Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

Ảnh Toàn bộ chuyến đi Bắc của Má Hai và Mèo Ú

Ngày thứ 1 (Thứ Bảy 23-07-2011): Đáp máy bay tới Hà Nội và Giao lưu với bệnh nhân chạy thận  vào buổi chiều






Click vào để xem thêm nhé !


Ngày thứ 2 (Chủ Nhật 24-07-2011): Cùng các bệnh nhân đi chùa cổ Dư Hàng ở Hải Phòng






Click vào để xem thêm nhá !


Ngày thứ 2 (Chủ Nhật 24-07-2011): Làm lễ quy y với Thầy Lệ Hưng (Thích Vân Phong) cho các bệnh nhân ở Đồ Sơn






Click vào để xem thêm nhá !


Ngày 3 (Thứ Hai 25-07-2011): Giao lưu với người dân quanh Côn Long Tự






Click vào để xem thêm nhá !


Ngày 4 (Thứ Ba 26-07-2011): Đoàn Côn Long Tự đi chùa Bái Đính






Click vào để xem thêm nhá !


Ngày 4 (Thứ Ba 26-07-2011): Tranh thủ đi thăm bà con ở Nam Định






Click vào để xem thêm nhá !


Ngày 4 (Thứ Ba 26-07-2011): Giao lưu thương binh Côn Long Tự





Click vào để xem thêm nhá!

ĐI HOẰNG PHÁP TẠI HÀ NỘI VÀ NAM ĐỊNH

ĐI HOẰNG PHÁP TẠI HÀ NỘI VÀ NAM ĐỊNH

Cô Diệu Kim vừa đi Hà Nội và Nam Định theo lời mời của cô Từ Mãn từ ngày 23 đến 27-7-2011. Cô Từ Mãn là một Phật tử có tâm đạo rất lớn, luôn hỗ trợ công tác hoằng pháp và từ thiện tại nhiều chùa từ Bắc tới Nam. Cô đã gần 70 tuổi nhưng sức khoẻ tốt, tính tình dễ chịu, xông pha không ngại gian khó, ai cũng thương mến. Cô ra Bắc, thấy nhiều địa phương ở vùng sâu vùng xa đang khao khát được tu và học giáo lý, nhất là các em thanh thiếu niên, nên cô mời cô Kim ra hỗ trợ. Cô Từ Mãn từng gặp cô Kim tại chùa Phước Đức (Sa Đéc), rất thích cách hướng dẫn lớp học của cô Kim. Thế là cả hai bên kết hợp cùng đi, có cả Rani đi theo để quay phim, chụp ảnh, vì Rani vốn giỏi về kỹ thuật thực hiện phim ảnh. Trong đoàn có thêm anh Trí là nhân viên của cô Từ Mãn, và may mắn thay lại gặp Đại đức Thích Lệ Hưng gốc người Sa Đéc nhưng đang vân du tại Hưng Yên, thầy vui vẻ nhập đoàn đi suốt mấy ngày.

Bay ra Hà Nội khoảng xế trưa ngày 23-7, ngay buổi chiều cả nhóm đến thăm các bệnh nhân đang mắc chứng bệnh thận hiểm nghèo của Bệnh viện Nông nghiệp Hà Nội. Khoa thận này có hơn 80 người phải chạy thận lọc máu mỗi tuần 3 lần, trong đó chừng 30 người ở tỉnh xa phải thuê nhà trọ ở luôn tại Hà Nội để bớt tốn tiền xe đi lại. Khu nhà trọ lụp xụp trong một ngõ nhỏ đối diện bệnh viện, mọi người quây quần sống và yêu thương nhau đến cảm động. Họ rất nghèo, bởi không thể lao động kiếm tiền lại còn chi phí thuốc thang rất lớn, mỗi tháng đến mấy triệu đồng. Có người bệnh đến 10 năm như em Thu (30 tuổi), em Hậu (31 tuổi), có người bệnh 7,8 năm như anh Cao, anh Đức, anh Hưng, chị Thanh… Nhìn những gương mặt hốc hác, thấy mà thương. Mỗi phòng trọ cũng rất ít tiện nghi, không có gì ngoài chiếc quạt máy cũ và vài chiếc nồi, chảo, bếp than, đủ để nấu bữa cơm thanh đạm. Nói thanh đạm, bởi họ không được ăn thịt cá nhiều, thận suy không chuyển hoá nổi. Họ gần như ăn chay, và cũng không được uống nhiều nước. Nhưng thật ra, có muốn ăn thịt cá cũng không có tiền. Họ có vẻ chấp nhận hoàn cảnh, không còn buồn bã sân si gì nữa.

Thái độ chấp nhận ấy có lẽ do họ đã gặp được Phật pháp, hiểu và tin vào Phật, vào luật nhân quả, vô thường. Một duyên may đưa đẩy cho họ gặp một phái đoàn từ thiện, khuyên họ tu học, thế là họ lập nên một “đạo tràng” tụng kinh, niệm Phật thật tinh tấn. Ban đầu họ hùn tiền lại thuê một căn phòng trong khu nhà trọ để làm “chánh điện”, có thờ Phật tử tế, có chuông mõ, kệ, để tụng kinh. Chia ca nhau tụng mỗi ngày mấy thời kinh, không thua kém nhà chùa. Một thời gian sau, bà chủ nhà trọ cảm động quá, hiến luôn căn phòng ấy để làm phòng thờ, không lấy tiền thuê nữa. Cô Kim “phỏng vấn”, họ đều nói từ khi tu hành thấy bệnh tình có thuyên giảm, họ càng tin Phật nhiều hơn.

Cô Kim có một buổi chia sẻ Phật pháp với họ, với chủ đề BỆNH, giống như bài viềt đã đăng trên blog. Họ lắng nghe rất nhiệt tình. Và cô Kim đãi họ một bữa cơm chay với món mì xào thập cẩm rất dễ chế biến, cũng là “làm mẫu” để sau này họ tự nấu ăn được. Cô Kim sẻ chia sớt nguồn quỹ cơm chay ra cho họ, cũng tương tự nấu cơm phát cho bệnh nhân của bệnh viện Nguyễn Trãi thôi.
Nhưng Hà Nội rất ít nơi bán mì trứng, không như ở Sài Gòn. Lùng sục trong siêu thị được mấy gói mì Safoco giá khá cao. Hẹn khi về Sài Gòn sẽ mua và đóng gói gởi ra bằng đường bưu điện.

Ngày 24-7, chúa nhật, cô Từ Mãn bao xe cho họ đi Đồ Sơn (Hải Phòng) tắm biển, coi như đổi gió, chứ ở nhà trọ quá tù túng. Và kết hợp cúng dường trường hạ chùa Dư Hàng, chùa Hội gần đó. Thầy Lệ Hưng làm lễ quy y cho họ ngay một đồi cỏ, đặt pháp danh đàng hoàng, thật cũng vui.

Buổi tối, Rani bò ra thực hiện ngay đĩa DVD chuyến đi này, tặng mọi người. Ai cũng thú vị. Rani thức đến gần 2g khuya, thấy thương. Nhưng tánh Rani vốn mê kỹ thuật, phim ảnh, hễ nói là phải làm cho xong.

Sáng 25-7, cả đoàn đi Nam Định. Có cô Lưu, cô Hà, cô Mai Anh là ba vị Phật tử rất giỏi và nhiệt tình của Hà Nội cùng theo tổ chức. Ở miền Bắc thật sự là rất hiếm những vị có tín tâm, hiểu biết chánh pháp và ưa thích bố thí như thế. Tánh tình xởi lởi, chân tình, rất giống chất người miền Nam.
Chùa tên là Côn Long Tự, ở thôn Bình Hạ, xã Yên Thọ, huyện Ý Yên. Chùa cổ lắm rồi, thầy Lệ Hưng đọc những chữ lờ mờ trên bia đá thì hình như được trùng tu vào thời vua Lê. Chiến tranh lạon lạc, chùa bây giờ còn nhỏ xíu chừng mấy chục mét vuông, gạch ngói đổ nát. Năm ngoái, thầy Minh Điềm từ Phan Thiết ra thăm, vận động xây được đài Quan Âm khá sạch sẽ, mọi người buổi tối thường ra đó tụng kinh. Ai cũng khao khát chánh pháp, ngay cả chính quyền địa phương từ trưởng thôn tới các vị trong ban phụ nữ, mặt trận, văn hoá…đều tín tâm và ủng hộ nhiệt tình. Họ chạy tới chạy lui lo đón tiếp đoàn, rồi chăm sóc từng cái loa, từng bữa ăn…rất cảm động. Quả là thiên thời-địa lợi-nhân hoà đều có đủ để phát triển Phật pháp.

