Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 18 tháng 10, 2012

“Kỹ nghệ” ép trái cây chín nhanh


“Kỹ nghệ” ép trái cây chín nhanh
Thứ Tư, 17/10/2012 08:56
Những năm trước, các loại trái cây như chuối, chôm chôm, sầu riêng, mít, xoài…. thường được ủ chín bằng phương pháp thủ công như hái hàng loạt trái cây rồi ủ bằng rơm, lúa… nhưng cách này nông dân đã dần đi vào “quên lãng” mà thay vào đó sử dụng một loại hóa chất đang bán trôi nổi trên thị trường...
Chín vàng sau một đêm
Ngày trước tôi thường thắc mắc với một số người bạn ở huyện Đức Linh là những chủ vựa mít ở huyện này ủ mít giỏi thật. Một vựa mít đủ các loại, trái già có, trái non có nhưng trái nào cũng được ủ chín sau khi chủ vựa thu gom từ các hộ trồng mít về. Câu hỏi này mới đây đã được sáng tỏ vì tình cờ khi chúng tôi bàn luận về các thực phẩm hiện nay đều “phụ thuộc” vào hóa chất.
Chúng tôi đã có cuộc đi thực tế ở thị trấn Đức Tài, huyện Đức Linh, đây là vùng trồng mít nhiều nhất tỉnh. Qua thăm dò, chúng tôi được biết ở thị trấn Đức Tài có một cửa hàng vật tư nông nghiệp bán kèm hóa chất này nhưng không phải ai cũng mua được, chỉ có người quen thường mua thì chủ cửa hàng mới bán.
Tuy chưa đến vụ mít nhưng anh T. - người mà chúng tôi nhờ mua dùm đến cửa hàng này mua chai hóa chất ủ trái cây chín vàng không gặp trở ngại gì vì lúc nào cửa hàng cũng có. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, chai hóa chất không chỉ ủ mít mà có thể sử dụng ủ đủ thứ loại trái cây như: chuối, xoài, rầu riêng, sapôchê, nho, cà phê, chôm chôm, măng cụt, bơ… Công dụng của sản phẩm này được quảng cáo là làm cho trái cây chín nhanh, chín đều, chín đồng loạt và có màu sắc đẹp hơn so với chín tự nhiên hoặc ủ theo cách thủ công.
Anh Đ. - một người đã có nhiều năm làm nghề buôn mít ở thị trấn Đức Tài tiết lộ cho chúng tôi bí quyết làm cho mít, sầu riêng chín nhanh, múi mít, sầu riêng có màu vàng bóng cực bắt mắt đó là pha một lượng hóa chất này với nước ở mức độ nhất định, sau đó dùng vật nhọn đâm thủng cuống và bơm trực tiếp vào cuống mít hoặc sầu riêng. Chỉ qua ngày hôm sau trái cây sẽ chín đồng loạt 10 trái như 10.
Đối với chuối và xoài thì pha 10 - 25 ml (nếu muốn chín nhanh thì pha đậm hơn) cho 1 lít nước sau đó nhúng chuối hoặc xoài vào dung dịch đã pha với nước, khoảng 3 đến 5 phút vớt ra để khô, sau đó ủ qua đêm trái sẽ chín vàng. Đối với các loại trái cây khác cũng pha như trên nhưng phun sương cũng sẽ chín vàng tương tự.
Không người tiêu dùng nào có thể biết được trái đã “tẩm” hóa chất để trái cây chín vàng bắt mắt. Nhiều loại trái cây đang được các thương lái, chủ vựa thúc chín, làm đẹp và kéo dài “tuổi thọ” cũng bằng hóa chất này. Việc sử dụng hóa chất để ép chín và bảo quản trái cây khiến người ăn có nguy cơ ngộ độc rất cao.  
Anh Đ. còn tiết lộ cho chúng tôi một loại hóa chất khác giống như viên thuốc, to bằng đồng tiền xu. Loại hóa chất này làm cho bắp chuối to hơn bình thường. Một viên hóa chất này pha với nước rồi phun trực tiếp vào bắp chuối trên cây, sau đó dùng rơm bó lại bằng túi nylon, vài ngày sau bắp chuối từ 2 kg có thể to lên 5 kg. Mỗi gói chỉ có giá 15.000 đồng nhưng phun được 10 bắp chuối. Hai loại hóa chất này hiện đang được sử dụng rất nhiều ở huyện Đức Linh.
Nhiều nông dân còn gọi hóa chất để làm bắp chuối to hơn bình thường là viên độc GA4, loại này bên dưới nhãn hiệu ProGibb T98 có một dòng chữ Gibberellic Acid 1g.96%. Tên của nhà sản xuất được ghi trên vỏ bao bì là “BIOCHEMICAL PRODUCTS”. Thành phần của thuốc được in “GA4 - A7 + 6BA”.
Những hóa chất cực độc
Loại hóa chất dùng ép trái cây chín nhanh ngoài vỏ chai ghi do Công ty TNHH sinh học HPH, ở thành phố Hồ Chí Minh sản xuất. Dung dịch trong chai có thể tích 0,5 lít, có dạng lỏng sệt, màu vàng như dầu ăn, mùi rất khó chịu. Trong thành phần của chai hóa chất này ghi là được sản xuất từ chất Ethephon (là chất dùng để kích thích mủ cao su).
Trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được Bộ NN&PTNT cho phép sử dụng dùng Ethephon để kích thích cây cao su và chỉ có 12 công ty đăng ký, không có tên Công ty HPH hay Viện Sinh học nhiệt đới. Đặc biệt, hóa chất này cũng không có trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng theo Quyết định 867/BYT ngày 4/4/1998 của Bộ Y tế. Theo đó, các nghiên cứu khoa học về độc tính của Ethephon chỉ ra rằng chất này gây kích ứng mắt khiến mắt xót, đỏ. Hóa chất này còn tác động trực tiếp lên da gây ăn mòn, sưng tấy và đỏ da.
 Theo Thông  tư số  10/ 2012/TT - BNNPTNT ngày 22/2/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ban hành danh mục thuốc bảo vệ thực vật  được phép sử dụng, hạn chế sử dụng và  cấm sử dụng ở Việt Nam thì hoàn toàn không thấy có hoạt chất GA4 trong danh mục được lưu hành.
Trong phần danh mục thuốc điều hòa sinh trưởng chỉ có hoạt chất Gibberellic acid (GA3) được phép lưu hành để kích thích sinh trưởng các loại cà phê, lúa, bông vải… Tuy nhiên, dù cho phép hoạt chất GA3 được lưu hành nhưng người sử dụng luôn được khuyến cáo sử dụng đúng liều lượng, không vượt 0,15mg/kg đối với trái cây và phải cách ly từ 5 đến 7 ngày mới được thu hoạch sản phẩm.
Hiện trong danh mục chỉ có Công ty Hóa phẩm Thiên Nông đăng ký hoạt chất Gibberellic acid (GA3) kích thích sinh trưởng. Đối với viên GA4 (dùng để kích thích bắp chuối to hơn bình thường) không nằm trong danh mục được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, nên cần phải có cơ quan chức năng kiểm định thì mới biết được độc hại của loại hóa chất này.
Theo THANH QUANG (Bình Thuận Online)
Có 11 ý kiến
Xóm Bóng 17/10/2012 09:04
Sau vài năm nữa trái cây VN mang mầm bệnh hóa chất TQ.
Hoai Trang 17/10/2012 09:10
Thật khủng khiếp! Cà phê hóa chất, sinh tố hóa chất, trái cây hóa chất. Con người ta ngày càng mất niềm tin và nghi kỵ lẫn nhau là vì đâu?
Thanh thị Thanh 17/10/2012 09:26
Viết kiểu này chẳng khác nào "vẽ đường cho hưu chạy".
Minh Nhật 17/10/2012 10:01
Mỗi ngày trên báo NLĐ đăng một "thực đơn", không biết bao giờ mới hết mấy "món đặc sản" này. Con người đang hủy diệt lẫn nhau, thật là đáng sợ, sống mà lo nom nóp, không biết bao giờ đến lượt thế giới bên kia gọi mình.
Cathy Nguyen 17/10/2012 10:02
c ông c bà mà làm ăn theo kiu y là chính tự mình giết mình. Người Việt xa quê như tôi đây trông mong cho tới ngày nghỉ phép để được về thăm quê nhà, được ăn những thứ trái cây mà ở nước ngòai không có được. Nhưng rồi thì sao? Làm ăn manh mún như những loại người này làm mất hết đi tình yêu quê hương của những người xa xứ. Làm ăn tầm bậy như vậy thì chính họ tự đưa họ vào đường cùng, không có lối thoát. Đấy là chưa nói tới lượng du khách ngọai quốc, họ mà tẩy chay thì có nước nghèo thì lại càng nghèo.
Dieu Kim 17/10/2012 10:09
Đầu độc con người bằng thuốc chuột thì bị xử lý hình sự, còn đầu độc bằng hóa chất như vầy vẫn chưa thấy ai bị xử lý gì hết! Thảo nào, bịnh viện ung bướu ngày càng tấp nập như trẫy hội.
Lam Ngọc 17/10/2012 13:11
Thực phẩm mà gian ác tẩm hoá chất kiểu này, nên quy cho tội "cố ý giết người" xử lý hình sự thì may ra mới giảm thôi. Đọc xong mấy món "đặc sản" hết dám ăn gì ngoại trừ cây nhà lá vườn, thiệt khổ.
Mèo con 17/10/2012 16:24
Các nhà đầu tư nên đầu tư thêm bệnh viện đi. Bi giờ ăn cái gì cũng hoá chất không hà, sớm muộn gì cũng bệnh thui, mà ăn càng nhiều bệnh càng nhiều, bệnh thì đi vào bệnh viện thui.
Hoaco 17/10/2012 17:11
Lỡ ăn rồi giờ làm sao, hèn gì mà sầu riêng ăn có vị đăng đắng mà chưa già nữa chứ, giờ hết dám ăn luôn!!
nguyễn văn ren 17/10/2012 21:12
vì lòng tham mà một số người xem thường mạng sống của người khác.Bơm hóa chất trực tiếp vào trái cây chính là bơm hóa chất vào cơ thể con người ta.Những hành vi này pháp luật phải trừng trị thật nặng, đồng thời cũng điều tra xem công ty nào sản xuất và bán loại hóa chất này.
Khánh Q.6 17/10/2012 21:36
Bắp chuối là thứ tôi thích ăn nhất vì dân dã và an toàn, vậy cũng không tha. Không còn gì để ăn nữa, chắc nhịn luôn rồi.

Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

NGỌC TRONG CÁT


NGỌC TRONG CÁT

ANH VŨ (Rani) (bài đã đăng báo Sân Khấu TP.HCM)

Nhà hát Thế Giới Trẻ tham gia Liên hoan Sân khấu toàn quốc 2012 với vở Âm binh (tác giả: Nguyễn Quang vinh, đạo diễn Xuân Hồng), đã giành được huy chương bạc, và thêm 2 HCV cho NSƯT Hoàng Yến, Đức Trí, 2 HCB cho Xuân Hồng, Trọng Hiếu. Những buổi diễn không phải cuối tuần mà rơi vào tối thứ năm, như là những suất đặc biệt dành cho người yêu sân khấu đến để nhấm nháp một món ăn khác biệt trong thời thị trường…

Trong chiến tranh, nỗi đau không chỉ dành riêng cho một phía. Thế nhưng, giữa lằn ranh sự sống và cái chết nơi chiến trường, giữa hận thù chồng chất có mấy ai nhận ra được điều đó. Hai người lính ở hai chiến tuyến, dù đang lâm vào cảnh sống dở chết dở, vẫn sẵn sàng lao vào nhau nhằm huỷ diệt đối phương, hay huỷ diệt luôn cả lòng trắc ẩn cho cái gọi là “chính nghĩa”. Chỉ có cô Nhi, người phụ nữ với nỗi đau mất đi đứa con chưa đầy ba tháng tuổi, lại có thể vượt qua thù hận để bao dung cho chính những kẻ giết chết con mình.
Hình ảnh Nhi oằn mình đau đớn, tự vắt sữa mình cúng trước mộ con bằng diễn xuất nhập tâm của NSƯT Hoàng Yến khiến khán giả xót xa nghẹn ngào bao nhiêu thì đến một cô Nhi dịu dàng chăm sóc hai người lính, anh Trung (Xuân Hồng) đi lính cộng hoà và người bộ đội tên Quân (Trọng Hiếu), lại khiến nỗi xót xa ấy tăng lên gấp bội và xen lẫn trong đó, là sự cảm phục trước một người mẹ Việt Nam. Bởi ở Trung và Quân, cô đã nhìn thấy bóng dáng đứa con vô tội của mình. Họ cũng chỉ là nạn nhân của chiến tranh ác nghiệt. Nhi hiểu rõ hơn ai hết nỗi đau của một bà mẹ mất con, nên khi Trung thốt lên tiếng gọi mẹ, chính tình mẫu tử đã đánh thức cô, kéo cô thoát ra khỏi lòng căm thù, và dòng sữa ngọt không còn xen vị mặn của máu đó lại tiếp tục cưu mang hai người lính, như ông bà cha mẹ cô đã từng cưu mang xương máu của những người lính khác nơi vùng đất cát này.

Trung và Quân rồi cũng ra đi, trở về với chiến trường 1972 đỏ lửa, bỏ lại Nhi với những hồi ức đẹp về những ngày sống cùng hai anh. Có vẻ như số phận vẫn không để yên cho cô, hết chế độ cộng hoà bắt cô tra tấn với tội danh nuôi Việt cộng, đến khi giải phóng thì lại bị gọi lên tra hỏi, xét nét vì đã cứu tên lính Nguỵ. Trong những năm tháng sống biệt lập giữa những ánh mắt nghi ngờ, ghẻ lạnh của hàng xóm láng giềng, giữa đồi cát với những nấm mồ câm lặng, Nhi vẫn làm tròn phận sự với người đã khuất, và chờ đợi những người còn sống trở về, bất chấp những lời gạ gẫm của bao tên đàn ông khác. Đau đớn thay, cái ngày cô được gặp lại Trung và Quân không phải là sự đoàn tụ với những tiếng cười, mà cô chỉ là một bến đỗ của một người chạy trốn và một kẻ truy bắt. Những khao khát đàn bà nồng cháy của Nhi đã không được đáp lại để cô một lần nữa có được tiếng khóc trẻ thơ, để bớt cô độc héo hon giữa mảnh đất đầy gió cát. Ở hai kẻ thụ ân kia, Nhi chỉ nhận được ánh mắt áy náy vội vàng, sự mách bảo về một lời nói dối mà cô không bao giờ hiểu được.

Ba mươi năm, quãng đời xuân sắc nhất của người đàn bà cứ như vậy trôi qua giữa sự chờ đợi mỏi mòn, chờ đợi những ánh mắt cảm thông, chờ đợi dấu chân tìm về của tình người. Bên cạnh Nhi chỉ có cát và cát, cát ôm trọn trong lòng mình thân xác của những người đã khuất, những âm binh ngày ngày bảo vệ cô trước gió táp mưa dông, cát ôm trọn cả gốc Phi Lao già là chứng nhân cho thăng trầm của lịch sử, của đời người. Số phận của người đàn bà sao mà khắc nghiệt đến thế, cứ xoáy sâu vào lòng khán giả đến quặn thắt. Những giọt nước mắt cứ thế mà tuôn rơi, và những tiếng vỗ tay cứ vang vọng cả khán phòng.

Và cũng một lần nữa, Nhi lại là người chịu thiệt khi hai người đàn ông năm xưa tìm về, một là Việt kiều yêu nước và một là nhà lãnh đạo, để thăm lại người ơn nay đã luống tuổi đồng thời thuyết phục cô hy sinh mảnh đất gắn bó bao nhiêu năm cho một dự án làm giàu quê hương. Tấm lòng bao dung của Nhi, hay nói đúng hơn là sự bao dung của những người dân Việt Nam chính là sợi dây liên kết cho lời hoà giải muộn màng của những con người đến từ hai miền chiến tuyến.

Cát dưới bàn tay của tài hoa của hoạ sĩ Trí Đức trong vai gốc Phi Lao già khi thì dữ dội như chiến tranh bom đạn, khi thì yên bình như làng quê Việt Nam với khóm trúc, hàng tre chứa chan tình thương nỗi nhớ, có lúc lại lặng lẽ âm u với những nấm mồ trên đồi cát chở đầy tâm sự. Cát là cô Nhi tươi trẻ xuân sắc với mái tóc dài óng ả, cát cũng là cô Nhi già nua gối mỏi lưng còng. Nền tranh cát biến hoá theo từng cung bậc cảm xúc của nhân vật tạo nên một không gian đẹp đẽ và huyền ảo, như “câu chuyện về số phận của một người đàn bà, của 2 người đàn ông, cũng có thể là câu chuyện của cát, gió, sóng biển của một vùng đất anh dũng nhưng câu chuyện ấy có sức mạnh lay động, khơi dậy lòng trắc ẩn trong mỗi con người”.

Và NSƯT Hoàng Yến quả không phụ lòng khán giả khi rất lâu rồi chị mới “tái xuất giang hồ”. Chị giống như nhân vật Nhi, khao khát sân khấu đến mãnh liệt, rồi chờ đợi mỏi mòn, nhưng kiên trì, chung thủy. Chị tìm sân khấu cho mình, tìm nhân vật, và cháy hết cùng sàn diễn. Hai năm trước có một Đặng Thùy Trâm, bây giờ có Nhi, đủ để chứng minh một Hoàng Yến mãnh liệt lửa nghề dẫu có chút gì đó cô đơn trong thời buổi kinh tế thị trường. Nhưng hề gì, nỗi cô đơn càng làm đẹp hơn một mẫu mực nghệ sĩ mà không phải khán giả nào cũng vô tâm quên lãng. Người ta vẫn nhớ chị như một viên ngọc lấp lánh ẩn mình dưới cát. Chỉ cần một cơn gió thổi qua, sẽ lại thấy sắc màu ấy hiện về.

ảnh: NSƯT Hoàng Yến (vai Nhi), Xuân Hồng (vai Trung), Trọng Hiếu (vai Quân) trong vở Âm binh (ảnh: H.K)

NGHỊCH TỬ- giọt nước mắt muộn màng


NGHỊCH TỬ- giọt nước mắt muộn màng
ANH VŨ (Rani)

“Hãy biết yêu thương và trân quý cha mẹ, khi cha mẹ còn sống trên đời, đừng để cha mẹ mất rồi mới hối hận thì không còn kịp nữa”. Bao nhiêu năm nay, có rất nhiều vở kịch, bộ phim đã được sản xuất để gửi gắm đến khán giả thông điệp như trên. Thế nhưng có vẻ chừng đó chưa thấm vào đâu so với hiện trạng xã hội đang ngày một suy đồi, những chuẩn mực đạo đức của cha ông dần bị lãng quên, con cái bất hiếu và đối xử tàn tệ với cha mẹ cứ nhan nhản trên mặt báo. Ưu tư với thực trạng trên, nhân mùa Vu Lan, nhạc sĩ Quý Luân đã “làm gan” bỏ tiền đầu tư làm bộ phim mang tên Nghịch tử, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh nhắc nhở về chữ Hiếu, nhằm kéo con người giữa muôn vàn cám dỗ của cuộc đời trở về với vòng tay cha mẹ, để thực hành những lời Phật dạy cho tròn đạo làm con.

Tình cảm là điều quý giá nhất ở con người, nó làm nên sự khác biệt giữa người và cây cỏ mà trong đó, tình mẹ lại là thứ tình cảm thiêng liêng nhất, bao la bền bỉ cho đến chết. Với bề dày kinh nghiệm hơn 60 năm diễn xuất trên sân khấu lẫn màn bạc, nghệ sĩ Ánh Hoa vào vai bà Sáu rất “ngọt”. Đôi mắt người mẹ của Ánh Hoa cứ sâu thẳm tình thương và chan chứa nỗi lo dành cho đứa con ngỗ nghịch để rồi những giọt nước mắt chảy ngược vào đáy mắt, óng ánh trong suốt như giọt ngọc. Dù bao nhiêu lời khuyên giải mong con rời xa bạn xấu và những cuộc ăn chơi bài bạc, rượu chè không được tiếp thu, chỉ nhận lấy những lời nạt nộ mắng chửi, nhưng người mẹ vẫn cứ lẳng lặng chăm sóc con mình từng miếng ăn giấc ngủ. Hình ảnh bà mẹ già lưng còng nặng nề gánh hàng rong ruổi trên từng con phố, chắt chiu dành dụm từng đồng lời từ những hạt đậu phộng, những trái chôm chôm để mua cho đứa con trai một chiếc xe máy “mong nó có cái mà làm ăn” nhìn mà đau thắt lòng. Ánh Hoa diễn một cách tự nhiên mộc mạc nhưng lại khiến khán giả phải khóc, dù nhân vật của bà gần như không khóc.

Hạn chế về kinh phí, bộ phim không có nhiều diễn viên nổi tiếng nhưng lại mang đến cho khán giả nhiều bất ngờ. Bất ngờ thứ nhất là “nghịch tử” Duy Mỹ, tuy là “dân nghiệp dư” nhưng anh đã hoàn thành vai diễn người con bất hiếu rất xuất sắc. Từ thoại đến từng động tác, nét mặt, anh cùng bạn diễn Hoàng Vũ đều thể hiện tự nhiên, nhuần nhuyễn, khắc hoạ nên một cặp bài trùng du thủ du thực đậm chất “du côn làng”, hết ăn không ngồi rồi lại đến ăn chơi bài bạc và lún vào con đường trộm cắp, cướp giật, để rồi khi mẹ không còn, đứa con mới ăn năn vì những lỗi lầm của mình, muốn sửa sai nhưng đâu còn kịp nữa. Trường đoạn Mỹ lầm lũi chạy trên con đường khuya có thể nói là đoạn đắt giá nhất cho diễn xuất của Duy Mỹ, khi anh chuyển rất ngọt từ tâm trạng chán chường, mệt mỏi sau những ngày lang thang trên phố đến kinh ngạc, bi thương, ân hận khi biết mẹ đã qua đời vì bảo vệ mình. Nét diễn của anh khiến cả những diễn viên quần chúng có mặt tại chùa, trong cảnh Mỹ nghe được những lời thuyết pháp của Thầy, phải cảm động rơi nước mắt mà không cần phải diễn. Phải chăng ở vị trí là tác giả nên Duy Mỹ cảm nhận nhân vật sâu đậm hơn, để rồi từ tâm huyết dành cho kịch bản của mình mà anh đã có một vai diễn xuất thần đến thế.

Bất ngờ thứ hai là màn võ thuật của Tiết Cương và nhóm Cascaduer Sao Việt. Nhờ tích lũy được một số thế đánh võ thuật khi đóng bộ phim Vật chứng mong manh của đạo diễn Võ Ngọc, nên khi vào vai đại ca giang hồ chuyên tổ chức đánh bài, chọi gà và sẵn sàng thanh toán lẫn nhau, thân thủ của Tiết Cương khá nhanh nhẹn, thể hiện những cảnh đỡ, đấm hay tung cước với đối phương rất dễ dàng và đẹp mắt. Khó ai có thể ngờ với kinh phí khiêm tốn, đoàn làm phim vẫn có thể quay một màn trình diễn đẹp mắt như vậy, góp phần làm bộ phim hấp dẫn hơn, đặc biệt là đối với khán giả trẻ. Và ngay cả bài hát trong phim do chính Quý Luân sáng tác cũng khá hay, không chỉ làm nền cho bộ phim mà còn có thể đứng độc lập trong làng ca nhạc Phật giáo.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một vài thiếu sót. Góc máy có phần nghèo nàn, chuyển cảnh chậm và nhiều lúc zoom in – zoom out, lia máy không hợp lý. Khâu dựng phim cũng chưa được gọn gàng khiến nhịp phim có phần lê thê. Lỗi chính tả cố hữu trong một số đoạn cũng ảnh hưởng khá nhiều đến quá trình thưởng thức của khán giả. Ví dụ, ngày giỗ chồng bà Sáu mà trên bàn thờ chẳng thấy cơm canh gì để cúng…Dù sao với kinh phí và thời gian không nhiều, đây vẫn là một thành quả rất đáng khen. Hy vọng đoàn làm phim sẽ rút ra được nhiều kinh nghiệm bổ ích để sản phẩm sau được hoàn thiện hơn. 

CỨ THƯƠNG VÀ CỨ ƯỚC MƠ


CỨ THƯƠNG VÀ CỨ ƯỚC MƠ
Diệu Kim

Có một dạo tôi rất ngại đọc báo. Bởi mỗi sáng mở ra là thấy những cảnh khổ. Nước ngập, đụng xe, bà con nông dân mất đất phải đùm túm nhau ở gầm cầu, bệnh nhân ung thư không tiền chạy chữa, bệnh nhân và người nhà che lều ở ngoài sân bệnh viện, tiền thuốc tăng vọt vì “hoa hồng”, học sinh nghèo không tiền đi học, học sinh miền núi nội trú trong những căn nhà trống lốc đầy gió lạnh và ăn uống kham khổ, thầy cô giáo nửa năm chưa lãnh tiền thâm niên, rồi chìm đò khiến bao người chết trôi, những cây cầu đu dây qua suối như làm xiếc v.v…

Đọc, rồi buồn, sợ, và tức. Thế là không muốn đọc nữa. Nhưng rồi lại đọc. Bởi nhân sinh là một sợi dây dài, trong đó mình là một mắt xích dù rất nhỏ nhưng làm sao tách rời ra được. Thôi thì, cứ dũng cảm thu vào đôi mắt, vào trái tim, để có cơ hội thì bước chân xuống đồng hành. Buổi chiều, hai mẹ con đi bộ dọc đường, trông thấy những bà những chị quang gánh oằn vai bán buôn từng trái ổi trái chuối, hoặc buổi trưa thấy một bác thật già đạp xe xích lô ì ạch dưới nắng mà không ai kêu chở, tôi bảo con: “Tội nghiệp quá! Mình không biết làm sao giúp họ được. Đôi tay mình nhỏ bé, không ôm hết được cuộc đời. Nhưng con cứ thương họ đi, tình thương thì không tốn tiền. Dẫu không làm gì được cho họ mà mình cứ lặng lẽ thương thì chắc họ cũng ấm lòng”.

Thương rồi đến những ước mơ. Buổi tối, hai mẹ con bên nhau thủ thỉ. “Mẹ ước mình có cái nhà thiệt rộng để bà con nuôi bệnh có chỗ ngả lưng miễn phí, khỏi nằm ghế bố sau này sẽ bị đau cột sống”. “Mẹ ước mình có cái nhà thiệt rộng để nuôi nhiều em sinh viên nghèo mà học giỏi”. “Mẹ ước mình có tiền xây trường và ký túc xá cho tụi nhỏ”…Hễ đọc báo thấy cái gì là ước liền cái đó. Con trai lắc đầu: “Cỡ đó thì mẹ phải là đại gia!”. Biết chừng nào mới thành đại gia?

Nhưng công chức quèn cũng thực hiện được ước mơ. Trích lương mỗi tháng một chút cho việc này việc kia, như góp hạt cát vào đời. Hoặc mua giùm nải chuối buổi chợ chiều. Mua giùm mớ rau không hề trả giá. Hoặc dặn con nấu cơm nhiều một chút để bạn nào đó lỡ đường ghé vô ăn cũng được. Và nếu việc gì không đủ sức làm thì cứ thương cái đã. Cứ thương và cứ ước mơ, để cuộc đời bớt đi màu xám. Màu hồng không phải từ cái kính ta đeo, mà từ những giọt máu trong mỗi trái tim người truyền đến cho nhau…
                                                                                              Sài Gòn 9-9-2012

Bất ngờ bò viên


Bất ngờ bò viên
Thứ Hai, 15/10/2012 21:55
Nguyên liệu chỉ là thịt bò vụn, mỡ heo và cả mỡ cá cộng hàng chục loại phụ gia, hóa chất độc hại
Ở TPHCM, các cơ sở chế biến bò viên chủ yếu ở các quận 8, Bình Tân và Gò Vấp. Từ đây, mỗi ngày, một lượng rất lớn bò viên được đưa đi tiêu thụ khắp các nơi. Có dịp thâm nhập trực tiếp vào những cơ sở chế biến này, chúng tôi tá hỏa vì món ăn khoái khẩu của nhiều người lâu nay lại được làm bằng đủ thứ nguyên liệu tạp nham rẻ tiền, chứ không phải chỉ từ thịt trâu, bò như nhiều người nghĩ.
Món hổ lốn
Vợ chồng chị Thúy từ Bến Tre dạt lên TPHCM đã hơn chục năm nay làm công cho một cơ sở chế biến bò viên ở quận 6. Sau nhiều năm học hỏi, thấy công việc này đem lại lợi nhuận cao, 2 người đã quyết định “ra riêng” bằng cách thuê một căn nhà nhỏ nằm trong hẻm đường Phạm Thế Hiển, quận 8 để “sản xuất”. Do biết nhau từ trước nên chị Thúy đã đồng ý cho tôi “tận mắt chứng kiến” các công đoạn sản xuất món bò viên mà theo chị, hầu như cơ sở nào cũng làm như vậy.
Một mẻ bò viên gồm 50 kg thịt bò nguyên liệu. Nói là thịt bò cho oai chứ thực chất chỉ là mớ thịt nát, gân, lòng và bạc nhạc có dính chút thịt. Nguyên liệu này được chồng chị Thúy mua từ một mối ở huyện Củ Chi, sau khi chủ lò giết mổ đã lọc hết phần ngon bán cho bạn hàng. Nhìn kỹ trong rổ thịt, có cả những con giun sán màu trắng đục nằm dài theo thớ gân mà nếu chúng không ngóc đầu ngọ nguậy thì ai cũng tưởng là gân bò. Cùng với 50 kg “thịt bò” kể trên là 15 kg thịt heo vụn, 10 kg mỡ heo và 20 kg mỡ cá tạp sẽ được trộn lẫn làm nguyên liệu chính.
Đủ loại hóa chất, phụ gia
Bắt tay vào chế biến, thịt bò được ngâm trong thùng nước có pha sẵn hóa chất mà chị Thúy gọi là bột săm pết. Chỉ ngâm khoảng 10 phút, số thịt bò bầy nhầy này đã trở nên hồng tươi và săn chắc. Thợ dùng tay trần bốc từng vốc thịt lớn bỏ vào máy cắt vụn. Chỉ một loáng, 50 kg thịt bò tạp nham đã được xay nát.
Nguồn thịt xay này được đưa vào máy nghiền xay nhuyễn cùng thịt heo, mỡ heo và cả mỡ cá. Giải thích câu hỏi vì sao trong bò viên lại có cả heo lẫn cá, chị Thúy cười tươi: Thịt bò dù là tạp nham nhưng giá vẫn cao hơn thịt heo gần 2 lần, cao hơn cá đến 4 lần nên phải trộn thịt, mỡ heo, mỡ cá vào để hạ giá thành, bán mới có lời. Hơn nữa, có trộn như vậy, bò viên sẽ ngon hơn (thịt, mỡ heo và cá tạo độ béo, mềm cho viên bò).
Khi tất cả số nguyên liệu trên đã được xay nhuyễn, bàn tay phù phép của chị Thúy bắt đầu lôi trong thùng ra đủ các loại bịch “phụ gia” lớn, nhỏ. Nào là bột tạo dẻo, bột tạo dính, bột tạo săn chắc làm cứng, bột độn, bột bảo quản, bột tạo trắng,  hàn the, hương bò, hương nước mắm, hương tỏi, đường hóa học, muối đỏ, bột ngọt và màu thịt bò. Tất cả đều được trộn lẫn và đưa vào máy xay thêm một lần nữa cho đến khi khối nguyên liệu nhuyễn quện lại với nhau.
Xúc từng khay nguyên liệu (lúc này chị Thúy gọi là mộc), chị cho vào máy tạo viên. Chỉ cần bật công tắc là chiếc máy hoạt động liên tục nhả ra những cục bò viên rơi thẳng vào nồi nước nóng chừng 60oC. Ngâm trong nước nóng 600C chừng 3 phút, số bò viên này lại tiếp tục được cho vào nồi nước sôi ngâm tiếp khoảng 5 phút thì vớt ra. Cứ thế, hết đợt này đến đợt khác...
Một vốn 4 lời
Tận mắt chứng kiến các công đoạn để ra bò viên như thế này, tôi rùng mình nghĩ đến đã từng nhiều lần cho gia đình mình ăn món bò viên này. Tôi thắc mắc tại sao không chế biến bò viên theo công thức gia truyền mà ông bà xưa vẫn làm, chị Thúy hạ giọng: “Nếu làm như thế thì thịt bò phải ngon nhưng ăn lại không dai và giòn, ai mà mua. Hơn nữa, giá thành 1 kg bò viên thành phẩm chừng 40.000 đồng, sau khi bỏ cho thương lái khoảng 120.000 đồng, họ bán lẻ ra khoảng 150.000 - 180.000 đồng/kg. Trong khi giá thịt bò hiện lên tới 240.000 đồng/kg lại qua chừng ấy công đoạn thì ăn gì. Mặt khác, bò viên được các tiệm ăn mua nhiều nhất chủ yếu để nấu phở, hủ tiếu nên họ cũng không chấp nhận mua giá cao”.
NGỌC MAI (Người Lao Động)