Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2011

Lưu manh trong các giá trị

Lưu manh trong các giá trị
Văn đàn Trung Quốc đã tranh cãi về khái niệm “văn học lưu manh” suốt gần hai thập kỷ qua. Có người cho rằng đó là tác phẩm của những kẻ lưu manh khoác áo nhà văn. Người khác cho rằng đó là lối thoát của những cơn trầm uất của xã hội, khi văn học, lý tưởng, đạo đức xã hội, giá trị nhân văn phải đối diện với hiện thực trần trụi, mất đi lớp vỏ mỹ miều của những khái niệm cao quý ấy.
Lưu manh ngày xưa là những kẻ khố rách áo ôm, tính cách đê tiện, ăn mặc rách nát chửi bới tục tĩu trên phố, không đếm xỉa liêm sỉ. Lưu manh ngày nay lại là những kẻ quần chùng áo dài, đeo cà vạt, mang mác trí thức, gặp nhau bắt tay chào cười lịch thiệp và tự tin, thốt ra toàn lời hoa mỹ.
Như thế, khái niệm lưu manh từ chỗ tụt quần áo trần truồng và xả ra ngôn từ rác rưởi, dễ bị nhận diện, đã trở thành lưu manh trong lý tưởng, lối sống, và kinh khủng hơn là lưu manh trong các giá trị, ví dụ như: thưởng thức nghệ thuật xong sẽ đưa ra các lời bình luận thấp kém, phản bác, công kích nghệ sĩ; ngắm tượng Vệ Nữ xong chỉ phát hiện nàng này không mặc quần lót; gặp một cô giáo quên mình cứu học sinh thì chỉ nghĩ giá như cô giáo này làm điếm sẽ kiếm được nhiều tiền hơn; nhìn xã hội phong kiến chỉ thấy niềm vui sướng được ngủ với hàng đàn mỹ nữ mà không bị pháp luật sờ gáy; sống ích kỷ với thú vui bản thân bất chấp đạo đức xã hội lại được coi như đi tìm kiếm cái tôi đích thực, cái tôi cô đơn, khác biệt...
Từ điển văn học online của Trung Quốc đưa ra một định nghĩa, theo đó, văn học lưu manh gần như buộc phải có hai thành tố cốt lõi là sex và báng bổ.
Văn học lưu manh được đông đảo độc giả và nhà phê bình quan tâm, là bởi mỗi tác phẩm đều kéo theo sau nó rất nhiều lời phê phán lẫn tung hô của nhiều hạng người khác nhau trong xã hội. 
TRANG HẠ

Người Mỹ sở hữu máy đọc sách nhiều hơn máy tính bảng

Thứ Sáu, 01/07/2011, 02:11 (GMT+7)
Tin sách
Người Mỹ sở hữu máy đọc sách nhiều hơn máy tính bảng
TT - Người trưởng thành ở Mỹ đang sở hữu số máy đọc sách nhiều hơn máy tính bảng, theo như báo cáo mới của Viện nghiên cứu Pew. Trong tháng 5, số người trưởng thành ở Mỹ sở hữu máy đọc sách chiếm 12%, tăng gấp đôi so với tháng 11-2010.
Đây là lần đầu tiên các thiết bị như Kindle hay Nook tăng hai con số, kể từ khi các nghiên cứu của Pew bắt đầu thăm dò về thiết bị đọc sách từ tháng 4-2009. Các máy tính bảng như iPad, Galaxy Tab và Xoom đều chưa có được con số tăng trưởng như vậy trong cùng thời kỳ.
Tính tới tháng 5-2011, số người trưởng thành ở Mỹ có máy tính bảng là 8%, gần với con số từ tháng 1-2011 (7%). Có 3% người trưởng thành được hỏi cho biết họ vừa có máy đọc sách vừa có máy tính bảng.
H.N. (Theo AFP)
Thứ Sáu, 01/07/2011, 01:57 (GMT+7)
Bangkok: đọc khi di chuyển
TT - Ủy ban Di sản thế giới, Tổ chức Giáo dục - khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) vừa quyết định chọn thủ đô Bangkok của Thái Lan là thủ đô sách thứ 13 của thế giới. Ðây là sự ghi nhận các chính sách phát triển văn hóa đọc cho tất cả mọi người dân của Bangkok, trong đó đặc biệt nhằm vào thế hệ trẻ và các nhóm cộng đồng bị gạt ra bên lề xã hội.
Một trong những dự án về sách gần đây nhất của Ủy ban điều hành thành phố Bangkok là hợp tác với chín công ty taxi để cho ra đời dự án "Read on the move" (Ðọc khi di chuyển) ở thủ đô Bangkok nhằm khuyến khích cư dân thành phố đọc nhiều hơn khi đi taxi.
Phó thống đốc Bangkok Thaya Theepasuwan cho biết sáng kiến này là một phần của chiến dịch "Bangkok read for life" (tạm dịch: Bangkok đọc sách vì cuộc sống).
Các lái xe đã đồng ý tham gia dự án này, và mỗi người được trao một biển hiệu nhỏ của chiến dịch để gắn vào xe, một túi đựng sách (dễ đọc) và các tạp chí do một số nhà xuất bản ấn hành. Bangkok sẽ còn mở rộng dự án này ra nhiều loại hình phương tiện giao thông khác nhau như xe buýt, tàu trên không hay tàu điện ngầm...
H.N. (Theo Channel6newsonline)
Ý KIẾN:
Điều này phản ánh văn hóa của người Mỹ, nhất là văn hóa đọc. Nói chung, ở phương Tây tuy phát triển về phim ảnh, kỹ thuật, internet, nhưng người dân vẫn mê đọc sách. Đọc sách tạo văn hóa nền cho họ, một nền tảng văn hóa cần thiết để sống và ứng xử, chứ không chỉ có nghề nghiệp, chuyên môn.

Ở nước ta khoảng hai chục năm nay văn hóa đọc bắt đầu đi xuống. Giới trẻ có người thậm chí không đọc sách, mà chỉ chơi game, lướt web. Sách in 1000 bản mà bán vất vả mới hết. Cho nên không ngạc nhiên khi thấy người trẻ thiếu thốn trầm trọng những kiến thức phổ thông, thiếu hiểu biết về văn hóa, thiếu cách ứng xử tử tế, thường sa đà vào những chuyện sân si, nhỏ nhặt, tào lao, đặc biệt là không có một lý tưởng định hướng cuộc đời. Quanh năm chúi mũi học như điên, học thêm cả sáng lẫn chiều, nhưng buông tập vở ra thì quên hết kiến thức, loay hoay với đời sống nhỏ hẹp. Đó là hậu quả của một nền giáo dục kém chất lượng, và một nền văn hóa đang đi vào sự rỗng tuếch. Nhiều em tưởng mình ăn mặc sành điệu, có xe máy, có máy tính, có điện thoại xịn, biết nghe nhạc nhún nhảy thời thượng...gọi là văn hóa. Thực chất những thứ đó chỉ là cái vỏ che đậy một con người rỗng, mà xã hội Việt Nam đang tưởng như một thứ giá trị để chạy theo.

Làm sao để giới trẻ ham mê đọc sách? Ngành giáo dục và gia đình chính là người thực hiện, tác động. Cắt bớt chương trình trong sách giáo khoa, biến thành những cuốn sách bắt các em đọc. Và phụ huynh theo dõi, khuyến khích con em mình đọc. Vậy thôi. Ngày xưa, trước 1975, tôi đi học, cô giáo đưa ra nhiều cuốn sách bắt mỗi tổ phải đọc và thuyết trình. Sau này, tôi chọn sách cho con, dụ nó đọc, và cùng chia sẻ, bàn luận với nó. Đó là một loại "giáo trình" thú vị bên ngoài chồng sách giáo khoa khô cứng.  Tại sao cứ phải chúi mũi vô chữ "học" tại trường chính quy, mà quên rằng đọc sách chính là học. 

Thái Lan kề cận nước ta, cũng là một nước nhỏ, nhưng họ đã có động thái quan tâm đến văn hóa đọc. Còn VN chắc còn lâu. (Diệu Kim)

Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2011

BẠN RẤT THÂN

BẠN RẤT THÂN
Ngày 28-6 vừa qua là Ngày Gia đình, hai mẹ con định chở nhau đi ăn nhưng buổi chiều trời mưa lớn nên thôi. Ở nhà, con mở internet tìm bài hát cho mẹ. Con biết mẹ thích bài Hòn Vọng Phu 1 hát bằng giọng mạnh mẽ, nam tính, chứ không thích giọng mềm yếu. Mẹ nói bài này phải hát như những đoàn quân ra chiến trận, nhịp bước hào hùng, mẹ không chịu nổi những giọng ca “làm màu” ẽo ợt. Con tìm mãi mới ra. Bài số 3 cũng thế, phải là tốp ca, mạnh mẽ, trầm hùng. Hai mẹ con load ngay về, phấn khởi.

Rồi tìm bài Hòn Vọng Phu 2, mẹ nhất quyết nghe Thái Thanh hát. Hai mẹ con nghe luôn giọng Hương Lan, giọng Mai Hương, Hoàng Oanh để đối chiếu. Mẹ phân tích cho con, con thẩm thấu rất nhanh, và cùng mẹ phân tích luôn. Bài Hương Lan hát phối nhạc kỳ quá, không ra sang không ra sến, cứ xèng xèng thế nào. Bài Hoàng Oanh hát thì bình thường, chưa nổi bật. Còn Thái Thanh với giọng cao vút và luyến láy điệu nghệ, nghe như xót xa, cào xé vào trái tim, đúng với ý nghĩa người vợ chờ chồng đến tuyệt vọng. Nhưng Mai Hương cũng có một nét riêng. Giọng chị không cào xé mà như chấp nhận nỗi đau. Thực ra, tâm lý con người, khi chờ đợi quá lâu rồi thì không còn dữ dội, kêu gào nữa, mà trở nên chấp nhận hoàn cảnh. Nỗi đau vẫn còn, nhưng mòn mỏi và âm ỉ, chừng như tê liệt. Chính vì thế, thấy thương hơn, tội hơn. Cho nên, mẹ và con load cả hai giọng Thái Thanh và Mai Hương rồi cùng say sưa thưởng thức.

Mẹ dạy con thưởng thức giọng Thái Thanh qua bài Nghìn trùng xa cáchThuyền viễn xứ. Đây là chất giọng đẹp, sang trọng, nhưng khó nghe, không phải ai cũng nghe được. Mẹ bảo con nghe hai bài này qua giọng Lệ Thu và đối chiếu. Rõ ràng, Lệ Thu hát cũng rất hay, nhưng màu sắc khác Thái Thanh. Mỗi ca sĩ có chất giọng riêng, nên họ sẽ có những bài hát riêng, khó ai bì kịp. Mẹ cũng ghiền Lệ Thu lắm, nhưng hai bài này thì chỉ có Thái Thanh hát là tuyệt nhất.

Tự nhiên hai mẹ con vui quá, mở nhạc không lời nghe nhạc sĩ Lê Tấn Quốc thổi saxo bài Thương hoài ngàn năm, chao ôi như cả trái tim anh ta đang thổn thức. Biểu diễn bằng cả tâm hồn, tiếng nhạc cứ xói vào lòng người nghe. Và nghe nhạc như thế mới đã, chứ đâu phải tới sân khấu nhìn ca sĩ và nhóm minh họa nhảy nhót tưng bừng. Hình như bây giờ người ta xem nhạc chứ không phải nghe nhạc. Ở nhà, cùng thưởng thức với một người rất thân thiết và đồng cảm với mình, đã thấy hạnh phúc. Hai mẹ con ríu rít tới hơn 1g khuya, rồi mới chịu ngủ.

Ngày Gia đình trôi qua thật êm đềm, lãng mạn. Hai mẹ con luôn là bạn thân của nhau, luôn chia sẻ và đồng hành với nhau. Mẹ chăm chút con từ khi mới lọt lòng, bằng những lời ru, bằng ca dao quê mình. Lớn lên một chút, là những cuốn sách do chính mẹ chọn lựa, đọc thử. Rồi những bài hát mẹ hát con nghe, hoặc dạy con hát theo. Có cả những bài thơ Đường cổ kính, thâm sâu. Có cả những buổi đi đánh cầu lông, hai mẹ con cười vang công viên 23-9 và Tao Đàn. Làm bạn với con, mẹ luôn trẻ trung, hồn hậu. Làm bạn với mẹ, con học được nhiều điều, làm giàu kiến thức nền của mình. Hai người bạn vong niên mấy chục năm vẫn còn thân thiết! Hi hi hi…
                                                                                                          DIỆU KIM
ĐỒNG TÍNH- THÔNG CẢM VÀ HY VỌNG
DIỆU KIM

Hiện nay, xã hội đang rộ lên tình trạng “đồng tính” ảnh hưởng không nhỏ tới một bộ phận người trẻ. Nhiều bạn đã trang trải nỗi lòng trên các trang web, trên blog, phần lớn là rơi vào con đường bế tắc. Chúng tôi cũng từng chia sẻ với các bạn, nay xin góp thêm một tiếng nói, hy vọng giúp các bạn tìm lại niềm tin yêu cuộc sống.
Đồng tính có thể gọi là sự lệch lạc giới tính mà người trong cuộc hầu hết đều không muốn như thế. Họ rất đau khổ, rất cần người chung quanh có cái nhìn thông cảm. Nhất là Phật tử chúng ta, càng phải lấy lòng từ bi mà đối xử. Riêng với các bạn đang vướng vào tình trạng này, xin hãy mạnh mẽ đứng dậy, bởi chính bạn mới cứu được cuộc đời của mình chứ không phải ai khác.
Xin mạn phép gợi ý vài vấn đề để các bạn tham khảo

Thứ nhất: Bạn đừng quá tập trung vào vấn đề tính dục. Cuộc sống của một con người có nhiều vấn đề để suy nghĩ, lo toan, mơ ước. Tính dục chỉ là một trong số những vấn đề ấy. Dĩ nhiên khi tuổi còn trẻ, bản năng còn mạnh, thì tính dục luôn chi phối người ta. Nhưng bạn hãy xếp nó vào một ngăn tủ riêng, khi nào cần thì kéo ra…dùng, còn khi nào không cần thì phải dùng những ngăn tủ khác. Thí dụ, ngăn học tập, ngăn thể thao, ngăn ca nhạc, ngăn xem phim, ngăn đọc sách, ngăn du lịch, ngăn giúp đỡ cha mẹ, ngăn làm từ thiện, ngăn đi chùa, lạy Phật, cúng Phật v.v… Những thứ đó không hề phân biệt giới tính, ai cũng bình đẳng thưởng thức và thực hành như nhau. Tất nhiên là phải chọn sự lành mạnh. Và chắc chắn trong môi trường lành mạnh ấy mọi người sẽ tôn trọng những kỹ năng, tài năng, phẩm hạnh của bạn, hơn là tập trung vào giới tính khác biệt. Tôi nhớ, tôi đã từng gặp vài cậu thanh niên đồng tính biết cắm hoa rất đẹp, họ cắm rất nhiều bình hoa cho chùa vào các ngày lễ, ngày rằm. Tôi xuýt xoa khen, chẳng để ý tới chuyện giới tính của họ làm gì. Họ đang hoạt động bằng con người bình thường, thì mình nhìn bằng con mắt bình thường. Chuyện tính dục chỉ nên dành cho đối tượng riêng tư của bạn thôi, thì mọi người bớt định kiến.

Thứ hai: Bạn nên lạy Phật, niệm Phật thật nhiều. Sinh ra làm một người lệch lạc giới tính nghĩa là nghiệp của bạn khá nặng. Để chuyển nghiệp, phải càng siêng năng tu học. Cách dễ nhất là lạy sám hối, hoặc nếu không có thời gian đến chùa sám hối đúng theo ngày giờ thì bạn có thể lạy Phật bất cứ lúc nào bạn rảnh. Lạy Phật tăng trưởng phước đức, chuyển hóa thân tâm, chuyển hóa nghiệp xấu. Niệm Phật cũng vậy, và cũng là cách tu dễ nhất trong điều kiện bận rộn. Lên xe chạy đi làm, đi chơi: niệm Phật. Làm công việc nhà: niệm Phật. Ngồi xe đò đi công tác: niệm Phật. Trước khi đi ngủ: niệm Phật. Rất nhiều cơ hội để tu. Chen giữa bộn bề công việc cũng tu. Càng tu càng nhẹ lòng, nhẹ thân, dần dần bạn sẽ xa lánh những bạn bè và sai lầm trước kia.

Thứ ba: Chọn một người bạn cùng hoàn cảnh để gắn bó. Phật giáo có Chân đế để con người tiến tu giải thoát, nhưng cũng có Tục đế để con người sống một cách hài hòa, hạnh phúc giữa thế gian. Cho nên, nhu cầu tính dục cần được nhìn nhận theo nghĩa tích cực, đừng quá thành kiến, bắt người ta loại bỏ. Vì vậy, thiết nghĩ người đồng tính cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc lứa đôi. Nhưng bảo các bạn sống như người giới tính bình thường thì không thể. Xin đề nghị một giải pháp dung hòa, nếu bạn yêu ai đó, thì nên chọn lựa và yêu chân thành, tử tế, y như một cặp bình thường trên đời. Thí dụ, bạn là người nam mà tính như nữ thì tôi coi bạn cũng như một người nữ, bạn có quyền chọn yêu một anh thanh niên nào đó cũng đồng tính như bạn, đơn giản vậy thôi. Hai bạn có thể sống với nhau (vì luật pháp không cho kết hôn), yêu thương, chăm sóc, động viên nhau, cùng làm những việc tốt, cùng tu học, thì quá đẹp đôi! Đừng bắt chước phong trào bây giờ, hễ đồng tính thì ăn mặc dị hợm, uống thuốc lắc, vô vũ trường, đi quậy phá, ghen tuông, làm đủ trò. Đã “khác người” rồi, mà càng làm cho “khác” hơn, thành ra thiên hạ mới thành kiến. Chứ sống tử tế như một cặp đồng tính nữ nổi danh trong giới sân khấu là bà H-bà M thì ai cũng thương. Hai bà sống với nhau từ trẻ cho tới giờ đã hơn 70 tuổi, cùng tạo lập sự nghiệp sân khấu, cùng đi làm từ thiện rất nhiều, gánh vác bao nhiêu trách nhiệm cho anh em  đồng nghiệp. Phong thái hai bà rất đàng hoàng, nghiêm túc, ăn mặc lịch sự, nói năng từ tốn. Vậy thì đồng tính cũng chẳng ảnh hưởng tới ai, phải không các bạn?

Mong các bạn sẽ có nghị lực sống yêu thương mọi người và được mọi người yêu thương, xóa bỏ thành kiến. Cuộc đời là một tấm gương bạn ạ, mình sống thế nào thì gương phản chiếu thế ấy. Luật nhân quả chưa bao giờ sai biệt. 

Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

Chuyến đi đáng nhớ

Chuyến đi Việt Nam lần này đã làm mình ưu tư và buồn bã. Sao lại có nhiều người bệnh lạ và nghèo khổ quá vậy. Trong lúc nuôi em mình ở bệnh viện Chợ Rẫy, mình chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh thật thương tâm.

Trên đường vào khoa ung bướu chỗ em mình nằm, đã nhìn thấy đông người nằm la liệt dưới đất, bệnh nhân thì đầy ở trong phòng lẫn ngoài hành lang. Đến giường em mình, cả nhà bày cơm tấm “bì sườn chả trứng” ra ăn, mùi thịt nướng thơm lừng. Nhưng mình cảm thấy cả phòng im lặng và sau lưng tự nhiên nghe ơn ớn (đó là cảm giác có rất nhiều người nhìn mình ở phía sau). Làm bộ như vô tình, mình quay lại, thì thấy cả chục người bệnh trên giường cùng những thân nhân đang nhìn về phía mình. Trên tay họ còn cầm nửa khúc bánh mì, 1 gói xôi, 1 bánh lá dứa, 1 trái chuối…đó là tất cả đồ ăn rẻ tiền của người nghèo. Mình cảm thấy miếng cơm mình vừa ăn như nghẹn lại, nuốt không vô nữa. Mình bèn lên tiếng: “Thôi, mọi người hãy đem ra chỗ trống ở cầu thang ăn đi, ở đây nghe mùi nước mắm và ồn ào mọi người quá hà!”. Trong lòng mình thầm nói lời xin lỗi vì đã quá vô tư.

Hôm sau, mình bảo mọi người ăn ở ngoài chợ, chỉ đem phần ăn của em mình vào bệnh viện mà thôi. Mình mua một nải chuối cao thật ngon và lớn, lân la đến thăm hỏi và mời mọi người ăn chuối sau khi dùng bữa trưa. Thế là mình đã quen và biết hết tình trạng bệnh cũng như hoàn cảnh của mọi người cùng phòng với em.

Giường kế bên là hai chị em mồ côi, cha mẹ mất sớm lúc chị 12 tuổi, em 6 tuổi. Người chị không lập gia đình, ở vậy  nuôi em bị bệnh cột sống, gần như nằm liệt giường. Cô nhịn ăn trưa, dành dụm tiền mua nệm nước cho em nằm không bị đau. Ngang đó một anh nằm nói lảm nhảm vì bị bướu ở não, vợ đang nuôi. Bà mẹ ở quê xin tiền hàng xóm lên thăm con, nhưng không có tiền về xe. Hàng ngày bà lang thang ở các phòng bệnh khác, để lượm những chai nước suối đã uống hết, hy vọng cân ký bán sẽ có tiền đủ đi về. Bà không dám ăn cơm, chỉ ăn nửa khúc bánh mì rồi uống nước vào cho no.

Đối diện em mình là một cậu bé (khoảng 20 tuổi) mặt mày sáng sủa, tay cứ ôm đầu, bụng thì phình lớn. Hỏi ra mới biết em học giỏi lắm, đã là sinh viên đại học năm 2. Vì nhà nghèo nên em lên thành phố cố gắng đi làm nhịn ăn để kiếm tiền đóng học phí. Sau phát hiện em bị bệnh thần kinh và ung thư bao tử. Mẹ em ở quê chỉ đi làm mướn cho người ta, lên thành phố nuôi con bệnh không có tiền. Hàng ngày, bà phải ra bến xe đi xin từ sáng đến chiều mới về. Thằng nhỏ hỏi “mẹ đi đâu”, bà trả lời đi rửa chén cho nhà hàng. Mình cũng tưởng vậy. Nhưng một ngày, mình xuống chỗ bán thuốc để mua thuốc cho em mình, bỗng nghe “ Lê Trí Dũng, 600.000 có đủ không” (sao tên này nghe quen quá). Thì nghe tiếng trả lời của bà già: “Dạ tôi đang đếm nên chưa biết”. Cô bán thuốc la lên: “Sao bà không đếm trước đi để mất thì giờ của người khác”. Bà già trả lời mấy tiếng nghẹn ngào muốn khóc: “Tôi mới đi xin về chưa kịp đếm”. Nghe thật đau lòng. Mình nhìn về hướng đó chợt giật mình, thì ra đó là má thằng Dũng nằm cùng phòng em mình đây mà. Nói dối em là đi rửa chén cho nhà hàng, sự thật bà đi xin tiền ở bến xe. Mình liền đứng lên nói: “Lê Trí Dũng 600.000 tiền thuốc có đủ đây, chị soạn đi”. Nghe tiếng, bà ngồi dưới đất ngước lên, nhận ra mình, bà nói: “Cám ơn cô nhiều lắm”. Mình nghẹn ngào nói: “Chị bỏ tiền vào túi, lại lấy thuốc đem về cho con đi”. Lúc đó mọi người nhìn mình với nhiều thiện cảm vì họ biết mình không phải là người thân. Lòng mình cảm thấy vui vui vì đã giúp đỡ được một người.
Sau đó em mình được xuất viện. Trước khi về mình cố gắng giúp đỡ cho những người đó một ít. Giúp cho hai chị em mồ côi 1triệu để chị có tiền mua nệm cho em nằm, hai vợ chồng kia 500.000 và bà già 200.000 để có tiền về quê và rất nhiều người nữa. Còn quá nhiều cảnh khổ. Nước mắt đã làm mờ kính của mình nên không viết nữa…Mình nguyện với lòng sẽ giúp đỡ nhiều người nếu mình có cơ hội.

Bởi vậy khi nghe nhỏ H.A (cô Diệu Kim) nấu cơm từ thiện đề phát cho bệnh nhân nghèo là mình ủng hộ liền. Chúng ta hãy giúp họ những bữa cơm đơn sơ để họ đủ sức lực và dư dược chút ít tiền để chăm sóc những người thân thoát qua những cơn bệnh hiểm nghèo.

Chúng ta biết một con én không làm nổi mùa xuân, nhưng ít nhất nó cũng báo cho người ta biết là mùa xuân sắp đến phải không các bạn? Cho nên khi về Úc, mình đã vận động các bạn mình quyên góp bằng cách kể cho họ nghe về những cảnh khổ ở bệnh viện. Các bạn mình đã nhiệt tình chung tay chung sức, thật lòng cảm ơn sự chia sẻ này.
                                                                                           Tháng 6-2011

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2011

CHẤP NHẬN THẤT BẠI CỦA CON

Các bạn thân mến
Ngày 28-6 được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành chọn là Ngày Gia đình Việt Nam. Nhân đó, báo Giác Ngộ TP.HCM đã đăng bài của cô Diệu Kim, mời các bạn đọc lại trên blog của chúng ta. 
Bạn nào có kỷ niệm nào về gia đình của mình, xin mời viết bài, để đăng lên blog. Mong nhận được những dòng tâm tư của các bạn.
Chúc một ngày hạnh phúc với gia đình, yêu thương và trân trọng những người thân của mình.

CHẤP NHẬN THẤT BẠI CỦA CON
DIỆU KIM
            Làm cha mẹ, ai không kỳ vọng ở con cái những điều tốt đẹp. Nhưng không phải lúc nào lòng kỳ vọng ấy cũng được đáp ứng đầy đủ. Và đôi khi cha mẹ phải biết chấp nhận thực tế…
            Tôi có chị bạn thân, một hôm tìm tới tôi để…xả stress. Chị khủng hoảng, chị đau khổ, chỉ vì thằng con trai duy nhất của chị. Xin tạm gọi tên cháu là Đức. Một cậu thanh niên đẹp trai, hiền lành, học giỏi cực kỳ, từng đậu một lúc hai trường đại học, là niềm tự hào của chị trong cảnh góa bụa mấy chục năm tự lực nuôi con. Đức đã là sinh viên năm 2 của trường Đại học Bách khoa, coi như đi được nửa chặng đường. Vậy mà đùng một cái, mọi thứ xáo trộn đến kinh khủng…
            Đức uống thuốc ngủ tự tử, may nhờ gia đình phát hiện, cứu kịp. Từ lâu, chị bạn tôi thấy con mình ít ăn, sụt ký, rồi ít nói, không chơi với bạn nào, thỉnh thoảng lại buông những câu nghe hết hồn: “Đời có gì vui! Chẳng có gì đáng sống hết!”. Chị cứ tưởng kiểu triết lý “làm màu” của tụi mới lớn nên cũng bỏ qua. Đến khi sự cố xảy ra, chị đành xin phép cho Đức tạm nghỉ học, và “sơ tán” con về quê ngoại, hy vọng cảnh sông nước yên bình sẽ làm con nhẹ nhàng đầu óc. Hai tháng ở quê, Đức chỉ ăn rồi ngủ, rồi chơi với anh em dòng họ, Đức dần hồi phục, lên cân, tươi tỉnh hơn. Chị bạn tôi mừng quá, mong con trở lại trường học để theo kịp niên khóa.
            Nhưng Đức không chịu quay lại trường. Cháu nói: “Con nghĩ là con đã chọn nhầm. Con không hề thích toán như con tưởng, dù ở phổ thông con cũng học toán rất giỏi. Lên đây gặp toán cao cấp, con mới biết mình hoàn toàn bị động. Con lại thích văn chương, thơ phú, thích triết học. Mẹ hãy cho con ôn thi lại để vào khoa Đông phương của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn”. Thế là chị bạn tôi giẫy nẫy lên. “Trời ơi, hai năm trời tốn biết bao công sức, tiền của, tự nhiên bây giờ mất hết. Có thi trường mới thì cũng ráng lấy cái bằng trường cũ để dành, kẻo uổng. Trường nào thì cũng tự con chọn chứ mẹ đâu có ép con, bây giờ con lại thay đổi lộn xộn. Mà biết thi trường mới có đậu hay không, rủi rớt thì sao? Khổ ơi là khổ, bao nhiêu hy vọng vào con…”. Người khủng hoảng bây giờ lại chính là chị. Chị cuống cuồng đi tìm giải pháp vì niên khóa của Đức sắp kết thúc. Và chị đã tìm đến tôi như một…tư vấn sau cùng.
            Tôi bảo chị bình tĩnh nhìn nhận sự việc. Dường như chưa đến mức kinh khủng như chị nghĩ. Thật ra, điều kinh khủng nhất đã xảy ra, và đã trôi qua, đó là việc Đức tự tử. Cứu sống được cháu đã là may mắn lớn nhất, mọi thứ còn lại đều là thứ yếu. Hãy xem tính mạng con mình là tuyệt đối quý giá, đặt trên tất cả mọi bằng cấp, tiền bạc. Nó còn ở bên mình, đã đủ hạnh phúc, cho dù nó không vào đại học, cho dù nó chỉ là một công nhân bình thường. Tại sao khi cấp cứu cho cháu, chị chỉ nghĩ đến hai chữ “sống-chết”, mà khi cháu bình phục chị lại đeo mang thêm quá nhiều thứ như vậy?
            Hình như chúng ta đòi hỏi ở con cái quá nhiều năng lực, mà quên rằng nó cũng là một thực thể nhỏ nhoi giữa thế gian này, cũng có những điểm yếu, những sơ suất đáng thông cảm. Ngay cả bản thân chúng ta đã hoàn thiện đâu, cũng đầy nhược điểm đó thôi. Hãy nhớ lại hồi ta mười tám, hai mươi tuổi, ta cũng có những vụng về, nhầm lẫn, thất bại. Cho nên, hãy chấp nhận những vụng về, nhầm lẫn, thất bại của con, để đừng tạo thêm áp lực cho nó. Đôi khi lòng kỳ vọng quá lớn của cha mẹ chính là thứ áp lực đè nặng lên người đứa trẻ, còn hơn cả áp lực nhà trường. Khi nó không làm tròn với lòng kỳ vọng ấy, nó cảm thấy “có tội”, thế là mặc cảm, trầm cảm, có thể tự tử như Đức. Chị đã “thần tượng” con từ khi nó liên tiếp là học sinh giỏi và ngoan ở trường phổ thông, ngược lại, Đức cũng sống trong “hào quang” mà mẹ ban cho. Cả hai mẹ con đều không tưởng tượng nổi có ngày mình thất bại như thế. Con thất bại ở trường, kéo theo mẹ thất bại kỳ vọng. Và cả hai không khéo lại làm khổ nhau, cứ như cái vòng tròn lẩn quẩn.
            Cho nên, tôi khuyên chị hãy cho Đức thi lại trường khác như ý cháu. Hãy xem niên học cũ như một sự nhầm lẫn trong định hướng, đừng trách móc gì cháu. Tôi nói vui: “Chị đi mua hàng còn bị lầm kia mà. Chị còn chọn lầm chồng, phải bỏ nhau nữa, so với chuyện lầm trường của nó thì…xi nhê gì. Mình sai sót còn kinh khủng hơn nhiều, tại sao mình dám làm lại cuộc đời mà không cho nó học lại trường khác”. Chị phì cười. Nhưng cũng ráng vớt vát: “Tiếc tiền học phí hai năm, tiếc công sức nó học…”. Tôi lắc đầu: “Môi trường ấy đã không thích hợp, chị tiếc làm gì. Tiền đó, sức đó không nhằm gì với tính mạng và sức khỏe của nó. Chị đẩy nó về chỗ cũ là có nguy cơ nó lại trầm cảm và tự tử. Giữa tiền và mạng của con, chị chọn cái nào?”.
            Và có thêm một cái bằng cấp để treo giữa nhà cho oai, là chạy theo hư vọng, không thiết thực. Nếu bằng cấp đó được tạo ra bằng sự say mê, năng lực thật sự, thì không nói, vì chứng minh người học rất đa năng. Nhưng nếu đó chỉ là danh vọng ảo, phải đánh đổi bằng mấy năm trời tiếp tục khổ sở của Đức, thì tội nghiệp quá. Sao mình biết con khổ mà cứ bắt con theo học? Mình thương con hay thương cái bằng cấp? Và chưa chắc cái bằng ấy giúp gì được cho nó, bởi say mê ngành nghề mà ra trường chưa dễ tìm được chỗ đứng, huống chi học để cho có, cho qua, thì cơ hội thành đạt là vô cùng nhỏ.
            Chị quay sang e ngại nó chọn nhầm trường lần nữa. Tôi bảo, người ta làm thí nghiệm phải hư hao mấy lần, có khi hàng trăm lần mới thành công. Dĩ nhiên, không thể chấp nhận việc tùy tiện chọn trường, chọn ngành, rồi thất bại mãi. Nhưng ông bà ta nói “Nhất quá tam”, nó chưa thử ba lần thì chưa vội kêu ca nó. Thông cảm cho con, bởi lỗi tại cha mẹ một phần, không theo dõi sát sao năng lực, năng khiếu của con, nên không định hướng giúp con, khiến nó phải lúng túng trên đường đời lạ lẫm. Rất nhiều sinh viên hiện nay thiếu người tư vấn nên chọn sai trường, sai ngành, phải học lại, hoặc ra trường làm ở ngành khác. Đức đâu phải là trường hợp cá biệt.
            Tuy nhiên, tôi cũng trấn an chị rằng, Đức chọn văn chương xem chừng thích hợp. Bởi cha của Đức là một nhà thơ có tiếng ở miền Tây, và bản thân chị cũng từng viết văn, làm thơ, sau chuyển ngành làm kinh tế để nuôi con. Cái gien di truyền trong Đức lộ ra hơi muộn, cũng chẳng có gì ngạc nhiên. Hãy thử mọi cách, đến khi nào con tìm ra con đường của nó. Tôi nhắc chuyện mẹ của Mạnh Tử dọn nhà ba lần đến khi tìm được nơi thích hợp nhất cho con ở và phát triển nhân cách. Chúng ta thử làm một bà mẹ như thế xem sao.
            Cuối cùng, chị hiểu ra vấn đề, thấy thương con nhiều hơn, nhưng vẫn đọng lại nỗi buồn là không ngờ đứa con trai của mình lại yếu đuối như thế, lại không biết cách ứng xử đến nỗi phải tự tử. Chị từng kỳ vọng một đứa con mạnh mẽ, nghị lực kia mà. Tôi lắc đầu: “Chính khi nó yếu đuối chị phải càng bình tĩnh và mạnh mẽ để nó tựa vào, chứ chị cứ rối lên nó lại càng mặc cảm có tội với mẹ. Ai cũng có lúc yếu đuối, nhất là khi thất bại. Mình chấp nhận thất bại của họ, chính là thông cảm, là đưa tay ra dắt họ trong giây phút bế tắc, thì họ không tới mức phải lao xuống vực. Khi họ có cơ hội làm lại cuộc đời, biết đâu sẽ mạnh mẽ hơn nhiều”.
            Quả thật tin vui đã đến. Đức đang ôn thi. Cậu say mê với văn học, ngoại ngữ, tươi tắn, hoạt bát. Tôi nhắc chị, thấy con hạnh phúc là vui rồi, đừng quá để tâm ngày mai nó làm được gì. Quá khứ đã qua, không nhắc nữa, tương lai thì chưa tới, biết ra sao. Hạnh phúc ngay trong hiện tại, hãy yêu con vì nó là nó, chứ nó không phải là cái bóng từ lòng kỳ vọng của mình.
                                                                                                                          Sài Gòn 1-4-2011

Thanh niên thất nghiệp “đánh bóng đường làng”

Thứ Hai, 27/06/2011, 08:37 (GMT+7)
Thanh niên thất nghiệp “đánh bóng đường làng”
TT - Khi cơn lốc đô thị hóa tràn về các vùng quê ven Hà Nội, bỗng chốc làng hóa phố. Sau chiếc cổng làng, thôn xóm yên ả ngày nào bỗng dưng nhộn nhịp, xuất hiện đường rộng, nhà cao, xe đẹp... Nhưng phía sau sự hào nhoáng đó bộn bề bao nỗi lo.

Khi các công trình xây dựng khổng lồ ồ ạt kéo về, con đường dẫn vào thôn Mễ Trì Hạ, Mễ Trì Thượng (xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm) vốn lổn nhổn ổ gà và lầy lội được thay bằng đường tráng nhựa bằng phẳng. Cánh đồng Đất Mạ với ruộng lúa bạt ngàn trước đây giờ mọc lên Trung tâm Hội nghị quốc gia và Bảo tàng Hà Nội to cao sừng sững.
Khu Đằng Ải ngày trước trù phú với cơ man ngô, khoai đã hóa thành đại lộ Thăng Long thênh thang. Những cánh đồng Nua, Cổng Kê, Gò Chùa, Bồ Quân, Đồng Vẻ, Đồng Kè ở xã Mỹ Đình (huyện Từ Liêm) cùng biến mất, nhường chỗ cho các công trình xây dựng.
Hai mặt sáng - tối
Sau khi 6 sào ruộng bị thu hồi, nhà Hà - một cô gái ở thôn Mễ Trì Thượng - bỗng dưng thất nghiệp, cả gia đình sáu nhân khẩu tự loay hoay kiếm kế sinh nhai. Bố mẹ Hà chạy chợ, còn cậu em trai vào tận tỉnh Bình Dương làm cho xưởng cơ khí của người bà con. Phần Hà sắm cho mình bộ đồ nghề rồi căng bạt cắm chốt trước công trình xây dựng đầu làng bán trà đá.

Trong khi đó, nhiều gia đình trước đây sớm hôm lam lũ với ruộng đồng bỗng chốc đổi đời nhờ tiền đền bù hay bán đất ao, đất vườn. Dọc các con đường làng ở các thôn Mễ Trì Thượng, Mễ Trì Hạ, Phú Đô, Nhân Mỹ, Đình Thôn... nhẩm tính số biệt thự mọc lên cũng phải đến hàng trăm.
Ở làng Mễ Trì Thượng, từ lúc con đường bên hông Bảo tàng Hà Nội cắt ngang qua làng, gần 200m2 đất ao nhà ông T. bỗng hóa giá thành tiền tỉ. Khi có nhiều tiền nhờ bán đất, ông xây tòa nhà bốn tầng hoành tráng, chi tiền cho đứa con trai út tên L. tiêu xài thoải mái. Được bố mẹ nuông chiều, đang học lớp 11 L. bỏ học giữa chừng, suốt ngày cưỡi trên con xe tay ga SH mới cáu chỉ ăn với chơi. Lịch sinh hoạt thường nhật của cậu quý tử này là tối tụ tập cùng đám bạn đi cà phê, quán bar, đi nhậu; chiều đi chơi game, còn suốt buổi sáng thì... vùi mình ngủ.

Cùng thôn ông T., nhà ông S. cũng thu về gần 5 tỉ đồng tiền bán đất gần khu Trung Văn, sau khi có dự án đường Lê Văn Lương kéo dài chạy qua đây. Có tiền ông S. xây dãy phòng trọ cho thuê, cộng với tiền lãi suất nhờ gửi tiết kiệm hai vợ chồng ông cùng ba người con không phải làm gì thêm. Hai người con trai ông S. là H. và V. học hết cấp III chẳng có nghề ngỗng gì, cũng sắm hai chiếc xe tay ga đắt tiền suốt ngày... đánh bóng đường làng.
Nhậu nhẹt, hát hò và game online
Từ lâu dãy quán nước đối diện sân vận động Mỹ Đình trở thành nơi tụ họp chè chén buôn chuyện, chơi bài ba cây ăn tiền của đám thanh niên nhàn rỗi ở các làng lân cận Nhân Mỹ, Đình Thôn, Phú Mỹ, Tân Mỹ. “Hầu như sáng nào tụi nó cũng tụ tập ở đây, sau đó kéo nhau cả lũ đi đâu đó, chiều tối lại quay về chè chén đánh bài” - ông Rai hành nghề xe ôm cạnh đó cho biết.
Trong lúc đó, gần hai năm nay dọc con đường khu Cổng Mộc (phía sau Bảo tàng Hà Nội) trở thành “điểm hẹn” của thanh niên làng Mễ Trì. Đường làng chạy dọc giữa hai vùng ao rau muống xưa kia nay biến thành “khu liên hợp ăn chơi” với hàng chục quán nhậu, cà phê, karaoke. Mỗi tối cả trăm thanh niên làng tụ tập nhậu nhẹt, hát hò từ chập tối cho tới khuya.

Bà Hồng - bán tạp hóa đầu gốc đa, đối diện chợ Mễ Trì - than thở: “Ngày xưa thanh niên trong làng chỉ quen làm đồng, làm ruộng, giờ hết ruộng suốt ngày chỉ quanh quẩn hết lê la quán nước chơi lô, chơi đề đến vùi đầu trong các quán Internet cày game”.
Còn chị Hương (chủ quán cà phê The One) ở đường Lê Đức Thọ, cư dân làng Phú Đô, cho hay từ khi khu này trở nên sầm uất, dân các nơi kéo về sinh sống, buôn bán, còn thanh niên trong làng sa vào mấy trò lô đề, cờ bạc, hút chích khiến làng xóm đang yên bình trở nên nhộn nhạo. Không việc làm là tình trạng phổ biến trong thanh niên ở đây.
Bài toán học nghề, việc làm
Nhiều chính sách hỗ trợ cho thanh niên vùng ven đô đã được các cơ quan chức năng triển khai, tuy nhiên bài toán thật sự hiệu quả về nghề nghiệp, việc làm cho nhóm đối tượng này vẫn chưa được giải đến nơi đến chốn.
Trong năm 2011, chỉ riêng Thành đoàn Hà Nội được cấp 5 tỉ đồng, thêm 3,7 tỉ đồng nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương Đoàn phân bổ về các huyện cho thanh niên vay vốn phát triển kinh tế. Các huyện có diện tích đất thu hồi cũng dành riêng quỹ hỗ trợ học nghề miễn phí thanh niên vùng ven đô, tuy nhiên đến nay các nguồn trên vẫn chưa thật sự phát huy hiệu quả.

Trưởng Ban thanh niên nông thôn (Thành đoàn Hà Nội) Nguyễn Đình Trung cho biết việc hỗ trợ chưa hiệu quả là do một mặt thanh niên nông thôn chưa thích nghi với đời sống đô thị, không thích học nghề mà chỉ thích làm những công việc “tiền tươi thóc thật”, được trả công hoặc kiếm lời ngay như làm thuê hoặc mở quán bán buôn nhỏ.
Mặt khác, đó là việc đào tạo nghề hiện nay chưa sát với thực tế, dạy theo kiểu... chỉ để biết. “Vẻn vẹn ba tháng đến một năm để học nghề là quá ngắn, lao động chưa đủ trình độ để có thể mưu sinh hay tách ra làm riêng”, ông Trung nói.

Bà Nguyễn Ngọc Trinh - phó giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên Hà Nội - cho biết: tính ổn định của lao động nông thôn trong công việc rất thấp, mỗi năm có 3.500 lao động tìm được việc qua Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên Hà Nội, tuy nhiên gần nửa số này bỏ việc giữa chừng.
“Bài toán việc làm cho thanh niên ven đô đang rơi vào vòng luẩn quẩn đầy mâu thuẫn - rất nhiều lao động chưa có việc làm, trong lúc nhiều việc lại đang trong tình trạng thiếu lao động giỏi”, bà Trinh cho hay.
Đô thị hóa và những vấn nạn theo sau nó như người dân mất đất sản xuất, thanh niên không có nghề và thiếu việc làm dẫn đến các hành vi xã hội tiêu cực như ăn chơi, phạm tội và nguồn nhân lực không được khai thác, đào tạo để bị lãng phí... là điều không mới. Nhà nước cũng có chính sách cho người dân - nhất là thanh niên - học nghề, tạo việc làm nhưng trên thực tế việc thực hiện các chính sách này chưa tốt.
Để đô thị hóa thành công và người dân có đời sống ổn định, xã hội phát triển bền vững, một mặt Nhà nước cần giám sát thực thi chính sách dạy nghề, tạo việc làm cho người dân thật tốt; một mặt nâng cao dân trí, hướng dẫn hoặc làm cho người dân biết tự hoạch định đời sống, việc làm cho mình để họ cùng song hành với quá trình phát triển.
Thất nghiệp còn lớn
Theo thống kê mới đây của Cục Thống kê Hà Nội, mỗi năm thành phố có 180.000-200.000 lao động chưa có việc làm, trong đó cụ thể số người từ 15 tuổi trở nên thất nghiệp trong năm 2010 là 109.000 người, dự báo trong năm 2011 tăng lên khoảng 111.000 người.

Người bắt cướp bị chém trọng thương


Thứ Hai, 27/06/2011, 14:14 (GMT+7) 

Người bắt cướp bị chém trọng thương 
TTO - 5g sáng nay (27-6), anh Nguyễn Tăng Tiên - người bắt cướp “Sợ bị trả thù khi bắt tội phạm” đã bị một nhóm giang hồ chém trọng thương phải nhập viện cấp cứu.
Tại bệnh viện, trên thân thể đầy vết thương và máu, anh Tiên thều thào cho biết có 4 người cầm mã tấu chém anh khi anh đang loay hoay nhóm bếp ở lò bánh mì cùng vợ. Anh Tiên khẳng định những đối tượng này nằm trong băng nhóm chuyên trộm cắp xe máy ở khu vực Sóng Thần mà anh cùng nhiều người chống tội phạm bắt trước đó, được Công an thị xã Dĩ An thả về.
Theo anh Tiên, sau khi các đối tượng bị bắt trở về cầm mã tấu tìm anh, anh đã cảnh giác nhưng không lường được mọi chuyện. Ngay sau khi tiếp xúc với phóng viên Tuổi Trẻ Online, anh Tiên được các bác sĩ đưa lên bàn mổ.
Theo bác sĩ, anh Tiên bị chém rất nặng. Cả hai tay và đùi phải bị chém sâu làm đứt gân, mất khá nhiều máu. Trong buổi sáng, các thành viên chạy xe ôm và những người cùng anh Tiên truy bắt tội phạm đã quyên góp kinh phí để anh Tiên có kinh phí nhập viện và phẫu thuật.
Trước đó, ngày 25-6, anh Tiên cùng nhóm tình nguyện bắt trộm cướp đã bắt được 6 đối tượng giao cho Công an thị xã Dĩ An. Chỉ hơn một giờ sau, anh Tiên cùng nhiều người khác bị các đối tượng bị bắt giao cho công an đã cầm mã tấu đi tìm để trả thù.
H.MI
Công an Thị xã Dĩ An nghĩ gì?
27/06/2011 3:50:20 CH
Để xảy ra vụ việc Công an TT Dĩ An có trách nhiệm xử lý tội phạm và trách nhiệm với người bị hại như thế nào? Yêu cầu phải trả lời với công luận.
Nguyễn Văn Hiền
Công an thị xã Dĩ An quá vô tâm, vô trách nhiệm!
27/06/2011 3:43:39 CH
Không hiểu nổi tại sao công an thị xã Dĩ An thả bọn cướp ra sau khi bị người dân vây bắt có đầy đủ tang chứng vật chứng như vậy? Người dân nghèo đã đi ở trọ, họ phải chắt chiu dành dụm để mua các vật dụng thiết yếu nhất cho cuộc sống mà cũng bị trộm dòm ngó, khi người ta đã anh dũng không ngại hiểm nguy, lo lắng cho tính mạng của mình để tóm gọn bọn cướp giao cho công an xử lý, tưởng đâu sẽ được bình yên vui sống, dạy cho chúng một bài học nhưng không ngờ bị chúng tấn công lại ngay sau đó. Thật không thể hiểu nổi công an Dĩ An lại quá vô trách nhiệm, dửng dưng đến vô hồn như vậy.
Trách nhiệm chính để cho anh Tiên bị chém nặng như vậy thuộc về những người công an xử lý vụ việc này trước đó. Nếu những người này không có đủ trình độ và năng lực thì nên xem xét lại, đừng để bọn cướp ngạo mạn cười trên sự đau khổ của những người bi cướp, đừng để xã hội dửng dưng với bọn cướp khi mà sợ chúng quay lại trả thù, đừng để những người thiếu lương tâm, tinh thần trách nhiệm làm viêc cho dân cho nước

Tiags

27/06/2011 3:38:29 CH
Tội cho "Lục Vân Tiên" thời nay quá! Công an làm việc như thế nào mà để cho những tên trộm táo tợn hung tàn này sau khi bị người dân bắt được chỉ một giờ đã quay lại trả thù người bắt? Thế thì ai còn dám làm " hiệp sĩ " nữa hỡi các bác công an ?
NDTTP
Thật là oái oăm...
27/06/2011 3:37:05 CH
Xin chia sẻ với anh Tiên, mong anh mau bình phục. Không hiểu công an thị xã Dĩ An (cụ thể là những người trực tiếp thả bọn cướp...) làm gì nữa
Nguyễn Văn Pha
Sợ không còn ai bắt cướp
27/06/2011 3:36:33 CH
Kiểu làm của Công an thị xã Dĩ An không có biện pháp bảo vệ người dân khi tham gia bắt cướp sau khi thả bọn chúng là việc làm vô cảm, vô trách hiệm. Còn ai đủ dũng cảm tham gia phong trào bảo vệ trật tự trị an nữa !
Quách Tuấn Khải
NGƯỜI BẮT CƯỚP BỊ CHÉM TRỌNG THƯƠNG
27/06/2011 3:34:10 CH
Thật không hiểu nổi luật pháp như vậy thì còn gì để nói nữa.
Huyên thanh
???
27/06/2011 3:32:40 CH
Công an Dĩ An trả lời về việc này như thế nào?
tunhuphuoctuyen
Công an đâu rồi???
27/06/2011 3:30:32 CH
Lực lượng vũ trang có nhiệm vụ thi hành pháp luật giữ gìn an ninh xã hội đâu rồi? Họ làm việc chưa hết trách nhiệm , để trộm cướp hoành hành khiến người dân vốn không có chức năng chấp pháp cũng phải tham gia. Nay dân bị trả thù, thiết nghĩ ngành Công an phải có trách nhiệm tìm ra và trừng phạt những kẻ trả thù. Đừng để chúng lộng hành, coi thường ngành công an, coi thường pháp luật và coi thường Nhà nước.
hoa.nguyenquoc
Bị chém rồi đấy mọi người ạ!
27/06/2011 3:27:41 CH
Các đồng chí công an ở đâu mất vậy? Anh Tiên bị chém rồi đó, giờ các anh lại tới hỏi thăm, hỗ trợ phong bì à? Tại sao các anh không làm tới nơi tới chốn được? Hay là thiếu người, thiếu phương tiện, thiếu chứng cứ? Lương của các anh là từ tiền thuế của những người lao động chúng tôi đó các anh ạ.
Nguyễn Lam
 CẢM NHẬN:

Cuộc sống đang có nhiều phức tạp và bất an, nào trộm cướp, sex, ma túy, bạo hành học đường, nước ngập, cây đổ, hố tử thần, hóa chất trong thực phẩm, thuốc giả,… Nhiều khi không biết ai bảo vệ cho mình nữa! Thôi thì, mình tự bảo vệ mình bằng chính phước đức của mình. Hy vọng trong cái cộng nghiệp của cả xã hội, mình vẫn có một biệt nghiệp tương đối khá hơn.

Nếu bàn tay mình bé nhỏ quá, không bảo vệ nổi cho nhiều người, thì trước hết hãy bảo vệ bản thân bằng phước đức. Mà muốn có phước đức thì các bạn hãy chịu khó TU, HỌC, LÀM TỪ THIỆN. Nhân quả không bao giờ sai chạy, chúng ta phải tin tưởng tuyệt đối vào lời Phật dạy và thực hành theo. 

BÁO CÁO PHÁT CƠM CHAY TỪ THIỆN Lần 9 ngày 25-6-2011

BÁO CÁO PHÁT CƠM CHAY TỪ THIỆN
Lần 9 ngày 25-6-2011

1- Số tiền vận động 

Số TT
NGƯỜI THAM GIA
SỐ TIỀN
TỔNG CỘNG
TỒN QUỸ
9.420.000đ
1
Nguyễn Minh Nhựt (Cái Tàu Hạ)
500.000đ

2
Cô Cúc chợ Long Kiểng 10kg giá
90.000đ

4
Dì Lệ (Cái Tàu Hạ-Đồng Tháp)
100.000đ

5
Cậu Danh (Cái Tàu Hạ-Đồng Tháp)
100.000đ
10.210.000đ
6
Một vị khách tại bệnh viện Nguyễn  Trãi
1kg thun, 1kg bọc xốp và bọc nylon


CHI PHÍ

2.820.000đ

SỐ SUẤT
590 suất


TỒN QUỸ

7.390.000đ





2-Thành viên tham gia:

1-Cô Kim    2-Rani      3-Nương  4-Trúc   5-Vỹ      6-Tín    7-Nhung    8-Nhật Kiên  9-Tin  
10-bà Sáu (hàng xóm) 11-Bác Năm (hàng xóm) 12-Út Năm (hàng xóm) 13-Thảo (Nhật) 14-Chị Diễm (hàng xóm)  15-Hoa    16-Tuyết   17-Duy

Đang là mùa thi, nên các bạn đành vắng mặt. Cô bác trong xóm thì giúp đỡ xắt rau củ vào buổi chiều thứ sáu. Buổi sáng chỉ có mấy người, nhưng vẫn bảo đảm số suất ăn như cũ.

3-Nội dung diễn biến

*Thực đơn: Mì xào thập cẩm, Cơm dương châu

Món mì vẫn được ưa chuộng nhất. Và cơm dương châu thì vẫn ngon hơn là cơm trắng.
Chỉ thương các bạn ngồi chiên cơm vất vả. Nhưng vui là được.

*Một cô đi thăm người thân trong bệnh viện, thấy hoạt động của Funny Home, đã cảm động và ủng hộ bọc nylon, thun, bọc xốp. Cô không nói tên, đành cảm ơn chung chung vậy.

*Lần này các bạn nghỉ nhiều, nhưng cô Kim lỡ mua nguyên liệu rồi, nên cả nhóm cũng cố gắng làm cho xong, ai nấy mệt đừ. Rút kinh nghiệm, có lẽ lần sau chúng ta chỉ nấu trong khoảng 300-400 suất là vừa sức. Như thế mới hoạt động lâu dài, nếu không cả cô Kim lẫn các bạn đều sẽ đuối và không làm nổi nữa. Thà làm ít mà bền, phải không các bạn? Tại hôm nọ, khi tăng lên 500 suất, các bạn phấn khởi quá, đòi giữ nguyên số lượng. Nhưng làm lâu mới thấm, quá mệt không còn sức để buổi chiều học tiếng Hoa nữa. Vậy, từ nay chúng ta điều chỉnh lại kế hoạch, để có thể chạy đường dài.