Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011

CHUẨN BỊ SINH NHẬT CHO BẠN VỸ VỊT CON

CHUẨN BỊ SINH NHẬT CHO BẠN VỸ VỊT CON

Tháng 9 sẽ có ngày sinh nhật của Vỹ vịt con, cô Kim dự định kết hợp đi dã ngoại, làm sinh nhật tại đó với một chương trình khá đặc sắc. Các bạn “hiến kế” thêm nhé. Hãy sáng tạo những ý tưởng mới để thay đổi không khí.

Bạn nào có ngày sinh vào tháng 9 thì đăng ký luôn để làm chung cho vui.

Môi trường âm nhạc đang bị ô nhiễm

Môi trường âm nhạc đang bị ô nhiễm
Thứ Tư, 20/07/2011 00:29
(NLĐ) - Tại buổi báo cáo kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2011 của Liên hiệp Các Hội văn học nghệ thuật TPHCM diễn ra ngày 18-7, GS Ca Lê Thuần, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp Các Hội văn học nghệ thuật TPHCM, cho rằng môi trường âm nhạc ở TPHCM đang bị ô nhiễm trầm trọng.
Thực trạng này được phản ánh rõ nét trên mạng internet mà công luận đặt tên là “thảm họa”, thậm chí còn diễn ra khá phổ biến trên một số kênh truyền hình.
Hội Âm nhạc TPHCM đang có kế hoạch tổ chức hội thảo mang chủ đề Đời sống âm nhạc hiện nay nhằm tìm những giải pháp cải thiện đời sống âm nhạc, đặc biệt là nhạc trẻ.
THUỲ TRANG (báo Tuổi Trẻ)

Ý kiến:
Chính vì thế nên khi các bạn về sinh hoạt tại Funny Home, cô Kim đã tập cho các bạn hát những bài nhạc PG, nhạc Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Văn Cao, nhạc tiền chiến. Đó là góp phần nâng cao thẩm mỹ âm nhạc của các bạn. 

Có người bảo, sở thích mỗi người mỗi khác, không thể bắt người này thưởng thức giống người kia. Đúng, chúng ta tôn trọng sở thích cá nhân, nhưng đừng quên định hướng sở thích đi vào con đường lành mạnh. Không định hướng, con người sẽ tiếp nhận vàng thau lẫn lộn, mà khi đã quen với cái xấu rồi thì khó mà loại trừ nó ra khỏi tâm thức. Nó trở thành một thói quen, một cái gu, một nhân cách. 

Thí dụ, đứa trẻ không có định hướng sẽ thích chơi đánh bài, vào vũ trường, đua xe, nhậu nhẹt hơn là đi học, đi nghe nhạc, đọc sách, vẽ v.v... Muốn chỉnh sửa lại thói quen này đâu đơn giản! Hoặc nhiều bạn bây giờ đã quen nghe nhạc "tào lao", khi cho nghe nhạc Trịnh, hoặc Phạm Duy thì...nghe không nổi. Vì không đủ trình độ để thẩm âm những giai điệu đẹp, ca từ sang trọng. 

Thôi thì, tập lại, định hướng lại, cũng còn kịp. Tuổi hai mươi của các bạn còn nhiều khả năng tiếp nhận cái mới, hy vọng đừng bị cuốn vào loại âm nhạc hỗn loạn hiện nay.

Nhớ lời Khổng Tử dạy: Nhìn vào nhạc mà biết xã hội lúc ấy thế nào. Nhạc phản ánh tâm cảm, tâm thức, đạo đức con người rất rõ. 
Nghe nhạc thời bây giờ, đối chiếu với một lớp trẻ sống cuồng, sống vội, sống hời hợt, rỗng tuếch, thấy quá phù hợp. 

Nợ của “nhà nước nhỏ”, khổ cho “nhà nước lớn”


Nợ của “nhà nước nhỏ”, khổ cho “nhà nước lớn”
TT - 10.700 tỉ nhân dân tệ (1.650 tỉ USD) mà chính quyền các địa phương Trung Quốc vay nợ tính đến năm 2010, tương đương 30% GDP quốc gia. Ai sẽ gánh nợ này?

Cơ quan Kiểm toán quốc gia Trung Quốc (NAO) đã đưa ra con số nợ này vào tháng 7-2011. Bất chấp NAO khẳng định con số này “chính xác và đáng tin cậy”, dư luận ở Trung Quốc vẫn nghi ngờ khi cho rằng thực tế số nợ thật còn vượt xa công bố.
Những năm qua, chính quyền các địa phương Trung Quốc đua nhau phát triển cơ sở hạ tầng và nhiều dự án khác để được tiếng là địa phương hưng vượng của quốc gia, bất chấp “núi” nợ ngày một chồng chất.
Đua nhau làm “rạng danh” địa phương
Vũ Hán, thành phố lớn thứ chín của Trung Quốc ở tỉnh Hồ Bắc, là một trong những địa phương thuộc loại “cần đô thị hóa nhanh chóng” để đuổi kịp Bắc Kinh và Thượng Hải. Nơi đây, theo New York Times, có đến 5.700 công trình xây dựng các loại đang được triển khai. Các tòa nhà cao tầng, hai nhà ga sân bay, các trung tâm thương mại và hàng trăm kilômet đường tàu điện ngầm đang được đầu tư trong dự án quy hoạch đô thị Vũ Hán trị giá 120 tỉ USD. Để có số tiền này, chính quyền Vũ Hán đã dựng lên các tập đoàn đầu tư thuộc chính quyền địa phương quản lý. Theo quy định ngân hàng ở Trung Quốc, các cơ quan hành chính nhà nước được vay trực tiếp. Pháp nhân lớn nhất đại diện cho chính quyền Vũ Hán hiện nay là Công ty Phát triển và đầu tư xây dựng đô thị Vũ Hán (UCID), và đây là tay hòm chìa khóa cung cấp tài chính trị giá hàng tỉ USD cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của địa phương.
Vũ Hán chỉ là một trong hàng loạt địa phương từ huyện, thành phố đến cấp tỉnh ở Trung Quốc đang say sưa với các dự án hạ tầng vĩ mô, nhằm có chân trong bức tranh “Trung Quốc phát triển thần kỳ” dù thế giới có đang phải vật lộn với cơn suy thoái kinh tế. Dù vô tình hay hữu ý, chính quyền các địa phương Trung Quốc đang ngồi trên quả bom “nợ” hẹn giờ có thể bùng nổ bất kỳ lúc nào và gây tác hại dây chuyền cho nền kinh tế chung của Trung Quốc.
Nhật Báo Trung Quốc cho biết để đưa ra con số nợ 1,7 nghìn tỉ nhân dân tệ, NAO phải huy động đến 41.000 kiểm toán viên xem xét toàn bộ 373.805 dự án của chính quyền các địa phương. NAO công bố Trung Quốc hiện có 6.576 món nợ từ chính quyền các địa phương, trong khi ngân hàng trung ương và các ngân hàng trực thuộc ở Trung Quốc cho rằng con số này có thể còn lớn hơn: 9.000-10.000 món nợ.
Giới chuyên gia cho rằng sở dĩ chính quyền các địa phương ồ ạt vay tiền để xây dựng hạ tầng là do các khoản tiền vay này gần như không cần trả lại ngay khi được chuyển thành nợ xấu.
Ai cứu nợ?
Tiền vay nợ chảy về đâu và được chi xài như thế nào? Câu hỏi này rất ít được công khai. Thế nhưng như báo Chứng Khoán Thượng Hải dẫn chứng: ở Vũ Hán, giới đầu tư đi vay hàng chục tỉ USD để phát triển theo ý của chính quyền địa phương. Khoản tiền vay này không được đưa vào kho bạc của chính quyền các địa phương mà chảy về kho tài chính của các tập đoàn đầu tư do chính quyền thành phố lập ra. Những khoản vay này sẽ không tồn tại trên bảng cân đối tài chính của chính quyền Vũ Hán và đây cũng là phương thức chung cho các địa phương khác.
Nếu các “nhà nước nhỏ” này vỡ nợ thì điều gì sẽ xảy ra? Theo các chuyên gia, câu trả lời là “nhà nước lớn” sẽ phải dốc hầu bao cứu các ngân hàng đã trót cho vay để tránh nguy cơ vỡ nợ toàn cục. Báo Chứng Khoán Thượng Hải dẫn lời tiến sĩ kinh tế Lạc Gia Xuân cho rằng các địa phương khi đi vay đều đem đất đai ra làm tín chấp vay nợ, song giá nhà đất ở Trung Quốc những năm qua tăng quá cao nhưng thời gian gần đây thị trường lại đóng băng.
Do vậy nếu “bong bóng” bất động sản bùng nổ, nguy cơ vỡ nợ dây chuyền sẽ diễn ra và “một khi các địa phương đối mặt với nguy cơ vỡ nợ và sẽ tác động đến sự ổn định của hệ thống ngân hàng, Chính phủ Trung Quốc buộc phải can thiệp”.
Một số nhà phân tích Trung Quốc còn chua chát cho rằng các món nợ này cuối cùng cũng đổ lên đầu người dân. Theo ông Vương Đào - chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng UBS Hong Kong, số nợ của các chính quyền địa phương ở Trung Quốc đang có khả năng chuyển thành nợ xấu là 2.500-3.000 tỉ nhân dân tệ (386-464 tỉ USD), trong khi con số do Standard Chartered đưa ra ít nhất từ 4.000-6.000 tỉ nhân dân tệ (618-928 tỉ USD).
MỸ LOAN

Không nhân nhượng


Không nhân nhượng
20/07/2011 1:17
"Cuối tuần đưa con đi đâu chơi ?" - nếu đặt câu hỏi này với các bậc cha mẹ tại những TP lớn như TP.HCM, Hà Nội, câu trả lời nhận được hầu hết là "đến trung tâm thương mại...". Thật đau lòng khi cả người trả lời và người đặt câu hỏi đều coi đó là phương án tối ưu và đương nhiên.
Biết sao được khi trẻ con TP ngày nay rất ít cơ hội đi chơi công viên vào cuối tuần như trước kia.
Bởi những mảng xanh hiếm hoi còn lại vẫn đang phải cạnh tranh quyết liệt với các cao ốc, khách sạn, trung tâm thương mại... Người ta xẻ thịt công viên, lấp ao hồ, lấn chiếm kênh rạch... cho những mục đích thương mại. Những thông tin điếng lòng như "hô biến công viên thành biệt thự", "xây khách sạn trong công viên"; công viên cây xanh thành nhà ở... vẫn liên tục xuất hiện chỗ này, chỗ kia. Người ta viện ra đủ mọi lý do để biện hộ cho hành động của mình nhưng "cái đuôi" không thể che giấu chính là mục đích lợi nhuận. Khách sạn chọc trời, biệt thự siêu sang, cao ốc triệu đô... ngày càng nhiều trong khi công viên, khu vui chơi giải trí, những mảng xanh... thì teo lại và có nguy cơ biến mất.
Không dừng lại ở công viên, các dự án thương mại đang "đè" cả trường học, "đuổi" học sinh ra ngoại ô để khai thác đất vàng. Nhưng bất bình và chua xót hơn cả là vì những toan tính lợi ích, người ta coi thường cả sự an toàn của bản thân, gia đình, người thân và cộng đồng khi "tấn công" vào cả sân bay, nơi có thể coi là "cấm địa" bởi sự an toàn được ưu tiên số 1, để làm dự án. Thế mới thấy, lòng tham của con người là vô đáy, mới thấy sức mạnh của đồng tiền ghê gớm như thế nào.
Diện tích mảng xanh ở TP.HCM tính đến nay còn khoảng 535 ha, giảm 50% so với năm 1998; tỷ lệ mảng xanh/đầu người tại TP chỉ đạt chưa đầy 1m2/người trong khi tỷ lệ này của nhiều nước phát triển trên thế giới là 20 - 25m2/người... Bạn nghĩ sao khi đọc các con số này? Những mảng xanh bị thu hẹp, "lá phổi" của các TP đang bị xâu xé; sự ngột ngạt, bức bối đang xâm phạm cuộc sống tinh thần của người dân. Đó chính là một trong những nguyên nhân khiến con người ngày nay dễ dàng nổi nóng chỉ vì một việc nhỏ xíu; một va quệt nhẹ trên đường, có thể dẫn đến xô xát, thậm chí lấy đi tính mạng con người; cuộc sống càng xuất hiện nhiều cái chết lãng xẹt...
Dù gián tiếp nhưng hệ quả của việc "bóp" các khoảng không thông thoáng nơi đô thị là vô cùng nguy hiểm. Những người liên quan sẽ biện hộ rằng, đó là sự tất yếu của quá trình đô thị hóa. Nhưng không phải. Đó là sự phát triển thiếu bền vững, thiếu tầm nhìn dài hạn, thiếu trách nhiệm của những người, ngành, cấp khi gật đầu cho phép phát triển các dự án nói trên. Nhiều nước trên thế giới đang khôi phục lại các mảng xanh, xây dựng thêm công viên, chuyển các dự án ra vùng ven để giữ gìn "lá phổi" của TP, hay nói đúng hơn là giữ gìn sức khỏe cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng mình. Còn tại VN, chúng ta đang đi ngược lại quy trình này.
Hầu hết lượng oxy trên trái đất có được là nhờ cây cối. Chúng ta có thể nhịn ăn, uống nhưng không thể ngừng hô hấp. Vì vậy, không thể nhân nhượng với những dự án xẻ thịt công viên, lấp ao hồ, "đè" trường học, "tấn công" sân bay... Bởi như vậy, ta đã chặn đường sống của chính mình.
Nguyên Hằng (Báo Thanh Niên)

Thứ Hai, 18 tháng 7, 2011

TÂM SỰ CỦA BẠN QUYẾT

TÂM SỰ CỦA BẠN QUYẾT
Em chào cô, đầu thư em xin chúc cô cùng các anh, chị, các bạn và các em ở Câu lạc bộ ngày ngày vui vẻ, hạnh phúc và khoẻ mạnh.
          Em xin tự giới thiệu em là Nguyễn Văn Quyết, em hiện đang ở Nghệ An, là một thành viên ham mê xem Blog của Câu lạc bộ Nhà vui nhưng em không khi nào hồi đáp hay gửi bình luận gì cho Blog, em có gửi thư cho cô mấy lần nhưng có lẽ cô bận nên không liên lạc lại với em được.
          Cô à, em không biết nói thế nào với cô cả, em cũng không biết chia sẻ với ai cả, đã lâu rồi em giữ mãi trong lòng, những đau thương, mất mát và những hồi ức cứ hiện về trong đầu em ngày càng nhiều hơn. Em không biết bắt đầu từ đâu, em sẽ nói hết những gì mà trong đầu em nhớ được.
          Em sinh ra là ở Quảng Bình, em chỉ biết là ở Quảng Bình sau những lần dò hỏi thông tin từ anh em thân thích. Mẹ em là một người phụ nữ có hai đời chồng, ba của em sau khi mẹ em sinh đã rời bỏ ga đình ra đi, mẹ em phải tiến thêm bước nữa, nhưng trớ trêu thay là khi cưới dượng về thì dượng không cho em ở trong nhà, lúc đó em mới 3 tuổi, những trận đòn liên tục làm mẹ em mủi lòng nên đành ôm em đi đến xứ người, ở Nghệ An, là nơi em đang sinh sống, và gửi em cho bố mẹ nuôi của em hiện giờ. Cuộc sống gia đình mới của em cũng không mấy hạnh phúc, đến năm 12 tuổi thì em phải lưu lạc đi làm ăn nơi xa, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Huế rồi Sài Gòn. Suốt 4 năm trời không ai gọi điện hay hỏi han gì em, em chỉ biết làm và tự bỏ tiền ra đi học, chỉ biết mình lo cho mình cô à, mỗi lần em thấy những gia đình đầm ấm bên nhau mà nước mắt em cứ rơi, lại nhớ đến người mẹ sinh ra em, bấy lâu nay em vẫn tìm kiếm, nhưng đều vô vọng, và chỉ biết tìm trong vô vọng cô à.
          Cách đây 1 tuần, gia đình mới của em đã đuổi em ra khỏi nhà, em giờ cứ lang thang, công việc thì em làm nhưng sau lần đó trở đi em không làm được gì nữa cả, em nghỉ, chỉ biết lang thang thôi, không nhà, không gia đình, không bạn bè, không tiền bạc, tinh thần em giờ thực sự rất bất an, không còn là chính mình nữa, có lúc em đã có ý định muốn buông xuôi và tự vẫn. Nhưng nghĩ lại mình phải hoàn thành ý niệm lớn lao nhất của mình là phải tìm được mẹ Em muốn quan lại Sài Gòn, nơi đã nuôi nấng, dạy cho em những ý niệm cuộc sống, tự lập. Ngày mai hoặc muộn nhất là ngày kia em sẽ vào trong đó. Điều mà em muốn làm đầu tiên là đến gặp cô, ngồi tâm sự với cô thật nhiều và nói hết những gì mà lâu nay em giữ trong lòng. Em mong cô hãy cho em được gặp cô cô nhé. Em chào cô

THƯ BẠN VĂN QUYẾT

THƯ BẠN VĂN QUYẾT
Kính chào cô Hoàng Kim, lời đầu tiên em xin được gửi tới cô Hoàng Kim cùng các bạn trong Câu lạc bộ Nhà Vui lời chúc sức khỏe và lời chào trân trọng nhất.
          Em xin tự giới thiệu em là Nguyễn Văn Quyết, được biết thông tin của cô Hoàng Kim trên blog http://funnyhomeclub.blogspot.com/, thực sự em rất cảm động trước những bài viết, những tấm lòng trong từng nhân vật, em đọc rất nhiều bài.
          Vì thực tế em cũng đang là một người sống nội tâm, trầm cảm và ít bạn bè, khi xem blog của cô Hoàng Kim em rất vui vì có một số bài làm em hiểu ra nhiều vấn đề. Em không biết cô Hoàng Kim đã có website riêng cho blog của mình chưa? Nếu chưa có em xin tình nguyện thuê thiết kế một website để đóng góp một phần công sức của mình vào những tấm lòng, những bài viết của cô Hoàng Kim. Em viết Email này và rất mong được hồi âm của cô Hoàng Kim. Nick YM của em là caubecodon_vanquyet. Xin trân trọng và mong sớm nhận hồi âm

Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2011

BỆNH


BỆNH

Mới đây, Nhà nước đã phát hiện nhiều loại thực phẩm có chứa chất DEHP rất nguy hiểm. Chẳng hạn si rô, rau câu, mì gói Hàn Quốc và Trung Quốc, nước ép trái cây, nước giải khát, bột dinh dưỡng, hạt trân châu, nước tăng lực…

DEHP là một hóa chất hữu cơ, viết tắt của diethylhexyl phtalat, là một chất lỏng khan, trong suốt, gần như không có màu, có mùi khó nhận biết, tan trong các loại dung môi hữu cơ thông thường (hầu như không tan trong nước).

DEHP được dùng trong thực phẩm thay thế dầu cọ vì là hóa chất công nghiệp rẻ tiền. Ngoài DEHP, nhiều hóa chất khác có cấu trúc tương tự tạo thành nhóm các “dẫn chất phtalat” như: monobutyl phtalat (MBP), dibutyl phtalat (DBP), benzylbutyl phtalat (BZBP), monomethyl phtalat (MMP)... Các dẫn chất phtalat này thường được dùng làm chất hóa dẻo cho bao bì nhựa (chai, can, túi, bao, gói, đầu núm vú, bình sữa, đồ chơi trẻ con bằng chất dẻo, nhựa...).

Trong quá trình sử dụng các sản phẩm nói trên, dẫn chất phtalat bị thôi ra (ngấm ra từ từ) và theo đường tiêu hóa vào cơ thể người. Tác hại của phtalat là làm xáo trộn nội tiết. Bé gái bị nhiễm phtalat sẽ dậy thì sớm trước tuổi. Bên cạnh đó, DEHP làm suy giảm sự phát triển của bộ phận sinh dục nam, khiến cho cơ quan sinh sản của nam giới bị “teo” lại. DEHP còn gây ra những ngộ độc cấp tính có thể gây tử vong tại chỗ.

Cho nên, chúng ta bớt sử dụng thực phẩm công nghiệp, thực phẩm làm sẵn, mà trở về với cách ăn uống truyền thống là an toàn nhất. Tự nấu nướng, tự làm bánh, đổ rau câu, uống các loại nước làm từ cây trái thiên nhiên như nước chanh, me, tắc, chanh dây, trà xanh… Có thể mất thời giờ một chút nhưng sau này đỡ mất thời giờ nằm bệnh, và cả chi phí để trị bệnh nữa.

Các bạn gái nên chú trọng công việc nội trợ, chú trọng bếp ăn gia đình, như thế là góp phần rất lớn cho hạnh phúc của chồng con. Các bạn nam cũng bớt chú trọng nhan sắc một chút, mà nên tìm người bạn gái nào tương đối đảm đang, vì đó sẽ là nguồn gốc của hạnh phúc, là tương lai an toàn của những đứa con. Đẹp để làm gì, làm ra tiền nhiều để làm gì nếu chúng ta bị những căn bệnh hành hạ, chỉ nhìn thấy những gương mặt nhăn nhó, đau đớn? “Sức khỏe là vàng”, câu này đúng 100%. Khi một người bị bệnh, cả nhà thay nhau chăm sóc, không làm ra tiền mà còn tốn tiền, không thấy nụ cười mà chỉ nghe tiếng than, tiếng khóc.

Dĩ nhiên, kiếp người vốn sanh lão bệnh tử, làm sao tránh khỏi, nhưng nếu chúng ta sinh hoạt kỹ lưỡng hơn thì cũng giảm bớt bệnh tật. Bệnh có mấy nguyên do:

*Thứ nhất do “tứ đại bất hòa”. Đất nước gió lửa trong ta không hòa hợp, sinh ra bệnh. Thí dụ dầm mưa là tăng phần Thủy, hoặc ra nắng không đội nón, che chắn, là tăng phần Hỏa, ra nơi gió lạnh là tăng yếu tố Phong v.v…Sự xáo trộn này chúng ta có thể làm chủ được, cố gắng bảo vệ thân thể thì không bị bệnh, hoặc có bệnh thì cũng mau lành.

*Thứ hai, do “sinh hoạt rối loạn”. Thí dụ lao động quá sức, thức quá khuya, ăn uống quá độ, dùng những chất kích thích, những thực phẩm có hại. Nhất là những người ăn chơi trác táng, rượu chè gái gú, nhậu nhẹt sa đà, ham ăn những món lạ món độc… Thịt thú rừng hiện nay đang được ưa chuộng, nhưng báo chí đã theo dõi và viết phóng sự rằng, con thú bị săn chết được bỏ vào cái hố đào dưới đất, rồi rải lên một chất hóa học nào đó để giữ cho thịt tươi cả tháng trời. Khi thợ săn kết thúc chuyến đi săn của mình thì mới đào hố lấy thịt ra đem bán cho quán nhậu hoặc thương lái. Như vậy mới có lãi, chứ không lẽ mới săn được một con rồi băng rừng ra tuốt ngoài thị trấn hay quốc lộ mà bán, chi phí đi lại và công sức đã hết vèo tiền thu được từ con mồi.

Lao động là tốt, nhưng quá tham công tiếc việc, quá mê say sự nghiệp, công danh, hoặc ham kiếm tiền đến mức “nghiện tiền”, đều khiến thân thể suy kiệt. Có thể khi còn trẻ chúng ta chịu được sự quá tải, nhưng một thời gian sẽ mất sức nhanh chóng. Nên chăng từ tốn mà đi trên đường đời, chậm mà chắc còn hơn gãy gánh nửa đường.

*Thứ ba, bệnh do “nghiệp”. Có những bệnh mà y học dù tân tiến cách mấy cũng bó tay, hoặc các lương y nổi tiếng chũng chịu thua. Đó là bệnh nghiệp, do nhân quả từ kiếp trước, hoặc ngay trong kiếp này mà ra. Thí dụ, sát sanh nhiều thì bệnh càng nguy hiểm, càng khó trị, như ung thư, tai biến não, bại liệt, động kinh, hội chứng Down, gai cột sống… Sát sanh là cái nhân rõ nhất, mạnh nhất để đưa đến quả bệnh.

Vì vậy, trị những loại bệnh nan y này có khi phải dùng Phật pháp để giải nghiệp. Nhiều trường hợp mầu nhiệm đã được chùa Hoằng Pháp mời về trình bày và quay thành đĩa VDV phổ biến rộng rãi. Những bệnh nhân đó đã bị bác sĩ từ chối, chở về nhà, nhưng họ đã chuyên tâm ăn chay, niệm Phật, tụng kinh, trì chú Đại Bi, bố thí, và bệnh đã thuyên giảm một cách lạ kỳ. Điều này đòi hỏi một niềm tin tuyệt đối vào Phật pháp, đòi hỏi nghị lực mạnh mẽ. Bởi thông thường khi người ta quá đau đớn thể xác thì khó mà tập trung nghĩ về việc gì nữa, hoặc làm được việc gì nữa. Phải cố gắng vượt lên chính mình, vượt lên nỗi đau mà tu hành được chút nào hay chút đó.

Thật sự, không phải ai cũng giải nghiệp được, mà tùy thuộc phước báu còn sót lại nhiều hay ít. Nếu nghiệp nặng quá, ta vẫn phải trả, phải đau, phải chết. Nhưng ta cũng nên vui lòng, vì ít ra những công phu tu hành ấy chẳng phải là vô ích, mà sẽ mang theo vào kiếp sau, hy vọng ta sẽ tái sanh thành người khỏe mạnh, trí tuệ hơn. Nếu nghiệp nhẹ, ta có thể hóa giải ngay trong kiếp này, sẽ hết bệnh, hoặc thuyên giảm một thời gian.

Sự chí thành tu tập của ta luôn được chư Phật và Bồ Tát gia hộ, chỉ sợ ta không đủ chí thành mà thôi. Có người tu mà còn “nghi”, chưa tin tưởng tuyệt đối vào Phật pháp, làm sao có kết quả. “Nghi” là một chướng ngại lớn, là một trong 10 căn bản phiền não mà Phật đã dạy (tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, kiến thủ, giới cấm thủ, tà kiến). Có khi ta “nghi” mà ta không biết. Một chút xíu do dự cũng gọi là nghi. Thành ra, “linh nghiệm” hay không còn tùy sự chí thành và phước báu của ta.

Nói chung, đã là thân người thì chắc chắn có nghiệp và có bệnh. Chúng ta phải chủ động điều chỉnh sinh hoạt, điều chỉnh việc gieo nhân của mình để đừng gặt quả bệnh quá nặng. Nhưng chúng ta cũng nhớ rằng, có thân là có Thành- Trụ- Hoại- Không, luật vô thường làm sao tránh khỏi. Khi thân đã già tự nhiên sẽ suy kiệt, vì lục phủ ngũ tạng không còn sức hấp thu, chuyển hóa các chất nữa, mọi thứ tự nhiên đình đốn và bế tắc, tất sinh ra mệt mỏi, bệnh tật. Ngay cả Đức Phật khi thị hiện xuống cõi Ta Bà dưới hình thức thân người y như chúng ta, thì Ngài cũng phải chịu sự chi phối của luật vô thường, về già cũng suy kiệt, đau ốm và chết. Có thân là có bệnh và chết, không có gì ngạc nhiên và sợ hãi. Ta chấp nhận quy luật đó bằng con mắt trí tuệ của Phật pháp.

Nhưng dù sao, bệnh do quy luật vô thường thì không hối tiếc, còn do sát sanh, trác táng, coi thường tứ đại, xem ra đáng trách. Bởi chúng ta có được thân người đã là rất quý, lẽ ra nên trân trọng nó, thì lại hủy hoại. Biết kiếp sau có được thân người nữa chăng, hay như con rùa mù đi tìm bộng cây giữa đại dương? Khả năng đầu thai làm nhiều kiếp súc sanh là cao nhất, và có khi đến trăm năm, ngàn năm mới trở lại làm người. Cho nên, trị bệnh tâm cho mình mới là quan trọng nhất, vì tâm không giác ngộ thì thân sẽ lưu lạc mãi trong vòng luân hồi và sanh lão bệnh tử.
                                                                                 DIỆU KIM 17-7-2011