Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

Làm tiền trên xe khách: Công an ở đâu ?


Làm tiền trên xe khách: Công an ở đâu ?
Thứ Sáu, 28/12/2012
(NLĐ) - Bọn cướp trấn lột hành khách và nhà xe 3 năm trời nhưng công an không biết là thiếu trách nhiệm, có lỗi với dân
Giữa thanh thiên bạch nhật tại một thành phố lớn nhất nước mà bọn cướp có thể hung hăng cướp của người dân, đe dọa mạng sống của họ là không thể chấp nhận được. Điều này cho thấy lực lượng công an địa phương có vấn đề và người dân có quyền đặt câu hỏi về chức nghiệp của lực lượng này.
Cơ quan chức năng bất lực
Nhiều bạn đọc rất bức xúc trước những thông tin về hoạt động của bọn cướp trên các chuyến xe liên tỉnh đi qua địa bàn Quận Thủ Đức -TPHCM. Bức xúc trước hành động táo tợn của bọn cướp đã đành mà còn bức xúc trước sự yếu kém của lực lượng công an địa phương. Thông tin này càng “nhạy cảm” hơn khi ngay sáng 26-12 Tòa phúc thẩm, TAND Tối cao tại TPHCM vừa xử vụ CSGT nhận hối lộ “giải cứu xe đua”.
Bạn đọc Bùi Phước Hiệp, bày tỏ: “Báo Người Lao Động cứ tiếp tục viết loạt bài về đề tài này thì may ra công an địa phương mới chú ý tới được. Ví dụ như khi đã có một vài bằng chứng chẳng hạn thì tiến hành một bài phỏng vấn ông trưởng Công an Quận Thủ Đức xem sao. Hay như hỏi xem 34 tổ công tác của Công an TPHCM có tìm hiểu và biết về vấn nạn này hay không? Người dân nghèo, lương thiện cứ bị ức hiếp mãi sao? Câu hỏi này dành cho những người có trách nhiệm, nhất là công an địa phương”.
Ngang nhiên chắn cửa xe cho đồng bọn cướp tiền của hành khách. Ảnh: Thành Đồng 
Bạn đọc Lê An, cho biết: “Tuyến đường này thường xuyên có CSGT tuần tra, kiểm soát ngày đêm. Rồi công an sở tại cũng thường xuyên đi tuần thu dẹp lòng lề đường, chưa kể lực lượng công an phường với dân phòng hay lập chốt phạt những người không đội nón bảo hiểm ! Vậy mà bọn chúng nhởn nhơ trấn lột hành khách nhà xe thì quả thật là loạn rồi. Không còn gì để biện minh cho lực lượng lãnh lương hàng tháng mà để tình hình xảy ra nghiêm trọng như vậy”.
Bạn đọc Lê Năm, đặt vấn đề: “Bọn chúng không những hoạt động giữa thanh thiên bạch nhật mà còn hoạt động trong thời gian 3 năm thì làm sao mà công an địa phương không biết được chứ. Công an biết hết, biết rất rõ nhưng vấn đề là tại sao không bắt mà thôi”.
Trước thực trạng này, bạn đọc Hải Hằng ngao ngán: “Không hiểu những công bộc của dân, được trả lương bằng tiền thuế của người dân đã làm được gì khi cuộc sống của họ đang bị đe dọa”. Cùng tâm trạng, nhiều bạn đọc thắc mắc: Người dân chạy xe mà quên mang theo giấy tờ trong bóp, thiếu gương chiếu hậu, đèn, còi... công an đều biết để phạt. Còn côn đồ sống sờ sờ ra đó, tống tiền của nhà xe, hành khách trắng trợn mấy năm trời mà lực lượng công an không biết thì quả là quá lạ”.
Chấn chỉnh cho dân yên lòng
Nhiều bạn đọc cho rằng hãy khoan nói đến những chuyện lớn lao, ngành công an, nhất là công an địa phương hãy làm những việc đơn giản theo chức trách của mình thôi thì người dân đã mãn nguyện lắm rồi. Nào truy xe chính chủ, sửa đổi chứng minh nhân dân... làm gì cho xa xôi. Hãy giữ cuộc sống của người dân được bình an hằng ngày là người dân đã cám ơn lắm rồi.
Bạn đọc Hoàng Tuấn, nói thẳng: “Cứ nói là tại sao người dân mất lòng tin. Nên cách chức các lãnh đạo công an các quận để xảy ra tình trạng cướp bóc này. Nếu lực lượng công an làm tốt thì làm gì phải đến lượt các “Hiệp sĩ”, các cá nhân liều mình ngăn chặn bọn cướp. Chúng tôi xin các anh hãy làm tốt trách nhiệm của mình, trong khi lẽ ra chúng tôi phải yêu cầu các anh làm điều này”.
Bạn đọc Hoàng Lâm nêu một thực trạng: “Ngành công an thường đi sau thông tin của báo chí. Chắc chắn vài bữa nữa sẽ có chiến dịch điều tra, truy quét... rồi yên bình được vài tuần. Sau đó thì tội phạm lại tiếp tục hoàn hành dưới những băng nhóm và chiêu bài khác. Xem ra: việc phát hiện là của... nhà báo, chuyện xử lý tiếp theo mới là của cơ quan chức năng. Đừng làm lấy lệ cho có thành tích”.
Một bạn đọc lấy tên Cù Nèo đặt vấn đề: “Lãnh đạo công an địa phương nghĩ gì khi đọc bài báo và hình ảnh bọn trộm cướp lộng hành này trên địa bàn của mình nhỉ? Chứ tui thì tôi cảm thấy hơi buồn, đường đường là người giữ bình yên cuộc sống của nhân dân lại bó tay, làm ngơ với bọn này sao ? Người không có quyền trấn áp bọn này lại thấy rõ như ban ngày, còn người có quyền trấn áp thì không thấy, thật là điều đáng suy nghĩ. Tôi nghe nói TPHCM kiên quyết trấn áp tội phạm trên địa bàn mà. Bộ Công an cũng chỉ đạo quyết tâm trấn áp các loại tội phạm bảo vệ bình yên cuộc sống cho nhân dân từ nay đến Tết, mà sao bọn này lộng hành quá”.
Bạn đọc Lê Minh Thọ cho rằng: “Những vụ việc như thế này dường như công an thi thoảng làm vài vụ để báo cáo thành tích. Thật đáng buồn khi mà lực lượng công an có đầy đủ trang bị hỗ trợ nhưng họ không chịu làm để dân được yên ổn. Rất cần thiết phải chấn chỉnh lực lượng để xác định lại lập trường, quan điểm phục vụ dân”.
Triệt phá bọn cướp không quá khó khăn
“Tôi đã nghe và biết tuyến đường này tồn tại bọn trấn lột hành khách, tài xế... đã lâu lắm rồi, mỗi ngày mỗi táo tợn mà công an không thể dẹp được là điều khó hiểu. Đừng để bọn chúng lộng hành, ngang nhiên coi thường cả ngành công an. Mong rằng lãnh đạo ngành công an nên có kế hoạch triệt xóa vĩnh viễn tình trạng này. Tôi nghĩ không có gì quá khó khăn, phóng viên báo chí còn phát hiện được mà tại sao công an không làm được ? Tôi tin rằng chỉ cần một kế hoạch quyết liệt thì những băng nhóm như thế này không còn đất để tồn tại” - bạn đọc lấy tên Bác Bảy Về Hưu
Hồ Hiếu (Người Lao Động)
ý kiến
hiep -Công an bận phạt nón BH, giao thông... hổng có rảnh lo mấy vụ này!!!!
5 tài xế - Nên có văn hóa từ chức, làm không hết trách nhiệm mà không biết áy náy, không hổ thẹn.
Vanvinh - Mấy cây xăng Huệ Thiên là ám ảnh với người miền trung, đặc biệt là người dân Huế và Quảng Trị.
Kop -- Công an ở đâu à? Công an đâu rảnh mà dẹp mấy tụ điểm của bọn lưu manh, công an chỉ muốn phạt người vi phạm giao thông thôi.
Công An Thời @ - Quy tội hết cho Công An thì hơi quá, nhưng những gì diễn ra trước mắt thi phải nói là thất vọng và khó hiểu lực lượng sống bằng tiền đóng thuế của dân lại rất mạnh tay với người vi phạm những lỗi như bạn đọc vừa nêu, dẹp hàng mua gánh bán bưng thì đi cả đội cả xe lớn. Nhưng những chuyện cướp giật thì chẳng hay biết, liệu có nạn quan chức bảo kê cho cướp không? chứ địa bàn có 3 băng nhóm cướp giật mà không hay biết thì giới lãnh đạo địa phương đó có ngượng khi nhận lương hay ngồi mã trên chiếc ghế đó không?
Phet - Không có người báo thì sao biết mà giải quyết, mà phải có bằng chứng rõ ràng nha !!! Tui là CA nè !!! Không có tham nhũng gì hết đâu à nhe !
Thanh Bình - Liệu ta có nên đặt ra nghi vấn: công an khu vực này bảo kê cho bọn côn đồ hay không?
Tân- Việt Nam không thiếu người có tâm có tài,những người bất tâm bất tài cho nghỉ hết đi cho dân nhờ
Kiếm cơm bụi ! - Là một thương binh từ chiến trường K về, tôi may mắn tìm được công việc phù hợp ở KCN Sóng thần II, Dĩ an, Bình dương . Tôi thường đi xe máy qua gầm cầu vượt sóng thần bên phía Thủ đức để vào Công ty làm việc . Gân chân cầu vượt sóng thần phía bên Thủ Đức, tại đây thường tụ tập của cánh xe ôm trà trộn với bọn cướp . Một lần tôi bị bọn cướp hành hung phải vào viện, tôi đã làm đơn gởi Công an Quận Thủ Đức (nêu rõ số xe hon đa của kẻ cướp) nhờ Công an Quận Thủ đức giúp đỡ nhưng rồi tôi chờ mãi, chờ mãi đến vô vọng ! Kể từ đó tôi phải bỏ xe máy, đi xe buýt . Mỗi lần ngồi trên xe buýt đi ngang qua trạm xe buýt chân cầu vượt, tôi lại nhìn thấy những bộ mặt của kẻ bất lương vẫn nhởn nhơ còn đó mà lòng cứ thương cho người đi đường . Công an đâu ? Chính quyền đâu ? Có còn ai để bảo vệ người dân lương thiện như chúng tôi không ? Công An đâu ? Chính Quyền đâu ? Có còn ai để bảo vệ người dân lương thiện như chúng tôi không ? Công An đâu ? Chính Quyền đâu ? Có còn ai để bảo vệ người dân lương thiện như chúng tôi không ?
bùi phước hiệp - cảm ơn Báo NLĐ nhé. các bạn xứng đáng là anh hùng lao động một lần nữa. hãy là người bạn đồng hành cùng nhân dân chiến đấu chống lại cái ác. chúc cô, chú , bác, anh, chị, em phóng viên Báo NLĐ năm mới : bài báo mới, thông tin mới, thắng lợi mới. HAPPY NEW YEAR!
TƯ LÒ XO - Bọn cướp cạn này có bảo kê hết, không bắt chúng được đâu, mà có bắt xong thì cũng thả.
LAM NGUYEN KHANH -Tôi xin bảo đảm với các bạn, nếu có ai báo có 1 xe thuốc lá lậu đang xuống hàng. Chắc chắn 30 giây sau công an phường, công an trật tự, cảnh sát cơ động, 113, quản lý thị trường, công an kinh tế, cảnh sát giao thông ... và rất nhiều đơn vị khác có mặt tức thì để thi hành công vụ. Còn các vụ đâm chém nhau, quên đi! Đợi tàn cuộc mới có người xuống xem xét tình hình và ghi lời khai lấy lệ. Bạn nào dám thách đố với tôi phản bác lại điều này không?

Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

HỌC TRONG VÔ THỨC


HỌC TRONG VÔ THỨC
HOÀNG KIM

Rất nhiều năm nay, ngành giáo dục và phụ huynh cứ lo lắng và tổ chức nhiều cuộc hội thảo, bàn luận về việc học môn văn và kỹ năng sử dụng tiếng Việt của con em chúng ta. Thực tế không cần quá nhiều lý thuyết đến mức ấy, mà chỉ cần tăng thêm giờ thực hành thì lớp trẻ sẽ tiến bộ ngay thôi.

Tôi thuộc thế hệ 6X nên 12 năm học phổ thông có phân nửa là trước giải phóng và phân nửa thuộc về thời bao cấp. Nhưng giai đoạn nào cũng giống nhau ở chỗ: không nhồi nhét, không văn mẫu, không học thêm, mà thực hành nhiều. Chúng tôi có thời gian để làm báo tường, thi văn nghệ, chơi thể thao liên miên, tiếng cười luôn rộn vang sân trường. Riêng với môn Văn, có thể hiểu rộng thêm là tiếng Việt, thì chúng tôi được đọc sách, bàn luận, viết nhật ký mỗi ngày. Không ngày nào không đọc, từ truyện tranh tới truyện chữ, vừa đẹp vừa rẻ. Không hiểu sao thời bao cấp khốn khó vậy mà nhà sách vẫn tràn ngập truyện tranh sắc màu rực rỡ, tôi là con nhà nghèo nhưng chỉ cần bớt tiền ăn sáng một chút là đủ mua một quyển, không phiền tới mẹ cha. Rồi truyện chữ dù in giấy đen thui nhưng hay và rẻ, tha hồ mua, tha hồ đọc. Còn nhật ký tuổi thơ đơn giản lắm, có khi chỉ ghi lại hôm nay má mình đi chợ về mua cho mình gói bánh bèo nước cốt dừa ngon ơi là ngon, thương má quá đi thôi. Hoặc bà ngoại phơi cá khô bị con mèo ăn trộm, bà ngoại đánh vào đít nó, ha ha ha. Lớn lên một chút thì ghi chép sâu sắc hơn, lãng mạn hơn. Đó là cách luyện văn hiệu quả vô cùng.

Nhờ cái vốn chữ đó mà chúng tôi làm văn dễ ợt, chẳng khi nào thấy thầy cô than phiền. Bạn nào bị gọi là “dở văn” nghĩa là không viết được “hoa lá cành” như bạn giỏi, chứ không phải kiểu viết ngây ngô, lộn xộn, thậm chí viết bậy bạ, hoặc bí rị ý tưởng như học trò bây giờ. Muốn biết học văn cỡ nào thì thử đưa ra một bài thơ hoặc bài văn mới toanh không có trong sách giáo khoa, và cũng đừng kèm theo bài phân tích mẫu, nhiều học trò thời nay sẽ không cảm thụ được gì, đừng nói tới viết hay.

Đến thế hệ con tôi 8X, tôi “dũng cảm” không cho cháu học thêm bất cứ môn gì. Sau giờ tan học là về nhà ôm sách đọc mê mải, ngày chúa nhật tôi cũng cho cháu vào Nhà sách Sài Gòn đọc ké trong phòng đọc miễn phí, rồi khi ra về sẽ chọn một vài quyển để mua, mà không mua cũng chẳng ai phiền hà gì mình. Suốt ba tháng hè, tôi cũng cho cháu vào nhà sách, đến trưa tôi tan sở ghé đón cháu về. Phải thực lòng nói cảm ơn Nhà sách Sài Gòn những năm ấy có một không gian đọc miễn phí để những đứa trẻ được đọc nhiều, giúp phụ huynh an tâm đi làm. Khi cháu lên cấp 2, cháu có thể đọc được sách khó hơn, và lớp 10, 11 đã đọc Mạc Ngôn, Giả Bình Ao…dễ dàng. Và cháu học môn văn cũng không hề vất vả. Cháu chỉ cần gạch đầu dòng những ý cần thiết trong bài, sau đó sẽ tự diễn giải ra bằng văn của chính mình, không cần thuộc lòng văn mẫu.

Nói như vậy để thấy dù thế hệ nào đi nữa cũng có một điểm chung là nếu thực hành nhiều thì sẽ viết văn tốt, sử dụng tiếng mẹ đẻ thành thạo. Thật ra khi viết chúng ta đâu còn nhớ những kỹ thuật, ngữ pháp gì nữa. Đọc sách nhiều, viết nhật ký, viết báo tường chính là luyện kỹ năng trong vô thức. Mà luyện cái này thì phải nhiều hơn thời gian học lý thuyết. Một tiết học văn trên lớp nhưng tôi có tới 3 tiếng đồng hồ đọc sách ở nhà, rõ ràng hiệu quả hơn. Luyện mãi thì hữu chiêu sẽ biến thành vô chiêu. Chứ nếu chỉ học lý thuyết ngữ pháp mà không thực hành đọc và viết thì mãi mãi không sử dụng được.

Xin Bộ Giáo dục giảm tải sách giáo khoa và bỏ ngay văn mẫu cho các em nhờ. Và dành thời gian cho các em đọc sách. Không có người thầy nào tốt hơn sách. Nhiều tài năng không được đến lớp nhưng vẫn thành công nhờ làm bạn với sách ngay từ tuổi thơ. Hiện nay lớp trẻ rất thích công nghệ thông tin thì đã có sách điện tử phục vụ giá rất mềm, chỉ 10.000đ là mua được một cuốn. Đọc ở đâu cũng là đọc. Học văn đâu đến nỗi quá…bi kịch!

Một người bán hoa bị bắt vì mang... dao tỉa cành !


Một người bán hoa bị bắt vì mang... dao tỉa cành !
24/12/2012 3:15
Một người đàn ông đi bán hoa, cây cảnh bị bắt giữ, còng chân và có nguy cơ bị phạt 8 triệu đồng. Người dân khẳng định dao để dùng tỉa hoa, cây cảnh còn công an cho rằng đây là hành vi “tàng trữ vũ khí thô sơ”.
Cho đến 16 giờ chiều qua, 23.12, anh Vũ Viết Ngọc, 36 tuổi ngụ tại P.Phương Đông, TP.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh vẫn bị tạm giữ tại trụ sở Công an P.Yên Phụ, Q.Tây Hồ, TP.Hà Nội trong tình trạng chân bị cùm. Trước đó, vào 2 giờ sáng cùng ngày, anh Ngọc bị lực lượng 141 Hà Nội bắt giữ và bàn giao lại cho công an phường, vì hành vi “tàng trữ vũ khí thô sơ”.
Phản ánh qua đường dây nóng Báo Thanh Niên, anh Ngọc cho biết: “Gia đình tôi buôn bán hoa, cây cảnh, hằng ngày vẫn thường lấy hàng từ Hà Nội và chở trong đêm về TP.Uông Bí để kịp mở hàng vào sáng sớm. Vào đêm qua, khi lấy hoa xong, đi qua P.Yên Phụ để về, thì tôi bị lực lượng 141 chặn lại. Qua kiểm tra hành chính họ phát hiện trên ô tô có 1 con dao nên đã tạm giữ tôi và tài xế cùng phương tiện bàn giao cho Công an P.Yên Phụ xử lý”. Cũng theo anh Ngọc, người lái xe sau đó đã được Công an P.Yên Phụ thả ra vì không liên quan đến con dao, còn anh Ngọc và ô tô bị giữ lại. “Từ hai giờ sáng hôm qua đến nay, tôi bị cùm chân, lúc nào muốn tiểu tiện thì họ mới tháo còng”, anh Ngọc nói.
Cũng theo anh Ngọc, con dao lực lượng công an phát hiện trên xe là loại dao tông, dài 55 cm, được anh dùng để chặt, tỉa cành lá cây hoa cho gọn trước khi chất lên ô tô. “Vào thời điểm bị bắt giữ cũng như lấy lời khai tại công an phường tôi đã giải thích, xuất trình đầy đủ giấy tờ tùy thân, giấy tờ phương tiện nhưng họ không nghe, tôi nói mãi họ mới cho thuê ô tô chở hoa về vì để lâu sợ hỏng, còn xe thì giữ lại. Tôi thì họ nói là tàng trữ vũ khí thô sơ nguy hiểm nên định xử lý mức phạt là 8 triệu đồng”, anh Ngọc cho biết.
“Trong sự việc này tôi hiểu, nếu có thì đây chỉ là vi phạm hành chính nhưng bị họ còng chân hàng tiếng đồng hồ, lý do mang dao tôi cũng đã nêu nhưng mức phạt 8 triệu đồng là lớn so với người đi bán hoa như tôi, không rõ pháp luật nào quy định như vậy, nếu có thì rất bất công với những người như tôi”, anh Ngọc kiến nghị.
“Còng chân thì vô tư”
Trao đổi qua điện thoại với PV vào chiều qua, đại tá Đào Thanh Hải, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.Hà Nội cho biết, lực lượng 141 khi phát hiện có hung khí nguy hiểm thì sẽ bàn giao cho công an phường xác minh làm rõ. Còn việc anh Ngọc bị còng thì ông không rõ, vì sau khi bàn giao người và phương tiện thì trách nhiệm giải quyết là của công an phường.
Trong khi đó, một lãnh đạo Công an P.Yên Phụ cho rằng sẽ kiểm tra việc này: “Lực lượng 141 bàn giao thì chúng tôi phải làm. Các ông biết lực lượng 141 rồi đấy, dao tông có trong người, trong phương tiện thì phải xem xét xử lý”. Trước câu hỏi việc công an tạm giữ và cùm chân người dân như vậy theo quy định nào thì ông này giải thích: “Chúng tôi phải truy xét, phải căn cứ vào việc nọ việc kia rồi báo cáo lại với 141, giữ hành chính còng chân thì vô tư, từ hôm qua đến bây giờ vẫn chưa đủ 24 tiếng”.
Khi PV tiếp tục hỏi đây là vi phạm hành chính hay hình sự và việc cùm chân có cần thiết, lãnh đạo Công an P.Yên Phụ, nói: “Chúng tôi chưa làm rõ nhưng người này có mang theo dao tông. Bây giờ thành phố thành lập 141 để chống lại đối tượng nguy hiểm, các đối tượng mang dao mang kiếm ngoài đường, anh hiểu không?”.
Trao đổi với Thanh Niên, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho rằng: “Theo quy định pháp luật, công an phường có quyền tạm giữ người trong vòng 24 tiếng, trong trường hợp phức tạp là 48 tiếng. Biện pháp tạm giữ người được áp dụng khi có dấu hiệu bỏ trốn. Đối với trường hợp này đi bán hoa, cây cảnh có nghề nghiệp, địa chỉ rõ ràng, có phương tiện. Hơn nữa đã là bán hoa cây cảnh thì ai chẳng có dao kéo để cắt. Nhìn ai cũng giống như ăn cướp như vậy sẽ tạo bức xúc cho người dân. Việc xác minh nhân thân quá đơn giản nhưng sao lại xử lý phức tạp cứng nhắc như vậy”.
Thả người nhưng giữ phương tiện và giấy tờ
Đến 17 giờ chiều qua, sau khi PV Thanh Niên liên lạc với lãnh đạo Công an P.Yên Phụ, anh Ngọc đã được tháo cùm chân, cho về. Tuy nhiên, Công an P.Yên Phụ vẫn tạm giữ giấy tờ xe, CMND, bằng lái, đăng ký xe của anh Ngọc và hẹn ngày 24.12 đến làm việc. Tiếp xúc với PV, anh Ngọc cho biết phải thuê phòng nghỉ tại P.Yên Phụ. Cũng vì toàn bộ giấy tờ tùy thân bị tạm giữ nên anh phải dùng giấy tạm giữ phương tiện chủ khách sạn mới cho nghỉ.
Theo anh Ngọc, vào thời điểm lực lượng 141 ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra, tài xế điều khiển xe đi đúng luật. Chiếc xe đầy đủ giấy tờ chính chủ. Sau khi bị lực lượng 141 bàn giao về P.Yên Phụ, anh Ngọc và tài xế bị công an phường này yêu cầu tháo thắt lưng và khám xét, lục soát khắp người. Dù chưa hiểu mình bị bắt giữ vì hành vi gì nhưng theo anh Ngọc, một cán bộ P.Yên Phụ cho rằng, chiếc xe của anh có thể bị tạm giữ 30 ngày.
Thái Sơn (Thanh Niên)

Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

LÀM THẦY HAY LÀM THỢ?


LÀM THẦY HAY LÀM THỢ? (có chỉnh sửa)
DIỆU KIM

Báo Thanh Niên tháng 12-2012 đưa tin Trường Trung cấp nghề Bạc Liêu vắng vẻ học viên, dù cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên xem ra khá đầy đủ. Trong khi đó nhiều em sinh viên vùng xa đang “bơi” ở TP.HCM với các chương trình học, và học phí, tiền ăn ở cao ngất…

Thực tế là hiện nay phần lớn các gia đình và bản thân các sinh viên đều thích chọn những ngành có vẻ “sang sang”, được làm việc ở văn phòng, chứ không mấy người mặn mà với việc học nghề. Rất nhiều em chen nhau học kế toán, luật, quản trị kinh doanh, ngân hàng…nhưng khi ra trường rất khó khăn tìm được việc làm bởi xã hội đã bão hoà, và bởi hàng loạt doanh nghiệp đã giải thể. Như vậy giấc mộng “làm thầy” gần như tan biến. Hoặc phải làm tạm những nghề khác để chờ đợi, có khi đổi nghề luôn mà sống. Chưa kể, nhiều trường tại TP.HCM bây giờ cũng tuyển sinh dễ dãi vì thiếu chỉ tiêu, học viên điểm thấp lè tè cũng được tuyển vào, học hành lớt phớt rồi cũng có bằng cấp, rồi có tìm việc được hay không thì học viên ráng chịu. Cho nên cầm cái bằng cấp của những ngành “thời thượng” nhưng không có gì bảo đảm sẽ thành công sau này.

Trong khi đó, công cuộc xây dựng đất nước có nhu cầu rất lớn về “thợ”, rất cần những thợ tay nghề cao, chuyên môn giỏi. Kỹ thuật điện, điện tử, điện gia dụng, cơ khí, ô tô, nhiệt, xây dựng, thực phẩm, may mặc, bác sĩ máy tính v.v… đều có cơ hội việc làm cao. Mà những ngành đó xem ra trường Bạc Liêu và một số trường tỉnh đã mở khá đầy đủ, không cần phải chạy lên Sài Gòn để học. Hoặc có thể học căn bản ở tỉnh cho đỡ chi phí gia đình, rồi trong quá trình đi làm sẽ tìm tòi học thêm, nghiên cứu thêm. Học cả đời, học qua thực tế, chứ đâu chỉ vài năm ở trường.

Làm thầy hay làm thợ không quan trọng. Quan trọng là có việc làm phù hợp, còn hơn chạy đôn chạy đáo vì những hư danh ảo. Nhiều người thành danh và khá giả nhờ tay nghề kỹ thuật cao, chứ không phân biệt thầy hay thợ. Tôi có cô em họ, thằng con trai của cô không chịu thi đại học nào hết mà nằng nặc đòi làm bếp. Nghe cô rầy la nó hoài, tôi bèn can thiệp, bảo cô cứ cho nó sống đúng với bản chất, năng khiếu, vì tôi nhớ hồi nhỏ nó thường say mê nấu nướng. Quả vậy, khi nó vào làm một nhà hàng Nhật, tự mày mò học hỏi, được ông đầu bếp người Nhật thương mến, cho làm phụ tá và dạy nghề. Mới vài năm mà lương của nó đã tròm trèm 10 triệu đồng mỗi tháng. Mẹ nó giờ hết rầy mà…khoe. Mấy cô thợ may cạnh nhà tôi, chỉ có cái tiệm nhỏ trong con hẻm ngoằn ngoèo, vậy mà khách hàng nườm nượp, chưa kể còn may bỏ mối cho shop thời trang. Còn hai tháng nữa mới đến tết mà tiệm đã thôi nhận khách, vì hàng đã quá nhiều. Còn một anh thợ sửa điện, sửa máy lạnh, tủ lạnh gần chỗ tôi cũng “chạy sô” bở hơi tai, vì khách hàng rất tin tưởng, gọi tới nhà liên tiếp. Bạn tôi là thợ sửa vi tính cũng vậy, khách hàng luôn ưu ái, vì hầu hết nhà nào cũng có máy tính, làm gì không trục trặc. Họ thích kêu thợ về nhà vì họ đỡ phải khiêng xách tới tiệm. Chỉ cần vệ sinh máy thôi đã gần 100.000đ, đâu phải kém cạnh. Nếu máy hư nhiều thì thợ sẽ tự mang đi, rồi trả lại sau, giá cả “ngon lành”.

Kinh tế khó khăn, gia đình có con đi học càng khó khăn hơn, vì phải thắt lưng buộc bụng, đi mượn, đi vay cho con đóng học phí, sinh hoạt. Vì vậy niềm hy vọng trút hết vào con. Nhưng nỗi thất vọng sẽ lớn hơn khi nó không tìm được việc làm hoặc làm việc khác với ngành đã học. Nên chăng đừng quá ảo tưởng vào những chức danh mà cần nhìn thẳng vào năng khiếu của con mình và vào thực tế xã hội để tìm ngành học và nơi học vừa sức, phù hợp. Khi người ta yêu nghề, làm đúng sở trường thì khả năng thành công và hạnh phúc lớn hơn.

