Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2011

Hâm mộ quá mức !

Hâm mộ quá mức !
Thứ Sáu, 12/08/2011 00:06
Hai sự kiện diễn ra hôm trước, hôm sau tại hai quốc gia cùng chịu ít nhiều ảnh hưởng của các ngôi sao giải trí xứ Hàn nhưng gợi cho chúng ta điều suy ngẫm. Một là tại Nhật, hàng ngàn người dân nước này đã kéo đến trước đài truyền hình Fuji TV để phản đối các đài truyền hình phát sóng quá nhiều phim Hàn và kêu gọi tăng giờ phát sóng phim Nhật.
Một tại Việt Nam, diễn viên, ca sĩ Kim Hyun Joong đến Việt Nam được khán giả hâm mộ chào đón nồng nhiệt ngay từ sân bay cho đến khi về tới khách sạn. Không giống với những ngôi sao Hàn khác đến Việt Nam, Kim Hyun Joong được xem là ngôi sao trong phim Vườn sao băng, phim truyền hình từng phát sóng tại Việt Nam, đến Việt Nam chỉ là quảng cáo cho một thương hiệu mỹ phẩm mà anh đã ký hợp đồng làm “đại sứ” rồi về trong ngày.

Dù Kim Hyun Joong đang được “sư phụ” Bae Young Joon “bơm” lên thành ca sĩ, diễn viên thần tượng của xứ kim chi và có ảnh hưởng ít nhiều đến khán giả trẻ một số nước nhưng công tâm nhận xét Kim Hyun Joong vẫn chưa có thành tích gì đáng kể. Khán giả Việt tỏ ra hâm mộ Hyun Joong ở vẻ điển trai mềm mại của anh là chính.

Thế nhưng, nhìn đông đảo khán giả Việt, kể cả giới truyền thông, cứ nháo nhào lên trong buổi tiếp đón Kim Hyun Joong tại TPHCM mới thấy nỗi lo ngại về sự lệch chuẩn trong ái mộ thần tượng của giới trẻ không phải là không có lý. Sự xuất hiện của Kim Hyun Joong càng được quan trọng hóa quá mức khi ban tổ chức cố tình đưa sự kiện vào tình huống nguy hiểm bằng cách tạo ra hàng rào bảo vệ khắt khe từ phía khán giả, kiểm soát gắt gao phóng viên được mời đến tham dự sự kiện…

Cho đến lúc này, thị trường giải trí Việt đã đón không biết bao nhiêu sao ngoại đến Việt Nam biểu diễn. Trong khi những ngôi sao đẳng cấp quốc tế luôn tỏ ra gần gũi, thân thiện và đáng mến bao nhiêu thì sao Hàn luôn xa cách bấy nhiêu. Đây không phải lỗi của nghệ sĩ, thậm chí còn thấy họ tội nghiệp khi tỏ ra e sợ bởi sự vồ vập quá mức của khán giả Việt.
Không đến mức phải biểu tình kêu gọi chống lại “làn sóng Hallyu” như hàng ngàn người dân Nhật đã làm vừa qua nhưng có lẽ đã đến lúc một bộ phận khán giả Việt cần dành thời gian suy nghĩ cho thấu đáo về hai chữ “thần tượng”.
Thụy Vũ

Nhục quá chứ còn gì nữa! Cái gì của người ta, mình cũng nhắm mắt nhắm mũi tung hô. Đành rằng luôn có sự ái mộ nghệ sĩ, nhưng ái mộ kiểu như ăn mày, thấy mà mắc cỡ. Hàng trăm, hàng ngàn nam thanh nữ tú đã chen lấn tại sân bay để đón các sao, ôm ảnh của sao, bỏ ăn cả ngày trời vì sao, khóc ngất vì sao. Thử hỏi, mấy cô cậu này có chờ đón ba mẹ như thế không, có thương nhớ ba mẹ cỡ vậy không? Càng làm ra vẻ ái mộ, càng thấy các cô cậu này bất hiếu vô cùng.
Nhìn lại nước Nhật, mới hiểu tinh thần dân tộc của họ, mới hiểu vì sao họ mạnh đến vậy! (Cô Kim)

Thêm quán cơm 2.000 đồng tại Cần Thơ


Thêm quán cơm 2.000 đồng tại Cần Thơ
TT - Quán cơm 2.000 đồng mang tên Ân Phúc vừa đi vào hoạt động tại số 15/38 Hoàng Văn Thụ, P.An Hội, Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Đây là quán cơm 2.000 đồng thứ hai tại Cần Thơ, sau quán cơm 2.000 đồng tại địa chỉ 8A3, hẻm 3T2, đường 30-4, Xuân Khánh, Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ.
Chị Dung, phụ trách nhân sự quán cơm, cho biết quán do giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh xe máy tại Cần Thơ đứng ra thành lập nhằm phục vụ người nghèo, người vô gia cư, khuyết tật, trẻ lang thang cơ nhỡ trên địa bàn. Cơm có giá 2.000 đồng/phần nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng một bữa ăn.
Chị Dung cũng cho biết do mới thành lập nên hiện quán chỉ mở cửa phục vụ từ 10g30-12g30 các ngày thứ tư và thứ bảy hằng tuần với 130-150 suất/ngày. “Khi hoạt động ổn định, quán sẽ phục vụ 3-4 buổi/tuần” - chị Dung cho biết thêm.
THANH XUÂN

Cô Kim cũng mơ ước từ lâu, là mình có căn nhà rộng để nấu cơm chay thường xuyên mỗi tuần 3 bữa cho người nghèo ăn, đặc biệt là sinh viên. Giá 2000 đ tượng trưng thôi, để người ăn đừng ngại, chứ thật ra là cơm miễn phí. Bởi cô Kim sẽ đãi trà đá, hi hi, các bạn uống đã khát thì cũng đủ 2000đ rồi. Ước mơ quá trời nhiều, chừng nào có vậy ta? 

Tôi đã sống bằng đam mê

Tôi đã sống bằng đam mê

TT - Câu chuyện về niềm đam mê đeo đuổi đến cùng ước mơ đời mình của một trong những bác sĩ sản khoa hàng đầu VN - bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng. 

Tôi như người công nhân tự đổ đá làm cho mình con đường đến với nghề y. Tôi đã trải trên đó mồ hôi lẫn nước mắt một thời tuổi trẻ.
Gõ - nghe - bốc
Năm 8 tuổi, đột nhiên tôi gặp cơn bạo bệnh. Ba mẹ hốt hoảng mang tôi đến một bác sĩ lớn tuổi. Trong lúc tôi cảm thấy mình đứng ở ngưỡng thập tử nhất sinh, ông bác sĩ lại từ tốn lướt ống nghe nhè nhẹ, gõ gõ tay lên người tôi. Xong xuôi, ông nói tôi mắc bệnh thương hàn rồi kê đơn, bốc thuốc. Vài ngày sau tôi hết hẳn bệnh. Tôi thầm nghĩ nghề thầy thuốc hay thật và bắt đầu mơ được làm bác sĩ.
Như đa số gia đình vào thời bấy giờ, cuộc sống của chúng tôi lắm chật vật, nghèo đói. Ba mẹ tôi dắt các con lên đồn điền cao su Chup (Kompong Chàm, Campuchia) mong kiếm cái ăn. Bà ngoại thương tôi bắt ở lại Biên Hòa với bà. Trong những ngày tháng nghèo khổ nhất, tôi vẫn học thật chăm chỉ và âm thầm nuôi dưỡng ước mơ của mình. Vài năm sau tôi thi đậu Trường Gia Long ở Sài Gòn. Khi biết tôi mơ ước được học y, đám bạn cùng trường đã phì cười. Bởi như điều không tưởng khi một học trò cấp III chỉ học chương trình Việt ngữ bước một bước vào trường y chỉ đào tạo sinh viên thông qua Pháp ngữ. Tôi bắt đầu lùng sục các cuốn sách dạy tiếng Pháp. Tôi miệt mài phiên âm, chú thích chi chít trong các cuốn sách tiếng Pháp và ôm khư khư chúng mỗi khi rảnh tay.
Khi đó, trường sư phạm có rất nhiều ưu đãi. Vừa không phải đóng học phí, sinh viên còn được trả lương tháng. Với số tiền đó, gia đình tôi sẽ đỡ chật vật hơn. Ba mẹ viết thư khuyên tôi thay đổi nguyện vọng nhưng tôi nhất quyết không nghe. Ba nổi giận đòi từ tôi. Tôi đành nộp đơn dự thi vào trường ĐH sư phạm. Đến nơi người ta nói: “Mai thi rồi. Sao hôm nay em còn đến nộp đơn?”. Tôi mừng rơn, gọi điện thoại thông báo cho ba.
Năm đó, tôi thi lớp dự bị y khoa cùng với hàng trăm sinh viên học trường Pháp ngữ ở Sài Gòn và vinh dự là học sinh đậu hạng 6 toàn miền Nam. Tôi chính thức học chương trình hoàn toàn bằng tiếng Pháp.
Sống như thể ngày mai là ngày cuối
Ba mẹ tôi từ Chup trở về, thất nghiệp. Mấy đứa em nheo nhóc đói ăn. Tôi định bỏ học. Năm đó, Nhà máy ximăng Hà Tiên mới xây cần tuyển người. Nếu vào làm thư ký, ngay lập tức tôi sẽ được hưởng mức lương hậu hĩ 8.000 đồng/tháng (trong khi 100 kg gạo giá 800 đồng). Lúc tôi chơi vơi nhất, ba nói: “Con cứ đi học. Ngày nào ba còn sống thì con không phải bỏ học”. Cùng với nỗi khát khao mạnh mẽ được làm bác sĩ cứu người, được sống khác hơn hiện tại, tôi gượng dậy.
Tôi lao ra đường chộp bất cứ công việc lương thiện nào có thể kiếm ra tiền. Ngoài giờ học trên lớp, tôi cuốc bộ đi dạy kèm, giao gạo và than. Đêm về nhà lại vùi đầu học bài. Không biết tự lúc nào tôi hình thành thói quen ăn nhanh, đi nhanh, nói nhanh. Không nhớ khoảng thời gian đó tôi thường ngủ bao nhiêu tiếng một ngày và ăn uống tằn tiện ra sao. Chỉ nhớ mình hay xỉu. Đến lúc có dịp leo lên cân mới hay mình còm nhom - 37kg. Thi lên năm thứ nhất y khoa, tôi tuột xuống hạng 126/300.
Phải đi mới thành con đường
Học một thời gian, tôi để ý thấy sản khoa phù hợp với mình nhất. Sản phụ đang đau quằn quại, chỉ cần mình đỡ đẻ giúp họ một loáng là xong. Gặp tim thai suy, mình mổ trong vòng 3 phút để lấy đứa bé ra. Đứa trẻ khóc oe oe chào đời, người mẹ hết đau. Nếu người mẹ bị băng huyết, mình xử lý trong vài phút là cứu được một mạng người. Tôi cảm thấy thích điều kỳ diệu đó.
Lần đầu tiên cầm dao mổ cho bệnh nhân, tôi không sợ hãi, chỉ cảm thấy say mê. Có người nghe chuyện hết hồn vì sao một cô gái trẻ, nhỏ xíu người lại “lạnh lùng” như vậy. Nhưng đứng ở chỗ của tôi, họ mới thấy người bác sĩ phải bình tĩnh và tập trung chuyên môn để tình trạng nguy cấp của bệnh nhân trôi qua êm đẹp nhất.
Sau khi tốt nghiệp ra trường, tôi muốn tiếp tục học sau đại học thêm bốn năm. Tôi chọc giận ba lần thứ 2. Mẹ bật khóc. Nhà tôi vẫn bị cái nghèo bám riết trong khi tôi đang có trong tay cơ hội mở phòng mạch mưu sinh như các bạn. Tôi nghĩ nếu không giỏi mình có thể khiến bệnh nhân tử vong. Đến một lúc nào đó, lương tâm mình sẽ bị mòn dẹt. Thấy người ta chết, mình cũng không còn cảm xúc nữa. Như vậy là tội ác. Tôi suy nghĩ kỹ rồi về thuyết phục cho đến khi ba mẹ chấp nhận.
Trong số bệnh nhân của tôi có những cơ duyên rất dễ thương. Tôi đỡ đẻ cho người mẹ, mấy chục năm sau đỡ đẻ cho chính con gái của người mẹ đó. Song hành với những chuyện vui cũng có những chuyện đau lòng, đáng tiếc. Tôi nhớ mình từng hụt hẫng đến lặng người khi không cứu được một người mẹ bị ung thư thai trứng nặng. Chị mất để lại bốn năm đứa con nheo nhóc. Lần đầu tiên đỡ đẻ một đứa bé nhiễm chất độc da cam không có sọ, tôi bàng hoàng suốt.
Sau ngày 30-4-1975, tôi đem theo ba đứa con tình nguyện túc trực trong Bệnh viện Từ Dũ 24/24. Thời điểm đó chồng tôi đang tu nghiệp tại Pháp. Anh muốn đón mấy mẹ con sang đó định cư. Nhưng tôi nghĩ suốt thời gian học nghề y, tôi đã thực hành trên biết bao xác người Việt, giờ thành nghề lẽ nào lại đem toàn bộ kiến thức chữa bệnh cho người nước ngoài. Hơn nữa, ở đây dân mình còn đói khổ. Tôi không nỡ. Vợ chồng chia tay.
Bệnh viện Từ Dũ với tôi như một ngôi nhà, một người thân. Dù đã nghỉ hưu nhiều năm, nhưng tôi vẫn cảm thấy thân quen với từng góc nhà, từng khuôn mặt ở đó. Nơi đó tôi đã làm một bác sĩ sống bằng niềm đam mê đúng như mơ ước ngày trẻ của mình.
HÀ THANH ghi
Đam mê chỉ là yếu tố "cần"
TTO - Diễn đàn “Ngọn lửa đam mê” đang nhận được bài viết từ nhiều bạn đọc. Xin giới thiệu bài viết của bạn Thanh Thảo để các bạn cùng chia sẻ.
Có được một việc làm đúng với niềm đam mê là mong ước của nhiều người, nhưng thử hỏi có mấy ai đạt được niềm mong ước đó khi cuộc sống vốn... đâu dễ chiều lòng người. Với tôi, đam mê chỉ mang yếu tố "cần", chứ chưa phải là yếu tố quyết định, nhất là trong việc chọn ngành nghề, sự nghiệp...
Điều cốt lõi là khi bạn đam mê và quyết đeo đuổi một công việc nào đó, bạn cần bình tâm xác định liệu bạn có đủ năng khiếu, năng lực, học lực, điều kiện hay bản lĩnh không, nhất là niềm đam mê đó có nghiêm túc, đúng chủ đích..., hay chỉ là sự bồng bột, mơ ước viển vông.
Chị họ tôi ở Canada mơ trở thành một nhà quản lý trung tâm tài chính. Để rồi niềm đam mê đó nguội dần khi nhận ra không có năng khiếu về tài chính sau hai năm ngồi ghế giảng đường đại học. Vậy là chị làm lại từ đầu với ngành... khảo cổ học. Và sau hai năm học tập chị hớn hở báo với tôi đã tìm ra phần còn lại của đời mình. Cái ngành chị không hề nghĩ tới trước đây giờ là niềm đam mê số 1.
Câu hỏi đặt ra: việc làm và đam mê cái nào có trước? Tôi dẫn giải để "cảnh giác" các bạn trẻ đừng quá chủ quan với cái gọi là niềm đam mê. Thực tế không ít người đã thất bại, ngã gục vì sự đam mê lạc lõng, vô vị. Tôi có người chị là giáo viên cấp III. Chị bảo thời học cấp III chị mê tít nghề giáo viên. Dù học rất giỏi đủ sức vào ngoại thương, y dược... nhưng chị vẫn chọn sư phạm.
Giờ chị chán ngán vì đồng lương giáo viên không đủ sống; thấy tù túng vì sự hạn hẹp của nghề giáo, trong khi bản tính thích tranh đua chốn thương trường. Nhưng cái chính là chị thấy nó không hợp chút nào. Tôi hỏi sao ngày trước chị đam mê quá vậy, chị cười thổ lộ:" Đúng hơn là chị đam mê... thầy (người giờ là chồng chị)". Tiếc là chị không nhận ra sớm hơn và thay đổi con đường. Rõ ràng công việc và đam mê không hiểu cái nào có trước, mang tính quyết định. Nhưng không sao. Cái chính là chúng ta có mạnh dạn "chỉnh sửa" nó không.
Bạn Chử Bích Phương đã đúng vì đã nếm trải và nhận ra "chân tướng" của mình. Nhưng đâu phải ai cũng may mắn như thế. Còn biết bao người không thể thay đổi vì không có điều kiện, quyền hạn, thậm chí hoàn cảnh buộc phải sống trái ý mình. Cũng như biết bao người sai lầm, lỡ bước sa chân chỉ vì dấn thân cho niềm đam mê không định hướng.
Tóm lại, đam mê là cần thiết nhưng không là tất cả. Cũng như cái "thuở ban đầu" đó không thể là yếu tố quyết định, là kim chỉ nam, là định hướng bất di bất dịch. Đam mê cũng phải có tính toán, suy nghĩ, thực tế... Đừng sống dối lòng với niềm đam mê. Hãy nhận thức thật rõ niềm đam mê của mình.
THANH THẢO
Đam mê chắc gì làm cuộc sống tốt hơn?
TT - Diễn đàn “Ngọn lửa đam mê” đang nhận được bài viết từ các bạn. Xin giới thiệu bài viết của bạn Thiên Bình, tranh luận lại với các bài viết trên Nhịp sống trẻ vừa qua (bài tham gia diễn đàn xin gửi vềnhipsongtre@tuoitre.com.vn).
Người trẻ (kể cả người già) chắc ai cũng có đam mê. Nhưng để được sống với đam mê thì không phải là... chuyện nhỏ. Tôi chắc chắn 100% rằng những người trẻ vừa mới tốt nghiệp THPT đều mong muốn được vào đại học ngành mình lựa chọn, hay học một nghề nào đó mình yêu thích. Nhưng mấy ai trong số họ thực hiện được ước mơ sau 12 năm đèn sách?
Có rất nhiều lý do mà, theo tôi, những người trẻ không thể thực hiện được ước mơ của mình như: sức học, hoàn cảnh, điều kiện kinh tế gia đình, điều kiện địa lý...
Tôi biết ở nông thôn lượng người trẻ ước vọng sống thật với đam mê của mình nhiều lắm, nhưng tại sao hầu hết họ vẫn cứ luẩn quẩn quanh ruộng đồng hay làm công nhân ở các khu công nghiệp sau khi tốt nghiệp THPT. Như tôi đã nói ở trên, vì hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, sự tiếp cận về kiến thức không bằng người trẻ thành thị mà hầu hết họ đều từ bỏ đam mê để... được tồn tại (chứ không phải “sống”).
Tôi không phủ nhận sự can đảm của bạn Chử Bích Phương (“Không được học ngành yêu thích thì khổ cả đời” - Tuổi Trẻ 30-7), nhưng sao không thấy ai đặt câu hỏi để so sánh xem hoàn cảnh (cả về kinh tế gia đình) của bạn Phương với những người trẻ khác? Nói như TS tâm lý Trần Thị Giồng, “Thiếu đam mê, cuộc sống không còn thi vị” (Tuổi Trẻ 4-8).
Đúng, được sống và làm công việc mình yêu thích thì còn gì hạnh phúc bằng, điều cốt yếu là sự lựa chọn giữa sống thi vị hay sống có trách nhiệm với (trước hết là) gia đình mình, thế thôi.
Tôi không thể mua cho mình một chiếc máy ảnh chuyên nghiệp đắt tiền để theo đuổi ước mơ làm một nghệ sĩ nhiếp ảnh, trong khi ở quê cha mẹ còn đang lam lũ tảo tần lo cho đàn em ăn học. Tôi chỉ có thể thi vào cao đẳng sư phạm ở tỉnh nhà chứ không thể thi vào trường luật - ngành mà tôi yêu thích ở tận TP.HCM xa xôi vì hành trình đi thi là cả một quãng đường dài hàng trăm cây số, rồi chỗ ăn ở, chi phí đi lại là quá sức với một học sinh nhà nghèo rớt mồng tơi. Tôi muốn là ca sĩ vì đam mê ca hát từ bé nhưng giọng hát (được nhiều người nhận xét) chỉ tầm tầm giọng... karaoke...
Còn nhiều, nhiều đam mê và ước muốn như thế trong cuộc sống này, nhưng với những người trẻ có hoàn cảnh khó khăn hay chưa đủ thực tài thì được sống với đam mê liệu có ích gì? Muốn sống với đam mê, mọi thứ đều nên đặt lên bàn cân để tính toán, so đo thiệt hơn sao cho tròn chữ đạo, chữ hiếu và cả chữ năng lực (tới đâu), nếu không người trẻ dễ biến mình thành gánh nặng cho gia đình hay trò cười cho thiên hạ.
Vì vậy tôi nghĩ: cả tôi, cả bạn không thể sống với đam mê nếu hoàn cảnh gia đình không cho phép, hay đam mê đó không phù hợp với năng lực thật sự của mình. Ai cũng cứ khăng khăng đòi sống với đam mê trong khi thực tế, thực tài không cho phép nghĩa là đã tự biến mình thành người vô tâm, vô trách nhiệm với gia đình và cả xã hội.
Được sống với đam mê có lẽ cuộc sống sẽ rất thi vị nhưng đâu phải ai cũng chỉ cứ có ước mơ, có đam mê là đạt được điều mong muốn!
THIÊN BÌNH
Chăm chắm đuổi theo đam mê là ích kỷ?
TT - Ngay từ nhỏ tôi đã mơ ước trở thành bộ đội. Nhưng ba năm liên tục thi vào trường quân sự, tôi đều thiếu điểm và trượt. Tôi chán nản nộp nguyện vọng 2 vào một trường ở tỉnh lẻ. Học được chừng một năm tôi phải thi lại và học lại nhiều môn.
Còn nhớ ngày tôi bỏ học về nhà ôn thi, mẹ chỉ khóc, còn bố nói một câu: “Con đã là một chàng trai trưởng thành, đủ để biết nên và không nên làm gì”. Tôi thật lòng rất ân hận, càng thấy mình sao kém cỏi quá, có mỗi niềm đam mê mà vẫn không đủ khả năng chinh phục.
Sau đó tôi thi lại đại học ngành cơ khí và đỗ. Cái sai của tôi cũng bắt đầu từ đó. Tôi luôn tự cho rằng do đang phải học cái nghề mình không thích thì không cần phấn đấu, nên cứ “ai hơn mình kém mặc kệ”. Phải ngồi chung giảng đường với những em nhỏ tuổi hơn mình, tôi thấy thua họ rất nhiều thứ nên càng tự ti hơn.
Cứ thế tôi tiếp tục lý tưởng hóa những sở thích, đam mê của mình. Để rồi tôi ân hận, giá như mình đừng viển vông, đừng quá mơ mộng thì bố mẹ sẽ đỡ khổ hơn.
Nhưng có đôi lúc soi lại mình, tôi vẫn thèm trở thành một sĩ quan. Nhưng đúng là ước mơ không chiều lòng người. Tôi đã không thể vượt lên được bức tường đam mê. Tôi không đủ năng lực và phải chấp nhận thất bại trước đam mê của mình.
Thường thì khi không được thỏa mãn niềm đam mê của mình, nhiều người lại đổ lỗi là tại bố mẹ bắt ép, do điều kiện gia đình và rất nhiều lý do khác. Còn tôi, tôi đã ích kỷ theo đuổi đam mê mấy năm không được (dù kinh tế gia đình thiếu thốn nhưng bố mẹ vẫn cắn răng cho tôi đi theo con đường mình đã lựa chọn). Vì năng lực có hạn, tôi đành lỡ hẹn với ước mơ.
Tôi không còn nghĩ nhiều đến niềm đam mê xa xưa của mình nữa. Trước mắt của tôi lúc này là phải bù đắp lại niềm tin cho bố mẹ. Bố mẹ đã đặt kỳ vọng vào tôi. Ngày tôi nhận bằng tốt nghiệp, bố rưng rưng nước mắt. Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy bố khóc. Bố hạnh phúc vì tôi đã có một cái nghề trong tay, có thể tự lo cho bản thân. Qua câu chuyện của mình, tôi chỉ khuyên các bạn trẻ đừng vì những đam mê viển vông mà làm phụ lòng bố mẹ.
NGUYỄN HÙNG (hung8283@...)



Thứ Năm, 11 tháng 8, 2011

Họa sĩ “tâm linh” Vi Vi đã vẽ “Phật” như thế nào?


Họa sĩ “tâm linh” Vi Vi đã vẽ “Phật” như thế nào?
MINH THẠNH 

Tôi thấy phải viết bài này vì người ta, có lẽ có cả những người theo đạo Phật, khen Vi Vi “tâm linh” nhiều quá, xem ông như một họa sỹ người Việt hải ngoại tầm cỡ tiêu biểu cho một cách sáng tác cảm ứng chúa Phật như vậy. Nghe đâu, có chùa còn mời ông làm tượng hay phù điêu gì đó. 
Họa sĩ Vi Vi, nay thường gọi với tên thật là Vi Vi Võ Hùng Kiệt, hiện được mệnh danh là một họa sĩ “tâm linh” tầm cỡ của người Việt ở Mỹ, vì ông vẽ cả Chúa và Phật cũng như những đề tài liên quan như thiên đàng, thiên thần… 
Thực ra, ông vẽ Chúa là chủ yếu, còn tranh về Phật chỉ có vài bức, trong đó có hai bức mà buộc lòng chúng tôi phải lên tiếng bằng bài viết này.

Vi Vi đã nổi tiếng ở Sài Gòn trước năm 1975. 
Trang mạng Dũng Lạc giới thiệu về Vi Vi như sau:

“Tên thật: Võ Hùng Kiệt – Tên Thánh Rửa Tội: Michel
Ngày sinh: 14 tháng 7 năm 1945 – Sinh quán: Vĩnh Long
Bút hiệu: ViVi do ghép hai chữ đầu Việt Nam và Vĩnh Long (ký từ năm 1964 vẽ cho Tuổi Hoa)
Cựu Sư Huynh La San - Promotion 82 Nhatrang năm 1962
Tốt nghiệp Cao Đẳng Mỹ Thuật Saigon năm 1968.
Bắt đầu vẽ từ nhỏ, đến năm 1958 mới chính thức vẽ bià và truyện tranh cho tờ báo Tuổi Xanh của cụ Bảo Vân Bùi Văn Bảo.
Trước 1975:
-         Vẽ minh họa và truyện tranh cho 2 tờ Nhật báo Độc Lập và Dân Chủ
-         Sách Giáo Khoa cho các nhà xuất bàn: Quê Hương, Nhật Tảo, Sống Mới, Cành Hồng, Khai Trí, và sách giáo khoa cho trường mẫu giáo Claire Joie (Annexe de Regina Mundi)
-         Báo Chí: Vẽ bià và Minh họa cho các tờ báoTuổi Xanh, Tuổi Hoa, Bạn Trẻ, Tinh Thần (Nha Tuyên Úy Công Giáo QLVNCH), Trái Tim Đức Mẹ (Dòng Đồng Công), Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (Dòng Cứu Thế)
-         Bắt đầu vẽ Tem Bưu Hoa từ năm thứ nhất CĐMT cho đến năm 1975. Chiếm khoảng 40 giải Bưu Hoa cho Tổng Nha Bưu Chính VNCH, ký tên thật Võ Hùng Kiệt.
-         Chỉ triển lãm 3 lần tại phòng Thông Tin Văn Hoá Saigon, Phòng Hội Hoạ Sĩ Trẻ và Alliance FranHais nhân cứu trợ nạn nhân những vụ Nạn Lụt Miền Trung, Miền Tây và Tết Mậu Thân. 
Vượt biên năm 1981 và tạm định cư tại Montréal, PQ., Canada.
Sang Mỹ năm 1995 tạm trú tại San Diego tới nay.  
Ngoài vẽ tranh còn điêu khắc các pho tượng:
-         Tượng Các Vị Thánh Tử Vì Đạo VN 1 đúc đồng và đặt tại: Maria Lewinston Garden (New York), Dòng Đồng Công (Carthage, Missouri), Denver, Colorado và Arlington Texas.  
-         Tượng Các Vị Thánh Tử Vì Đạo VN 2 đặt tạI Austin, Texas.
-         Tượng Mẹ Maria VN  tại Amarillo, Texas.
-         Tượng Thuyền Nhân Vượt Biển – Santa Ana, California.
-         Tượng Thủ Tướng Canada: Pierre Eliotte Trudeau.
-         Tượng Linh Mục Trần Đình Thủ (Sáng lập Dòng Đồng Công). 
-Vẽ các Bích Họa (Mural) về 117 Vị Thánh Tử Vì Đạo VN ở Dòng Đồng Công Missouri Cao 35feet x rộng 40feet, ở San Bernardino cao 10feet x rộng 60feet). Mẹ Thăng Thiên ở Amarillo Texas  cao 12feet x rộng 24feet…”
 
Ở Sài Gòn, ông đã tỏ ra “tâm linh”, nhưng chỉ chuyên vẽ Chúa, không có Phật. Tranh ông hợp với kiểu cậu ấm cô chiêu thời bấy giờ, hơn là những nguời nghiêng về đời sống tâm linh.

Nếu ông chỉ vẽ chúa và đức mẹ, thiên thần bay lượn… như trước thì không có gì đáng nói. Nhưng mấy năm gần đây các đài nước ngoài giới thiệu ông như một họa sĩ “tâm linh” có hạng của Việt Nam, với nhiều cuộc triễn lãm ở Mỹ, nói là có nhiều người đến xem, khen tranh, rằng rất “tâm linh” và “dân tộc”, khiến người viết phải “search” tìm xem tranh ông trên mạng.

Nhưng thật bất ngờ với những bức trang vẽ Phật của ông, thường được dùng để khẳng định ông là họa sĩ “tâm linh” nói chung cho đủ mặt tôn giáo, và gần hơn với nguời theo đạo Phật. 
Nếu không tinh ý, người thưởng thức tranh vẫn thấy Vi Vi đúng là tâm linh vì có chúa (tỷ lệ áp đảo), nhưng cũng có Phật.  
Nhưng, để ý kỹ một chút, thì sẽ thấy một cái gì đó không trong sáng, không xứng đáng với sự trang trọng và cao cả của từ “tâm linh”. 
Tranh chúa và Phật của Vi Vi thường được đặt cạnh nhau, cho có đủ Chúa Phật tâm linh, nhưng Chúa và Phật được thể hiện trong sự tương phản đối lập.

Tranh Chúa, đức mẹ, thiên thần các kiểu thì được thể hiện với ánh sáng rực rỡ, chói lọi, hào quang…
 Còn 2 bức tranh có Phật: “Nguyện cầu Quan Thế Âm” và “Thị Mầu đi lễ chùa” thì Phật hiện ra trong tranh tối tranh sáng u uất, không phải của chúa của thánh, mà là của quỷ thần, âm cảnh.

