Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012

Nhếch nhác trước giờ khai hội đền Hùng




Nhếch nhác trước giờ khai hội đền Hùng
Thứ Bảy, 31/03/2012, 04:50 (GMT+7)
TT - Lễ hội đền Hùng 2012 chính thức khai hội vào ngày 31-3 (tức 10-3 âm lịch) và được kỳ vọng là một lễ hội “sạch”, nhằm quảng bá cho lễ hội trước “kỳ thi” di sản (từ việc “trình diễn” lễ hội lần này.
Phú Thọ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ khoa học Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại).
Tuy nhiên, trước giờ khai hội đã có nhiều hình ảnh không đẹp.
Dịch vụ cho thuê chiếu la liệt trong khuôn viên đền Hùng tạo lên hình ảnh phản cảm - Ảnh: Tiến Thắng 

Tiền lẻ xả đầy giếng cổ trong khuôn viên đền Hùng - Ảnh: Tiến Thắng


Vừa hát quan họ vừa uốn éo, đùa cợt, xin tiền trên... đùi du khách tại lễ hội đền Hùng 2012 - Ảnh: Tiến Thắng

Ngay cổng hội, du khách đã bị “tra tấn” bởi la liệt hàng quán trong khuôn viên đền với đủ các loại loa to nhỏ được bật hết công suất để quảng cáo sản phẩm.
Ở một góc khác, hàng trăm chiếc chiếu do người dân kinh doanh cho khách có nhu cầu thuê để ngồi, nằm... tạo nên hình ảnh mất mỹ quan.
Tại khu giếng cổ thì tràn ngập tiền lẻ do người dân vứt xuống, rác thải xả la liệt trên sân, vạt cỏ.
Tình trạng bán thịt thú rừng, trò chơi đỏ đen có thưởng... diễn ra ngang nhiên nhưng không hề có lực lượng chức năng đứng ra nhắc nhở.
Chưa hết, hàng loạt dịch vụ “ăn theo” còn diễn ra công khai nhằm moi tiền du khách như trò giải trí của một gánh hát mang danh dân ca quan họ Bắc Ninh nhưng lại kết hợp với nhảy nhạc sàn, uốn éo, đùa cợt trên... đùi du khách.
Chứng kiến những hình ảnh trước giờ khai hội, chị Đào Thị Hạnh, 48 tuổi, quê ở Nam Định, bức xúc: “Những tưởng ngày hội trọng đại của cả nước sẽ tạo không khí phấn khởi, linh thiêng, vậy mà vừa đặt chân đến đây tôi đã quá mệt mỏi bởi những âm thanh hỗn tạp tra tấn”.
TIẾN THẮNG (Tuổi Trẻ)


Người trẻ luôn có ngôn ngữ mới

Người trẻ luôn có ngôn ngữ mới
30/03/2012 9:30
Tối 29-3, hội trường 500 chỗ của Trung tâm ngôn ngữ và văn hóa Pháp L’espace - nơi diễn ra tọa đàm “Ngôn ngữ giới trẻ thời @ qua tranh của họa sĩ Thành Phong” (Nhã Nam tổ chức) đã không còn chỗ trống.
Người tham dự - 90% là trẻ (sinh viên) và rất trẻ (học sinh) đã đến từ rất sớm để xem triển lãm các bức tranh được phóng lớn của cuốn Sát thủ đầu mưng mủ - thành ngữ mới bằng tranh và tham gia cuộc tọa đàm với tư cách vừa là người nghe, người đặt câu hỏi tranh luận rất thoải mái với các diễn giả: PGS Văn Như Cương, nhà ngôn ngữ Phạm Văn Tình, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên và họa sĩ Thành Phong.
Từ vựng luôn đi sát đời sống
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đặt vấn đề: Giới trẻ đương đại nói chuyện với nhau như thế nào? Các yếu tố xã hội nào tác động nhiều nhất đến họ? Ngôn ngữ hiện đại và nhóm ngôn ngữ “sành điệu” có góp phần làm giàu tiếng Việt khi ngôn ngữ chính thống đang bị báo động là nghèo nàn, sáo mòn...?
Và ông lý giải một trong những nguyên nhân khiến nhóm ngôn ngữ “sành điệu” nhanh chóng được hòa vào dòng chảy ngôn ngữ xã hội: “Ngôn ngữ tiếng Việt chú trọng vần, người Việt thích nói có vần có điệu cho dễ nhớ. Bác Hồ là bậc thầy trong việc sử dụng những câu ghép có vần để truyền bá các ý tưởng của mình, phê phán các cán bộ giáo điều, Bác nói: “Công văn đầy túi áo, thông cáo đầy túi quần”. Những thành ngữ mới kiểu “nhỏ như con thỏ”, “phê như con tê tê”, “nhục như con trùng trục” được tiếp nhận vui vẻ chính bởi tâm lý thích và quen dùng câu có vần.
Nhà ngôn ngữ Phạm Văn Tình lưu ý một hiện tượng ngôn ngữ phổ biến: nhiều thứ không có nghĩa nhưng ngộ nghĩnh và điểm nhịp cho một cái gì đó cũng được lưu truyền một cách thích thú, như “thả đỉa ba ba - chớ bắt đàn bà”. PGS Văn Như Cương nhấn mạnh thêm: “Tiếng lóng thậm chí biến thành thương hiệu: kẹo Cu Đơ”. Vị giáo sư khả kính còn có độ mở và độ trẻ trung bất ngờ khi ông nhận xét cuốn Sát thủ đầu mưng mủ “có những câu rất thích khi chuyển từ thành ngữ cũ sang mới, ví dụ như “cái khó ló cái ngu”.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên chia sẻ thêm: “Từ vựng luôn đi sát đời sống, có sự vật mới, có từ vựng mới. Câu đối: “Năm mèo, bấm chuột, gửi meo cho mèo” rõ ràng chỉ có thể xuất hiện trong thời đại @. Người trẻ luôn có ngôn ngữ mới, tìm cách thể hiện mình bằng ngôn ngữ, “hơi bị” là một ví dụ về ngôn ngữ trẻ đi vào thơ ca và được thừa nhận: giọt rơi hơi bị trong veo/ mắt đưa hơi bị vòng vèo lôi thôi/ tâm tư hơi bị rối bời/ em hơi bị đẹp anh hơi bị nhàu (Nguyễn Duy).
Bảo vệ tiếng Việt bằng ý thức của mỗi người
Một vấn đề lớn khác mà các diễn giả và sinh viên đặt ra là liệu ngôn ngữ @ có làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt? Nhưng trong sáng không có nghĩa là không mở rộng, không tiếp thu cái mới, cái bên ngoài.
Các bạn trẻ có mặt trong cuộc tọa đàm gần như tranh nhau bày tỏ chính kiến và nêu các câu hỏi của mình. Minh - sinh viên thủy lợi - băn khoăn: Thế nào là không trong sáng? Liệu có ảnh hưởng đến sự cảm thụ ngôn ngữ truyền thống hay không? Một sinh viên bách khoa cũng phản bác: “Các thầy nhìn ngôn ngữ giới trẻ tích cực quá, nhiều khi chúng em - bản thân em dùng không với ý nghĩa tích cực: “Gia đình là phù du - suzu là tất cả”.
Một bạn khác lại cho rằng: “Ngôn ngữ của mình, mình sử dụng như thế nào là do con người. “ấy” - một từ duy nhất có thể vừa là danh, động, tính từ, có thể suy diễn bậy bạ cũng có thể rất bình thường, vui nhộn”. Một sinh viên khác không ngại ngần chỉ trích: “Không chỉ giới trẻ, người lớn cũng dùng sai tiếng Việt, Joe trong cuốn sách Ngược chiều vun vút đã đả kích thói sính ngoại của người Việt, điều đó còn tệ hơn là giới trẻ đang sáng tạo tiếng Việt trên chính nền tảng ngôn ngữ dân tộc của mình”.
Có quá nhiều ý kiến đưa ra chưa được tranh luận, vấn đề vẫn được để ngỏ vì chủ đề quá rộng và luồng ý kiến khác nhau rất nhiều, nhưng các bạn trẻ tạm bằng lòng ra về với phát biểu nồng nhiệt mang tính tự vấn của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: “Không có gì bảo vệ tiếng Việt trong sáng bằng ý thức của mỗi người, hãy đọc anh chàng Joe viết tiếng Việt và xấu hổ. Chúng ta chăm sóc từ ngữ khi viết bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, thiếu chữ “s” thì xuýt xoa, xấu hổ, nhưng tiếng Việt thì buông tuồng. Trước một từ nước ngoài hãy suy nghĩ xem có thể dùng từ tiếng Việt thay thế được không?”.
Một câu hỏi đáng nhớ cho tiếng Việt của thời hội nhập...
Không tung hô nhưng hãy xem xét ôn hòa
Nhà ngôn ngữ Phạm Văn Tình cho biết: “Từ điển từ mới của Viện Ngôn ngữ mới xuất bản gần đây có khoảng 3.000 từ, xuất hiện trong mười năm đổi mới 1990-2000, chỉ riêng trong lĩnh vực giao tiếp xã hội có: con chip, cơm bụi cơm tù, xe dù, năm ăn năm thua, tinh vi - vi tính, căm pu chia (chia nhau trả tiền), lỗ tấn (thua lỗ), hồng lâu mộng (mơ mộng)... Ngôn ngữ liên tục xuất hiện và liên tục đào thải, bản thân tôi từng xuất hiện tâm lý muốn loại bỏ những hiện tượng này nhưng bình tĩnh lại cái gì xuất hiện và tồn tại, được xã hội chấp nhận đều có lý, áp lực của thói quen trong sử dụng ngôn ngữ vô cùng lớn. Không tung hô nhưng hãy xem xét ôn hòa - chấp nhận biên độ mở rộng nhất định của tiếng Việt để tạo ra sự phong phú. Lỗ Tấn nói: “Đầu tiên chưa có đường, người ta đi mãi mà thành đường”, ngôn ngữ cũng vậy”. 
Theo Tuổi Trẻ

Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

Dân nhà đất đi bán phở, bán bia

Thứ Ba, 27/03/2012, 08:45 (GMT+7)
Hàng loạt doanh nghiệp co cụm, phá sản - Kỳ 2:
Dân nhà đất đi bán phở, bán bia
TT - Từng mọc lên như nấm sau mưa ở giai đoạn thị trường bất động sản (BĐS) ăn nên làm ra, nhiều công ty môi giới BĐS hiện chuyển sang bán... phở, chăn nệm, nước giải khát...
>> Kỳ 1:  Nợ dây chuyền
Một số công ty xây dựng, đầu tư BĐS cũng đối diện với nguy cơ “chết trên đống tài sản” do khoản nợ quá lớn.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hàng loạt công ty hiện vẫn còn giữ lại cái tên nhưng thực chất đã "chết lâm sàng" hoặc chuyển đổi ngành nghề.
Bán phở kiếm sống
"Thanh khoản kém, sản phẩm BĐS không tiêu thụ được, tài sản của các doanh nghiệp bị bốc hơi, ăn mòn dần. Có thể nói hàng loạt doanh nghiệp BĐS, đặc biệt là các chủ đầu tư, hiện đang đối diện với nguy cơ phá sản do không bán được hàng, không có khả năng trả lãi vay chứ chưa nói đến nợ gốc ngân hàng"
Ông LÊ HOÀNG CHÂU (chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM)
Hơn 8g sáng 26-3, sàn giao dịch BÐS Ng.Phi Hùng (tại 470 Nguyễn Thị Thập, P. Tân Quy, Q.7, TP.HCM) dù đã mở cửa nhưng chưa thấy mặt nhân viên nào. Mặt trước của công ty là một tiệm phở với bàn ghế bày biện la liệt. Ðây là sàn BÐS từng nhận được nhiều sự quan tâm không chỉ của giới BÐS mà rất nhiều người khác, do được ca sĩ Nguyễn Phi Hùng đứng tên và đưa vào hoạt động giữa năm 2009.
Gần 9g, các nhân viên của sàn BÐS Ng.Phi Hùng mới có mặt để... bán phở. Anh Trần Ðình C., một nhân viên kinh doanh của sàn BÐS này, cho biết hiện sàn chỉ còn năm nhân viên. Do buôn bán ế ẩm nên họ đã hùn nhau mở quán phở để kiếm thêm. Khi chúng tôi đề cập mục tiêu mà sàn từng đặt ra là "trở thành nhà thầu xây dựng, kinh doanh nhà và môi giới uy tín hàng đầu VN", một nhân viên của sàn này cho biết hiện nay ngay cả việc kiếm được mấy đồng môi giới cũng "đỏ con mắt", nói chi đến chuyện phát triển.
Tại góc đường Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh (Q.7), nơi Công ty địa ốc Gia Phúc từng đặt đại bản doanh, nay là địa điểm bán chăn - drap - gối - nệm. Chị T. - giám đốc Công ty Gia Phúc - cho biết do hoạt động kinh doanh gặp khó khăn, công ty đã ngưng hoạt động. Mặt bằng công ty được gia đình trưng dụng làm cửa hàng bán các mặt hàng chăn nệm.
Khu đường Trần Não, Lương Ðịnh Của (Q.2), từng là một "chợ" BÐS sôi động với hàng loạt sàn BÐS san sát nhau, nay cũng vắng ngắt. Hàng loạt công ty địa ốc, sàn BÐS đóng cửa hoặc chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác. Như doanh nghiệp Tường Nghĩa (29/7 Trần Não) đã chuyển sang làm đại lý phân phối... bia, nước giải khát. Trao đổi với chúng tôi, chị N., nhân viên doanh nghiệp này, cho biết hiện doanh nghiệp đã chuyển sang kinh doanh mặt hàng chính là bán bia, còn bán đất chỉ là phụ. Ai có nhu cầu về nhà đất thì giới thiệu kiếm tiền "cò" chứ không chuyên về nhà đất nữa, chủ yếu là bia với nước ngọt.
Theo tâm sự của chị N., công ty đã hoạt động mười mấy năm, thời hoàng kim năm 2007 có đến hàng trăm nhân viên. Nhưng nay đã cho nghỉ hết. "Tính riêng trên đường Trần Não có đến 98% các công ty, văn phòng môi giới BÐS đóng cửa do ế ẩm. Những công ty còn tồn tại hiện nay phần lớn là mặt bằng của chính họ, không phải mất chi phí mặt bằng. Tuy nhiên, những công ty này cũng kinh doanh thêm các ngành khác để sống qua ngày" - chị N. cho hay.
Chết trẻ và sống mòn...
Ðầu tháng 3-2012, khi tham dự buổi giới thiệu về một dự án tại Q.Tân Phú, chúng tôi khá bất ngờ gặp lại anh T., người từng là ông chủ của sàn BÐS Tín Thành (Q.7), đang đầu quân cho một công ty BÐS khác.
Tránh nói nhiều về công ty cũ, anh T. cho biết sau hai năm thành lập, công ty gặp khó khăn nên đã đóng cửa vào đầu năm nay. "Tôi về đầu quân cho công ty này cũng là chỗ anh em quen biết. Dù sao mình vẫn còn theo BÐS, làm đúng nghề yêu thích. Chứ nhiều chủ sàn khác thậm chí đã chuyển nghề..." - anh T. nói.
Anh L., chủ sàn HL từng nổi đình nổi đám trong hoạt động môi giới các dự án đất nền tại Ðồng Nai vào năm 2010, cũng đóng cửa sàn, về đầu quân cho một công ty BÐS tại Q.2. Tuy nhiên, cuối năm 2011, anh L. đã khăn gói ra đi do tình hình thị trường BÐS ảm đạm, công ty mới này cũng gặp khó khăn.
Tương tự, sau khi đóng cửa sàn BÐS PQ (Q.8), chị L. gõ cửa một số sàn BÐS, nhưng hồ sơ mang đến lại mang về. Tại một "chợ" địa ốc khác trên đường Cao Thắng nối dài (Q.10), hàng chục công ty BÐS mọc lên vào năm 2007 đến nay cũng đóng cửa gần hết. Danh sách các công ty BÐS "chết trẻ" có thể kể hàng loạt như Cổng địa ốc Sài Gòn, BÐS Cộng Sự, BÐS Ðất Giàu, BÐS Ðất Giàu Sài Gòn...
"Những công ty BÐS chuyên môi giới khác dù đang cố gắng trụ lại nhưng cũng rất chật vật do thị trường hầu như không có thanh khoản..." - anh Tạ Quang Vũ, chủ tịch HÐQT Công ty BÐS Ðất Ngọc, nói. Bản thân Công ty Ðất Ngọc từng một thời nổi đình nổi đám trong lĩnh vực môi giới tại thị trường BÐS TP.HCM và các tỉnh lân cận với hàng loạt chi nhánh được thành lập. Tuy nhiên, từ cuối năm 2010 đến nay, công ty này lần lượt đóng cửa các chi nhánh, chỉ giữ lại trụ sở chính tại Q.2 để cầm cự qua giai đoạn khó khăn.
Theo ông Lê Hồng Phúc - chủ tịch HÐQT Công ty BÐS Nhà Việt, mặc dù giá căn hộ và đất nền tại nhiều khu vực trên địa bàn TP.HCM xuống mức thấp, chưa kể được người bán thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ hấp dẫn khác nhưng cũng không tiêu thụ được.
Ông Phúc khẳng định nhu cầu của người dân vẫn rất lớn, nhiều người vẫn quan tâm tìm hiểu thị trường, nhưng với lãi suất quá cao hiện nay, nhiều khách hàng sau khi tìm hiểu và tiếp cận ngân hàng đã một đi không trở lại. Trong khi đó, việc duy trì một sàn BÐS tốn rất nhiều chi phí, trong đó riêng các chi phí cố định như tiền thuê mặt bằng, điện thoại, lương cứng cho nhân viên... lên tới 50-70 triệu đồng/tháng.
"Không bán được hàng, không có doanh thu, các công ty môi giới BÐS buộc phải đóng cửa sàn, thu hẹp hoạt động nếu không muốn bị thâm vào vốn..." - ông Phúc nói.
Nguy cơ chết trên đống tài sản
Không chỉ các công ty môi giới, hàng loạt "đại gia" BÐS cũng đang chật vật xoay xở trước những khó khăn của thị trường BÐS, đặc biệt là đống nợ vay hàng trăm tỉ đồng với lãi suất cao. Trong quý 4-2011, theo báo cáo tài chính hợp nhất, dù lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp có lãi gần 6,7 tỉ đồng, nhưng Công ty CP Phát Ðạt (PDR) cho biết lợi nhuận được ghi nhận từ hoạt động chuyển nhượng phần vốn góp công ty con là Công ty CP khu du lịch và khách sạn Phát Ðạt Quảng Ngãi.
Trước đó quý 3-2011, công ty này chỉ đạt doanh thu hơn 1 tỉ đồng, chủ yếu từ tiền... giữ xe và cho thuê nhà. Trong khi đó, riêng khoản vay dài hạn ngân hàng (tính đến 31-12-2011) lên tới hơn 584 tỉ đồng, với lãi suất bình quân hơn 20%/năm, công ty này phải oằn lưng trả lãi hàng trăm tỉ đồng mỗi năm.
Tương tự, theo giải trình nguyên nhân lỗ 104 tỉ đồng vào quý 4-2011, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCG) cho biết là do chi phí lãi vay quá cao. Cụ thể, so với cùng kỳ, chi phí lãi vay của doanh nghiệp này đã tăng hơn 100 tỉ đồng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4-2011, công ty này cho biết chi phí lãi vay năm 2011 lên tới gần 160 tỉ đồng, tăng hơn 5 lần so với năm 2010. Với tổng các khoản vay lên tới hơn 1.500 tỉ đồng, trong đó vay ngắn hạn gần 405 tỉ đồng, chỉ riêng việc xoay xở tiền để trả lãi cho các khoản vay này cũng là một thách thức khá lớn với doanh nghiệp, khi thị trường BÐS vẫn đang gặp khó khăn, hàng tồn khá lớn.
Ðây không phải là những trường hợp cá biệt, hàng loạt ông lớn BÐS như Công ty CP Tập đoàn Ðại Dương (OGC), Công ty CP Ðầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Ðà (SJS)... cho biết kết quả kinh doanh thua lỗ trong quý 4-2011 chủ yếu do chi phí lãi vay tăng cao, trong khi thị trường BÐS trầm lắng, doanh thu từ mảng này giảm mạnh.
