Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 1 tháng 12, 2011

Lương giáo viên chưa bằng bát phở hạng sang

Lương giáo viên chưa bằng bát phở hạng sang

TT - Dư luận chưa hết xôn xao với lời “tự bạch” của thủ trưởng ngành điện trước tình cảnh lương bình quân ngành điện 7,3 triệu đồng/tháng khiến ông đau lòng thì trên Tuổi Trẻ 25-11 công bố những con số còn đáng giật mình hơn: lương giáo viên hợp đồng ở nhiều nơi chỉ vài trăm ngàn đồng/tháng, chưa bằng 1/10 lương của một thợ điện.

Vậy mà chưa thấy “thủ trưởng” nào “tuyên ngôn” rằng mình rất đau xót trước tình cảnh này.

Xin không bàn đến việc phân phối thu nhập ngành điện ở đây (nếu thu nhập chính đáng thì bất kể ngành nào được hưởng lương cao cũng là điều đáng mừng), dẫn ngành điện để thấy mức lương cho số giáo viên nói trên là sự bất hợp lý đến tàn nhẫn. Những con số thê thảm ấy là mức lương của hàng trăm giáo viên mẫu giáo hợp đồng ở tỉnh Thanh Hóa. Lý do thật đơn giản và có thật: vì ngân sách và biên chế có hạn.

Một cô giáo - nhân vật quan trọng nhất trong việc thực hiện “quốc sách hàng đầu” là đào tạo nên những con người cho tương lai của đất nước - mà lương không bằng 1/10 lương một thợ điện thì đó là điều đáng phải “báo động đỏ” cho toàn xã hội, đáng làm cho tất cả chúng ta đau xé lòng chứ không chỉ một thủ trưởng nào.

Với một cô giáo lương tháng vài trăm ngàn đồng (khoảng 500.000 đồng/tháng chưa bằng bát phở bò Kobe 750.000 đồng ở Hà Nội), với một điều kiện học hành tất nhiên là cũng “thê thảm” tương tự, thì cho dù có tình yêu với nghề giáo đến mấy, sản phẩm của họ - những thanh thiếu niên vào đời - khó có thể đòi hỏi chất lượng. Mặt khác, sự đối xử không công bằng giữa giáo viên trong biên chế và giáo viên hợp đồng cũng là gương xấu nhãn tiền.

Vấn đề là lấy tiền đâu để nâng cao các điều kiện hoạt động cho ngành giáo dục (tiền lương chỉ là một khía cạnh)? Đây là vấn đề lớn và cũng “nóng” như tình hình giao thông hiện nay, thậm chí còn quan trọng hơn, Quốc hội và Chính phủ rất đáng phải tập trung tháo gỡ ở tầm vĩ mô (phân bổ vốn đầu tư, phân phối thu nhập...).

Riêng việc tăng lương cho giáo viên hợp đồng thì phải tìm mọi cách giải quyết khẩn cấp như xóa một “điểm đen”, như cứu trợ một vùng đang bị đói. Xin thử nêu một số giải pháp như sau:

- Cách tiện lợi nhất, nhanh nhất là trích từ ngân sách dự phòng của Nhà nước như lâu nay Chính phủ vẫn cấp gạo, tiền cho các địa phương thiếu đói hoặc bị thiên tai.

- Nếu ngân sách dự phòng đã cạn, cần huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước...

Thật ra Nhà nước cũng còn nhiều “nguồn khác”, ví như kiên quyết dừng toàn bộ kế hoạch mua sắm nâng cấp xe con, phương tiện, công sở của tất cả các cấp các ngành sẽ có thừa tiền “cứu đói” cho số giáo viên hợp đồng, hoặc sửa đổi chính sách tăng lương đồng đều năm 2012 theo cách tính công bằng hơn cũng sẽ dôi ra một khoản tiền lớn...

TRUNG SƠN (Tuổi Trẻ)

 Chia sẻ:         
So sánh mà buồn
30/11/2011 20:14:00
Tiếng thì oai nhưng thực tế đời sống giáo viên hiện nay quá khó khăn, nhất là đối với những giáo viên không phải ở thành phố và không có thu nhập thêm. Điều chỉnh bao lần mà lương vẫn thấp hơn công nhân, nếu bỏ phần trăm đứng lớp thì chỉ còn xếp vào hạng trên nông dân nghèo. Vợ chồng tôi biên chế 13 năm nay lương cả phụ cấp cả 2 vợ chồng là 7 triệu đồng/ tháng. Buồn. THIÊN LÝ

Thách thức
30/11/2011 11:24:19
Một thực tế không công bằng trong xã hội! Chúng ta luôn cho giáo dục là quốc sách hàng đầu, nhưng trong thực tế chúng ta luôn đối xử không công bằng đối với giáo dục đây đó, so với tất cả mọi ngành nghề khác trong xã hội, từ đó làm cho xã hội nhìn vào đội ngũ giáo viên với cặp mắt ''thương hại". Lương bổng như thế làm sao đủ sống cho bản thân chưa kể nuôi con cái!