Và một điều quan trọng nữa, đó là duyên nghiệp. Mỗi người sinh ra hầu như đã có một cái “nghiệp” từ kiếp trước, nghĩa là đã huân tập, gieo trồng hạt giống của nghề nghiệp đó, cho nên bên cạnh chữ “nghề” lại có chữ “nghiệp” là vì thế. Ông bà xưa có câu: Nghề chọn người chứ người không chọn nghề. Dĩ nhiên không hẳn là thụ động ngồi chờ cái gì đến sẽ đến, nhưng cũng nên chú trọng chọn nghề sao cho đúng với cái chất của bản thân mình, nghĩa là đúng năng khiếu, sở thích. Nếu chọn không đúng thì loay hoay cũng sẽ đổi nghề, sẽ trở lại với năng khiếu của mình.

Cho nên, nghề sẽ đến với chúng ta đúng với nghiệp đã gieo, đừng bon chen hư ảo. Tuy nhiên, có những nghề mà Đức Phật khuyến cáo không nên làm, thì nhất định chúng ta không được chọn, mà lỡ có theo rồi thì cũng phải nỗ lực thay đổi, để chuyển nghiệp. Nghề sản xuất và buôn bán vũ khí, nghề buôn thịt chúng sinh, dính tới sát sinh, nghề sản xuất và buôn rượu (cả những chất gây nghiện), nghề buôn người, nghề sản xuất và buôn bán chất độc. Không cái nghiệp nào mà không chuyển được nếu chúng ta kiên quyết. Những nghề này có làm giàu cách mấy cũng phải bỏ vì không phải chánh mạng.

Và chánh mạng còn ở chỗ, nghề nghiệp dù có sang trọng hay chân chính đi nữa mà người làm nghề không tận tuỵ, không trung thực, không cầu tiến, thì nhân quả cũng rất xấu. Nhiều doanh nghiệp sản xuất gian dối, nhiều cán bộ, cảnh sát tham nhũng, hối lộ, những thầy cô giáo bắt học trò học thêm, những bác sĩ ăn hoa hồng cao trên toa thuốc v.v…đều bị xã hội lên án, hoặc phá sản, hoặc ra toà, hoặc con cái phá của… Nghề nào kiếm được đồng tiền chân chính thì hạnh phúc sẽ lâu bền. Hạnh phúc không chỉ là thu nhập cao hay thấp, mà còn là sự hoà thuận, an vui trong gia đình. Những giám đốc nắm trong tay bạc tỷ nhưng vợ thì ngoại tình, bài bạc, con cái thì đua xe, ma tuý, chính là những bằng chứng đau lòng. Cho nên, làm thầy hay làm thợ không quan trọng, mà phải chọn nghề đúng với sở trường và lương tâm, thì cuộc sống sẽ an ổn lâu dài.

                                                                                               

Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

CẮM HOA CÚNG PHẬT

CẮM HOA CÚNG PHẬT

Là người Phật tử nên cô Diệu Kim rất chú trọng bàn thờ Phật trong gia đình. Cô Kim thích cắm hoa cúng Phật, làm cho bàn thờ trang nghiêm, đẹp đẽ. Xin giới thiệu một số mẫu hoa đã cắm















BỒ TÁT CÓ LINH ỨNG KHÔNG?

BỒ TÁT CÓ LINH ỨNG KHÔNG?

DIỆU KIM (đã đăng báo Giác Ngộ)

Báo Giác Ngộ số ra ngày 3-11-2012 có đăng bài tâm tư của cô Liên Thuỷ 38 tuổi đã làm nhiều việc thiện để cầu con trai nhưng đi siêu âm thai thì vẫn thấy là con gái. Cô có phần hoang mang, hình như không tin vào sự linh ứng của Bồ Tát nữa. Chúng tôi xin có một vài lời góp thêm với cô, mong cô sẽ bình tâm mà tiếp tục những hạnh nguyện lành, không mất niềm tin vào Phật pháp.

Thứ nhất, chúng tôi có một người quen là cô Đặng Thị Phượng, Phật tử của chùa Quảng Hạnh, thị trấn Lagi tỉnh Bình Thuận, cũng cầu con trai như cô Liên Thuỷ, nhưng siêu âm mãi cho đến gần ngày sanh vẫn có kết quả là con gái. Thế mà khi sinh ra, lại chính là con trai. Mọi người đều vui mừng và càng tin tưởng vào sự gia hộ của chư Bồ Tát.

Thứ hai, cách đây hơn 20 năm, nhà tôi ở Đồng Tháp, chị Hai hàng xóm đã có hai cô con gái nên gia đình chồng thiết tha mong một cậu con nối dõi dù chị Hai đã lớn tuổi, chỉ có thể sinh thêm một lần nữa mà thôi. Khi chị có bầu, chị đi khám khắp nơi, từ các bác sĩ ở bệnh viện tỉnh, bệnh viện TPHCM, cho đến các bà mụ nổi tiếng của làng xã (để tham khảo thêm), tất cả đều dự đoán chị sinh con gái. Chỉ còn khoảng hơn 1 tháng nữa chị lâm bồn, bà mẹ chồng của chị xuống ở nhà trông nom chị, và bà đã thành tâm khấn nguyện ngày đêm, cúng kiến, thắp hương, trì kinh, trì chú. Bà vốn ăn chay trường, hiền lành, phúc hậu. Cuối cùng, chị Hai sinh ra đứa con trai kháu khỉnh. Bây giờ cháu đã là một kiến trúc sư tử tế, hiền hậu.

Hai dẫn chứng đó có lẽ cũng giúp chúng ta an tâm hơn về sự linh ứng của Bồ Tát, nếu chúng ta thành tâm cầu nguyện điều gì. Thế nhưng, nếu điều cầu xin của chúng ta vẫn không được kết quả thì cũng đừng thất vọng và mất niềm tin. Bởi như lời của Tổ tư vấn đã viết, con trai hay con gái đều do duyên nghiệp của mình, hãy chấp nhận và thương yêu hơn là phủ nhận và so đo. Thái độ này sẽ dẫn đến những hệ luỵ không hay.

Tôi có cô bạn gái, có chồng mãi đến gần 40 tuổi mới thụ thai, chưa kể là tốn mấy chục triệu đồng để đi khám và uống thuốc hiếm muộn. Cả nhà và bạn bè đều chia vui với cô. Nhưng sau khi cô đi siêu âm biết thai là trai thì cô liên tục cằn nhằn, bởi cô chỉ thích con gái. Bụng đã 5 tháng rưỡi, đứa bé đã thành hình rất rõ, mà cô vẫn luôn có câu nói cửa miệng “Không thích!”. Tôi ghé thăm, nghe vậy liền can ngăn: “Mầy đừng nói thế, con nó nghe, nó sẽ “giận”. Mình chào đón, nâng niu nó thì nó mới sung sướng mà ở với mình chứ. Cứ bảo “không thích”, ông bà cữ kiêng đó!”. Tôi là phật tử, không tin vào chuyện kiêng cữ mê tín, nhưng phải giả bộ nói vậy để cô bạn sợ mà thôi cằn nhằn. Thật lòng, tôi chỉ tin nhân quả. Khi mình không trân trọng thứ gì thì mình sẽ không còn thứ đó nữa. Mình biết thương, biết đón nhận, thì chúng sanh mới đến với mình. Ví như lòng hiếu khách vậy, nếu ta là chủ nhà mà ta không thích khách khứa lui tới, cứ cằn nhằn hoặc mặt mày chù ụ, thì lần sau không ai dám bước vô nhà ta nữa. Nhưng dù tôi khuyên can, cô bạn vẫn không tin. Thế là chỉ tuần sau, nghe cô sẩy thai. Thai nhi gần 6 tháng, một đứa con trai mặt mũi tay chân đầy đủ. Gia đình hoả táng đứa bé, gởi vào chùa. Đến bây giờ cô vẫn đi thăm con, nâng niu hũ cốt, dù biết đó là thứ còn sót lại muộn màng nhất của một sinh linh. Và cô không còn cơ hội mang thai lần nữa.

Xin quý chị em phụ nữ hãy vui vẻ với thiên chức làm mẹ của mình, bởi được làm mẹ đã là một hạnh phúc lớn. Có người vô sinh, tốn cả trăm triệu để thụ thai nhân tạo, mà chưa chắc đã có thai. Vậy ta được mang con trong bụng, được nghe tiếng con quẫy đạp, có niềm vui nào bằng. Và đứa con nào đến với mình cũng là do duyên nghiệp, hãy cố gắng nâng niu và chăm sóc bé, để bé trở thành người tốt, làm điều lợi ích cho bản thân nó, gia đình, và xã hội. Như vậy ta mới xứng đáng là “người mẹ”. Còn hơn đòi trai, đòi gái, tâm lăng xăng, phân biệt, thì chắc không còn bao nhiêu tâm trí để nuôi và dạy con.

LÀM THẦY HAY LÀM THỢ?



LÀM THẦY HAY LÀM THỢ?

HOÀNG KIM

Báo Thanh Niên đưa tin Trường Trung cấp nghề Bạc Liêu vắng vẻ học viên, dù cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên xem ra khá đầy đủ. Trong khi đó nhiều em sinh viên vùng xa đang “bơi” ở TP.HCM với các chương trình học, và học phí, tiền ăn ở cao ngất…

Thực tế là hiện nay phần lớn các gia đình và bản thân các sinh viên đều thích chọn những ngành có vẻ “sang sang”, được làm việc ở văn phòng, chứ không mấy người mặn mà với việc học nghề. Rất nhiều em chen nhau học kế toán, luật, quản trị kinh doanh, ngân hàng…nhưng khi ra trường rất khó khăn tìm được việc làm bởi xã hội đã bão hoà, và bởi hàng loạt doanh nghiệp đã giải thể. Như vậy giấc mộng “làm thầy” gần như tan biến. Hoặc phải làm tạm những nghề khác để chờ đợi, có khi đổi nghề luôn mà sống. Chưa kể, nhiều trường tại TP.HCM bây giờ cũng tuyển sinh dễ dãi vì thiếu chỉ tiêu, học viên điểm thấp lè tè cũng được tuyển vào, học hành lớt phớt rồi cũng có bằng cấp, rồi có tìm việc được hay không thì học viên ráng chịu. Cho nên cầm cái bằng cấp của những ngành “thời thượng” nhưng không có gì bảo đảm sẽ thành công sau này.

Trong khi đó, công cuộc xây dựng đất nước có nhu cầu rất lớn về “thợ”, rất cần những thợ tay nghề cao, chuyên môn giỏi. Kỹ thuật điện, điện tử, điện gia dụng, cơ khí, ô tô, nhiệt, xây dựng, thực phẩm, may mặc, bác sĩ máy tính v.v… đều có cơ hội việc làm cao. Mà những ngành đó xem ra trường Bạc Liêu và một số trường tỉnh đã mở khá đầy đủ, không cần phải chạy lên Sài Gòn để học. Hoặc có thể học căn bản ở tỉnh cho đỡ chi phí gia đình, rồi trong quá trình đi làm sẽ tìm tòi học thêm, nghiên cứu thêm. Học cả đời, học qua thực tế, chứ đâu chỉ vài năm ở trường.

Làm thầy hay làm thợ không quan trọng. Quan trọng là có việc làm phù hợp, còn hơn chạy đôn chạy đáo vì những hư danh ảo. Nhiều người thành danh và khá giả nhờ tay nghề kỹ thuật cao, chứ không phân biệt thầy hay thợ. Tôi có cô em họ, thằng con trai của cô không chịu thi đại học nào hết mà nằng nặc đòi làm bếp. Nghe cô rầy la nó hoài, tôi bèn can thiệp, bảo cô cứ cho nó sống đúng với bản chất, năng khiếu, vì tôi nhớ hồi nhỏ nó thường say mê nấu nướng. Quả vậy, khi nó vào làm một nhà hàng Nhật, tự mày mò học hỏi, được ông đầu bếp người Nhật thương mến, cho làm phụ tá và dạy nghề. Mới vài năm mà lương của nó đã tròm trèm 10 triệu đồng mỗi tháng. Mẹ nó giờ hết rầy mà…khoe. Mấy cô thợ may cạnh nhà tôi, chỉ có cái tiệm nhỏ trong con hẻm ngoằn ngoèo, vậy mà khách hàng nườm nượp, chưa kể còn may bỏ mối cho shop thời trang. Còn hai tháng nữa mới đến tết mà tiệm đã thôi nhận khách, vì hàng đã quá nhiều. Còn một anh thợ sửa điện, sửa máy lạnh, tủ lạnh gần chỗ tôi cũng “chạy sô” bở hơi tai, vì khách hàng rất tin tưởng, gọi tới nhà liên tiếp. Bạn tôi là thợ sửa vi tính cũng vậy, khách hàng luôn ưu ái, vì hầu hết nhà nào cũng có máy tính, làm gì không trục trặc. Họ thích kêu thợ về nhà vì họ đỡ phải khiêng xách tới tiệm. Chỉ cần vệ sinh máy thôi đã gần 100.000đ, đâu phải kém cạnh. Nếu máy hư nhiều thì thợ sẽ tự mang đi, rồi trả lại sau, giá cả “ngon lành”.

Kinh tế khó khăn, gia đình có con đi học càng khó khăn hơn, vì phải thắt lưng buộc bụng, đi mượn, đi vay cho con đóng học phí, sinh hoạt. Vì vậy niềm hy vọng trút hết vào con. Nhưng nỗi thất vọng sẽ lớn hơn khi nó không tìm được việc làm hoặc làm việc khác với ngành đã học. Nên chăng đừng quá ảo tưởng vào những chức danh mà cần nhìn thẳng vào năng khiếu của con mình và vào thực tế xã hội để tìm ngành học và nơi học vừa sức, phù hợp. Khi người ta yêu nghề, làm đúng sở trường thì khả năng thành công và hạnh phúc lớn hơn.

Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

DANH TÁC THÀNH TRUYỆN TRANH



DANH TÁC THÀNH TRUYỆN TRANH

HOÀNG KIM – ANH VŨ (đã đăng báo Thanh Niên)

Mấy năm nay, những tác phẩm văn học kinh điển của Việt Nam và thế giới đã hiện diện trên quầy sách dưới một hình thức mới - truyện tranh. Hình thức này đang chứng tỏ sức hấp dẫn của mình với độc giả trẻ.
Tiểu thuyết Giông tố của Vũ Trọng Phụng đã biến thành 6 cuốn truyện tranh đầy hình vẽ sinh động và kịch tính. Cùng với Chí Phèo, Tắt đèn, Chiếc lược ngà, là thành quả lao động từ năm 2009 đến nay của nhóm họa sĩ trẻ B.R.O (Hoàng Anh Tuấn, Phạm Kiều Oanh, Nguyễn Nhật Nguyên) thuộc công ty Phan Thị. Những khung hình thể hiện nội tâm nhân vật cho thấy các bạn đã có sự đầu tư tìm hiểu rất kỹ tác phẩm văn học và chăm chút tỉ mỉ cho tạo hình nhân vật của mình. Nét vẽ mạnh mẽ, chín chắn nhưng không khô khan, thỉnh thoảng chen vào những đoạn phá cách, hài hước làm nhẹ bớt không khí bi kịch ở nguyên tác. Đặc biệt là cách chuyển cảnh, phân đoạn và dẫn dắt câu chuyện đậm chất điện ảnh, một yếu tố quan trọng làm nên sức thu hút của bộ truyện.

Quả thật, trong hội chợ sách tháng 3-2012, bộ truyện tranh Danh tác Việt Nam được độc giả trẻ đón nhận nồng nhiệt. Tắt đèn đã lấy đi không ít nước mắt của các bạn. Có nhiều bạn gọi điện nói phải tìm xem nguyên tác văn học mới được. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng bày tỏ: "Tôi rất thích bộ truyện tranh Chiếc lược ngà, các bạn họa sĩ đã cảm xúc và thể hiện thành công qua nét vẽ”. Dự án đang đi đúng hướng, góp phần làm phong phú thị trường truyện tranh Việt Nam, giảm thiểu tình trạng viết văn “thảm họa” trong học đường và vực dậy tình yêu văn học ở giới trẻ.

Bên cạnh những phản hồi ủng hộ, có một số ý kiến cho rằng bộ truyện tranh chưa thuần Việt đúng nghĩa, nét vẽ còn đậm chất Manga (truyện tranh Nhật Bản). Đây là một vấn đề khó tránh khỏi, ngay cả Manhwa (truyện tranh Hàn Quốc), Manhua (truyện tranh Trung Quốc) cũng ít nhiều bị ảnh hưởng của Manga. Tuy nhiên, nhóm cũng rất cố gắng tạo dấu ấn của riêng mình, yếu tố Việt Nam được lồng vào nhiều hơn, không lạm dụng phong cách Chibi (nhân vật tí hon, ngắn ngủn với đầu to, mắt to nhưng rất dễ thương) như một số truyện tranh khác. Rõ ràng, các bạn đã và đang lao động nghệ thuật nghiêm túc, hãy cho họ thêm thời gian.

Trước đó, nhà xuất bản Kim Đồng cũng đã phát hành bộ truyện tranh Tuyển tập danh tác thế giới, mua bản quyền của Hàn Quốc: Hai vạn dặm dưới đáy biển, Đảo giấu vàng, Hoàng tử bé, Romeo & Juliet, Robinson Crusoe, Bá tước Monte Cristo… Nhìn chung ngôn ngữ khá chuẩn mực, không có ngôn ngữ mạng và những chi tiết bậy bạ, thô tục. Nhưng nét vẽ của các tác giả Hàn Quốc thường nghiêng về phong cách Shoujo (truyện tranh thiếu nữ) mềm mại, nữ tính, đôi khi làm các bậc phụ huynh không thích. Nhưng dẫu sao, những danh tác ấy cũng đến được với các em, còn hơn là một “khoảng trống”…

“Hiện nay các bạn trẻ không có nhiều thời gian, các hình thức giải trí lại rất nhiều và hấp dẫn, ít ai chịu đọc sách chữ như xưa nữa. Trong khi đó nước mình có nhiều tác phẩm hay, nếu để mai một theo thời gian thì uổng lắm! Hy vọng đây sẽ là cầu nối giữa các bạn trẻ và văn học” (chị Phan Thị Mỹ Hạnh, giám đốc công ty Phan Thị) 


TÌNH NGƯỜI LÍNH ĐẢO



TÌNH NGƯỜI LÍNH ĐẢO

ANH VŨ (đã đăng báo Thời Nay)

Trong thời buổi kịch thị trường tràn ngập như hiện nay, sự xuất hiện của một vở kịch chính luận với hình ảnh người lính như Tội ác quyền lực quả là “của hiếm”. Đặc biệt nhất là những người lính đó lại khiến khán giả cảm động bởi lối diễn xuất của ê-kíp diễn viên sân khấu Kịch Sài Gòn, không lên gân giáo điều mà rất mềm mại, rất “tình”.

Giữa những đối thoại, những xung đột gay gắt xuyên suốt vở kịch nhằm lột tả thực trạng tiêu cực của xã hội, khi những con sâu như ông Tiến chủ tịch huyện, như cô Ngần chánh văn phòng đang đục khoét xương máu của nhân dân, làm hoen ố danh dự của tổ chức Đảng, thì nơi đảo xa, nổi bật lên những con người lặng lẽ giữ gìn chủ quyền đất nước, bằng tất cả tình yêu nước và trái tim bừng cháy lửa thanh xuân. Một đảo trưởng Hà cương nghị nhưng cũng đầy nhân hậu, bao dung đã mở rộng vòng tay đón nhận và khích lệ Thái vượt qua những cơn nghiện dai dẳng, đứng dậy làm người có ích. Với chất giọng mạnh mẽ, vang dội như những cơn sóng, cùng với ngoại hình cao to, Cao Thanh Danh đã thể hiện rất thành công vai diễn đảo trưởng Hà, một hình ảnh người lính rất điển hình với những phẩm chất cao đẹp từng là thần tượng của nhiều thế hệ thanh niên.

Khán giả lại bắt gặp một khía cạnh khác của người lính đảo qua nhân vật Nam, chàng trai trẻ vụng về, bồng bột, “thẳng như ruột ngựa” nhưng cũng rất hài hước, lãng mạn. Nam thẳng thắn phản đối Thái nhập ngũ khi biết Thái là một con nghiện nhưng sau đó lại vui vẻ, thân thiện và sẵn sàng hy sinh tính mạng để cứu sống đồng đội. Qua diễn xuất của Anh Đức, với những câu thoại đầy dí dỏm, những cuộc thi ca hát, thi Nam hậu… khán giả thấy được nét mộc mạc, dung dị và “nghệ sĩ” của người lính đảo, biết tìm thấy cái đẹp ngay trong gian khó, trẻ trung và rất dễ thương.

Chính những người lính ấy, ngoài nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, họ còn truyền cho mọi người xung quanh, cho thế hệ đàn em ngọn lửa lý tưởng. Một số thanh niên như Hoa, như Phượng tình nguyện ra đảo nhiều lúc chỉ vì để tìm một hoàn cảnh mới, công việc mới, hay để rời xa chuyện buồn, rời xa quá khứ. Nhưng rồi nơi đây, tình đồng đội và lý tưởng đã gắn kết họ với nhau, vượt lên những mong muốn tầm thường của cuộc đời để cùng cống hiến sức trẻ. Trong mênh mang trời nước, trong mưa dập gió vùi, cái đẹp của người lính đảo xù xì thô ráp nhưng rạng rỡ và ấm áp tình người.

Thêm một chút rất “đời”, người lính đảo cũng có tình yêu, cũng bị phụ bạc, cũng cay đắng, chờ mong, níu kéo…Thậm chí một chút băn khoăn liệu mình có nên bỏ tất cả để trở về đất liền tìm cuộc sống vật chất hòng giành lấy tình yêu? Nhưng rồi những thoáng đó qua đi, đọng lại vẫn là một cuộc sống trong trẻo của biển khơi với một tình yêu mới chờ đón những trái tim chân thành.

Vở kịch có một cái kết mở, những kẻ sâu dân mọt nước vẫn tiếp tục thăng tiến trên con đường làm quan của mình, cũng như hiện trạng xã hội vẫn chưa có lời giải đáp. Nhưng họ đã đánh mất hạnh phúc gia đình, đánh mất sự tôn trọng của nhân dân. Ngược lại, hình ảnh người lính thì khắc vào lòng khán giả một cái gì dịu dàng, ấm áp và tin cậy. Biển đảo đang là vấn đề thời sự, và vở kịch quả là một tác phẩm rất đáng được diễn phục vụ trong các trường phổ thông và đại học. Lớp trẻ đang cần những hình tượng đẹp như thế.

ảnh 1: Mạnh Tràng (vai ông Chúc), Cao Thanh Danh (vai đảo trưởng Hà) trong vở Tội ác quyền lực (ảnh: H.K)

ĐIỀU KỲ DIỆU CỦA TÌNH YÊU



ĐIỀU KỲ DIỆU CỦA TÌNH YÊU

ANH VŨ  (đã đăng báo Thời Nay)

Tình yêu là một điều kỳ diệu, là món quà của số phận dành cho con người, như một mảnh ghép xinh đẹp để hoàn thành bức tranh hạnh phúc. Nó đến và đi lúc nào không biết, chỉ biết món quà tuyệt vời ấy chỉ dành cho những ai biết yêu chân thành và tin tưởng. Một thông điệp rất dễ thương, được truyền tải bằng một câu chuyện cũng rất dễ thương trong vở kịch Tình nhân đến với tình nhân trên sân khấu Hoàng Thái Thanh (đạo diễn Lương Duyên, tác giả Trần Khiết, Việt hóa từ kịch bản Nhà tắm muôn năm của E.Braginsky - E.Riazanov).

Duyên phận đôi khi rất thích đùa với con người, như trường hợp của anh bác sĩ Thanh Luân (Quý Bình) trong vở kịch. Vào cái ngày anh chàng muốn trao chiếc nhẫn cầu hôn cho cô người yêu Bách Hợp (Bảo Châu) ở Vĩnh Long thì lại bị số phận “chơi” khi lên nhầm xe và đi tuốt xuống Cần Thơ. Vào nhầm nhà của Bích Ngọc (Tuyết Thu), bị bạn trai của cô là Thế Hiệp (Thế Sơn) hiểu nhầm, cộng với một dãy cái “nhầm” khác, Luân bị tống ra đường trong đêm. Hậu quả là anh chàng bị cướp sạch tiền bạc, mình đầy thương tích, phải trở về xin Ngọc cho tá túc một đêm.

Trong đêm mưa ấy, tất cả đều thay đổi chỉ bằng một phép thử. Luân có dịp nhìn kỹ Bách Hợp, cô người yêu lý tưởng được mẹ anh lựa chọn, hóa ra không ngoan hiền như anh đã tưởng. Ngọc cũng chợt nhận ra, anh kế toán viên đa nghi, nhu nhược và tính toán như Hiệp chỉ là sự thay thế vội vàng cho một tình yêu đã qua, là người không muốn và cũng không thể cùng cô hoàn thành bức tranh ghép Nụ hôn tình yêu được. Quan trọng hơn hết, cả Bách Hợp và Hiệp đều không có lòng tin vào người mình yêu mà chỉ tràn đầy sự chiếm hữu. Chính họ đã đánh mất món quà tình yêu quý giá, chứ không phải bàn tay của số phận nào cả.

Giữa một không gian hẹp diễn ra trong thời gian rất ngắn, bản tình ca lãng mạn vẫn đủ sức thu hút khán giả bằng một chút gia vị hài hước, bất ngờ và bằng cả diễn xuất tinh tế. Lúc thì tức giận “đấu khẩu” rất ngây ngô, dễ thương; lúc thì dịu dàng trong những phút trải lòng tâm sự, trong những giúp đỡ chân thành; lại có lúc quyết đoán từ bỏ những mảnh ghép lạc lõng, mạnh mẽ bảo vệ danh dự của mình như đoạn cô Ngọc đánh trả Bách Hợp khi bị xúc phạm; Quý Bình, Tuyết Thu đã nắm bắt rất tốt tâm lý nhân vật cùng với khả năng hài hước và tung hứng ăn ý của Bảo Châu, Thế Sơn. Thiết kế sân khấu tươi tắn lãng mạn, cũng lấy chủ đề là những mảnh ghép để trở thành cái ghế, cái bàn, kệ sách… chắc chắn thu hút khán giả trẻ.



ảnh: Tuyết Thu (vai Bích Ngọc), Quý Bình (vai bác sĩ Luân) trong vở Tình nhân đến với tình nhân (ảnh: H.Kim)

Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

Video Họp lớp 2012



Hướng dẫn xem phim chất lượng cao & Download về máy ( Link phần mềm download bên dưới + Hướng dẫn):



- Tải phần mềm hỗ trợ download tại đây: https://www.box.com/s/je410tl7xgwam6ovm0q0

- Tải xong giải nén được folder 6.12 build 26

- Quan trọng: Tắt tất cả trình duyệt web (Internet Explorer, Firefox, Chrome) để chương trình download tích hợp vào trình duyệt 

- Vào folder 6.12 build 26 vừa giải nén, click đúp vào IDM 6.12 build 26.exe để cài

- Hiện lên bảng thông báo, gõ tên tuỳ thích vào ô Hãy điền tên để đăng ký IDM (hoặc đánh dấu vào ô Sử dụng tên của máy tính) sau đó bấm Bắt đầu

- Chờ chương trình chạy xong khoản vài giây (thông báo trên góc trái màn hình)

- Khi này có thể mở lại trình duyệt web để download phim về máy (còn dùng để download ở nhiều trang khác)

- Chương trình hỗ trợ download Internet Download Manager nằm ở góc phải bên dưới màn hình, có ký hiệu quả cầu màu xanh lá cây, click vào đây để mở giao diện chương trình. Bảng giao diện dùng để theo dõi tiến độ download, ngừng, tiếp tục download, hẹn giờ download v.v...

- Khi đã download xong (có chữ Complete ở sau tên file download), click chuột phải vào tên file rồi chọn Open folder, máy sẽ tự mở folder chứa file đã down về. Nên di chuyển file đã download về ổ D vì folder download mặc định của chương trình nằm ở ổ C (dữ liệu sẽ mất nếu cài lại máy)

- Trong trường hợp không mở được video, đó là chương trình xem phim nghe nhạc trong máy không đủ code giải mã hình ảnh. Có thể download chương trình KM Player về cài tại địa chỉ: http://www.kmplayer.com/

Tham khảo thêm tại: http://www.vn-zoom.com/f247/idm-6-12-build-26-silent-plus-ban-cai-dat-an-toan-va-nhanh-chong-2382434.html