Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011

Thiếu trầm trọng lao động có kỹ năng

Cô Kim: Nền giáo dục của nước ta đã đào tạo nên những con người chạy đua theo bằng cấp, chỉ có lý thuyết suông, thậm chí lý thuyết cũng yếu, học rồi quên ngay. Và dĩ nhiên họ không hề có kỹ năng nào trong thực tế, như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng sáng tạo, kỹ năng quản lý…Người có bằng cấp mà không xài được, vẫn thất nghiệp là vì vậy.

Cho nên, khi các bạn về sinh hoạt với Funny Home, cô Kim gần như là rèn luyện lại cho các bạn những kỹ năng ấy qua các buổi lao động, làm từ thiện, qua cách tiếp xúc với nhau, với người bên ngoài, qua các buổi học giáo lý, học cắm hoa, nấu nướng, dã ngoại… Các bạn nghĩ lại xem có đúng không? Mỗi một hoạt động đều làm các bạn trưởng thành hơn một chút. Và tất nhiên, phải chịu nghe cô Kim la rầy, uốn nắn, khuyên lơn. Bạn nào lười, hoặc hay giận hờn, thì sẽ bật ra. Còn những bạn nào chịu được sự nghiêm khắc, kỷ luật, có trái tim yêu thương, cầu tiến, thì đã trở thành những người giỏi kỹ năng, sau này không lo khi đi làm việc.

Cô Kim đang huấn luyện cho bạn Thảo viết dự án về Lễ hội ẩm thực chay sắp tới. Bạn nào muốn thử viết thì gọi cho cô Kim và cung cấp email, cô sẽ chuyển bản dự án mẫu cô viết trước đây cho các bạn, trên cơ sở đó các bạn viết lại theo chủ đề mới là Lễ hội ẩm thực chay. Nhiều bạn cùng viết, thử xem ai viết khá nhất. Đó là “bài tập”, cố gắng làm đi nhé. Một cơ hội rèn luyện, khỏi tới trung tâm đóng tiền học kỹ năng. Họ cũng dạy những điều mà cô Kim đã dạy cho các bạn, nhưng họ chỉ có lý thuyết, còn ở đây mình có thực tế để giải quyết trực tiếp, mình tiến bộ rõ hơn phải không nào!

Ra mắt nhóm kỹ năng thực hành xã hội
03/11/2011 20:07
Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM vừa ra mắt nhóm Kỹ năng thực hành xã hội nhằm rèn luyện kỹ năng sống cho các bạn trẻ.
Quá trình rèn luyện được chia thành 4 bậc gồm các nội dung: Kỹ năng sống (Kỹ năng giao tiếp, tư duy tích cực, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý thời gian…), hiểu biết về lịch sử - văn hóa Việt Nam, kỹ năng hoạt động dã ngoại và rèn luyện đạo đức.

Lê Thanh (Thanh Niên)

Thiếu trầm trọng lao động có kỹ năng
17/11/2011 0:02

Đây là kết quả khảo sát được Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) và Manpower Group (Tập đoàn đa quốc gia cung ứng dịch vụ nhân lực) công bố ngày 8.11 tại Hà Nội.

Theo các chuyên gia, sự thiếu hụt lao động (LĐ) kỹ năng sẽ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh quốc tế của Việt Nam (VN) trong tương lai.

4/6 nhóm ngành nghề chính thiếu hụt LĐ

Các doanh nghiệp (DN) tham gia điều tra của Manpower cho biết VN gặp phải tình trạng “thiếu hụt lao động cao” tại 4 trong số 6 nhóm nghề chính là: lao động giản đơn, quản lý, kỹ sư và LĐ có kỹ năng đơn giản. Bên cạnh đó còn thiếu hụt lao động ở mức độ nhẹ tại nghề dịch vụ khách hàng và thiếu hụt mức độ trung bình ở nhóm kỹ thuật viên.

Ngoài ra, các doanh nghiệp ở các ngành (khai khoáng và xây dựng, chế tạo, vận tải và thiết bị, bán buôn và bán lẻ, dịch vụ, tài chính, bảo hiểm và bất động sản) cũng gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động. 500 DN được khảo sát cho rằng có khoảng 23% LĐ không đủ khả năng mà DN cần; 35% không có khả năng đáp ứng yêu cầu của DN.

Đáng chú ý cuộc điều tra đã tìm ra nhiều “điểm mù” - những nhóm kỹ năng bị bỏ qua chỉ vì không được coi là nhu cầu cấp bách gồm: ngoại ngữ, hiểu biết cơ bản về quản lý tài chính, khả năng sáng tạo, kỹ năng vi tính và khả năng tạo động lực cho bản thân.

Các kỹ năng trên đang trở nên ngày càng quan trọng để các DN tạo ra sự khác biệt và tăng khả năng cạnh tranh. Đây là điều mà các DN VN cần điều chỉnh chiến lược đào tạo nhân viên, nhất là ở cấp điều hành, nơi sự thiếu hụt kỹ năng khá nghiêm trọng nhưng chưa thực sự được đánh giá đúng.

Theo bà Phạm Chi Lan - nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, sự thiếu hụt các kỹ năng cơ bản là một trong những trở lực chính đối với khả năng cạnh tranh của VN trong nền kinh tế toàn cầu. Còn ông Lee Chon-kin, Chủ tịch Phòng Thương mại Hàn Quốc tại TP.HCM cho biết tình trạng thiếu LĐ có kỹ năng chính là một trong những nguyên nhân khiến một số công ty Hàn Quốc không thể nâng cấp nhà xưởng máy móc tại VN. “Chúng tôi muốn đưa máy móc hiện đại vào VN nhưng không tuyển được đủ số kỹ thuật viên để vận hành. VN cần thêm trường đào tạo cho người lao động, kể cả những kỹ năng cơ bản nhất”, ông Lee Chon-kin nói.

Vẫn có tiềm năng phát triển

Mặc dù thiếu hụt về chất lượng nhưng chi phí nhân công thấp vẫn là lợi thế để thu hút đầu tư. Các nhà quản lý vẫn tin tưởng VN có tiềm năng phát triển rất lớn. 7/10 DN cho biết họ vẫn coi VN là một điểm kinh doanh tốt và 3/4 số người cho hay họ sẽ chọn kinh doanh tại đây.

Theo PGS-TS Nguyễn Bá Ngọc, Phó viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội, năng lực quản lý, năng lực triển khai thực hiện, năng lực sáng tạo… của lao động VN đều yếu. Gần đây nhất, năng lực cạnh tranh quốc tế cũng đã bắt đầu tụt hạng. Với lợi thế nhân công thấp, VN còn khoảng 5 năm để duy trì lợi thế cạnh tranh trước các nền kinh tế mới nổi khác trên thế giới. Do đó, nhóm nghiên cứu cho rằng VN cần tích cực hơn trong việc phát triển lực lượng LĐ, đánh giá nhu cầu và quan trọng là điều chỉnh chiến lược để cải thiện sự thiếu hụt nghiêm trọng hiện nay. Cụ thể, cần cải thiện kỹ năng cơ bản thường được học tập tại trường như: kỹ năng giao tiếp, vi tính, vận hành máy móc và kỹ năng chuyên biệt khác có thể được trang bị tại các trường dạy nghề hoặc các khóa đào tạo ngay tại nơi làm việc.

Để cạnh tranh thành công trong tương lai,  ông Goran Hultin, Chủ tịch Caden, Tập đoàn Manpower khuyến nghị: “Hệ thống giáo dục VN cần được cải thiện trước tình trạng không thể trang bị cho lực lượng LĐ các kỹ năng đầy đủ và yếu kém so với hệ thống giáo dục của nhiều quốc gia trong khu vực”.

Thu Hằng (Thanh Niên)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét