Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2011

BA TUẦN TẠM NGHỈ CƠM CHAY

BA TUẦN TẠM NGHỈ CƠM CHAY

Từ đầu tháng 7 đến nay, Funny Home không nấu cơm chay bữa nào, tính ra là 3 kỳ. Lý do: cô Kim cho các bạn ở tỉnh lên ở trọ miễn phí để thi đại học, nhà đông người không còn chỗ cho các bạn đến nấu nướng, cũng như không còn chỗ bày bếp, nồi niêu xoong chảo. Lý do thứ hai, nhiều bạn ôn thi tốt nghiệp, thi cuối khóa. Nếu tuần sau cô Kim đi Hà Nội thì phải nghỉ thêm tuần nữa, tổng cộng là 4 tuần. Thôi đành lỗi hẹn với bà con.

Tháng sau là tháng 8 dương lịch nhưng là tháng 7 âm lịch, rất nhiều người ăn chay trọn tháng, đang mong chờ Funny Home hỗ trợ. Chúng ta sẽ nấu tăng cường để bù lại. Các bạn cũng thi xong cả rồi, chắc là “tăng ca” được phải không? Hẹn gặp lại nhé.

KINH NGHIỆM NẤU CƠM TỪ THIỆN

CHO EM HỎI VỀ CHƯƠNG TRÌNH NẤU CƠM CHAY TỪ THIỆN 
Em chào chị. Em là Quỳnh, ở Hà Nội, hiện nay em cùng các ACE phật tử cũng đang cùng nhau lên kế hoạch tổ chức chương trình phát cơm chay ở bệnh viện cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn ạ. Mọi người đều không có kinh nghiệm gì trong lĩnh vực này, không biết phải bắt đầu như thế nào, phải chuẩn bị những gì,... nhưng trong mọi người đều có một lòng nhiệt huyết muốn giúp các bệnh nhân nghèo. May quá, hôm nay em đọc được blog bên chị, em thấy bên chị tổ chức chương trình này rất thành công, em rất muốn được học hỏi thêm kinh nghiệm từ bên chị để có thể đóng góp vào chương trình của chúng em được tốt hơn ạ. Vì chương trình của chúng em cũng đang đến gần, mọi người cũng rất lo lắng nên em rất mong nhận được sự giúp đỡ từ phía chị càng sớm càng tốt ạ.
Chị liên hệ với em theo số đt:  0972.046.519 , nick: sarah_smile1112 hay theo mail này chị nhé.
Em mong nhận tin chị sớm.
Em cám ơn chị nhiều, em chúc chương trình của bên chị luôn thành công ạ!!!!!
-- 
Bé Bự 1112
ĐT: 0972.046.519
nick: sarah_smile1112

Thúy Quỳnh thân mến,

Rất vui khi các em có nhiệt huyết giúp đời, mong rằng mọi người sẽ ủng hộ các em.
Kinh nghiệm của chị chẳng có gì, ban đầu cũng chỉ nghĩ đơn giản là nấu cơm rồi đem vào từng khoa phòng của bệnh viện mà phát thôi. Nhưng sau đó, Ban Giám đốc BV yêu cầu phải làm đơn xin phép, và mỗi lần phát thức ăn thì lưu lại một mẫu để người ta xét nghiệm nếu có sự cố xảy ra (ngộ độc chẳng hạn). Chị thấy rườm rà quá, nên thôi, cứ đứng trước cổng BV mà phát, người nhà bệnh nhân được thông báo sẽ chạy ra lấy, rất nhanh, tí xíu là phát hết mấy trăm phần. Nếu em thấy xin phép BV dễ dàng thì cứ xin phép, rồi mang vào tận khoa phòng. Như vậy tốt hơn.

Thật ra, khi phát cơm, mình cũng không thể xác định chính xác đâu là người nghèo. Nhưng đa số người đã vào BV là rất tốn kém và mòn mỏi về kinh tế, cho nên ai cũng cần tiết kiệm. Dù nhà khá giả cách mấy mà nuôi người thân nằm viện lâu cũng có nguy cơ trở thành túng thiếu. Vì vậy, mình cứ phát thoải mái em ạ. Có khi nhìn người ta ăn mặc đẹp đẽ nhưng thực tế họ cũng túng thiếu do quá trình nuôi bệnh lâu ngày, mình đừng quá cân đo.

Về chuyện nấu nướng, cũng không đơn giản. Các em cần dụng cụ nhà bếp khá nhiều mới có thể nấu kịp mấy trăm phần. Chị sắm nồi chảo thật to, rồi thau, rổ cũng thật to, bếp gas, bếp than tổng cộng 6 cái, chưa kể nồi điện cũng phải lớn. Dao thớt cả chục cái nữa. Riêng khoảng mua sắm này đã lên đến 18 triệu đồng, dĩ nhiên là tiền riêng của chị. Tiền vận động mạnh thường quân chỉ dùng để chi cho thực phẩm thôi. Nếu được thì em mượn dụng cụ nhà bếp của người quen, tập hợp lại nấu xong đem trả.

Mặt bằng nấu cũng phải rộng. Chị tận dụng cả căn nhà 40 mét vuông của chị và con hẻm trước mặt luôn, với bàn ghế đầy đủ cho mọi người ngồi làm và đặt các thau thức ăn lên cho sạch.

Về món ăn, em cần tính toán để đạt hiệu quả Nhanh-Ngon-Bổ-Rẻ, bởi có những món rất mất thời gian, hoặc giá thành cao. Chị chủ trương nấu chay, giá thành khoảng 6-8.000đ/suất. Có món giá cao, có món giá thấp, bù qua sớt lại.
Chủ lực của chị là món mì xào thập cẩm. Bởi mọi người ăn cơm cả tuần cũng hơi ngán, đổi món mì rất dễ ăn. Người già, người bệnh, và trẻ em đặc biệt thích.
Cách làm như sau: Nếu thức sớm từ 3-4g khuya thì khỏi chuẩn bị trước. Nhưng nếu các bạn trẻ không quen thức sớm, từ 6g mới dậy nổi, thì phải chuẩn bị từ ngày hôm trước, đến hôm sau mới kịp nấu. Cụ thể nhóm của chị làm thế này:

*Ngày thứ 6:
-cắt cải ngọt thành khúc, chẻ mỏng thân cải nếu quá to, đừng rửa, chỉ để ra rổ cho thoáng mà thôi.
-xắt cà rốt thành sợi (gọi là xắt chỉ), để vào tủ lạnh.
-phi hành tím bào mỏng (hoặc boa-rô) với dầu ăn cho vàng thơm
-cột nước tương vào từng bọc nhỏ, mấy trăm suất là mấy trăm bọc
*Ngày thứ 7:
-rửa giá, rửa cải ngọt, xào chung với cà rốt. Có thể xào riêng từng loại rồi trộn vào sau.
-tàu hũ chiên sẵn (mua ngoài chợ, buổi sáng mới chiên còn nóng và ngon), xắt từng miếng mỏng khoảng 2-3mm.
-bắc nước sôi trụn mì (mua loại mì trứng cuộn thành từng vắt khá ngon, đừng mua loại dở quá). Trụn đừng quá mềm, sợi mì bị nhũn ra. Nên dùng nồi to, nấu nhiều nước, và có một vá inox để vớt mì. Nhớ rũ nước cho ráo. Chuẩn bị luôn một thau to để bên cạnh, vớt mì ra là để vào thau và múc dầu ăn đã phi hành trộn vào, lấy đũa xốc lên cho đều để sợi mì không dính bết lại. Lượng dầu ăn cũng vừa đủ, ít quá thì mì bị dính, nhiều quá thì ăn sẽ ngấy. Cứ trụn đến khi nào thấy nước cạn hoặc hơi sệt lại do mì ra nước vôi, thì thay nồi nước khác. Trung bình 1 gói mì trứng 500g thì chia được 10 suất ăn.
-mì để hơi nguội hẵng bỏ vào hộp (hoặc bọc nylon. Bọc nylon dễ chuyên chở hơn). Chị cân rất kỹ, trung bình mỗi bọc là 150g mì đã chín. Bỏ đồ xào vào khoảng một dúm, thêm 3 miếng tàu hũ đã xắt mỏng, thêm bịch nước tương, cột lại. Vậy là xong một suất.
-cứ 50 suất chị bỏ vào một túi xách, sẽ chở đi bằng honda. Các em nên sắm những túi xốp môi trường mà các siêu thị hay bán, vừa chắc vừa đẹp. Một chiếc honda thường chở được 1 túi phía trước và có một người ngồi sau ôm thêm 1 túi.

Cứ làm rồi sẽ rút kinh nghiệm về tổ chức. Bây giờ nói nghe dễ, chứ hồi mới bắt tay làm chị cũng hơi lúng túng. Nhưng có làm là có “tay nghề” ngay, chả lo.
Em muốn nấu cơm thì vất vả hơn, vì phải canh chừng nồi than lẫn nồi điện. Nồi than thì khét, nồi điện thì phải biết canh thời gian để biết lúc nào xới cơm, lúc nào rút điện ra, nếu không sẽ luôn có một dề cơm cháy to đùng dưới đáy nồi và dính cứng ngắt không cạy lên được. Nồi điện của chị nấu được 30 suất cơm nhưng phải mất 1 tiếng đồng hồ. Không thể nào kịp mấy trăm suất. Cho nên chị xen kẽ phân nửa là cơm, phân nửa mì xào. Sau này, chị tìm được nơi nấu cơm sẵn bán theo ký, vừa khỏe người vừa bảo đảm cơm ngon, mà giá thành cũng không cao, vì người ta mua gạo hàng tấn, giá rẻ hơn mình, lại nấu bằng loại tủ gas rất to, mỗi lần “xuất xưởng” 300-400 suất, ít tốn nhiên liệu. Em xem Hà Nội có dịch vụ đó không. Em lân la tới các quán cơm hỏi thăm và xin địa chỉ.

Món chay khác em biết nấu rồi chứ? Nếu không biết thì liên hệ quý sư cô trong chùa chỉ dẫn cho. Nếu không, em cứ bảo, chị sẽ hướng dẫn.
À quên, lượng mì dành cho 100 suất ăn là:
-Mì: 5 gói (loại 500g)
-Cải ngọt: 5kg
-Giá đỗ: 5kg
-Cà rốt: 2kg
-Tàu hũ chiên: 25 miếng (đó là theo kích thước của miếng tàu hũ Sài Gòn, không biết tàu hũ Hà Nội to nhỏ bao nhiêu, em cứ tùy nghi mà làm)
-Hành tím bào sẵn: 500g
-Dầu ăn: 2 lít hoặc 1,5 lít cũng được

Chúc em thành công. Nhớ gởi tin cho chị biết, chị mừng nhé. Thương.




BA CÂY BỒ ĐỀ


BA CÂY BỒ ĐỀ  

Ngạch cửa nhà mình có cái dốc xi măng để dắt xe lên xuống. Xi măng khô cứng, xù xì, vậy mà một hôm bỗng ló ra cây bồ đề. Nhưng không phải một cây, cho đến bây giờ đã là cây thứ ba. Và ba cây bồ đề ấy như một bài học diệu kỳ cho mình trên đường giác ngộ.

Cây thứ nhất mình phát hiện sau khi vừa xách giỏ ra khỏi nhà, định đi chợ, mới bóp ổ khóa cái cụp. Nhìn xuống chân, thấy mấy chiếc lá nhỏ xíu xinh xắn hình trái tim đang len khỏi màu xi măng, ngước lên nhìn đời thánh thiện. Chỉ có một chút rêu đọng lại trong kẽ xi măng mà cây bồ đề đủ bám chân bám rễ. Thân cây chỉ bằng một que tăm, nhưng vững chãi lạ kỳ. Mình mừng quá, la lên, mà không, hét lên mới đúng: “Trời ơi, cây bồ đề kìa! Hay quá, hay quá!”. Nhưng thay vì bứng nó trồng ngay vô chậu kiểng, thì mình lại tặt lưỡi: “Khóa cửa rồi, mất công quá. Thôi, đi chợ về rồi hẵng bứng”. Nhưng hỡi ôi, khi trở về, cây đã biến mất. Không rõ có người nhổ đi hay trẻ con xéo chân lên? Với “nghiệp vụ” quan sát của mình, tự nghĩ, nếu trẻ con xéo lên thì còn vương lại vụn lá, thân cây. Đằng này rất sạch sẽ, chắc chắn có người đã nhổ. Mình hét lớn đến vậy làm sao không có người nghe. Tiếc ngẩn ngơ. Không biết bao giờ mới có thêm cây nữa.

Vậy mà chỉ nửa năm sau, chính nơi đó lại mọc ra một cây. Cũng nhỏ xíu như que tăm, lá tròn tròn thật dễ thương. Mình mừng húm, nhổ cái “pặt”. Rễ cây liền đứt trụi lủi, gần sát gốc, chỉ dính đúng một cọng râu phất phơ. Cho nên, khi cho vào chậu kiểng, những cái lá thi nhau rụng lả tả, làm trái tim mình rụng rời theo. May sao, chỉ một tuần, lá mới mọc lên xanh biếc. Ngày nào mình cũng nhắc mấy đứa cháu: “Nhớ tưới cây cho cô, đừng có quên à nghen!”. Nhưng rồi nó cũng quên. Suốt 3, 4 ngày không một giọt nước, cây bồ đề non yếu kia đã không gượng dậy nổi, lá rụng lả tả và gục xuống. Lần này nó chết thật sự, không thể cứu vãn.

Mình buồn kinh khủng, lại nghĩ mình không có duyên với cây bồ đề, chắc chắn không bao giờ tìm lại được. Dĩ nhiên, nếu muốn trồng thì đi xin giống nơi khác, thiếu gì. Nhưng quý ở chỗ, cái cây đó mọc ngay cửa nhà mình, tự nhiên thấy có vẻ “thiêng liêng”. Cho nên, không có thì thôi, chứ không trồng cây nơi khác. Trong lòng tuy chẳng hy vọng, nhưng lại âm thầm chờ đợi, như một thử thách xem mình có…căn tu hay không. Nếu có căn tu thì chắc sẽ có cây bồ đề dành tặng cho mình. Mặt làm bộ tỉnh queo nhưng thường khởi niệm hướng về chư Phật, chư thiên, nếu con có căn tu thì xin cho con gặp lại cây bồ đề lần nữa.

Và nửa năm sau…xuất hiện cây bồ đề thứ ba. Cũng ngay cái dốc xi măng khô cằn đó. Lần này mình nhổ cây lên rất nhẹ nhàng, dù cái rễ của nó cũng chỉ cạn cợt mỏng manh bám chút xíu vào đám rêu trong kẹt. Đặt nó vào chậu, để trên ban-công, mỗi ngày mình tự tay tưới nó, không dám giao cho ai khác. Trời mưa, không cần tưới, thì mình cũng ra săm soi ngắm nghía. Cây không hề rụng lá, y nguyên “sĩ số”, và chỉ một tuần đã nhú thêm lá mới. Dáng cây vẫn nhỏ như que tăm, nhưng rất vững chãi. Buổi sáng, mình không vội đi làm, bước ra thăm cây, dời nó ra chỗ nhiều nắng. Buổi chiều, trời mát trong, mình đem nó xuống, đặt cùng hàng với những chậu kiểng khác. Nó nhỏ bé lẫn vào màu xanh của muôn cây, nhưng vẫn khác biệt lạ kỳ. Nhìn cây mà tưởng Phật. Nhìn cây mà nhắc mình tu.

