Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

Nhiều câu hỏi từ một đơn thuốc


Nhiều câu hỏi từ một đơn thuốc
TT - Đầu tháng 6, tôi và gia đình đang du lịch tại Anh. Thời tiết London vẫn còn giá lạnh, chỉ khoảng 10OC. Cháu ngoại của tôi mới 4 tuổi rưỡi chẳng may bị cảm, sốt cao và rét run. Trời đã tối, tôi lo lắng vì ở nơi đất khách quê người, biết đâu ban đêm cháu sốt cao, co giật thì làm thế nào. Tôi đành mang cháu đến bệnh viện quận Chelsea.
Sau khi đăng ký thủ tục, một cô điều dưỡng ra gặp tôi. Cô chào và giới thiệu tên cùng chức danh của cô, rồi mời tôi đem cháu vào để gặp bác sĩ. Bà bác sĩ nom thấy ông cháu tôi là người nước ngoài liền hỏi chúng tôi từ đâu đến và có phải đang đi nghỉ không. Bà cũng giới thiệu tên và cười với cháu, vuốt ve cháu để làm quen.
Ban đầu cháu tôi sợ hãi, nép chặt vào ông ngoại, nhưng dần dần cháu nhìn và cười với bà. Thế rồi bà bắt đầu hỏi và khám bệnh. Những động tác tỏ ra rất nhẹ nhàng, âu yếm nhưng dứt khoát. Khi khám bệnh xong, bà cho tôi một đơn thuốc và dẫn tôi ra tận cửa hiệu thuốc ngay cạnh đó để lĩnh thuốc.
Trước khi chia tay, tôi cảm ơn bà và hỏi: “Thưa bác sĩ, tôi phải trả bao nhiêu tiền cho cuộc khám và đơn thuốc này?”. Bà bác sĩ trợn tròn mắt ngạc nhiên, nhưng chắc bà hiểu ngay câu hỏi ấy của tôi là của một người từ nước khác đến nước Anh. Bà nắm lấy tay tôi và nói: “Ở nước tôi, tất cả trẻ em, kể cả trẻ đến đây du lịch, nếu bị bệnh đều được khám và cấp thuốc miễn phí”.
Trước lúc đến bệnh viện tôi đã nói gia đình chuẩn bị tiền để trả, tôi còn phỏng đoán chắc phải trả đến trăm bảng Anh vì ở đây giá cái gì cũng đắt đỏ. Cách ứng xử của bà bác sĩ làm tôi ngạc nhiên và cảm động.
Ngạc nhiên và cảm động chẳng vì không phải trả tiền mà vì sao mọi việc lại chu đáo và ân tình thế nhỉ. Thật là đúng như người mẹ hiền. Đứng ở bệnh viện nước người, nhất là những lúc khó khăn, đêm tối mà lại nghĩ miên man về khám bệnh ở “xứ mình”! Một giọt nước mắt lăn trên gò má tôi. Tôi cúi người và cảm ơn bà bác sĩ.
Chưa hết. Cầm đơn thuốc mà bà bác sĩ đưa cho, tôi giật mình: bà ấy cho cháu thuốc Phenoxymethyl penicilin. Ra đến cửa phòng, con gái tôi xem đơn thuốc cũng ngạc nhiên: ”Bố ơi, thuốc này ở ta các bác sĩ không sử dụng chục năm nay rồi vì đã lờn thuốc, sao lại cho thuốc này?”.
Đơn của bà bác sĩ cùng câu hỏi của con gái làm tôi lại suy nghĩ miên man và trong đầu cứ lần lượt tự vấn mình theo một dây chuyền: nào là “tại sao nước Anh vẫn dùng penicilin (kháng sinh thế hệ 1) mà ở xứ ta cứ thích dùng kháng sinh thế hệ 3? Hay ta chơi sang hơn nước bạn?”. Nào là “ta đánh vi khuẩn bằng “tên lửa”, còn bạn đánh vi khuẩn bằng “súng trường”, tại sao nhỉ?”. Nào là “lỡ vi khuẩn kháng lại “tên lửa” thì ta biết lấy gì để đánh chúng?”, phải chăng người dân các nước nghèo như ta cứ trở thành “vật thí nghiệm” cho các hãng thuốc lớn thử nghiệm các loại kháng sinh mới, còn dân nước họ vẫn dùng kháng sinh kinh điển? Và ở ta còn quan tâm chiến lược dùng vũ khí nào đánh vi khuẩn không hay cứ nhập kháng sinh bừa?...
PHỤNG MẠNH HÀM

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

Hãy nâng niu tình cảm gia đình


Thứ Năm, 28/06/2012, 06:09 (GMT+7)
Ngày gia đình Việt Nam 28-6:
Hãy nâng niu tình cảm gia đình
TT - Những câu chuyện, tâm sự về gia đình mình của bốn bạn trẻ dưới đây càng làm rõ một điều: tình cảm gia đình là một trong những thứ quan trọng nhất với mỗi người trên cuộc đời này.
Hãy nâng niu, trân trọng nó bằng cả trái tim mình, bạn sẽ là người hạnh phúc.
 “Đừng để mất rồi mới hối tiếc...”
“Cái gì mình đang có mà không biết quý trọng, mất đi mới thấy tiếc...”, Lâm Minh Quân (sinh năm 1989, nhà ở quận 4, TP.HCM) đã nhận ra điều tưởng chừng rất đơn giản này sau khi mẹ bỏ nhà đi.
Câu chuyện mẹ Quân bỏ nhà đi vì buồn, stress và Quân lên mạng xã hội tìm mẹ được rất nhiều người quan tâm, chia sẻ. Bận bịu với công việc, thời gian của Quân ở nhà mỗi ngày là buổi tối về nhà chờ... cơm mẹ nấu. Mẹ gặp khó khăn trong công việc, chia sẻ với con thì Quân... quên ngay và “cứ tưởng mẹ đã giải quyết được rồi”. Đến khi Quân cãi lại mẹ trong lần mẹ nhắc nhở dọn phòng thì sự chịu đựng của mẹ đã cạn...
Riêng với Quân thì hơn hai ngày tìm mẹ khắp các quận, khắp các bệnh viện là khoảng thời gian cậu suy nghĩ rất nhiều về bản thân mình. Phải chi Quân dành nhiều thời gian cho mẹ hơn, phải chi Quân chia sẻ, nghĩ cho mẹ nhiều hơn... “Thời gian dành cho bạn bè, quan hệ bên ngoài thì nhiều chứ cho mẹ chẳng bao nhiêu. Trong khi mẹ phải lo tất thảy từ buôn bán đến chi tiêu cho cả nhà, rồi công việc nhà, cơm nước mà chẳng ai chia sẻ với mẹ” - Quân tâm sự. “Không có mấy thời gian cho nhau, không chia sẻ, không hiểu được nhau nên nhà Quân mới xảy ra chuyện. May mà mẹ đã về và khỏe lại”, Quân nhớ lại những ngày đi tìm mẹ.
“Bây giờ thì em gái Quân san sẻ công việc nhà với mẹ. Quân thì dành cho mẹ nhiều thời gian hơn. Lâu lâu cả nhà ra ngoài ăn, đi chơi... để mọi người có thời gian cùng vui, cùng chia sẻ những khó khăn, vui buồn trong cuộc sống. Tất cả để mái nhà không chỉ là chỗ trọ đi về...”, Quân chia sẻ.
 “Trò chuyện, tâm sự nhiều hơn với cha mẹ”...
Tôi nghĩ rằng sự tin tưởng lẫn nhau là sợi dây nối kết các thành viên gia đình lại với nhau. Hiện nay mối quan hệ cha mẹ - con cái ngày một bị thử thách hơn, cách suy nghĩ của hai phía ngày càng cách xa nhau vì nhiều rào cản vô hình. Nếu người trẻ chứng minh được những việc mình làm là tốt, cha mẹ cũng cố gắng hiểu con, tin tưởng con hơn thì hai phía mới tìm được tiếng nói chung.
Tôi luôn tìm kiếm sự chia sẻ và đồng cảm từ cha mẹ bằng cách trò chuyện nhiều hơn, tâm sự nhiều hơn. Đó có thể là những điểm số ở lớp học, những hoạt động ngoại khóa hay những mối quan hệ bạn bè. Mỗi ngày, chỉ trừ bữa tối có khi tôi phải đi học thêm, còn trưa nào tôi cũng ngồi ăn cơm chung với ba mẹ. Tôi biết rằng để cha mẹ tin tưởng tuyệt đối vào con cái ngày nay là khó, nhưng chỉ cần có thời gian và lòng tin dành cho gia đình, mọi thứ sẽ tốt đẹp với người trẻ chúng ta. Bùi Quang Huy (lớp 12 Trường THPT Gia Định, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
“Dù là gì, mình vẫn còn có mẹ!”
Lần đầu tiên tôi thấy gia đình quan trọng là năm học lớp 10, sau một lần cùng đám “chiến hữu” gây rối đến mức bị đuổi học. Nhà khá giả, chỉ có hai anh em, tôi lớn lên trong sung sướng. Nhưng với tính lì lợm từ nhỏ, tôi dễ dàng kết thân với đám bạn du côn khi thấy quanh mình nhiều thứ bất mãn: trường lớp thì nhiều khuôn khổ, quy tắc; ở nhà thì ba mẹ suốt ngày lo công tác... Tôi uống rượu, hút thuốc, đánh nhau như cơm bữa. Tôi phớt lờ lời khuyên bảo của cha mẹ, xem những lời răn dạy ấy là phiền phức.