Đức Phật trong bức “Thị Mầu đi lễ chùa” hiện ra trong bối cảnh như một người làm chứng khó hiểu, đánh đố, thể hiện bằng một màu đỏ nhòe nhoẹt, đầy ẩn dụ của máu, dù câu chuyện gợi ý đề tài không phải là một bi kịch.

Còn bức “Nguyện cầu Quan Thế Âm” được thể hiện với ánh sáng âm u từ phía dưới chiếu tạt lên khuôn hình bán thân, lạnh lùng, bí hiểm trước trước những người cầu nguyện, trong bức “Nguyện cầu Quan Thế Âm”.

Cái cách thể hiện tượng Bồ tát Quán thế Âm này khá lạ lẫm với Phật giáo: bán thân, với một kiểu ánh sáng chiếu hất nguợc như vậy, xem ra cố ý thể hiện một vị nữ thần, hơn là một vị Phật.

Những người cầu nguyện thì xõa tóc rối, xoãi chân với tư thế lết tới cầu xin, trong sự tuyệt vọng, bám víu.

Hoa sen dâng cúng Bồ Tát thì không cắm, không kết, không bó, mà ngổn ngang, vương vải, lộn xộn trên nền đỏ, trắng, đen (có thể ẩn dụ may rủi)

Bức tranh “Nguyện cầu Quan Thế Âm” truyền cho người xem cảm giác hỗn mang, u uất, bám víu, lạnh lùng, bí hiểm…

Từng đường nét, từ chi tiết đều tạo nên cảm giác âm tính, trong khung cảnh cầu xin vái lạy níu kéo tuyệt vọng, không phải cầu nguyện.

Và như đã lưu ý, người ta đặt bức tranh Phật như vậy cạnh những bức tranh chúa tràn ngập ánh sáng, tỏa ra ánh sáng, để nói rằng người sáng tác là tâm linh, vẻ đủ mọi tôn giáo (?)
  
Tôi thấy phải viết bài này vì người ta, có lẽ có cả những người theo đạo Phật, khen Vi Vi “tâm linh” nhiều quá, xem ông như một họa sỹ người Việt hải ngoại tầm cỡ tiêu biểu cho một cách sáng tác cảm ứng chúa Phật như vậy. Nghe đâu, có chùa còn mời ông làm tượng hay phù điêu gì đó.

Tôi viết để nói rằng, không phải công chúng nghệ thuật Phật tử không biết gì hết, nói sao nghe vậy, thấy có Phật thì là… “tâm linh” (!)

Nhấp chuột qua lại giữa các bức tranh tâm linh của ông, thì thấy rõ cái dụng ý đặt Phật bên Chúa theo kiểu như vậy của Vi Vi.

Nghệ thuật là sự cao cả và chân thật. Gài công chúng nghệ thuật với nhãn quan tôn giáo phiến diện như vậy không phải là nghệ thuật.

Chúng tôi không có ý công kích. Vi Vi có quyền thể hiện hình ảnh Phật theo cái nhìn, từ một điểm nhìn nào đó của riêng ông, chủ quan theo cách của ông. 
Nhưng đây là một bài phê bình nghệ thuật. Vì công chúng nghệ thuật cũng có quyền phát hiện những ẩn ý của nghệ sĩ, kể cả từ những tư duy không trong sáng, nếu có. (MT)

Người họa sĩ rất cần có một tâm hồn nhận thức trong sáng, vô tư - Chắc chắn sẽ cho ra đời những tác phẩm đẹp. Nếu không có lòng tôn kính chân chính tốt nhất họa sĩ đừng lấn sân vẽ Phật nữa. (THU)
Tôi không rành về hội họa nhưng có thể cảm nhận được những đường nét hay màu sắc trong tranh. Đó là những nét cơ bản tạo nên những cảm xúc trong tâm người thưởng ngoạn. Thú thật, tôi chẳng biết ông ViVi này tài hoa ra sao nhưng nhìn màu sắc họa chân dung Đức Phật đỏ một màu máu, màu sắc của sự hiếu chiến, đấu tranh với thế giới bên ngoài, chứ không phải đấu tranh với nội tâm như bản chất "diệt dục" của các nhà tu hành.

Riêng màu sắc chân dung của Ngài Quán Thế Âm mà ông ViVi này sử dụng còn "quái đản" hơn, ông ta dùng màu xanh, màu sắc của sự lạnh lùng, vô cảm chứ không phải của sự "đại từ Đại bi" như danh hiệu của ngài. Nếu tinh tế hơn trong nhận xét, màu xanh này thường được sử dụng làm màu sắc biểu tượng cho loài "yêu quái" hay "ma quỉ" mà ta thường thấy trong phim ảnh ..

Riêng hình ảnh của bà Maria hay ông Jesus, ta thấy màu sắc hồng hào, tươi sáng, khuôn mặt nào cũng rất rạng rỡ, rõ nét "người" và có phong cách rất bản sắc Việt Nam, và hình nào cũng có vầng "hào quang" quanh đầu, còn hình chư Phật và Bồ Tát thì là một mảng đỏ màu máu hay một vầng đen u tối. Tôi nghĩ, chẳng cần phải là một nhà phê bình nghệ thuật, ta cũng sẽ dễ nhận biết ẩn ý của ông họa sĩ tên thánh Michel này rồi!

Riêng lời bàn của đạo hữu Minh Ngọc: "nhiều chùa ở Việt Nam sử dụng bức ảnh "Đức Mẹ và Chúa hài đồng" làm đèn lồng trang trí, tranh ảnh, thư pháp, quà lưu niệm tặng nhau..." thì cũng có vị thiền sư ở nước ngoài còn đem "thánh ca" mừng Giáng sinh vào hát trong chùa Phật nữa là ....  (VĂN)
Rất hoan nghênh và cám ơn tác giả Minh Thạnh! 
Qua đối chiếu sự tương phản giữa những bức tranh Phật và Chúa, ta thấy rất rõ cái "TÂM" thâm độc trong "nghiệp vụ chuyên môn" của HS ViVi. Rất thâm độc! Dùng âm thanh và sắc tướng để tấn công và chinh phục cảm xúc con người là một nghệ thuật, rất hiệu quả. Nhưng ở đây rõ là HS ViVi đã quá đen đúa trong tư duy, trong sáng tác nghệ thuật và ý đồ. Nghệ thuật là sự cao cả và chân thật. Than ôi, còn đâu là nghệ thuật của HS ViVi!!!
(VĂN KHƯƠNG)
Tôi hoàn toàn đồng ý với tác giả MT khi phê bình thể loai nghệ thuật hội họa của họa sĩ ViVi "Từ một điểm nhìn nào đó của riêng ông (ViVi)nhưng gài công chúng nghệ thuật với nhãn quan tôn giáo phiến diện như vậy không phải là nghệ thuật".
Từ bấy lâu nay Thiên Chúa Giáo La Mã tại VN luôn luôn muốn đánh lận con đen trong các ngôn ngữ khi giảng đạo bằng cách "Copy hay Steal" các ngôn từ đặc biệt của giáo lý PG như trong tang lễ,suy luận tâm lý theo Duy Thuc PG,lập các lớp Thiền..v..v nhưng nói đi quanh quẩn rồi cũng trở lại do "Ý Chúa" hết.
Chúng ta cần lưu ý cách tuyên truyền của TCG.Vì làm sao có "Tâm linh" trong họa sĩ ViVi khi mà chính Tòa Thánh Vatican chưa nói xong chuyện với cùng đạo độc thần như Chính Thống Giáo,Tin Lành(Mặc Môn,Luther,Baptist...).
Chúng ta người PT luôn tỉnh thức trong trí tuệ trước làn sóng đi cải đạo của TCG&TL qua ngôn từ họ xử dụng trong các lãnh vực nay lại có Hội họa nhu MT đã nêu chính xác. (TOI MAI)

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2011

Clip Toàn bộ chuyến đi Bắc của Má Hai và Mèo Ú

Ngày thứ 1 (Thứ Bảy 23-07-2011): Đáp máy bay tới Hà Nội và Giao lưu với bệnh nhân chạy thận  vào buổi chiều





Ngày thứ 2 (Chủ Nhật 24-07-2011): Cùng các bệnh nhân đi chùa cổ Dư Hàng ở Hải Phòng 





Ngày thứ 2 (Chủ Nhật 24-07-2011): Làm lễ quy y với Thầy Lệ Hưng (Thích Vân Phong) cho các bệnh nhân ở Đồ Sơn





Ngày 3 (Thứ Hai 25-07-2011): Giao lưu với người dân quanh Côn Long Tự





Ngày 4 (Thứ Ba 26-07-2011): Đoàn Côn Long Tự đi chùa Bái Đính




Ngày 4 (Thứ Ba 26-07-2011): Tranh thủ đi thăm bà con ở Nam Định





Ngày 4 (Thứ Ba 26-07-2011): Giao lưu thương binh Côn Long Tự

Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011


Gương hiếu hạnh của Tôn giả Xá Lợi Phất
07/08/2011 23:50Quảng Tánh
Nói đến hiếu hạnh, chúng ta thường nghĩ đến Tôn giả Mục Kiền Liên với hạnh nguyện cứu mẹ thoát khỏi địa ngục, duyên khởi cho thắng hội Vu lan. Tuy nhiên, bên cạnh ánh dương hiếu hạnh của Tôn giả Mục Kiền Liên, trong hàng đại đệ tử Phật còn có nhiều tấm gương hiếu đạo sáng ngời khác, tiêu biểu nhất là Tôn giả Xá Lợi Phất, bậc trí tuệ và hiếu thảo vẹn toàn.
Tôn giả Xá Lợi Phất xuất thân từ giai cấp Bà la môn, nổi tiếng thông tuệ từ khi còn thơ ấu. Ngài là niềm tự hào, là hy vọng của gia đình, dòng tộc và nhất là mẹ ngài, bà Xá Lợi, vốn thông minh và có biệt tài hùng biện hằng mong con trai của mình sẽ trở thành một đại luận sư lỗi lạc bậc nhất đương thời. Ấy thế mà lớn lên, Xá Lợi Phất lại rủ bỏ tất cả để đi theo Sa môn Cù Đàm, trở thành trợ thủ đắc lực của Thế Tôn, lại dùng tài trí của mình quy thuận rất nhiều Bà la môn theo Phật giáo. Mặc dù rất thương và tôn trọng quyết định của con nhưng sự kiện Xá Lợi Phất xuất gia đầu Phật đã khiến bà Xá Lợi thất vọng, đau buồn và không hề có thiện cảm với Tăng đoàn.

Khi xuất gia chứng quả A la hán rồi, Tôn giả Xá Lợi Phất biết rất rõ điều ấy, Ngài muốn trở về để thức tỉnh và chuyển hóa mẹ lắm, nhưng vì nhân duyên chưa chín muồi nên đành phải chờ, chờ mãi cho đến khi ngài sắp Niết bàn và mẹ ngài, bà Xá Lợi lúc ấy đã gần 100 tuổi. Khi được tin Xá Lợi Phẩt cùng tùy tùng hơn 500 vị Tỳ kheo sắp trở về nhà, bà Xá Lợi vẫn hờ hững. Dù bấy giờ danh tiếng và oai đức của Xá Lợi Phất đã lẫy lừng khắp thiên hạ nhưng trong lòng bà thì Xá Lợi Phất luôn bé nhỏ và ngay cả Thế Tôn cũng bình thường không thể sánh với đấng Phạm Thiên vĩ đại mà bấy lâu bà vẫn tôn thờ.

Cuộc trùng phùng của tình mẫu tử sau hơn mấy mươi năm xa cách chưa được bao lâu thì Tôn giả Xá Lợi Phất ngã bệnh. Ngài đau thật hay thị hiện thì ta không thể biết nhưng bà Xá Lợi thì tỏ ra rất lo lắng, bồn chồn. Có bà mẹ nào mà không khỏi lo lắng cho con. Đêm ấy bà thao thức mãi, không thể nào chợp mắt được. Bà Xá Lợi lò dò đến thăm con thì bỗng lóa mắt như lạc vào thế giới của thiên thần. Trong căn phòng của Tôn giả Xá Lợi Phất ngập tràn ánh sáng với vô số chư thiên hào quang rực rỡ vây quanh. Không chỉ một mà nhiều phái đoàn chư thiên đến thăm Tôn giả Xá Lợi Phất làm cho bà Xá Lợi ngạc nhiên và mừng rỡ vô cùng. Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời bà được chứng kiến cảnh huy hoàng, tráng lệ ấy.

Khi vị trời có hào quang và dung sắc sáng chói nhất cùng tùy tùng ra đi, bà Xá Lợi liền xin phép thị giả Thuần Đà vào thăm Tôn giả Xá Lợi Phất. Bà ta ngạc nhiên đến cùng cực khi biết các phái đoàn thiên thần đến thăm con bà lần lượt là Tứ Đại Thiên Vương, Đế Thích và cả Đại Phạm Thiên, đấng toàn năng mà bà hằng quy kính, tôn thờ. Một thoáng suy tư, bà Xá Lợi nghĩ rằng nếu con của ta mà có oai lực lớn đến trời người đều cung kính như vậy thì Đấng Thế Tôn oai lực vĩ đại đến dường nào. Nghĩ đến đây, bà Xá Lợi cảm nhận một niềm hỷ lạc tràn ngập châu thân, tinh thần thư thái vô cùng, niềm tịnh tín Đức Thế Tôn trong bà bừng phát. Nhân đó, Tôn giả Xá Lợi Phất tuần tự giải thích và xưng tán công đức siêu tuyệt của Thế Tôn qua các phương diện giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến. Thật diệu kỳ, khi pháp thoại vừa chấm dứt thì bà Xá Lợi thành tựu Pháp nhãn thanh tịnh, tin tưởng bất động vào Thế Tôn, chứng đắc sơ quả Tu đà hoàn.

Thế là Tôn giả Xá Lợi Phất đã làm tròn bổn phận hiếu đạo của người xuất gia. Tuy không sớm thăm tối viếng, cung phụng ngon ngọt… nhưng đã giúp mẹ thoát được lưới mê, bước vào dòng Thánh, phúc lạc muôn đời.

Không chỉ hóa độ người mẹ trong hiện tại, đối với các bậc sanh thành trong quá khứ, Tôn giả Xá Lợi Phất cũng viên thành hiếu đạo. Ngạ quỷ sự (Tiểu Bộ kinh) kể rằng: Lúc Thế Tôn ở tại Trúc Lâm, bấy giờ các Tôn giả Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên… đang trú tại một nơi trong khu rừng không xa thành Vương Xá.

Trong đời quá khứ có một phú gia ở thành Ba La Nại thường phát âm cúng dường rộng lớn đến các Sa môn, Bà la môn và bố thí rộng rãi cho những người nghèo khó. Rồi một hôm, phú gia bận đi làm ăn xa, trước khi đi dặn dò vợ chu toàn công việc bố thí cúng dường. Ông đi rồi, người vợ không những chểnh mảng trách nhiệm cúng dường được chồng giao phó mà còn biểu lộ thái độ khinh khi sỉ nhục những người nghèo khổ. Vì tham lam bỏn sẻn, tạo ác nghiệp nặng nề nên khi từ trần bà tái sanh làm ngạ quỷ chịu nhiều khốn khổ. Nhớ lại những công đức lành mà bà đã làm trong quá khứ, bà mong muốn được gặp Tôn giả Xá Lợi Phất liền tìm đến thành Vương Xá.

Khi đến gần tịnh thất của Tôn giả Xá Lợi Phất, nữ quỷ bị các hộ pháp thiện thần chặn lại, không cho vào. Nữ quỷ nói rằng trong năm kiếp về trước ta là mẹ của Tôn giả Xá Lợi Phất, hãy cho phép ta vào thăm ngài. Khi thấy nữ quỷ, ngài Xá Lợi Phất liền hỏi: Vì sao hình dung người tiều tụy, còn da bọc xương, khổ não đến thế này? Nữ quỷ thưa rằng: Trong năm kiếp về trước tôi đã từng làm mẹ của Tôn giả. Nhưng vì các ác nghiệp đã gây tạo nên giờ đây bị đọa vào cảnh khổ, không nhà cửa, không có đủ đồ ăn thức uống, luôn bị đói khát hành hạ… Xin Tôn giả rũ lòng thương, vì tôi mà phát tâm bố thí, cúng dường để thoát khỏi cảnh khổ ngạ quỷ.
Ngày hôm sau, Tôn giả Xá Lợi Phất cùng các Tỷ kheo đến gặp vua Tần Bà Sa La trình bày sự việc, nhờ trợ duyên và được đức vua chấp thuận. Khi lễ vật chuẩn bị xong, Tôn giả Xá Lợi Phất thành tâm dâng cúng lên Đức Phật và chư Tăng khắp mười phương rồi hồi hướng công đức cho nữ quỷ.

Nhờ phước báo ấy mà nữ quỷ, mẹ Tôn giả Xá Lợi Phất trong quá khứ được thoát kiếp ngạ quỷ, sanh lên cõi trời. Và vị thiên nữ với dung sắc thù thắng, xiêm y rực rỡ đã xuống trần gặp Tôn giả Mục Kiền Liên, nói rõ nhân duyên thoát khỏi cảnh khổ đồng thời bày tỏ niềm tri ân vô hạn đến Tôn giả Xá Lợi Phất.

Nhờ sự nỗ lực tu học của mình, Tôn giả Xá Lợi Phất đã hóa độ cha mẹ trong hiện tiền cũng như cứu thoát các bậc cha mẹ trong quá khứ, vượt ra khỏi cảnh khổ. Và đó là tấm gương sáng để cho hàng hậu thế chúng ta học tập, noi theo.

Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2011

THẢO CẬN QUÁ XUI XẺO

THẢO CẬN QUÁ XUI XẺO

Thảo cận vừa bị mất túi xách, mất toàn bộ giấy chứng minh nhân dân, bằng lái xe, biên lai học phí trường ngoại ngữ, thẻ ATM, và số tiền mặt hơn 1.500.000đ trong đó có phần lớn là tiền của người bạn gởi đóng học phí dùm. Bạn Thảo hoàn cảnh rất khó khăn nhưng tự nỗ lực học và làm thêm, dạy thêm, ai cũng thương mến.

Cô Kim đề nghị Funny Home chúng ta góp tay chia sẻ với bạn Thảo, thể hiện tình gia đình, tình huynh đệ đáng quý. Mỗi bạn chung tay một chút, thì Thảo đỡ vất vả trong những ngày sắp tới. Danh sách ủng hộ hiện nay là:

Số TT
TÊN BẠN
SỐ TIỀN
TỔNG CỘNG
1
Cô Kim
700.000đ

2
Rani
50.000đ

3
Nương
50.000đ
800.000đ
4
Trúc
20.000đ

5
Hiền
50.000đ
870.000đ
6
Thọ
20.000đ

7
anh Tín
200.000đ
1.090.000đ