Chợt vui vui nghĩ đến bài học mà ba cây bồ đề đã tặng mình. Cây thứ nhất, chuyện tu không được trì hoãn. Tu được phải tu ngay, trì hoãn là mất cơ hội. Đời vốn vô thường, thân, tâm, và hoàn cảnh đều thay đổi, mình hẹn mà đời lỡ hẹn thì biết trách ai. Cây thứ hai, tu là phải tự mình tu, chứ không nhờ người ta tu dùm. Chẳng hạn, cúng tiền nhờ thầy tụng kinh, cầu an, cũng là một kiểu nhờ tu dùm, chẳng có kết quả giải thoát. Lại còn kiểu nhổ cây cái “pặt” đầy chất tham lam, hối hả. Thì thiên hạ cũng nhiều người làm phước vì tham, đi chùa mà kết bè, lấn quyền lấn tiếng, cũng vì tham. Bài học của cây thứ ba, tu nhẹ nhàng, tưới chăm chỉ bằng bố thí, trì giới, ngồi thiền, tụng kinh, niệm Phật, hoằng pháp…Tự mình phải nỗ lực, không dựa dẫm, lười biếng. Dẫu bận rộn đến đâu, nhưng hễ muốn thì khắc tìm được thời gian, tìm được cơ hội, đừng đổ thừa gì cả.

Mỗi người trồng cây bồ đề trong trái tim, chẳng biết có dễ không?

                                                                                           DIỆU KIM 16-7-2011

Dừng lại để có thêm thời giờ

Dừng lại để có thêm thời giờ 
15/07/2011 13:25Nguyễn Duy Nhiên

Vào một buổi sáng trời lạnh mùa đông năm 2007, tại một ga metro ở Washington DC, một thanh niên với chiếc đàn vĩ cầm, đứng chơi những bài nhạc nổi tiếng của Bach, Schubert, Massenet… trong vòng 45 phút.

Trong khoảng thời gian ấy có chừng 2 ngàn người đã đi ngang qua, đa số đang trên đường đến sở làm của họ.  Dường như không một ai có vẽ chú ý đến sự có mặt của anh.

Sau khoảng 3 phút, một người đàn ông đứng tuổi đi qua và nhận thấy có một nhạc sĩ đang đứng đó chơi vĩ cầm.  Ông đi chầm chậm, dừng lại chừng vài giây, và rồi lại vội vã đi tiếp cho kịp giờ của mình.

4 phút sau: Người nhạc sĩ vĩ cầm ấy nhận được đồng đô la đầu tiên: một người đàn bà ném tiền vào thùng đàn của anh và không hề dừng lại, tiếp tục bước đi.

6 phút: Một người thanh niên trẻ đứng dựa vào tường lắng nghe anh, nhìn đồng hồ đeo tay của mình và rồi lại tiếp tục bước đi.

10 phút: Một đứa bé dừng lại nghe, nhưng mẹ của em vội vàng lôi em đi tiếp.  Đứa bé tiếp tục dừng lại nhìn anh nhạc sĩ vĩ cầm, nhưng mẹ của em đẩy mạnh, và em lại phải tiếp tục bước đi, nhưng em vẫn cứ ngoái đầu quay nhìn lại.  Và điều này đã cũng xảy ra với nhiều những đứa bé khác.  Và cha mẹ nào cũng đều lôi kéo các em, bắt các em phải đi nhanh lên.

45 phút: Người nhạc sĩ vĩ cầm ấy vẫn tiếp tục chơi nhạc không ngừng.  Chỉ có 6 người dừng lại và lắng nghe trong vài ba phút rồi bỏ đi.  Khoảng chừng 20 người cho anh tiền, trong khi vẫn tiếp tục bước đi bình thường, và không hề dừng lại.  Chàng nhạc sĩ ấy thâu được tổng cộng là 32 đô la.

1 giờ sau: Anh ta ngừng chơi, không gian im lặng trở lại.  Không ai chú ý đến anh.  Không một tiếng vỗ tay, và cũng không một lời tán thưởng.

Không ai biết người ấy chính là Joshua Bell, một trong những nhạc sĩ vĩ cầm nổi danh nhất trên thế giới. 

Trong hơn 45 phút qua anh đã chơi những bài phức tạp nhất trong các bài nhạc trình tấu, và cây đàn vĩ cầm mà anh chơi trị giá khoảng 3.5 triệu đô la. 

Hai ngày trước đó, Joshua Bell đã trình diễn tại một nhà hát ở thành phố Boston, vé bán hết không còn chỗ ngồi, giá của mỗi vé là 100 đô la.  Và ban tổ chức sẵn sàng trả 1000 đô la mỗi phút cho tài năng của anh!

Đây là kết quả của một cuộc thử nghiệm do báo The Washington Post tổ chức.  Trong cuộc thử nghiệm này, Joshua Bell phải ăn mặc thật bình thường, quần jean, áo thun, mũ kết, và chơi đàn trong giờ cao điểm, 7:45am. 

Họ chọn nơi biểu diễn là trạm ga L’Enfant Plaza, vì nơi đây những người khách metro đi ngang qua đa số là thuộc tầng lớp trung lưu, chuyên nghiệp, trí thức, phần lớn làm việc với chính phủ liên bang.

