Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

Nhà sư bị khóa môi: Nguyên nhân, Hậu quả và Bài học kinh nghiệm


Nhà sư bị khóa môi: Nguyên nhân, Hậu quả và Bài học kinh nghiệm
09/11/2012 Thích Minh Tuệ
Bây giờ Đàm Vĩnh Hưng đang ở đâu, nghĩ gì và làm gì? ĐVH có thật sự nhìn thấy cái sai của mình không hay là ung dung nhởn nhơ mặc cho 2 Sư bị xử phạt, mặc cho búa rìu dư luận thoáng qua tai?
Tôi đã vào trang www.phattuvietnam.net sau khi vừa nhìn thoáng qua hình ảnh và sự kiện, tôi có nhận xét ngắn khoảng nửa trang, gửi đến chư Tăng khắp nơi để cùng nhìn vào sự kiện. Lúc đó tôi đang ở trong trường Đại Học, không thể viết nhiều được.
Thế rồi làn sóng công việc lại cuốn hút tôi. Đến nay thì đã có nhiều bài báo và nhiều người bàn về việc này rồi, hơn nữa Thượng Tọa Trụ Trì và Tăng Chúng Thiền Viện Phước Sơn cũng đã họp chúng Yết Ma, Xử Phạt biệt chúng 3 tháng đối với 2 Tu Sỹ Thích Giác Ân và Sư Pháp Định, đối tượng “đã được’ ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng (xin được gọi tắt là ĐVH) gửi tặng 2 nụ hôn nồng nàn cháy bỏng.
Lẽ ra, sự việc dù sao cũng đã được nhiều người quan tâm và giải quyết một cách tương đối rồi, với tinh thần bao dung và “ẩn ác dương thiện” (không phô trương điều ác, biểu dương điều thiện), tôi cũng không còn tiếp tục cảm hứng hoặc trăn trở nhiều nữa để bàn tán rộng thêm, làm “sống dậy” cái tính chất nóng bỏng (HOT) và tranh cãi của sự việc.
Trong thời gian 2 ngày qua, lúc lái xe hoặc lúc có thời gian để suy tư được, tôi luôn hình dung và suy nghĩ về việc này.
Nhưng tôi lại nghĩ là nên đúc kết những suy tư ấy thành một bài viết để làm bài học chiêm nghiệm cho những ai quan tâm về hành xử Phật Giáo.
Thế nên tôi nêu ra một vài câu hỏi và ý kiến của tôi liên quan đến sự việc này trình bày như sau, để Quý Vị cùng chiêm nghiệm và trao đổi ý kiến :
1. Tu sỹ có nên xuất hiện trong một Phòng Trà Không Tên (PTKT) để làm khách không mời trong một buổi biểu diễn ca nhạc, cho dù là với mục đích từ thiện hay không?
Một cách tương đối và chung nhất, câu trả lời sẽ là : KHÔNG.  Bởi lẽ người tu sỹ cần nên chánh niệm tỉnh giác trong từng bước chân, từng hơi thở, cân nhắc việc  gì nên đi, nơi nào nên đến, chỗ nào nên tránh, việc gì không nên làm.
Giới thứ 7 quy định cho một người Sa Di (trước khi bước lên làm Tỳ Kheo, Đại Đức), quy định:
“Bảy là không được ca, vũ, hòa tấu, biểu diễn, hay đi xem nghe. Giải: Ca là miệng hát các khúc ca, vũ là thân múa các điệu vũ, hòa tấu biểu diễn là cái loại đàn cầm đàn sắt ống tiêu ống quản. Không được chính mình tự làm những việc này, mà khi người khác làm, mình cũng không được cố đi xem và nghe. Xưa có tiên nhân vì nghe con gái hát, âm thanh tuyệt diệu, mà thốt nhiên mất liền thần túc. Cái hại xem nghe còn như thế, huống chi tự làm? “
Trong Bát Quan Trai Giới, cho dù là người cư sỹ tại gia phát tâm tu tập một ngày, giới thứ 7 cũng đã quy định :
“Như chư Phật suốt đời không ca múa xướng hát và không đi xem nghe, chúng con (xưng tên họ) xin một ngày một đêm không ca múa xướng hát và không đi xem nghe”
Đồng ý là trong hành trì Giới Luật có phần : “Khai, Giá, Trì, Phạm”, nghĩa là trong đó có phần gia giảm, phương tiện mở ra uyển chuyển tùy trường hợp, hoàn cảnh,…và với Ngài Tế Điên Hòa Thượng thì : “Trà đình tửu điếm, vô phi thanh tịnh đạo tràng.” (phòng trà, cao lâu, khách sạn, nơi nào chẳng phải là đạo tràng thanh tịnh). Khi tâm đã tự tại tuyệt đối, dù bạn có hiện thân ngay tại các chốn thanh lâu giang hồ, những vết bụi trần tục cũng không vấy nhiễm bạn được.
Thế nhưng, đó là hành trạng của các Tổ Sư, còn hầu hết chúng ta còn đang trên đường tu tập, việc lựa chọn môi trường, nơi chốn, bạn bè, giao kết đóng vai trò quan trọng chứ chưa phải đạt đến mức độ thanh tịnh, vô nhiễm, tự tại tuyệt đối, “thõng tay vô chợ”.
Có trường hợp các chùa vẫn mời các ca sỹ về để tổ chức ca nhạc gây quỹ từ thiện hoặc xây dựng chùa hoặc với mục đích cao đẹp khác. Cũng có trường hợp tu sỹ lại như là nhạc sỹ, ca sỹ vì họ có năng khiếu đặc biệt để phục vụ quần chúng, nhưng cách nói, cách cười, cách hát, phong cách thể hiện của họ trên sân khấu trong chánh niệm, rất có “Thiền vị” (Đạo vị) và khác với người đời.
Nội dung bài hát cũng như toàn tâm ý thể hiện của họ nhằm đem Đạo Phật vào Đời, gieo chủng tử Phật Pháp trong tâm khảm khán thính giả, gieo mầm Chân Thiện Mỹ.
Tôi cũng thường dự các buổi văn nghệ Tân niên, Phật Đản, Vu Lan, Trung Thu, gây quỹ Từ Thiện, xây dựng Chùa nhưng với tư cách là khách mời, thường phát biểu ý kiến trong phần đầu. Sau đó tôi nán lại xem 2-3 bài hát rồi xin cáo biệt cho dù Ban Tổ Chức khẩn khoản mời ở thêm lại để ủng hộ tinh thần cho ca sỹ và buổi diễn.
Hai vị Sư này đại diện cho ai và đến với phòng trà văn nghệ đó với động cơ chủ yếu là động cơ ham vui, cho được cởi mở, “thưởng thức mùi đời” hay là vì muốn làm từ thiện, góp phần cho buổi diễn thành công, quyên góp tiền ủng hộ ca sĩ Wanbi Tuấn Anh phẫu thuật trong thời gian sắp tới?
Nói vậy những người tu của các Đạo Khác và Phật Giáo không có tấm lòng từ bi và từ thiện, chỉ có 2 vị này mới có hay sao?
Hãy xem lại lời TT. Bửu Chánh, Trụ Trì Thiền Viện Phước Sơn, Sư Phụ của 2 vị Sư này, chia sẻ : "Cách đây vài hôm, sư Pháp Định xin phép tôi về TPHCM có việc riêng. Sư không nói rõ là đi dự buổi đấu giá từ thiện do ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng tổ chức. Nếu biết thì tôi đã ngăn cản.”
Ông bà chúng ta có dạy : “Yếu thì đừng ra gió”. Nếu tự xét thấy mình công lực còn yếu thì lo đóng cửa, ở chùa mà tu niệm, hạn chế ngoại duyên, tiếp xúc, quần chúng, nơi huyên náo, dễ bị dòm ngó, “để ý”, đề phòng mọi sơ hở, thất thố, …
Sai lầm đầu tiên của 2 nhà Sư là không tự lượng sức mình, vị thế của mình, đến một nơi không nên đến, ít nhất là ở trong giai đoạn tu tập này của hai nhà Sư.
2. Tu Sỹ có nên tham gia đấu giá mua chai rượu hay không?
Mua bán đấu giá, thách đố kích thích lòng tham, ngã mạn, hơn thua, tham dục thì không thích hợp với nhà Sư. Thế mà 2 nhà Sư dám bỏ ra 55 triệu ( hơn 2000 USD) để mua 2 chai rượu, các câu hỏi đặt ra tại đây là:
a. Tiền ở đâu ra nhiều và sẵn sàng vậy, phải chăng 2 nhà Sư mang sẵn tiền để ủng hộ việc từ thiện này?
b. Tu sỹ mua rượu có phạm giới cấm không?
Rượu thuộc 1 trong 5 giới cấm của người Phật tử. Khi đọc Sám Hối, có câu : “Nhược tự tác, nhược giáo tha tác, kiến tác tùy hỷ" (hoặc chính mình làm, chỉ bảo người khác làm, hay thấy người khác làm mà vui mừng theo) với giới cấm đó thì đều có tội.
Hãy đọc Phạm Võng Bồ Tát Giới Kinh: http://www.quangduc.com/kinhdien-2/399phamvong.html “Buôn bán rượu phạm tội trọng. Uống rượu chỉ phạm tội khinh. Người xưa nói : Mở một tiệm rượu tội bằng lập 10 dâm xá.
Tại gia xuất gia đều nghiêm cấm. Bồ-tát phát nguyện khai mở trí tuệ, khuyên người hướng thiện, tiến về con đường quang minh vô thượng Bồ-đề. Sanh khởi trí tuệ minh đạt là biện biệt được phải quấy thiện ác chánh tà để tiến về chánh giác.
Nay đem hôn mê tán loạn, ngu muội, đần độn, điên cuồng, hung bạo cho chúng sanh nên phạm căn bản trọng tội.
Uống rượu tai hại nghiêm trọng nhưng chỉ bản thân cá nhân chịu nạn nên kết tội khinh cấu. Bán rượu tổn hại nhiều người nên chế thành giới trọng. Giới cấm bán rượu thuộc về giá nghiệp, ngăn ngừa cội nguồn tất cả ác hạnh, họa hại vô tận cho thế gian…”
Ở đây Thầy Giác Ân có chia sẻ rằng đó là đại diện cho một chính khách không dám ra mặt để đấu giá hộ. Nếu đúng cũng là tiếp tay cho việc mua bán rượu, hơn nữa tại không suy nghĩ bản thân là nhà sư thì có phù hợp với việc đại diện cho người mua rượu? Trí tuệ của Thầy để ở đâu trong trường hợp này?
3. Tu Sỹ có được phép khóa môi nồng nàn say đắm không?
Công nhận là ĐVH có kiến nghị trước : Ai đấu giá thắng bước lên nhận rượu kèm theo một nụ hôn khuyến mãi do ĐVH ban tặng. Nếu như nhà Sư đấu giá với tâm ý lót đường cho người khác đấu giá cao hơn mà “rủi” (được) thắng, nhà Sư có thể bước lên trao phần tiền với 2 đề nghị : Khỏi hôn khuyến mãi + BTC cứ giữ chai rượu đó đi để sử dụng vào mục đích từ thiện khác.
Đằng này nhà Sư bước lên chủ động đề nghị ĐVH thực hiện lời hứa và phải hôn. Hậu quả là màn hôn môi nồng nàn say đắm, cháy bỏng của một ca sỹ vốn hay “chơi trội, nhiều dị tật cá tính” với lời đồn đãi mang bệnh đồng tính luyến ái với nhà Sư “chịu chơi” đã biểu diễn “ngoạn mục hơn xi nê” như là Dương Quá và Cô Long sau 18 năm gặp lại! (đoán Kim Dung muốn dàn dựng kiểu như vậy).