Vâng, tại sao? Ai cũng biết đó là do cơ chế tiền lương từ bao đời nay chưa phù hợp, nhưng cơ chế đó vẫn mãi được áp dụng mà không có một cái gì đó mới hơn. Đó là một thách thức và trăn trở của bao con người đang muốn giáo dục phải được thay đổi theo chiều hướng đi lên. NAM ANH

Quá khó khăn
29/11/2011 23:40:03
Với mức lương hiện nay, giáo viên lập gia đình cũng chỉ thuê nhà mãi mãi và sẽ như anh Chí Phèo ngày xưa là "không mảnh đất cắm dùi"! Hai vợ chồng tôi công tác 11 năm, lương tháng 6 triệu đồng/2 vợ chồng, với 3 con nhỏ. Chúng tôi vẫn ở nhờ nhà bà ngoại và tôi thấy sẽ chẳng bao giờ tôi mua nổi nhà riêng để ở.  TIENPY

Cô Kim
Chính vì vậy mà năm nào tôi cũng trích tiền thưởng tết của mình ra để mua quà tặng thầy cô giáo ở nông thôn. Tiền thưởng của tôi tuy không nhiều bằng cơ quan bạn, nhưng xét ra vẫn nhiều hơn ngành giáo dục, thôi thì chia sẻ gọi là mong thầy cô còn “giữ lửa” để tiếp tục dạy học. Dẫu con cháu mình không trực tiếp học những thầy cô đó, nhưng tôi cũng tri ân những người thầy đã dạy dỗ những thế hệ trẻ. Bởi không có thầy cô thì làm sao có những con người hiểu biết mà phục vụ xã hội. Xã hội luôn đi săn chất xám, mà không thèm biết chất xám từ đâu ra. Phải từ những ngày học i tờ vỡ lòng, đến những bậc cao hơn. Tất cả các ngành đều phải có nghĩa cử với ngành giáo dục. Mỗi ngành nên tìm hiểu và hỗ trợ cho một số thầy cô nghèo, đừng ngồi đợi chính phủ. Kiến nghị chính phủ thì cứ kiến nghị, nhưng mình chủ động hỗ trợ sớm ngày nào hay ngày ấy, giúp được người nào thì đỡ người ấy. Bàn tay chúng ta dù nhỏ bé, nhưng nhiều bàn tay thì cũng làm được không ít chuyện.

Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

Mỹ tài trợ hơn 700.000 USD phòng chống thiên tai

Mỹ tài trợ hơn 700.000 USD phòng chống thiên tai
Thứ Ba, 29/11/2011 23:41
(NLĐ) - Sáng 29-11, Hội Chữ thập đỏ TP Đà Nẵng tổ chức hội thảo triển khai dự án “Tăng cường năng lực phòng chống và thích ứng với thiên tai cho cộng đồng dễ bị tổn thương vùng duyên hải miền Trung Việt Nam”.
Dự án này do Văn phòng Cứu trợ thiên tai (thuộc Tổ chức Viện trợ Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ) tài trợ với tổng kinh phí hơn 700.000 USD. Dự án sẽ được thực hiện trong 18 tháng kể từ tháng 10-2011, tập trung vào 24 xã của 3 huyện thuộc vùng chịu nhiều thiên tai của tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng. Với nguồn kinh phí trên, ước tính sẽ có khoảng trên 202.000 người hưởng lợi từ dự án, trong đó có 30.000 học sinh tiểu học và THCS, đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi có thiên tai.

H.Dũng (Người Lao Động)

Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

Lương phi công 200 triệu/tháng, vẫn khó tuyển

Lương phi công 200 triệu/tháng, vẫn khó tuyển
26/11/2011 14:07

Qua nhiều khâu kiểm tra gắt gao, các phi công mới được hành nghề thực thụ - Ảnh: Gia Khánh
Lương một phi công nước ngoài tại Việt Nam, được trả từ 150 - 200 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, việc tuyển phi công cũng không dễ, không cẩn trọng còn tuyển dính phi công chất lượng thấp...

Thuê phi công khó hơn... đào vàng

Lâu nay, với các hãng hàng không, chuyện tuyển phi công luôn là công việc khó khăn. Ở Việt Nam, hiện Air Mekong sử dụng 100% đội phi công Mỹ, Jetstar Pacific có 5 phi công người Việt Nam (60 phi công nước ngoài), Vietnam Airlines (VNA) là hãng duy nhất chủ động được nguồn phi công gốc Việt Nam hơn một nửa (400 người Việt, 360 phi công nước ngoài).

Chi phí tốn kém nhất cho các hãng hàng không sau nhiên liệu là tiền lương phi công. Tuy nhiên, không vì thế mà dễ thuê vì thị trường lao động luôn khan hiếm. Những hãng nhỏ luôn bị các hãng lớn mạnh “hút” hết phi công bằng chiêu trả lương cao.

Các chuyên gia hàng không tiết lộ, gần đây, các hãng hàng không Trung Quốc đã tạo cơn sốt phi công trong khu vực. Được biết, một phi công nước ngoài hành nghề (lái Airbus 320 tuỳ thuộc vào kinh nghiệm bay) ở Việt Nam được trả từ 7.000-12.000 USD/tháng, phi công Việt Nam do được trả chi phí đào tạo nên mức hưởng khoảng 2.000 USD (lái chính Boeing 777 có mức lương cao nhất, khoảng 100 triệu đồng).

Nhiều hãng hàng không trong khu vực kêu trời khi các hãng hàng không Trung Quốc sẵn sàng chi tới 16.000 USD cho cơ trưởng Airbus. Nhiều chuyên gia hàng không cho biết, đào tạo phi công bằng cả trọng lượng vàng tương đương cân nặng của anh ta, nên thuê được khó hơn đào vàng.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, phần lớn các hãng hàng không khi tuyển dụng phi công đều thuê qua môi giới. Direct Personel là một trong 10 công ty môi giới nhân lực trong lĩnh vực hàng không khá uy tín trên thế giới, được nhiều hãng thuê, trong đó có Việt Nam.