Tới nơi, ăn cơm trưa xong, cô Kim bắt đầu buổi sinh hoạt với các em thiến nhi từ mẫu giáo cho tới lớp 12. Nhưng rất nhiều bậc phụ huynh cũng tham gia, ngồi đầy sân chùa. Tính ra hơn 100 em. Các em dễ thương vô cùng, ham học, ham tu. Cô Kim thành lập luôn lớp giáo lý, giao cho em Quang phụ trách. Các em không được nghe giảng trực tiếp, dĩ nhiên rất đáng tiếc, nhưng thôi cứ học thuộc lòng những bài học trong cuốn Đố Vui Phật Pháp, sau này hẵng tính. Có còn hơn không. Cô Kim sẽ gởi ra những bài kiểm tra và quà tặng để giữ lớp hoạt động.

Buổi tối thầy Lệ Hưng sinh hoạt với Phật tử trong thôn, mọi người rất mến thầy và thức đến khuya lơ khuya lắc để nghe thầy giảng. Thầy còn là cuốn “tự điển lịch sử”, bất cứ lúc nào cũng có thể nói được về các sự kiện, nhân vật, thời gian, với một trí nhớ và độ chính xác lạ lùng. Đi với thầy cứ là dỏng tai lên nghe thoả thích.

Sáng 26-7, đoàn tổ chức cho dân trong thôn đi chùa Bái Đính. Thuê đến 3 xe ô tô to, hơn 100 người. Nhiều bà cụ cả đời chưa bao giờ ra khỏi cổng làng, đây là lần đầu tiên đi xa như thế. Nghe mà cảm động. Các cụ leo núi thật giỏi, 70, 80 tuổi mà khoẻ mạnh vô cùng.

Cô Kim và Rani tranh thủ nửa ngày còn lại chạy về huyện Mỹ Lộc, xã Mỹ Thuận cách đó 40 cây số để thăm quê nội. Ông bà nội cô Kim gốc người Nam Định, cả ba cũng nói tiếng Bắc. Nhưng cô Kim chưa từng về Nam Định, bây giờ 50 tuổi, nửa đời người, mới được tận mắt thấy quê. Cảm xúc rất nhiều sẽ viết trong một bài khác.

Nhưng khi quay trở lại xã Ý Yên thì đã 10g đêm, chỉ còn kịp chụp mấy tấm ảnh cảnh thầy và quý Phật tử phát quà cho các gia đình thương binh liệt sĩ nhân ngày 27-7. Trước đó thầy làm lễ tụng kinh cầu siêu với những ngọn nến lung linh rất đẹp, tiếc là không về kịp để chụp ảnh.

Rani lại bò ra làm phim, thức đến 3g khuya. Buổi tối khi về Nam Định, Rani cũng hoàn thành một đĩa DVD chuyến đi thăm nhà từ đường và họ hàng, giao ngay đĩa cho mấy ông chú. Tối về chùa, lại hoàn thành một đĩa DVD nữa cho Côn Long Tự. Tổng cộng Rani đã thực hiện 3 đĩa DVD cho cả chuyến đi, ai cũng khen thật giỏi. Không dễ gì có cơ hội như thế, như cô Từ Mãn đi làm từ thiện bao nhiêu năm đã bao giờ được quay phim kỷ niệm đâu. Còn các bệnh nhân hay quý vị Phật tử ở Nam Định cũng không dễ có cơ hội “lên phim”. Nếu thuê người thực hiện cũng phải đến mấy triệu đồng một đĩa. Rani vác theo cái laptop khá nặng, và cô Kim vừa mua cái máy ảnh mới khá hiện đại, quả là không uổng tiền, uổng công. Cho Rani ăn học cũng không uổng chút nào. Và vé máy bay lần này cho Rani đi theo cũng thật xứng đáng.


Sáng 27, mọi người đến chia tay với thầy và cả đoàn  chật cả nhà. Ai cũng bịn rịn, mong được gặp lại. Nhìn những bà cụ lưng còng đến tiễn đoàn, thật không biết nói gì hơn.
Ấn tượng về miền Bắc khá nhiều, xin kể lại trong một bài khác. Cầu mong cây bồ đề trồng trên đất Bắc ngày càng sum suê, tươi tốt.

DIỆU KIM 30-7-2011