Chúng ta nên lưu ý rằng luật pháp của nhiều quốc gia hoặc Tiểu Bang phương Tây chấp nhận hôn nhân đồng tính luyến ái. Nhìn vào hình ảnh mà phân tích thì thấy nhà Sư có vẻ thoả thích mê man sung sướng gì đó chứ có bị bất ngờ khổ sở chịu đựng gì đâu nào, sau đó còn cầm Mic nói cười đắc  ý nữa?
Vì Đức Phật chưa gặp hiện tượng đồng tính luyến ái trong Tu Sỹ nên chưa chế ra giới luật đụng chạm thân thể giữa những người đồng tính. Thế nhưng một cư sỹ, một người đời thường gặp vị Tu Sỹ biểu hiện như thế nào?- Nên chắp bàn tay Sen cung kính chào nhau.
Chúng ta hãy xem các Quốc Gia Miến Điện, Tích Lan, Campuchia, Thái Lan,… cho dù là công chúa, Bộ Trưởng, Đại Sứ…họ quỳ xuống để dâng lên cúng dường các Sư. Nguyên Thủ Quốc Gia Việt Nam từng gặp các Tu Sỹ như hình ảnh để lại với TLHT Thích Huyền Quang, Thích Minh Châu,…họ cũng chắp tay cung kính chứ có đâu mà ôm hôn nồng nàn như vậy?
Việt Nam thấm nhuần Phật Giáo trên 2000 năm, một người có kiến thức phổ thông trung bình cũng hiểu nên biểu hiện cư xử với nhà Sư thế nào cho phải cách, không mạo phạm, thất kính, vướng vào các điều cấm kỵ…Cái miệng cái môi của người có khẩu nghiệp không trong sạch, với y khoa, họ sợ lây nhiễm vi trùng, sao lại có thể mạo phạm làm vấy bẩn môi miệng nhà Sư lo tụng kinh niệm Phật?
ĐVH có thể rút lại lời hứa vì  đây là  trường hợp đặc biệt đối viớ tu sỹ và hỏi ý kiến chung khán thính giả có đồng ý không? Nhà Sư đề nghị ĐVH thực hiện lời hứa và phải hôn chứ đâu có nhất mực đòi khóa môi? Cùng lắm là hôn nhẹ vào tay chứ có đâu ông (bà) tướng họ Đàm lại khoá môi nồng nàn đắm đuối đến vậy? !
Biểu hiện của ĐVH như vậy cần phải đưa đi cải tạo và học bổ túc văn hóa là vừa, phòng khi những cảnh “dở khóc dở cười” như thế tái diễn.
ĐVH làm công tác văn nghệ, văn hóa, xiển dương Chân Thiện Mỹ lại biểu hiện đồi trụy, chẳng có chút văn hóa, lịch sự tối thiểu nào! Cho dù ĐVH có là ai, có thuộc tôn giáo nào cũng không thể biến nhà Sư làm trò hề, làm đối tượng của dục vọng, làm xốc triệu triệu con tim người Phật tử trong và ngoài nước.
Về mặt luật pháp có thể ĐVH chỉ bị Sở Văn Hóa Thông Tin – Du Lịch cảnh cáo, nhắc nhở thôi nhưng về lương tâm của một nghệ sỹ chân chính, thuần phong mỹ tục, nếp sống văn hoá, truyền thống Á Đông và dân tộc Việt Nam thì sao?
Chao ôi! Nhìn vào bức ảnh khóa môi này mà thấy có cái gì đó quái gỡ, sự xuống cấp trầm trọng của phẩm hạnh tu sỹ và tư cách đạo đức thanh thiếu niên Việt nam trong thời hiện đại !
Chẳng lẻ làm ca sỹ chỉ biết như con rối múa may kiếm tiền chứ không có chút vốn liếng gì về văn hóa, về bộ não biết cân nhắc suy nghĩ : việc gì nên làm, việc gì không nên, giới hạn nào thì dừng lại? Chai rượu trên tay chưa uống, lẽ nào cả hai đã say?
Tôi có vài lần lên sân khấu tặng hoa, các ca sỹ chắp tay nhận hoa, nhận xong rồi còn cúi lưng gập người cảm ơn một lần nữa chứ có đâu mà ôm hôn như vậy?
Thuở còn là sinh viên tại Saigon, tôi có gặp nghệ sỹ Thiệu Ánh Dương tại Thư Viện Quốc Gia và Trung Tâm English 2000, nghệ sỹ này biểu hiện tính cách học hỏi và ứng xử dễ thương chứ ai lại sàm sỡ, lố bịch, vô văn hóa, xúc phạm tôn giáo như ông tướng ca sỹ họ Đàm kia?
Ban đầu thì tôi không đồng ý lắm về việc Lý Tống xịt nước vào người ca sỹ này cũng như quần chúng người Việt Hải Ngoại biểu tình không cho ca sỹ này biểu diển nơi họ sống. Thế nhưng đến nay thì tôi đã hiểu, có nhân thì có quả, nếu ĐVH có chịu cảnh bị xua đuổi như “đuổi tà” như vậy cũng đành chịu, biết trách ai bây giờ?
4. Cách phát biểu của nhà sư đó trước quần chúng có chấp nhận được hay không?
Ở ngoài đời người ta thường nói : “học ăn - học nói - học gói - học mở”, hoặc “uốn lưỡi 7 lần mới nói”, “một lời nói ra 4 ngựa theo không kịp”, người tu thì phải mọi lúc phòng hộ kiểm soát nơi thân khẩu ý, “nói năng như Chánh Pháp, im lặng như Chánh Pháp”.
Tu Sỹ hướng dần đến bực thiên nhân sư thì đầy đủ oai nghi, tế hạnh, kim ngôn, ngọc ngữ,mô phạm. Thân Khẩu Ý thanh tịnh thì khiến đàn tràng xunh quanh thanh tịnh và đó là phẩm hạnh, phẩm giá của một người.
Nói năng bừa bãi, vô trách nhiệm, tổn hại thì khiến mọi người khó chịu, phản ứng, bao nhiêu dư luận âm vọng bất bình hoặc mọi người phải né tránh xa, …
Chưa đủ sức HOT (nóng) với màn khoá môi và mua rượu 33 triệu, nhà sư đã khiến mọi người bao phen “bật ngửa” vì những lời thố lộ tâm sự “rất chịu chơi”, “rất tân tăng model, hiện đại”: Nhà sư thoải mái buông lời đến nổi nữ ca sĩ Hồ Ngọc Hà và Lệ Quyên phải che mặt ngượng nghịu: “Ngủ không phải là lúc con người hạnh phúc nhất! Thức mới gọi là hạnh phúc, vì khi thức con người mới được sướng!” và “Vợ mình luôn là đặc sản của người ta!”.
Sư Thầy còn kể thêm, “mới đây, trong một lần đi ngang công viên, nhìn thấy cặp tình nhân ôm hôn, Sư thầy cũng rất “thèm”, nhưng vì đã trót làm nhà sư nên thầy không thể làm gì được!”
Nếu nhà Sư hay động tâm như vậy, thân khẩu ý còn nặng nghiệp chướng dâm dục như vậy thì hoặc là ra đời, hoặc là lo đóng cửa tu niệm, sao mà còn buông lung, phóng dật lăng xăng, đến chỗ tụ tập đông người, hành động phát ngôn chẳng những làm mất tư cách nhà Sư của mình mà còn làm ảnh hưởng chung hình ảnh đẹp của người tu sỹ, hoen ố và mọi người coi thường Phật Giáo, khiến Phật tử nhiều người bị “xốc” và xót xa cho thân phận Quy Y Tam Bảo của mình?
5. Việc xử phạt biệt chúng 3 tháng như vậy có vừa phải hoặc quá đáng đối với 2 nhà Sư này không?
Trụ Trì của Thiền Viện Phước Sơn, Sư Phụ 2 nhà Sư này là TT Bửu Chánh, cũng là Phó Trưởng Ban Trị Sự PG Tỉnh  Đồng Nai, Hiệu Phó Học Viện Phật Giáo Vạn Hạnh Saigon, Chánh Thư Ký Viện Nghiên Cứu Phật Học Vietnam.
Tôi có duyên gần gũi sinh hoạt với Thượng Tọa (TT) nhiều năm tháng tại Ấn Độ và có lần TT đến KTX Mansarowar Hostel đề nghị tôi phối hợp dịch cuốn sách “Gems in Buddhism” và một số cuốn Luật nhưng vì bận nhiều việc nên tôi khất hẹn.
Tôi có đến TV. Phước Sơn thăm TT. Tết năm ngoái nhân lúc về thăm Cha bệnh rất nặng và Cố HT Thích Bảo An viên tịch, cũng như tôi nghe nhiều lời giảng Pháp của TT qua CDs, Paltalk.
TT là một người thật đáng kính quý. Ngay khi vừa xảy ra sự việc TT đứng ra nhận lỗi “Con dại cái mang”, “Giáo bất nghiêm Sư chi đoạ”, xin mọi người lượng thứ, cảm ơn thông tin truyền thông về sự việc và hứa xem kỹ lại sự việc, kỷ luật thích đáng.
TT đã tổ chức cuộc họp chúng Yết Ma, 2 nhà Sư đã sám hối và viết “bài kiểm điểm bản thân”.
TT và đại chúng quyết định phạt biệt chúng 2 nhà Sư này 3 tháng, 1 hình thức khá nặng đứng sau việc Tẩn Xuất (đuổi ra khỏi Tăng Đoàn”.
Vậy cũng phải, các Sư nên đóng cửa ăn năn hối lỗi tu tập chứ đâu thể nhởn nhơ chạy bên ngoài mà gây nên chuyện mãi được.
Hình thức này có thể là chưa đủ và còn tiếp tục dưới những hình thức khác nữa, tùy thuộc vào Ban Trị Sự Phật Giáo liên quan và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.
Chúng ta với tâm hồn của người Phật tử Từ Bi Hỷ Xả, rộng lòng tha thứ bao dung thì luôn sẵn vòng tay đón nhận và trợ lực nâng đỡ cho 2 nhà Sư trải qua quá trình thử thách lớn lao nghiệt ngã này, tiếp tục đứng vững, cải hoá trở thành những nhà Sư chân chính làm tốt Đạo đẹp Đời.
Hầu hết chúng ta đều ở trong quá trình tu tập chứ không ai hoàn thiện, vậy chúng ta hãy cảm thông cho những phút lỡ lầm, ham vui, chót dại của tu sỹ trẻ làm ảnh hưởng đến tư cách cá nhân, uy tín Tăng Già, Phật Giáo.
Ở đời có 2 hnạg người đáng quý : hạng người không có lầm lỗi và hạng người có lầm lỗi biết sám hối. Chúng ta thuộc hạng thứ hai cũng đã quý lắm rồi. Cổ đức có câu : “Phóng hạ đồ đao lập địa thành Phật”, “trên trần ai, ai dễ biết ai”, trong vòng sanh tử luân hồi này biết bao nhiêu lần chúng ta trồi lên hụp xuống sa đọa vào đủ các cảnh giới. Đáng quý nhất là hình ảnh “người biết đứng dậy sau khi ngã”.
Trách nhiệm quản giáo này chúng ta tin tưởng uỷ thác cho TV Phước Sơn và các Tông Môn, Ban Trị Sự Tỉnh và Giáo Hội Phật Giáo có liên quan.
Bây giờ ĐVH đang ở đâu, nghĩ gì và làm gì? ĐVH có thật sự nhìn thấy cái sai của mình không hay là vòng hào quang nghệ sỹ, các vòng đai bảo vệ của FAN sẽ sống chết cùng với ca sỹ họ Đàm khiến cho ông (bà) tướng này ung dung nhởn nhơ mặc cho 2 Sư bị xử phạt, mặc cho búa rìu dư luận thoáng qua tai?
