Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012

“Cậu ấm” đi săn cướp

“Cậu ấm” đi săn cướp
Thứ Sáu, 27/01/2012 23:40
(NLĐO) - Ngày tết trong khi những cậu ấm cô chiêu khác mải mê du xuân bằng “xế hộp” thì có một số thanh niên xuất thân từ gia đình giàu có lại cưỡi xe máy hứng bụi, dầm nắng ngoài đường để bắt cướp giúp dân. Họ là “hiệp sĩ” Bình Dương!
Năm vừa qua, các “hiệp sĩ” đường phố được một tờ báo điện tử bình chọn là nhân vật của năm. Nhắc đến “hiệp sĩ” chúng ta thường nghĩ đến những thanh niên chạy xe ôm hay những chàng “thợ đụng” thích hành hiệp. Ít ai ngờ nhiều chàng “hiệp sĩ” Bình Dương nổi danh khắp nước lại là những cậu ấm xuất thân từ những gia đình giàu có.

Không thích phô trương!

“Cướp! cướp!”, sáng mùng 3 tết  tôi nghe tiếng tri hô vang vọng trên đường Huỳnh Văn Lũy, thị xã Thủ Dầu Một Bình Dương. Bất ngờ từ đâu 4 chàng “hiệp sĩ” của CLB Phòng chống tội phạm phường Hiệp Thành (thị xã Thủ Dầu Một) phóng “ngựa sắt” đuổi theo kẻ cướp.

Chỉ thoáng nhìn, tôi đã nhận ra người dẫn đầu nhóm “hiệp sĩ” trong cuộc rượt đuổi trên là Trần Hoàng Anh, một trong các “hiệp sĩ” nổi danh nhất Bình Dương với hàng trăm lần bắt trộm cướp. Ngày tết mà anh chẳng khác gì ngày thường: vẫn diện chiếc áo pul rẻ tiền màu cà phê, chiếc quần rin tối sẫm, cưỡi chiếc dream cũ với khuôn mặt  đen đúa, phong trần. Sau màn rượt cướp nghẹt thở, Hoàng Anh thấy tôi nên mời về nhà chơi. Quen nhau gần hai năm, gặp nhau cả trăm lần nhưng giờ này tôi mới biết chàng hiệp sĩ có bề ngoài giống chàng chạy xe ôm này là chủ một quán cà phê sân vườn rộng lớn, thoáng đạt, nằm gần thành phố mới Bình Dương. Một người bạn thân của Hoàng Anh kể anh gia đình anh vừa thu lại hơn 3 tỷ đồng sau khi bán một căn nhà nằm ở trung tâm thị xã Thủ Dầu Một.

Cũng ít ai ngờ “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải (Trưởng CLB Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa, thị xã Thủ Dầu Một) - chàng trai hơn 5 lần bắt được đinh tặc, từng bị cướp đâm vào lưng, từng được chủ tịch nước tặng huân chương chiến công vì hàng trăm lần dũng cảm bắt tội phạm lại là một đại gia thứ thiệt. Với cách nói chuyện rề rà, ăn mặc giản dị, thường chỉ uống cà phê vỉa hè, Hải làm tôi lầm tưởng anh là con nhà nông. Đến khi “đột nhập” vào nhà anh, tôi mới ngớ người vì anh đang sở hữu ô tô xịn, sống cùng vợ con  trong một căn nhà khang trang ngay trung tâm thị xã Thủ Dầu Một. Khi tôi hỏi: “Suốt ngày đi bắt cướp, anh nuôi vợ con bằng gì?” – Hải không nói chỉ cười tủm tỉm. Sau này, thông qua nhiều người tôi mới biết, bố mẹ Hải giàu có để lại cho anh nhiều ki ốt trên Đại lộ Bình Dương để cho thuê, hàng tháng anh thu về không dưới 50 triệu đồng.

Hệp sĩ nguyễn thanh hải và con gái

Thật ra, không như mọi người lầm tưởng, rất nhiều hiệp sĩ ở Bình Dương giàu có. Có thể kể thêm “hiệp sĩ” Lương Đức Túy  là chủ của một nhà hàng rộng hàng ngàn mét vuông trên Đại lộ Bình Dương, “hiệp sĩ”  Lương Văn Hóa là chủ một nhà nghỉ, nhiều “hiệp sĩ” khác sở hữu nhiều hecta cao su, hàng chục phòng trọ cho thuê...

