Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013

BÁO CÁO QUỸ CƠM CHAY BỆNH VIỆN Y HỌC DÂN TỘC 22-2- 2013



BÁO CÁO QUỸ CƠM CHAY BỆNH VIỆN Y HỌC DÂN TỘC 22-2- 2013

NGÀY
THU
CHI
TỒN

Tồn quỹ

8.360.000đ
15-2-2013
Nghệ sĩ Mạnh Tràng 1.000.000đ

9.360.000đ
21-2
Cô Diệu Kim  2.000.000đ

11.360.000
22-2

Tặng thuốc tây cho phòng thuốc từ thiện của ông Tư Lý (Bạc Liêu)   2.000.000


TỒN QUỸ

9.360.000đ








Đầu năm, cô Kim “khai trương” công tác từ thiện của Funny Home bằng một thùng thuốc tây gởi xuống Bạc Liêu tặng phòng khám từ thiện của ông Tư Lý, theo bài viết và địa chỉ của báo Tuổi Trẻ. Đọc bài này rất cảm động, nên ủng hộ ông. Quỹ này dành cho bệnh nhân, cho công tác y tế, vì vậy bên cạnh việc nấu cơm chay phát trong bệnh viện, có thể sử dụng mua thuốc cho phòng khám từ thiện.

Danh mục thuốc gồm:


200 viên Ampicillin (kháng sinh)
200 viên Amoxcillin (kháng sinh)
200 viên Cephacillin (kháng sinh)
300 viên Paracetamon (giảm đau, hạ sốt)
300 viên Vasomin (Glucosamin trị khớp)
200 viên Agozen (kháng viêm không có gốc corticoid)
300 viên Eugica (ho)
200 viên Zyzo (kháng dị ứng)
55 viên OMC (trị đau dạ dày)

Gieo lòng tốt gặt lòng tốt
MINH QUỐC (Tuổi Trẻ) 20/01/2013
Ông Tư Lý cần mẫn trị bệnh giúp người - Ảnh: M.Quốc  
TT - Cái nắng cuối năm nơi cửa biển làm sáng ngôi nhà mới, khang trang của vợ chồng ông Nguyễn Minh Lý (thường gọi Tư Lý, ở ấp 4, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu).
Căn nhà là kết thúc có hậu cho vợ chồng thầy thuốc cả đời trị bệnh cứu người, và chở che cho nhiều mảnh đời bất hạnh.
Hai vợ chồng ông Tư Lý đều làm nghề y, từng công tác ở các cơ quan nhà nước. Cuộc đời run rủi, thế sự đổi thay đã đưa đẩy gia đình ông về nơi cửa bin Gành Hào khi nơi đây còn là miền biển thưa người. Thấy gia đình ông Tư Lý chưa có nơi ở, lại có nghề thuốc nên Công ty thủy sản Gành Hào cho ông mượn một căn nhà, vừa để ở vừa chăm sóc sức khỏe cho công nhân.
Không trọng tiền bạc
Thời ấy ông Tư Lý là thầy thuốc giỏi của cả vùng, nhưng ông không xem đó là cơ hội làm giàu. Ông Bùi Công Bê - một người sống cùng thời và công tác chung với ông Tư Lý trong Hội Khuyến học, Hội Chữ thập đỏ huyện Đông Hải - cho biết: “Ông Tư Lý đạo đức tuyệt vời. Ông trị bệnh, ai đưa nhiêu thì lấy, không đòi hỏi. Ông làm việc theo kiểu phục vụ, chứ nếu làm kiểu thương mại thì đã giàu có rồi”.
Bà Trương Thị Út (57 tuổi, ấp 2, thị trấn Gành Hào) vẫn mang ơn cứu chữa của lương y Tư Lý. Bà Út kể bà đang nằm Bệnh viện Ung bướu TP.HCM thì bệnh viện trả về... Tiệm tạp hóa của nhà bà Út cũng “sập” theo bệnh của bà. Nước cuối rồi, bà Út không biết đi đâu trị nữa nên chồng bà tìm đến ông Tư Lý. Ông Tư Lý đã chữa cho bà sống khỏe đến bây giờ.
Một hôm có một ông già thụt ló ngoài phòng mạch của ông Tư Lý đến 11g khuya. Ông già tên Lưu Kim Lến có nước da xanh mét, dáng còm nhom. Bắt mạch, hốt thuốc miễn phí cho ông Lến xong, ông Tư Lý giữ ngủ lại qua đêm. Biết ông Lến không có con cái chăm sóc, phải đi giữ vuông tôm thuê ở Giá Rai, nhiều lúc bị chủ vuông bỏ đói, ông Lến phải nhai cả vỏ con ba khía nên ông Tư Lý đi đón ông Lến về nuôi. Ai cũng mừng cho ông Lến, bởi vợ chồng Tư Lý nuôi thì coi như ông Lến có phúc ấm cuối đời. Vợ chồng ông Tư Lý xem ông Lến như cha, còn các con của ông xem như ông nội.
Ông Trần Vị Thanh (hiện sống ở Cà Mau, nguyên cán bộ quân y của hải thuyền Tỉnh đội Minh Hải đóng ở cửa biển Gành Hào) cho biết: “Tôi và anh Tư Lý biết nhau trên 30 năm, hiện vẫn liên lạc, trao đổi học thuật về ngành y. Anh Tư Lý giúp đỡ nhiều bệnh nhân, đồng đội cũ. Nếu lo không xuể thì anh Tư huy động bạn bè giúp. Anh Tư không từ chối một người gặp khó khăn nào. Nhà ăn rau, nhưng bệnh nhân cần thịt là anh Tư ra chợ mua thịt bò về”.
Cưu mang những mảnh đời côi cút
Vợ ông Tư Lý làm bà mụ vườn, còn ông bắt mạch, hốt thuốc, trị bệnh kết hợp cả đông - tây y. Một buổi tối nọ, vợ chồng ông thấy trước cửa nhà mình một bé gái gói trong giấy báo. Ẵm đứa bé lên, nhìn qua màn đêm không thấy bóng người, vợ chồng ông nghĩ bụng đó là duyên số nên đưa đứa bé vào nhà nuôi nấng. Giờ đây bé gái ấy đã 33 tuổi. Sau đó có một phụ nữ nằm sinh tại nhà bà Tư Lý, đã rón rén ra đi lúc trời chưa sáng, bỏ lại đứa con đỏ hỏn. Rồi một đôi vợ chồng trẻ từ xứ khác về đây làm ăn, giữa đường đứa con nhỏ phát bệnh nặng, họ tìm đến nhà ông Tư Lý trần tình, xin gửi lại đứa con cho vợ chồng Tư Lý cứu chữa, nếu đứa bé được cứu sống thì nhờ vợ chồng ông Tư xem như con, còn nếu nó yểu mạng thì cậy ông bà lo hậu sự giùm.
Cứ như thế, những đứa trẻ côi cút về trú ngụ dưới mái ấm gia đình ông Tư Lý ngày một nhiều lên, đến 14 người. 14 người con nuôi và bốn người con ruột sống chung một mái nhà và cùng mang họ của ông Tư Lý. Trong 18 người con, trừ người con gái đầu, còn lại đều tên Thảo, dù là trai hay gái, chỉ khác nhau chữ lót. Ông Tư Lý lý giải: “Đặt tên Thảo là để các con sống phải biết chia sẻ những gì mình có cho mọi người”.
Việc lo cái ăn, cái mặc đã khó, nhưng ông bà Tư Lý quyết không để người con nào thất học hay bỏ học giữa chừng. Có mắm ăn mắm, có muối ăn muối nhưng cái chữ phải theo đến cùng. Cả hai vợ chồng ông Tư Lý làm nghề y nhưng thu nhập chẳng là bao bởi họ làm phước nhiều, nên cơm canh cho con cái không đủ no, nhiều người bị suy dinh dưỡng.
Bẩn chật, không đủ tiền nuôi con ăn học, vợ chồng ông Tư Lý quyết định bán căn nhà mà Công ty thủy sản Gành Hào đã hóa giá. Cuộc sống ăn nhờ ở đậu bắt đầu từ đó. Mấy chục năm qua, ông Tư Lý sống khổ hạnh như thầy tu. Không một lần ngồi quán cà phê. Không ra tiệm cắt tóc. Tóc dài thì nhờ vợ con hớt. Bao nhiêu tiền kiếm được ông đều dành cho con cái. Thấy vợ chồng ông Tư Lý ăn ở có đức, có chí cầu tiến như vậy nên hàng xóm và người dân địa phương thương tình. Vợ chồng ông có thể mua chịu tiền gạo, bao lâu trả cũng được. Chỗ này lấy lại nhà trọ thì đã có người khác mở lời cho mượn nơi che mưa nắng. Nhờ đó, con cái ông được học đến nơi đến chốn. Đã có tám người tốt nghiệp từ bậc trung học chuyên nghiệp, cao đẳng đến đại học. Hiện ông bà Tư Lý đau đáu nhất là ước mơ học ngành thiết kế thời trang của Diệu Thảo. Diệu Thảo khéo may vá, thích theo ngành này nhưng ngặt nỗi cha mẹ không lo nổi tiền cho em học đại học, nên sau một năm tốt nghiệp THPT, em vẫn ở nhà giúp mẹ.
Tấm lòng thiên hạ
Cảm động trước việc làm nhân nghĩa của vợ chồng ông Tư Lý, những tấm lòng trong thiên hạ đã chung tay dựng nên mái ấm mới cho vợ chồng ông.
Sau khi biết rõ ông Tư Lý, một bác sĩ ở Sài Gòn đã cùng vợ lặn lội về Gành Hào mua một nền đất tặng gia đình ông Tư cùng 50 triệu đồng để cất nhà. Thấy vậy, một vài bệnh nhân đã góp ximăng, cát, đá giúp ông. Ông Dũng bán bột cá thuê người vẽ bản thiết kế ngôi nhà hai mái kiên cố rồi cùng chị chủ vựa cá Tuấn Hoa và nhiều người khác góp tiền xây cất. Tổng cộng đến nay người dưng gần xa đã giúp gia đình ông Tư Lý 185 triệu đồng để dựng nên căn nhà mới cho ông.
Bà Quách Kim Kía - vợ ông Tư Lý - nói: “Đến giờ tui vẫn không tin là mình đã có nhà riêng”. 24 năm ở đậu với 16 lần dời nhà, đôi vợ chồng tuổi 65 này thấm thía được nỗi khó khăn, bất tiện cảnh ở nhà không “chính chủ”. Dời nhà lui tới nhiều lần, cái tủ gỗ muốn rụm, phải dùng dây cột chằng lại. Nhiều kỷ vật của gia đình bị thất lạc... Căn nhà mới còn chờ đóng trần và lót gạch nền nữa là xong. Nhưng bà Kía lại chưa muốn làm trần. “Để vậy tối nằm nhìn mái tôn mới cho nó đã!” - bà Kía nói.