Các phụ nữ thi hoa hậu thì cũng phải có kiến thức và vẻ đẹp tâm hồn. Người nghệ sỹ làm công tác văn hóa, văn nghệ mà chỉ cậy vào cái giọng hát hay, bộ mã “bảnh trai”, quyền thế,… rồi tự tung tự tác muốn làm gì thì làm, biểu diễn một cảnh “ngoạn mục”, “dở khóc dở cười”, “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”, “vô tiền khoáng hậu”, chưa từng có trong lịch sử truyền bá Phật Giáo hơn 2500 năm trên Trái Đất này, một Tôn Giáo mà Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, nguyên thủ các quốc gia và Việt Nam và Phật Giáo đồ các nước đã từng tổ chức Vesak Quốc Tế tại Vietnam năm 2008?
ĐVH nên đến TV Phước Sơn sám hối với Đức Phật, với vị Trụ Trì và Tăng Chúng và có lời Sám Hối với thư Sám Hối công khai đến khán thính giả và Phật Giáo Đồ khắp nơi nơi về việc vô tình hay cố ý xúc phạm, báng bổ tính chất thiêng liêng của tôn giáo và làm hoen ố thuần phong mỹ tục, nếp sống văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Vietnam.
Hãy nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng sự thật, đối diện với sự thật, cho dù đó là sự thật phũ phàng. Ai cũng cần tu cả, tu là sửa, sửa cái sai trở thành cái đúng, xấu xa trở thành tốt đẹp, lố bịch nhố nhăng trở nên thánh thiện.
Chỉ sợ là gặp hạng người ngoan cố bướng bỉnh mê mờ không thấy được cái sai, không thừa nhận cái sai, khắc phục, từ trong tối mãi nhởn nhơ trong bóng tối, chứ lo gì hạng người biết phục thiện?
Xin cảm ơn trang điện tử : www.phattuvietnam.net đã thông tin những tin tức kịp thời để Tăng Ni Phật tử khắp nơi nơi được biết, cùng suy gẫm và tìm liệu pháp cho các vấn đề.
Thời đại ngày nay cần phải phóng khoáng, dân chủ chứ đâu thể bưng bít giáo quyền để rồi chỉ khoe ra cái tốt cái hay mà không dám đụng đến cái xấu, cái tồn tại trong Phật Giáo trong khi các tờ báo khác họ phanh phui hết rồi.
Vấn đề là những người như chúng tôi ít có thới gian đọc các báo khác, chỉ tranh thủ chút thời gian đọc các trang nhà Phật Giáo, khi nào cần nghiên cứu liên hệ đối chiếu thì tím các trang khác mà đọc, vậy nếu trang nhà Phật Giáo không cho lên những tin tức này thì làm sao chúng tôi biết mà cùng góp ý kiến, có phải là “trong nhà chưa tỏ mà ngoài ngõ đã hay” sao?
Hơn nữa, đó đâu phải là chuyện khai thác “buồng the” gì mà chuyện phơi bày trước mắt quần chúng, bao nhiêu ống kính và máy quay phim ghi lại cơ mà?
Kinh sách có câu : “Thà phá giới còn hơn phá kiến”. Tất nhiên cũng còn có nhiều người vi phạm giới luật có thể nặng hơn nữa, nhưng họ tàm quý, biết lỗi, hổ thẹn và sám hối và những cảnh tượng đó không “phơi bày” biểu diễn ra trước mặt thiên hạ, khiến bao nhiêu người phải xốc, phải xốn xang.
Đây là bài học chung cho tất cả chúng ta : mỗi người hãy học tu, uy nghi tề chỉnh, đàng hoàng, có tư cách để trang nghiêm chính mình và làm đẹp cho xã hội, an vui mọi người. Chúng ta sống trong sự cộng sinh, cộng tồn và liên đới trách nhiệm.
“Thuốc đắng giã tật, sự thật mích lòng”, tôi trình bày ra đây một mạch từ đầu đến cuối, với hình thức “tả chân” ( chân thật) chứ không phải trùm phủ bởi lòng Sân ngút ngàn.
Tôi tự biết việc này rất bất đắc dĩ, nếu có đôi lúc bắt gặp ngôn ngữ trong bài viết nặng nề, không “thiền vị” thì hãy cảm thông cho và hiểu rằng tôi đang tâm niệm “đối trị tất đàn”, gặp việc quá sức bất bình thường thì phải dùng đến ngôn ngữ “bất bình thường” mới tương thích, mới gây ấn tượng và lay chuyển đối tượng.
‘Thà thắp một ngọn đuốc sáng còn hơn cứ ngồi nguyền rủa bóng tối”, tôi viết với hy vọng là giải phẫu, mổ xẻ vấn đề, để rồi chữa trị và được cơ thể lành mạnh tốt hơn với thành ý, tấm lòng của một người con Việt và con Phật chứ không phải lợi dụng cơ hội nhằm thoá mạ, báng bổ ai.
Tôi cũng có công việc phải làm ngay sau bài viết này nên không có thời gian đọc lại, sửa đổi, thay thế ngôn từ cần thiết được.
Cảm ơn Quý vị kiên nhẫn đọc đến dòng này và xin Quý vị thông cảm cho nếu có ngôn từ nào khiến  Quý vị khó chịu trong quá trình chia sẻ.
Chúng ta cùng cầu nguyện, tu sửa và hành động cho bóng tối si mê tan biến, truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục, nếp sống trong lành tốt đẹp của Việt Nam được tô bồi, mọi người biết yêu thương xây đắp phục vụ cho người khác và cộng đồng, Pháp luân thường chuyển, tà ma khiếp phục, cõi Ta Bà ngũ trược ác thế này trở nên Tịnh Độ.
Cali, ngày 08/11/2012

RUNNING ON KARMA – DỪNG VÀ CHUYỂN NGHIỆP

RUNNING ON KARMA – DỪNG VÀ CHUYỂN NGHIỆP

ANH VŨ (Rani)

Bấy lâu nay, hễ nói tới phim Phật giáo, người ta thường nghĩ đến lịch sử Đức Phật hoặc những đề tài “hiền lành”, Đại hòa thượng (tên tiếng Anh: Running on Karma) có lẽ là một trong số ít tác phẩm điện ảnh dám đề cập đến đạo Phật bằng các yếu tố khá “tăm tối” mà nếu xếp loại có lẽ phải 16+. Bộ phim có nhiều cảnh bạo lực có thể khiến khán giả dễ dàng “dị ứng” ngay từ ban đầu, nhưng cái bạo lực đó lại là con thuyền cần thiết để chở một triết lý sâu sắc về nghiệp, về nhân quả xứng đáng đoạt giải Kim Tượng Hồng Kông 2003 cùng hàng loạt giải thưởng khác.

Big (Lưu Đức Hoa) là vũ công trong một quán bar thoát y. Trong một vụ truy bắt tội phạm của cảnh sát, Big đã nhìn thấy kiếp trước của Lý Phụng Nghi (Trương Bá Chi) là một tên lính Nhật đã từng giết rất nhiều người. Ông biết rằng cô sắp phải trả nghiệp, cũng như con chó chết vì viên đạn lạc của cảnh sát, ông thấy kiếp trước của nó là một đứa trẻ đã đánh chết chó.

Nhận thấy Lý Phụng Nghi là một cảnh sát lương thiện, Big quyết định giúp đỡ cô trong một vụ án giết người để đền ơn. Trong quá trình điều tra, ông nhìn thấy từ hung thủ cho đến người phụ nữ giúp hung thủ chạy trốn cảnh sát, đều hành động theo tiến trình của nhân quả, thậm chí tạo thêm ác nghiệp. Chính vì vậy, Big đã ngăn cản cơn tức giận của viên cảnh sát, như ông đã nói “Nhất niệm thiên đường, Nhất niệm địa ngục”.

Tò mò về Big, Lý Phụng Nghi tìm đến ngôi chùa nơi ông từng là một tu sĩ và được biết, trong quá trình chạy trốn cảnh sát, tên tội phạm Tôn Quả từng giết Tiểu Thúy, người bạn thơ ấu của Big. Không tìm được Tôn Quả, trong cơn giận dữ, Big giơ côn đánh dữ dội vào cành cây và vô tình giết chết một con chim. Ông sững sờ và tọa thiền bên cạnh xác con chim suốt bảy ngày bảy đêm để rồi quyết định cởi áo tu hành xuống núi. Bắt đầu từ lúc này, ông có khả năng nhìn thấy nghiệp.

Thực ra, Big không hề từ bỏ Phật giáo, ông chỉ chạy trốn. Lý trí biết rằng có nhân ắt có quả, nhưng nội tâm thì không chấp nhận được điều đó: “Nhiều năm trước tôi ngồi thiền dưới một gốc cây, nhìn thấy được nhân quả, tôi biết đó là công bằng. Nhưng tôi không làm hòa thượng nữa”. Chính sự mâu thuẫn đó khiến Big dằn vặt giữa những gì mình đã biết, đã học và những gì trái tim ông cảm thụ. Ông bất lực trước nhân quả và tìm quên bằng những hưởng thụ thế gian. Nhưng sâu thẳm trong Big vẫn là một tu sĩ, vẫn từ, bi, hỷ, xả. Ông cười hì hì khi bị cảnh sát đuổi bắt, bị hỏi cung thậm chí bị đánh một trận bầm dập, ông vẫn giúp Lý Phụng Nghi vì cô lương thiện. Big không mặc chiếc áo Phật giáo, nhưng Phật giáo vẫn hiện diện trong những việc làm, lời nói của ông.

Big từng nghĩ người lính Nhật là kiếp trước của Phụng Nghi, và anh ta đã gây nghiệp, thì bây giờ Phụng Nghi phải trả nghiệp. Nhưng Big vẫn thấy đây là một Phụng Nghi “mới” đầy lương thiện, chứ không phải là kẻ tội đồ. Cho nên ông không cam lòng nhìn thấy Phụng Nghi trả nghiệp. Đó cũng là thái độ của chúng ta đứng trước những người đau khổ. Chúng ta vẫn phải thương và cứu giúp họ, chứ không thể nói mặc cho họ trả nghiệp. Thái độ mặc nhiên ấy không hàm chứa lòng từ bi mà Phật đã dạy.

Nhưng, ai sẽ cứu Phụng Nghi? Cuộc trò chuyện giữa Big và Văn sư phụ là một lời đáp. Dù được đặt trong khung cảnh hỗn độn của chợ thức ăn khuya, cuộc trò chuyện vẫn an nhiên, tự tại và phảng phất hương vị thiền. Sư phụ nói: “Cô gái đó ác nghiệp rất nặng, con làm gì cũng vô dụng, con đã cứu cô ấy hai lần rồi”. “Ai đã cứu cô ấy hai lần?”. “Là con”. “Con? Hay bản thân cô ấy?”. Sư phụ gật đầu mỉm cười: “Vậy tại sao con cứu cô ấy?”. “Vì con thấy sự lương thiện của cô ấy”. “Cô ấy tự cứu mình, hãy cho thêm thời gian, cô ấy đang cố gắng”. Những câu hỏi của Văn sư phụ chính là những phép thử. Big đã có sự thay đổi, từ chỗ chán nản, tiêu cực trước sức mạnh của nhân quả và trốn tránh nó, ông đã thử đối diện, làm hết sức mình để chuyển nghiệp, bằng lòng từ bi của người con Phật.

Sự xuất hiện của Lý Phụng Nghi đã làm Big thay đổi rất nhiều, và ngược lại, Big cũng ảnh hưởng trở lại Phụng Nghi. Khi biết mình sắp phải chết, cô đã rất sợ, sợ đến không dám đi làm, trốn ở nhà khóc. Nhưng rồi cô tích cực hoàn thành chức trách, lạc quan vui vẻ. Mặc dù biết “Vạn vật đem theo không được, chỉ có nghiệp theo thôi. Một người đã làm qua chuyện gì, thì sẽ theo vĩnh viễn chạy không thoát” nhưng Phụng Nghi vẫn cố gắng: “Dù sao cũng phải chết, chết có giá trị còn hơn”. Cô bình tĩnh đón nhận sự phán quyết của nhân quả.

Lý Phụng Nghi quyết định lên núi bắt Tôn Quả, nếu phải trả nghiệp thì cái chết của cô sẽ có ý nghĩa hơn, là tìm ra manh mối để Big truy bắt tên tội phạm. Cô từng trải qua những đêm một mình trên núi, “rất tối, rất đáng sợ, không thể tưởng tượng được một người trốn ở đây năm năm, sống qua một ngàn tám trăm mấy chục đêm, ở lại đây lâu quá có lẽ khiến tinh thần con người rối loạn”. Và trong lúc đó, chợt có một cảm giác kỳ lạ, cô cảm thấy Tôn Quả rất tội nghiệp. Càng trải nghiệm, càng thông cảm, Phụng Nghi dần dần trút bỏ được sự sợ hãi trước cái chết, cô bình thản thưởng thức cái đẹp của những bông hoa bồ công anh. Mỗi cánh hoa mang theo những lo âu, phiền muộn bay đi mất, mỗi cánh hoa là lời cầu nguyện thế giới tràn đầy yêu thương giống như tâm của Phụng Nghi lúc này, chỉ có từ bi và tự tại. Nơi vách núi năm xưa Big nhảy không qua, nơi Big không cam lòng, thì nay, Lý Phụng Nghi đã vượt qua được. Nếu cô thù hận Tôn Quả thì chắc chắn kiếp sau cô và hắn sẽ đầu thai lại, sẽ gặp nhau, và cô sẽ giết hắn để đòi nợ. Rồi kiếp sau nữa, thì hắn sẽ đòi nợ cô. Nghiệp cứ trả vay-vay trả không bao giờ dứt. Chỉ cần bây giờ cô buông xuống, coi như chặt đứt mắt xích của sợi dây oan khiên, thì hai người không còn quẩn quanh với chữ nghiệp nữa.

Nhưng cái chết của Lý Phụng Nghi một lần nữa khơi dậy vết thương của Big. Ông phẫn nộ, điên cuồng đuổi theo Tôn Quả, thực ra là ảo ảnh của chính mình. Ảo ảnh nói: “Anh rất giống tôi lúc trước”, thật như vậy, Big lúc này đằng đằng sát khí, thô bạo và tàn nhẫn như một con thú dữ. Hai con người lao vào đánh nhau, giết nhau để thỏa mãn hai chữ “sảng khoái” mà có biết đâu, đó là đang giết chính mình. Trong khoảnh khắc Big giơ lên đoạn côn gãy để hành quyết kẻ thù một cách tàn nhẫn, y như cách hắn chặt đầu Lý Phụng Nghi, chợt hình ảnh Đức Phật xuất hiện, Big liền dừng lại. Ông cùng tọa thiền, cùng đối thoại với ảo ảnh: “Ác niệm thật dễ sợ, hôm nay Tôn Quả giết Lý Phụng Nghi, anh giết Tôn Quả, vạn kiếp bất phục”. Nghiệp sẽ mãi mãi là cái vòng lẩn quẩn cuốn chúng sinh vào vòng xoáy của ân oán, thù hận nếu không có sự tha thứ. Cuối cùng Big đã làm được điều đó, bằng từ bi và trí tuệ, nghiệp dừng lại nơi ông. Chiếc áo tu năm nào bị vứt bỏ nay lại được ông mặc vào, đánh dấu quá trình tiến hóa trên con đường tu tập.

Một chi tiết thú vị, trước kia cũng tại nơi này, khi Big quyết định bỏ áo tu, bỏ cuộc đời tu sĩ, cơ thể ông cường tráng một cách kỳ lạ với những cơ bắp to lớn. Đây không phải là một yếu tố câu khách hay bắt chước hình ảnh nhân vật Người khổng lồ xanh Hulk như nhiều người vẫn tưởng, mà nó tượng trưng cho nội tâm tiềm tàng sự thù hận, tiềm tàng phương hướng giải quyết vấn đề bằng bạo lực nơi Big. Và giờ đây, khi ông đã giác ngộ, tự nhiên cơ thể xẹp lại bình thường, thong dong tự tại.

Năm năm sau, Big thực sự tìm thấy Tôn Quả, gầy gò, rách rưới, đầy sợ hãi và thậm chí không còn nói rõ tiếng người. Với một ánh mắt thông cảm, một cái ôm từ ái của Big: “Tôi dẫn anh trở về”, Tôn Quả khóc, khóc để mọi hoảng loạn, thô bạo đè nén suốt mười năm theo nước mắt tuôn ra hết, khóc để một lần nữa được làm người, dù có là một tù nhân. Khi chúng ta tha thứ thì sức cảm hoá rất mạnh. Lòng từ bi đã cứu được con người hơn là sự trừng phạt.

Đoạn kết phim là một hình ảnh đẹp: Big tự nhiên cởi bỏ y phục cũ nát trước mặt nhóm cảnh sát, mặc vào bộ áo tu sạch sẽ, cũng rất tự nhiên châm một điếu thuốc, thong dong tự tại đi giữa bầu trời bay lượn đầy hoa bồ công anh. Bộ áo tu ngày xưa lấm lem vì lòng còn sân hận, nhưng bộ áo tu bây giờ mới thực sự thanh tịnh, và đời đạo viên dung như điếu thuốc mà ông đang hút nhưng không hề có nét tham đắm. Vật chất vây quanh, có khi chỉ là phương tiện để hành Bồ Tát đạo, chỉ cần người tu tỉnh táo thì nhiệm vụ vẫn hoàn thành mà không vướng mắc, gây nghiệp.

Phim đoạt được các danh hiệu tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông lần thứ 23: -Phim hay nhất -Kịch bản hay nhất (Vi Gia Huy, Du Nãi Hải, Âu Kiện Nhi, Diệp Thiên Thành) -Nam diễn viên chính xuất sắc nhất (Lưu Đức Hoa)

Bạn đọc có thể tìm xem phim tại địa chỉ: http://www.youtube.com/watch?v=shqmdkvKY0g
hoặc http://funnyhomeclub.blogspot.com/2012/11/phim-phat-giao-ai-hoa-thuong-running-on.html