Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

Gánh nặng của "mẹ thiên nhiên" khi có 7 tỉ "con"

Thứ Hai, 31/10/2011, 12:05 (GMT+7)
Gánh nặng của "mẹ thiên nhiên" khi có 7 tỉ "con"

TTO - Khi thế giới đón công dân biểu tượng thứ 7 tỉ, câu hỏi được các nhà khoa học đặt ra lúc này là trái đất có thể nuôi sống được bao nhiêu người.

Theo báo cáo Hành tinh sống (Living Planet) của Quỹ thiên nhiên hoang dã thế giới (WWF), khi dân số toàn cầu đạt đến mức ổn định ở khoảng 9 (hoặc 10) tỉ người vào năm 2050, loài người sẽ cần tới 2,8 trái đất để duy trì cuộc sống như bình thường.

Nói cách khác, tài nguyên trên trái đất phải mất gần ba năm để hồi phục sau một năm khai thác của con người, nhưng sự chia sẻ cũng là không đồng đều. Nếu mỗi con người trên trái đất sử dụng tài nguyên với mức độ của một người Mỹ trung bình, chúng ta sẽ cần tới 4,5 trái đất ngay lúc này để tồn tại một cách bền vững.

Lương thực là vấn đề được nhắc đến đầu tiên. Theo Liên Hiệp Quốc, hiện trên thế giới đã có 1 tỉ người thiếu lương thực, không phải vì sản xuất không đủ mà do sự phân phối bất bình đẳng. Một phần ba lượng lương thực sản xuất ra không được tiêu thụ, bị hư hỏng, bị các nông dân, lái buôn hay người sử dụng vứt bỏ.

Theo Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), sản lượng lương thực phải tăng thêm 70% để cung cấp đủ cho 9 tỉ người trong tương lai.

Vấn đề tiếp theo là nước sạch. Hiện hơn 800 triệu người không được tiếp cận với các nguồn nước uống an toàn, và cứ ba người thì một người thiếu nước uống, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Sự mở rộng nhanh quá mức xã hội loài người cũng đã ảnh hưởng đến những cấu trúc sống khác trên thế giới. Nhiều chuyên gia tin rằng chúng ta sắp bước vào một thời kỳ tuyệt chủng hàng loạt, dẫn đến nguy cơ sụp đổ hoàn toàn hệ sinh thái trái đất. Trong đó, trữ lượng các loài cá ăn được trên đại dương, do bị đánh bắt quá mức, có thể giảm xuống gần không vào năm 2048. Mỗi năm cũng có thêm 10 triệu hecta rừng bị phá trên toàn cầu, theo FAO, để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau, nghiêm trọng nhất là tại Nam Mỹ và Đông Nam Á.

Tất cả những điều đó sẽ dẫn đến hiểm họa thay đổi khí hậu toàn cầu. Nhiệt độ ở hầu hết các châu lục dự kiến tăng thêm 2 độ vào năm 2030. Biến đổi khí hậu sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng đói nghèo, do tác động chủ yếu đến các quốc gia kém phát triển không có khả năng ứng phó. Hiện giờ, hơn một phần ba dân số thế giới đang sống dưới chuẩn nghèo mới là 2 USD mỗi ngày, trong khi 1% những người giàu nhất lại nắm giữ tới 43% của cải toàn cầu.

Trong khi hàng trăm triệu người không có đủ thức ăn và nước sạch hằng ngày, theo danh sách Forbes năm nay, số tỉ phú trên thế giới đạt mức kỷ lục mới, 1.210 người vào năm 2011 với tổng tài sản lên tới 4,5 nghìn tỉ USD.

HẢI MINH (Tuổi Trẻ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét