Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

NIỀM VUI GIẢN DỊ

NIỀM VUI GIẢN DỊ

Cô ơi.
Về đến nhà dù mệt thật nhưng con còn háo hức kể cho các bạn cùng phòng trọ nghe về công tác phát cơm từ thiện của Funny home của mình. Mặc dù theo cô và các bạn hoạt động cả tháng hè, không lạ lẫm gì, nhưng ngày hôm nay thật ấn tượng với con, bởi sức mạnh của số đông. Đông người quyên góp kinh phí, đông người làm cơm, phát cơm,và đặc biệt đông người nhận cơm. Điều đó chứng tỏ mỗi chúng ta đều góp sức để tất cà cùng có niềm vui, cùng hướng đến cái thiện phải không cô.

Hôm nay con chỉ ở trong bếp chứ không ra phát cơm cùng các bạn nhưng nghe tiếng mọi người ra vào ồ ạt lấy cơm, rồi cứ  một chốc cô lại chạy vào bếp bưng mì ra, tụi con làm cũng chẳng kịp, đủ biết quá trời người luôn.Chính vì đông vui thế mà tụi con mải mê làm mà quên đi mệt mỏi. Nghĩ đến việc có thể giúp nhiều người ăn chay là động lực để tụi con nỗ lực hết mình, chứ bình thường có làm được vậy đâu. Trong lúc làm không dám lơ là, ráng tập trung làm nhanh tay cho bà con đến lấy. Thế là  mọi tâm tưởng để vào cái bếp, lúc nào nóng quá thì tụi con chọc nhau cười phá lên. “Ước gì bê cái máy lạnh trên phòng cô xuống đây nhỉ”. Haha. Nhờ vậy mà mọi người ăn cảm thấy ngon miệng hơn chứ tụi con cũng không thành thạo trong việc nấu nướng. Giống như cô từng nói với tụi con, vào bếp mà không để tâm, không vui vẻ chăm chú cho từng món ăn  thì làm sao có bữa ăn ngon được. Theo tinh thần này thì chúng ta cứ vào bếp, làm hết sức mình, Phật thương tụi mình, mọi người cảm động thì nấu “dở”cũng thành “ngon” thôi. HiHi, nhưng bước đầu là thế còn lâu ngày “được” cô la mắng thì tiến bộ à.

Con nhớ lúc đang ngồi đảo cơm chiên mà nhìn thấy mấy cậu bé ngồi ngoài sân đang ăn mì mà miệng trầm trồ khen “ Mì ngon quá tụi mày ơi”. Nhìn tụi nó dễ thương thật, phải chi tụi nó cứ ăn chay nhiều nhiều,  rồi tâm tính  hiền lành, trở thành một người tốt thì hay biết mấy.
…………….
Tâm sự thêm với cô

Cô biết không, lúc trước có người nói với con, phải kiếm thật nhiều tiền rồi hãy tính đến việc làm từ thiện, giúp đỡ mọi người, chứ bây giờ bản thân mình còn lo chưa xong thì giúp ai được. Nhưng được học Phật pháp rồi, con hiểu không phải chỉ  khi nào có tiền mới làm được  mà có thể đóng góp bằng chính công sức của mình dù chỉ là những việc nhỏ thôi. Và điều quan trọng là xuất phát từ tấm lòng muốn mang lại điều tốt lành cho mọi người. Rồi từ những việc nhỏ nhặt, tích góp lại  biết đâu chừng cho ta đủ phước để có một cuộc sống dư dả và từ đó tiếp tục giúp ích cho  đời.

Con  là đứa gặp nhiều may mắn, ba mẹ, anh chị con đã vất vả để tạo điều kiện cho con đi học. Khi sống xa nhà , con lại  được mọi người thương yêu và giúp đỡ nhiều, lo cho từ cái ăn, cái mặc đến  sự động viên tinh thần. Nhớ lại cái ngày đầu tiên vào ở nhà cô, cô thấy con không có  nhiều quần áo mặc nên cho con hai bộ đồ. Cô tận tình dạy dỗ con, giúp con sống tự tin và mạnh mẽ hơn. Biết con khó khăn  Cô còn xin tiền hỗ trợ cho con yên tâm học tập. Kể sao hết được, chỉ biết rằng con mang ơn  rất nhiều người, mang ơn cuộc đời đã cho con có được cuộc sống như bây giờ.

Mỗi lần con về nhà nhìn thấy nét mặt gầy nhom, đen xạm của ba mẹ, bên trong là nỗi lo lắng, bất lực nhưng vẫn cố gắng dành dụm mọi thứ cho con, tin tưởng và kỳ vọng ở con. Con mong chờ đến cái ngày không còn  là gánh nặng của gia đình nữa và đủ vững vàng để lo cho ba mẹ và dìu dắt em trai con trưởng thành. Con tự tạo áp lực cho mình, nhiều lúc phải gồng mình lên và thấy mệt mỏi hơn. Khi bình tâm trở lại, con nghĩ phải biết chấp nhận con người thực tại của mình nhưng không quên những việc cần làm mà cố gắng dần dần.Thế nên dù có bận rộn thế nào nhưng cứ đến những ngày cuối tuần con lại trở về Funny Home, không lo nghĩ chuyện gì hết ngoài việc tu tập cùng các bạn hay giúp cô thực hiện lý tưởng nấu cơm chay của mình. Những việc con có thể làm con sẽ cố gắng làm, không uổng công các mạnh thường quân ủng hộ về mặt tài chính và sự hỗ trợ của cô cho chúng con làm những việc tốt, mang lại niềm vui cho mọi người.

Hoc trò của cô
Thảo cận


TIẾNG ĐÀN VUI

TIẾNG ĐÀN VUI 

Mọi khi cứ đến những ngày cuối tuần, không khí nhà cô ồn ào,  náo nhiệt vì đông đủ các bạn tụ tập về làm từ thiện phát cơm chay, học giáo lý, ăn uống, vui chơi. Nhưng buổi sáng hôm nay thật yên ắng, lớp học vắng teo, chỉ có vài người. Vì thời gian này các bạn lo ôn thi, một số bạn thì về quê. Lẽ ra cô cho nghỉ, nhưng vì đúng dịp có bạn THIỆN HẬU lặn lội đường xa từ Đồng Tháp lên gặp gỡ giao lưu với câu lạc bộ mình, nên cô vẫn tổ chức sinh hoạt. Đặc biệt bạn Hậu còn vác theo cây đàn Organ, với mong muốn  có thể đàn cho lớp mình hát. Tiếc là không có nhiều người, mình cũng lo Hậu sẽ cảm thấy buồn. 


Ấy vậy mà, lớp học sôi động bất ngờ.  Cô và tụi mình ngồi quây quần bên nhau đàm đạo và ca hát. Hôm nay thật vinh dự được nhạc sĩ đệm đàn, mọi người chú tâm hát theo tiếng đàn sao cho đúng âm điệu chứ không hát lộn xộn như mọi ngày. Có những bài chưa biết nhạc nhưng nghe đàn cũng bập bẹ hát theo. Mọi người khoái chí lắm, rồi trầm trồ khen bạn Hậu giỏi thật. Thực ra, Hậu không có điều kiện theo học ở trường lớp,  mà chỉ mày mò tự học đàn đấy các bạn ạ. Mới 20 tuổi mà Hậu có thể đồng hành cùng cây đàn kiếm tiền lo cho bản thân, cho gia đình rồi đó. Tôi quả thật ngưỡng mộ tài năng, niềm say mê của Hậu. Và đáng quý hơn là ý chí theo học đàn không chỉ dừng lại ở sở thích mà còn nỗ lực phát huy thành nghề nghiệp của mình.


Ông trời phú cho mỗi chúng ta một năng khiếu nổi bật nên nếu biết  khai thác, phát huy, theo đuổi nó đến cùng thì nhất định sẽ thành công. Nhìn thấy Hậu chơi đàn, tôi thích lắm, nghĩ lại ngày còn bé tôi thích âm nhạc, cũng ao ước có thể chơi đàn. Nhưng rồi lại không dám nghĩ sẽ có ngày đó, nên sau này lớn lên dần dần tôi cũng quên luôn.


Ngoài trời mưa xối xả, hát được một lúc tụi mình hết hơi nên chuyển sang nghe âm điệu độc tấu của các loại đàn: tranh, bầu, tỳ bà, piano, guitare, mandolin, sáo, tiêu, vv…Nghe để thẩm âm và có thể  nhận diện các loại âm sắc. Nhìn trời đổ mưa cuốn theo tiếng đàn làm mọi người trầm tư, như đang có một nỗi niềm sâu lắng nhưng cảm giác thật dễ chịu.


Tôi thầm cảm ơn Hậu đã đem tiếng đàn đến với chúng ta, câu lạc bộ mình lại có thêm thành viên mới, thêm một  nhân tài góp sức phát triển hoạt động của câu lạc bộ. Các bạn hy vọng mỗi tháng Hậu lên đây sinh hoạt cùng tụi mình, các bạn tình nguyện hỗ trợ tiền xe cho Hậu. Vì sắp tới funny home club sẽ có kế hoạch tập văn nghệ, múa hát, diễn kịch để có dịp về các đạo tràng biểu diễn. Đó cũng là cách chúng ta đem Phật pháp đến cho mọi người, qua những bài hát, những vở kịch mang nội dung giáo lý của Đức Phật. Một hoạt động vừa giải trí vừa có ý nghĩa, đây cũng là cơ hội cho các bạn thể hiện tài năng và đóng góp công sức của mình. Chúng ta theo cô, ít nhiều cũng tiếp thu hạnh nguyện hoằng pháp của cô. Nói đến hoằng pháp thì thực sự là lý tưởng lớn mà không phải cá nhân nào có thể đảm nhận  nhưng nếu có sức mạnh tập thể thì nhất định chúng ta sẽ làm được.

THÀO CẬN

Kỷ niệm thời sinh viên

                                    Kỷ niệm thời sinh viên

Ngày 24- 25 tháng 09 Năm 2011, có thể nói đó là ngày nhiều kỷ niệm nhất trong thời gian tôi là “sanh viên”

Chắc các bạn nghĩ đến đó là chuyện tình yêu phải  không? Không phải đâu, đó là chuyến đi dã ngoại của FUNNY HOME CLUB. Hành trình thật khá sôi động đó các bạn ơi!

Trời vừa lờ mờ sáng, chúng mình di chuyển đồ đạc ra xe. Mình tưởng ai cũng mệt mỏi, chắc leo lên xe là ngủ ngay. Ấy vậy mà  khuôn mặt ai cũng hớn hở, mang tâm trạng hào hứng với chuyến đi. Khi xe vừa lăn  bánh thì bạn Thảo Cận hướng dẫn niệm Phật, cầu chư Phật gia hộ cho chuyến đi dã ngoại tốt đẹp hơn.Tiếp sau đó, chúng mình được nghe nhạc Phật do chú tài xế mở rồi thiếp đi một chút…

Chiếc xe vẫn cứ thế mà lăn bánh, bầu trời trong xanh cùng với làn gió nhè nhẹ. Khung cảnh sông quê thật đẹp khiến tâm hồn của chúng mình hòa quyện với thiên nhiên.
Đến trạm nghỉ chân ở Cai Lậy, Tiền Giang chú tài xế cho xe dừng lại. Thế là mọi người đã tỉnh giấc, sau ít phút nghỉ ngơi thì tiếp tục hành trình.

Các bạn ơi! Biết tình hình lúc đó thế nào không? Mình tưởng là các bạn ngủ tiếp chứ. Không ngờ các bạn thật là sôi nổi, trong xe chia làm ba nhóm, nhóm bạn Tin Pro được mệnh danh là “miền núi”, tiếp đến là “vùng quê” được đặt cho nhóm Diệp Thảo và cuối cùng là nhóm bạn Vỹ vịt con được gọi là “thành phố”.

Thế là các nhóm bắt đầu làm quen với nhau, mỗi thành viên tự giới thiệu về bản thân với những câu hỏi đầy lắt léo của ba khu vực làm  không khí rất nhộn nhịp và đầy tiếng cười. Chưa hết đâu, đoàn của chúng mình còn đón thêm hai thành viên mới nữa đó là Xuân Hương và Bà Năm, chúng mình vui chơi rất say mê đến nỗi đã gần đến Đồng Tháp rồi mà cũng không biết nữa. Đến khi Như Ý bảo mình sắp đến rồi đó thì mọi người mới ngó ra ngoài xem cảnh vật xung quanh, nhìn một hồi thật lâu, thấy một người quen cả xe la lên, Má hai, Má hai đó! sự vui mừng hiện rõ trên từng khuôn mặt của các bạn.

Thế là chuyến dã ngoại của chúng mình bắt đầu. Nơi chúng mình đặt chân đầu tiên là chùa Phước Huệ. Biết chúng mình đi xe mệt nên cô bác Phật tử ở chùa đã chuẩn bị sẵn hủ tiếu cho chúng mình ăn. Chu cha, hủ tiếu ngon ơi là ngon! Sau đó Má hai dẫn chúng mình đi tham quan chùa.

Cảnh chùa thật là thanh tịnh, nhìn những hoa sen nghiêng mình trong nắng gió làm cho ngôi chùa càng oai nghi làm sao. Tới đây mình cảm thấy tâm hồn thanh thản và thoải mái, chúng mình vừa ngắm cảnh vừa  chụp hình nữa đó. Hihi

Quý Sư cô trong chùa thật dễ thương và hiền lành, ở đây chúng mình được Sư cô kể chuyện cho nghe và để lại trong lòng mỗi người những bài học quý giá trong cuộc sống. Thời gian không cho phép ở lâu nên cả đoàn xin phép chào Sư cô  để đến  tham quan chùa Kim Huê. Ôi! Chùa đẹp quá, rồi má hai giới thiệu về nguồn gốc của chùa và dẫn chúng mình đến gặp Sư ông .
Nhìn Sư ông thương làm sao, thế là cả bọn tranh nhau chụp hình với Sư ông để làm kỷ niệm. Các bạn không biết đâu, ở đây chúng mình được đón tiếp thật là chu đáo, bạn Hậu rất nhiệt tình chỉ dẫn cho chúng mình. Chúng mình được ăn cơm trưa ở chùa, đồ ăn quá trời luôn, món nào cũng ngon đến nổi chúng mình ăn no ơi là no, hi hi.

Tiếp tục hành trình tham quan là đến thăm chùa Phước Hưng, một trong những ngôi chùa cổ của Đồng Tháp. Mỗi ngôi chùa có một vẻ đẹp riêng, ở đây chúng mình được chiêm ngưỡng những đồ cổ mà tuổi thọ mấy trăm năm và những chú Rùa trông đáng yêu làm sao.
Sau khi tham quan các ngôi chùa, chúng mình tiếp tục đi dạo làng hoa Sa Đéc, nhìn hai bên đường đủ sắc màu nào là xanh,đỏ, tím, vàng…

Thế là chúng mình ngừng lại và ghé vô vườn hoa, đúng là tuổi trẻ nên đi tới đâu là tưng bừng tới đó, rồi chụp hình cũng quá trời luôn đó. Trời cũng đã xế chiều chúng mình rời làng hoa về nhà cậu Danh

Cậu Danh nhà mình chịu chơi lắm nghen! Mua đồ đãi cho chúng mình ăn, nào là cóc, chôm chôm và nhãn nữa,không phải tới đó là hết đâu Cậu còn mua bánh kem, vì đêm đó là sinh nhật của Vỹ vịt con đó, rồi cậu nói với Má hai “ Thôi chị dẫn mấy đứa nhỏ qua phà đi cho nó biết  cồn trái cây”. Thế là chúng mình được chuyến qua phà, cảnh buổi chiều sông nước đẹp lắm các bạn ơi! Đoàn chúng mình đi rất đông nên ai ai  cũng nhìn hết, chúng mình đùa giỡn rất vui. Bạn Trúc và Thảo cận khởi xướng tinh thần yêu nước, cùng hát bài Quốc ca, Đoàn ca, rồi cả nhóm đồng thanh nói “Đả đảo Má hai, đả đảo Má hai”. Những tiếng cười thật vô tư, đến nỗi Má hai phải cười sặc sụa luôn. Khi về đến nhà chúng  mình có một đêm văn nghệ rất vui, có Thầy Đức của Má hai tham gia nữa, đặc biệt là vở kịch “Ăn Khế Trả Vàng “ làm cho mọi người cười bể bụng. Phải nói là chúng mình có một ngày tiếp thu nhiều kiến thức và đầy ắp tiếng cười.

Ngày thứ hai chúng mình  tạm biệt cậu Danh để đi Cao Lãnh, tham gia lớp thiếu nhi mà cô vừa mới khai giảng ở chùa Giác Long. Chúng mình vừa mới bước xuống xe, các em đón chào tụi mình rất nồng nhiệt, rồi nói “ sao nhiều Thầy và Cô quá “. Hihi.  Nhìn các em nhỏ vô tư và ngây thơ làm sao.

Khi cô bắt đầu dạy các em, rồi cho các em chơi trò chơi, chúng mình cũng tham gia chơi nữa đó. Không thua gì các em đâu nha, có lẽ nhờ chơi như thế mà mình thấy mình trẻ lại và hồn nhiên hơn.

Giờ học cũng kết thúc, chúng mình một lần nữa được ăn do sư cô vào bếp, lâu lâu ăn cơm ở chùa chúng mình ăn rất ngon. Dùng bữa trưa xong, chúng mình chào Thầy rồi đi tham quan lăng Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Gần tới nơi các bạn bước xuống, mỗi cặp một cây dù, nhìn trông như Lễ hội Dù đó. Chúng mình tham quan ngôi mộ của Cụ và được biết đến làng nghề truyền thống của dân tộc. Cảnh vật rất đẹp, nào là màu xanh của cây trúc, những vòm cỏ xanh, cảm giác thật dễ chịu vô cùng. Vì má Hai giữ máy ảnh, nên các bạn cứ giành nhau kéo má hai chụp hình cho mình, nào là qua cầu khỉ, nào là ngồi trên xuồng rất vui đến nỗi Kiên nói giỡn: “Chụp hình ảnh cưới cho chị Vỹ và anh Tuấn mệt quá, khi lấy là 50k 1 tấm nha”. Cuộc chơi nào cũng có lúc tàn và chúng mình phải về Sài Gòn.Thế là phải chia tay  Đồng Tháp rồi.

Xe bắt đầu lăn bánh, mọi người trên xe đùa giỡn và ăn trái cây quá trời luôn. Một lúc sau, Tin Pro bảo:“Chị Trúc ơi miền núi muốn thi ca hát với thành phố chịu không” Mình liền bảo:“Uh thi thì thi, sợ gì nè”. Thế là 2 nhóm thi ca hát từng chủ đề làm cho không khí trong xe náo nhiệt lên  và đầy tiếng cười, vui nhất là đoạn cuối chủ đề về bạn Thu, làm mình cười la lết luôn, vui đến nỗi khi về đến nhà má hai mình vẫn còn cười hi hi!

 Chúng con cũng không biết nói gì hơn hai tiếng cảm ơn má hai và cậu Danh đã tài trợ cho chúng con có một chuyến đi đầy ý nghĩa như thế và nhiều niềm vui thế này…….
TRÚC





MỌT SÁCH

TẠP BÚT
MỌT SÁCH
HOÀNG KIM

          NSND Doãn Hoàng Giang cả tháng nay vô Sài Gòn dựng vở Người mang 9 án tử hình cho Nhà hát Kịch TPHCM, nhưng còn kẹt diễn viên tìm chưa đủ, nên ngày ngày ông la cà ở 5B bù khú với anh em nghệ sĩ. Tôi cũng là một trong những thành viên đắc lực của nhóm 108 anh hùng Lương Sơn Bạc, khoái “ngồi đồng” ở căn tin Nhà hát Sân khấu nhỏ, vừa có sự chơi đùa thân thiết với nghệ sĩ, coi nhau như bạn bè, vừa nắm được những thông tin về sân khấu để viết bài, vừa có thể học hỏi những cái hay của bậc tiền bối. 

Có thêm “cái bản mặt” của “bác Doãn”, căn tin như tưng bừng hẳn lên. Ông vừa uyên bác vừa hóm hỉnh vừa sâu cay đích đáng vừa nhân hậu chí tình. Ông tuổi Mậu Dần, sinh năm 1938, bằng tuổi má tôi, nhưng khỏe, trẻ, yêu đời lạ lùng. Khối kẻ mê ông! Ông luôn xuất hiện với chiếc nón kết đội trùm lên đầu, mái tóc dài buộc túm sau đuôi đích thị là “tóc em đuôi gà”. Áo thun màu tối, thường là đen hoặc xám, khoác ngoài là chiếc jean không tay rất bụi, quần thì tùm lum những túi to đùng, thêm cái “bao tử” da lủng lẳng trước bụng đựng di động, đủ “ngầu” rồi nhé. Miệng hoặc tay phải có điếu thuốc, nhưng chẳng thấy hút bao nhiêu, hình như chỉ phì phèo cho vui. Rượu chẳng biết uống, thế mới hay. Vậy mà ai rủ đi chơi cũng ô kê, rồi về than: “Chúng nó uống thì chúng nó say, còn mình ngồi không mệt bỏ mẹ!”. Nhưng không từ chối một cuộc chơi nào. Cũng ham vui…bỏ mẹ! Ấy ấy, nhưng lại là một ông bố cực kỳ mẫu mực, mấy chục năm làm “gà trống nuôi con” mà tươi cười hớn hở. Bởi cái sự yêu con nó quá chừng da diết, nó xâm chiếm cả cuộc đời, nó cũng là một “sự nghiệp” không kém phần rực rỡ như sự nghiệp sân khấu. Tôi muốn bắt tay ông thật chặt, vì quá hiểu cái sự yêu con này, nó khiến tôi có thể ở vậy hai chục năm mà không hề hối tiếc. Hóa ra mình vừa tìm thêm được một “tri âm”.

          Nhưng điều “tri âm” hôm nay định viết chính là tính mê sách của “bác Doãn”. Ông đọc nhiều khủng khiếp, đông tây kim cổ gì cũng đọc, và có trí nhớ tuyệt vời lẫn giọng kể hấp dẫn, nên khi ông diễn đạt là cả bọn cứ nghe say sưa. Ông còn nói: “Một ngày không đọc sách, soi gương thấy mặt mình ngu đi. Ôm sách vào ngực tưởng như tiền nhân đang ôm ấp lấy mình, an ủi, sẻ chia. Chung quanh toàn là sách, cho nên nói “ăn nằm với tiền nhân” là thực đấy!”. Giọng nói lẫn gương mặt Doãn Hoàng Giang tràn trề tình yêu với sách. 

Tôi lại giật mình. Eo ôi, sao giống nhau đến thế! Tôi cũng thuộc loại si mê, đắm đuối vì sách, một ngày không đọc tưởng ăn không ngon, ngủ không yên. Chỗ tôi ngủ, một bên là con nằm, một bên là sách, để đầy từ trên đầu xuống dưới chân, còn căn nhà thì tủ sách la liệt từ dưới đất tới trên lầu. Con mắt đụng đâu cũng phải thấy sách, tay quơ đâu cũng phải chạm sách, vậy mới sướng. Và một ngày, sau khi xong việc cơ quan, là lại ôm cuốn sách. Trên tivi có câu quảng cáo “Ăn bóng đá. Ngủ bóng đá. Làm việc bóng đá”, thì mình cũng “Ăn với sách. Ngủ với sách. Làm việc với sách”. Tôi có tật ngủ một đêm thức giấc mấy lần vì thói quen thường đắp chăn cho con, cứ canh chừng đắp hoài bởi nó hay đạp chăn rồi bị lạnh. Thức xong, muốn dỗ giấc phải có sách. Đọc khi nào mỏi mắt thì cứ ríu lại, úp sách lên ngực ngủ luôn. Chiếc đèn học dùng làm đèn ngủ, luôn sáng trưng trên đầu giường. Vài tiếng đồng hồ lại thức, kéo chăn lên ngực con, xong đọc tiếp, và ôm sách ngủ tiếp. Nhiều cuốn dày cộp như Tứ Thư, Việt Nam Phật giáo Sử luận, Lịch sử Phật giáo thế giới…nặng chịch, đè lên ngực, vậy mà vẫn ngủ ngon lành. 

Thật sự có cảm giác y như “bác Doãn”, là thấy tiền nhân đang ôm ấp, vỗ về, an ủi cho mình. Đọc đến người nào, thấy người đó hiện diện sống động quanh ta, đang nhìn ta âu yếm. Tiền nhân thương ta như cha mẹ, muốn dạy ta nên người mới lao tâm khổ trí để lại những lời vàng ngọc. Sách không là những trang giấy in công nghiệp, mà ta nhìn thấy trong đó những khắc khoải thương yêu, những tấm lưng còng dưới ngọn đèn và cây bút, những bôn ba sương gió đi rao dạy cho đời. Đọc lời Phật, tưởng tượng Phật chân đất đầu trần vượt núi vượt sông mà nước mắt tôi chảy dài. Đọc lời Khổng Tử, tưởng tượng ngài già nua vẫn lầm lũi đi thuyết khách những ông vua coi trọng lễ nghĩa, để nhân dân bớt chịu cảnh đao thương chinh chiến, lòng mình không khỏi rưng rưng. Đọc Nguyễn Trãi, thấy tấm lòng “đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông” mà trang sách ướt nhòe trong đêm vắng. Đọc Tagore khâm phục sự minh triết ẩn tàng trong những vần thơ đẹp đẽ. Và Basho dẫn tôi đi nhẹ nhàng qua những cái giếng sâu cuộc đời để cảm nhận một tiếng ếch vang giản dị… Biết bao nhiêu bàn tay tiền nhân dìu dắt ta đi qua cõi nhân sinh này. Nhìn xuyên qua trang giấy, dòng mực, mới thấy tình yêu cuộc sống chưa bao giờ ngừng nghỉ suốt thời gian vô thỉ vô chung.

          Hạnh phúc lắm khi được làm “con mọt sách”. Bởi mình còn có đôi mắt để nhìn rõ chữ, còn có trái tim để rung động, còn có cái đầu để suy tư. Mình có quá nhiều thứ. Mình “giàu” hơn mình tưởng.

Nhưng thầy Phổ Hòa có lần nói đùa: “Kiếp sau Kim sẽ đầu thai làm con mọt núp trong cuốn sách. Mà con mọt này sẽ chết vì... đói. Bởi nó yêu sách quá, không dám gặm trang nào, thà đói mà chết!”. Úi trời, có thiệt hôn?
                                                                                                      06-5-2008

NHỮNG NGÀY HOẰNG PHÁP



TẠP BÚT
NHỮNG NGÀY HOẰNG PHÁP
                                                                                                                                        DIỆU KIM

            Những ngày hoằng pháp biết bao nhiêu kỷ niệm, nhưng rảnh đâu mà ghi lại. Ghi được một hai năm đầu, rồi sau đó bận quá, bỏ luôn quyển sổ. Bây giờ chỉ lướt qua những tấm ảnh mà “chú thích” lại, một chút bồi hồi những ngày “lãng du” cùng chiếc ba lô, chẳng khác nào “nhất bát thiên gia phạn, cô thân vạn lý du…”.

Chùa Đông An…
            Chùa nhỏ xíu, nằm ngay biên giới huyện Tân Hồng (Đồng Tháp). Bước ra một chút là thấy đồn biên phòng Bình Phú, và nhìn chéo qua sông Sở Thượng là đất nước Campuchia. Mười mấy năm trước, tôi đã lặn lội suốt nơi này để viết những bài phóng sự cho báo Văn Nghệ Đồng Tháp. Chân tôi ngập trong cát nóng, nhìn xung quanh chỉ có cây me keo là sống nổi, cát bụi bám trắng xoá lá cành. Mùa mưa thì lội bì bõm trong một thứ đất nhão nhoét pha với phân bò rã ra, ớn cả người. Không có xe cộ gì chạy được, tôi thường xuyên lội bộ 4, 5 cây số từ bến tắc ráng đến đồn biên phòng, hoặc đi vào nhà dân. Vậy mà mê đất, mê người, nên cứ lặn lội đi. Và thương đồng bào mình ở chốn heo hút xa xôi. Đâu ngờ có ngày trở về nâng niu từng trái tim nhỏ bé...

            Chỉ có điều… Choáng ngợp bất ngờ khi đi trên những con đường thênh thang như đại lộ, cắt ngang Đồng Tháp Mười như cắt ngang một cái bánh khổng lồ ngút ngàn lúa mượt. Bây giờ từ Tam Nông đi Tân Hồng, Tháp Mười đâu cần vòng ra đường liên tỉnh, mà cứ băng đồng theo tuyến đường mới êm ru. Thị trấn Sa Rài hồi nào như hòn đảo lọt giữa bốn bề nước lũ, nay to đùng nhà ngói nhà lầu, ăng-ten, in-tẹc-nét. Quả là sức nước sức dân đáng nể. Lặng lẽ làm nên một Đồng Tháp Mười đẹp như thế này đây. Nhờ vậy mà có thêm niềm tin để chống chọi với những tin tức tham nhũng, hối lộ hàng ngày chường lên mặt báo. Thôi thì, bàn tay có ngón vắn ngón dài, hãy biết hỷ xả và hy vọng.

            Sư bà trụ trì hơn 80 tuổi, người gầy, nhẹ tênh như một áng mây. Tánh tình cũng nhẹ tênh, thanh thản. Cai quản một lũ con nít từ mẫu giáo tới lớp 10, 11, chỉ lo nấu cơm cho tụi nó ăn đã lau chau phát mệt. Lại còn đùa giỡn, nhảy nhót, ca hát. Đêm thứ bảy cả lũ xúm nhau ngủ lại chùa y như ký túc xá, coi tivi xong bèn nổi lửa nấu mì gói húp xì xụp thấy mà thương! Nhưng đừng tưởng… tới giờ tụng kinh là răm rắp Nam mô, tới giờ đi kinh hành là chân trước nối chân sau im phăng phắc. Sư bà còn đem những bài kệ ra dạy, đứa nào cũng đọc thuộc lòng như cháo. Học ra học, chơi ra chơi, vừa nghiêm túc, vừa thoải mái. Thầy trò khổ hạnh nơi xứ nghèo, mà vui, mà gắn bó. Tuần nào ba má không chở vô chùa là có đứa khóc mếu máo. Tụi nhỏ “ghiền” chùa là... tại sư bà. Sư bà dễ thương quá mà! Hổng ghiền sao được! Không ngờ “vùng biên địa” lại có bậc chân tu, và chúng sanh đâu có tệ!

            Chùa nghèo, tôi phải “cải tạo” gian nhà kho cạnh chánh điện làm lớp học. Chẳng có bàn ghế, vội đi mua mấy chục bộ bàn ghế nhựa, thứ người ta dùng để mở quán cóc vỉa hè. Mua thêm mấy cây quạt gắn lên tường. Thế là học trò tôi có một lớp học “hoành tráng”. Khổ nhất là bộ ampli cứ rè rè như người nghẹt mũi, học trò dỏng tai lên nghe cô giáo giảng tiếng được tiếng mất. Nhưng học giỏi dữ lắm. Bài nào cũng thuộc. Thuộc từ giáo trình Búp Sen Hồng cho tới cuốn Đố vui Phật pháp. Thứ gì vô tay tụi nhỏ cũng học hết trơn. Học như nỗi khát khao, say đắm. Vậy nên cô giáo quên hết 260 cây số ngồi xe rêm xương sống, và 260 cây số lượt về. Vài năm nữa chắc cô hết còn xuống đây với các con. Mỗi năm mỗi yếu dần đi. Các con lớn lẹ lên, biết đâu lên Sài Gòn học, cô trò mình lại gặp nhau.

            Học xong, tụi nhỏ ở lại chùa ngủ luôn. Cô giáo lại đãi một chầu kem, mì gói, cà phê sữa. Mấy anh thanh niên trong xóm lân la tới chơi, cũng liên hoan tưng bừng và rộn ràng chuyện đạo. Có hôm, cô trò lấy máy chụp ảnh ra chụp và quay phim lẫn nhau, cười như nắc nẻ. Tội nghiệp, chỉ cần trông thấy mặt mình trên màn ảnh là các con cười sung sướng, niềm vui sao mà giản dị, đáng yêu. Tôi có dẫn theo thằng con trai duy nhất của mình, quay sang hỏi nó: “Con thương các em hôn?”. Nó mỉm cười gật đầu. Vốn là con một, bây giờ tự dưng nó có “một bầy em”, ngỡ ngàng thú vị lắm chứ!

            Một hôm, tôi ngẫu hứng lý qua cầu, rủ học trò đi ra chợ xã ăn chè. Trời đất, đi 5 cây số lận đó cô! Hừm, cô đâu có ngán. Cô là phóng viên, đi bộ giỏi lắm nghen! Rồi, thì đi. Nhưng mà sư cô Thành ơi, sư cô với Út Xuân chạy hai chiếc honda kè theo nhé, vì con biết chắc sẽ có đứa mỏi giò, phải leo lên xe thôi. Nào, bắt đầu hành quân, một, hai…

            Thầy trò rồng rắn kéo nhau ra lộ. Eo ơi, hai chục mạng chứ ít sao! Dọc đường còn “rước” thêm mấy em nữa nhập bọn. Vừa đi, vừa nhảy chân sáo, vừa reo hò, vừa... thở. Tới cảnh nào đẹp đẹp thì dừng lại “chộp hình”. Cô ơi cô, chưa bao giờ tụi con vui như vầy! Cô ơi cô, tụi con kêu cô là mẹ nha! Ê, con nhỏ này, tránh ra cho tao nắm tay mẹ. Hông, tao nắm hà, mầy nắm nãy giờ rồi. Ứ ứ, mẹ ơi, hai đứa nó giành hoài, cho con nắm một chút đi! Thôi thôi, tụi con tranh nhau một hồi té xuống sình bây giờ. Rồi rồi, mỗi đứa nắm một tí. Hi hi, anh Ni bữa nay mất phần giành mẹ. Mai mốt anh Ni về thành phố tha hồ có mẹ nha.

            Tới quán chè. Chủ quán trố mắt. Hả, hai mươi lăm ly. Làm lẹ lên. Trà đá đâu, uống trước đi, khát quá trời rồi. Ai da, muỗi, muỗi. Chạng vạng rồi, muỗi túa ra tấn công. Chủ quán đem ra cả chục cây quạt giấy. Mẹ, để con quạt cho mẹ. Thôi, mẹ tự quạt được mà. Chè xong rồi kìa, hai, ba, dzô! Ngon dễ sợ!

            Tính tiền có hơn một trăm ngàn đồng mà lũ con xuýt xoa “Tội nghiệp mẹ quá! Mẹ tốn tiền vì tụi con!”. Tôi muốn rơi nước mắt. Bao nhiêu kẻ tiêu xài bạc tỷ của dân chưa hề biết xót như thế này.

            Lại rồng rắn kéo nhau về. Trời tối mịt, mẹ con nắm chặt tay nhau dò dẫm qua từng vũng nước. Vậy mà vẫn có đứa sụp hố. Bùm! Sình văng lên. Áo mẹ, áo con đều tèm lem tuốt luốt. Hi hi, ha ha, he he... Vui quá mẹ ơi!

            5 cây số trở về, bắp chân mỏi nhừ, cứng ngắc. Một số “chiến binh” thua trận phải leo lên honda của sư cô và Út Xuân. Len lỏi qua bóng râm của hai hàng me keo bên đường, ánh trăng lưỡi liềm mỏng te như ráng nhăn răng cười cái đám cô trò “gàn” thấy sợ! Đi gần 10 cây số ăn có ly chè mà vui nỗi gì hổng biết! Nhân gian thiệt lạ thiệt lùng!

            Về tới chùa, ly chè “biến” đâu mất tiêu, bụng lại sôi lên vì đói. Cô giáo lại đãi học trò chầu kem, sữa, mì gói, chứ ở thôn quê lấy đâu ra quà bánh. Hoan hô mì gói, đi đâu cũng có mi cứu bồ!

            Sư bà cũng thức tới khuya chờ lũ học trò. Rồi giăng mùng cho tụi nhỏ ngủ. Rì rầm, rì rầm, tiếng lá tre xào xạt bên hiên chùa, tiếng con dế gáy thanh tao giữa đêm trường tĩnh mịch. Chập chờn một chốc đã nghe chuông mõ công phu ấm áp dịu dàng. Lũ trẻ không ai bảo mà tự động thức dậy, tụng kinh vang rền. Một ngày mới bắt đầu.

            Nhưng cô giáo phải quay về thành phố. Tạm biệt các con. Tạm biệt. Đừng khóc. Rồi cô sẽ trở về thăm. Hãy giữ mãi tuổi thơ trong sáng nơi mái chùa quê. Một ngày nào đó các con lớn lên, sẽ hiểu những phút giây này là thiên đường giữa chốn trần gian...
                                                                                                             Tháng 6-2007

BÁO CÁO PHÁT CƠM CHAY TỪ THIỆN Lần 19 ngày 8-10-2011

BÁO CÁO PHÁT CƠM CHAY TỪ THIỆN 
Lần 19 ngày 8-10-2011

1- Số tiền vận động 

Số TT
NGƯỜI THAM GIA
SỐ TIỀN
TỔNG CỘNG
TỒN QUỸ lần 18
7.080.000đ
CHI PHÍ:
Cơm chay 400 suất tại Bệnh viện Nguyễn Trãi
2.360.000đ
TỒN QUỸ
4.720.000đ


2-Thành viên tham gia phát cơm
            1-Cô Kim    2-Rani   3- Nương  4- Trúc   5-Hiền  6-Tin    7-Thu  8- Hoa   9-Nhung  10-Trang (bạn Trinh)   11-bà Sáu (hàng xóm) 12-Bác Năm (hàng xóm) 13-Út Năm (hàng xóm) 14-chị Mai (hàng xóm)   15-dì Út (hàng xóm)  16-Cát (hàng xóm) 17-chị Tùng (hàng xóm) 18-Thảo cận    19-Quyên (bạn Hoa)   20-Như Ý    

3-Nội dung:

            Lần này phát 400 phần mì xào tại bệnh viện Nguyễn Trãi, cũng rất trật tự vì có phiếu nhận cơm.    
    
  Cô Kim vừa mua thêm một bếp ga khè giá 1.150.000đ để các bạn đỡ vất vả. Mọi hôm, dù đã huy động hết 2 bếp ga gia đình và 3 bếp than, nhưng cũng không nấu kịp, phải cuống quít làm đến nỗi không kịp điểm tâm. Nay có bếp ga khè, ngọn lửa rất lớn, nấu thức ăn vừa nhanh chín, vừa ngon hơn. Phải kiếm tiền đầu tư để hoạt động thôi! Nhưng mà vui.


Tính hết “bộ đồ nghề” nhà bếp cô Kim đầu tư cho công tác phát cơm, gồm những cái nồi inox thật to bằng cả vòng tay ôm, những cái thau, rổ cũng bằng inox rất to, rồi vá, sạn, kẹp, bếp, chảo không dính… chắc khoảng 15 triệu đồng. Tiền này cô Kim tự bỏ ra, không dám lấy từ quỹ của mạnh thường quân, sợ mang tiếng. Bởi nếu không còn nấu cơm từ thiện nữa thì số đồ dùng “của công” này ai sẽ sử dụng? Tất nhiên, cô Kim quản lý thì nó sẽ thuộc về cô Kim, cho nên lấy tiền riêng để mua là hợp lý nhất. Coi như mình mua riêng mà xài chung, như là cho bếp từ thiện “mượn” vậy. Cô Kim kỹ tính, xài đồ inox tuy đắt tiền nhưng hợp vệ sinh, không đóng dầu mỡ, không bị chảy nhựa. Cũng có mua một số đồ nhựa để rửa rau, nhưng cũng là loại nhựa tốt trong siêu thị, không dùng hàng tái chế. Làm từ thiện cũng phải sạch sẽ, vệ sinh chứ.


Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

BỒ TÁT


TRUYỆN NGẮN

BỒ TÁT
                                                                                              Trần thị Hoàng Anh

            Tôi đi chùa, không hiểu sao rất thích hai chữ Bồ Tát. Trong chùa, tượng Phật quá chừng nhiều, mà tượng Bồ Tát rất ít, hầu như chỉ có Quan Thế Am cầm cành dương liễu đứng giữa ao sen. Lâu lâu mới gặp một chùa có tượng Đại Thế Chí, Văn Thù Sư Lợi, Đại Hạnh Phổ Hiền. Tôi không thoả mãn, muốn biết thiệt nhiều Bồ Tát nữa kìa.

            Tối đó, tôi nằm mơ, thấy Đức Phật cười thật tươi. “Sáng mai con sẽ được gặp Bồ Tát”. Tôi chắp tay xá lia lịa. “Dạ, dạ, con đội ơn Đức Phật”.

            Cả buổi sáng hôm sau, tôi chẳng dám đi đâu cả, cứ ngồi nhà thắp hương đợi Bồ Tát. Chờ hoài không thấy. Đồng hồ chỉ 11g. Trời đã sang trưa. Tôi thở dài, “Chiêm bao không lẽ có thiệt!”. Thế là tôi đứng dậy đi ăn cơm bụi, vì bữa nay mắc chờ Bồ Tát nên không đi chợ nấu cơm gì ráo.

            Ăn xong, tôi ngẫu hứng chạy luôn tới nhà nhỏ bạn mà khá lâu không thăm viếng. Hôm nay chúa nhật chắc nó được nghỉ làm.

            Cảnh nhà hiện ra khiến tôi bàng hoàng. Trời, sao mà xuống cấp dữ vậy? Hình như mới một năm không gặp... Đời sống đô thị vậy đó, có khi quận này cách quận kia không bao xa nhưng người ta vẫn không đi thăm nhau được. Vì công việc bề bộn, làm trong giờ, làm ngoài giờ, học thêm buổi tối, về nhà lo vợ chồng, con cái... Đến chúa nhật cũng chưa chắc rảnh, nào đưa con đi học võ, học bơi, nào đi siêu thị mua thức ăn cho cả tuần, nào dọn dẹp nhà cửa, ủi quần áo cho sáu ngày còn lại, rồi đám giỗ, đám cưới, thôi nôi, đầy tháng bây giờ cũng “đè” chúa nhật ra mà mời... Cho nên, bạn bè rốt cuộc chỉ còn quanh quẩn những người trong cơ quan là chính, chứ bạn cũ, bạn hồi phổ thông như nhỏ Thảo này thì đâu còn dành bao nhiêu cơ hội.

            Tôi đến, đúng lúc Thảo đang dỗ dành người cha say xỉn lè nhè chịu nằm xuống ngủ yên. Ông gầy nhom, nhưng bụng trướng to vì bệnh gan, Thảo nói đã trị cả năm nay chưa bớt. Bác sĩ không cho uống rượu, nhưng ông thèm, lâu lâu lén tợp vài ly. Thế là vừa lên cơn đau, vừa kích thích thần kinh, nói năng um sùm. Mẹ Thảo bực dọc, rầy mắng om lên nữa, hoặc ca cẩm suốt ngày bên tai Thảo. Tôi nhìn vào góc nhà, nơi có một căn phòng nhỏ mờ tối, cánh cửa phòng là những song sắt rất to được khoá chặt, trong nhốt cậu em trai của Thảo bị bệnh tâm thần. Cậu ta đã hơn 30 tuổi, chưa vợ, ăn học đàng hoàng, tự nhiên phát bệnh, đập phá, chạy rong ngoài đường. Điều trị ở bệnh viện hơi bớt một chút thì phải lãnh về nhà, vì bệnh viện quá đông bệnh nhân. Cậu ta trông thấy tôi liền cười ré lên và dộng cửa đòi ra. Tiếng khoá va đập loảng xoảng. Thảo chạy đến dỗ em. “Nè, ăn kẹo đi, rồi ngồi xuống chơi, đừng la nữa nghen, chị thương”. Cậu ta dịu lại. Thảo cười, “Nó chỉ nghe lời mình thôi”.

            Thảo quay sang thăm chừng siêu thuốc sắc cho ba uống. “Hết tiền uống thuốc tây rồi, mà uống hoài thấy không kết quả lắm. Đổi sang thuốc nam, coi bộ đỡ”. Tôi thở dài, “Một mình bạn với đồng lương y tá mà trang trải hết cho gia đình, làm sao đủ...”. “Không đủ cũng phải đủ”. “Rồi Thảo không tính chuyện lập gia đình?”. “Hì, ai dám nhào vô lãnh 3, 4 người này? Có người đi hỏi, nhưng mình theo chồng thì ai chăm sóc ba má và thằng út. Anh chị hai ra riêng cũng đâu khá giả gì. Thôi từ từ tính”. Từ từ là đến bao giờ? Thảo đã xấp xỉ 40, mái tóc chớm nhiều sợi bạc. Tôi biết, Thảo đã chọn con đường cho mình.

            Nhưng lạ, suốt đến chiều tôi không hề nghe Thảo than van một tiếng, trong khi tôi quá mệt vì tiếng dộng cửa la hét của cậu em trai, tiếng rên rỉ của ông bố và tiếng ca cẩm của bà mẹ. Thảo kể lại chuyện nhà cho tôi nghe bằng một giọng đều đều, bình thản. Lâu lâu lại còn cười dỗ người này người kia nữa chứ. Và cuối cùng Thảo tiễn tôi ra về với câu: “Quen rồi, bạn đừng lo cho mình”. Tôi đưa Thảo số tiền giúp ông bố uống thuốc, Thảo từ chối. “Chừng nào kẹt, mình sẽ nhờ đến bạn”.

            Tối đó, tôi mệt nhoài, đi ngủ sớm. Trong giấc mơ tôi lại thấy Phật hiện ra. Tôi khiếu nại liền: “Sao Phật hổng cho con gặp Bồ Tát? Con chờ hoài, đi chơi, lại gặp cảnh khổ, mệt quá chừng. Con mà như nhỏ Thảo chắc con... chết!”. Phật cười: “Vậy sáng mai con sẽ gặp”.

            Tôi lại trang hoàng nhà cửa để đợi Bồ Tát. Nhưng chợt thằng em họ của tôi từ đâu ập vào. Tôi líu lưỡi: “Ơ... mi là...là...Bồ...”. Chú em trố mắt nhìn tôi: “Ủa, chị không nhận ra em hả? Ghé rủ chị đi chơi”. “Không, ta đang chờ...”. “Chờ ai? Đi làm giúp em cái này. Không có chị một mình em xoay sở không kịp”. Nó cứ khẩn khoản mãi, tôi đành chịu. “Lạy Bồ Tát, cho con khất bữa nay, chắc Bồ Tát không giận”. Thiệt tình, bởi tôi cũng hơi... nản, vì nắng đã lên cao rồi mà cũng không thấy Bồ Tát, hổng chừng đón hụt như hôm nọ nữa, thôi, đi một chút xem sao.

            Chú em họ chở tôi trên honda phóng vèo vèo. Xe ra khỏi ngoại thành, rồi băng qua một cánh đồng, lọt thỏm vào một xã ấp nào đó có con đường gập ghềnh đá sỏi, dằn xóc khiến bụng tôi ê ẩm. Chú em cười hề hề khi tôi nhăn nhó. “Nói trước thì chị dễ gì chịu đi. Lừa bà như vầy mới được!”.

            Xe dừng trước một phòng học đơn sơ có tấm bảng ghi Lớp học tình thương. Mấy chục cặp mắt trong lớp lố nhố nhìn ra. Hai phụ nữ đang đứng trên bục giảng vội chạy ra đón chúng tôi. “Đây là cô giáo Xương, và cô giáo Lãm, đang phụ trách hai lớp sáng chiều. Em quen hai cô lúc đi công tác về xã này. Còn đây là chị họ của em, thưa cô”. Hai cô giáo tươi cười: “Cả lớp chờ cậu Minh từ sáng. Cậu hứa về thăm các em, dạy các em hát và sinh hoạt tập thể”. Chú em lật đật vô lớp, bày trò liền với tụi nhỏ. Tôi ngồi ngoài hàng hiên trò chuyện cùng hai cô giáo trước khi chú em nhờ tôi tiếp giúp cái gì cũng chưa biết. Cô Xương 65, cô Lãm 67 tuổi, người gầy, mặc áo bà ba, quần đen giản dị. Cô nói cô dạy tiểu học mấy chục năm, đã về hưu, nhưng thấy trong xã ấp còn nhiều em quá nghèo không đi học được, suốt ngày đi bán vé số, móc bọc ni-lông, mò cua bắt cá, nên hai cô lại đứng ra mở lớp học tình thương này. Có lương bổng gì đâu, còn trích lương hưu ra mua tập vở cho các em nữa. Hai chiếc xe đạp dựng ở bờ tường loang lổ là của hai cô, vượt gần 5 cây số từ nhà đến lớp, mà buổi sáng chỉ dám ăn điểm tâm bằng một củ khoai. Tôi nhìn con đường dằn xóc mà ngán ngược trong bụng. Cô Xương cười: “Mệt đâu có bằng đến từng nhà năn nỉ ba má mấy em chịu cho con tới lớp. Vì đứa nào cũng có thể làm kiếm tiền phụ giúp gia đình, nên cha mẹ không muốn con đi học, sợ mất thu nhập. Cô phải năn nỉ gãy lưỡi. Có người còn nói sao cô làm chuyện bao đồng, già rồi thì nghỉ cho khoẻ, hổng có lương dạy chi mà ham dữ vậy”. Kể xong, cô cười rung cả mái tóc bạc. Cô Lãm tiếp lời: “Nói vậy chớ sau này họ đã hiểu ra. Gần 10 năm rồi, cũng đủ sức thuyết phục”. Một nhóm học trò buổi chiều nghe có khách nên chạy tới lớp sớm để xem. Các em nói chuyện một hồi bèn gây lộn, chửi thề. Cô Xương kêu các em lại: “Nè, cô dạy đừng có chửi thề, quên rồi phải hôn?”. Em học trò thanh minh: “Dạ, tại nó chọc em đó cô”. Đứa bạn kia sừng sộ: “Ai biểu mầy kêu tên má tao”. Cô Xương nghiêm mặt: “Em nào cũng lỗi. Kêu tên người lớn là bậy. Chửi thề cũng bậy. Tính sao với cô đây?”. Hai đứa học trò cùng khoanh tay xin lỗi cô.

            Tôi nhìn hai đứa trẻ gầy nhom, đen thui, vẻ mặt sớm nhuộm nét phong trần. Bộ quần áo chúng mặc rất cũ, và dưới chân là đôi dép đứt quai gần phân nửa. Tập vở bút mực bỏ vào cái bọc ni-lông được gọi là “cặp”. Tôi nén một tiếng thở dài.

            Cô Xương hiểu ý: “Học trò của cô là như vậy đó. Dạy mệt lắm, uốn từng chút như uốn cái cây, phải kiên nhẫn. Nhưng lâu ngày các em cũng ngoan dần dần. Và nhiều em đã học xong lớp 5, cô xin cho ra trường phổ thông học lớp 6, giỏi không thua gì con nhà tử tế”. “Vậy cô tính dạy tới chừng nào mới nghỉ dưỡng già?”. “Bao giờ hết trẻ em nghèo thì cô nghỉ chớ”. Cô cười thật tươi. Tôi giả bộ xin đi ra chợ, lén mua mấy hộp sữa bỏ vào giỏ của cô trước khi ra về. Mong cô có sức khoẻ để mỗi sáng đạp xe 5 cây số cô nhé!

            Thế là giấc mơ hội ngộ Bồ Tát của tôi phải dời thêm một lần nữa. Oi chao, cảnh đời sao quá xá mệt! Bồ Tát ơi, mau cứu giúp chúng sanh! Tôi thiếp đi trong ý nghĩ ấy.

            Phật chẳng còn hiện ra trong giấc chiêm bao của tôi nữa, chỉ nghe hình như văng vẳng một câu: “Ngày nào con cũng sẽ được gặp Bồ Tát. Khỏi chờ đợi, khi gặp thì tự nhiên gặp mà thôi”. Tôi choàng tỉnh dậy.

            Tôi trở lại với nếp sinh hoạt cũ. Đi làm, đi học, về nhà, đi chùa, đi chơi... Nhưng ở đâu tôi cũng chú tâm tìm kiếm, mong ngóng Bồ Tát. Giữa đám đông, thấy một bóng áo lấp lánh, tôi ba chân bốn cẳng chạy tới. Thì ra chỉ là cái áo thêu kim tuyến của một cô gái. Nhưng dù không tin vào chuyện thần bí tôi vẫn chắc chắn rằng hễ Bồ Tát xuất hiện thì sẽ phải khác người, sẽ lộng lẫy hơn, đặc biệt hơn chứ. Tôi không thể bỏ cuộc.

            Tôi về quê công tác. UBND xã phải qua một bến đò, có ông lão gần 70 tuổi chèo thoăn thoắt. Mà lạ, đò cập bến, hành khách bước lên bờ rồi... đi luôn, không thấy ai trả tiền cho ông lão. Tôi rụt rè hỏi: “Ông ơi, bộ ở đây người ta mua vé tháng hả ông?”. Ông cười hềnh hệch: “Đâu có. Ông đưa miễn phí không hà. Cháu chắc mới đi lần đầu?”. “Dạ”. Ông gác mái chèo, dẫn tôi vào căn nhà lá nhỏ ven bến sông. “Nhà của ông đây. Cháu không gấp thì ngồi nghỉ chân, uống chén nước. Giờ này ít khách, mình nghỉ một lát không sao”. Đã có sẵn bình trà đặt trong bộ vỏ dừa giữ ấm, ông rót cho tôi một chén nhỏ. Tôi hỏi hoài, ông mới kể. Thì ra ông đã đưa đò giúp bà con trong làng gần 30 năm rồi. Con sông khúc này không có cầu qua lại, đi vòng thì rất xa, nên ông tự sắm chiếc đò nhỏ rồi ngày ngày giúp các em học sinh tới trường, giúp mấy bà mấy cô tới chợ, hoặc mấy anh chị công chức qua sông. Ai trả tiền ông cũng không lấy. Ông bà sống bằng mấy công vườn tạp quanh nhà, trồng chuối mít sơ sài đủ mua gạo, mắm muối. Bà con thương, lâu lâu tát mương biếu ông con cá, rổ tép. Còn chiếc ghe lâu ngày mục nát, thì cả xóm xúm nhau lại đóng, người hạ cây, người xẻ gỗ, người trét chai. Bến đò có duyên, UBND xã tặng ông và tặng cả xóm cái bằng khen. Nhưng không có cái bằng khen nào bằng tình nghĩa trong làng đối với nhau, cháu à!

            Tôi vác ba lô lên đường, lòng bồi hồi nhớ chén trà ấm áp nơi bến sông nghèo.

            Công tác xong, tôi tạt qua huyện bên, thăm lại ngôi chùa Kim Huê hồi nhỏ có về dự lễ Vu Lan cùng bà ngoại. Chùa hướng mặt ra một con rạch nho nhỏ, nước trong xanh soi rõ hàng bạch đàn phơ phất lá. Tôi qua cổng tam quan, gõ chân xuống những viên gạch tàu màu đỏ nay đã nhuốm màu rêu xanh. Sân chùa im ắng, nghe rõ tiếng con chim hót trên cây mận đang rải những chùm hoa trắng muốt. Hình như có bóng người nơi góc sân. Tôi bước đến. Thì ra là sư ông. Mô Phật! Tôi chắp tay xá sư ông mà nước mắt muốn chảy ra.

            Sư ông mặc chiếc áo vạt hò nâu cũ kỹ, cái quần vá chằng vá đụp xắn cao lên một chút cho khỏi vướng. Sư ông đang cúi người cưa một khúc củi bằng cây cưa nhỏ. Vóc dáng nhỏ bé, khuôn mặt gầy thanh thoát, nhẹ nhàng đưa lưỡi cưa tạo thành những âm thanh đều đều bình tĩnh. Mạt cưa văng nhẹ hai bên, vàng nhạt dịu dàng. Ai tin được đó là sư ông trụ trì đã hơn thất thập cổ lai hi.

            Tôi nhăn nhó: “Trời ơi, quý thầy trẻ đâu không cưa củi mà sư ông phải làm?”. Sư ông cười: “Quý thầy đi học hết rồi. Bài vở nhiều lắm con à. Quý thầy cũng làm chớ, tại sư ông rảnh nên ra vườn cho mát vậy mà”. Tôi biết sư ông chẳng lúc nào thích ngồi không, nhưng vừa làm lại vừa niệm Phật, chuyên chú tu hành. Sư ông bảo, làm cho khoẻ người, nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực. Tôi nghĩ thầm, sư ông ăn ngọ nên có thực bao nhiêu mà tác dữ vậy!

            Vừa lúc đó, thầy tri sự về tới. Thầy mừng rỡ dẫn tôi vào phòng khách, và thì thầm sợ sư ông nghe thấy. “Hồi trẻ sư ông một mình làm hết mấy mẫu ruộng để nuôi chúng ăn học. Sư ông nói ai cũng đi học thì ai ở lại lo việc chùa, nuôi huynh đệ, thôi sư ông chọn con đường này. Làm ruộng hồi đó cực dữ lắm, đâu có máy móc như bây giờ, mà đồng lại rất xa, chèo ghe đi mỏi cả tay. Sư ông không than thở một tiếng, chỉ mong huynh đệ thành tài mà lo hoá độ chúng sanh. Cùng thế hệ với sư ông, quý Hoà Thượng đều trở thành những vị giảng sư nổi tiếng, riêng sư ông cứ cây cày cây cuốc hoài vậy. Bây giờ già rồi, làm trụ trì rồi, không cho sư ông ra đồng, thì sư ông cũng kiếm việc làm quanh quẩn trong chùa như tất cả mọi người trong chúng, ăn uống cũng ăn chung một mâm, một món với chúng. Chẳng bao giờ thấy buồn phiền vì huynh đệ tài giỏi, nổi danh hơn mình, cũng không so đo chùa lớn chùa nhỏ. Giáo lý không học nhiều thì sư ông chuyên trì danh niệm Phật, lo về Tịnh Độ là xong”.

Tôi ngỡ ngàng. Tiếng guốc vông của sư ông đã lộc cộc bước vào. Tôi nghe như hương hoa lài hoa sen từ sân chùa vương theo áo sư ông toả vào gian phòng tĩnh lặng.

            Tôi quay về thành phố. Công việc lại ngập đầu trong cái nhịp sôi động quen thuộc. Cho đến khi tạm dứt ra được một chút, tôi quyết định thưởng cho mình một buổi tối giải trí tại Nhà hát kịch, hơn là ngồi thu lu ở nhà ôm cái tivi và đầu đĩa quanh năm. Vé mua rồi, ngồi căn- tin uống nước lai rai chờ mở màn, ngắm thiên hạ đầm váy xinh đẹp đi xem hát và các anh chị nghệ sĩ đi vòng ra cửa sau vào phòng hoá trang. Chợt nghĩ, “Có khi nào Bồ Tát xuất hiện ở chốn vui chơi như vầy không?”. Nghĩ rồi bật cười một mình. Hoá ra cũng không quên ước mơ được gặp Bồ Tát.

            Một người đàn ông trung niên đẩy xe honda vào khu dành cho diễn viên rồi bước vào căn-tin mua chai nước suối. Tôi a lên một tiếng. Anh Lê Duy, chồng của chị Hạnh bạn tôi. Anh cũng trông thấy tôi, mỉm cười tiến lại bàn. “Ủa, anh đi đâu đây?”. “Hôm nay khai trương vở mới, anh đi xem”. “À, em quên mất anh là cán bộ của Hội Sân khấu”. “Cô cũng còn thời gian đi xem kịch hả? Tưởng việc công ty bận ngập đầu chứ. Anh nói thiệt, làm kinh doanh như cô thì anh chịu thua”. “Vậy làm nghệ thuật như anh, em cũng chịu thua. Sao, lúc này có gì mới không? Nghệ thuật luôn luôn là cái mới...”. “Có. Lát nữa cô sẽ xem một loạt diễn viên trẻ măng mà Nhà hát mới “trồng” thay cho lứa cổ thụ cũ đã trưởng thành bay đi khắp nơi. Có thể các em chưa tên tuổi lắm, nhưng đủ sức thu hút bởi chính sự nỗ lực, sự chân thành”. “Thôi, điều đó thì em tin, nhưng cái xe anh đi vẫn cũ sì, sao không chịu đổi mới dùm? Loại cúp 70 này cho vô viện bảo tàng được rồi, chớ nó không phù hợp với cương vị của ông cán bộ lãnh đạo Hội chút nào”. Lê Duy cười khà: “Lãnh đạo gì cô ơi. Mà phụ nữ mấy cô sao hay để ý chuyện vặt vãnh, mấy đứa diễn viên trẻ cũng tối ngày theo chọc anh về cái xe. Anh thấy nó còn tốt, tự nhiên đem đổi làm chi. Mà nó có một kỷ niệm sâu sắc, nên anh giữ lại vậy mà”. “Chà, em phải méc chị Hạnh... Chuyện bây giờ mới kể à nha!”. Lê Duy tủm tỉm: “Vui miệng nói cô nghe chơi. Anh đã từng đem nó ra tiệm cầm đồ. Hồi 1989, trong nhà chỉ có nó là tài sản đáng giá duy nhất, mà đang lúc cần tiền tổ chức Liên hoan Sân khấu nhỏ, không ai tài trợ hết, anh liều mạng cầm chiếc xe được 3 triệu đồng. Hẹn một tháng tới chuộc, nhưng cũng không biết có chuộc nổi không, thây kệ. May sao, Liên hoan được nửa chừng thì mạnh thường quân tới tấp gởi tiền ủng hộ. Nếu không, anh gút-bai nó luôn rồi. Hì hì...”. “Sao anh không xin kinh phí của Nhà nước?”. “Chẳng ai tin mình sẽ làm được việc cả. Vì hồi đó anh thấy lớp trẻ vừa tốt nghiệp trường Sân khấu ra không đoàn nào nhận về, các em phải trôi dạt chờ thời tại các nhà văn hoá quận huyện. Anh tổ chức Liên hoan để các em có cơ hội thể hiện mình, để mọi người thấy năng lực lớp trẻ mà sử dụng. Nhờ vậy mà có một thế hệ trẻ trưởng thành. Nhưng lúc đó đâu dám nói là cầm xe, sợ tụi nhỏ nản lòng, phải giả bộ nói các ban ngành ủng hộ dữ lắm. Mà thiệt, khi xem các em diễn một số vở, mọi người mới hoan nghênh và giúp đỡ, anh lấy tiền đem chuộc ngay chiếc xe”. Tôi xuýt xoa vì cái máu liều của anh. Bởi tôi hiểu, thời điểm ấy có được chiếc cúp đã là khó, nhất là với đồng lương công chức, nghệ sĩ như anh. Dù số tiền cầm xe chỉ đủ chi cho mỗi diễn viên trẻ vài tô phở cầm hơi, nhưng đã là một lực đẩy rất mạnh ở những bước chân đầu tiên vô nghề, mở ra niềm tin và hy vọng. Vậy, không phải anh liều, đó là tâm huyết của một nghệ sĩ, muốn vun trồng cho người khác, cho cái đẹp nghệ thuật.

            Tôi trở về nhà với dư âm nhân hậu của vở kịch. Sàn diễn không khác cuộc đời, vẫn đau đáu thông điệp của cái thiện và sự hy sinh.

            Đêm ấy, Phật lại hiện ra trong giấc mơ tôi. Tôi giận lẫy: “Thôi, con không thèm nghe Phật hứa nữa đâu”. Phật cười: “Con đã gặp Bồ Tát rồi mà”. “Ủa, con gặp hồi nào?”. “Vậy con quan niệm Bồ Tát là như thế nào?”. “Dạ, con nghĩ Bồ Tát là vị luôn cứu giúp chúng sanh vượt qua những khó khăn, đau khổ. Không nề hà vất vả, hiểm nguy, không phân biệt sang hèn, không kể công kể sức. Lòng thương yêu chúng sanh vô bờ bến nên mới có đủ năng lực chịu đựng như thế”. “Đúng rồi. Vậy những người con đã gặp vừa qua họ có lòng thương yêu người khác, chấp nhận hy sinh để cho người khác hạnh phúc, vượt qua đau khổ hay không?”. “Dạ... có ạ”, những gương mặt lướt qua trong trí nhớ tôi, và tôi đành công nhận. Nhưng còn thắc mắc: “Nhưng Bồ Tát phải có thần thông chứ ạ? Không lẽ Bồ Tát gì quá bình thường, không khác người, không đặc biệt gì hết trơn? Phải có thần thông, hoá phép gì đó con mới tin...”. Phật lắc đầu: “Mèn ơi, con nhỏ này coi phim riết rồi lậm! Chắc con tưởng Bồ Tát giống trong phim Tây Du Ký, toả toả hào quang, bay cái vèo, hô biến ì đùng đó hả? Hổng phải đâu con. Bồ Tát mà hiện ra kiểu đó thì thiên hạ xúm lại coi như gánh xiếc, rồi cầu xin tùm lum, Bồ Tát chịu đời gì thấu. Muốn thực hành hạnh nguyện lợi tha một cách trọn vẹn, Bồ Tát phải hoà mình cùng chúng sanh, chịu đựng đau khổ, khó khăn như chúng sanh, để rồi từ đó nâng đỡ chúng sanh một cách âm thầm, kiên nhẫn. Phải giấu mình đi con ạ, thậm chí quên mình là Bồ Tát. Còn thần thông ư? Con tưởng tượng đi, nếu là con, con có gánh nổi cả gia đình nào cha mẹ, em út như cô Thảo, với đồng lương nhỏ bé và thời gian khắc nghiệt đó không?”. Tôi trả lời cái rụp: “Dạ, chắc con chết ngắc!”. “Ừ. Thế con có gánh nổi lũ học trò nghịch phá bụi đời như cô Xương, cô Lãm không?”. “Dạ, con nổi nóng chắc đánh nó quá”. “Ừm ừm, con nhỏ này sân si ghê chưa! Rồi con có sức để chèo qua chèo lại con sông đó mỗi ngày 20 lần không?”. “Hu hu, chắc con gãy tay Phật ơi!”. “Nè, nè, chưa chi đã khóc, con có dám cầm chiếc xe Dream mới cáu của con để lấy tiền cho lớp sinh viên trẻ không?”. “Ai chà, con... con... Thôi, con mệt quá, vô chùa tu cho rồi!”. “Vô chùa, con có cáng đáng nổi cả chục mẫu ruộng để nuôi huynh đệ ăn học không?”. “Ý trời, Phật hổng thấy con ốm nhom ốm nhách sao? Khiêng bao lúa hổng nổi mà biểu con làm ruộng...”. “Đó, sư ông cũng ốm nhom ốm nhách vậy mà sao sư ông làm nổi, chẳng phải thần thông là gì? Ông lão chèo qua sông mấy chục lần cũng gọi là có thần thông đó con. Và cô Thảo có năng lực gì mà dỗ dành được ông bố, bà mẹ, cậu em trai quậy phá? Con hiểu thần thông chưa con?”. “Dạ... hiểu. Ý mà Phật ơi, nếu Bồ Tát là như vậy thì trên đời này có nhiều Bồ Tát lắm. Đi đâu con cũng gặp người tốt cả”. “Ừ, và chính con cũng có thể mang hạnh nguyện Bồ Tát đấy”. “Mô Phật, con hổng dám đâu. Con yếu đuối, lười biếng, sân si quá chừng...”. “Ay, sao con lại tự kỷ ám thị một cách tiêu cực vậy. Phải đánh thức cái tốt trong mình chứ. Hạt giống thương yêu có sẵn trong con rồi, chỉ cần con tưới cho nó chút nước là nó nảy mầm thôi. Có tình thương với chúng sanh thì trước sau gì con cũng sẽ tìm cách cứu giúp chúng sanh, vậy là thành Bồ Tát đó. Thí dụ mấy hộp sữa mà con lén biếu hai cô giáo...”. “Ủa, chỉ có hai hộp sữa mà con thành Bồ Tát hở Phật? Sung sướng quá!”. “Tất nhiên là Bồ Tát nhí, Bồ Tát ốc tiêu thôi nghen con. Muốn làm Đại Bồ Tát thì phải hy sinh nhiều lắm”. “Dạ, từ từ tính Phật ơi. Cho con lên lớp dần dần chứ bắt con thi liền chương trình cao cấp làm sao con thi nổi!”. “Biết rồi! Tùy căn cơ chứ ai mà ép con. Thôi ta đi nghen. Chúc con thành Bồ Tát Ma Ha Tát”.

            Tôi chưa kịp chào thì Phật đã biến mất. Giấc mơ chỉ còn lại một vầng mây xanh thắm lơ lửng giữa trời, và trong đó có cánh diều của tôi bay lượn vẽ nên những vần thơ hạnh phúc...
                                                                                                       22-2-2006


Ghi chú: Những nhân vật trong truyện này đều là có thật, tác giả chỉ đổi tên một chút mà thôi. Cô Diệu Kim chỉ có hình của Hòa thượng Thiện An, cô Thanh Thảo và chú Lê Duy Hạnh. Rất tiếc không có hình của ông lái đò và cô Xương, cô Lãm.