Dù thoát lỗ nhờ "lợi nhuận khác", nhưng Công ty CP Sông Ðà - Thăng Long (STL) cũng đang đối diện với nhiều khó khăn do khoản nợ vay lên tới hàng ngàn tỉ đồng, trong khi thị trường BÐS vẫn chưa có dấu hiệu gì sáng sủa hơn.
Ông Lê Hoàng Châu (chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM):
Thị trường đang tê liệt
Khó khăn lớn nhất của thị trường BÐS hiện nay là lãi suất ngân hàng quá cao, không chỉ đẩy hàng loạt doanh nghiệp BÐS vào tình cảnh khó khăn mà còn làm tê liệt thị trường này, thanh khoản rất kém. Do chi phí lãi vay được doanh nghiệp tính vào giá thành, đẩy giá BÐS lên cao, mà đối tượng lãnh đủ là người mua. Bản thân nhiều người có nhu cầu mua nhà để ở thật sự cũng không dám vay, nên không thể mua sản phẩm BÐS.
Tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp BÐS cũng có lỗi kéo doanh nghiệp mình vào tình trạng khó khăn hiện nay. Vào thời điểm thị trường BÐS ăn nên làm ra những năm 2006-2007, nhiều chủ đầu tư huy động vốn của khách hàng rồi đầu tư vào chỗ khác, thay vì tập trung cho dự án. Riêng các công ty môi giới, việc đóng cửa hàng loạt là điều không tránh khỏi, do nhiều người tham gia thị trường này với tâm lý "tay không bắt giặc".
Tóm lại, theo tôi, khó khăn hiện nay của thị trường BÐS có mặt tích cực của nó. Ðó là loại bỏ dần những nhà đầu tư thiếu năng lực, không chuyên nghiệp, chủ yếu chạy theo phong trào. Nhưng doanh nghiệp có năng lực tài chính, quản trị tốt lại có cơ hội. Tuy nhiên, nếu tình trạng khó khăn này kéo dài, không có giải pháp nào để vực dậy thị trường BÐS, cả nền kinh tế cũng gặp khó khăn. (Hải Ðăng ghi)
HẢI ĐĂNG - GIA HÂN (Tuổi Trẻ)
Cô Kim: Có thể đổ cho suy thoái kinh tế. Nhưng theo tôi, có một nguyên nhân sâu xa nữa mà không ai để ý. Đó là nhân quả từ việc các đơn vị này đổ xô đi gom đất, đầu cơ đất, chính họ đã đẩy giá nhà đất lên vùn vụt so với thị trường thật sự, khiến bao nhiêu người dân trung bình không có nổi cơ hội mua đất, mua nhà. Người dân làm công ăn lương, hoặc buôn bán nhỏ, chỉ biết nuốt nước mắt mà mơ một tổ ấm.
Thực sự giá đất không đến nỗi tăng cao đến vậy, chỉ vì bọn họ đầu cơ nên mới ra nông nỗi. Họ mua vài khu đất, vài ngôi nhà là đủ giàu rồi, nhưng lại bươn bả chạy đi vay thêm ngân hàng, vay hàng trăm tỉ đồng là thường, để mua cả chục, cả trăm lô đất, căn nhà. Nghĩa là họ đã sử dụng vượt quá cái “phước” trời cho. Khi nhân quả tới, cái gì cũng tuột dốc, trắng tay, lại lo âu bạc tóc.
Tôi đã từng bức xúc vì nạn này, từng ước mơ mình thành “đại gia” mua đất về chia lô bán thật rẻ cho bà con nghèo, đặc biệt giáo viên. Ước mơ vậy thôi, chứ làm sao thành đại gia. Nhưng mỗi lần bức xúc cái gì là ước mơ cái đó. Thấy người ta chặt chém hoa vào ngày Valentin và 8 tháng 3, tôi cũng ước mơ mua hoa thật nhiều về để bán “bình ổn”. Có lần đi coi bói cho vui, ông thầy nói tôi sẽ có 2 cái nhà, thật sự tôi không ham. Một cái đủ cho gia đình con cháu sum vầy là được rồi, miễn có bàn thờ Phật khang trang làm chỗ tu tập cho mình và nhiều người.
Đất hẹp, người đông, mỗi gia đình một miếng đất là đủ, để dành phần người khác. Có người kêu bán đất giá rẻ ở đâu đó, bảo mua dự trữ, tôi cũng không ham. Miếng nào thật sự cần mới mua ở, không ở tức là không cần, dự trữ làm gì. Con cái lớn lên, tự nó có phước phần của nó. Nếu có phước, tay trắng cũng làm nên. Nếu vô phước, có để lại mấy miếng cũng chẳng còn. Tài sản nằm ngay trong chính bản thân nó chứ chưa chắc nằm ngoài thân. Bôn ba lo cho đời mình đã bạc tóc, còn bôn ba lo cho đời sau, thời gian đâu để tu tập và làm phước thiện. Nếu biết lo cho con cháu, thì lo khuyên nó vừa nỗ lực học tập, làm việc, vừa nỗ lực tu, làm lành lánh dữ.
Thấy nhiều người tài sản thì có đó, nhưng nợ nần và vất vả còn hơn kẻ bình dân. Rốt cuộc thì người ta đang đốt cháy từng ngày sống an lạc để cho một ngày tương lai chưa tới. Có một miếng đất tâm nhưng không ai chịu đầu tư. 

Đồ gỗ, mỹ nghệ... thoi thóp

Hàng loạt doanh nghiệp co cụm, phá sản - Kỳ 3:
Đồ gỗ, mỹ nghệ... thoi thóp
TT - Doanh nghiệp (DN) phải bán tháo máy móc, thậm chí phải vay với lãi suất “khủng” 10%/tháng để duy trì hoạt động sản xuất..., đó là thực trạng của rất nhiều đơn vị sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ...
>> Kỳ 1:  Nợ dây chuyền
>> Kỳ 2: Dân nhà đất đi bán phở, bán bia
Hoạt động sản xuất của DN bị đình đốn đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người lao động, nhiều công nhân không có việc làm.
Công nhân xưởng gỗ đi... bán cá
Anh Nguyễn Văn Thiện, công nhân một xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tại Q.12 (TP.HCM), đã hơn một tháng qua không đến xưởng gỗ do không còn việc. Cách đây gần một năm, mỗi tháng anh nhận gần 6 triệu đồng tiền lương và tăng ca nhưng đến nay con số ấy teo tóp còn... hơn 2 triệu đồng. Tiền lương không đủ trang trải, hai vợ chồng anh cùng con nhỏ đành phải dọn ra ở trong căn nhà trọ hơn 10m2 để tiết kiệm chi phí.
Anh nói: “Giờ tôi ở nhà trông con vì không còn tiền gửi cháu vào trường mầm non nữa. Tiền sữa, tiền thuê nhà, đủ thứ tiền. Vợ tôi đang học kế toán cũng phải nghỉ nửa chừng quay lại làm công nhân may kiếm sống”.
Anh Thiện cho biết xưởng gỗ nơi anh làm việc gần như đã “đắp chiếu” vì chủ xưởng không còn vốn kinh doanh, lương công nhân từ cuối năm ngoái vẫn nợ nên gần 100 công nhân đã bỏ xưởng tìm việc khác.
Dạo quanh một khu nhà trọ công nhân xưởng gỗ TP tại KP.5, P.Trung Mỹ Tây, Q.12, mới 7g tối nhưng cả chục dãy phòng vẫn tối om, cửa đóng im ỉm. Chị Lương Thị Minh là người hiếm hoi còn thuê trọ tại đây cho biết: công nhân ở đây đã bỏ việc hết rồi, người về quê, người ra chợ bán rau, bán cá. Ngay bản thân chị cũng làm việc tại xưởng, nhưng chủ nợ lương đã mấy tháng đành nghỉ tìm việc khác kiếm sống.
“Giá phòng trọ mới tăng thêm 200.000 đồng, chưa kể giá nhiều mặt hàng khác cũng tăng, không có lương, không có việc làm sao mà sống?”, chị Minh bức xúc.
Vay lãi 10%/tháng để sản xuất
Từ đầu tháng 3 đến nay HTX mành trúc xuất khẩu Bình Minh (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) chỉ xuất khẩu cầm chừng vì “chẳng còn đồng vốn nào mà làm” - ông Nguyễn Văn Nguyên, chủ nhiệm HTX, bức xúc. Ông Nguyên cho biết hầu hết ngân hàng đều từ chối cho HTX vay vì lý do không có tài sản thế chấp. Trước đây khi HTX gặp khó có thể đến “gõ cửa” tiền quỹ của liên minh HTX, nhưng mới đây chính liên minh cũng từ chối cho HTX vay với lý do tương tự.
Nguồn vốn không tiếp cận được, trong khi chi phí sản xuất tăng, giá nguyên vật liệu, nhân công, thuê nhà xưởng đều tăng gấp đôi buộc ông Nguyên phải đi vay mượn tiền từ bạn bè, người thân quen với lãi suất có khi đến 10%/tháng để sản xuất cầm chừng. “Đơn hàng không thiếu nhưng vốn không có làm sao dám nhận” - ông Nguyên phân trần. Ông khẳng định trong vài tháng tới nếu tình hình căng thẳng không giảm bớt, chắc chắn HTX buộc phải giải thể vì thiếu vốn.
Tại xưởng sản xuất guốc mộc xuất khẩu Hùng Thái (Bình Dương) rộng trên 2.000m2 thuộc làng nghề sản xuất guốc Bình Nhâm, Bình Dương, hiện cũng cắt giảm từ 200 lao động xuống còn 50 người. Không khí tấp nập vận chuyển gỗ, khoan cắt, đục đẽo... như thường lệ không còn được như trước.
Ông Thái Văn Anh Hùng, giám đốc công ty, cho biết tình hình kinh tế có vẻ căng thẳng nên DN đã hạn chế mua gỗ nguyên liệu, nhưng không ngờ tình hình đơn hàng năm nay lại kém đến vậy. “Thông thường đến thời điểm này, chúng tôi đã có đơn hàng làm guốc mộc xuất qua châu Âu, Nhật đến hết quý 2 nhưng hiện nay chưa thấy động thái đặt hàng của đối tác. Năm nay, lượng hàng chỉ được khoảng 300.000 đôi thay vì 600.000 đôi như mọi năm” - ông Hùng cho hay.
Bán tháo máy móc
Chủ một DN sản xuất gỗ tại Bình Dương mới đây đã “vui mừng” thông báo khi bán được toàn bộ máy móc, nhà xưởng với giá... lỗ một nửa. Năm 2008, hơn chục tỉ đồng được DN này đổ vào để trang bị máy móc, mở rộng nhà xưởng sản xuất gỗ xuất khẩu.
“Đơn đặt hàng từ châu Âu khá đều đặn nhưng khi tính toán lại các khoản thu chi, trả lãi ngân hàng... số tiền lãi không còn, thậm chí âm” - chủ DN cho biết. Sang năm 2009, đơn đặt hàng giảm mạnh khiến DN phải cắt giảm nhân công xuống còn 100 người thay vì 150 người như trước. Tăng ca không còn, ngày công cũng liên tiếp giảm chỉ còn 3-4 ngày/tuần vì không có đơn hàng. “Những đơn hàng ký cuối năm mặc dù đã tính toán mức lợi nhuận cùng các chi phí rủi ro khoảng 10-15% nhưng vừa sang đầu năm hàng loạt chi phí tăng theo chóng mặt. Chỉ tính riêng giá nguyên liệu gỗ đầu vào tăng 30% cùng hàng loạt chi phí khác như lao động, mặt bằng, lãi suất... cũng tăng khiến chúng tôi không thể xoay xở”, chủ DN này cho hay.
Ông Đặng Quốc Hùng, phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), cho biết trước tình hình khó khăn, các DN đành chọn giải pháp hoặc quyết định bán máy móc, nghỉ làm luôn hoặc tìm cách xoay xở mọi nguồn lực về vốn để duy trì sản xuất.
“Lỗ cũng phải làm chứ không được phép “ngủ đông” vì tạm ngưng hoạt động thì hàng loạt chi phí kho bãi, khấu hao máy móc, lãi ngân hàng, lương nhân công... vẫn phải bỏ ra rất nhiều”, ông Hùng nói.
Ngay cả Công ty Kim Bôi chuyên chế biến các sản phẩm xuất khẩu từ dừa của ông Hùng cũng chỉ còn hoạt động 4-5 ngày/tuần. “Cuối năm 2011, một đối tác từ Mỹ đặt hàng số lượng lớn sản phẩm khỉ trái dừa nhưng chúng tôi không dám nhận vì không đảm bảo có thể giao hàng đúng hạn cũng như hàng loạt rủi ro phát sinh về chi phí đầu vào” - ông Hùng nói.
Theo ông Đặng Quốc Hùng, đến thời điểm này Hawa chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng tình trạng “chết lâm sàng” đang xảy ra với không ít DN trong ngành, có đến 50% DN không phản hồi khi hội gửi thư mời tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại.
Kiến trúc, văn phòng “sống” cầm cự
Các DN xây dựng nhà cá nhân đang điêu đứng khi khách hàng không còn nhiều nguồn tài chính để xây dựng, sửa chữa nhà. Ông Nguyễn Thu Phong, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần kiến trúc, xây dựng Nhà Vui (quận 3, TP.HCM), cho biết lạm phát tăng, lương công nhân, kiến trúc sư, vật liệu tăng... làm giá xây dựng nhà giờ đã cao hơn hai năm trước 25-30%, khách hàng chẳng còn ai dám vay tiền với lãi suất cao ngất trời để sửa chữa chứ chưa nói là xây nhà mới.
“Các khách hàng giàu có của chúng tôi đã gần như “chết lâm sàng”, những thiệt hại trong kinh doanh của họ đã làm họ ngưng xây nhà rồi” - ông Phong chua chát.
Theo ông Phong, những hợp đồng xây dựng biệt thự có giá trị 5-7 tỉ đồng của các chủ DN, doanh nhân, người giàu giờ đã không còn nữa, “nếu giờ còn khoản tiền như thế thì họ sẽ không đầu tư vào nhà cửa mà đổ dồn vào DN để cầm cự” và kéo theo là sự thoi thóp của các công ty xây dựng.
Các DN kinh doanh thiết bị, dụng cụ văn phòng cũng bị ảnh hưởng. Ông Đào Ngọc Hoàng Giang, tổng giám đốc Công ty cổ phần thiết bị văn phòng Sao Mai (Q.1), thở dài cho biết đã phải cho hơn 100 nhân viên trong tổng số 160 nhân viên của công ty nghỉ việc vì tình hình kinh doanh giảm sút. Doanh số năm 2011 của công ty đã giảm 37% so với năm trước và chỉ đạt 30% so với kế hoạch công ty đặt ra.
“Những nhân viên đến thời gian gia hạn hợp đồng tôi đã chủ động đề nghị họ nên tìm công việc mới, có người chia sẻ nhưng cũng có nhân viên không thể chấp nhận được điều này” - ông Hoàng Giang chia sẻ. Sáu tháng cuối năm 2011, khi doanh số giảm liên tục 50%, công ty đã phải chấm dứt hợp đồng với hàng loạt nhân viên, đóng cửa hai văn phòng tại Bình Dương và Bình Phước.
LÊ NAM - DŨNG TUẤN -  LÊ SƠN (Tuổi Trẻ)

Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

Tự thua

Đọc để thấy chúng ta yếu về Khả năng quản lý, Tính đoàn kết, Bảo hộ kinh tế. Mình còng lưng làm cho người khác hưởng lợi. Mình đấu đá trong nhà để người ngoài chiến thắng. Mình thoải mái cho người ta đầu tư vì có khi người ta chi hoa hồng cho những chữ ký và dự án. Rồi thế hệ con cháu mình sẽ đi làm thuê cho người ta ngay trên mảnh đất của cha ông.
Tự thua
Thứ Hai, 26/03/2012 23:12
Cà phê đắng thường là cà phê ngon, vì độ nguyên chất cao. Nhưng với nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh cà phê Việt Nam hiện nay, vị đắng cà phê đang là nỗi ám ảnh.
Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, các DN có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đã chiếm lĩnh 50% tổng sản lượng cà phê của Việt Nam, tương đương 600.000 tấn mỗi năm.
Điều đó đồng nghĩa với việc các DN FDI đang thống lĩnh thị trường nguyên liệu cà phê xuất khẩu tại Việt Nam. Riêng tại tỉnh Đắk Lắk, trong niên vụ 2010 - 2011, các DN này đã thu mua khoảng 200.000 tấn cà phê, chiếm 50% tổng sản lượng cà phê của cả tỉnh. Các DN FDI đang hưởng lợi hàng chục ngàn tỉ đồng từ các vùng nguyên liệu cà phê xuất khẩu do ngân sách Nhà nước và các DN Việt Nam đầu tư, xây dựng.
Góp thêm vị đắng cà phê, một “đại gia” cà phê ở Đắk Lắk từng được Hiệp hội Cà phê Thế giới xếp hạng là công ty xuất khẩu đơn lẻ lớn nhất toàn cầu, có dấu hiệu  trở thành con nợ lớn với mức nợ khó trả lên đến gần 2.000 tỉ đồng. Theo chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột, hiện ở nơi được xem là thủ phủ cà phê này, có tới 767 DN khó khăn do thiếu vốn; trong số đó, 110 DN xin tạm ngừng hoạt động từ 6 tháng tới một năm, 14 DN làm thủ tục phá sản. Như vậy, chẳng khác nào cảnh các ông chủ đang đói lả trên thủ phủ cà phê của chính mình.
Mổ xẻ nguyên nhân, ngoài chuyện muôn thuở là do DN nội địa thiếu vốn và chịu lãi suất cao, sâu xa vẫn là câu chuyện quản lý. Đây cũng là một chuyện dài nhiều tập, ai cũng biết nhưng không giải quyết rốt ráo. Để có vùng chuyên canh cà phê hơn nửa triệu hecta như ngày nay, Việt Nam đã phải đầu tư hàng chục ngàn tỉ đồng xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi, nghiên cứu khoa học... Thế nhưng, vùng nguyên liệu đó lại đang được “mở cửa” để cho các DN FDI hưởng lợi. Nói như Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) - ông Lương Văn Tự - thì “thực chất, chúng ta đang làm cho người khác hưởng”! Về mặt pháp lý, Nghị định 23 không cho phép các DN nước ngoài được mở mạng lưới gom cà phê trực tiếp nhưng trên thực tế, do mạnh về vốn, lại thừa kinh nghiệm thương trường, thương nhân FDI chỉ cần nhích giá mua lên chút đỉnh đã dễ dàng đánh bật DN nội ra khỏi “sân chơi”. Dù vậy, đến nay vẫn chưa có chế tài để xử lý. Không ít DN nội đã phải mua lại nguyên liệu cà phê của DN nước ngoài. Chưa kể, cách làm ăn manh mún, thiếu liên kết của DN nội cũng đang tự giết mình. Nhiều DN cà phê Việt Nam bán hàng theo hợp đồng giao sau và trừ lùi một mức nhất định theo giá sàn giao dịch London ở thời điểm giao hàng để có hợp đồng vay vốn ngân hàng. Và chuyện cứ bán trừ lùi rồi mua hàng giá cao khi thị trường biến động chốt giá không kịp, bị lỗ là tất yếu. Chi phí đầu vào cao hơn, trong khi giá bán lại thấp hơn, không thua lỗ mới là lạ!
Hiện Bộ NN-PTNT đang triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng và hình thành vùng nguyên liệu cà phê bền vững cho các DN trong nước. Bởi theo tính toán, nếu chương trình tái canh trên 135.000 ha cà phê không đem lại hiệu quả, sản lượng cà phê của Việt Nam sẽ giảm sút trên 30% trong vài năm tới. Để làm được điều này, số vốn đầu tư lên tới hơn 10.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, nếu không có biện pháp quản lý, chấn chỉnh tình trạng “ăn xổi”, nhiều người lo ngại rằng DN nước ngoài lại hưởng lợi từ khoản đầu tư đó.
MINH HÀ (Người Lao Động)

Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

BÁO CÁO QUỸ TỪ THIỆN VÀ HOẰNG PHÁP lần 31 đến 26-3-2012


BÁO CÁO QUỸ TỪ THIỆN VÀ HOẰNG PHÁP
Lần 31 Từ ngày 5-2-2012 đến 26-3-2012
1-Số tiền vận động:

SỐ TT
NGƯỜI THAM GIA
SỐ TIỀN
TỒN QUỸ

TỒN QUỸ lần 30

33.905.000đ
1
Cô Thu (Úc) 100$


2
Lon tiền shop cô Ngọc (Úc) 100$


3
Lon tiền shop bánh mì cô Hạnh 50$ (Úc)


4
Cô Liêm hãng may (Úc) 50$



Tổng cộng nhóm bạn cô Phụng gởi 300$
6.480.000đ

5
Sân khấu kịch IDECAF
200kg gạo

6
Bán máy ép ly nhựa của cô Hà (Cty Kiết Tường) đóng góp
1.500.000đ

7
Nguyễn Thị Huệ (Quy Nhơn) ấn tống sách
1.000.000đ
42.885.000đ

CHI PHÍ


1
Tiền xe ôm chở 100kg gạo đến chùa Hương Sơn và 100kg đến chùa Phước Liên
200.000đ

2
Photo tài liệu học cho các em trong lớp Phật pháp chùa Bửu Pháp (Châu Đốc) do cô Từ Mãn chủ xướng
300.000đ

3
Mua bảng dạy học cho chùa Hương Sơn
105.000đ

4
Mua bánh kẹo cho 7 tuần dạy học ở Hương Sơn
1.460.000đ

5
Ấn tống 1000 cuốn Búp Sen Hồng và 500 cuốn Đố vui Phật pháp
10.000.000đ

6
Mua thêm sách thiếu nhi cho Thư viện lưu động
500.000đ

7
Mua 100 hộp bút tô màu, 100 hộp bút lông màu, 200 cây thước kẻ, 240 cây bút bi 3 ngòi, 240 bút chì, 300 bút bi xanh, 50 bóp đựng viết, 100 bàn chải đánh răng, 50 túi xốp nhỏ đựng tập, 100 truyện tranh mỏng, 60 cây quạt nhựa cầm tay, 70 cục gôm, 30 bình đựng nước đi học, 30 cây kéo cắt giấy thủ công, 70 cái khăn tắm, 105 đôi dép nhựa
8.100.000đ


TỔNG CHI
20.6650.000đ


TỒN QUỸ lần 31

22.220.000đ


Nội dung:

1-Từ cuối tháng 2, cô Kim bị bệnh nên tạm thời gác lại công tác nấu cơm chay từ thiện. Công tác hoằng pháp, giáo dục vẫn ưu tiên. Bởi người ta thiếu ăn một bữa không sao, nhưng thiếu trí tuệ thì sẽ gây nghiệp xấu, tổn hại phước đức. Các lớp Phật học thiếu nhi vẫn duy trì, kể cả các lớp của quý thầy cô mở tại các tỉnh xa vẫh được cô Kim gởi quà và tài liệu học hỗ trợ. Mỗi lần mua quà thì cô Kim mua sỉ thật nhiều, để dành khi có quý thầy cô mở lớp là gởi ngay. Tháng này đã gởi cho chùa Long Khánh (tỉnh Thái Bình), chùa Chung Linh (Nghệ An) và mấy chùa nữa (nhưng đã quên mất tên).

Nghe chùa nào mở lớp Phật học là cô Kim rất mừng. Bản thân mình không thể đi khắp nơi được, thì phải có rất nhiều người cùng phát tâm hoằng pháp để đưa giáo lý cao đẹp của Đức Phật đến mọi địa phương. Hiện nay nhiều vị tăng ni trẻ đang dấn thân về vùng sâu vùng xa trụ trì, phát triển Phật giáo, chúng ta phải hỗ trợ để các vị có điều kiện hoạt động, không nản lòng bỏ cuộc. 

2-Ấn tống sách cũng trong mục tiêu như thế. Những cuốn sách của cô Kim được hoan nghênh khắp cả nước, dùng làm giáo trình dạy học tại các lớp. Hầu hết là các chùa nông thôn, kinh tế còn khó khăn, đặc biệt các chùa ở miền Bắc, cho nên cô Kim ưu tiên cúng dường. Cũng may, mỗi lần hết sách là có quý vị Phật tử phát tâm góp sức để in ấn. Xin hồi hướng công đức cho quý vị đời đời trí tuệ, an lành.