Trước khi tổ chức, các nhà thử nghiệm nghĩ rằng tại Washington DC, một trong những đô thị phát triển nhất nước Mỹ về nhạc giao hưởng, classical music, Joshua Bell có thể sẽ thu hút một số lượng lớn khán thính giả dừng lại nghe, và họ có lẽ sẽ phải nhờ cảnh sát đến để giữ trật tự.

Nhưng chỉ có một người duy nhất nhận ra Joshua Bell, vì trước đó ba tuần cô ta có đi xem anh trình diễn ở Library of Congress, nên nhận ra anh ngay.  Cô ta đã bỏ vào hộp đàn của Joshua Bell 20 đô la và tự giới thiệu mình khi anh ngưng chơi đàn.

Tờ Washington Post viết, mục đích của cuộc thử nghiệm này để xem rằng: chúng ta có thể nhận diện, ý thức được những gì hay và đẹp đang có mặt giữa cuộc sống bận rộn của mình, và trong những hoàn cảnh bình thường hằng ngày không?

Và nếu như trong cuộc sống chúng ta không thể dừng lại trong giây lát để lắng nghe một nhạc sĩ lừng danh nhất trên thế giới, chơi những giai điệu hay nhất từng được sáng tác, với một nhạc cụ tốt đẹp nhất, và nếu như cuộc sống quá bận rộn đến nỗi chúng ta không còn có thời gian để dừng lại, khiến ta trở nên lãng quên trước những điều hay đẹp, thì trên con đường ta đi mình còn vô tình bỏ qua và đánh mất bao nhiêu những điều đáng quý nào khác nữa chăng?

Trong thời đại ngày nay, dường như đa số chúng ta có khá đầy đủ, nhưng duy có một điều mà chắc chắn trong chúng ta ai cũng đều rất thiếu thốn là thời giờ của mình, phải thế không bạn? 

Trên con đường chúng ta đi, có lẽ ta cũng sẽ có dịp nghe được tiếng đàn vĩ cầm của Joshua Bell, và bao nhiêu những điều hay đẹp khác chung quanh ta, nâng cao tâm hồn mình, giữa những bận rộn và ngay trong hoàn cảnh bình thường nhất, nếu chúng ta biết tập bước chậm lại một chút…

Theo: hoangphap.info

Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2011

Rùng mình chè bẩn! (trà)

Rùng mình chè bẩn! (trà)
Thứ Sáu, 15/07/2011 00:20
Tại những vùng nguyên liệu chè chủ lực và có thương hiệu nhất ở vùng trung du và miền núi phía Bắc đang xảy ra một hiện tượng bất thường khi người sản xuất chè đưa những chất phụ gia cực độc vào sản phẩm

Một cơ sở chế biến tại huyện Hàm Yên pha trộn chè thường và chè độc để bán cho thương lái
Hiện tượng trộn phân lân, NPK, bột đá, bùn, chất thải… vào chè đang diễn ra rất phổ biến ở huyện Thanh Sơn (Phú Thọ), Văn Chấn (Yên Bái), Hàm Yên (Tuyên Quang), Định Hóa (Thái Nguyên)…
“Phong trào” sản xuất chè bẩn đang lan rộng với tốc độ khủng khiếp và khó hiểu ở chỗ loại chè “không thể uống” này được bao tiêu toàn bộ.
Trộn cả phân bón và… chất thải
Trong vai một người đi học tập kinh nghiệm “chế biến chè công thức mới”, chúng tôi có mặt ở xã Thái Hòa (huyện Hàm Yên - Tuyên Quang), nơi chè không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà còn là phương tiện làm giàu. Dọc hai bên đường từ TP Tuyên Quang lên thị trấn Hàm Yên, người dân nườm nượp phơi chè sau công đoạn sao, sấy.
Nhà nào làm chè là nhà ấy để một bao tải phân lân, NPK cạnh chiếc máy vò chè. Chị N.T.N thản nhiên nói với chúng tôi: “Khi vò mỗi mẻ chè cho vào nửa cân phân lân thì cho ra sản phẩm trông đẹp hơn”.
Ngoài phân lân, người ta còn cho bùn, bột đá, thậm chí mùn quặng vào chè như ở Thái Nguyên. Bà Nguyễn Thị Chung, chủ một doanh nghiệp thu mua chè, còn bật mí: “Một số gia đình cho cả chất thải của nhà máy mì chính vào”.
Anh Nguyễn Viết Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Anh, bức xúc: “Năm 2007 có vấn nạn “chè vàng” khi các hộ gia đình làm chè thi nhau trộn bùn vào  để chè trông vàng hơn, cân nặng hơn nhưng bây giờ thì có cái gì cho được vào là họ cho tất, kể cả những chất thải, chất độc”.
Đến nhà anh L.V.K, chúng tôi được mục sở thị công thức chế biến chè bẩn nhưng siêu lợi nhuận này. Thông thường, 100 kg chè tươi chỉ cho ra được 18-19 kg chè khô thành phẩm nhưng với cách trộn phân lân cùng ximăng vào thì chỉ cần 25 kg chè tươi là đã có 19 kg chè khô thành phẩm.
Cách chế biến chè không giật mình bằng việc chứng kiến những cốc chè được pha ra từ loại chè bẩn này. Chè bẩn có mùi tanh ngai ngái và cho ra thứ nước màu đen như nước cống khi pha với nước sôi.
Vòng qua Trung Quốc, lại về Việt Nam?
Nhiều hộ gia đình ở Hàm Yên khẳng định: “Chè này không uống được, chỉ xuất đi thôi”. Tuy nhiên, nhà nào nhà nấy vẫn sản xuất hết năng lực.
Bà Nguyễn Thị Chung giải thích: “Chúng tôi cũng không muốn nhập những loại chè này vì biết là độc hại nhưng đơn đặt hàng ngày một nhiều mà không thu mua thì lấy đâu ra mà bán”.
Có doanh nghiệp sợ chè bẩn đã trộn lại theo công thức 1:1, nghĩa là một phần chè sạch kèm một phần chè bẩn để tránh bị phát hiện.
Theo số liệu của Sở NN-PTNN tỉnh Tuyên Quang, địa phương này có 3 doanh nghiệp chè lớn thuộc UBND tỉnh là Sông Lô, Tân Trào, Mỹ Lâm. Tuy nhiên, sản lượng của 3 doanh nghiệp này chỉ khoảng 5.000 tấn/năm, trong khi sản lượng chè trong dân cư lên tới 12.433 tấn/năm.
Lượng chè trong dân chủ yếu xuất theo đường tiểu ngạch qua biên giới Trung Quốc hoặc được một số doanh nghiệp tại Hà Nội thu mua, sau đó xuất qua cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), Hà Khẩu (Lào Cai).
Những người có thâm niên trong ngành chè cho rằng chè sang đến Trung Quốc trước sau gì cũng quay ngược trở lại thị trường Việt Nam bởi sau khi nhập chè về, doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục tinh chế để cho ra các loại chè thành phẩm khác nhau, thậm chí là chè “đặc sản” rất đắt tiền.
Ông Hoàng Công Chính, Trưởng Phòng Thương mại, Sở Công Thương tỉnh Tuyển Quang, nói: “Thương lái mua gom với số lượng rất lớn nhưng con số cụ thể thì không ai có thể nắm được bởi chè xuất theo đường tiểu ngạch tỏa đi theo nhiều hướng khác nhau”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thọ Lai, Phó Giám đốc Sở NN-PTNN tỉnh Tuyên Quang, cho rằng hiện chưa thể khẳng định được đầu mối mua gom chè có phải là thương lái Trung Quốc hay không, dù trong dân xuất hiện những thông tin về việc thương lái Trung Quốc đang thu mua với số lượng cực lớn.
“Đầu độc” thương hiệu chè
Trong khi đường đi của chè bẩn còn chưa rõ ràng thì chính những người sản xuất loại chè này cũng chưa ý thức hết tác hại của những sản phẩm cực độc mà họ làm ra.
Ông Nguyễn Thọ Lai thông báo: “Sở NN-PTNT đã cho người xuống cơ sở điều tra và khẳng định hiện tượng cho các chất bẩn vào chè là có thật. Hiện tại, chúng tôi đã lấy mẫu về để kiểm tra”.
Chè bẩn lên ngôi cũng là lúc các DNTN nhỏ và vừa đầu tư nhà xưởng sản xuất chè lâm vào tình cảnh điêu đứng vì không có nguyên liệu để duy trì hoạt động.
Gần chục xưởng sản xuất chè ở huyện Hàm Yên đã phải đóng cửa từ đầu vụ đến nay bởi thương lái mua nguyên liệu ngay từ khi người dân trồng chè vừa hái xong.
Anh Nguyễn Viết Toàn ngán ngẩm: “Cơ sở của chúng tôi sản xuất được tới 50 tấn/ngày nhưng từ đầu vụ đến giờ mới làm được có 10 tấn”.
Giám đốc Công ty Phú Đức đã phải cho thuê lại nhà xưởng và đi làm thuê cho những người sản xuất chè bẩn đang thuê lại mặt bằng nhà xưởng của chính anh.
“Nhiều người làm chè trộn bùn hồi năm 2007 đã bị phá sản vì thương lái đột ngột dừng thu mua. Đợt chè bẩn này kéo dài nên hậu quả chắc chắn cũng lớn hơn” - vị giám đốc này lo lắng.
Ông Nguyễn Thọ Lai cho biết: “Thương hiệu chè của Tuyên Quang nói riêng và nhiều tỉnh khác đang bị đầu độc trầm trọng. Nguy hại hơn là nếu những loại chè bẩn đi vào thị trường sẽ gây tác hại cực kỳ ghê gớm đến sức khỏe người tiêu dùng”.

Hiệp hội Chè như “ngồi trên lửa”

Ông Đoàn Anh Tuân, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, cho biết hiệp hội vừa có chuyến khảo sát 4 vùng nguyên liệu chè lớn nhất của cả nước và phát hiện chè bẩn đang lây lan với tốc độ cực nhanh. “Có cảm giác như ai đó đến hướng dẫn người dân làm ra thứ chè bẩn này”- ông Tuân nhận xét.

Hiệp hội Chè Việt Nam cũng đang thu thập dữ liệu và bằng chứng về chè bẩn để các cơ quan chức năng vào cuộc kịp thời. “Trước mắt, chúng tôi sẽ tổ chức họp báo thông báo tình hình tới các cơ quan ngôn luận về vấn đề chất lượng sản phẩm chè Việt Nam và những hiện tượng lạ thời gian qua” - ông Tuân cho biết.


Bài và ảnh: Mạnh Duy


Ý kiến:
Nền kinh tế của nước mình bị phá hoại theo kiểu đó lâu rồi. Họ tung tiền ra mua những sản phẩm độc hại, dân mình ham lợi cứ sản xuất theo họ, rồi chính sản phẩm đó làm chết thương hiệu của hàng hóa nước mình và đầu độc người dân mình. Chưa hết, khi họ ngưng thu mua, thì mình ứ hàng, phá sản. Một mũi tên bắn được 3 mục tiêu. 

Tại sao ý thức của chúng ta kém cỏi đến thế, cứ chỗ nào thấy tiền là nhào vô? Sự quản lý của các hiệp hội, của nhà nước cũng vô cùng lỏng lẻo, để mặc cho người dân tự bơi trong nền kinh tế thị trường, không hề có định hướg. Bao nhiêu quan chức, kỹ sư, giám đốc doanh nghiệp mải mê buôn lậu, chơi bời, chẳng lo gì đến đầu vào đầu ra sản phẩm. Người nông dân ít học dĩ nhiên là ít nhận thức, trách họ chỉ một phần, mà trách những kẻ có học vị, có chức quyền đến 10 phần, vì lẽ ra họ phải có nhận thức cao, trách nhiệm cao, đằng này họ chỉ lo vinh thân phì gia, bỏ mặc người nông dân và người tiêu dùng.

Tất cả những loại bằng cấp và chức vụ ấy không làm nên hai chữ "trí thức". Xem ra họ còn mê muội nặng hơn người bình dân. (D.Kim)

Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011

Clip Sinh nhật Má Hai 11-07-2011






Clip Chia tay anh Tín 09-07-2011















Clip Sinh nhật Tin, Tín, Trầm 02-07-2011














Ảnh Sinh nhật Má Hai 11-07-2011





Click vào đây để xem thêm

Ảnh Chia tay anh Tín 09-07-2011





Ảnh Sinh nhật Tín, Trầm 02-07-2011





SINH NHẬT MÁ HAI 11-7

SINH NHẬT MÁ HAI 11-7 

Má Hai không định làm sinh nhật, nhưng mọi người lại cố tình “nhớ”, và bày trò thật vui.

Đầu tiên là dì Phụng bên Úc, bạn rất thân từ hồi nhỏ, vẫn nhớ sinh nhật của “nhỏ Hoàng Anh”, gởi tiền về đặt hàng một cái bánh xinh xắn của tiệm Hỷ Lâm Môn. Dì Phụng biết ngày chúa nhật học trò của má Hai đến đông đủ, nên gởi bánh đúng ngày đó, để các bạn cùng ăn cho vui. Thật ra ngày chúa nhật mới là 10-7 thôi, và nhiều bạn bận ôn thi nên vắng mặt, chỉ có 8 bạn đến lớp, thế là tha hồ ăn cả cái bánh to. Xem nào, có Diệp Thảo, Đạt (bạn Diệp Thảo), Thảo (Nhật), Thảo cận, Thọ, Vỹ, Nương, Mai, Tin, Ni, chụp hình đầy đủ. Sẽ post hình lên blog để dì Phụng bên Úc được xem. Cảm ơn nhỏ bạn thời thơ ấu luôn nhớ tới mình.

Nhưng má Hai rất xui, vừa cắt bánh xong là ngã bệnh. Suốt ngày đó, vừa sốt, vừa lạnh run, vừa không ăn uống được, nói không ra hơi, nằm li bì. Có lẽ do viêm lưỡi, hoặc trúng gió, trúng thực, hai ba thứ nhập lại, khiến mọi người lăng xăng chăm sóc. Nào cạo gió, nào nấu nồi xông, nấu cháo, pha thuốc… Thiệt là mệt. Nhưng má Hai vui vì thấy con cháu yêu thương mình. Thôi kệ, lâu lâu bệnh một lần tụi nhỏ đỡ bị…nghe la. Hi hi. Má Hai mà không la nổi thì tụi con biết rồi há!

Sáng thứ hai, Rani chở mẹ đi khám bệnh. Buổi chiều, má Hai kinh ngạc khi thấy lũ học trò hẹn nhau kéo tới nữa. Nào Hưng, Trinh (bạn Hưng), Như Ý, Nương, Ni, Tin, Mai, Tuyết, Trân, Trúc. Thì ra, Nương đã làm một cái bánh kem để mừng sinh nhật má Hai, và cả bọn mua hoa chúc mừng vì biết má Hai rất thích hoa. Nương chưa từng học làm bánh kem mà gan cùng mình, tự nướng bánh, thoa kem, trang trí, với sự hỗ trợ đắc lực của anh Ni. Và tối hôm đó các bạn mỗi người cầm một cái muỗng, xúm nhau xẻ thịt cái bánh, không thèm cắt ra, vui ơi là vui. Ăn bánh kiểu này mới thú vị. Trái cây rất nhiều, cũng tha hồ ăn. Ngồi quây quần với nhau ca hát không cần nhạc, không cần micro. Hát đơn ca rồi tới họp ca, bài nào cũng hát được, chả cần hay dở. Thế mà vui. Một buổi tối sinh nhật thật bất ngờ.

CHIA TAY ANH TÍN

CHIA TAY ANH TÍN

Trong tuần qua, có một chuyện buồn, đó là anh Tín chuyển công tác ra Vũng Tàu, phải xa Funny Home. Các bạn đã làm bữa tiệc chia tay vào tối thứ bảy 9-7-2011, ai cũng bùi ngùi lưu luyến.

Bữa tiệc đột xuất vì anh Tín giấu tới giờ chót, nên chiều hôm đó nhiều bạn ở xa không về được. Chỉ có trái cây, bánh kẹo, chè, khô mực, và hát karaoke, nhưng đậm đà tình cảm. Thật sự, ai cũng quý mến Tín, vì Tín hiền lành, chân chất, hòa đồng với mọi người, và hết lòng tu học, làm việc thiện, không ngại vất vả. Lại còn hài hước nữa chứ. Lần nào nấu cơm chay có Tín tham gia thì không khí đều rôm rả, vì Tín hay pha trò, khiến mọi người cười vui vẻ. Vắng mặt Tín, lập tức các bạn “thắc mắc” liền.

Bây giờ thì phải vắng mặt lâu dài rồi đó. Tín nói có thể 2 tuần chạy về một lần, nhưng ai biết được… Hoàn cảnh và công việc rồi có thể bận rộn… Buồn quá đi! Biết là có hợp có tan, nhưng ai cũng có tình cảm, nên khi xa nhau thật khó. Vậy nên, các bạn ạ, ngày nào còn bên nhau thì chúng ta phải trân trọng, kẻo mai mốt xa nhau sẽ hối tiếc…


Ảnh chia tay anh Tín

Clip chia tay anh Tín

Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011

Phương Thanh thích phụ bếp nhà chùa


Phương Thanh thích phụ bếp nhà chùa











Phương Thanh thích phụ bếp nhà chùa

Sau những giây phút ồn ào trong làng giải trí, mỗi khi rảnh rỗi, chị Chanh lại lên chùa thắp nhang và xắn tay áo làm bếp phụ các sư chùa. 'Lên chùa vào bất cứ lúc nào, tôi cũng cảm thấy lòng rất vui và thật bình yên', Phương Thanh nói.

THIỆN TÁNH vào lúc 10/07/2011 01:24
Tôi có nghe các văn nghệ sĩ nói, trước đó ca sĩ Phương Thanh không bao giờ vào Chùa, khi ca sĩ Phương Thanh có thiện duyên, thâu hát nhạc Phật "ĐÊM PHÁP HOA", và lần đầu tiên lên trình diễn ca khúc "Đêm Pháp Hoa" ca sĩ Phương Thanh đã đi may một bộ áo dài để đi hát Chùa, và sau đó gần hai năm, Phương Thanh qui y Tam Bảo, là đệ tử ngoan của Đức Phật!

Mỗi lần Phương Thanh lên hát "Đêm Pháp Hoa" ở sân vận động Tỉnh Bình Dương, trên 50.000 ngàn khán giả Phật tử, ở rạp hát Hòa Bình, hay các Chùa trong các buổi lễ lớn của Phật giáo, thì cả đại chúng đều trang nghiêm im lặng lắng nghe Phương Thanh cất cao Pháp âm thanh tịnh của mình, với tất cả tấm lòng tín tâm tin kính Tam Bảo-Kinh Diệu Pháp Liên Hoa.

Đêm tụng kinh Pháp Hoa
Thấy vang động tinh hà
Địa cầu vừa tỉnh thức
Lòng đất bỗng đơm hoa.

Đêm tụng kinh Pháp Hoa
Bảo tháp hiện chói lòa
Khắp trời Bồ Tát hiện
Tay Phật trong tay ta.

Đêm tụng kinh Pháp Hoa
Thấy ta và Phật Đà
Lòng dạt dào hạnh phúc
Rức ánh sáng Như Lai

Đêm tụng kinh Pháp Hoa
Không dám khinh suất người
Biết người sẽ thành Phật
Tâm Phật trong tâm ta!


Đêm tụng kinh Pháp Hoa
Lắng nghe lời Phật dạy
Tràn đầy nguồn diệu Pháp
Tỏa chiếu trong tâm ta

Đêm tụng kinh Pháp Hoa
Trời đất cung kính lạy
Vũ trụ lặng cúi đầu
Nghe lời kinh Pháp Hoa

NAM MÔ DIỆU PHÁP LIÊN HOA KINH

Sau khi trình bày xong là những tràng pháo tay của đại chúng vang rền rộng khắp, biểu lộ tâm hoan hỷ, khơi mở Phật tính, hạnh nguyện lợi tha Bồ Tát trong từng hành giả Pháp Hoa, trong mỗi người thanh lương hướng Phật!

Và trên không gian bao la, hằng hà sa số chư thiên thần, chư Bồ Tát chắp tay cung kính hướng về người tụng đọc xưng tán "Diệu Pháp Liên Hoa Kinh"
Thật là công đức vô lượng vô biên!
Thật là hoằng pháp vô cùng vô tận!

Kính chúc ca sĩ Phương Thanh: Sức khỏe Bi-Trí-Dũng, hành trì Bồ Tát hạnh, phát Bồ Đề Tâm, hoằng pháp lợi sanh, an vui pháp giới.

NAM MÔ PHÁP HOA HỘI THƯỢNG PHẬT BỒ TÁT
NAM MÔ THƯỜNG BẤT KHINH BỒ TÁT
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT