Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2011

CÁC BẠN ĐỀU CÓ BIỆT DANH

CÁC BẠN ĐỀU CÓ BIỆT DANH

Nhiều bạn trong Funny Home của mình đều được đặt biệt danh đó nghen. Tùy theo tính tình, dung mạo, hoặc chuyện gì đó rất riêng tư mà biệt danh sẽ “ăn theo”.
Hiền là Nôbita vì tánh hậu đậu.
Anh Tín là Xuka vì Xuka là bạn “thân thương” của Nôbita. Hi hi đổi giới tính cho Hiền và Tín lại một chút, cũng không sao. Hiểu rồi ha!
Anh Ni là Mèo ú đại nhân vì tuổi con Mèo, mặt hơi giống mặt mèo, lại tròn vo mũm mĩm.
Nương là bé Rắn vì tuổi con rắn và cũng ốm nhom như con rắn.
Nhi nhỏ mỏ nhọn y chang Xêkô
Vỹ là Vịt con vì nhỏ xíu
Đoàn gọi là Hot boy vì khá đẹp chai
Tuyết đích thị là Tuyết Ròm, chắc hổng tới 40 ký lô
Tin Prồ nghe cũng giống Tin rồ. Rồ là gì vậy các bạn?
Thạch mơ mộng lung tung nên gọi là Thạch Bay.
Mơ là người Bắc nhưng lại rất mê cải lương, vậy gọi là Mơ cải lương nhé.

Còn bạn nào chưa có biệt danh, xin các bạn sáng tạo dùm cho vui. Tặng miễn phí, khỏi tính tiền!



ANH NI LÀM SÁM CHỦ

Tuần rồi, cô Kim mệt quá nên các bạn tự tụng kinh, và anh Ni làm sám chủ. Anh Ni bắt giọng thế này: “2, 3, Pháp vương vô thượng tôn, Tam giới vô luân thất…”
Chời, tụng kinh mà có vụ 2, 3 nữa. Anh Ni cười: “Thì con sợ các bạn tụng không đều nên phải bắt giọng cho đều chứ!”,
Hôm sau Thảo cận làm sám chủ. Cả lớp tụng kinh nghe cũng được. Hoan nghênh các bạn.

ANH NI BỆNH

A lô, a lô, anh Ni bệnh cả tuần nay mà sao hổng ai hay biết gì hết? Ho quá trời nè. Khẹt khẹt... Nhưng tới chừng các bạn biết rồi thì hình như bệnh cũng…hết rồi. Nhưng anh Ni rất vui lòng “truy lãnh” đường, sữa, bánh, kẹo của những người bạn thân đem đến…ủy lạo. He he. Đề nghị tặng hiện vật và hiện kim, khỏi tặng hoa nhé, vì tặng hoa thì mẹ sẽ “tịch thu” chứ anh Ni không xài được. Mẹ là người mê hoa mà lỵ!

Clip đi chùa Định Hương & Kỳ Quang 15-5-2011

Ảnh đi chùa Định Hương & Kỳ Quang 15-1-2011





Xem thêm ở đây nhé !

BÁO CÁO PHÁT CƠM CHAY TỪ THIỆN ngày 28-5-2011

BÁO CÁO PHÁT CƠM CHAY TỪ THIỆN
ngày 28-5-2011

1- Số tiền vận động 

Số TT
NGƯỜI THAM GIA
SỐ TIỀN
TỔNG CỘNG
TỒN QUỸ
7.793.000đ

CHI PHÍ

2.068.000đ

SỐ SUẤT
355 suất


Hỗ Trợ Mạnh Thường Quân Ăn Chay Trong Ngày Phật Đản
40 suất
400.000đ

TỒN QUỸ

5.325.000đ





2-Thành viên tham gia:

1-Cô Kim    2-Rani      3-Nương    4- Hiền    5-Vỹ      6-Tín    7-Nhung      8-Nhật Kiên
9-Trúc  10-bà Sáu (hàng xóm) 11-bác Năm (hàng xóm)    12-chị Diễm (hàng xóm)  
13-chú Tư (hàng xóm)    14-Út Năm (hàng xóm)        

Lần này nhiều bạn cũng còn bận học thi nên không tham gia được. Nhưng quý cô bác hàng xóm rất nhiệt tình nhảy vào “cứu bồ”, và tay nghề rất giỏi nên buổi chiều xắt gọt một loáng đã xong. Buổi sáng, một số bạn  lại vắng mặt vì bận đi học, thế là bác Năm và bà Sáu lại xông pha lần nữa. Hai “nhân viên về hưu” này sung hết biết!

Thực tế, “quân số” buổi sáng chỉ khoảng 10 người, bằng một nửa so với mọi hôm, nhưng năng suất vẫn không giảm bao nhiêu. Mọi người cật lực làm, sợ số lượng ít quá thì bà con tại bệnh viện sẽ thiếu.

3-Nội dung diễn biến

*Thực đơn: Mì xào thập cẩm
Món này coi bộ không bao giờ ế. Trong xóm, có nhiều bà con và mấy em thiếu nhi cũng chờ tới ngày làm mì để được “ăn ké”. Rất vui vẻ tặng, lần nào cũng dành khoảng 20 suất để bà con xóm mình ăn cho vui.
Tổng cộng được 355 suất.

*bây giờ bà con tại bệnh viện đã biết “lịch phát cơm” của nhóm, nên chuẩn bị chờ sẵn, không cần các bạn chạy vào từng khoa phòng thông báo. Cảm động nhất là mấy chú honda ôm đã không còn giành phần trước nữa mà nhường nhịn người khác, lại còn phát dùm, thuyết minh dùm khi có ai hỏi han. Có bạn tóc nhuộm vàng hoe cũng tới lấy cơm, và nhoẻn miệng cười vui vẻ dù đã hết phần. Mọi người như được cảm hóa, thương yêu chia sẻ lẫn nhau. Trong phần cơm của chúng ta, không chỉ có sự giúp đỡ về vật chất, mà còn sức cảm hóa, nhiếp phục, đúng nghĩa là Bố thí nhiếp. Nếu không có chữ “nhiếp” thì chúng ta chỉ giúp người ta  thoát nghèo chứ cái tâm người ta không xoay chuyển về đạo lý, về tình thương. Vì vậy, chủ trương của chúng ta là bố thí không phân biệt, ai muốn ăn chay cũng được hỗ trợ.

*lần này quyết toán thêm 40 suất do cô Kim nấu đãi các vị mạnh thường quân ngày rằm tháng 4 hôm trước. Ngày Phật Đản, nhiều vị muốn ăn chay, nhưng vì là công chức buổi trưa không được nghỉ nhiều, khó đi đến chùa để ăn cỗ. Cô Kim phát tâm nấu chay hỗ trợ cho các vị. Các vị đã hỗ trợ chúng ta trong hoạt động nấu cơm chay, tại sao chúng ta lại không hỗ trợ ngược lại cho các vị, coi như một cách tri ân. Phần thức ăn nấu hơi công phu một chút, nên giá thành cao hơn phần cơm bình thường phát tại bệnh viện. Trung bình 10.000đ/phần, so với cơm bệnh viện 5.800đ/phần.
Tổng cộng 40 phần= 400.000đ


Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2011

Tâm sự Mèo Ú



Mình có cái tật xấu, bạn bè lâu ngày không gặp là quên tiệt mất cái tên. Nhiều khi đi trên đường, nghe đứa nào gọi mình, quay lại thấy cái mặt quen quen, biết nó học chung mình năm nào luôn nhưng chịu, chả nhớ được nó tên gì. Những lúc đấy toàn nhe răng cười, chào hỏi dăm ba câu, xưng “cậu, tớ”, “mày, tao” chung chung chứ không dám xưng tên, sợ nó biết mình quên tên nó giận, hi hi.
Tính mình không giỏi giao tiếp, mới quen ai cũng ậm à ậm ừ, tiếc chữ như vàng. Được cái đã thân rồi thì mồm mép liến thoắng, phun chữ tràng giang đại hải. Mấy thằng bạn chí cốt đếm được trên đầu ngón tay, nhưng thằng nào thằng nấy chơi với mình lâu cũng miệng lưỡi lanh lợi, phải sinh tồn mà, he he. Nhiều khi ngẫm lại thấy bạn thân của mình sao ít quá, chắc do mình ít chủ động làm thân, hoặc có thể 12 năm phổ thông, mình cứ vô trường học rồi về nhà, ít khi đi chơi hay tham gia hoạt động của bọn nó, trừ đi chơi game với vài đứa lẻ tẻ.
Thế mà đùng một cái, mình có thêm cả đống bạn thân. Thực ra, cũng chẳng phải là “đùng một cái”, từ hồi mẹ mở cái Funny Home Club thì cả một cái chợ đã được thành lập ở nhà mình, và các quý tiểu thư, các quý công tử trong cái chợ chồm hổm đó đã là những người bạn thân thiết của mình. Chẳng qua lúc ấy mình không nhận ra, vẫn quen với cái không gian “tương đối êm ả” của mình. Mình cũng xuống ăn chung với các bạn, có khi cũng hát karaoke hay coi phim chung nhưng vẫn thấy có cái gì đó thiếu tự nhiên, vẫn còn khách sáo và ngài ngại, đặc biệt là chưa có phát huy “sở trường châm chích” của mình được, hic.
Rồi mình cũng quen dần với việc cứ cuối tuần là có người “gõ cửa” không gian của mình. Đứa nào hiền thì “gõ”, chứ có đứa còn “đập”, “đạp” tung cả cửa, như Nhi nhỏ chẳng hạn, loi choi như con khỉ. Bắt đầu từ những cái láp-tóp tụi nó “quăng phịch” cho mình cài, tự nhiên và tin cậy như đối với một người anh trong gia đình, cho đến những cuộc trò chuyện, sẻ chia những điều tâm đắc về một bộ phim, về giáo lý, xã hội v.v… mình chợt nhận ra, “à, trái tim mình rộng mở ra khi nào không biết !”.
Một ngày đẹp trời nọ, mama thực hiện kế hoạch nấu cơm chay từ thiện cho bệnh viện vào mỗi ngày thứ bảy. Thế là, cả nhà xắn tay nhau làm, bất chấp cả một tuần học hành, làm việc căng thẳng, chấp nhận bỏ những cuộc đi chơi đầy hào hứng, những cuộc hẹn “lãng moạn” để lăn vào bếp, lăn vào một đống bộn bề của khói than, lửa nóng, của dao thớt, nồi niêu và cả cái nắng cháy da. Những “quý cô”, “quý cậu” chưa từng làm việc nặng, hoặc đã quên điều đó từ lâu nay lóng ngóng từ cách cầm dao, cầm sạn, thậm chí không biết cột nước tương, vụng về mà rất dễ thương. Nhưng mà chỉ dở vài ngày đầu thôi nghen, quen việc rồi là ai nấy “prồ” lên hẳn. Những Kiên “China”, Kiên “Japan”, Hiền Nôbita, Vỹ Vịt con, Nhung, Hoa, anh Tín… nay đã trưởng thành có thể sánh vai với các “sư tỷ” Nương “Rắn còi”, Trúc, Thảo, và cả những bạn mới cũng đầy hứa hẹn.
Lúc làm việc thì rất hăng say, nhưng xong rồi mới thấm. Ai nấy mặt mày xanh lè xanh lét, lại phải chen chúc nhau ngủ trong căn phòng chật hẹp chưa đến 20 m2. Thế mà vui, nụ cười luôn nở trên môi mỗi người. Như là một gia đình, mà người thân thì sao quên nhau được, phải không nè? Vậy là mình biết, có lẽ sau mười năm, hai mươi năm nữa, có ai gọi mình trên đường, mình sẽ nhận ra “Ah, Kiên Nhật”, “Í, Hiền Nôbita”, “Ha, Vịt con kìa”, và nhiều nhiều nữa, bạn thân của tôi ơi !

Clip phát cơm chay từ thiện 21-5-2011


Bonus Clip Hai Bà Trưng chiến đấu (dữ dằn chưa ^^):

Ảnh phát cơm chay từ thiện 21-5-2011





Xem thêm ở đây nè !

BỀN LÒNG VỮNG CHÍ

BỀN LÒNG VỮNG CHÍ

Các bạn thân mến,

Mới đó mà chương trình nấu cơm từ thiện của chúng ta đã tiến hành được 4 lần, với khoảng 1800 suất. Vui quá phải không các bạn!

Nhưng xen lẫn vào niềm vui đó, vẫn có một chút lo âu. Lo không phải vì thiếu tiền, ngược lại, các mạnh thường quân đã bắt đầu biết đến chúng ta nhiều hơn, ủng hộ tiền đều đặn. Mà lo chính ở chỗ không biết các bạn có bền lòng vững chí bước đi dài lâu, có phát tâm bồ đề mãnh liệt để vượt qua mọi trở ngại. Nếu không, nhiều người sẽ bỏ cuộc, hoặc sẽ “xả hơi”, “nghỉ mệt”, “về hưu non”… Chao ôi là buồn!

Các bạn ạ, làm từ thiện không phải là những lần tham gia vì thấy đông vui quá, giống như đi chơi, đổi không khí. Nếu chỉ như thế thì chúng ta sẽ mau chóng nhàm chán. Bởi không khí này rồi sẽ quen thuộc, tập thể này rồi sẽ biết nhau, không còn gì hấp dẫn nữa. Các bạn sẽ tìm đến những nơi lạ hơn, chơi với bạn mới hơn…Đã gọi là “đổi gió” thì sẽ khao khát những ngọn gió lạ. Đúng nghĩa là Chơi chứ không hẳn là phát tâm bồ đề phục vụ chúng sanh.

Thậm chí, ngay khi đã phát tâm bồ đề rồi, nhưng không giữ cho kiên cố thì cây bồ đề của chúng ta cũng sẽ suy dinh dưỡng, rồi gục chết. Bởi trong mọi công việc đều có sự vất vả, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của thân và tâm chúng ta. Như mỗi lần nấu cơm, cả cô và các bạn đều rất cực, thức khuya dậy sớm hơn thường lệ, rồi bếp núc nóng bức, chạy xe ngoài nắng đem cơm tới bệnh viện, rồi chùi rửa thau nồi nhà cửa … Thật sự là một ngày mệt mỏi. Lẽ ra cuối tuần, chúng ta được nghỉ ngơi sau những ngày học tập và làm việc căng thẳng, đằng này lại phải xông pha làm nhiều việc hơn nữa. Chính vì vậy, chúng ta sẽ dễ dàng bỏ cuộc nếu như không có một trái tim rất mạnh mẽ kiên quyết giữ cho mình bước tới.

Trái tim ấy chỉ có thể là trái tim Bồ Tát, đôi chân ấy chỉ có thể là đôi chân đại hùng đại lực. Xin các bạn hãy quỳ trước Phật mà phát nguyện làm Phật sự, và cầu xin Phật gia hộ cho con có được trái tim ấy, đôi chân ấy. Khi bạn phát nguyện là đã có sức mạnh của tự lực. Khi Phật gia hộ là có thêm sức mạnh của tha lực. Kết hợp cả hai thì mới đầy đủ năng lượng mà bước đi lâu bền. Ngày xưa, cô Kim phát tâm đi hoằng pháp vùng sâu vùng xa, cũng đã quỳ trước Phật mà phát nguyện và cầu xin như thế. Rồi đến công tác nấu cơm từ thiện, cũng một lòng mơ ước mạnh mẽ. Cho nên, 10 năm hoằng pháp chưa hề mệt mỏi, nấu cơm cả năm nay cũng chưa hề nản lòng. Từ năm ngoái, mỗi tuần đều có hàng trăm suất cơm chay dành cho sinh viên. Bây giờ chuyển sang cơm chay dành cho bệnh nhân, cũng nằm trong dự án cơm chay từ thiện mà cô hằng ấp ủ.

Thật sự mình muốn gì Phật đều cho mình toại nguyện. Nhưng mình có giữ lòng kiên cố để thực hiện lâu dài hay không, hay chỉ thấy vui thì làm, ngẫu hứng thì làm. Cái tâm của ta mong manh lắm các bạn ạ, ta dễ ngã lòng trước mệt mỏi, trước áp lực, trước nghịch cảnh. Những trở ngại khiến ta loay hoay dừng bước, toan tính cân đo. Nhiều hôm, tòa soạn đề nghị viết bài gấp, hoặc có một buổi diễn cô phải đi xem, công việc dồn lại đầy ắp. Lúc đó, một là ngưng việc nấu cơm, giảng dạy, hai là không ngủ để giải quyết cho xong. Cô chọn phương án 2. Nhiều hôm chỉ ngủ chừng 3 tiếng đồng hồ, thế là Phật sự không bị ngưng lại. Chúng ta luôn bị thử thách như thế để xem có vượt qua nổi hay không. Phải cố gắng vượt qua các bạn ạ, vì sau mỗi thử thách là ta được cấp một “tín chỉ” về năng lực. Và đó cũng là cách ta làm quen, để sau này ta chịu đựng nổi những áp lực của công việc, của người đời. Cây Bồ đề của chúng ta dứt khoát không chịu ngã nghiêng trước sóng gió. Khi tâm ta đã kiên quyết, thì thân sẽ có thêm sức mạnh, phải không các bạn! Ý chí tạo ra một năng lượng vô biên mà ta dường như chưa hề biết tận dụng.

Nhìn những cô cậu học trò yếu ớt của mình nay bắt đầu xông pha làm việc nghĩa, cô thấy vừa thương yêu, vừa tin cậy, vừa lo âu như thế. Hầu hết đều là con một, con cưng, chưa quen vất vả, cho nên áp lực với các bạn quả là không nhỏ. Tuy nhiên, các bạn cũng đang tuổi hai mươi đầy sức sống, hãy chứng tỏ các bạn “trẻ” hơn tuổi năm mươi của cô nhé! Trẻ ở năng lực, trẻ ở sức chịu đựng, trẻ ở sự sáng tạo, trẻ ở sự hòa nhập. Chính điều đó làm nên tương lai của các bạn.

Và phước báu hôm nay cũng là một thứ hành trang cho các bạn vào đời thuận lợi hơn. Làm việc thiện thì không cần nghĩ đến phước báu, nhưng tự nhiên phước báu cũng đến. Chúng ta còn là người thế gian, không thể phủ nhận phước báu, vì có phước thì mới có thêm điều kiện tốt  để tiếp tục tu, học, làm việc thiện. Ngày nay vất vả trồng cây, ngày mai hái quả cho mình và tiếp tục cho người. Thật sự, các mạnh thường quân đã ủng hộ tiền cho chúng ta, nghĩa là tạo cơ hội cho ta làm phước, tại sao ta lại bỏ lỡ? Muốn tìm cơ hội làm phước đâu phải dễ. Các bạn thấy có những người đầu tắt mặt tối, có những người tật nguyền, bệnh hoạn, hoặc những người bị gia đình ngăn cản, nên họ muốn làm phước cũng không được. Đằng này, chúng ta có tiền, có tuổi trẻ, có sức lực, có thời gian, thì phải tranh thủ làm, tranh thủ tinh tấn. Cuộc đời là vô thường, biết ngày mai ta còn ngồi ở đây hay không. Vì thế, không hẹn ngày mai, không hẹn tuần sau, tháng sau, mà phải làm ngay trong từng khoảnh khắc có thể.

Chúng ta nắm chặt tay nhau lần nữa, phát nguyện mạnh mẽ. Xin Phật gia hộ cho chúng con tưới tẩm cây bồ đề non yếu này ngày một vững vàng. Xin noi theo Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát để có trái tim yêu thương và đôi chân đại hùng đại lực làm mọi điều lợi ích cho chúng sanh. 

NGÀY NÀO PHẬT CŨNG ĐẢN SANH

(bài đăng trên tạp chí Suối Nguồn , tu viện Huệ Quang)
NGÀY NÀO PHẬT CŨNG ĐẢN SANH
DIỆU KIM

            Mỗi năm có một ngày mà tôi thường nói vui là “sinh nhật Phật”, “Happy Birthday Buddha”. Nói như thế không phải không tôn kính, mà vừa tôn kính vừa gần gũi, âu yếm. Có vậy mới thấy Phật “gần” mình, nếu không, chỉ lễ bái thì thấy Phật sao “xa” quá, không khéo lại chẳng muốn tu theo Phật.
            Nhớ khi mình còn trẻ, yêu ai thì nhớ hoài người ấy. Nhớ khi đi, khi đứng, lúc nằm, lúc ngồi. Nhớ khi ăn cơm, khi chạy xe, khi đi học… Chao ôi là tình yêu! Ai đã trải qua chắc biết rồi. Làm bất cứ chuyện gì thì hình bóng người yêu cũng lẩn quẩn trong tim, trong óc. Hình như không đứt đoạn, hình như mình rất là…nhứt tâm.
            Bây giờ học Phật, mới biết cái kiểu nhớ nghĩ như thế gọi là “niệm”. Ừ, yêu người thế gian thì niệm niệm không dứt. Và càng yêu, càng dắt díu nhau đến bến bờ sinh tử!
            Thành ra, bây giờ đổi lại là “tình yêu” với Phật, ngày đêm nhớ nghĩ, niệm niệm chẳng rời. Sáu chữ Di Đà luôn trong óc trong tim mỗi khi chạy xe, lặt rau, làm bếp…Càng niệm Phật, càng sáng suốt, làm cái gì đúng cái ấy, chứ không lẩn thẩn như niệm người yêu, làm sai, quên tới quên lui. Niệm mãi thành quen, khi không chuẩn bị mà sáu tiếng cũng bật ra. Và mình chợt mỉm cười, ừ mình “nhớ” Phật cỡ đó thì người yêu hồi trẻ đã thua xa.
            Càng ngày càng thấy Phật rất gần. Nhà ở phố chật hẹp nên bàn thờ Phật cùng không gian với phòng khách, bàn ăn, bởi vậy suốt ngày có thể ngước nhìn ảnh Phật, chiêm ngưỡng dung mạo đoan trang thánh thiện. Nhà chật hóa ra có cái hay của nhà chật. Và ngắm nhìn Phật thấy lòng hoan hỷ, lâng lâng. Trên bàn thờ luôn có lẵng hoa hoặc bình hoa tươi, mỗi ngày đều theo dõi, nếu héo thì thay ngay. Cắm hoa cúng Phật là một niềm vui. Và dõi theo hoa cũng để thấy vô thường sinh diệt, tươi héo vội vàng, càng hối hả niệm, ít bận tâm thói đời bon chen, ganh tị.
Và mỗi một niệm sanh ra là Phật đã “đản sanh”. Mỗi lần ngước nhìn là thấy Phật hiện thân. Mỗi ngày lạy Phật là nâng niu gót ngọc của Ngài đang bước trên bảy đóa sen hồng thơm ngát. Chờ gì đến tháng tư mới thấy Phật về, mỗi ngày mình đều đón Phật, gần gũi, thân thương. Gần như vậy mà còn lo không gặp Phật ở “bờ bên kia”, huống gì mỗi năm chỉ mừng sinh nhật một lần!
Nói vậy chứ ngày rằm tháng tư vẫn là một cột mốc quan trọng, phải tưng bừng rộn rã, không thể sơ sài. Nhưng mừng Phật đản sanh không chỉ có hoa đèn rực rỡ, lễ hội sắc màu. Đó là bề nổi, dĩ nhiên rất cần. Nhưng cần hơn nữa, mỗi người Phật tử phải ý thức rằng mình cúng Phật bằng cách giữ giới, bằng tâm thanh tịnh, bằng việc học giáo pháp… Có như vậy Phật giáo mới vững vàng từ trong nội lực, mới bền bỉ tồn tại không bị bất cứ ai bên ngoài chống phá.
Phật tử chúng ta hiện nay nhiều căn cơ khác nhau, thôi thì chỉ cần nhà chùa dạy cho một bài pháp ngắn, một đoạn kinh nhỏ, cũng gọi là “học”. Một ngày về chùa, ăn cơm chay là giữ giới bất sát, học vài câu kinh là tăng trưởng trí huệ, lòng không nhớ nghĩ chuyện đời, an nhiên thanh tịnh là giữ định trong tâm. Một ngày đi mừng sinh nhật mà Giới-Định-Tuệ đủ đầy, khác hẳn sinh nhật thế gian tràn trề rượu thịt, đắm đuối, mê say. Ta mừng Phật, hay ngược lại, Phật mừng cho ta, vì ta cũng đã “đản sinh” từ trong Phật tánh.
                                                                                                          TPHCM 19-4-2011


NHẬT KÝ MẸ VÀ CON

(bài đăng trên tạp chí Đạo Phật ngày Nay)
NHẬT KÝ MẸ VÀ CON

Ngày 5-3-2010

Tháng giêng âm lịch, cả nhà ăn chay. Nhưng được một tuần thì con thèm cơm tấm bì sườn. Mẹ biết con ưa súp nấm nên lui cui nấu. Con reo lên: “A, nếu mẹ nấu súp thì con không ăn cơm tấm! Và ngày mai nếu mẹ nấu ragu thì con sẽ ăn chay tiếp tục”. Trời, “tu” mà đặt điều kiện với mẹ nữa! Mẹ cười. Mẹ biết tánh con thích món gì, nên nhất định nấu một món chay để “đổi” lấy một món mặn. Thà mẹ cực nhưng con “tu” là mẹ vui.
Mẹ cũng chẳng hề trách con “đạo lực” yếu. Vì con còn trẻ, cơ thể đòi hỏi nhiều thứ hơn người già, thèm cái này cái nọ, chứ không dễ ăn rau luộc, tương chao như mẹ. Nếu không thuận theo tạo hoá mà cứ cưỡng cầu thì những người trẻ sẽ “thua cuộc”.  Thiền sư Ajahn Chah có viết: Practice is like raising a duck. We feed it and give it water. It may grow fast or it may grow slow. We cannot change this. We accept it and do our work. This is how we practise. It may be fast or slow. Don’t force it, just know it. Continue like this and our practice will have a strong foundation. Mẹ nhớ hồi trẻ mẹ cũng thèm ăn tùm lum thứ, mỗi lần bà ngoại làm món gì là mẹ ăn cơm ngon lắm. Nhất là ngày chay, có món ngon thì “quên phắt” đồ mặn. Vì vậy sau này mẹ phát tâm làm món chay thật ngon để khuyến khích người ta ăn chay. Đầu tiên là áp dụng với con cháu trong nhà và học trò của mình. Những đứa trẻ cần được chăm sóc nhất vì nếu không chúng sẽ bị thế gian cuốn đi rất dễ. Thế gian với bao nhiêu thứ hấp dẫn, khó tu lắm, đừng tưởng chuyện đùa!
Hôm nọ thằng cu Tin qua chơi, mẹ nấu hủ tiếu chay Sa Đéc, cả nhà quây quần ăn tối ngon ơi là ngon. Mẹ rất thích cảnh các con lăng xăng ăn uống, xì xụp chan húp, thậm chí tranh nhau dưới bếp, cười đùa nghịch phá và căng bụng vì ngon lẫn vui. Một cảnh tượng gia đình hạnh phúc. Cái bếp luôn là nơi toả ra hơi ấm gia đình, cho nên mẹ thích nấu ở nhà hơn là đi mua đồ sẵn. Dù cực một chút nhưng nó ấm áp, gần gũi, kết nối mọi thành viên trong nhà. Và có cái bếp thì có vai trò người phụ nữ. Đó là điểm tựa của người đàn ông và của những đứa con. Họ ra ngoài đấu tranh với cơm áo, gạo tiền, với bon chen, vất vả, khi về nhà họ cần được ấm áp. Sự ấm áp đó toả ra từ cái bếp, từ bàn tay người vợ, người mẹ. Mẹ cầu mong con sẽ lấy được người vợ như thế.
Riêng mẹ, không may duyên nợ nửa chừng, nhưng mẹ vẫn xem nhà ta là một “đơn vị gia đình” trọn vẹn. Trong đó, mẹ vừa làm vai trò người đàn ông đi kiếm tiền nuôi con nuôi cháu, nhưng cũng không từ bỏ vai trò người phụ nữ giữ ngọn lửa ấm áp cho mọi người. Hết việc cơ quan là mẹ lăn vào bếp say sưa nấu nướng. Mà suy cho cùng, mẹ làm đâu chỉ cho các con, mà cho chính bản thân mẹ, để mẹ còn thấy mình rất “phụ nữ”. Cái bếp cũng là điểm tựa cho “người đàn ông trong mẹ”. “Người đàn ông” ấy rất mỏi mệt sau công việc xã hội, thì tìm về nhà để thư giãn với những chuyện nội trợ cỏn con. Ừ, người ta hay nói nó “cỏn con”, nhưng đôi khi nó lớn lắm, vì nó giảm stress, nó thêm sự mềm mại dịu dàng, nó thêm tiếng cười cho mỗi ngày trôi qua. Đó đôi khi là “thành luỹ” cuối cùng cho người phụ nữ, nếu một ngày nào đó họ không còn làm được gì khác ngoài xã hội. Khi người ta bị bất lực, hoặc không còn cách để bon chen, thì người ta sẽ rất vui khi làm những việc cỏn con cho những người thân yêu nhất của mình. Nhìn con mình mặc cái áo do chính tay mình ủi thẳng thớm, vui lắm chứ. Nó ra đường, ai cũng khen đẹp trai, là khen cả mình đấy chứ. Hoặc chồng mình xì xụp húp món canh do chính tay mình nấu, cũng vui lắm. Đám tiệc giỗ quảy mẹ cũng thích nấu, vừa vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa biểu lộ lòng thành với ông bà, vừa hạnh phúc khi bà con bạn bè thưởng thức. Ăn không chỉ là ăn, mà còn là kết nối trái tim, gieo duyên với nhau. Cho nên mẹ dạy các con hoài, khi nấu ăn tâm phải vui, phải mong người ta thưởng thức, thì người ta ăn sẽ thấy ngon. Còn nấu mà cằn nhằn, bực bội, người ta sẽ “đắng lưỡi” một cách tự nhiên. Phật dạy làm cái gì cũng chú trọng “tác ý”. Khi tác ý tốt, sản phẩm sẽ tăng hiệu quả tốt. Tác ý xấu, sản phẩm sẽ kém chất lượng. Nấu ăn mà lòng vui, nhẹ nhàng, thư giãn, thì từng phân tử đường, đạm, béo, xơ sẽ tự nhiên nhảy múa rộn ràng, ngon miệng, dễ tiêu…
Lên tới mâm cơm, gia đình ta còn vui một lần nữa, vì ai nấy tranh nhau kể chuyện học hành, làm việc, phim ảnh, tin tức, thời sự v.v… Một “bàn tròn” thông tin và thảo luận, hoặc đùa nghịch, cười giỡn rất bổ ích. Có khi ai đó kể về một giấc mơ cũng đủ làm xôn xao. Có khi khơi mào một chuyện ma, rồi ré lên vừa sợ vừa cười. Có khi là những bức xúc xã hội rất “vĩ mô”, chứng tỏ các con đã là người lớn, trưởng thành, sâu sắc. Lắm lúc lại là một câu nói gì đó mà mẹ nhân tiện biến thành một bài học tâm lý, đạo lý thật nhẹ nhàng, dễ tiếp thu. Các con thường được mẹ dạy bằng cách ấy, không thấy nặng nề, giáo điều. Bữa cơm gia đình ta thật tuyệt vời!
Lòng mẹ miên man chợt nghĩ đến ngày xưa… Lẽ ra ba con không nên tước đoạt tất cả “quyền lợi phụ nữ” của mẹ. Không thể tưởng tượng nổi một người đàn ông mà giữ hết tiền lương và thu nhập thêm của cả hai vợ chồng, sáng sáng phát tiền cho vợ ăn điểm tâm, đi chợ. Khi cần mua một chai nước tương, một gói tiêu cũng phải chạy đi tìm ông ấy để lấy tiền, vì trong túi mẹ không được giữ đồng nào. Như thế làm sao mẹ “thiết kế” nhà bếp theo năng lực sáng tạo của mẹ? Ôi, bó tay! Ông ấy đã thủ tiêu ước mơ đại học, ước mơ viết lách của mẹ, ừ thôi chấp nhận, nhưng thủ tiêu cả thành luỹ cuối cùng của người phụ nữ là cái bếp thì mẹ còn gì để nấn ná nơi căn nhà đó?
Sau này, mẹ mong con hãy để vợ con được tự do sáng tạo và mua sắm trong căn bếp của cô ấy. Một người nội trợ cũng có thể là một nghệ sĩ. Nếu ai nâng được công việc nội trợ lên thành nghệ thuật, đầy say mê và sáng tạo, thì sẽ không thấy nó là cực khổ, là phong kiến… Nhiều phụ nữ lên án việc nội trợ, cho rằng bất bình đẳng, trù dập họ. Nhưng rồi họ gặt lại kết quả là đánh mất hạnh phúc gia đình, đánh mất hơi ấm của những bữa cơm, những ngày chung sống. Chồng họ cuối cùng lại đi ăn cơm do người phụ nữ khác nấu. Con họ lại la cà, lêu lổng. Vấn đề là chúng ta phải biết cách giảm nhẹ sự vất vả của công việc nội trợ bằng những thứ máy móc cần thiết, như máy giặt, máy hút bụi, tủ lạnh, nồi áp suất v.v… Người chồng tặng vợ những món đồ đó không phải trù dập vợ vào chuyện nội trợ đâu, mà chính là thương vợ. Đừng bao giờ hà tiện khi sắm máy móc cho vợ làm nội trợ. Cô ấy cần có vị trí trong xã hội nữa, nên làm nội trợ thế nào để không mất thời gian và sức khoẻ để tiến thân, đó mới là nghệ thuật. Rất cần sự cân bằng giữa gia đình và xã hội. Như mẹ, vừa làm phóng viên nhật báo, chạy như con thoi, nhưng cũng khoái nấu ăn, dọn dẹp. Chưa kể, nghiên cứu kinh điển, dạy Phật học, viết sách, cắm hoa, làm thiệp, trồng cây… Đời cực mà vui phải không các con? Con phải cố gắng nâng cấp người bạn đời của con như thế. Và cô gái ấy chắc sẽ hiểu rằng bên cạnh công việc xã hội hấp dẫn cũng còn có một mái nhà tuyệt vời không kém. Chính bản thân con cũng vậy, tiến thân thế nào để không ảnh hưởng tới gia đình, đừng quá chạy theo công việc đến lơ là tổ ấm. Cuộc sống bây giờ quá bon chen, mẹ đâm ra lo sợ. Cho nên mẹ thì thầm với các con những lời này, chắc là không uổng...
Sắp tới ngày 8-3 rồi. Các con tặng mẹ những gì? Riêng mẹ tặng lại các con bài viết này. Thật ra, mỗi một nụ cười của các con đã là quà cho mẹ!
                                                                                                                      
                                                                                  HOÀNG KIM

Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

CÁC LOẠI PHƯỚC

Các loại Phước

Mỗi người chúng ta khi sinh ra đều có những phước báu riêng biệt. Những phước đó được kinh Phật xếp vào những loại như sau:

1- Đồ dùng nuôi thân (thức ăn, thức uống, thuốc bệnh, thuốc bổ v.v...).

2- Đồ dùng sinh hoạt (nhà cửa, xe cộ, quần áo, đồ giải trí v.v...).

3- Sức khỏe (sức sống , khí lực trong con người).

4- Sắc đẹp. (thân thể đẹp, khuôn mặt đẹp, hương thơm ...)

5- Tuổi thọ. (sống lâu hoặc thọ mạng ngắn ngủi)

*********************************************

6- Môi trường sống (Không khí trong lành hay ô nhiễm, nhiệt độ nóng
lạnh hay dễ chịu, địa hình thuận lợi hay khó khăn, cảnh quan đẹp)

7- Cách đối xử của người khác với mình (dùng tâm không tốt với mình, như hơn thua mình, làm hại mình, gò bó mình, hay tốt với mình).

8- Địa vị chức quyền.

9- Tâm không bệnh. (tâm bệnh ở đây là các bệnh về tâm dù mình không muốn không giống tâm bệnh trong các tài liệu khác)

10- An tâm. (Không lo sợ điều gì)

kaxgyatso

Vậy, chúng ta hãy đối chiếu với bản thân để thấy mình có và không có những phước nào. Từ đó, sẽ cố gắng tu học, làm thiện, để tích lũy những phước báu mong muốn.

Ý NGHĨA 7 BƯỚC CỦA PHẬT THÍCH CA SƠ SINH

Ý nghĩa bảy bước của Phật Thích Ca sơ sinh

Tôi thường nghe kể: Khi Đức Phật vừa ra đời, Ngài bước đi bảy bước trên bảy đoá sen. Ý nghĩa của sự việc này là gì? Có phải đấy chỉ là huyền thoại, không có thực không?

Sự việc trên được ghi trong kinh Acchariya Abbhuta Sutta, nguyên nghĩa là kinh Diệu Kỳ, thường được dịch là kinh Hy hữu Vị Tằng Hữu Pháp trong kinh Trung Bộ (Majjhima Nikaya) số 123 và kinh Vị Tằng Hữu Pháp trong kinh Trung A Hàm (Majjhima Agama) số 32. Theo kinh, trước Đức Phật và Thánh chúng, ngài A Nan đã thuật lại rằng chính Đức Phật đã kể cho Ngài nghe về việc Đức Phật thọ thai, đản sinh,…, trong đó có phần nói đến sự việc khi vừa sinh ra, Đức Phật đã bước đi bảy bước và có bảy đoá sen nở dưới chân Ngài.
Số 7 là con số thiêng liêng vốn không biết từ bao giờ đã gắn liền với tư tưởng văn hoá con người [mỗi tuần gồm 7 ngày, Kinh Thánh Thiên Chúa giáo bảo Thượng đế sinh ra vũ trụ trong 7 ngày, Bảy vị hiền triết, 7 âm của nhạc, thất ngôn của thơ Đường, Thất diện (7 tinh tú của Thiên văn học), Thất miếu (7 miếu thờ vua), Thất tịch (mồng 7 tháng 7) của Trung Hoa…].
Hoa sen là loại hoa được tôn quý ở Ấn Độ thời cổ. Thần Vishnu xuất hiện từ thuở khai thiên lập địa, rốn mọc ra hoa sen. Hoa sen trong Phật giáo mang nhiều ý nghĩa: sự tinh khiết, thanh tịnh, trí tuệ, thiền định, tam muội đại bi, nhân quả đồng thời… Hoa sen là một trong những biểu tượng của Phật giáo.
Ý nghĩa của sự việc Đức Phật đản sinh bước đi 7 bước ít có sự nhất trí của các nhà Phật học. Sau đây là một đề nghị về cách nhận định ý nghĩa của 7 bước đi thiêng liêng ấy.
-Số 7 khiến ta liên tưởng đến Thất giác chi, tức 7 yếu tố đưa đến chứng ngộ.
-Lại nữa, khi Đức Phật ra đời, ở Ấn Độ cổ đã có 6 nhà lãnh đạo tư tưởng, tâm linh, thường được xem là 6 môn phái, như vậy Đức Phật sẽ là vị thứ bảy, trở thành vị tối thượng.
-Lại nữa, kinh nói về các vị cổ Phật, trong đó Đức Phật Thích Ca là vị thứ bảy. Tất cả các ý nghĩa này đều nhằm báo trước Bồ tát mới đản sinh sẽ trở thành Phật, Bậc Đại Giác ngộ, Toàn năng, Tối cao, Tối thắng,…, phù hợp với ý nghĩa của “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” (Ý nói Ta sẽ thành Phật, Phật là cao quý nhất trên đời) mà kinh trên đã nói đến.
Đây có phải là huyền thoại không? Trước hết ta hãy suy nghĩ: Có chỗ nào là thật trong các huyền thoại không? Huyền thoại có phải là những câu chuyện vô lý? Chuyện Phù Đổng, Đầm Nhất Dạ, Chử Đồng Tử, Mẹ Âu Cơ,… có mang ý nghĩa nào chân thật chăng? Có phải những gì được nhìn thấy tận mắt, hợp với lý luận của ta mới là thật, ngoài ra tất cả đều huyễn giả? Hẳn là không phải như thế và cuộc sống tâm linh như thế thì thật quá nghèo nàn.
Mặt khác chúng ta cần lưu ý rằng:
- Cũng như 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp của Đức Phật, nhiều tướng xem ra là quá kỳ lạ như ngón tay, ngón chân có màng, lưỡi lè dài quá trán, tay dài quá đầu gối,… Nhưng đây là qua cái nhìn của các vị thầy tướng, các vị phải học tập, nghiên cứu, tu luyện để đạt đến cái khả năng thấy được như thế. Cũng vậy, người bình thường có thể không thấy Đức Phật bước đi 7 bước, nhưng có người có khả năng khác thường vẫn thấy được như vậy.
- Đức Phật là Đức Phật, là Bậc Toàn trí, Toàn năng, Tối thượng, Tuyệt đối thì tất cả những gì thuộc về Ngài là không thể nghĩ bàn, không thể lấy tri thức thông thường để nhận định.
Mong những giải trình sơ lược trên có ích cho bạn và quý độc giả.


THẠCH VIẾT



HẠT GẠO



Ngày nay con người mãi bị bao vây trong đời sống dịch vụ mà không cảm nhận được sự sống đích thực, từ nhịp đập con tim, sự vận động của hệ thống hô hấp, sự sinh diệt của tế bào,... được nuôi dưỡng bởi những hạt cơm. Những hạt gạo mà người nông dân làm ra chứa đựng trong đó có cả thiên thời – địa lợi – nhân hòa, là cái đạo của tự nhiên.



Một vụ lúa quê tôi phải qua 3 tháng từ khi sạ tới khi gặt phơi, rồi cất vào kho. Nếu ông trời không vui, gây chút khó khăn (không mang đến tia nắng ấm áp khi sớm mai, hoặc nắng hạn kéo dài không có nước tưới, hoặc đến khi chuẩn bị gặt bỗng một trận lũ kéo ập đến) thì năng suất giảm. Nếu như sạ lúa vào nơi đất ít dinh dưỡng, năng xuất cũng giảm. Nếu như người nông dân có chuyện buồn, đám ruộng cũng buồn hiu, làm sao được năng suất tốt.



Phải chăng con người không có thời gian cảm nhận được cái đạo của tự nhiên và sống trong đạo tự nhiên nên dễ thấy nhiều bệnh tật, nhiều vụ tự tử không rõ nguyên do. Đất là người mẹ diệu hiền nhất, khoan dung độ lượng nhất. Con người công nghiệp ngày nay sống cách xa mẹ đất, quên đi tình yêu vô bờ bến của mẹ đất, đối xử vô tình với mẹ đất. Đạo là người con phải biết quý trọng, yêu thương chăm sóc người mẹ của mình. Phải chăng người ta đi sai đạo nên phải trả giá cho những đau khổ nối tiếp khổ đau.