Tiền tỉ không làm mờ mắt!

“Hiệp sĩ” Lương Văn Hóa tâm sự do kinh tế ổn định nên anh và các “đồng nghiệp” khác mới đủ khả năng hành hiệp từ năm này sang năm khác. Ngoài ra, cũng do không bị cơm áo gạo tiền chi phối nhiều nên  các anh cũng dễ dàng chiến thắng được cám dỗ. Quả thật, đã nhiều lần nhặt được vàng bạc với số lượng lớn nhưng các “hiệp sĩ” vẫn giữ được sự “hồn nhiên” vốn có. Mới đây nhất ngày 27-12 - 2011, “hiệp sĩ” Hóa và một số “hiệp sĩ” khác đã nhặt được một bao vải chứa hơn 1,5 tỷ đồng cùng 2 lượng vàng do kẻ trộm vứt xuống suối trong lúc bị các anh truy đuổi. Toàn bộ số tiền đã được các anh mang về giao công an huyện Bến Cát để bàn giao lại cho chủ nhân là anh Lê Anh Tiến (xã Tân Định, huyện Bến Cát). Anh Tiến mừng nghẹn kể lại đây là số tiền mình vừa rút ngân hàng về chưa kịp trả nợ thì bị kẻ trộm đột nhập cuỗm mất.

Cách đây khá lâu, “hiệp sĩ” Trần Ngọc Cường, CLB Phòng chống tội phạm phường Hiệp Thành cũng đã nhặt được trên đường một bọc tiền 4 tỷ đồng và sẵn lòng trả lại ngay cho chủ nhân và từ chối nhận tiền hậu tạ.

Quả thật, ngày nay tìm được những người “chê” tiền tỷ đã hiếm, tìm được người giàu mà thích khoác chiếc áo bụi bặm, lăn lộn giữa đời để bảo vệ công lý như các anh thì lại càng hiếm hơn! Khi được hỏi, quan niệm sống của các anh là gì?, trong không khí năm mới, hiệp sĩ Trần Hoàng Anh chia sẻ: “Hãy cho đi, tất sẽ lại”!
 Như Phú (Người Lao Động)

Hội làng tràn lan cờ bạc

Hội làng tràn lan cờ bạc
TTO - Những ngày đầu năm Nhâm Thìn, khi về quê nội dự hội làng thôn La Cả, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh (Hà Nội), tôi được chứng kiến một khung cảnh lễ hội thật buồn tẻ, nhốn nháo khi lễ thì ít mà “hội” cờ bạc và các trò sát phạt nhau thì nhiều.

Từ khu trung tâm của lễ hội là sân đình tới khắp các nẻo đường làng đâu đâu cũng thấy xuất hiện các chiếu cờ bạc nhóm họp và người dân của làng từ trẻ tới già, từ đàn bà, phụ nữ tới cánh đàn ông trung niên… đều xúm đông xúm đỏ chơi các trò cờ bạc sát phạt nhau.

Người ta bảo nhau mấy ngày lễ hội cứ chơi bạc công khai và thoải mái mà không sợ công an hay bảo vệ bắt. Chính vì thế không chỉ chơi bạc ngoài sân hội, ngoài đường làng, hầu như gia đình nào cũng “dựng” lên một vài hội bạc tại sân nhà để chơi thâu đêm.

Những hội bạc tại gia như vậy thường là các cụ già ngồi nhà chơi vì các cụ ngại ra đường đánh bạc. Mặc dù số tiền qua các ván sát phạt nhau không nhiều, song cụ nào cụ nấy đều ham mê lắm.

Cánh thanh niên thì khỏi phải nói, khi họ chơi “hết mình”, thậm chí... cháy túi mới thôi! Ngay như mấy chị, mấy bà vốn chất phác nông thôn chân lấm tay bùn quanh năm vậy mà những ngày hội xuân cũng bị trò đỏ đen lôi kéo vào cuộc, nên nhiều người tặc lưỡi “thả” vài ngàn cho tới vài chục ngàn để rồi… hi vọng!

Buồn nhất là đám trẻ nhỏ khi thấy ông bà, bố mẹ, anh chị chơi bạc và rồi chúng cũng bắt chước chơi mà không sợ bị nói, bị cấm, bởi chính người lớn đã không làm gương thì còn nói được ai, cấm được ai nữa đây (?!)

