Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

Thuê người đi săn rồi bắn chết

Thuê người đi săn rồi bắn chết
20/04/2012 3:11
Ngày 19.4, Công an TP.Cam Ranh (Khánh Hòa) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 2 tháng đối với ông Nguyễn Nam (54 tuổi) về tội “vô ý làm chết người” và “vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, hiếm được ưu tiên bảo vệ”.
Theo Công an TP.Cam Ranh, ông Nam định cư ở Mỹ vào năm 2007, nhưng chưa nhập quốc tịch Mỹ, hiện còn giữ quốc tịch VN. Đầu năm 2012, ông Nam về thăm quê ở xã Cam Phước Đông, TP.Cam Ranh. Trong thời gian ở quê nhà, ông rất thích săn bắn và làm quen một số người dân địa phương. Ông Nam đã đặt vấn đề thuê ông Cao Thang (42 tuổi) và Mấu Hạ Nở (26 tuổi) cùng ở thôn Giải Phóng, xã Cam Phước Đông dẫn đường lên khu vực núi Tà Luông (phía tây thôn Giải Phóng) tìm thú săn bắn, với tiền công là 150.000 đồng/người.    
Thượng tá Đậu Quang Tuyến, Phó trưởng công an TP.Cam Ranh, cho biết khẩu súng ông Nam dùng săn bắn là súng trường thể thao (ký hiệu: tgf, cỡ nòng 5,6 mm, số hiệu 18747 do Cộng hòa Czech sản xuất), không phải là vũ khí quân dụng. Vì vậy, hành vi ông Nam không cấu thành tội tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng, nên không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi này.
Khi đi săn, ông Nam đem theo một khẩu súng thể thao và lương thực cho chuyến săn bắt dài ngày. Ngày 12.3, nhóm ông Nam lên khu vực núi Tà Luông tổ chức săn bắn nhưng không phát hiện thú rừng, sau đó về nghỉ qua đêm tại chòi canh rẫy của ông Thang. Trong đêm, họ bàn tính kế hoạch lên phía trên đỉnh núi cùng xua đuổi thú rừng về điểm tập kết để bắn. Rạng sáng 13.3, họ lên đến đỉnh núi Tà Luông thì phát hiện 4 con voọc đang chuyền trên cành cây. Ông Nam bắn chết một con voọc, bỏ vào bao rồi tiếp tục đi. Đến gần trưa, phát hiện thêm một bầy khỉ, ông Nam bắn chết một con, rồi trở về chòi canh rẫy nghỉ ngơi.
Tại đây, nhóm đi săn dùng lửa thui đốt bộ lông và mổ bụng lấy túi mật hai con thú đã bắn được. Đến 14 giờ chiều cùng ngày, ông Nam nói với ông Thang gọi thêm người cùng tham gia xua đuổi thú, để chuyến đi săn có hiệu quả hơn. Ông Thang kêu thêm Mấu Hạ Như (16 tuổi), Mấu Hạ Tuấn (15 tuổi) đang làm rẫy ở gần đó cùng tham gia. Trên đoạn đường lên khu vực săn bắn không phát hiện con thú nào nên ông Thang, Nở, Như, Tuấn chia ra bốn hướng để truy tìm; còn ông Nam ngồi canh ở gần con suối Cua. Tìm một hồi lâu không thấy thú rừng, ông Thang leo lên ngọn cây dầu cao chừng 4m để quan sát. Lúc này, ông Nam phát hiện trên cành cây dầu có tiếng động và giương súng ngắm bắn một phát. Sau tiếng nổ là một tiếng kêu thất thanh từ cành cây phát ra. Ông Nở đứng gần đó liền chạy đến điểm rơi thì phát hiện ông Thang nằm dưới gốc cây, đã tử vong.
Ông Nở cho biết: “Khi chạy đến tôi phát hiện mặt anh Thang nhiều máu và đã tắt thở. Tôi liền gọi ông Nam tới để chứng kiến. Ông Nam rất sợ khi biết mình bắn nhầm, liền đòi tự tử, nên tôi đã can ngăn”. Ông Cầm Văn Xuyên (anh vợ ông Thang) bức xúc: “Thời gian ông Nam bắn ông Thang vào khoảng 15 giờ, lúc đó trời rất sáng. Tại hiện trường, ông Nam ngồi ở bìa rẫy, chỉ cách điểm ông Thang bị bắn chừng 60m. Địa điểm này là một hang đá, chỉ có hai cây dầu, nên rất thoáng. Một con voọc hay khỉ nặng chừng 7 - 9 kg, trong khi đó ông Thang cao 1,5m, nặng hơn 50 kg, sao lại bắn nhầm, làm em tôi chết oan”. Theo ông Xuyên, gia đình ông Thang hiện rất khó khăn. Ông ra đi để lại vợ và 5 đứa con (nhỏ nhất 2 tuổi) đang độ tuổi ăn học.
Theo người thân của ông Nam, ông Nam định cư ở Mỹ gần 5 năm nay và đã có thẻ xanh. Sau chuyến thăm quê này, ông Nam về Mỹ sẽ được nhập quốc tịch.
Thiện Nhân (Thanh Niên)


Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

Cái chết anh hùng

Cái chết anh hùng
TT - “Người Pháp đã giỏi về binh cơ, lại thêm tàu mạnh súng hay, mình thủ thì hơn chớ đánh thì bất lợi. Nhưng đạo làm tôi phải trung với nước. Như kẻ hạ thần này nếu ra hòa với người ta, thật lấy làm nhục lắm! Còn đánh mà không hơn được lại là cái tội ngu thần.
Mộ danh tướng Nguyễn Tri Phương từng bị kẻ gian đục trộm nhưng đã được sửa lại - Ảnh: Q.V. 
Vậy xin theo ý hoàng thượng sở định, ngu thần xin cúi mình hết sức cho đến chết thì thôi, chớ có đâu dám tiếc thân già”. Đó là những lời bộc bạch khí tiết của Nguyễn Tri Phương khi vua Tự Đức hỏi ông thế trận khó nên hòa hay chiến trước quân Pháp.
Trận chiến cuối cùng
Sau khi ngậm ngùi chịu chiến bại trước pháo hạm áp đảo của quân Pháp ở đại đồn Kỳ Hòa và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam kỳ, Nguyễn Tri Phương lại được triều đình cử ra trấn giữ thành Hà Nội để giải quyết mâu thuẫn. Ngòi nổ chiến tranh đang lăm le bùng nổ. Năm 1873 cũng là lúc Nguyễn Tri Phương đã 73 tuổi (có tài liệu nói 74 tuổi). Trong lịch sử quân sự thế giới cũng rất hiếm vị tướng nào còn trực tiếp xông trận được ở tuổi này.
Trong cuốn Le Tonkin (Xứ Bắc kỳ), gã lái súng Jean Dupuis cũng khẳng định nguyên nhân vị tướng lão thành của nước Việt hết đánh trận miền Nam lại tất tả ra Bắc cũng chính vì sự gây hấn của gã. J. Dupuis nguyên là một gã lái buôn lang bạt nhiều nơi, và sau khi thử thời vận ở Trung Quốc đã tiến xuống nước Việt.
Ban đầu, gã định mở một “con đường tơ lụa” theo đường sông Mekong ngược lên Trung Quốc nhưng bất thành, nên phải tìm kiếm một con đường là ngược sông Hồng đi lên. Có máu khám phá mạo hiểm lẫn tổ chức chiến tranh, nhưng mục đích chính của J. Dupuis là đi buôn. Cụ thể với đường sông Hồng, gã đã tính chuyện đưa vải vóc, gạo muối, vũ khí lên bán cho các tỉnh phía nam Trung Quốc và chở các loại quặng về bán. Chính điều đó đã vi phạm đến những quy tắc lãnh thổ của triều đình Huế ở xứ Bắc kỳ, nhất là trong hoàn cảnh nước Pháp đang ngày càng mở rộng thôn tính đất nước này.
Các quan sở tại giải quyết không nổi, Nguyễn Tri Phương lại phải thân chinh ra thành Hà Nội và ngay sau đó lại gặp vấn đề với J. Dupuis khi không thể chấp nhận những yêu sách quá đáng của gã như mở cửa thông thương, thuế quan... Sự mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi thống đốc Nam kỳ Dupré cử đại úy hải quân Francis Garnier ra “xử” kẻ quấy rối J. Dupuis nhưng thực chất là dẫn pháo hạm đánh chiếm Hà thành. Chính một lá thư của Garnier đã kể lại cuộc tái chạm trán với đối thủ cũ ở đồn Kỳ Hòa: “Tôi và đoàn tùy tùng đi thẳng vào thành và tuyên bố là tôi chỉ dừng chân tại dinh quan khâm sai.
Đó là danh tướng Nguyễn Tri Phương, người đã chỉ huy trận tuyến Kỳ Hòa bị chúng ta chiếm... Tôi phải nhìn nhận ông đã 74 tuổi vẫn cư xử rất lanh trí, nói vài tiếng Pháp, che giấu uất hận của ông dưới nụ cười”. Nghiên cứu của tác giả Đào Đăng Vỹ còn kể rằng Garnier đã lễ phép với Nguyễn Tri Phương: “Thưa ngài, chắc chúng ta có gặp nhau ở trận Kỳ Hòa và từ đó tôi vẫn tỏ lòng ngưỡng mộ ngài nhiều”.
Tuy nhiên, các yêu sách của viên sĩ quan hải quân cùng gã lái súng người Pháp xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích kinh tế cùng danh dự của triều đình Huế ở xứ này đã buộc Nguyễn Tri Phương phải bác bỏ. Cuối cùng, chiến tranh đã nổ ra. Tối 19-11-1873, Garnier tập trung binh lính chuẩn bị đánh úp thành Hà Nội vào ngay rạng sáng 20-11. Đây là thành được vua Gia Long tái xây dựng kiên cố theo kiểu Vauban của Pháp, nhưng hệ thống vũ khí phòng thủ đã lạc hậu hơn nhiều so với hỏa lực pháo hạm của Pháp cùng thời.
5g30 ngày 20-11-1873, hai cánh quân gồm hơn 200 binh lính cùng lực lượng của J. Dupuis do Garnier chỉ huy tấn công thành Hà Nội. Mở đầu là đợt pháo kích dữ dội từ các chiến hạm Scorpion và Espingole (sử gia Philippe Devillers cho rằng đây là lần đầu quân An Nam ở thành Hà Nội chịu đựng pháo kích bằng đạn nổ có sức công phá lớn chứ không phải đạn viên cổ điển). Đại bác vệ thành bắn trả nhưng tầm đạn ngắn, không gây sát thương. Sau đó, Garnier chỉ huy cánh chính đánh cửa đông nam và đối mặt Nguyễn Tri Phương.
Lòng trung nghĩa của vị tướng già
Trong phúc trình đánh chiếm thành Hà Nội, chính Garnier đã xác nhận tinh thần tiên phong của Nguyễn Tri Phương: “... Cái cửa chắc chắn này đã đứng vững được khá lâu. Lúc phá được lối vào, tôi bèn xông vào dưới cửa tò vò và nhận thấy trước mặt tôi bọn cầm lọng che cho tướng phòng thủ. Lúc ấy tôi không ngờ đó chính là vị thống soái...”. Tay lái súng J. Dupuis còn ghi chép tỉ mỉ trong cuốn Le Tonkin: “Thống soái già đã bị thương trong lúc phòng thủ cửa Nam... Ông bị một vết thương ở bụng chắc không lành được. Ông đã leo lên đầu thành để phấn chấn binh lính và một viên đạn đã bắn trúng ông”.
Sau đó, chính J. Dupuis cùng nhiều tác giả Pháp khác đều rất trân trọng khí tiết của vị tướng nước Việt này khi thuật lại việc ông khước từ chăm sóc y tế của quân Pháp và tuyệt thực đến chết sau đó một tháng. Quyển L’Empire d’Annam đã viết rằng: “Ông bị thương nặng trong trận tấn công thành và chết vì vết thương. Ông từ chối sự săn sóc của bác sĩ Pháp và rứt bỏ đồ băng bó vết thương”.
Đặc biệt, nhà nghiên cứu Đào Đăng Vỹ khi viết tác phẩm Nguyễn Tri Phương, đã tìm được gia phả họ Nguyễn ở Huế. Trong đó có đoạn chép rất xúc động: “Cụ cùng con là phò mã Nguyễn Lâm đốc suất quân ra phía cửa đông nam vượt lên thành chống giặc. Phò mã bị một phát đạn vào đầu chết ngay. Cụ cũng bị thương, binh lính khiêng vào dinh. Người Pháp đem thuốc vào buộc, cụ đều rứt ra, đưa đồ ăn vào cụ đều phun nhổ không nuốt, nói rằng: Bây giờ nếu ta chỉ gắng lây lất mà sống, sao bằng thung dung chết về việc nghĩa...”.
Một tháng sau khi bị thương, Nguyễn Tri Phương tử tiết. Vua Tự Đức nghe tin rất cảm động, lệnh cho quan quân Hà Nội hộ tống quan cữu của ông và con trai Nguyễn Lâm về an táng tại bản quán ở làng Chí Long, huyện Phong Điền. Vua còn ban cho gấm lụa và 1.000 quan tiền để lo tang.
Tượng danh tướng Nguyễn Tri Phương ở nhà thờ Phong Điền - Ảnh: Q.V.

Gần đây, phó giáo sư Nguyễn Thương Ngô đi điền dã, viết phả hệ họ Nguyễn đã đưa giả thuyết mộ thật của Nguyễn Tri Phương ở Bình Định, còn mộ ở Chí Long chỉ là mộ chiêu hồn hay là mộ giả như nhiều người đương thời để tránh tình trạng loạn lạc, mồ mả bị xâm phạm. Cơ sở của ông là có truyền khẩu rằng di hài Nguyễn Tri Phương được đưa bằng đường biển về Bình Định và vùng này cũng có nhánh hậu duệ Nguyễn Tri. Nấm mộ được cho là của Nguyễn Tri Phương ở đây cũng được xây bằng hợp chất ô dước vôi, cát, mật kiên cố và cũng từng bị đào phá tìm cổ vật như lăng mộ ở Phong Điền...
Tuy nhiên, hiện nhiều nhà sử học và dân địa phương vẫn tin rằng lăng mộ đôi ở Phong Điền là của cha con danh tướng Nguyễn Tri Phương. Chính sử không chỉ ghi vua Tự Đức lệnh đưa quan tài hai cha con danh tướng trung nghĩa về an táng tại quê hương Phong Điền, mà vua còn cho xây nhà thờ Trung Hiếu từ gần lăng mộ.
QUỐC VIỆT (Tuổi Trẻ)

Nỗi lo chính tả

Nỗi lo chính tả
18/04/2012 8:53
Sự lẫn lộn trong phát âm và thói quen nói sao viết vậy, dẫn đến chuyện thường xuyên viết sai chính tả, làm đau đớn, xót xa biết bao cho chuyện “chữ nghĩa”!
Tuần báo Thể Thao Và Văn Hóa Cuối Tuần số ra ngày 3-2 (Chuyện vỉa hè: Này thì chữ! của Quán Cóc, trang 45-46) đã đăng bức ảnh làm bằng chứng về chuyện có bức thư pháp xuất hiện trong “chợ chữ” xuân Nhâm Thìn 2012 tại Hà Nội, rao bán đôi chữ Hán “Nỗ lực” bằng mực tàu, kèm theo chú thích bằng tiếng Anh là “The Word: Effort” và bằng tiếng Việt là ... “Lỗ Lực”! Hóa ra “ông đồ” nhà ta có thể viết đúng (khoan bàn đến khoản viết đẹp, càng khoan bàn đến chuyện thư pháp) chữ Hán nhưng lại viết không đúng tiếng ta!
Có giai thoại tại một trường nọ: mượn ý người xưa từng chép “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu. Hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”, một anh cán bộ viết bài thu hoạch, khi bàn về phẩm chất người công bộc của nhân dân thời nay, đã hạ bút viết liền mấy chữ “no trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”! Có thể do tình ngay lý gian nhưng giấy trắng mực đen làm sao tránh khỏi chuyện bị điểm 0 vì cái nội dung “phản động” này!
Còn đây là giai thoại của tuổi nhỏ: một em học sinh mếu máo lúc cầm bài tập làm văn bị một cặp trứng ngỗng, hóa ra khi ca ngợi nghề dạy học, em lại viết ra câu văn “gây chết người” như sau: “Cô giáo em say mê chồng người”! Ðồng bào ta, nhiều người thường viết sai câu “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung. Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu”. Không phải là xử như một lời tuyên buộc phải thi hành mà chính là sử, tức sai bảo: Vua bảo bầy tôi phải chết, nếu không chết là bầy tôi bất trung, cha bảo con cái phải chết, nếu không chết thì con cái bất hiếu!
Ngoài Hà Nội, trên phố Hai Bà Trưng có bảng quảng cáo: “Chất Lượng Tạo Lên Sức Mạnh”. Tại TP.HCM, đường Nguyễn Trãi, có biển hiệu nơi phòng mạch một bác sĩ, dưới cái tên riêng là mấy dòng định danh: “Tiến sĩ y học - thầy thuốc u tú”. Cư dân mạng đã cất công chụp ảnh và công bố biết bao bảng hiệu, biển báo “cười ra nước mắt” như: Tẩm quất thư dãn/ thư rãn (giãn), Lấy dáy (ráy) tai, Cấm kinh doanh, dịch vụ, bày bán hàng dong (rong) trên vỉa hè, Sin (Xin) đừng đốt (rác), Sôi (Xôi) thịt bánh bao, Nước ép trái cây - hoa quả rầm (dầm)... Một du khách đã chụp được bức ảnh ở đền Ðô (Bắc Ninh) ghi lại tấm bia khắc bản dịch Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ (được tiến cúng vào năm 2009) trong đó có câu: “Trẫm rất lấy làm đau sót về việc đó, không thể không dời đổi”. Còn bạn đọc một tờ báo điện tử đã phải lên tiếng khi bắt gặp tại lễ hội đền Hùng tháng 4-2010, người ta đã cho treo một băngrôn nơi tổ chức hội thi với dòng chữ “Nấu Bánh Trưng, Giã Bánh Giày”... Ngay cả báo chí cũng không ngoài cuộc chơi: nọ là bài báo in có tít “Doanh nghiệp công nghệ thông tin TP.HCM: Nóng nòng (lòng) chờ hỗ trợ”, kia là trang báo mạng với tựa đề: “Xăm hình con rao (dao) hai lưỡi!”...
Nhưng đáng lo hơn cả là chuyện chính tả ngay trong nhà trường, vốn là nơi tôn nghiêm về chuẩn mực. Ngày 1-10-2007, Sở Giáo dục - đào tạo Kon Tum xác nhận đã để xảy ra một số sai sót trong việc kiểm tra, đánh giá và khảo sát chất lượng học sinh đầu năm học 2007-2008, trong việc ra đề thi và đáp án môn ngữ văn lớp 6 và 7. Trong đó có sự cố tại đề 472, phần tự luận yêu cầu học sinh viết thuộc lòng hai khổ thơ cuối của bài thơ Lượm (Tố Hữu), đáp án và hướng dẫn chấm môn ngữ văn lớp 7 lại viết là “Chú bé loắc choắc” trong khi sự thật là “Chú bé loắt choắt” (xem Tuổi Trẻ số ra ngày 2-10-2007).
Một phụ huynh đau đớn kể lại câu chuyện đứa con gái học lớp 5 khi viết văn, bị cô giáo sửa hết mấy chữ vầng (trăng) thành vần, và dĩ nhiên kèm theo là điểm trừ. Người mẹ chỉ còn một nước đi “méc” ban giám hiệu nhưng xin được “bảo mật thông tin” vì sợ con bị... hành hạ!
Những năm 1990, Trường Huấn luyện cán bộ Ðội (Thành đoàn TP.HCM) khi phối hợp hằng năm với Trường trung học Sư phạm TP.HCM để đào tạo tổng phụ trách Ðội, đã phát hiện không ít giáo sinh trúng tuyển vào sư phạm nhưng vẫn không thể viết đúng chính tả một số vần có âm đệm, có nguyên âm phức như loanh quanh, khúc khuỷu, ngoằn ngoèo... Vấn đề là một năm sau, nhiều người trong số đó đã trở thành thầy cô đứng lớp dạy cho trẻ đánh vần, ghép chữ!
Vậy thì làm sao để tránh không còn xảy ra những “Ðơn xin ra (gia) nhập Ðoàn”, “Hội thi thanh niên giỏi nghề lông (nông)”, “Em sinh (xinh) em đứng một mình cũng sinh (xinh)”...? Thiên hạ bày nhau ngoài thói quen sử dụng từ điển, cần phải chăm đọc sách. Chỉ có điều nhớ phải “chọn mặt... gửi nhà xuất bản” vì cũng không thiếu những quyển sách đầy lỗi chính tả. Nên có bậc phụ huynh “vì tương lai con em chúng ta” đã cất công sửa lỗi morát tất cả các cuốn sách trước khi chuyển cho con cái đọc! Thật đáng khâm phục!
Theo Tuổi Trẻ

Bùng nổ làn sóng phẫu thuật giống sao Hàn

Bùng nổ làn sóng phẫu thuật giống sao Hàn
18/04/2012 12:10
Các ngôi sao xinh đẹp, trẻ trung của xứ Hàn đã mang đến cho đất nước này vô số lợi nhuận. Không chỉ thúc đẩy doanh thu du lịch, doanh số các sản phẩm thời trang, phụ kiện… mà còn tăng doanh thu phẫu thuật thẩm mỹ. Du khách Việt cũng tìm đến nước này để có một nét gì đó của người nổi tiếng.
Theo thông tin do bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Joo Kwon ở Seoul, Hàn Quốc cung cấp cho AFP thì từ những năm đầu của thế kỷ 21 đã có nhiều phụ nữ Trung Quốc tìm đến phòng khám của ông. Họ xếp hàng dài chờ đến lượt mình dù đã nhiều năm phòng khám của ông không hề quảng cáo ra nước ngoài.
“Tôi không hiểu sao họ biết đến phòng khám của tôi. Họ đến đây với cùng một yêu cầu là phẫu thuật gương mặt giống với Lee Young Ae” – ông Joo cho biết. Lee Young Ae là một trong những diễn viên hàng đầu của xứ Hàn, cô nổi tiếng qua nhiều vai diễn trong đó có phim Nàng Dae Jang Kum.
Trung tâm phẫu thuật thẩm Mỹ của bác sĩ Joo là một trong những cơ sở lớn nhất Hàn Quốc. Bên cạnh “cơn lũ” phụ nữ Trung Quốc còn nhiều du khách các nước Châu Á khác trong đó có Việt Nam tìm đến đây để có được gương mặt giống sao Hàn mà họ thần tượng.
Thời gian vừa qua, làn sóng Hallyu đã trở thành tâm điểm ở khắp các quốc gia châu Á đặc biệt từ Trung Quốc, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á. Những bộ phim: Bản tình ca mùa Đông, Chuyện tình mùa Thu đã nâng lượng người hâm mộ phim Hàn tăng gấp 10 lần trong thập kỷ qua.
Những người hâm mộ này dốc tiền bạc, công sức sang du lịch Hàn Quốc, họ cuồng nhiệt với sao Hàn và giờ còn chi tiền để phẫu thuật thẩm mỹ. Những gương mặt long lanh trên màn ảnh đã hút hồn họ và mang đến lợi nhuận khổng lồ cho kinh tế xứ kim chi. Ngày nay, ngay cả việc muốn phẫu thuật, khách hàng cũng phải đăng ký trong thời gian dài và chi tiền không nhỏ. Và các thẩm mỹ viện nước này “ăn nên làm ra” nhờ vào những ngôi sao kiểu Lee Min Ho, nhóm Big Bang, Supper Junior và Kim Huyn Joon…
 Theo tài liệu từ Chính phủ Hàn Quốc, chi tiêu tổng cộng cho y tế trong năm 2011 cho riêng nhóm khách du lịch vào khoảng 116 triệu USD. Từ năm 2009 đến 2010 tăng gấp 3 lần từ 1.657 đến 4.400 người. 14% trong số đó đến từ những người phẫu thuật thẩm mỹ hoặc tái tạo làn da, tiêm botox. Du khách nước ngoài thường yêu cầu sửa mũi và mắt giống Kim Hee-Sun, gương mặt và làn da của Song Hye-Gyo…
Số lượng khách đông đến mức một số thẩm mỹ viện đã mở thêm dịch vụ như đưa đón khách từ sân bay đến nơi phẫu thuật bằng xe limousines và chào đón bởi các nhân viên nói tiếng Anh, Trung Quốc, Nhật, Việt Nam…
 "Y tế du lịch trong đó bao gồm phẫu thuật thẩm mỹ đang vô cùng phát triển và đem lại những thuận lợi về kinh tế cho đất nước chúng tôi. Quả thật, sự nổi tiếng của những nhân vật giải trí Hàn Quốc đã thúc đẩy đất nước đi lên rất nhiều” - Jung Eun-Young, giám đốc chính sách của Bộ Y tế cho biết.
Nền văn hóa Hàn tấn công mạnh mẽ Châu Á và ngày càng ảnh hưởng nặng đến giới trẻ Việt. Khi có một nhóm nhạc hay bất kỳ ca sĩ nào của nước này đến Việt Nam là lập tức bỏ mọi việc để chuẩn bị, đón rước. Ngay cả lối sống bình thường cũng đậm chất Hàn từ quần áo, phụ kiện cho đến kiểu tóc…
Theo Người Lao Động

Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

BÁO CÁO QUỸ TỪ THIỆN VÀ HOẰNG PHÁP Lần 32 Từ ngày 26-3-2012 đến 15-4-2012


BÁO CÁO QUỸ TỪ THIỆN VÀ HOẰNG PHÁP
Lần 32 Từ ngày 26-3-2012 đến 15-4-2012
1-Số tiền vận động:


SỐ TT
NGƯỜI THAM GIA
SỐ TIỀN
TỒN QUỸ

TỒN QUỸ lần 31

22.220.000đ
1
Cô Hà (Cty Kiết Tường)
2.000.000đ

2
Cô Thu Nguyệt nhà thơ
1.000.000đ
25.220.000đ

CHI PHÍ


1
Mua 12gam giấy A 4 in truyện tranh PG
720.000đ

2
Photo 300 cuốn tài liệu học Hoa Chuyên Cần
900.000đ

3
Photo 100 cuốn truyện tranh PG:  Ngài Ca Diếp
160.000đ

4
Mua bánh kẹo cho  tuần dạy học ở Hương Sơn
100.000đ

5
Mua 100 cục gôm, 100 cây bút bi, 50 bóp đựng viết, 100 bàn chải đánh răng, 100 túi xốp nhỏ đựng tập, 100 bong bóng, 20 cặp đi học, 8 cây dù,
4.660.000đ


TỒN QUỸ lần 32

18.680.000đ

Nội dung:

1-Cô Kim khai giảng lớp Phật học thiếu nhi tại chùa Linh Sơn (quận Bình Thạnh TP.HCM) đã 3 tuần nay. Lớp rất đông và vui, sĩ số tới 50 em. Tuy nhiên, đa số là con em của gia đình lao động bình dân, nên các em học yếu hơn các lớp khác, ngược lại rất nhanh nhẹn và thông minh khi ứng xử. Cô Kim cho các em diễn tiểu phẩm, diễn kịch, ứng xử… miễn lồng bài học đạo đức vào đó là được.

2-Nhiều lớp Phật học thiếu nhi cũng mở ra, vì chuẩn bị vào hè, các em được nghỉ, rất thích vào chùa sinh hoạt. Cho nên cô Kim phải photo nhiều tài liệu, sách, gởi nhiều quà về các chùa để quý sư cô dạy học. Kỳ này gởi quà về chùa Phước Liên (Long Khánh-Đồng Nai), chùa Tam Giang (Đắc Lắc), mỗi chùa trung bình 100 bút bi, 100 bút 3 màu, 40 hộp bút sáp tô màu, 30 hộp bút lông, 50 bàn chải đánh răng, 50 túi xốp đựng tập đi học, 20 cặp, 100 cục gôm, 30 đôi dép, 50 bóp đựng viết, 50 khăn tắm, 100 thước kẻ, 100 bút chì, gấu bông, bình nước, 100 cuốn tập, v.v…Có vậy các em mới ham học.

3-Truyện tranh PG là một cách giáo dục rất hiệu quả, các em nhỏ rất thích đọc. Nhưng thị trường bán giá khá cao, có khi mỗi cuốn tới mười mấy ngàn đồng, làm sao đủ kinh phí để mua cho mấy trăm em. Trung bình mỗi lớp 50-70 em, cho 4 cuốn truyện tranh (4 tựa đề khác nhau) đã là 200-300 cuốn, nhân lên với 10 chùa thành ra 2000 cuốn. Vì vậy cô Kim đã biên tập và tự thiết kế lại các quyển truyện, đem đi photo hoặc in bằng máy in màu ở nhà, giá thành rất rẻ, chỉ từ 1000- 3000đ / quyển. Chỉ chịu khó ngồi xếp giấy, bấm lại, khá là mỏi tay và mỏi lưng. Nhưng ngày nào cô Kim cũng “sản xuất” ra mấy chục cuốn, làm đều đều như thế mới đủ cung cấp cho nhiều chùa. Tuy vẫn còn đau cột sống, nhưng cô Kim không để phí một ngày nào, cứ hoằng pháp đến cùng. Sách in ra cũng có màu rực rỡ, các em rất thích.



PHẬT HOÀN LƯƠNG

PHẬT HOÀN LƯƠNG
Diệu Kim

Lớp Phật học thiếu nhi do tôi tổ chức nằm lọt giữa khu bình dân lao động, mà theo lời thầy trụ trì thì cứ 10 nhà đã có chừng 7 nhà từng vào tù ra khám. Những con hẻm ngoằn ngoèo, mưa xuống ngập lụt, có khi uốn khúc thành một “địa đạo” tối tăm dẫn vòng vèo ra cửa sau của những “hộp diêm” nhỏ xíu thiếu ánh sáng mặt trời. Vậy mà tôi thấy thấp thoáng sau ô cửa hình như có một ngọn đèn trên bàn thờ cháy đỏ lập lòe, nửa như cô đơn, nửa như rực rỡ niềm tin và hy vọng…

Khoảng 50 đứa nhỏ đủ cỡ, từ mẫu giáo tới tiểu học, trung học. Nháo nhào như cái chợ. Đứng vòng ngoài là 5, 7 em trai, em gái trên dưới 20 tuổi, đang lúi húi đổ nước đá, nước ngọt vô ly, hoặc cột từng phần bánh kẹo, tập vở cho ngay ngắn, để lộ cánh tay có chút hình xăm là lạ. Những gương mặt cũng hằn sâu nét gì đó khó nói, nhưng khi các em mỉm cười thì lại hồn nhiên rất ngộ. Đặc biệt một gương mặt hơn 40, mặc áo sơ mi mà lại đi với…cái quần cụt, đứng nép vào cửa chánh điện, không giấu được vẻ giang hồ sương gió. Nhưng lúc tôi hỏi đến, thì anh ta bối rối nở nụ cười, chao ôi, để lộ hai cái răng sún thật hiền lành. Tôi bàng hoàng vì nét tương phản ấy. Và ấn tượng từ gương mặt ấy cứ khắc khoải theo tôi. Mấy tuần sau nữa, anh ta vẫn là người tài trợ quà đều đặn cho tụi nhỏ. Nào sữa, bánh, tập… Nhưng vẫn ngại ngùng đứng nép dưới chân tượng Phật…

Lũ trẻ bắt đầu những buổi học Phật pháp, vừa háo hức, vừa lơ đãng. Háo hức vì luôn muốn ngồi trong lớp, luôn náo động, luôn vui cười. Lơ đãng vì nghe giảng một hồi là “hết vô”, mặt nghệt ra, lễnh loãng. Tôi bèn áp dụng cách dạy khác với những lớp đã từng dạy. Giảng ít, cho vận động trí não bằng kịch, tiểu phẩm, ca nhạc, ứng xử. Quả nhiên, thành công hơn hẳn. Thôi thì, học kiểu nào cũng là học, tùy căn cơ mà học, miễn sao lồng được những bài Phật pháp, đạo đức vào trong nội dung sinh hoạt là được. Kiên nhẫn và vất vả hơn một chút. Nhưng niềm vui cứ len lén nẩy mầm. Cảm giác của một người đang gieo cái hạt nhỏ xíu, mỗi ngày tưới chăm, ngồi nhìn mầm xanh ấy cựa quậy đội đất đứng lên.

Niềm vui của thầy trụ trì còn lớn hơn. Tám năm về xóm nhỏ, hơn 5 năm đã nghe… chửi. Cái am 100 mét vuông tềnh toàng chỉ đủ cho thầy che mưa che nắng. Ngày mấy lượt ra vô con hẻm, “chúng sanh” ngồi hai bên chửi “thầy chùa” tắt bếp. Bóng áo nâu cứ lầm lũi đi, về. Thế rồi, tự nhiên hết chửi. Tự nhiên cười với thầy. Tự nhiên bênh vực thầy. Và tự nhiên gởi con vô chùa cho thầy trông nom. Con bé chạy đi kiếm bà nội trong sòng bài: “Nội cho con đi chơi!”. “Ở đâu?”. “Trong chùa”. “Được. Mầy vô chùa là tao yên tâm”. Và bà nội tiếp tục đánh bài thoải mái. Ba má nhiều đứa cũng vậy, nghe con xin vô chùa là OK liền. Ngôi chùa như nhà trẻ, thầy trụ trì là cô bảo mẫu, giờ suốt ngày hết nghe chửi mà nghe lũ trẻ cười, nói, cãi lộn, tụng kinh, ca hát…

Chùa đã xây lại kiên cố, Phật đã thỉnh lại rất to, nằm giữa hàng chục, hàng trăm “vệ tinh” như thế. Xe honda của khách vô chùa cứ quăng trước cửa, không ai dám lấy cắp. Đám tiệc lễ sám thầy có người tiếp tay làm hết, chu đáo, đàng hoàng. Vẫn uống rượu, vẫn đánh bài, nhưng biết thắp một cây nhang hướng Phật. Và những đứa trẻ hy vọng lớn lên sẽ khác. Ngôi chùa như đóa hoa sen mọc lên giữa xóm, kiên quyết không đổi dời. Như những mầm non ấy, đổi đời ngay trong chốn sinh ra, chứ biết đi đâu nữa. Cõi Ta Bà này nơi nào không phiền não? Thôi thì, bùn chỗ nào sen mọc lên chỗ ấy… Trong mỗi trái tim hoàn lương kia đều có một ông Phật đẹp lạ lùng!
                                                                                                        17-4-2012