Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013

Ngành nghề nào đang thu hút lao động?


Ngành nghề nào đang thu hút lao động?
12/01/2013
Theo khảo sát của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, giai đoạn 2013-2015 đến năm 2020, thị trường lao động cần số lượng rất lớn kỹ thuật viên, nhân viên nghiệp vụ trình độ cao đẳng và trung cấp.
Nhóm ngành đang thiếu nhân lực
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc trung tâm, cho biết: “Không chỉ ở khu vực TP.HCM mà ở đâu cũng vậy, nhân lực thuộc các ngành nghề kỹ thuật, dịch vụ luôn luôn thiếu. Tại TP.HCM, trong năm 2013, nhóm ngành marketing - kinh doanh - bán hàng chiếm 27,08% nhu cầu nhân lực. Kế đó là nhóm ngành du lịch - nhà hàng - khách sạn - dịch vụ - phục vụ chiếm 19,92%, công nghệ thông tin - điện tử - viễn thông chiếm 7,79%...”.
 Theo quy hoạch phát triển nhân lực TP.HCM đến năm 2020, TP.HCM ưu tiên phát triển nguồn lao động cho những ngành có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, đảm bảo nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho 4 ngành công nghiệp chủ lực. Đó là cơ khí chế tạo chính xác - tự động hóa, điện tử - công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm theo hướng tinh chếhóa chất - hóa dược - mỹ phẩm. Trong đó, tổng số nhu cầu nhân lực bình quân hằng năm là khoảng 270.000 thì các nhóm này chiếm 17%, khoảng 45.900 lao động. Ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, nhóm ngành công nghệ thông tin ở đây gồm những chuyên ngành có tính “thời thượng” như thiết kế đồ họa, truyền thông đa phương tiện, lập trình… thì nhu cầu mới cao và mức lương mới hấp dẫn.
Còn lại, có 9 nhóm ngành kinh tế dịch vụ trọng điểm cũng ưu tiên nhân lực, trong đó có du lịch, giáo dục, y tế - chăm sóc sức khỏe… Điều đáng nói là nhóm ngành tài chính - tín dụng - ngân hàng chỉ chiếm 4% (khoảng 10.800 nhân lực), thấp hơn nhóm ngành du lịch (13.500 nhân lực) và giáo dục (21.600 nhân lực) chứ không còn độ nóng như thời điểm vài năm trước đây.
Cần lao động trình độ trung cấp
Sau khi khảo sát doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và doanh nghiệp bên ngoài, số liệu của trung tâm cho thấy lực lượng lao động cần nhiều nhất là ở trình độ trung cấp 21,52%, CĐ cần 11,21%, ĐH chỉ cần 12,31% và trên ĐH chỉ cần 0,5%.
Thật vậy, nhu cầu tìm việc phân theo trình độ năm 2012 cho thấy, chỉ có 13,31% người tốt nghiệp trung cấp đi xin việc, 27,81% CĐ và có tới 54,88% trình độ ĐH và trên ĐH, trong khi doanh nghiệp lại cần lao động học trung cấp nhiều hơn. Điều này dẫn đến tình trạng, sinh viên tốt nghiệp ĐH ra trường không có việc làm, trong khi việc làm đòi hỏi trình độ trung cấp nhiều mà lại không có người học.
Cần thay đổi nhận thức
Theo đánh giá từ khảo sát của trung tâm ở 2.080 doanh nghiệp vào quý 4/2012, lương bình quân của người đang làm việc lao động phổ thông, sơ cấp nghề khoảng 2,5 - 2,9 triệu đồng/tháng, nhân viên, chuyên viên kỹ thuật bậc cao có mức lương bình quân từ 5 - 10 triệu đồng/tháng. “Đó là chưa kể những nghề đặc biệt như hàn, lập trình mobile… thu nhập hằng tháng cao gấp nhiều lần mức lương của một sinh viên tốt nghiệp ĐH đi làm nhân viên bình thường” - ông Trần Anh Tuấn cho hay. Từ đó, ông Tuấn nhìn nhận, việc một thí sinh có học lực trung bình nhưng không chịu học TCCN, trung cấp nghề trong khi cố thi ĐH lần 2, 3 hoặc học nguyện vọng bổ sung để rồi ra trường rất khó xin việc, là một nhận thức lệch lạc cần thay đổi.
Mỹ Quyên (Thanh Niên)

Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2013

HỒI KÝ- DÒNG ĐỜI MIÊN MAN


HỒI KÝ- DÒNG ĐỜI MIÊN MAN
HOÀNG KIM

LỜI NGỎ

Từ nhỏ tôi đã nghe bà ngoại và má tôi, dì tôi ngồi kể chuyện đời mình. Cho tới lớn, vẫn còn nghe kể đi kể lại. Mỗi lần có dịp nào đó ngẫu hứng thì bà và má, dì, mới thủ thỉ cho nghe, và mỗi lần kể lại có cái mới xen vào cái cũ, khiến tôi và lũ em vừa được ôn lại vừa thú vị hóng nghe chuyện mới. Chuyện một gia đình bình thường thì có gì lạ! Nhưng nó hấp dẫn và cảm động vì nó làm cho chúng tôi hình dung ra ông bà tổ tiên của mình, thấy gần gũi, gắn kết như mới hôm qua, như còn ở cạnh bên nhau.

Gia đình tôi có truyền thống thương yêu gắn bó, nên những câu chuyện như thế không làm chúng tôi chán ngán. Tại sao ta có thể xem những bộ phim dài mấy chục tập của người xa lạ, của tưởng tượng, hư cấu, mà lại không kiên nhẫn và cảm động khi ngồi nghe lại bộ phim của chính dòng họ mình, những câu chuyện rất thật, rất đời? Lớp trẻ bây giờ chắc ít chịu ngồi nghe người lớn kể chuyện, mà người lớn bây giờ cũng bươn chải kiếm tiền quá độ đến không còn thời gian cho quá khứ, cho truyền thống, cho sợi dây huyết nhục. Đến khi văn hoá và truyền thống vỡ tan thì người ta lại gào lên rằng sao lớp trẻ bất hiếu quá, sao cha mẹ thờ ơ quá… Truyền thống phải được vun đắp và nối dài như sợi dây không được cắt đứt dù chỉ một mắt xích. Ông bà để lại cho cha mẹ, cha mẹ để lại cho cháu con…cứ thế mỗi thế hệ nối dài sợi dây. Và nối dài bằng chính tấm lòng của mình, bằng hành động tích cực, bằng những lời kể, tâm tình. Chuyện đã qua làm sao lũ trẻ biết được, chỉ còn cách kể lại, cùng nhau hồi nhớ và nâng niu. Biết được tổ tiên mình sống thế nào, cũng là bài học cho cháu con. Nếu đời sống tích cực thì đó là tấm gương để noi theo, để rưng rưng thương cảm. Con cái biết ông bà cha mẹ vất vả xây dựng nên ngôi nhà hay sự nghiệp thì sẽ biết trân trọng hơn những gì mình đang hưởng hôm nay. Nếu sống tiêu cực lỗi lầm thì cũng là kinh nghiệm cần tránh. Và những lời tâm sự đó sẽ kéo mọi người xích lại gần nhau.

Chị em tôi thường lắng nghe câu chuyện gia đình mình một cách say sưa, thú vị. Và khi lớn lên, tôi chợt giật mình, hình như chuyện của ông bà cha mẹ và của chính bản thân tôi đều có dấu ấn của lịch sử đất nước. Mỗi thân phận người trong dòng họ đều gắn với thời cuộc, như những chứng nhân cụ thể. Trải dài từ cuối chế độ phong kiến cho tới thời chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, rồi sau giải phóng, thời bao cấp, thời mở cửa, không thiếu giai đoạn nào. Dĩ nhiên không phải đầy đủ, nhưng cũng một phần phản ánh được xã hội, và chính xã hội ấy làm nên số phận, tính cách, không thua gì những bộ phim truyền hình dài tập. Tôi bỗng ấp ủ ước mơ sẽ viết lại chuyện gia đình mình như một hồi ký. Viết để cháu con sau này được đọc vì sẽ không còn ai kể lại nữa rồi, khi thế hệ của tôi chấm dứt. Viết để nhẹ lòng vì cảm thấy mình mắc nợ quê hương một điều gì đó không rõ. Quê hương Châu Thành- Đồng Tháp mà tôi sống ba mươi năm, còn ngoại và má tôi thì gần như trọn đời gởi gắm. Đó là quê ngoại thân yêu dù đi đâu cũng nhớ thương day dứt. Hai tiếng “quê ngoại” hình như gần gũi hơn cả nên đã là cảm xúc cho nhiều tác giả viết thành thơ, nhạc, vọng cổ, cải lương, phim truyện… Tôi hiểu điều đó bởi chính tôi cũng gắn với quê ngoại sâu sắc, cả đời.

Tôi ước mơ, nhưng rồi không có thời gian, bởi bôn ba chuyện áo cơm, nghèo khó. Đến 50 tuổi, bỗng mắc bệnh cột sống, thời gian làm việc cơ quan ít hơn, tiền kiếm ít hơn, nhưng lại ngồi nhà nhiều hơn, khao khát làm cái gì đó mà mình “thích” chứ không phải mình “cần”. Trong những đêm tôi thủ thỉ kể lại chuyện xưa cho con trai và cháu tôi nghe, nó hồ hởi và cảm động vô cùng, có lúc lặng đi, có lúc phấn khởi kêu mẹ ơi phải viết ra thôi mẹ. Ánh mắt và xúc cảm của nó đã làm tôi hưng phấn, và tôi mở máy ra viết. Từ những dòng đầu, tưởng sẽ mệt rồi mau chóng ngưng bút, nhưng không ngờ viết mấy ngày vẫn còn viết nổi. Thôi thì, cứ đi theo xúc cảm, mỗi ngày như con kiến tha  mồi, bao giờ đầy thì sẽ đầy. Hy vọng sẽ có điều kiện viết cho xong trong thời gian ngắn nhất. Vì không biết bệnh hoạn thế nào, công việc thế nào, nhà cửa thế nào. Rất nhiều thứ vây quanh, áp lực. Nhưng nếu không làm thì không biết bao giờ sẽ làm. Được một trang mừng một trang thôi vậy!

Tôi bắt đầu bằng kỷ niệm với bà ngoại, rồi từ đó sẽ theo chân má tôi, bước vào nhà nội tôi, rồi đến bản thân tôi. Xã hội cũng theo đó mà thay đổi, thăng trầm. Một bức tranh nhỏ lồng trong bức tranh lớn, đầy ắp nỗi niềm…

CHƯƠNG 1:
ÔNG BÀ HƯƠNG CẢ
Bà ngoại tôi tên Nguyễn Thị Thưởng, sinh năm 1902, tuổi Quý Mẹo, con của một gia đình nông dân tại Xẻo Lò, nay là xã Phú Hựu, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Đời bà cũng thăng trầm theo thời cuộc, nhưng kết thúc yên lành tại chính quê nhà trong tiếng niệm Phật của cháu con.

Bà về làm vợ ông ngoại tôi lúc mới 17 tuổi. Ông ngoại tôi là ông Đỗ Văn Chánh, vì làm hương cả của làng nên gọi là ông Cả Chánh. Ông có một đời vợ, đã mất, để lại đứa con trai tên Can, thường gọi cậu Hai Can, hai mươi mấy tuổi, còn lớn hơn “mẹ kế”, suy ra lúc đó chắc ông cũng trên 40. Bà ngoại tôi mồ côi mẹ sớm, nhưng hiền lành lễ độ, nên ai đó đã làm mai mối cho ông ngoại. Nói đúng hơn, người ta đánh tiếng cho bà cố tôi đi coi mắt, rồi cưới về, chứ ông ngoại tôi hoàn toàn thụ động. Dù là ông cả thì vẫn phải phục tùng câu “Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó”. Bà ngoại vì thương cha, thương anh em nghèo khó, nên đành lòng ưng thuận một người lớn tuổi như vậy, chứ không hề có tình yêu. Đám cưới rỡ ràng đến choáng ngợp. Một đoàn ghe bầu cờ xí hực hỡ, nhạc lễ trống kèn cheng cheng vang dậy từ đầu sông dài cho tới vô ngõ nhà bà, làng xóm đứng hai bên bờ chen nhau coi như coi hát. Trên ghe, ông bà nào cũng áo dài khăn đóng trang nghiêm, heo quay nguyên con to đùng, hàng chục mâm quả sơn son đỏ rực. Vô tới nhà gái, đàng trai trình lễ cưới là cả hộp vàng, nào dây chuyền, bông tai, lắc tay, nhẫn, xuyến…Pháo nổ vang trời khiến ông bà cố ngoại tôi nở mày nở mặt. Thôi thì như vậy cũng xứng đáng cho một đời con gái của bà ngoại.

Dòng họ ông ngoại từ cha mẹ tới anh em đều giàu có, ruộng đất bề bề, riêng ông được làm hương cả càng thêm oai vệ. Chức hương cả có lẽ tương đương với trưởng ấp bây giờ, nhưng hồi đó rất có uy, đi đâu có “lính” theo hầu, chưa kể người làm công trong nhà rất nhiều, ông sai khiến chuyện gì là làm theo răm rắp. Ông quản lý địa phận của mình rất chặt chẽ, trộm cắp mà bị lính ông bắt được là ông bắt đem ra giữa sân đình đánh roi tét đít. Ông cực kỳ ghét những trò mê tín đị đoan. Có lần ông “chơi” lão thầy pháp một trận tởn tới già. Ông giả bộ trợn mắt phùng mang, nói năng lảm nhảm, kêu lính gọi ông thầy pháp tới chữa trị. Lão thầy pháp nói ông bị ma tà nhập, phải quấn chiếu lại rồi đốt nhang, phun nước thánh gì đó tùm lum. Ông ngoại cũng chịu quấn chiếc chiếu coi thử lão thầy pháp này làm trò gì. Nhưng đúng lúc thầy hô phong hoán vũ thì ông ngoại tung chiếu ra, hét lớn: “Nè, tao cho mầy chết! Ma tà gì ở đây! Đồ lừa gạt! Bây đâu, đánh cho nó hai chục roi!”. Thế là lão thầy pháp cuốn gói dông khỏi làng, không dám quay lại.

Ông ngoại rõ ràng là địa chủ nhưng không cường hào ác bá. Ông sống rộng rãi, hào sảng, người nào quá nghèo thì ông đem tiền cho, dân làng rất thương mến. Ông chẳng cần bóc lột, vì dòng họ giàu sẵn rồi, vườn ruộng thu hoạch hằng năm đầy bồ đầy lẫm. Xứ sở này lại chẳng mấy khi thất mùa, mà mưa thuận gió hoà, cây lành trái ngọt, phù sa đỏ au vun đắp, nên nông dân mướn ruộng của ông có lúa ăn khá đầy đủ, và xuống sông xuống mương kiếm cá tôm dễ ợt, đâu đến nỗi đói. Bà cố của tôi (mẹ của ông ngoại) sẵn sàng giảm lúa tô cho gia đình nào gặp hoạn nạn, chứ không nghiệt ngã như hình ảnh địa chủ mà phim hay kịch thường làm.
Ông ngoại chỉ cái tội là thích đi đánh bài và mèo mỡ. Đó là tật chung của các ông chính quyền thời ấy. Ông đánh bài có khi sáng đêm, ăn thua dữ dội. Thảo nào mà cậu Hai Can sinh ra giống y, cũng mê say cờ bạc. Cậu ăn cắp vàng của ông ngoại, chơi bài thua sạch bách. Ông bắt cậu về đánh, rồi nhốt trong phòng, với lý do “Tao lớn rồi, tao có quyền chơi, còn mầy phải lo làm ăn”. Nhưng làm ăn sao được, khi cậu ấm có sẵn một gia tài để lại, khi cậu có một người cha địa vị, và dĩ nhiên khi cậu có một “tấm gương” để bắt chước ngay từ hồi nhỏ. Cậu bị nhốt bị đánh nhiều lần như thế, đến một lần cậu bị nhốt đâu cả tuần lễ thì bà ngoại tôi (“dì ghẻ” của cậu) lén tới mở cửa cho cậu trốn đi. Bà nói: “Ổng mà bắt được là đánh chết luôn đó. Dì cho con tiền đi xa làm ăn sinh sống, chừng nào yên yên thì hẵng về thăm ổng”. Cậu Hai trôi dạt về xứ Bà Lang, nay thuộc tỉnh Vĩnh Long, rồi có vợ luôn ở đó.

Ông ngoại mèo mỡ nhiều lắm. Ông đi “khám điền thổ” hoài, giống ông huyện trong tuồng cải lương Ngao Sò Ốc Hến. Ông đi cả đêm không về, làm sao bà ngoại không ghen cho được. Bà đi bắt ghen, cũng ban đêm lần mò theo dấu ông, rồi ngồi canh chừng ông đi ngang mà túm áo. Nhưng bắt hoài cũng chán, riết hết thèm ghen, bởi ông có mèo mỡ ở đâu nhưng cũng coi bà là chính thất được cưới hỏi đàng hoàng, không hề dám xúc phạm. Thôi thì đàn ông dĩ nhiên trăng hoa, bà không thèm nghĩ nữa mà tập trung vô nuôi dạy những đứa con lần lượt ra đời. Hai đứa con gái đầu lòng của bà đều bệnh mà chết non khi vừa mấy tuổi, chỉ còn lại hai đứa con gái sau cùng, là dì Năm, tục gọi Năm Nếp, và má tôi, thứ Sáu, gọi là Sáu Cưỡng. Sở dĩ đặt như vậy bởi đã có cậu Hai Can, thì tiếp theo phải là dì Ba, dì Tư, rồi Năm Nếp, Sáu Cưỡng.

Ông ngoại tôi có phước mới sinh ra trong nhà giàu có, uy thế, nhưng chính ông đã làm tổn phước của mình bằng tật cờ bạc và mèo mỡ, sau này ông trở thành người rất nghèo. Tôi muốn lý giải điều này theo cái nhìn Phật giáo hơn là lý giải theo chính trị học, rằng ông bị giai cấp nông dân lật đổ. Dĩ nhiên khi cách mạng nổi lên, súng nổ khắp phía, ông bà ngoại phải bồng bế con cái chạy đi, gọi là chạy tản cư, sinh sống nơi khác, bỏ lại ruộng đất cho người ta chiếm lấy, chia chác nhau, thậm chí cả anh em ruột của ông cũng lấy đất ông, không trả lại, thì nói chi người dưng. Ông trắng tay, nhưng không hề có ý định tranh giành lấy lại. Khi tiếng súng tạm yên, mọi người trở về quê, bà ngoại tôi kêu ông nói mấy người anh em trả lại vài công đất cũng được, ông lắc đầu: “Thôi mà, nói tới nói lui sứt mẻ tình cảm hết!”. Chính vì vậy mà bà ngoại tôi giận luôn, bởi mọi gánh nặng đã dồn hết lên đôi vai gầy yếu của bà. Ông là địa chủ, hương cả nhưng không bị chính quyền cách mạng căm thù ghét bỏ, bắn giết hay bắt bớ. Ông sống bình yên trong biển lửa thời cuộc, coi như cũng còn chút phước nhờ khoan dung với người nghèo.

Trở lại chuyện bà ngoại tôi khi về làm dâu nhà ông Cả Chánh. Bà cố tôi quả là một người mẹ chồng tuyệt vời, mà mãi khi bà ngoại hơn 80 tuổi vẫn ngồi nhắc mẹ chồng với lời lẽ ngọt ngào, cảm động. Bà ngoại hay kể đi kể lại những kỷ niệm, nhờ đó tôi được “ôn bài” hoài, không quên. Bà cố chấp nhận đứa con dâu trẻ người non dạ, và hết sức thương yêu, đào tạo, bảo vệ nó. Đủ cả bốn động thái này, chấp nhận- thương yêu- đào tạo- bảo vệ. Bà cố đi cưới bà ngoại tôi mới 17 tuổi, rõ ràng chấp nhận bà ngoại không thể giỏi giang như người ta. Và bà cố thương yêu bà ngoại mồ côi mẹ sớm, vừa thiếu tình thương, vừa lo sợ khi phải đi xa. Bà cố ra sức dạy dỗ con dâu từng li từng tí, từ nết ăn nết ở, đến nấu nướng, quản lý gia đình. Rồi khi ai háy nguýt con dâu thì bà chở che, nói khéo. Cái đám giỗ đầu tiên khi bà ngoại mới về làm dâu, chưa hề biết nấu món ăn và làm bánh, thì bà cố đã làm tất cả. Khi đem lên cúng kiến, mọi người trầm trồ, hỏi ai làm vậy, thì bà cố mỉm cười: “Vợ thằng cả làm đó!”. Đám giỗ nhà địa chủ lớn cỡ nào khỏi nói. Bà cố tôi có tới 8 người con, trong đó mấy nàng dâu đua nhau tài nữ công, đem bánh trái thức ăn trình làng y như thi ẩm thực, và có người đã liếc xéo coi bà mẹ chồng này chấm điểm cô con dâu thứ năm ra sao. Họ cũng có phần khó chịu vì bà mẹ chồng cưng cô con dâu này hơn hết, trong khi họ bề thế hơn hẳn mà lại không được chú ý cho bằng. Bà cố thường nhắc họ: “Con Bảy nó mồ côi, mình phải thương nó nhiều hơn để nó đừng tủi thân, nó mới ở với mình lâu dài chứ!”. Nhưng làm sao tránh được sự ganh đua trong giới chị em, cho nên đám giỗ là dịp để họ “hạ bệ” cô em dâu một chút. Không ngờ bà cố tôi đã đánh tráo sản phẩm, giữ uy tín cho cô dâu trẻ, khiến bà ngoại tôi nước mắt chảy dài cảm ơn mẹ chồng tận trong trái tim.

Sau đó thì bà cố ra sức dạy bà ngoại làm bánh, nấu ăn, và bà ngoại đã xuất sắc hoàn thành kỳ vọng của mẹ chồng. Trong ký ức tuổi thơ tôi vẫn còn nhớ mấy chục món ăn và bánh trái mà bà ngoại đã làm cho chị em tôi ăn. Nào bánh bò, bánh da lợn, bánh tai heo, bánh bông lan, bánh chuối, bánh quai vạt, bánh bao chỉ, bánh kem bắt bông đường, bánh mè, bánh ít trần, bánh tét lá tro, bánh phu thê (hồi ấy quê tôi gọi là xu xê), bánh thuẫn, và rất nhiều thứ bánh nữa mà tôi không biết hết tên…Bây giờ đi vào cửa hàng thấy những dãy bánh ngọt mắt đều gợi nhớ bàn tay của ngoại. Ngoại nói: “Công lao của bà cố nhiều lắm!”. Bà cố âm thầm đào tạo con dâu để nó đủ công dung ngôn hạnh xứng đáng vai trò “bà hương cả”, không bị ai ăn hiếp. Hồi đó nếu người phụ nữ không đảm đang giỏi dắn thì bị chị em bên chồng và chị em dâu háy nguýt ngay, mà người dân trong vùng cũng không nể nang. Ngày xưa phụ nữ ít được đi học, thì không có bằng cấp học vị, chỉ có thể chứng tỏ đẳng cấp qua tài nữ công gia chánh. Khi bà ngoại tôi đã giỏi giang thì ông ngoại tôi cũng nể hơn, lăng nhăng ở đâu cũng về với vợ.

Khi bà ngoại sinh con, bà cố nuôi kỹ lưỡng vô cùng. Bà cố bắt ngoại nằm than đến 2 tháng, và chính bà nấu những món ăn tẩm bổ, không dám để gia nhân nấu sợ họ bất cẩn làm hư. Một tháng bà cố mới cho ngoại gội đầu, mà chính tay bà cố gội chứ không ai được nhúng vô. Bà cố bắt ngoại nằm trên giường, đầu gác ra ngoài một chút, rồi bà múc nước xối cho con dâu, từng gáo nhỏ cẩn thận, dịu dàng, vừa làm vừa thủ thỉ: “Ráng chịu đi con, chớ thấm nước sớm sau này sẽ bị lạnh, bị đau xương. Đàn bà sanh đẻ phải chịu kiêng cữ như vậy thì mới khoẻ mạnh”. Có lẽ nhờ vậy mà ngoại tôi thọ tới 92 tuổi. Bà cố coi dâu như con ruột, khác hẳn hình ảnh bà hội đồng trong vở kịch Lá sầu riêng của kỳ nữ Kim Cương. Nhưng có lẽ đây cũng là người mẹ chồng hiếm hoi trong lịch sử.

Bà cố tôi thương con dâu thứ năm bởi nó hiền lành và không tham lam. Có lần bà kêu ngoại tôi vô phòng, lấy hộp vàng ra cho coi. Vàng đựng đầy hộp, nữ trang thật đẹp, rực lên một màu. Bà cố nói: “Má giấu ở đây, con coi chừng. Còn mấy hộp nữa, sau này má để lại cho con”. Bà ngoại tôi xua tay: “Thôi thôi, má nói chi xa dữ vậy. Má còn sống thì má cứ giữ, con không biết đâu”. Bà ngoại tự nhủ không biết mẹ chồng có thử mình hay không. Nhưng ngoại không mờ mắt, không hề tơ hào một chút gì. Bà cũng không lòn tiền về cho gia đình mình, rất ít khi giữ tiền trong tay. Bà sống nhẹ nhàng và hồn nhiên bên bà mẹ chồng cho tới khi bà cố qua đời vì già yếu. Đám ma chộn rộn đông người, mấy hộp vàng đã “không cánh mà bay”. Ông ngoại tôi nói thực lòng là ông không hề biết. Bà ngoại không tiếc vàng, chỉ sợ bà cố không an lòng nơi chín suối.

Đám ma bà cố lớn lắm, dĩ nhiên, vì ông ngoại hương cả của tôi có biết bao nhiêu mối quan hệ. Bà ngoại tôi cuống quít nhờ người đem tiền về cho cha mình, bảo phải mướn một chiếc ghe bầu và dàn nhạc lễ, sắm con heo quay nữa, để đi phúng điếu. Bởi mấy nhà sui của bà cố đều mướn ghe bầu đi đám tang như vậy. Đó là tục lệ hồi đó dành cho giới có tiền, sang trọng. Nhà bà ngoại tôi nghèo, không đua đòi, nhưng vì thể diện của con gái mà phải ráng. Bà ngoại tôi thấp thỏm đứng ngồi không yên, chỉ tới khi thấy chiếc ghe xuất hiện nơi đầu sông bà mới thở phào. Làng xóm đứng hai bên bờ sông đông nghẹt, nhìn từng chiếc ghe lần lượt đi tới. Ghe nào cũng trống kèn inh ỏi, heo quay và mâm quả đỏ rực, áo dài khăn đóng chỉnh tề. Bà ngoại tôi nhẹ cả người, vì chiếc ghe của cha mình cũng không kém mấy sui gia kia. Đôi khi cuộc sống có những điều tế nhị như thế. Nghi lễ, văn hoá, tiền bạc có khi hoà trộn vào nhau, không thể nói là cái này xấu hay tốt, là cái này cần hay không cần. Danh dự, sĩ diện, lễ nghĩa hình như không thể phân định rõ ràng. Ráng đi đám tang cho bằng người ta thì bị lên án là đua đòi. Nhưng nếu gia đình bà ngoại tôi đi đúng như thực lực nghèo khó của mình thì biết đâu người ta lại nghĩ rằng coi thường sui gia. Miệng đời có trăm lối xoay chiều. Thôi thì chỉ biết là “làm giống” mấy sui gia kia để an tâm. Chấp nhận thứ lễ nghĩa và văn hoá chung của cộng đồng có lẽ là cách yên ổn nhất, bởi xét cho cùng thì lúc đó xã hội chưa phát triển như bây giờ, một cá thể nhỏ bé như bà ngoại không thể nào dám phản ứng với cộng đồng. Bây giờ người ta có thể lấy nhau mà không cần cưới hỏi, có thể sinh con một mình, hoặc không thèm những nghi lễ phiền phức, bởi xã hội đã tôn trọng tự do cá nhân, cái tôi được tôn vinh hơn nhiều. Còn lúc đó, bà ngoại tôi chỉ là cọng lục bình trôi theo dòng sông thời cuộc…
----------------o0o-----------------

Dòng sông cuốn bà ngoại tôi đi xa rất xa, và sóng gió bắt đầu nổi lên suốt mấy chục năm sau đó. Bà cố mất, hai đứa con gái đầu lòng cũng mất, đó là nỗi đau lớn của bà ngoại. Rồi cách mạng nổi lên, ông ngoại mất chức, mất ruộng, cũng đi chạy loạn, trở thành tay trắng như bao người. Hai ông bà ẳm dì Năm và má tôi xuống tận Cầu Kho, nay thuộc xã Tân Hạnh, huyện Long hồ, tỉnh Vĩnh Long. Ở nhờ trên miếng đất của bà con nông dân tốt bụng, bà ngoại và dì Năm buôn gánh bán bưng, còn ông ngoại ở nhà trông chừng đứa con gái nhỏ, tức là má tôi. Má tôi sinh năm 1938, tính tới khi cách mạng bùng nổ 1945 thì rõ ràng mới 7, 8 tuổi đầu. Nghèo rớt mồng tơi, đó là số phận của gia đình này sau khi chấm dứt thời vàng son cuối cùng của chế độ phong kiến.

Bà ngoại tôi và dì Năm sắm chiếc ghe bầu có mui, chèo xuống tận Cần Thơ mua heo con về bán. Hai mẹ con đem theo cái cà ràng, củi, nồi, đi tới đâu nấu cơm ăn tới đó. Cà ràng là bếp lò bằng đất của người dân Nam Bộ. Ông ngoại tôi tự nắn cà ràng bằng đất sét trộn với trấu, nung lên rất chắc chắn. Má tôi kể ông ngoại tôi khéo tay vô cùng, nắn cà ràng rất đẹp, không chỉ trong nhà xài mà bà con chung quanh còn tới chia lại, ông không lấy tiền mà vui vẻ tặng không, ai cũng thương, đem cho cá mắm, gạo củi coi như đền công. Ông lủi thủi ở nhà trông con vì lúc đó tuổi cũng khá cao, lại không biết nghề ngỗng gì, từ một ông địa chủ hương chức hội tề rớt xuống đáy xã hội ông trở nên vụng về trong cuộc mưu sinh. Nhưng lạ, bản chất hiền lương ngày càng đậm nét, ông sống an phận, hoà đồng, không than van, vùng vẫy, khó chịu, hối tiếc gì cả. Ông chấp nhận cuộc sống mới dễ dàng, ngày ngày quanh quẩn bên căn nhà nhỏ, lúc thúc cùng con gái, nấu cơm cho nó ăn, đút nó từng muỗng, rồi tắm con, làm đồ chơi cho con bằng lá chuối lá cây hoặc đẽo bằng cây gỗ xoài gỗ tạp. Ông cưng con đến nỗi sau này khi má tôi đã già mà vẫn kể về cha mình với giọng bùi ngùi thương nhớ. Cha già con mọn, có lẽ bây giờ ông mới nhận ra đây là niềm vui lớn nhất so với hồi xưa vui cờ bạc mèo mỡ. Ông hiền đến nỗi bà ngoại tôi cằn nhằn la lối thế nào ông cũng nín thinh nhẫn nhịn, và má tôi là người phải bênh vực ông. Bà ngoại tôi vì quá vất vả lo cho gia đình nên đổi tánh một chút, đó là lẽ thường tình. Thời cuộc như chiếc đũa thần, có thể làm người ta thay đổi tính cách? Thật ra trong sâu thẳm con người vẫn tiềm ẩn một căn tánh mà khi đúng duyên đúng thời thì nó sẽ trỗi dậy. Như ông ngoại tôi, tiềm ẩn một thiện căn, còn bà ngoại thì tiềm ẩn một sự năng động, mạnh mẽ. Ai cũng vượt qua được sóng gió, không ai gây tội ác hoặc gục ngã, đầu hàng. Cả gia đình dìu nhau đi cùng với bao nhiêu con người Việt Nam giàu nghị lực, qua hết những năm tháng loạn lạc, khổ đau của đất nước.

Bà ngoại và dì Năm chèo ghe miệt mài trên dòng sông thăm thẳm, chèo như sút cánh tay mà không thấy bờ ở nơi nao. Sông Hậu ra tới khúc giữa thì đâu còn thấy bờ, cứ như con rồng khổng lồ quẫy đuôi để kết thúc dòng Mê Kông vĩ đại. Nửa thế kỷ sau tôi đi công tác về Cần Thơ vẫn phải qua phà sóng dập dồn mỗi khi nước đổ, chợt nhớ chiếc ghe bầu ngày xưa nhỏ như chiếc lá trôi lênh đênh giữa dòng sao mà thê thiết, hắt hiu. Buổi sáng bà ngoại và dì thức dậy thật sớm để chèo cho đỡ nắng, sương giăng mờ mặt sông, mà lòng người cũng mịt mờ nỗi lo tương lai không biết về đâu. Chèo đến khi rã rời đôi tay thì kiếm một bóng bần nào đó tấp vào, lục đục nấu cơm. Khói bếp lan ra mỏng như phận người, và xa xa là tiếng súng vẫn còn đì đùng thấp thỏm. Ban đêm cũng tấp vào bụi bần cắm sào ngủ lại, đom đóm lập loè trên ngọn bần đẹp như sao trời, như lập loè một tia hy vọng vào ngày mai tươi sáng hơn. Không có hy vọng thì không thể nào đủ sức thức dậy vào sáng hôm sau tiếp tục cuộc hành trình thăm thẳm. Ban ngày là nỗi lo nhưng ban đêm phải rực lên hy vọng, dù là trong mơ, để người ta còn dám sống, dám yêu thương.

Cứ như vậy mà hai, ba ngày mới tới Cần Thơ, bà ngoại và dì mua chừng chục con heo nhỏ vừa dứt sữa mẹ, quay ghe trở lại Cầu Kho. Lại mấy ngày chèo ghe mệt mỏi, về tới nhà suýt soát một tuần. Đem heo ra chợ nhỏ bán lẻ, hoặc chia cho bà con trong vùng, tiền lời xoay sở mua gạo, tương, mắm muối. Những chú heo con đã đi vào ký ức dì tôi như thế, vừa dễ thương vừa nuôi sống được mình nhưng cũng quá vất vả, mỏi mê. Dì sinh năm 1928, lúc chạy tản cư chỉ chừng 17 tuổi, tóc thề lưng lửng, người thanh mảnh, gầy gầy. Mãi sau này hơn 80 tuổi dì vẫn gầy như chiếc lá tre, và nhắc lại những tháng ngày chèo ghe ấy với hơi thở dài và nụ cười xen lẫn. Dì nhắc chuyến đi ghe trở về mười chú heo con quậy tưng bừng trong sạp, phá như quỷ sứ, loi choi không ngớt. Hai mẹ con không thể cùng chèo như trước mà có khi một người phải bỏ chèo để vào sạp chăm sóc lũ heo. Cho ăn, hốt phân, chắn gió…Vì vậy lượt về phải đi lâu hơn. Dì ẳm bồng mấy con heo vừa muốn nựng vì cái mặt nó quá chừng thấy thương, nhưng cũng có lúc “muốn oánh nó thấy bà!” vì nó làm dì cực quá. Cô thiếu nữ nhà giàu con ông hương cả thoắt cái trở thành người lái heo, thật là trớ trêu! Nhưng dì đâu biết tủi hờn gì, cũng bản chất hiền lành chịu đựng y như ông ngoại, làm xong bổn phận rồi thì vui vẻ như không, vui với mẹ cha và đứa em gái nhỏ. Dì cưng má tôi như nâng trứng, về tới nhà là ẳm em đi chơi. Dì và má cách nhau tới 10 tuổi, nên dì thương má vô cùng. Hai chị em như hai con chim non lúc nào cũng quấn quít bên nhau, mãi sau này khi má tôi mất dì 80 tuổi vẫn ngồi đọc hoài lá thư của má, đọc đến tờ giấy mỏng ra sắp rách và mỗi lần đọc là nước mắt lại tuôn rơi…

Buôn heo con một thời gian, ngoại tôi không kham nổi, nên ngưng. Bà ở nhà làm bánh cho dì Năm đội đi bán. Bà làm đủ thứ bánh, bánh ít, bánh tét, bánh bò, bánh chuối, da lợn, bông lan… Dì đội mâm bánh trên đầu, má tôi đòi đi theo, dì dẫn em lóc cóc cùng đi. Hai chị em vô xóm bán, rồi đi xa hơn. Có khi đi ngang “bót” lính cộng hoà, mấy ông lính kêu vô ăn đã đời rồi không trả tiền. Dì la lên, mấy ổng đưa trái lựu đạn ra hỏi: “Có cái nầy nè, mầy lấy hông?”. Hai chị em hết hồn ba chân bốn cẳng chạy về nhà, khóc hu hu với mẹ. “Con không đi bán nữa đâu, sợ quá!”. Bà ngoại tôi dỗ: “Không bán nhà mình chết đói sao con! Con đi tránh xa cái bót là được”. Nhiều lần khác, dì đi vô xóm có mấy người cách mạng, họ ăn xong trả tiền rất đàng hoàng tử tế, nhưng tiền của cách mạng, đem ra ngoài xài không được. Hồi đó nhiều làng xã sống đan xen giữa hai chính quyền như vậy. Ban ngày là quốc gia, ban đêm là Việt cộng, hoặc ranh giới không rõ ràng, người này người kia sống gần nhau nhưng có khi không biết ai thuộc phe nào. Dì tôi ngơ ngác với chính trị, chỉ biết là mỗi khi gặp lính của hai bên thì coi như hôm đó mâm bánh bị lỗ.

Dì Năm đi bánh bán một thời gian thì gặp dượng Năm tôi, cả hai để ý thương nhau. Thế là dì không chịu đi nữa, kêu má tôi đi bán một mình. Má tôi tức lắm, nhưng phải đi chứ làm sao. Dì Năm nước da tuy hơi đen nhưng bù lại dáng người và gương mặt rất thanh tú giống y ông ngoại, còn má tôi mặt tròn, người thấp giống y bà ngoại. Sau này tôi lượm được một tấm hình trắng đen dì và má chụp chung hồi còn trẻ, chao ôi dì thật là xinh xắn dịu dàng! Thảo nào mà dượng tôi là con nhà giàu lại đeo đuổi dì bất chấp cha mẹ không vừa ý. Nhà dượng đất đai và trâu bò rất nhiều, ông bà bên đó dĩ nhiên ngại làm sui với dân tản cư ở nhờ ở đậu. Nhưng được cái là tiếng tăm của ngoại tôi cũng tốt, nên cuối cùng hôn lễ cũng thành. Đám cưới dì, má tôi khóc quá trời quá đất vì tuổi ngây thơ của má cứ tưởng “mất” chị luôn rồi. Sau này không hiểu sao dì dượng lại ra riêng, nghe nói dượng cãi lời cha mẹ sao đó mà quyết chí tự lập thân. Dì dượng phải bươn chải rất cực, con cái lại lóc nhóc ra đời liên tiếp, má tôi phải phụ trông con giùm dì, là những đứa cháu chỉ nhỏ tuổi hơn mình đôi chút, nghe nó kêu “dì Sáu” mà bắt tức cười. Dượng nuôi mấy con trâu, gần như ngày nào cũng đánh trâu vô đồng cày ruộng hoặc cho ăn cỏ, dì ở nhà xoay sở với lũ con đến tối mắt tối mũi. Buổi tối khi dượng về nhà, ăn cơm xong, đốt điếu thuốc rê, uống ngụm rượu khề khà, vậy là xong một ngày, đi ngủ, ít nói năng, giao tiếp. Cuộc sống vợ chồng dần trở nên tẻ nhạt. Sau này tôi thường xuống thăm nhà dì, cứ đi vô đường làng là nghe mùi rơm mục và phân trâu nồng nàn, vì cả làng đều nuôi trâu, đánh rơm. Những cây rơm thật cao, màu vàng ngọt lịm. Và mùi rơm, mùi phân trâu quyện với mùi bùn trở thành một mùi thật khó quên, mới nghe thì khó chịu nhưng lâu ngày lại thấm thía, nhớ nhung, quyến rũ, đúng là cái mùi làng quê không lẫn vào đâu được.

Nghề làm bánh của ngoại tôi giúp gia đình sống được một thời gian tại Cầu Kho, rồi khi tiếng súng yên yên, cả nhà dắt díu nhau về lại Xẻo Lò . Đất đai giờ bị người ta lấy hết, cả nhà lại ở nhờ bà con trong vùng. Má tôi bắt đầu lớn, gánh vác trách nhiệm cho bà ngoại. Má đi làm bạn hàng xáo, tức là mua lúa đem ra nhà máy xay thành gạo, rồi bán gạo kiếm lời, tấm cám thì nuôi vịt nuôi heo. Làng xã bấy giờ cũng theo kiểu ban ngày quốc gia ban đêm Việt cộng, không biết phân biệt đâu là đâu. Má tôi kể có lần má và cô bạn bơi xuồng ra nhà máy xay gạo, trên xuồng có mấy bao lúa, thì bị ông lính giữ bót ngoắc lại. Lính quốc gia lập trạm lập bót trên sông lẫn trên đường bộ nhiều lắm, để xét hỏi, truy tìm Việt cộng. Má tôi tấp xuồng vô, ngơ ngác. Nhưng cô bạn thì lập tức lanh lợi lạ thường, cứ cười nói đung đưa giả lả, ông lính cũng tít mắt nói cười vui vẻ rồi cho xuồng đi không xét gì hết. Khi đã bơi xuồng đi xa, cô bạn mới nói thiệt là cô có giấu mấy cây súng dưới xuồng, vì cô là người của cách mạng. Má tôi xanh mặt, muốn rớt tim, từ đó không hùn hạp với cô bạn nữa. Má đi buôn gạo một mình, cũng đủ lo cho cha mẹ.

Ông ngoại tôi đã già, bắt đầu bệnh nặng. Ông bị bệnh gì ở mũi mà rất đau đớn, rồi chảy mủ, chảy máu, có giòi xuất hiện. Má tôi chăm sóc cha rất kỹ, cho đến khi ông qua đời. Má tôi có hiếu nổi tiếng trong vùng. Khi ông ngoại mất, má phải đi vay mượn để làm đám tang vì bà con đông lắm, bên chú bác lại khá giả, không lẽ để cha mình chết trong hiu quạnh. Và tục lệ ở quê làm đám thường  ba, bốn ngày, bà con, làng xóm tới ăn ở rất tốn kém, nếu không lo chu đáo thì họ sẽ cười ông ngoại tôi. Vì giữ thể diện lần cuối cho cha mình, má tôi chấp nhận nợ nần. Sau đó, má tiếp tục nghề làm hàng xáo để trả nợ. Ông ngoại tôi khuất bóng, chấm dứt hình ảnh ông hương cả năm nào. Mộ của ông nằm thoi loi giữa ruộng, sau mấy chục năm má tôi mới có khả năng bốc mộ ông đem về đất của ông Chín là em ruột bà ngoại, xin được chôn nhờ cạnh mộ bà ngoại. Ông chỉ là anh rể của ông Chín, nhưng con cháu của ông Chín cũng chấp nhận vì như vậy thì hai ông bà mới được gần nhau. Má tôi bốc mộ cha vì quá đau lòng khi thấy những thửa ruộng kế bên cứ lấn dần ngôi mộ đến nỗi sụp lở, suýt lăn xuống mương. Khi bốc mộ, phía trên vẫn còn cái núm xi măng mà bên dưới tìm hoài không thấy hài cốt nơi đâu. Hoá ra đất đai xê dịch thế nào mà hài cốt trôi đi rất xa, má phải khấn vái mới tìm ra được. Thợ bốc mộ cũng nói nhiều ngôi mộ khác xê dịch y như vậy, tìm hoài không thấy mà chỉ cần khấn vái là được ngay. Mỗi năm, dì Năm tôi và con cháu đều vào cúng mộ, sửa sang sạch sẽ, còn gia đình tôi đã lên Sài Gòn sinh sống, mỗi năm về một hai lần thì mới vô thăm ông bà.

Thật lạ, còn ngôi mộ nơi ấy thì còn có cảm giác gần gũi quê nhà, gắn bó cháu con. Dù sau này tôi vẫn muốn hoả táng ông bà cha mẹ rồi đem vô chùa theo đúng tập tục của người Phật tử, cho vong linh dễ siêu thoát, nhưng dì Năm và các anh chị tôi, (con của dì) không chịu. Thôi thì để lại coi như chiếc neo của làng quê, dòng tộc, còn có điểm tựa để quay về. Ít nhất con cháu cánh dì Năm còn có dịp phủi mộ, gần gũi nhau. Đường vào đất ông Chín bây giờ thoáng đãng, xe honda chạy trên nền xi măng veo veo, hai bên cây trái xanh mượt, dòng kênh uốn quanh thơ mộng. Ông Chín có hai người con là cậu Năm Thành và dì Sáu Huệ, đã đi Mỹ định cư. Cậu Năm già yếu, bị bệnh chết, chở quan tài về Việt Nam chôn ngay đất nhà, là mảnh đất hiện nay thằng Phương con trai cậu đang ở, trông coi tất cả mồ mả ông bà, trong đó có mộ ông bà ngoại của tôi. Mỗi lần về quê tôi và mấy đứa em Hiệp, Loan, Nhung đều dẫn con vô nhà Phương, thăm đất thăm người, được Phương đãi mấy thứ trái cây trồng trong vườn như mít, dừa, nhãn, ổi, vui vui làm sao. Cái gốc quê của mình làm sao bỏ được! (hết chương 1)
(còn tiếp)


ảnh 1: Bà ngoại (chụp ở Cái Tàu Hạ) 
ảnh 2: Bà ngoại và cu Hiệp cháu ngoại
ảnh 3: Dì Năm và má đi chơi Đà Lạt
ảnh 4: Dì Năm 84 tuổi 
ảnh 5,6,7: Con cháu đi thăm mộ ông bà ngoại 2012