguy hiểm đang tăng lên. Nhiệt độ thùng nước ngày càng cao… đến khi nóng quá, các chú ếch muốn nhảy ra thì ôi thôi, chúng đã không thể nhúc nhích được nữa.

Mê game online và sống buông thả là những con đường đưa giới trẻ tới tội phạm - Ảnh: T.T.D.

Tất cả chúng ta đều biết tác hại của thuốc lá. Thuốc lá gây ra rất nhiều chứng bệnh về phổi, viêm phế quản… và đặc biệt là ung thư (một vấn nạn của toàn cầu) nhưng phần đông trong chúng ta vẫn hút thuốc lá hằng ngày.

Chúng ta viện dẫn rất nhiều lý do để tự bào chữa cho bản thân. Nào là tôi bị stress, đây là thói quen hằng ngày của tôi, không thể bỏ trong ngày một ngày hai… Nhưng theo tôi, có lẽ nguyên nhân quan trọng nhất là vì chúng ta chưa bị bệnh vì thuốc lá. Chúng ta vẫn khỏe khoắn, chúng ta vẫn tự huyễn hoặc bản thân mình rằng ngày đó sẽ còn rất xa. Chúng ta giống những chú ếch đang ngồi trong một cái nồi đun nóng.
Game online có khác gì so với thuốc lá? Tôi từng là một người nghiện game online, có thể bỏ hàng giờ liền để chơi game online. Tôi biết rất rõ tác hại của game online (tôi là lập trình viên, tốt nghiệp một trong những trường đại học hàng đầu ở phía Nam) nhưng tôi vẫn chơi game hằng ngày. Tôi thường tự nhủ mình còn trẻ, còn nhiều thời gian. Việc hôm nay không làm thì để ngày mai hãy làm, còn game thì không thể trì hoãn được.

Và đến hôm nay nhìn lại, tôi đã gặt hái được những gì từ game? Một công việc bình thường, một trình độ trung bình không xứng với năng lực. Nhưng đó không phải là điều quan trọng mà quan trọng nhất là tôi đã đánh mất khát vọng, ước mơ của mình (những bạn hằng ngày chìm đắm trong game có thể hiểu điều này, trong đầu chúng ta chỉ toàn game và game). Một ngày trong game, chúng ta không tham gia, nhân vật của chúng ta sẽ thua kém rất nhiều. Vậy thì một ngày, một tháng hay một năm, chúng ta không cố gắng trong học tập và công việc, liệu rằng chúng ta đã để lỡ bao nhiêu cơ hội rồi, chúng ta đã thua kém bạn bè mình biết bao nhiêu lần rồi?

Cuộc sống chúng ta rất hữu hạn, không thể lãng phí hơn nữa nên tôi từ bỏ game. Tôi đã lãng phí nhiều thứ (tuổi trẻ, khát vọng…), tôi đã đi lùi so với chính mình. Nhưng thật may mắn vì tôi quyết định dừng lại. Tôi vấp ngã nhưng tôi đứng lên.

Gửi các bạn, tôi viết ở đây không phải là dành cho các bạn mà là dành cho chính bản thân mình. Tôi không khuyên các bạn điều gì cả vì không ai có thể bắt các bạn làm điều mình không muốn (điều này rất hiển nhiên phải không). Các bạn có thể chơi game bao nhiêu tùy thích nhưng đến một ngày, khi các bạn cảm thấy chán chường mệt mỏi, các bạn có thể đọc lại bài viết của tôi và có những hướng đi đúng đắn cho bản thân mình.

Gửi các nhà phát hành game, các ngài có thể tạo ra một lợi nhuận khổng lồ từ game  (đóng góp thuế rất nhiều), nhưng các ngài đang giết chết nhiều thế hệ, hàng triệu người. Đừng biện luận rằng lý do này lý do kia. Khi lên Google, chúng ta có thể thấy rất nhiều trường hợp đau lòng vì game. Khoản lợi nhuận đó có thể bù đắp được không?

SEA (TUổi Trẻ)