Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

Nhà em là... trụ sở công an


Nhà em là... trụ sở công an
NGUYỄN NGỌC (Tuổi Trẻ) 27/01/2013

Em Phạm Hoàng Hậu (13 tuổi, quê Chợ Lách, Bến Tre) sau nhiều ngày ăn xin khắp đầu đường cuối chợ để có tiền tiêm chích ma túy và cung phụng cho bọn đầu gấu, hiện đã có nhà.

Hậu ngồi viết bài trong kiôt dành cho bảo vệ trước trụ sở Công an xã Bình Hưng - Ảnh: Nguyễn Ngọc 
Thiếu úy Mai Thống Nhất - trưởng Công an xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM - cho biết Hậu lớn lên trong một gia đình cha nghiện rượu, mẹ đi theo người khác, bỏ lại Hậu và anh trai 15 tuổi bơ vơ. Tuổi nhỏ bồng bột, không tiền bạc, không chốn dung thân, hai anh em “đầu quân” cho bọn đầu gấu. Để dễ bề sai khiến, lũ đầu gấu nhẫn tâm ép hai đứa trẻ chưa thành niên sử dụng ma túy và đi ăn xin để mang tiền về nuôi chúng. Người anh tội nghiệp của Hậu vì nghiện nặng nên được đưa vào trại giáo dục. Riêng Hậu dạt về chợ Xóm Củi, quận 8 tiếp tục tiêm chích ma túy và đi ăn xin theo sự chỉ đạo của đầu gấu.

Ngã rẽ cuộc đời đến với Hậu khi em gặp chị Nguyễn Thị Anh Thư (ngụ tại P.5, Q.8). Thấy Hậu đi xin nhưng mặt mũi hiền lành, phảng phất nét u buồn và chất chứa nhiều tâm trạng, chị dẫn Hậu về nhà. Sau mấy ngày cho Hậu ở cùng gia đình, chị phát hiện trong người Hậu có giấu kim tiêm nên đã nhờ Công an xã Bình Hưng can thiệp. Nhìn khuôn mặt xanh xao, hốc hác của Hậu trong cơn vật vã với ma túy, những người có lương tâm như thiếu úy Nhất không khỏi động lòng trắc ẩn.

Nếu đưa em đến trường cai nghiện thì cuộc sống của em sẽ ra sao, tương lai sau này của em sẽ như thế nào? Sau nhiều lần bàn bạc, suy tính, các chú công an quyết định để em ở lại trụ sở Công an xã Bình Hưng. Việc ăn ở, học hành của em từ đây sẽ do công an chịu trách nhiệm. Các chú đã giúp em cai nghiện tại nhà. Bằng tất cả nghị lực và lòng ham sống, để không phụ tình thương của những người quan tâm đến mình, Hậu cai nghiện thành công và thân thể gầy còm của em đã hồi sinh. Hậu được gửi đi học ở trường tình thương tại giáo xứ Bình Hưng.

Bây giờ Hậu coi mái ấm của mình là... trụ sở công an. Em là một đứa trẻ có nhà nhưng không thể về, có cha mẹ nhưng trở thành đứa trẻ vô thừa nhận. Em cần một mái ấm thật sự, một nghề tử tế để sau này có thể tự lập.

Ý kiến bạn đọc
Cám ơn trưởng CA xã Bình Hưng
1/29/2013
Tôi cũng đã có dịp gặp chú Nhất, chú hiền lành, nhưng rất quyết đoán, đã gặp tội pham thì cố quyết tâm bắt cho bằng được. Lúc xưa chú làm ở nơi khác, nhưng do địa bàn xã Bình Hưng phức tạp, nên chú đã được điều động về. Từ lúc chú về đây, trên địa bàn xã Bình Hưng ngày càng đỡ phức tạp, người dân cũng yên ổn hơn rất nhiều. Cám ơn tòa soạn cho tôi thấy thêm một góc nhìn khác về người CA xã Bình Hưng
HVQTHACH

Hình ảnh Công an Việt Nam!
1/27/2013
Đây chính là hình ảnh của người công an Việt Nam: không nhân nhượng với tội phạm, với điều xấu ác và sẵn lòng dùng tất cả tình yêu thương để chuyển hoá những người không may sa ngã.
Bài viết thật cảm động, mong em Hậu sẽ sống tốt hơn qua từng ngày.
Xin cảm ơn tác giả và Tuổi Trẻ!
PHAN HƯNG DUY

cô Kim: Trời, lâu lắm mới thấy có người công an tử tế như vậy. Người ta làm mãi lộ, ăn chặn, có nhiều tiền, còn ông Nhất lại cưu mang người nghèo khổ, thật đáng quý. Cũng phải có người tốt để dân chúng còn niềm tin chứ!

Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

Clip Tất niên FUNNY HOME 26-01-2013

Cả gia đình trong 3m2


Cả gia đình trong 3m2

MY LĂNG (Tuổi Trẻ)  27/01/2013

TT - 5g chiều. Ðến giờ nấu cơm. Dù đã có bóng điện nhưng màu vàng nhức nhối của cái đèn điện nhỏ càng làm cho không gian bé tẹo dưới gầm cầu thang của một dãy nhà tập thể gần trăm năm ở ngõ 33 Hàng Vải (P.Hàng Bồ-Hà Nội) thêm chật hẹp.

Mẹ con bà Dung trong căn nhà 3m2 - Ảnh: My Lăng 

Chiều cao của Thủy đã gần bằng chiều cao của nhà. Nhưng không sao, ở góc phòng ai đó đã viết: “Cười lên nào” - Ảnh: My Lăng

Ở ngoài kia là chiều, ánh nắng còn chưa tắt, nhưng trong đây, ở gầm cầu thang này đã là đêm. Tối kịt nếu tắt điện. Trong cái khoảng không gian chỉ hơn 3m2 đó là nơi gia đình bà Hoàng Thị Dung (52 tuổi) ở 18 năm nay.

Một người 1m2!

"Ðến ngay cả nấu nước tôi phải đun nước nhờ bên chùa thì làm gì có cái bếp cho đàng hoàng. Có 3m2 bé tẹo, mỗi người được 1m2, chưa kể đồ đạc lỉnh kỉnh" - bà Dung chép miệng bảo. Lấy nhau 18 năm, vợ chồng bà Dung chỉ có mỗi cô con gái năm nay học lớp 11 Trường THPT Nguyễn Trãi (quận Ba Ðình). "Chỉ vì nhà cửa chật chội quá nên vợ chồng tôi sợ, không dám sinh thêm đứa nữa. Bát cơm sẻ đôi mỗi đứa một nửa còn được, nhưng không thể nằm chồng lên nhau mà ngủ".

Bà Dung là người Hưng Yên. Chồng bà, ông Hà Ðình Thành (56 tuổi), là trai phố cổ. Bố mẹ ông có tám người con. Cả nhà mười người ở trong một không gian chỉ 16m2! Cán bộ phường Hàng Bồ thấy thương, cho mẹ ông được sử dụng gầm cầu thang của dãy nhà tập thể làm nơi để củi.

Cô gái Hưng Yên lấy chàng trai phố cổ thông qua mai mối. Sau ba đêm ngủ trong phòng tân hôn nhỏ nhưng gọn gàng, sạch sẽ, người vợ trẻ hụt hẫng nuốt nước mắt khi biết đó là căn phòng... thuê của một gia đình hàng xóm! Gầm cầu thang vốn dùng để chứa củi mới là chỗ ăn ngủ chính thức của đôi uyên ương. "Nhìn gầm cầu tối om, bẩn thỉu tôi rùng mình, tủi thân chảy nước mắt. Tôi không ngờ lấy chồng Hà Nội lại ở cái chỗ như vậy. Nhưng thân gái như hạt mưa sa, thôi thì đành nhắm mắt mà ở", bà Dung buồn buồn tủi tủi nhớ lại cảm xúc hỗn độn khi đứng trước gầm cầu thang phủ đầy bóng tối, nơi vợ chồng bà sẽ ở.

Và người vợ trẻ khi đó không thể ngờ đó là nơi gắn bó với gia đình mình 18 năm và hơn thế nữa... Ngày về nhà chồng, mẹ chồng cho ba cái bát yêu. Cô dâu chỉ mang về ba bộ quần áo. Người bạn thân của chồng cho mấy cái nồi xoong, hai đôi đũa, mấy cái bát to, bát con, thau rửa mặt... Ðôi vợ chồng dọn ra ăn riêng ở gầm cầu thang. "Nhà" lúc nào cũng tối mò 24/24 giờ như đêm 30. "Suốt cả năm tôi vẫn chưa quen. Ở quê rộng rãi quen rồi. Khi đó cầu thang này gỗ đã mủn, người đi trên ở dưới nghe cứ rầm rập suốt ngày đêm, ọp ẹp như muốn sập" - bà Dung kể.

Ðã thế, gầm cầu thang lúc nào cũng ướt lép nhép do gỗ đã cũ, xuống cấp trầm trọng. Người dân ở trên mỗi lần xách nước lại làm tung tóe rơi vãi xuống dưới. Vợ chồng trẻ lãnh đủ. Mùi ẩm mốc xộc thẳng vào mũi. "Phản chưa có, giường cũng không, vợ chồng tôi phải trải chiếu nằm dưới đất. Quần áo chẳng mấy chốc mà mục. Da người còn ẩm mốc huống chi là quần áo" - bà Dung kể.

Mấy tháng đầu ở gầm cầu thang người vợ trẻ khóc mọng mắt. Khổ nhưng cô không dám kể cho một ai trong gia đình biết. Bà Dung nhớ lại: "Khi tôi sinh con Thủy, mẹ tôi ra đây chăm cháu mới biết "nhà" nó ở là cái gầm cầu thang. Ban ngày mẹ tôi chợ búa, giặt giũ, cơm nước cho vợ chồng con gái, đêm đi ngủ nhờ nhà hàng xóm trên cầu thang. Một tháng trời như thế. Về quê, mẹ cũng giấu kín chuyện nhà tôi".

Khi con gái đầu lòng chào đời, ông Thành mới làm gấp một tấm phản vừa khít lòng gầm cầu thang để có chỗ khá hơn cho vợ con nằm. "Trong này chật chội không biết đứng đâu ru con, tôi cứ bế con đi ra ngoài ngõ rồi lại đi lên cầu thang, cứ đi hết bậc lại bế con đi xuống, được mấy vòng thì bé Thủy lăn ra ngủ", bà Dung kể. Trong ký ức tuổi thơ của mình, cô bé Hà Thị Thu Thủy vẫn còn nhớ những hình ảnh không thể quên thời ấu thơ: "Khi em tập đi, mẹ tập đi cho em ở ngoài ngõ vì trong này cầu thang tối quá, em sợ cứ gào lên khóc".

18 năm ngủ không màn

Từ ngày lấy nhau đến giờ, vợ chồng ông Thành chưa một lần mắc màn dù rất nhiều muỗi, nhất là thời gian đầu mới về ở. "Nhà quá chật, mắc màn lên lại tù mù, chui ra chui vào lụng bụng như cá mắc lưới. Nửa đêm muốn đi giải chui vào chui ra đụng chồng con lại mất giấc ngủ. Thôi thì đường nào cũng bất tiện", bà Dung thở dài bảo. Ông Thành góp thêm chuyện: "Mùa tháng giêng, tháng hai - mùa muỗi nhiều, muỗi cắn đỏ sưng chân nhưng gia đình tôi cũng cố chịu. Mỗi lần mưa to nước cống rãnh ngập lên gần nửa mét tràn vào nhà, các thứ bẩn thỉu trôi lềnh bềnh hôi thối không ngửi được, vẫn phải nhắm mắt mà ngủ qua quýt cho xong".

Là dân phố cổ nhưng cách sinh hoạt của ông Thành như chỉ có ở người vô gia cư: tắm công cộng, đi vệ sinh cũng công cộng. Khi bà Dung bị ốm, phải mượn cái ghế đẩu cao kê ngoài bậc cửa, nằm nhoài đầu ra hít được không khí ít nào hay ít nấy. Khi nào thấy bí quá thì sang tựa nhờ cửa nhà hàng xóm ngồi thở, thấy chủ nhà về lại trở vào.

Ban ngày cả nhà đi hết. Ông Thành chạy xe ôm. Bà Dung bán nước trà. Bé Thủy đi học. Buổi tối là lúc đông đúc nhất. Và cũng là lúc căn nhà trở nên chật chội nhất. "Ngày nào dậy tôi cũng tê hết mình mẩy - bà Dung nói - Tôi chỉ nằm đến 5g sáng là phải dậy đi ra đường vì cái phản quá chật, không cựa quậy, không trở mình được, nằm co quắp bất động. Chật chội thế nên nhà tôi không dám may thêm quần áo. May thì treo mắc vào đâu".

Mầm sáng ở trong bóng tối

Bà Dung thoáng chút mãn nguyện khi nói đến cô con gái duy nhất: "Nhà nghèo nhưng được cái nó ngoan lắm. Tôi hỏi nó có muốn uống sữa không, nó bảo: Mẹ có tiền không hẵng mua cho con, không thì con không uống đâu. Không bao giờ nó đòi quần áo, giày dép, đồ chơi đồ hàng, đồ ăn vặt... Tết Trung thu bố chở đi khắp Hàng Mã, con bé về cầm một bông hồng nhựa, hỏi thì nó bảo: Con đã được xem hết rồi, cái gì cũng được xem rồi, con mua bông hồng này về tặng mẹ...".

Bàn học của Thủy là... mặt phản, vốn là giường nằm khi đêm về, cũng là nơi tiếp khách, nơi ăn uống, nơi thay quần áo... Kệ sách vở của Thủy xếp ngăn nắp chạy dọc hết một bên tường. "Khi học lý thuyết thì nó để sách vở trên đầu gối, làm bài tập thì để xuống phản. Có khi nó ngồi gập người hoặc chổng mông, cứ mỏi lưng lại xoay hết kiểu này đến kiểu khác. Nhiều lần thấy thương con quá, tôi bắt nó phải kê cái ghế con mà học. Nó cứ ngồi đều như thế 11 năm nay rồi, nhìn thương con mà chảy nước mắt" - bà Dung kể.

Vậy mà 10 năm liền Thu Thủy đều là học sinh giỏi. Cô bé rất tự tin khi nói về những dự định tương lai của mình: "Hoàn cảnh gia đình là động lực để em quyết tâm học giỏi ngay từ khi mới là cô bé 6 tuổi. Em muốn thi đậu vào Trường ÐH Ngoại thương, sau này đi làm để mua được căn nhà dù nhỏ mười mấy mét vuông nhưng đúng nghĩa là nhà". Cô nữ sinh lớp 11 nói rất chững chạc về dự định ngày mai của mình.

Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

Clip Lễ 49 ngày bà Diệu Hạnh (Dì Nhung làm tiệc)

TRỞ VỀ CĂN NHÀ VUI VẺ


TRỞ VỀ CĂN NHÀ VUI VẺ

Hiền Nobita

Lại một lần được trở về căn nhà mang tên Vui Vẻ.
Cũng không gian thân quen ấy được xum vầy bên những người bạn yêu quý.Lòng chúng con lại nô nức rộn rã nhớ lại những tháng ngày còn học Phật Pháp, nơi mà Má Hai đã ươm mầm những hạt giống từ bi.Nơi những người trẻ đã khướt từ những trò vui thế gian mà tìm về niềm an vui nơi Phật Pháp vào mỗi ngày cuối tuần.Căn nhà Vui Vẻ của chúng con lúc nào cũng rộn rã tiếng cười đùa vui vẻ.
Người xưa có câu:
 “Ăn cơm có canh.Tu hành có bạn”
Nơi đây đã đem lại cho chúng con những tình bạn, tình huynh đệ, đạo hữu không gì có thể so sánh được.
Tháng Chạp….Tết đến thật gần. Lòng ai cũng rộn rã muốn trở về với gia đình của mình.Funny Home là căn nhà che chở chúng con trong những tháng ngày xa quê.Nhớ lắm hình ảnh Má Hai cặm cụi nấu những món ăn chay, những giờ Má giảng Phật Pháp, những lần ngồi tám chuyện thâu đêm và những buổi nấu cơm chay từ thiện “mệt mà vui”…
Có lẽ sau này lớn lên ai cũng phải đi theo con đường mà mình đã chọn nhưng những kỉ niệm nơi căn nhà Vui Vẻ sẽ là một tiếng cười an vui vang mãi trong lòng mỗi người chúng ta các bạn nhé!
Con xin gởi lời tri ân sâu sắc đến Má Hai người đã dìu dắt chúng con trong suốt thời gian qua, những lời dạy dỗ của Má Hai sẽ tư lương cho chúng con đi hết cuộc đời này!
Cũng xin được gởi lời nguyện cầu của con đến những bạn ở căn nhà vui vẻ luôn thảnh thơi trong cuộc sống đầy bon chen này,an lạc từng phút giây! Và mình hãy trân quý “duyên tao ngộ” này nhé. Để trong đời này và nhiều đời sau nữa chúng ta cùng chung tay làm nên nhiều thiện sự.

Má Hai: Rất nhớ tụi con và muốn phục hồi lại lớp học Phật pháp của chúng mình, nhưng vì má Hai còn đau lưng lắm, nên thôi, chờ đợi một thời gian nữa nhé. Lâu lâu tụi con về, má Hai nấu món chay ăn là vui rồi. Lịch học của mấy đứa bây giờ cũng căng thẳng quá, học cả ban đêm, nên ráng chờ khi nào thư thả một chút. Mấy đứa đã đi làm thì phải chạy sô buổi tối nữa, thương quá.
Hy vọng má Hai có nhà mới, rộng rãi, thì tụi con sẽ về đó tu và học, má Hai mời thầy về giảng tụi con nghe. Má Hai ước ao có một chánh điện nhỏ, tụi con sẽ ngồi thiền, tụng kinh, lạy Phật, rồi ngồi học thoải mái, ngủ cũng thoải mái chứ không chật chội như bây giờ. Hi hi, cứ ước hoài mà hổng thấy đâu! Nhưng cứ ước, ông Phật nghe mình xin hoài ông sẽ bực mình: “Thôi cho nó cái nhà cho xong, để nó réo tên tui miết! Má con tụi bây mệt thiệt nghen!”. He he he, kịch bản như vậy đó!
Má Hai thương ông Phật ghê, thích có chánh điện để thờ ông Phật thiệt tử tế, rồi mỗi tuần tụi con đến thì mang hoa cúng Phật. Mỗi đứa một cành hoa thôi cũng rực rỡ rồi hén! Tụi con tưởng tượng ông Phật của mình thấy thương cỡ nào chưa? Kêu bằng “ông Phật” thấy thân tình, gần gũi hơn “Đức Phật”. Khi nào tụi con cảm nhận được tình thương với Phật như vậy thì vui lắm.
Mong Funny Home mãi là mái ấm cho tụi con.