Chẳng riêng gì hội làng quê tôi mà hầu như ở tất cả lễ hội làng, xã tại nhiều địa phương mà tôi có dịp tham dự thì hội ở đâu cũng na ná nhau, khi trò đánh bạc luôn tràn lan khắp cả. Nghĩ mà buồn khi các trò chơi dân gian truyền thống của ngày xưa như bịt mắt bắt dê, đập niêu đất, tung vong cổ chai, pháo đất... vui là vậy, hay là thế và thu hút nhiều người đi hội lại gần như vắng bóng, thay vào đó là quá nhiều hình thức trò chơi biến tướng nặng mùi cờ bạc.

Chúng ta đều biết cờ bạc là một loại hình tệ nạn xã hội nguy hiểm khi hậu quả của nó là tan cửa nát nhà, là gia cảnh ly tán, thậm chí tù tội… Thế mà không hiểu sao mọi người vẫn cứ lao vào như những con thiêu thân để tự “đốt” đời mình!

Để ngăn chặn được phần nào hậu họa của nhiều loại hình cờ bạc, cũng như không làm hỏng những lớp người trẻ, nhất là các em học sinh, mong rằng chính quyền các địa phương cần phải nghiêm khắc hơn nữa trong việc khắc chế các tệ nạn nói chung và nạn cờ bạc nói riêng. Ngay cả trong các dịp lễ hội của làng, xã, vùng miền cũng không được “lỏng tay”, bởi chính những dịp như thế này cờ bạc mới càng bung ra, tràn lan, công khai lộ liễu đầy đường làng ngõ xóm.

GIA LONG (Hà Nội) (Tuổi Trẻ)

Cơ quan chức năng có biết?
28/01/2012 22:22:17
Tình trạng này theo như tôi biết là hầu như ở lễ hội xuân nào cũng có hết. Các loại hình cờ bạc này có nơi công khai, có nơi dựa vào các trò chơi có thưởng và sát phạt thắng thua rất lớn. Đặc biệt là ở các hội chợ hầu như không còn là những trò chơi thắng thì nhận quà mà thay vào đó là đặt bằng tiền và thắng bằng tiền. Ở quê rất ít có được những cơ hội vui chơi nhưng cứ trá hình như vầy thì không thể goi là giải trí cho nhân dân cả. Tôi rất thắc mắc là các cơ quan chức năng ở các địa phương có biết không?
TRẦN HẢI NGUYÊN

Ở Sài Gòn cũng vậy
Ngay trước cửa nhà tôi năm nào cũng có mấy sòng bạc “mở” từ trước tết nửa tháng và sau tết nửa tháng vẫn còn chơi tiếp. La hét ồn ào, chửi thề inh ỏi, nói tục không kể gì. Chơi hầu như suốt ngày, giờ nghỉ trưa cũng um sùm không để thiên hạ ngủ. Công an khu vực chạy qua thì họ đứng lên, nhưng khi chú công an đi rồi thì họ ngồi xuống tỉnh bơ chơi nữa. Cực kỳ chán!

Văn hóa xuống cấp thì người ta sinh hoạt như thế, công an có mấy cái chân cũng đi không xuể trong một khu phố rộng mấy trăm hộ. “Hiệu quả” của những năm không coi trọng giáo dục và văn hóa, đã sản sinh ra những thế hệ như vậy. Ngay bây giờ cũng chưa coi trọng văn hóa, vẫn xây nhà hàng, khách sạn nhiều hơn nhà văn hóa, rạp hát, rạp phim. Thử về tỉnh xem có bao nhiêu thị xã còn giữ lại rạp chiếu phim? Và đâu còn những đoàn phim lưu động chiếu miễn phí cho dân xem như hồi tôi còn nhỏ? Nói thật, đa số dân mình không đủ tiền để ăn tết, đừng nói bỏ ra 70.000đ mua vé xem phim, hoặc 100.000đ mua vé xem kịch. Vậy cả nhà từ cha mẹ tới con cái chỉ cần có bộ bài 5000đ là giải trí suốt mùa tết. Ăn chơi cho vui mỗi sòng vài ngàn đồng là đủ. Từ tuổi thơ như vậy, đứa bé lớn lên 16 tuổi là đã nghiện bài bạc, trở thành những con bạc thô lỗ, ồn ào như tôi vừa kể. Con đường hình thành nhân cách là thế đó.

Lỗi tại ai? Tại mỗi gia đình hay tại nhà nước? Có cả hai.
CÔ KIM

Nợ một câu trả lời

Nợ một câu trả lời
28/01/2012 1:13
Cách đây ít lâu, tôi dạy bài “Nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống”. Cuối tiết, khi tôi đang ký sổ đầu bài thì có tiếng nói: “Thưa thầy, em có ý kiến”.

Tôi nhìn xuống và nhận ra em X., một học sinh thường có những bài văn trên 8 điểm và bị nhiều thầy cô cho là hay phát biểu “linh tinh”. Tôi cũng nhận ra ba mươi mấy học trò im lặng một cách bất thường thay vì ồn ào dọn dẹp sách bút để rời khỏi lớp như mọi hôm. “Em cứ nói”, tôi khuyến khích.

Em X. đã nêu lên một “hiện tượng đời sống” rằng có một số thầy cô mở lớp dạy thêm. Bạn nào ghi tên theo học thì điểm kiểm tra miệng và viết toàn khá giỏi, thậm chí có bạn thuộc loại lơ ngơ “toàn diện”, bạn bè hỏi gì cũng nói “biết chết liền” mà điểm vẫn cao. Có trường hợp khi giáo viên kiểm tra miệng, học sinh chỉ cần “lí nhí” thôi, vẫn có điểm khá. Ngược lại, những bạn học hành chăm chỉ, nắm kiến thức vững nhưng không theo học thì bị thầy cô ép điểm, thường bị hỏi dồn dập những câu “mở rộng” và “nâng cao” để bắt bí khi kiểm tra miệng, bị xét nét từng chữ một, từng lỗi nhỏ trong bài làm.

 Em hỏi tôi rằng chúng em viết về hiện tượng này có sao không. Viết về những thầy cô ấy mà không dùng những từ “kính yêu”, “quý mến”, “hết lòng”, “tận tụy”, “trong sáng”, “vô tư”, “tình thương”, “trách nhiệm”… như lâu nay chúng em đã từng viết có được không?

 Nói thật, suốt mấy mươi năm dạy học, tôi từng giải quyết được những tình huống sư phạm khó khăn nhưng chưa lần nào tôi lúng túng như lần này. Tôi băn khoăn: lẽ nào mình lại “bật đèn xanh” cho học trò “nói xấu” đồng nghiệp? Tôi cũng không thể bảo các em viết những dòng hoa mỹ về những thầy cô ấy khi thật lòng các em đang bị hụt hẫng, niềm tin về “thần tượng” bị lung lay. Hơn nữa, tôi đã từng nói với các em rằng cốt lõi của văn chương là sự chân thành, văn chương rất xa lạ với sự giả dối.

 Tôi bảo các em là do đã quá trưa, vấn đề lại rất phức tạp và quá “nhạy cảm”. Thầy hiệu trưởng đang chờ nhận hồ sơ lớp để còn khóa cửa văn phòng. Bác bảo vệ đang bồn chồn chờ đóng cổng trường. Lớp mình cứ nán lại sẽ là điều “khó hiểu”. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này vào hôm sau.

 Không biết tôi đã học cách “hoãn binh” từ lúc nào. Tôi rời trường trong tâm trạng nặng trĩu. Học sinh đã tin tưởng trải lòng với tôi về những ưu tư trong chính môi trường sinh hoạt và học tập của mình. Còn tôi thì đang nợ các em một câu trả lời. Hôm sau tôi sẽ nói với các em những gì đây?

Trần Cao Duyên (Thanh Niên)

Mạo hiểm hành hương

Cô Kim: Ngày xưa núi Yên Tử là nơi thanh tịnh, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã tu hành đắc đạo. Dấu chân Ngài chỉ để lại những áng thơ hay, những buổi thiền đẹp đẽ, lặng im mà hòa nhập với đất trời. Còn bây giờ...chao ôi là lũ hậu sinh, ồn ào, bon chen, trần tục. Những kẻ mệnh danh là đi "hành hương" nhưng không mấy người hiểu đạo, chỉ biết đem tiền bạc và những cầu khấn lợi lộc làm hoen ố cửa chùa. Họ đi cho vui, đi với tâm thế cầu cạnh, xem chùa không khác mấy nơi giải trí tầm thường. Kèm với họ, sẽ nảy sinh ra một bọn chợ đen chợ đỏ, y như chùa Hương. Rồi treo thịt mà bán, ăn nhậu ngay chốn linh thiêng. Xã hội phát triển thấy rõ, nhưng đạo cũng lùi xa thấy rõ. Du lịch đã "trần tục hóa" những gì thiêng liêng mà cha ông gìn giữ hàng ngàn năm. Kiếm được đồng tiền từ du lịch, chúng ta phải đánh mất một kho báu khác trong tâm hồn.

Mạo hiểm hành hương
29/01/2012 0:48
Leo lên chùa Đồng trên đỉnh non thiêng Yên Tử chẳng khác nào tham gia một cuộc leo núi nguy hiểm. Hàng ngàn người chen lấn xô đẩy trên con đường mòn cheo leo bên bờ vực sâu hun hút, khi xuống núi vẫn tim đập chân run.


Du khách chen chúc nhau qua khe đá hẹp - ảnh: Lê Quân

Dù tới mùng 10 tháng giêng mới khai hội Yên Tử nhưng ngay từ mùng một tết, mỗi ngày đã có hàng chục ngàn lượt người ùn ùn kéo về đất tổ thiền phái Trúc Lâm trên đỉnh Yên Tử, TP.Uông Bí, Quảng Ninh.

Con đường từ ngã ba nối QL18 vào Yên Tử dài hơn 13 km quanh co với nhiều khúc cua tay áo. Dù mặt đường được thảm khá phẳng nhưng cả quãng đường chỉ có vài chiếc gương cầu. Nhiều đoạn cua gấp xuống vực suối không có gương cầu khiến lái xe giật mình bởi những chiếc xe máy ngược chiều, người lái không đội mũ bảo hiểm, phóng vun vút chém làn đường một cách thản nhiên.

Khác với chùa Hương hay đền Hùng, ở Yên Tử không có (hoặc chưa có) cảnh cờ bạc, vui chơi có thưởng tràn lan, xô bồ. Người ăn xin cũng rất ít… Chùa được đầu tư xây dựng khang trang, khuôn viên xanh mướt, không gian thanh tịnh.
Tuy nhiên, con đường lên đỉnh núi càng đi càng khó khăn, hàng trăm bậc đá lên chùa Hoa Yên quá nhỏ, chỉ vừa già nửa bàn chân khiến những bước chân du khách ngập ngừng, rón rén. Hai bên lan can bậc thang là những con rồng đá, tuy rất đẹp nhưng lại không tiện dụng bởi khách hành hương sẽ rất khó bám được vào gờ trên sống lưng rồng vừa to, vừa cao để đi lên.

Chen lấn bên bờ vực

Những bậc đá dù nhỏ vẫn còn là cung đường lý tưởng nếu so với cung đường cả ngàn mét từ chùa Hoa Yên lên chùa Đồng ở đỉnh non thiêng Yên Tử (cao hơn 1.000m so với mực nước biển). Những bậc thang lát gạch đã hết, người ta làm một số bậc bằng bê tông sỏi cát đắp vào tảng đá. Tuy nhiên, số bậc này quá ít ỏi so với hàng ngàn bước chân rầm rập đùn đẩy, luồn lách, người xô kẻ túm tranh nhau vượt lên phía trước. Người đuối sức đứng lại bên đường thở phì phò, nhưng khốn nỗi đường quá hẹp, người dừng lại cản bước người đi, người lên chen với người xuống tạo ra sự ùn tắc, hỗn loạn và nguy hiểm.

Ông Lê Hoàng Bình, 64 tuổi, ở Dương Kinh, TP.Hải Phòng chỉ vào đầu gối bị sứt sát: “Không ai khuyến cáo người già, trẻ em không nên lên đường như thế này, nên chúng tôi cứ tưởng đi chùa là được thưởng ngoạn, hóa ra toàn người chen người trên dốc đá trơn trượt. Tôi đang leo bị một cậu thanh niên nhảy vù qua, tôi trượt chân té xuống sứt cả đầu gối. Theo tôi, cần làm lại con đường lên chùa Đồng bằng bậc thang rộng và thoải, có lan can như đoạn dưới, chứ để thế này quá nguy hiểm”.

Đứng bên cạnh, chị Trần Thanh Tú, 34 tuổi, ở P.Đại Kim, Q.Hoàng Mai, Hà Nội cùng chồng dắt con 3 tuổi leo lên, mặt tái xanh, thở hổn hển: “Em đi chùa cầu an, ai ngờ lên đây mới biết đi thế này quá dễ gặp tai nạn. Ở đây đã có đường lên, đường xuống riêng, nhưng du khách không biết hoặc cố tình chen vào đi cả hai chiều, đường thì hẹp, chỉ cần một người ngã là sẽ kéo cả chục người lăn xuống những khe đá sâu hun hút thế kia. Ai ngờ đến cửa chùa lễ Phật cũng có khúc tắc đường tới 30 phút”.

Chỗ chị Tú nói bị tắc là ở những khe đá hẹp cao ngang vai người lớn, chỉ vừa cho một người lọt qua. Trong khi đó, cả dòng người đi lên, đi xuống đấu đầu nhau nên không bên nào đi được. Nhiều người bán hàng cho biết, đến khi chính hội, có thời điểm tắc đường đến 2-3 tiếng, dòng người chỉ còn biết đứng dưới trời mưa lạnh để chờ, ai may mắn đứng ở cuối hàng mới có thể quay về.

Nhưng “cuộc đua” leo núi mạo hiểm còn gay cấn đến cả khi về đích. Sau gần 1 giờ toát mồ hôi chen lấn, du khách mới  đến được chùa Đồng trên đỉnh non thiêng. Giữa mây mù, gió thổi hun hút lạnh thấu xương là cả dòng người lao tới sờ tay, thắp nhang, quẹt tiền vào cột chùa, vào khánh, vào chuông để mong được may mắn. Nhưng không như chùa dưới đồng bằng có sân rộng lát gạch, bậc thềm lát đá, xung quanh chùa Đồng là những mỏm, những tảng đá to như một gian nhà, chỉ một cú trượt chân cũng sẽ khiến nạn nhân đập đầu và đá, nhẹ thì gãy chân, nặng thì chấn thương sọ não.

Không gian chật hẹp ấy là điểm đến của cả vạn người, thêm vào đó, ban tổ chức lại không bố trí đường vòng 1 chiều chạy quanh chùa nên con nhang đệ tử, người vãn cảnh hay người cầu danh lợi cũng lao tới từ tứ phía, thậm chí còn luồn qua các khe đá để chui lên sờ cho được tay vào cột, vào kèo bằng đồng nâu bóng. Ba bốn anh thợ ảnh đứng trên các tảng đá hua hua ống kính, gào lên mời khách, gọi khách trả ảnh hay đuổi người đứng trước để chụp ảnh cho khách đứng sau. “Chuyện tai nạn té ngã ở đây chẳng có gì là lạ. Có năm có tới 3-4 vụ du khách té ngã, bị gãy chân hay chảy máu đầu ở đường lên cũng như khu vực đến chùa Đồng này”, một thợ ảnh cho biết.


Dù trời rét, du khách vẫn toát mồ hôi khi lao qua mỏm đá, chạm tay chùa Đồng - ảnh: Lê Quân


Lê Quân - Hải Đăng (Thanh Niên)





Bát nháo ở chùa Hương
28/01/2012 0:48
Hôm nay, mùng 6 tết (28.1), chùa Hương chính thức khai hội, với trên 50.000 người tham dự trong ngày đầu tiên.

Phạt du khách xả rác

''Tôi không thể hiểu vì sao có người lại thiếu hiểu biết rải tiền xuống dưới như vậy. Rải xuống như thế thì cúng cho ai, ai tiêu được?'' - Ông Vũ Nguyên Thìn (Bắc Ninh)

Ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng ban Quản lý khu di tích Hương Sơn (thuộc xã Hương Sơn, H.Mỹ Đức, TP.Hà Nội), cho biết công tác thu gom, xử lý rác và đảm bảo vệ sinh môi trường trong mùa lễ hội năm nay cũng có nhiều nét mới. Cụ thể, UBND H.Mỹ Đức đã đầu tư một lò đốt rác công nghệ Nhật Bản trị giá hơn 10 tỉ đồng. Lò đốt rác này được đặt tại chùa Thiên Trù đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải tại chỗ, hạn chế tình trạng ùn ứ rác, gây ô nhiễm môi trường như từng xảy ra ở các mùa lễ hội trước. Ngoài ra, UBND H.Mỹ Đức sẽ xử phạt những du khách và chủ đò cố ý xả rác trên suối Yến. Theo đó mức xử phạt là 100.000 đồng với lần đầu tiên xả rác. Nếu tái phạm mức phạt sẽ là 300.000 đồng. Qua ghi nhận của Thanh Niên, so với các mùa hội trước, tình trạng xả rác bừa bãi đã giảm hẳn, môi trường suối Yến sạch hơn nhiều. Bên cạnh đó, trên mỗi đò đều có đặt những chiếc xô chứa rác và nhắc nhở du khách không xả rác bừa bãi.

“Nếu không nhắc nhở thường xuyên, chủ đò cũng phải chịu trách nhiệm liên đới. Ngoài ra, đoàn thanh tra cũng thường xuyên tuần tra, kiểm soát ý thức chấp hành của các chủ đò cũng như du khách”, lái đò tên Nguyễn Văn Võ cho biết.
  
Cáp treo quá tải

Lượng du khách đi lễ chùa Hương quá lớn đã gây nên tình trạng quá tải tại khu vực cáp treo từ ga chùa Thiên Trù đến động Hương Tích. Hàng nghìn du khách xếp hàng dài, nhích từng bước một chờ đợi hàng tiếng đồng hồ để tới lượt mình. Khuôn mặt mệt mỏi, chị Đỗ Thị Bích Thủy (Hà Nội) cho biết: “Đứng xếp hàng suốt hai tiếng đồng hồ ở khu vực cáp treo (ga chùa Thiên Trù), tôi và gia đình mãi mới sang được tới động Hương Tích”. Thế nhưng, vừa bước xuống chị đã hoảng hồn khi thấy cảnh người chen người, tắc nghẽn trước cửa động Hương Tích. “Từ ga cáp treo đến cửa động chỉ có vài chục mét, thế mà chúng tôi cứ đứng suốt ở đó hàng tiếng đồng hồ. Một phút mới nhích được một bước. Tôi mệt quá, chỉ sợ bẹp ruột, không đủ sức nữa nên phải quay trở lại”, chị Thủy cho hay và bày tỏ: “Tôi không hiểu sao đường tắc như vậy mà lực lượng công an không hề có mặt ở chỗ ngay chỗ từ cửa ga cáp treo xuống động, mà đứng mãi phía dưới. Tôi cũng băn khoăn là nếu thấy quá đông du khách rồi thì trung tâm cáp treo phải thông báo ngừng bán vé. Chứ để hàng nghìn người đổ vào như vậy, mà động lại nhỏ thì không tắc mới là chuyện lạ”.


 Du khách vật vã xếp hàng, chờ đợi cáp treo

Ông Bùi Đức Duẩn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần vận tải du lịch Hương Sơn, cho biết: Hiện đơn vị này có 45 ca bin cáp treo, mỗi giờ vận chuyển được khoảng 1.300 du khách. Để đáp ứng nhu cầu đi lại trong dịp lễ hội, công ty tổ chức bán vé và hoạt động cáp treo từ 4 giờ sáng. Chưa hết, trong những ngày cao điểm sẽ huy động hơn 100 nhân viên phục vụ. Thế nhưng dịch vụ cáp treo mới chỉ đáp ứng được khoảng 20 - 25% nhu cầu của du khách. Cũng theo ông Duẩn, trong những ngày qua, công ty đã nhiều lần phải tạm ngừng bán vé do lượng khách vào động quá tải. Ông Duẩn đưa ra lời khuyên, du khách ở các khu vực lân cận như Hà Nam, Thái Bình, Vĩnh Phúc… nên đi lễ hội vào buổi chiều. “Du khách có thể bắt đầu khởi hành từ 10 giờ sáng, đến chiều đi lễ chùa. Như vậy, số lượng du khách không tập trung quá đông vào buổi sáng, tình trạng quá tải mới có thể giảm bớt”, ông Duẩn nói.


Hàng vạn du khách trẩy hội chùa Hương

Rải tiền vô tội vạ

Tình trạng rải tiền công đức, tiền giọt dầu bừa bãi, không đúng nơi quy định, làm mất đi sự tôn nghiêm tại khu di tích chùa Hương đã được phản ánh từ nhiều mùa lễ hội trước. Năm nay, tại các đền, chùa, ban quản lý di tích đưa ra giải pháp là dùng tráp hay mâm to để du khách đặt tiền. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cố đút tiền vào tay tượng, dưới chân bệ tượng tại khu vực đền Trình, chùa Thiên Trù. Thậm chí, tại khu vực chùa Thiên Trù, có không ít du khách vô tư ném tiền ngay trước lư hương, đút tiền vào mồm hai con sư tử đứng hai bên mặc dù nhân viên thuộc ban tổ chức lễ hội không ít lần nhắc nhở.

Các nhà quản lý văn hóa đã lên tiếng nhiều về việc người dân rải tiền tại trạm cáp treo Giải Oan, suối Yến. Khi chúng tôi đi theo chuyến hành trình từ ga chùa Thiên Trù tới ga Giải Oan, ngay ở phía dưới, tiền lẻ rải đầy dưới đất, trên nhiều tán lá cây. Ông Bùi Đức Duẩn cho biết ngoài biển cấm rải tiền được đặt tại khu vực ga cáp treo Giải Oan, các nhân viên sẽ thu dọn khi thấy tiền lẻ. “Số lượng nhân viên không thể đủ để luôn luôn túc trực gom tiền, hay nhắc nhở, quan trọng là chính ý thức của du khách”, ông Duẩn nói. Từ trên cáp treo nhìn xuống phía dưới, ông Vũ Nguyên Thìn (Từ Sơn, Bắc Ninh) bày tỏ: “Tôi không thể hiểu vì sao có người lại thiếu hiểu biết rải tiền xuống dưới như vậy. Rải xuống như thế thì cúng cho ai, ai tiêu được? Sao không để vào hòm công đức để nhà chùa còn sử dụng. Vừa thiếu ý thức, vừa lãng phí. Đó không phải là lòng thành khi đi chùa”.


Du khách rải tiền bừa bãi trước cửa chùa Thiên Trù - Ảnh: Sang Hậu

Dịch vụ khấn thuê tại khu vực đền Trình và chùa Thiên Trù chưa xuất hiện, trong khi đó dịch vụ viết sớ rất đắt khách với giá trung bình 15.000 đồng/lần.

Bày bán thịt thú

Cũng qua khảo sát, tại bến Thiên Trù, một hình ảnh không lấy gì làm đẹp mắt, đó là trước cửa hàng loạt những quán ăn được trưng bày rất nhiều những con thú đã được giết mổ và làm thịt. Thậm chí, để thu hút sự chú ý của khách đi lễ chùa, chủ những nhà hàng này còn để nguyên những bộ lông, hay làm thịt ngay tại chỗ. Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Chí Thanh thừa nhận: Việc bày bán, treo móc thịt thú tươi sống gây phản cảm. Ông cho biết Ban Quản lý di tích Hương Sơn đã cho lực lượng kiểm dịch tiến hành kiểm tra và nhắc nhở các chủ quán, nhà hàng. Theo kết quả kiểm tra, hầu hết đây chỉ là thịt thú nuôi nhốt. Do vậy du khách nên thận trọng, để tránh mua phải thịt “thú rừng”, như lời quảng cáo.

Điều đáng nói là tình trạng treo móc, bày bán thịt động vật còn nguyên máu tươi, vô cùng phản cảm giữa chốn linh thiêng đã từng diễn ra trong suốt nhiều mùa lễ hội trước mà không được cải thiện. Phải chăng, thay vì nhắc nhở, nên cần một chế tài nghiêm khắc.

Mỗi ngày đón đến 50.000 du khách
Ông Nguyễn Chí Thanh cho biết: Hiện tại theo con số thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính trong ngày mùng 4 tết đã có tới 36.000 du khách tới chùa Hương, còn trong ngày mùng 5 là trên 45.000 du khách. Trong ngày khai hội, ước chừng sẽ có khoảng trên 50.000 du khách. Cũng theo ông Thanh, năm nay sẽ có 4.500 chiếc đò với hơn 5.000 lái đò sẵn sàng cho mùa lễ hội. Ngoài lực lượng an ninh bảo vệ H.Mỹ Đức, Công an TP.Hà Nội đã cắt cử 82 cảnh sát về tăng cường để giữ gìn trật tự.

Hà An - Ngọc An - Hoàng Phan (Thanh Niên)