Hiện trên trang điện tử của Direct Personel cũng đang đăng tuyển phi công Airbus 320 cho VNA với những quy định ngặt nghèo (tổng giờ bay tối thiểu 4.000 giờ, trong đó bay thương mại bắt buộc 1.500 giờ, chuyến bay Airbus 320 cuối cùng trong vòng 3 tháng gần đây, tuổi dưới 55...).

Theo Tiền Phong

Sĩ quan trẻ: Lương cao vẫn nghèo

Cô Kim: Nhà nước cần xem lại chính sách. Đời lính đã khổ vì xa nhà, chinh chiến, lại nghèo nữa, thì làm sao họ còn tâm trí bảo vệ giang sơn. Nói người ta phải có lý tưởng, nhưng cũng đừng duy ý chí, phải gắn với đời sống thực tế chứ. Ngày xưa, trong chế độ Sài Gòn, sĩ quan là “ngon lành” lắm, gọi là lên xe xuống ngựa. Lương cao, trang phục bảnh bao, đi đứng uy nghi, trông thật oách. Nói như vậy không phải đề cao họ, mà là để so sánh, rồi tìm cách cho sĩ quan ngày nay cũng phải “ngon lành” một chút, để họ không phân tâm khi phục vụ. Thông thường, người lương cao, có địa vị, thì phong thái rất uy nghi, tự tin, dõng dạc. Mà như vậy mới ra được cái “oai” của tướng lĩnh, khiến kẻ địch nể sợ. Tôi đồng ý là chúng ta phải sống giản dị, hòa đồng với nhân dân, nhưng giản dị tới mức không còn uy nghi nữa thì không ra phong thái của tướng lĩnh. Và coi chừng cái nghèo, cái lo lắng đời thường sẽ ảnh hưởng tới phong thái này. Một quân đội mạnh phải từ hình thức tới nội dung. Nội dung thì huấn luyện tinh nhuệ, hình thức thì tinh tươm. Đâu có phải thời chiến nữa mà xuê xoa, chịu đựng. Mình không có chính sách tử tế thì người ta không thích làm lính nữa, lấy ai bảo vệ đất nước, nhất là trong tình hình hiện nay khá căng thẳng với “anh bạn láng giềng”. Hoặc ngược lại, người ta không đủ sống thì tự nhiên “làm bậy” thôi. Thiếu gì cách. 


Sĩ quan trẻ: Lương cao vẫn nghèo
26/11/2011 11:35

Bộ đội thường làm nhiệm vụ ở vùng cao, vùng biên giới nên ít được về nhà.
Lương bộ đội được cho là cao so với mặt bằng chung hiện nay. Tuy nhiên, cái nghèo vẫn đeo đẳng nhiều gia đình sĩ quan trẻ.

Lớp phổ thông của tôi ở thị xã Sơn Tây (Hà Nội) có 11 người vào quân ngũ với thâm niên trên 15 – 17 năm, nhưng gia cảnh hiện nay vẫn còn nghèo túng. Thiếu tá P.V.K hiện công tác ở Sư đoàn 10 (Binh đoàn Tây Nguyên), thường mỗi năm chỉ nghỉ phép một lần để về quê sum họp. Vợ K là công nhân cùng 2 con nhỏ đang ở nhờ nhà người thân tại phường Xuân Khanh (Sơn Tây). K vừa có cháu thứ hai, chúng tôi đến thăm lúc anh vẫn còn ở Tây Nguyên. Vợ K cho biết con lớn học lớp 2, giờ có thêm cháu nhỏ, chồng thì biền biệt còn ông bà nội, ngoại lại ở xa nên chưa biết xoay xở ra sao. Còn về kinh tế, vợ chồng thiếu tá K vẫn gần như tay trắng với tài sản lớn nhất là chiếc xe máy cũ. “Em sẽ phải xin nghỉ không lương để ở nhà nuôi con nhỏ. Cả nhà chỉ dựa vào tiền lương của chồng. Anh ấy sống tằn tiện, lương hơn 5 triệu đồng/tháng, nhưng chỉ tiêu hết non nửa”, vợ thiếu tá K tâm sự.

Tổng lương và phụ cấp công vụ của sĩ quan (tính tương đối): Thiếu uý = 3.700.000 đồng; trung uý = 4.100.00 đồng; thượng uý = 4.500.000 đồng; đại uý = 5.000.000 đồng. Lương của quân nhân chuyên nghiệp cùng cấp thấp hơn lương sĩ quan khoảng 25%.

Hoàn cảnh gia đình thiếu tá K cũng giống với nhiều sĩ quan trẻ khác mà tôi từng tìm hiểu. Tiếp tôi trong phòng trọ ở hẻm nhỏ sau Sân vận động Mỹ Đình (Từ Liêm, Hà Nội), thiếu tá C.V.B, công tác ở một đơn vị thuộc Tổng cục Chính trị, cho biết, vợ anh là cử nhân kinh tế, đang làm thuê cho một doanh nghiệp tư nhân với mức lương 3 triệu đồng. Tổng thu nhập hằng tháng của gia đình khoảng hơn 8 triệu đồng. Tưởng nhiều, nhưng chỉ nghe B liệt kê một số khoản chi tối thiểu hằng tháng đã hết veo thu nhập, đó là chưa tính đến chi phí khi về thăm quê, hiếu, hỷ…“Cưới nhau 6 năm, nhưng chưa một lần vợ chồng em có tiền giúp bố mẹ hai bên, mà toàn được viện trợ không hoàn lại. Tài sản lớn nhất là hai chiếc xe máy đều bố mẹ mua cho. Từ ngày có con, tháng nào ông bà cũng trích lương hưu cho cháu 1 triệu đồng mua sữa”, vợ thiếu tá B tâm sự.

Những người bạn trong quân ngũ của tôi đều đã cấp tá, nhưng đến nay còn 7 người chưa có nhà riêng, 4 người còn lại có nhà nhờ sự trợ giúp của bố mẹ. Trong khi đó, đại đa số bạn đồng lứa của tôi công tác ở các ngành nghề khác, dù lương có thể thấp hơn, nhưng kinh tế gia đình khá hơn vì họ có điều kiện làm thêm, có những khoản thu nhập ngoài lương và được làm việc gần nhà nên tiết kiệm được nhiều khoản.


Nhiều gia đình sĩ quan ở Quân khu 1 chưa có nhà riêng, phải ở nhờ khu tập thể của đơn vị đã xuống cấp.

Sĩ quan cấp tá mà còn nghèo, cấp uý và quân nhân chuyên nghiệp lương thấp hơn thì sao? Sau nhiều tháng tìm hiểu, tôi nhận thấy hiện có rất nhiều sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp cấp úy công tác tại khu vực nội thành Hà Nội và TPHCM chưa có nhà riêng, phải đi thuê; thu nhập và mức sống của gia đình còn thấp so với bình quân trên địa bàn. Hầu hết cán bộ cấp úy ở Lữ đoàn 125 Hải quân đang phải thuê nhà tại TPHCM. Bộ đội làm nhiệm vụ ở vùng nông thôn, miền núi càng khó khăn hơn. Theo kết quả điều tra của Cục Chính trị Quân khu 1, gần 90% sĩ quan trẻ của đơn vị chưa có nhà riêng và 10% sĩ quan trẻ phải thuê nhà ở.
Bộ đội làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa được hưởng mức thu nhập cao hơn chút. Hỏi chuyện các chiến sĩ ở Trường Sa gần đây hầu hết đều chưa có nhà, gia cảnh cũng khó khăn. Trung úy Bùi Văn Biên, ở đảo Song Tử Tây, phải thuê nhà và thuê người trông con gái 2 tuổi tại nơi vợ dạy học là huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Thiếu úy Nguyễn Bá Hưng có vợ con đang ở nhờ nhà ngoại tại Hải Phòng. Thiếu uý Đinh Ngọc Tuấn, ở đảo Trường Sa Lớn, phải thuê nhà tại TP Cam Ranh...

Theo thượng tá Phạm Văn Chung, Chính trị viên đảo Trường Sa Lớn, thực tế đời sống của đa số sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp công tác đảo xa còn rất khó khăn vì anh em biền biệt vắng nhà nên gia đình không thể làm thêm. Không ít gia đình quân nhân phải đi thuê nhà, con cũng phải thuê người trông.

Đại tá Nguyễn Ngọc Kiên, Trưởng phòng Chế độ chính sách thuộc Cục Tài chính (Bộ Quốc phòng), cho biết: Chúng tôi vừa tiến hành khảo sát, thấy rằng sĩ quan cấp úy đang gặp rất nhiều khó khăn do tiền lương thấp, trong khi phần lớn phải sống xa nhà, nếu gần nhà cũng thường xuyên phải trực, ít được về giúp gia đình và không thể làm thêm để tăng thu nhập. Bên cạnh đó, nhiều đồng chí phải thuê nhà ở, nhiều khoản chi phí phát sinh như đi lại, gọi điện thoại về hằng ngày…nên hầu như anh em không có tích lũy. Với quân nhân chuyên nghiệp, lương thấp hơn sĩ quan lại càng khó khăn. Đây là điều mà Đảng, Nhà nước cần quan tâm giải quyết.

Theo Tiền Phong


Cơn sốt đỉa, ốc bươu vàng

Cơn sốt đỉa, ốc bươu vàng  
27/11/2011 0:38

Từ giữa năm nay, việc thu mua đỉa, ốc bươu vàng để bán sang Trung Quốc đã rộ lên khá mạnh ở TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác.

Ồ ạt gom đỉa...

Nhiều tháng nay, khắp các tỉnh như Lào Cai, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên… rộ lên “cơn sốt” đỉa. Đỉa được thương lái mua với giá hời khiến nông dân ra sức bắt và lên kế hoạch gây nuôi với số lượng lớn. Rất nhiều thương lái ở tận huyện Kim Thành (Hải Dương) hằng ngày vẫn đi thu gom đỉa với giá 10.000 đồng/con. Để tìm hiểu thêm, chúng tôi tìm được trên trang web rao vặt một phụ nữ có nickname nhanonghp đang rao nhận thu gom đỉa khô với số lượng không hạn chế. Qua điện thoại, thương lái trên thừa nhận thu gom đỉa khô với giá 1,3 - 1,5 triệu đồng/kg để bán lại cho người khác mang qua cửa khẩu sang Trung Quốc. “Nghe đâu là làm thuốc, tôi cũng chẳng rõ” -  nhanonghp cho biết.

Sau khi có thông tin đỉa được thu mua với giá trên 1 triệu đồng/kg, ở nhiều nơi thuộc Sơn La và các tỉnh miền Trung, nông dân thi nhau đi bắt đỉa. Nhiều người còn cho biết, đỉa được mua với giá cao như vậy thì họ có thể lập trại nuôi đỉa. Hiện giá bán được rao ở các trang mua bán trực tuyến của Trung Quốc khoảng 500 - 700 nhân dân tệ (1,5 - 2,1 triệu đồng/kg).

Nuôi đỉa tràn lan sẽ trở thành tai họa

Từ các tỉnh phía Bắc, phong trào thu mua đỉa đã lan đến TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Mới đây người dân H.Hóc Môn đã hoang mang vì đỉa xuất hiện quá nhiều. Nhiều người dân ở xã Tân Xuân, Hóc Môn cho biết, ở khu vực này có 1 hộ chuyên thu mua đỉa đã gần một năm nay. Họ thu gom đỉa từ khắp các vùng lân cận, nhiều nhất là các mối ở Tây Ninh với giá 80 - 150 ngàn đồng/kg. Thấy lợi, nhiều hộ dân ở Tây Ninh còn nuôi đỉa ngay trong ao hồ để mang bán. Đến nay, chủ hộ thu mua đỉa nói trên bị đình chỉ hoạt động nhưng nỗi lo của người dân trong khu vực nuôi đỉa trước đây vẫn chưa được giải tỏa.

Chiều 25.11, chúng tôi đã đến vùng nuôi đỉa của hộ kinh doanh đỉa nói trên. Ông H. - một người dân địa phương - bức xúc: “Ngoài đỉa, hộ này còn thu mua cả ốc bươu vàng. Cứ Trung Quốc mua gì họ thu mua thứ ấy. Giống đỉa thì ai cũng thấy sợ chứ nói gì đến trẻ con. Tôi cho con ở trong nhà suốt, không dám cho ra ngoài chơi. Hôm rồi có ông vừa bước xuống ruộng hái rau muống là đỉa bám hút máu đỏ tươi”. Ông Đoàn Hữu Nghĩa - người dân ấp Chánh 1, xã Tân Xuân chỉ tay xuống đám ruộng - nói: “Họ mới cày xới rải vôi chừng 2-3 ngày gần đây thôi. Trước đây ruộng này đỉa nhiều vô kể, chỉ cần lấy cây chọt chọt mấy cái đỉa bơi tới lúc nhúc. Con nào cũng to bằng ngón tay, trời mưa đỉa theo nước vào cả nhà dân”.

...và ốc bươu vàng

Trao đổi với chúng tôi ngày 25.11, ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch UBND xã Long Phú (H.Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang), cho biết hiện nay nước lũ đang rút, ốc bươu vàng không còn nhiều nên người dân ít đi bắt. Vài tháng trước, người dân đi bắt ốc bươu vàng bán cho các vựa ốc, mỗi ngày kiếm được gần 100.000 đồng/người. Theo ông Đặng Ngọc Giao - Phó giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang, khi vừa hay tin các vựa, lái thu gom ốc bươu vàng, Sở đã kiểm tra và thấy có hiện tượng ốc bươu vàng bị cắt đầu bỏ vỏ bán cho thương lái với giá từ 10.000 - 12.000 đồng/kg. Ông Dương Văn Ni - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Hòa An, Đại học Cần Thơ rất băn khoăn về lý do Trung Quốc gom mua thịt ốc bươu vàng. Nếu đóng gói làm thức ăn cho gia súc gia cầm thì không đáng lo. Nhưng không thể loại trừ nguy cơ Trung Quốc chế biến ốc thành thực phẩm và bán ngược lại vào Việt Nam.

Nguy cơ

GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh - Chủ tịch Hội Động vật học VN - bức xúc: “Câu chuyện thương nhân Trung Quốc thu mua đỉa và ốc bươu vàng cũng na ná như việc họ đã vét sạch mèo ở khắp các làng quê những năm 90. Chuột bùng phát một phần do thiếu mèo, đến mức Thủ tướng Chính phủ đã phải ra chỉ thị về những biện pháp cấp bách phòng trừ chuột, bảo vệ mùa màng. Rồi là các câu chuyện thương nhân Trung Quốc lùng sục mua gỗ sưa, râu ngô, gốc chè san tuyết hằng trăm năm tuổi...”.

TS Bùi Quang Tề - nguyên Viện trưởng viện Nuôi trồng Thủy sản 1 - cảnh báo: “Là nhà khoa học tôi không biết người ta mua đỉa để làm gì, nó cũng quá khó lý giải giống như mục đích họ mua gỗ sưa. Tôi cho rằng, họ mua đỉa cũng giống như mua mèo trước đây. Bà con mình không nên nuôi ồ ạt để rồi lại phải gánh chịu sự thua thiệt”.

Ông Nguyễn Sĩ Phước - Phó chủ tịch Hội Nông dân H.Hóc Môn - cho biết: “Khi người dân địa phương phát hiện và báo thì UBND xã Tân Xuân đã làm việc với hộ thu mua đỉa, cấm luôn nên họ ngưng thu mua đỉa lâu rồi. Tuy nhiên những con đỉa mùa khô họ thảy ra ngoài đến mùa mưa phát triển nhanh ra khu dân cư. Địa phương đã tổ chức rải vôi lên đất để diệt đỉa, nhưng những con đỉa sống trong ngóc ngách, không thể rải vôi trúng vẫn tiếp tục sinh sôi".

Nguồn gây bệnh cho vật nuôi

Theo lương y Trần Văn Quảng, Hội Đông y Việt Nam, trong đông y con đỉa còn gọi là thanh điệt, một trong những vị thuốc giúp thông máu, làm tan vết bầm, sưng, giải máu ứ đọng. Ngoài ra, với y học hiện đại ngày nay, thanh điệt được phối chế với nhiều loại thuốc khác để điều trị nhiều loại bệnh liên quan đến tắc nghẽn mạch máu, ứ trệ máu… Tuy nhiên, dùng loại này rất nguy hiểm, nếu tự ý dùng bừa bãi sẽ gây những tác hại khôn lường. Bởi trong quá trình đốt, tán đỉa không làm chết hết các tế bào, khi người bệnh uống, tế bào còn sót lại sẽ sinh trưởng và lớn lên thành con đỉa ở trong người bệnh.

Còn theo Hội Động vật học Việt Nam, đỉa là loài rất nguy hiểm do dễ sinh sôi nảy nở trong mọi điều kiện. Đặc biệt, ở những vùng đồng ruộng chiêm trũng. Trong khi đó, để tiêu diệt con đỉa rất khó, ngay cả việc đốt cháy, nếu không cháy hết còn sót lại một vài tế bào, gặp điều kiện thuận lợi cũng có thể phát triển thành một con đỉa bình thường. Đặc biệt, khi người dân đua nhau nuôi đỉa thì không thể kiểm soát được đỉa tràn ra môi trường, trở thành tai họa, giống như hiện tượng nuôi ốc bươu vàng, chuột hải ly, rùa tai đỏ…

Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện KHCN VN) - PGS-TS Lê Xuân Cảnh cho hay: “Người dân hay làm theo phong trào vì lợi ích kinh tế trước mắt, mà không nghĩ đến hậu quả. Nếu người dân nuôi đỉa tràn lan không kiểm soát sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cân bằng môi trường sinh thái. Muốn tiêu hủy đỉa cần phải ngâm cồn rồi đốt thì đỉa mới chết”.

TS Bùi Quang Tề - nguyên Viện trưởng Viện Nuôi trồng thủy sản 1 - nhận định: Nuôi đỉa ồ ạt thì dễ nhưng lợi đâu chưa thấy, hại thì đã quá rõ ràng. Đỉa là loài ký sinh, sống chủ yếu bằng việc hút máu của các động vật khác, kể cả con người. Chỉ cần tạo điều kiện tốt về nhiệt độ và được cung cấp đầy đủ thức ăn, đỉa sẽ phát triển đến mức không thể tưởng tượng nổi. Nguy hiểm hơn, đỉa là vật chủ trung gian lây ký sinh trùng đơn bào (gọi là tiên mao trùng) gây nguy hiểm cho động vật. Những đợt dịch trên các vật nuôi do đỉa sinh sôi quá mức trong một khu vực nhất định gây ra như: cá rô phi tại Quảng Ninh, cá bống bớp tại Nam Định, cá he ở miền Nam… bị chết hàng loạt. Thậm chí ở Khánh Hòa, đỉa còn tấn công và giết chết cả cá sấu giống. Ngoài ra, đỉa sinh sôi quá mức sẽ gây mất cân bằng sinh thái. 

Q.Thuần - H.Việt - Q.Duẩn - T.Dũng (Thanh Niên)

Cô Kim: Đỉa là nỗi ám ảnh của tôi hồi còn nhỏ tại vùng quê. Hình dáng nó rất đáng sợ, lại bám chặt không gỡ ra được, và hút máu rất dữ. Bà con nông dân căng nó ra rồi đốt thành tro, vậy mà vài ngày sau vẫn thấy sinh ra một con đỉa mới, do các tế bào rất khó trừ diệt. Vậy mà Trung Quốc lại cố tình thu mua kiểu đó, làm sao không đặt câu hỏi về một ý đồ nào đó?

Dĩ nhiên họ biết dân mình tham tiền, và nhà nước thiếu quản lý chặt chẽ, nên mới dễ dàng cho họ ra tay. Dân mình thấy cái gì có hơi tiền là nhào vô bất kể tai họa, thật là dân trí kém cỏi. Còn nhà nước thì thiếu sự hỗ trợ kinh tế cho người dân sống đàng hoàng để họ không làm bậy. Và sau đó thì phải có biện pháp giáo dục, răn đe, trừng trị thích đáng. Bởi có người không nghèo nhưng vẫn ham tiền mà làm, thì phải phạt thật nặng. Đâu ra đó. 

Không nơi nào bệnh viện quá tải như VN

Không nơi nào bệnh viện quá tải như VN
29/11/2011 0:31
“Chưa thấy một quốc gia Đông Nam Á nào, kể cả ở châu Phi mà tình trạng các bệnh viện (BV) quá tải như tại VN”, đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khi đi khảo sát tình hình thực tế tại một số BV ở TP.HCM.
Việc giảm quá tải BV là một trong bảy nhiệm vụ quan trọng nhất của Bộ Y tế trong nhiệm kỳ này
(Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến)

Quá tải khủng khiếp

Trong hai ngày (28, 29.11), Bộ trưởng Bộ Y tế cùng lãnh đạo các vụ, cục thuộc bộ này đi khảo sát thực trạng, tìm hiểu, ghi nhận những nguyên nhân quá tải tại một số BV ở TP.HCM, và làm việc cùng UBND TP, Sở Y tế, các BV để bàn những biện pháp nhằm giảm tình trạng quá tải.

Nơi đoàn đến đầu tiên là BV Ung bướu. Chứng kiến cảnh người bệnh tại đây ngồi tràn ra đất chật kín hai bên lối vào BV để chờ khám, Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu: “Tôi đã đi khảo sát các BV tại các nước Đông Nam Á, kể cả châu Phi, không thấy nơi nào BV lại quá tải trầm trọng như ở VN”. Bác sĩ (BS) Lê Hoàng Minh - Giám đốc BV Ung bướu TP báo cáo thêm: “Tại BV Ung bướu, một số khoa, người bệnh đến đây “ngồi viện” chứ không phải nằm. Vì mấy bệnh nhân (BN) chung một giường, không thể nằm được”. Sang đến BV Chấn thương chỉnh hình, tình trạng quá tải cũng không kém, chỉ trong buổi sáng hôm qua, nơi đây tiếp nhận khoảng 4.000 BN, người bệnh ken chật kín trong một không gian rất chật hẹp, nóng bức, ngột ngạt.    

Báo cáo của BV Ung bướu cho biết, BV chỉ có hơn 600 giường, nhưng lúc nào cũng có đến 1.700 - 1.800 BN nằm điều trị nội trú, do vậy một giường bệnh phải “cõng” nhiều BN là chuyện thường ngày. Đó là chưa kể mỗi ngày có từ 1.600 - 1.700 BN đến khám, điều trị ngoại trú. BS Trần Thanh Mỹ (Giám đốc BV Chấn thương chỉnh hình) cũng than: BV này chỉ có 500 giường, nhưng số BN nằm viện luôn gần gấp đôi; số khám ngoại trú trên dưới 2.000 lượt bệnh/ngày, ngày đầu tuần từ 3.000 - 4.000 lượt bệnh. Còn BV Nhi Đồng 1 hiện có 1.194 giường bệnh, nhưng số trẻ nằm viện luôn có từ 2.200 - 2.400. Khoa Hô hấp, khoa Tiêu hóa... luôn có 3 bệnh nhi trên một giường bệnh; số khám ngoại trú luôn hơn 4.000 lượt bệnh/ngày, có những ngày đầu tuần lên đến 7.000 lượt bệnh!

Giải pháp nào?

Trong số những nguyên nhân khiến BV tuyến trên quá tải, lãnh đạo các BV mổ xẻ, có nguyên nhân đáng lưu ý là do người bệnh không tin tưởng vào BV, chuyên môn của BS tuyến dưới, nên họ tự vượt tuyến, lên thẳng BV tuyến trên.

Thống kê của BV Nhi Đồng 1 cho thấy, số BN tuyến dưới tự đến thẳng BV này tăng từ 73,1% (trong năm 2008) lên 81,5% (năm 2011), kể cả BN bảo hiểm y tế cũng vượt tuyến, chấp nhận chi trả nhiều hơn.
BS Trần Thanh Mỹ thì cho rằng, việc đầu tư, xây dựng BV công quá ít so với nhu cầu của BN. Chẳng hạn, tại TP cần có 5 BV chuyên khoa chấn thương chỉnh hình như hiện có mới đáp ứng đủ nhu cầu BN. Giám đốc Sở Y tế TP, BS Phạm Việt Thanh thì cho rằng: “Đất dành cho việc xây dựng cơ sở y tế rất ít, rất khó khăn”...

Các BV cho biết, lâu nay để giảm bớt tải ở BV mình, họ triển khai thực hiện nhiều biện pháp như: khám bệnh sớm từ tờ mờ sáng, khám thông tầm (không nghỉ trưa), mổ vào ngày cuối tuần; kê thêm giường bệnh (kể cả dùng hội trường để kê giường như BV Chấn thương chỉnh hình); giảm số ngày điều trị; tăng biên chế; cải tiến các quy trình hành chính; chuyển giao chuyên môn cho tuyến dưới... Nhưng, quá tải vẫn quá tải!

Trước thực trạng trên, BS Tăng Chí Thượng - Giám đốc BV Nhi Đồng 1 cho rằng: "Việc chuyển giao chuyên môn cho BV tuyến dưới chưa tạo được sự tin tưởng ở người bệnh, mà cần có BV cơ sở hai, BV vệ tinh của BV tuyến trên tại các tỉnh mới giúp BN tin tưởng điều trị".

 Bộ trưởng cũng nói thẳng: “Tình trạng BV quá tải như thế chắc chắn sẽ dẫn đến chất lượng điều trị kém, thái độ phục vụ kém, quản lý BV kém, nói chung các dịch vụ tại BV đều kém. Do vậy, việc giảm quá tải BV là một trong bảy nhiệm vụ quan trọng nhất của Bộ Y tế trong nhiệm kỳ này. Bộ đã giao cho Cục Quản lý khám chữa bệnh làm đầu mối phối hợp cùng các bộ phận liên quan viết dự án giảm tải BV để trình Chính phủ trong thời gian tới”.

Hôm nay, đoàn Bộ Y tế sẽ làm việc với UBND TP để bàn tiếp các biện pháp giảm tải BV.

Thanh Tùng (Thanh Niên)

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

TIN VUI VỀ LỄ HỘI ẨM THỰC

TIN VUI VỀ LỄ HỘI ẨM THỰC

Các bạn ơi, có một tin quá xá là vui nè.

Hôm qua, cô Kim đi xem kịch ở 5B, gặp nhà thiết kế thời trang Sĩ Hoàng. Chú Sĩ Hoàng nói sẽ tổ chức tiệc tất niên song song với đêm thiền trăng tại khu du lịch của chú (Nhà vườn Long Thuận), dự kiến chọn một ngày gần tết, có thể là trước khi đưa ông táo về trời. Chú hỏi cô Kim có nhận làm lễ hội ẩm thực chay cho chú không? 600 người khách đó. Chú thích ý tưởng “chợ quê” của Funny Home, dĩ nhiên là nó hợp với khung cảnh thiên nhiên của nhà vườn Long Thuận.

Cô Kim cũng thích quá. Bởi nếu Funny Home làm lễ hội ẩm thực ở đó thì quy mô hơn, và có nhiều thành phần khách dự thuộc giới trí thức, tăng ni, các bạn sẽ được dịp trổ tài và khẳng định chất lượng của mình. Thật sự không dễ gì các bạn có cơ hội tiếp xúc với nhiều thiện hữu tri thức như thế. Một số bạn đã hào hứng bảo cô Kim cứ nhận lời đi, mình có gan thì làm được mà.

Cô Kim đang phân vân, vì có thể ngày đó sẽ trùng với lễ hội mà chúng ta dự định làm tại khu phố (21-12 âm lịch). Về việc này thì không sao, chúng ta sẽ dời ngày của mình lại vào dịp khác, không thiếu gì ngày để tổ chức.

Nhưng băn khoăn thứ hai là không biết các bạn có đủ lực lượng tham gia không, và có quyết tâm làm hay không. Phải đủ 40 bạn thì mới làm nổi. Và phải quyết tâm, đoàn kết, nỗ lực hết mình, chấp nhận vất vả.

Băn khoăn thứ ba là chúng ta thiếu dụng cụ, cần tiền mua thêm. Quy mô của mình dự kiến chỉ từ 200-300 khách, nay lên đến 600 khách thì phải sắm thêm nồi, chảo, thau, rổ, lò ga, lò than, gióng gánh, thúng, nia, chén, tô v.v… ít nhất phải 6 triệu đồng nữa. Cộng với 10 triệu ước tính dành cho số lượng hôm trước, chi phí “dàn khung” tổng cộng là 16 triệu. Chưa kể toàn bộ dụng cụ nhà cô Kim đem ra trưng dụng đã có tổng giá trị hơn 15 triệu. Chà, một lễ hội quy mô cỡ đó thì dàn khung cũng quy mô! Mình có tiền không vậy?

Thật sự, nếu có tiền thì mình cứ sắm, để xài luôn nhiều lần, nhiều năm. Bởi thế nào trong số khách dự của Sĩ Hoàng, sẽ có những vị chú ý đến Funnny Home và mời chúng ta tổ chức cho những nơi khác. Nghĩa là ước mơ nấu chay phục vụ mọi người mà cô Kim ấp ủ từ lâu sẽ thành tựu thêm một bước nữa. Với lễ hội, ăn không chỉ là ăn, mà còn là văn hóa, truyền thống, bản sắc dân tộc, hoằng pháp… Rất nhiều tác dụng sâu xa các bạn ạ!

Thôi, lấy ý kiến của các bạn nhé. Xin gởi về cô Kim gấp, để cô trả lời với chú Sĩ Hoàng và lên kế hoạch, chỉ còn hơn 1 tháng nữa thôi, nhanh lắm.

CẬP NHẬT TÀI CHÍNH LỄ HỘI ẨM THỰC CỦA FUNNY HOME Ngày 27-11-2011

CẬP NHẬT TÀI CHÍNH LỄ HỘI ẨM THỰC CỦA FUNNY HOME
Ngày 27-11-2011
SỐ TT
NGƯỜI THAM GIA
SỐ TIỀN
TỔNG CỘNG

CHI PHÍ đợt đầu



2 bộ áo dài nữ
760.000đ


2 bộ áo dài nam
740.000đ


22 áo bà ba và 10 quần
3.260.000đ


10 đôi guốc
310.000đ


1 cái dù đen
50.000đ


10 khăn rằn
95.000đ


9 áo lót (sợ áo bà ba mỏng, các bạn ngại)
100.000đ


3 cái sạp tre
480.000đ


4 ghế ngồi nhỏ bằng tre
120.000đ


Thúng, gánh, nia, rổ, khay…bằng mây, tre. Chén đĩa bằng sành truyền thống
760.000đ
6.675.000đ

Những vật dụng của riêng cô Kim mua sẵn trong nhà từ trước, cũng đem tham gia lễ hội (giá tiền tính ở đây chỉ là cho biết để bảo quản, chứ không tính vào tiền quỹ)
Rổ, khay, nia mây tre, chén dĩa bằng dừa, sành, thùng đựng trang phục, thùng đựng vật liệu, … 2.500.000đ







MẠNH THƯỜNG QUÂN


1
Dì Phụng (Úc) hỗ trợ đồng phục
3.000.000đ

2
Cô Kim
1.000.000đ
4.000.000đ
3
Anh Tín
400.000đ

4
Tạm ứng quỹ cơm chay, giáo dục
2.275.000đ
6.675.000đ

Vậy TỒN QUỸ cơm chay và giáo dục là 16.425.000đ