Do không có trường nào nhận, tôi bị chuyển xuống học ở một trường huyện xa lắc. Lúc ở nhà, mỗi lần thấy mẹ khóc vì mình tôi chỉ thấy buồn thôi; đến lúc xa nhà ngẫm nghĩ lại những lời mẹ nói mới thấy đau lòng, tự nhiên nước mắt cứ chảy. Tôi ngẫm ra cho mình một điều: mình có là gì đi nữa thì mình vẫn còn có mẹ. Không ai chết thay cho mình cả nhưng mẹ thì sẵn sàng. Lúc ấy tôi tự thấy mình nông nổi quá. Bỗng nhiên tôi khao khát được sống với ba mẹ, với em, chứ không muốn sống nhờ nhà người lạ như vầy nữa.
“Con có làm gì, sai đường lạc lối đến đâu đi nữa thì gia đình vẫn là nơi để con tìm về”, lời mẹ nói sưởi ấm và thôi thúc tôi cố gắng thay đổi. Rồi cũng đến ngày tôi thật sự về nhà với vòng tay yêu thương của cha mẹ: tôi bước chân vào đại học. Từ đó đến nay tôi sống với tâm niệm không làm gì để ba mẹ buồn vì hiểu được gia đình quan trọng với mình ra sao. Gia đình là thành lũy vững chắc và là bến bờ bình yên cuối cùng nâng đỡ tôi trong cuộc sống. Anh Lê Nguyễn (30 tuổi, Nha Trang)
 “Gia đình tôi là số 1!”
Nhà tôi có đến ba thế hệ cùng chung sống: ông bà, ba mẹ và anh em tôi. Nhưng nhờ thế mà tôi được gần bà hơn và có thêm một người luôn lắng nghe mình. Ba mẹ tôi làm nông nuôi bảy anh em tôi khôn lớn. Cuộc sống cũng chỉ vừa đủ. Nhưng tôi thấy mình may mắn vì được sinh ra trong một gia đình đầy ắp tình yêu thương. Ít khi ba mẹ nói câu “Ba yêu con” hay “Mẹ yêu con” nhưng chúng tôi luôn cảm nhận được rõ ràng tình yêu của ba mẹ. Như khi ba giúp tôi làm bài tập thủ công hồi tiểu học, hay mẹ gọi điện hỏi han con gái khi xa nhà đi học. Có lúc tôi khóc vì lời dặn dò đầy hi sinh của ba: “Dù ba mẹ cực khổ mấy chăng nữa, bao nhiêu cũng chịu được nếu con biết lo học hành tới nơi tới chốn”.
Ba thường dặn tôi không được khóc vì “Nước mắt chẳng giải quyết được vấn đề gì. Trước những khó khăn chỉ có cách là cố gắng hơn mới được”. Những năm đầu xa nhà đi học, dù có bạn bè cùng những điều mới mẻ ở cuộc sống đại học, tôi vẫn luôn cảm thấy trống vắng trong lòng khi thấy thiếu gia đình. Những hôm nhớ nhà đến phát khóc, gọi điện về nhà chỉ xin ba cho tôi được khóc...
Gia đình luôn là điều làm tôi cảm thấy ấm áp và tiếp sức cho tôi tự tin, vững vàng bước ra cuộc sống. Với tôi, gia đình là số 1. TRẦN NGUYỄN TỐ TRINH (sinh viên năm 3 ngành kế toán Trường cao đẳng Nghề TP.HCM)
VI THẢO - PHI LONG - NGỌC TRƯỜNG thực hiện (Tuổi Trẻ)
Chia sẻ
28/06/2012 08:06:12
Đọc bài này nước mắt trào tuôn, nhớ nhà quá. Nhớ hai tuần trước về quê xin tiền mẹ mà ngại ngần đến phút cuối mới dám nói, mình chỉ xin vừa đủ nhưng mẹ như biết rõ về con gái của mẹ nên lúc đi mẹ lại đưa thêm một ít phòng thân vì ở xa thì mượn ai được.
Nhớ sáng hôm đó ba mẹ thức thật sớm để đánh thức và dặn dò có còn quên gì không? Rồi dặn thật kỹ là tới nơi gọi về nói đã tới rồi cho ba mẹ yên tâm (dù lần nào đi xa mình cũng nhớ, nhưng ba mẹ vẫn dặn sợ quên), nhiều và nhiều hơn nữa tấm lòng ba mẹ.
Mong rằng các bạn trẻ có những giây phút sống chậm lại để quan sát và yêu thương gia đình nhiều hơn. Hạnh phúc nào bằng khi thấy con, thấy cháu chăm ngoan, luôn yêu thương, hòa đồng, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Cây roi gia pháp thời toàn cầu hóa


Cây roi gia pháp thời toàn cầu hóa
TT - 28-6 là Ngày gia đình Việt Nam. Người ta sinh ra cái ngày này để làm gì!? Phải chăng là để nhắc nhở lẫn nhau về những giá trị của “văn hóa gia đình”, về cái gọi là “gia đạo”?  Gia đạo, từ ngàn xưa đã quan trọng; trong bối cảnh nhiều xáo trộn như ngày nay lại càng quan trọng hơn và là thứ không thể bị lãng quên.
Toàn cầu hóa cuốn chúng ta vào một cơn lốc xoáy mãnh liệt, kèm theo bối cảnh khủng hoảng về nhiều mặt, đẩy những đứa trẻ ra khỏi vòng kiểm soát của cha mẹ một cách nhanh chóng. Cùng với nó là khoảng cách thế hệ ngày càng bị kéo dãn bởi những thay đổi như vũ bão của thời cuộc. Tình thương yêu không bao giờ mất đi, nhưng sự đối thoại giữa ông bà, cha mẹ và con cái đang ngày càng khó khăn hơn vì khoảng cách thế hệ quá lớn này.
Sự trưởng thành của một con người phụ thuộc vào ba thành tố: gia đình, nhà trường và xã hội. Nhưng khi nhà trường hiện nay vẫn còn rất nhiều điều để lo ngại như nạn chạy trường, mua điểm, gian lận thi cử, bạo lực học đường…; khi xã hội đang hứng chịu nhiều cú sốc văn hóa và vô số biến tướng về cách sống, cách hành xử… thì hi vọng lớn nhất và cũng là giải pháp chắc chắn nhất cho việc dạy con và cứu con mình khỏi những lệch lạc của cuộc sống chính là gia đình. Cha mẹ có thể khó khăn trong việc đối thoại với con do khoảng cách thế hệ, nhưng việc xây dựng gia đạo như một “người thầy lớn” giúp dạy con nên người là việc mà các ông bố bà mẹ hoàn toàn có thể chủ động được.
Gia đạo, có người nói đó là “con đường” của một gia đình. Con đường ấy có thể được thừa hưởng từ các thế hệ trước, hay do chính thế hệ của mình ý thức tạo dựng nên. Còn gia pháp,  trong mường tượng của nhiều người cũng tựa như một cây roi bên cạnh bàn thờ tổ tiên, không dùng để đánh mắng con cái bao giờ nhưng lúc nào cũng có tác dụng nhắc nhở, răn đe, hướng dẫn con cháu trở về con đường đúng đắn. Nghe những điều này có vẻ hơi hoài cổ. Nhưng càng hiện đại thì càng cần phải sàng lọc và gìn giữ những nếp nhà, tuy xưa cũ nhưng vẫn còn nguyên giá trị. Từ nếp nhà này cộng với những giá trị phổ quát từ thế giới mới có thể hình thành một “gia đạo hội nhập” cho con cháu thời nay.
Gia đạo là những thứ mà một gia đình đã dày công tạo dựng và lưu truyền qua nhiều thế hệ để hình thành nên bản sắc của chính gia đình ấy. Gia đạo là việc nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc lớn lên với lời cha dặn: “Nghệ sĩ chân chính thì không hơn thua nhau nơi cánh gà”. Gia đạo cũng là việc có những bạn thủ khoa chia sẻ: “Em được may mắn sinh ra trong một gia đình hiếu học”. Hay có lúc gia đạo chỉ đơn giản là việc một cô nhân viên nổi trội và được yêu mến trong tổ chức vì luôn tâm niệm lời mẹ dạy: “Ở nhà với mẹ thì sao cũng được, nhưng ra đường thì phải luôn nhớ: Ăn thì nhường mà làm thì giành”.
Gia đạo, một cách văn vẻ,  là những giá trị làm nên một gia đình, là những thứ mà vì nó và để bảo vệ nó, các thành viên sẵn lòng hi sinh mọi thứ khác. Gia đạo sẽ làm một gia đình được kính trọng hoặc bị coi khinh. Đó cũng là thứ làm cho những đứa con sinh ra, lớn lên và cảm thấy tự hào về gia đình mình. Đó không phải là bố làm lớn, mẹ nhiều tiền hay gia thế lẫy lừng, nhà to, xe xịn, mà là những kỷ cương cần thiết, những giá trị vô hình đủ đẹp để mọi thành viên trong gia đình theo đuổi và làm gương cho con cháu. Lớn lên trong một gia đạo như thế, khó ai có thể phản bội niềm tin, giá trị, truyền thống của gia đình mình.
Nếu chúng ta không thể thay đổi được cả xã hội hay cả tổ chức thì ít nhất chúng ta cũng có thể quyết định việc thay đổi bản thân mình và thay đổi gia đình mình thông qua việc tái xác lập gia đạo. Và đến lượt chính gia đạo này sẽ quyết định số phận tương lai của gia đình và cả các thế hệ con cháu mai sau của chúng ta.
GIẢN TƯ TRUNG

Từ 1-7, nhiều luật mới có hiệu lực


Từ 1-7, nhiều luật mới có hiệu lực
TT - Ngoài Luật lưu trữ, Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật đo lường còn có nhiều văn bản khác về việc cấp mã số thuế cá nhân, cấp chứng minh nhân dân mẫu mới... cùng có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2012. Tuổi Trẻ xin giới thiệu.
Đăng ký gia phả, tiểu sử
Theo Luật lưu trữ, cá nhân, gia đình, dòng họ được đăng ký thuộc Phòng lưu trữ quốc gia VN những tài liệu có giá trị phục vụ hoạt động thực tiễn, nghiên cứu khoa học, lịch sử đối với quốc gia, xã hội. Gồm có: gia phả, tộc phả, bằng, sắc phong, tài liệu về tiểu sử; bản thảo viết tay, bản in có bút tích, công trình nghiên cứu khoa học, sáng tác, thư từ trao đổi; phim, ảnh; băng, đĩa ghi âm, ghi hình; tài liệu điện tử; công trình, bài viết về cá nhân; ấn phẩm, tài liệu do cá nhân sưu tầm được. Lưu trữ lịch sử nơi đăng ký có trách nhiệm xác định giá trị tài liệu nói trên.
Cá nhân có tài liệu có quyền hiến tặng, ký gửi tài liệu cho lưu trữ lịch sử; thỏa thuận việc mua bán tài liệu; được ưu tiên sử dụng tài liệu đã hiến tặng; cho phép người khác sử dụng tài liệu ký gửi tại lưu trữ lịch sử, nhưng không được xâm hại an ninh quốc gia, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Được ủy quyền cho luật sư đi khiếu nại
Theo Luật khiếu nại, ngoài việc tự mình khiếu nại các quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước..., người khiếu nại còn có quyền ủy quyền cho luật sư khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Đáng lưu ý, khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, người khiếu nại có quyền chọn một trong hai cách: hoặc khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính; hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính. Tức người khiếu nại không còn phải “khiếu nại trước rồi mới được quyền khởi kiện sau” như quy định trước đây...
Người tố cáo được quyền giữ bí mật về nhân thân
Luật tố cáo bổ sung nhiều quyền cho người tố cáo như được giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác và các cơ quan nhà nước có trách nhiệm thực hiện các biện pháp để bảo đảm quyền này của người tố cáo. Trong trường hợp người tố cáo thấy không cần thiết giữ bí mật và muốn công khai họ, tên, địa chỉ của mình thì họ có thể tự mình chủ động thực hiện điều đó hoặc báo cho cơ quan, tổ chức có liên quan để công khai theo yêu cầu của họ...
Giấy chứng minh nhân dân có tên cha, mẹ
Ngoài số; họ và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; quê quán; nơi thường trú; dân tộc, đặc điểm nhân dạng, chứng minh nhân dân còn có các thông tin sau đây: họ và tên gọi khác; giới tính; họ và tên cha; họ và tên mẹ. Trong đó, mã vạch hai chiều lưu trữ một số thông tin cơ bản của người được cấp chứng minh nhân dân có màu đen.
Số chứng minh nhân dân gồm 12 chữ số tự nhiên, do Bộ Công an cấp và quản lý thống nhất trên toàn quốc (thông tư 27 ngày 16-5-2012 của Bộ Công an).
Mỗi người được cấp một mã số thuế duy nhất
Từng người nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế (bao gồm cả người nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu) đều được cấp mã số thuế.
Tổ chức, cá nhân theo quy định được cấp một mã số thuế duy nhất để sử dụng trong suốt quá trình hoạt động từ khi đăng ký thuế cho đến khi chấm dứt hoạt động, trừ một số trường hợp theo quy định. Mã số thuế được dùng để khai thuế, nộp thuế cho tất cả các loại thuế mà người nộp thuế phải nộp, kể cả trường hợp người nộp thuế kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh tại các địa bàn khác nhau (theo thông tư số 80 ngày 22-5-2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn Luật quản lý thuế về đăng ký thuế).
Người cao tuổi được giảm giá vé tham quan
Người cao tuổi (từ đủ 60 tuổi trở lên) khi tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, bảo tàng, danh lam thắng cảnh; tập luyện thể dục, thể thao tại các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch được giảm ít nhất 20% giá dịch vụ nếu xuất trình chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác chứng minh là người cao tuổi.
Riêng đối với các di tích lịch sử - văn hóa, bảo tàng, danh lam thắng cảnh đang thực hiện thu tiền dịch vụ gắn liền với phí tham quan, mức giảm giá là 50% (theo thông tư số 06 ngày 14-5-2012 của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch).
Thông báo công khai người vi phạm về đo lường
Theo Luật đo lường, trong trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đo lường hoặc sau khi đã yêu cầu thực hiện các biện pháp khắc phục mà tổ chức, cá nhân đó vẫn tiếp tục vi phạm thì đoàn kiểm tra được quyền yêu cầu dừng ngay hành vi vi phạm; niêm phong chuẩn đo lường, phương tiện đo, hàng đóng gói sẵn không phù hợp quy định; đồng thời báo cáo ngay với cơ quan thực hiện kiểm tra nhà nước về đo lường để kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý. Trong việc xử lý có biện pháp thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân và những sai phạm liên quan. HIỆP TIẾN (Tuổi Trẻ)

Brazil: đọc sách để… giảm án tù


Brazil: đọc sách để… giảm án tù
Thứ Tư, 27/06/2012, 16:04 (GMT+7)
TTO - Những phạm nhân trong hệ thống bốn nhà tù liên bang, nơi giam giữ những tội phạm khét tiếng nhất của Brazil, sẽ được rút ngắn thời gian thụ án tối đa là 48 ngày mỗi năm nếu họ đọc hết 12 cuốn sách.
Đây là thông cáo đăng trên công báo Chính phủ Brazil đưa ra ngày 25-6.
Theo chính sách trên, các phạm nhân có thể đọc 12 cuốn sách thuộc nhiều thể loại như văn học, khoa học, triết học hay những tác phẩm kinh điển…
Đối với mỗi cuốn sách, phạm nhân sẽ có bốn tuần để đọc và sau đó viết một bài luận về nội dung cuốn sách đó để giám thị kiểm tra. Bài luận phải đáp ứng được các tiêu chí: biết cách chia đoạn, không sai lỗi chính tả và viết đúng phong cách học thuật.
Tuy nhiên, không phải phạm nhân nào cũng được tham gia chương trình mang tên Redemption through Reading (Đọc sách để chuộc lỗi) này. Sẽ có một hội đồng thẩm định đặc biệt xem xét các phạm nhân có đủ điều kiện hay không rồi mới đưa ra quyết định.
Luật sư Andre Kehdi, người đứng đầu của một dự án quyên góp sách cho nhà tù, đã nói: “Theo cách này, những phạm nhân khi mãn hạn tù sẽ được khai sáng và có tầm nhìn rộng hơn về thế giới. Và không có gì nghi ngờ khi họ sẽ trở thành người tốt hơn”.
MỘC MIÊN (Theo Reuters)

Clip Cô Kim họp mặt bạn học Cái Tàu Hạ tháng 06-2012

Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

TIN VUI


TIN VUI

Cô Kim báo tin vui đến các bạn: bài Sám hối tuổi thơ của bạn Thạch đã được báo Giác Ngộ đăng rồi. Hôm nọ cô thử gởi cho thầy Quảng Tánh phụ trách trang Sống Đạo, thầy đăng liền. Giờ cô đã lãnh nhuận bút giùm Thạch, hôm nào các bạn bắt Thạch khao nhé. He he, 150.000đ đó!
Sắp tới, cô sẽ gởi bài của Nương, hy vọng cũng được đăng báo. Đệ tử cô Kim thì ráng viết lách, sau này cô sẽ in tập sách của cô, rồi ghép chung bài của các bạn vào. Sở dĩ ghép chung vì các bạn viết ít, chỉ vài bài nên không đủ in một mình, vì vậy cô dành cho một phần phía sau sách. Vậy nhé. Chúc thành công.

Niềm tin của mẹ


Niềm tin của mẹ

Nguyễn Thị Thùy Nương

Mẹ sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo khó nên phải nghỉ học từ rất sớm, từ nhỏ mẹ đã phải bươn chải với cuộc sống mưu sinh và để phụ giúp gia đình. Khi lớn lên mẹ về làm dâu cũng trong một gia đình thuần nông dân, một ngôi nhà không biết Tam Bảo là gì, nên mẹ cũng không có sự tiếp xúc về đạo Phật. Cuộc sống bộn bề sáng tối vừa làm dâu, làm vợ đến làm mẹ và rồi những công việc đồng áng làm mẹ tôi tất bật. Sự quan tâm của mẹ chỉ quanh quẩn bên gia đình và đồng ruộng. Với những câu chuyện về sự vi diệu của Phật pháp mà mẹ nghe bà con hàng xóm và những người bạn khi làm nông kể, tự dưng trong lòng của mẹ dâng lên niềm tin yêu Phật pháp đến kỳ lạ. Niềm tin của mẹ đó là niềm tin tuyệt đối trong khi bản thân không biết nhiều gì đạo Phật.
Khi chúng tôi, những đứa con của mẹ bắt đầu lớn, mẹ tôi cũng có thời gian rảnh hơn. Mẹ dành thời gian đi chùa, mẹ đã bắt đầu hiểu về đạo Phật, rồi mẹ dẫn các con cùng đi. Cái nghịch duyên lớn của mẹ là cha tôi không biết về đạo Phật, không  chịu tìm hiểu và cũng có những lúc tỏ ra không vui khi mẹ đi chùa, nhưng mẹ vẫn đi sau khi cố gắng túi bụi tất bật xong công việc thì nhanh chân rảo bước đến chùa. Ban đầu, mẹ cũng không phân biệt hình tượng nào là Phật A Di Đà, nào là Phật Thích Ca, đâu là Quan Thế Âm Bồ tát, đâu là Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, … đi vào chùa gặp hình tượng nào mẹ cũng quỳ xuống thành tâm mà niệm: “Nam Mô A Di Đà Phật”. Sau dần dần thì mẹ cũng phân biệt được. Trong đầu mẹ chỉ có biết sự tin tưởng Phật Pháp.
Mẹ thường dặn các con đi trên đường phải niệm Phật, gặp khó khăn sợ hãi đều phải niệm Phật, con rảnh lúc nào niệm Phật lúc đó, khi ngủ con càng phải niệm Phật, niệm đến khi con chìm sâu vào giấc ngủ. Trong nhà tôi bày biện rất nhiều bàn thờ: bàn thờ ông bà tổ tiên, bàn thờ ông Thần Tài, ông Táo, Quan Công, Thổ Địa,… nhưng không có bàn thờ Phật. Mẹ tôi bàn với cha về việc lập một bàn thờ Phật trong nhà nhưng cha tôi không chịu, cha cho rằng những bàn thờ kia đã được đặt ở vị trí đó đã từ rất lâu, và cha cũng không tin lắm nên không chấp nhận việc này. Không thuyết phục được, không có bàn thờ Phật, cũng không có hình tượng Phật, thế nhưng mẹ tôi cũng không bỏ cuộc. Một buổi tối nọ, mẹ ra sân trải một chiếc chiếu manh nhỏ, mặc cho dưới chiếc chiếu kia là đá xanh đã được rải lên để tránh bị nước mưa hay nước ngập làm trôi đất, đặt chiếc manh trước bàn thiên, mẹ quỳ xuống mà lạy, vừa lạy vừa niệm: “Nam Mô A Di Đà Phật”, cho đến khi mệt mới chịu vô nhà. Ngày qua ngày, tối đến khi công việc đồng áng và việc nhà đã xong, trong lúc mọi người ở trong nhà: cha tôi nằm xem tivi, chị em chúng tôi học bài,… là lúc mẹ tôi ra sân tiếp tục lạy Phật. Mẹ không có những bài học căn bản về đạo Phật, cũng không được tiếp cận đến những sách báo để hiểu nhiều, nhưng mẹ cứ nhìn lên trời theo 4 hướng: đông, tây, nam, bắc mà lạy. Tuy lạy Phật mà không có hình tượng Phật trước mặt, không có bàn thờ chỉn chu như người ta nhưng mẹ tin Đức Phật sẽ cảm nhận và nhìn thấy được sự thành tâm và tôn kính của mẹ đối với Ngài. Sự thành tâm của mẹ cuối cùng cũng lay động được cha tôi, một thời gian sau khi mẹ tôi lạy Phật như thế cha đã bắt đầu đi chùa, lạy Phật, và tiến thêm một bước nữa là đi quy y và niềm vui lớn nữa là cha tôi lập bàn thờ trong nhà để thờ Phật. Dẹp bớt những bàn thờ khác, chỉ thờ Phật và bàn thờ ông bà tổ tiên, để cả nhà cùng lạy Phật. Mẹ tôi đi từ niềm vui này đến niềm vui khác, mẹ thường hay nói: “ Phật Pháp thật nhiệm màu”.
Giờ đây, niềm tin của mẹ không chỉ đơn thuần tin tưởng tuyệt đối với những thiếu hiểu biết như trước kia, thay vào đó mẹ đã được bổ sung bằng việc hiểu những lời Phật dạy, và niềm tin tuyệt đối kia mẹ ngày càng mãnh liệt hơn. Chúng tôi nay được học hành, có nhiều điều kiện tiếp xúc với những lời Phật dạy, gần gũi được nhiều thiện tri thức, chúng tôi tìm sách, đĩa thuyết pháp phù hợp với mẹ dần dần giúp mẹ hiểu hơn về đạo Phật. Từ những ngày được tiếp xúc tìm hiểu, đọc sách, nghe thuyết giảng của quý thầy, quý cô, mẹ tôi cũng đã hiểu hơn về Phật Pháp. Mẹ tôi càng tin tưởng về Phật Pháp hơn, lý giải được nhiều vấn đề, gắn kết được nhiều vấn đề giữa đạo và đời, mẹ còn khuyên nhủ những người khác giúp họ mau tìm đến ánh sáng diệu kì của Phật Pháp. Mỗi khi chúng tôi về nhà, mẹ còn kể chuyện và lý giải những lời dạy của Đức Phật cho chúng tôi nghe. Lắng nghe mà trong lòng vui sướng,  tôi thường nói thầm: “Mẹ ơi! Con đã từng nghe thấy, cũng đã hiểu và đã bắt gặp những thiện tri thức dạy cho con những điều đó, nhưng con thật vui sướng khi mẹ lại dạy cho chúng con một lần nữa”.
Thật hạnh phúc biết bao, niềm tin đơn thuần tuyệt đối của mẹ đã cảm hóa biết bao nhiêu người trong gia đình, cảm hóa cha, cảm hóa được các con, giúp chúng con có một định hướng vững chắc để không rơi vào những sự cám dỗ của cuộc đời.

Cô Kim: Bạn Nương gây bất ngờ cho cô quá! Không ngờ viết lách rất tốt, cô chỉ biên tập chừng 5%, coi như không sửa gì cả. Các bạn cố gắng lên! Ai cũng có khả năng, nhưng do không chịu thử nghiệm và rèn luyện. Cứ làm, rồi sẽ giỏi dần, sẽ thành công. Bạn Nương còn mấy bài nữa, cô sẽ đăng lên blog để các bạn cùng xem. Hoan hô!