Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013

Mẫu hình người cư sĩ lý tưởng


Mẫu hình người cư sĩ lý tưởng
Chúc Phú 24/01/2013

Mang danh đệ tử Phật, người cư sĩ có trách nhiệm hộ pháp và hoằng pháp trong điều kiện có thể của mình. Trong bảy pháp thăng tiến của người cư sĩ được Phật dạy trong kinh Tăng chi chuyên chở cả hai nội dung, hộ pháp và hoằng pháp

Cư sĩ là người đã quy y Tam bảo. Đó là điều được xác tín trong cả kinh điển Bắc truyền và Nam truyền(1) Trong những chúng đệ tử Phật, thì chúng cư sĩ tại gia chiếm số lượng đông đảo và có những ảnh hưởng nhất định đối với diện mạo của Phật giáo nói chung. Khảo sát từ kinh tạng và qua cuộc đời của những vị cư sĩ tiêu biểu thời Phật cho thấy, mẫu hình người cư sĩ lý tưởng được Đức Phật đề cập khá cụ thể và chi tiết. Theo khảo sát, một người cư sĩ lý tưởng phải hoàn thiện bốn phẩm chất cơ bản: Ổn định về kinh tế; trang nghiêm về giới hạnh; thăng bằng và điều hòa; hộ pháp và hoằng pháp.

Ổn định về kinh tế

Chúng sanh sở dĩ tồn tại là nhờ vật thực(2). Muốn tồn tại thì cần phải có điều kiện của tồn tại. Điều kiện tồn tại của chúng sanh là thức ăn trong nghĩa rộng nhất của từ ngữ. Ở đây, sự ổn định và vững chãi về kinh tế là điều kiện cơ bản cho mọi sự tồn tại của một con người nói chung và người cư sĩ nói riêng. Hơn thế, với một người cư sĩ, ngoài vật thực nhằm đáp ứng nhu cầu tồn tại, thì cần phải có những bổn phận tương ưng trong các mối quan hệ của mình.

Cụ thể, người cư sĩ cần phải có nền tảng kinh tế vững vàng nhằm đem lại an lạc cho cha mẹ, vợ con và những người thân liên quan(3). Người cư sĩ tạo sinh kế và điều kiện sống cho kẻ khác, đem lại lợi ích, an lạc, hạnh phúc cho kẻ khác, được Đức Phật gọi là bậc chân nhân(4). Chiêm nghiệm sâu thêm về gia cảnh của các vị đại thí chủ tiêu biểu trong thời Đức Phật như Anathapindika, Visakha, Màtikamàtà, Vimalakirti… cho thấy rằng, họ là những cư sĩ có một nền tảng kinh tế khá ổn định và vững vàng.

Một đời sống tự chủ về kinh tế thì sẽ ngăn ngừa cũng như phòng hộ một số loại phiền não, tránh được những thúc bách liên quan đến nhu cầu vật chất thường gặp, trong đời sống thường nhật của một cư sĩ tại gia. Theo Đức Phật, nghèo khổ là một phiền não. Vì nghèo khổ góp phần làm xuất sinh nhiều chủng loại phiền não khác như bị mắc nợ, bị hối thúc, bị truy đuổi, bị đe dọa tính mạng, bị khủng bố(5)... Theo kinh Cứu la đàn đầu(6), thì nghèo khổ và nghèo khổ quá mức còn là cửa ngõ dẫn khởi những hệ lụy, những nguy cơ tội ác. Đây là một thực tế có thể phát hiện trong dòng chảy tất bật của đời sống ngày nay.

Với người cư sĩ, Đức Phật luôn khuyến khích họ nỗ lực mưu sinh bằng khả năng riêng có và điều kiện nghiệp lực của riêng mình. Theo Đức Phật, không có sự sang hèn trong nghề nghiệp mưu sinh, không có sự phân biệt về giá trị giữa người nông phu hay viên sĩ quan quân đội. Ngoài năm nghề nghiệp bất chánh như buôn bán đao kiếm, buôn bán người, buôn bán thịt, buôn bán rượu, buôn bán thuốc độc(7) mà người cư sĩ không nên làm, thì cụm từ bất cứ nghề gì được ghi lại trong kinh Tăng chi(8) đã xác quyết, Đức Phật cho phép người cư sĩ tại gia được quyền mưu sinh bằng tất cả khả năng cũng như mọi điều kiện có thể, nhằm xây dựng một nền tảng kinh tế ổn định và bền vững.

Ngoài việc thừa nhận hạnh phúc về sở hữu và được quyền thọ hưởng vật sở hữu của người cư sĩ tại gia, thì Đức Phật đã từng bước khuyến khích hàng cư sĩ nên nỗ lực tìm kiếm những thứ hạnh phúc cao, bền vững hơn. Cụ thể như những hoạch định nhằm đem lại an lạc cho tha nhân, dấn thân vì lợi ích cho cộng đồng cũng như phát tâm hộ trì Tam bảo.

Để hoàn tất những bổn phận cần làm của người cư sĩ, cũng như thể hiện những ước nguyện đáng quý và thanh cao, thì điều kiện quan trọng đối với hàng cư sĩ tại gia, là phải ổn định về kinh tế.

Trang nghiêm về giới hạnh

Cùng song hành với niềm tin Tam bảo, người cư sĩ cần phải hoàn thiện những nguyên tắc đạo đức căn bản, kinh điển gọi là giới hạnh. Theo Đức Phật, một cư sĩ được gọi là trang nghiêm về giới hạnh thì cần phải hoàn thiện những phẩm chất: từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu nấu(9). Đây là năm nguyên tắc sống căn bản, là phẩm hạnh cần có của một người cư sĩ, là điều kiện để sanh Thiên giới. Người hoàn thiện đầy đủ năm phẩm chất này, còn được gọi là bậc c``hân nhân(10). Từ việc khảo sát kinh tạng cho thấy, tần suất của năm chuẩn mực đạo đức này được Đức Phật lặp lại hàng trăm lần và xuất hiện trong nhiều bối cảnh khác nhau. Điều đó đã khẳng định sự quan trọng của năm nguyên tắc sống này, trong đời sống căn bản của một người cư sĩ.

Không những thế, ngoài năm nguyên tắc mang tính cố định, mẫu mực nêu trên, trong thực tế đời sống, người cư sĩ đúng mực cần phải thực hiện theo mười chuẩn mực đạo đức mang tính bổ trợ như: khiêm hạ, tàm quý, trung thực, kiên định, không phóng dật, nhẫn nhục, biết ơn, buông xả, dấn thân và tiết tháo. Đây là những chuẩn mực đạo đức mang tính bổ trợ, được Đức Phật tùy thuận thuyết giảng rải rác trong kinh. Sự hoàn thiện năm nguyên tắc và mười chuẩn mực đạo đức kể trên, tạo nên một phẩm chất đạo đức riêng có của một người cư sĩ lý tưởng.

Trong những lời dạy cuối cùng với những cư sĩ ở Pataligama, Đức Phật đã khẳng định có năm điều lợi ích đối với một cư sĩ trang nghiêm về giới luật. Thứ nhất, sẽ có tiền của dồi dào vì có được một đời sống không phóng dật. Thứ hai, được danh thơm tiếng tốt đồn xa. Thứ ba, người giữ giới đi vào hội chúng nào, hoặc Sát-đế-lỵ, hoặc Bà-la-môn, hoặc gia chủ, hoặc Sa-môn, người ấy đi vào với tâm thần không sợ hãi, không bối rối. Thứ tư, người giữ giới, sống theo giới luật sẽ chết với tâm hồn không rối loạn. Và cuối cùng, người giữ giới, sống theo giới luật sau khi thân hoại mạng chung, sẽ được sanh vào thiện thú, thiên giới. Đây có thể được coi là những quan tâm cuối cùng của Đức Phật, đối với hàng cư sĩ tại gia, được kinh Trường bộ11 và kinh Tiểu bộ(12) đồng xác tín.

Và để người cư sĩ tại gia gặp nhiều thuận lợi trong phương diện hành trì giới luật, Đức Phật đã có những lưu ý đặc biệt về môi trường sống, về quan hệ giao lưu bạn bè, từ trong kinh điển gọi là làm bạn với thiện(13). Làm bạn với thiện là thân cận với những vị có giới đức, có niềm tin; giao lưu và học tập theo gương của các vị đó. Làm bạn với thiện theo chuẩn mực Phật dạy còn mang ý nghĩa tiên phong hơn cả câu thành ngữ: Hãy cho tôi biết bạn của bạn là ai, tôi sẽ cho bạn biết bạn là người như thế nào.

Phẩm hạnh đạo đức sở dĩ có được là do hành trì. Với một người cư sĩ tại gia, việc áp dụng lời dạy của Đức Phật trong thực tiễn đời sống, cũng như có được một pháp môn căn bản để hành trì, là điều rất mực quan trọng. Ngay một người cư sĩ bận rộn như Visakha, bà vẫn ưu tư về một pháp môn hành trì phù hợp với thực trạng đời sống của người cư sĩ, để rồi được Đức Phật dạy cho pháp tu Bát quan trai(14). Từ đó thấy, tùy theo điều kiện của bản thân mà người cư sĩ có thể chọn lấy một pháp hành tương ứng. Đừng quan ngại sự tẻ nhạt hay đơn điệu của pháp hành trong giai đoạn đầu. Hãy đi rồi sẽ tới. Ở đây, để việc hành trì có kết quả, người cư sĩ nên nhờ một vị xuất gia có tâm và tuệ góp ý và lựa chọn cho mình một pháp hành, tương thích với điều kiện nghiệp lực của bản thân.

Người cư sĩ xông xáo trong đời nên thân và tâm dễ bị va chạm, thương tổn và hư hao. Với không gian hữu hạn của kiếp người và quỹ thời gian hạn chế do việc mưu sinh, do vậy, việc quan yếu của người cư sĩ là phải nỗ lực nhổ mũi tên sầu muộn trong kiếp sống này, bằng cách ứng dụng và hành trì theo những học pháp căn bản, mà Đức Phật đã tùy thuyết cho người cư sĩ tại gia.

Thăng bằng và điều hòa

Một đời sống ổn định, có khí lực sung mãn thì phải có một sự điều tiết thăng bằng và điều hòa thân, tâm. Điều thân cũng là một vấn đề quan trọng trong đời sống cũng như trong tu tập. Vì lẽ, nếu như thân không khỏe mạnh, bệnh tật liên miên, tất sẽ gặp nhiều trở ngại trong cuộc sống đời thường cũng như trong lộ trình tu tập.

Trước hết, muốn có được một thân thể tráng kiện, khinh an, thì phải ăn uống cho thích nghi(15). Trường hợp Đức Phật khuyên vua Pasenadi tiết độ trong ăn uống được ghi lại trong kinh Tương ưng là một ví dụ điển hình. Theo kinh, vua Pasenadi có một thân thể nặng nề vì ăn uống quá độ nên gặp trở ngại trong vận động và trong đi lại. Nhà vua tham vấn Đức Phật về vấn đề này và được Ngài ân cần chỉ dạy: Con người thường chánh niệm/ Ðược ăn, biết phải chăng/ Chừng mực, cảm thọ mạnh/ Già chậm, tuổi thọ dài(16). Từ lời khuyên này, vua Pasenadi đã tiết độ trong ăn uống và bước đầu tìm lại sự tráng kiện của thân thể.

Xem ra, mối quan hệ giữa ăn uống và sức khỏe đã được Đức Phật quan tâm từ rất sớm. Vì theo Đức Phật, sự điều hòa, tiết độ trong ăn uống, trong công việc, trong thú vui giải trí, tiêu dao… còn là những điều kiện cơ bản để có được một sức khỏe và trường thọ, như sự khái quát từ kinh Tăng chi: Làm việc thích đáng, biết vừa phải trong việc thích đáng, ăn các đồ ăn tiêu hóa, du hành phải thời và sống Phạm hạnh(17).

Với một người cư sĩ, vấn đề thăng bằng và điều hòa về những vấn đề cụ thể trong đời sống gia đình có ý nghĩa tối quan trọng, đôi khi định đoạt hạnh phúc của cả một gia đình. Chẳng hạn, sự điều hòa trong việc mưu sinh và nuôi dạy con cái. Đành rằng, kiếm tiền để nuôi sống gia đình và để lo cho tương lai con cái là điều rất mực quan trọng; tuy nhiên, việc quan tâm và dạy dỗ con cái cũng là trọng trách không thể thiếu của cả ông bố và bà mẹ. Đôi khi người cư sĩ cứ mải mưu toan sự nghiệp mà quên rằng, có những đứa con đang nếm trải cô đơn ngay trong chính gia đình mình. Bất hạnh này có thể bắt gặp từ lịch sử cho đến hôm nay.

Trong việc ứng xử với các mối quan hệ cơ bản của đời người, cũng cần có một tâm thế nhuần nhuyễn và cân bằng. Đơn cử, mặc dù phải chăm nom một gia đình riêng tư, nhưng người cư sĩ cần phải chung tay lo cho cha mẹ hai bên. Ứng xử chu toàn và phù hợp với hai bên nội ngoại không những là chất liệu đem đến hạnh phúc cho gia đình, mà còn là chuẩn mực lý tưởng của một người con hiếu thảo ở mọi thời đại. Không những thế, với các mối quan hệ còn lại như quan hệ thầy trò, bạn bè, thân tộc, láng giềng… người cư sĩ cũng tùy theo điều kiện của mình và hoàn cảnh thực tế, để có một thái độ ứng xử phù hợp. Thái độ sống không quá phung phí, không quá bỏn xẻn(18) về phương diện vật chất, là thái độ ứng xử đúng mực, với các mối quan hệ của một người cư sĩ.

Cần phải thấy, một đời sống thăng bằng và điều hòa với bản thân, với gia đình, trong các mối quan hệ xã hội… là trải nghiệm hạnh phúc đích thực của người cư sĩ.

Hộ pháp và hoằng pháp

Mang danh đệ tử Phật, người cư sĩ có trách nhiệm hộ pháp và hoằng pháp trong điều kiện có thể của mình. Trong bảy pháp thăng tiến của người cư sĩ được Phật dạy trong kinh Tăng chi chuyên chở cả hai nội dung, hộ pháp và hoằng pháp(19).

Trước hết, trong vai trò hộ pháp, người cư sĩ cần hỗ trợ các điều kiện sinh hoạt cho Tăng-già. Hộ pháp được hiểu ở đây tức là hỗ trợ các phương tiện và điều kiện, nhằm làm cho ngôi Tam bảo ổn định vững bền và ngày càng phát triển. Trong kinh Bổn phận người gia chủ, Đức Phật đã khẳng định với Anathapindika rằng, muốn trở thành một vị cư sĩ chân chánh, kinh văn gọi là vị Thánh đệ tử, thì phải hộ trì chúng Tỳ-kheo với y, hộ trì chúng Tỳ-kheo với đồ ăn khất thực, hộ trì chúng Tỳ-kheo với sàng tọa, hộ trì chúng Tỳ-kheo với dược phẩm trị bệnh(20).

Nói cách khác, vai trò hộ pháp đầu tiên của người cư sĩ, chính là góp phần đảm bảo điều kiện sống tối thiểu cho hàng xuất gia. Trong dòng chảy lịch sử, điều kiện sống của hàng xuất gia đôi khi có vài thay đổi nhỏ. Ở đây, tùy theo không gian và truyền thống tu tập, người cư sĩ nên uyển chuyển cân nhắc, để việc hỗ trợ cho Tăng-già được chu toàn và đủ ý nghĩa.

Nghĩa hộ pháp kế tiếp của người cư sĩ, là sự hỗ trợ về không gian tu. Không gian tu, có thể được xem là trung tâm tu học trong cách hiểu hiện đại, là một phương tiện quan trọng để giữ gìn cũng như phát triển giáo pháp. Trầm tư về ngôi Kỳ Viên tịnh xá, nơi lưu xuất nhiều bài kinh quan trọng, và là nơi chứng Thánh của nhiều vị đệ tử Phật, đã minh chứng rằng, không gian tu có ý nghĩa quyết định đối với sự thăng tiến trong tu tập nói riêng và sự phát triển của Phật giáo nói chung. Không gian tu ngày nay có thể là một ngôi chùa, một tịnh xá, một trung tâm tu học xứng tầm. Hộ pháp về phương diện không gian tu có một ý nghĩa quan trọng, được Đức Phật tán thán: Ai cho chỗ trú xứ, kẻ ấy cho tất cả(21).

Hộ pháp còn được hiểu là sự phòng hộ, gìn giữ ở nghĩa cụ thể, về các phương diện liên quan đến Tam bảo như kinh điển, chùa chiền, Tăng sĩ và thanh danh của Giáo hội. Ngay từ thời Phật, các thế lực không cùng con đường và khác biệt về lý tưởng, đã có những toan tính hòng làm vấy bẩn hình ảnh Tăng-già, phá hoại không gian tu cũng như bôi nhọ Phật giáo(22). Gặp phải những trường hợp đó, người cư sĩ đúng nghĩa cần phải chung tay hộ trì Tam bảo bằng khả năng có thể, với tâm thương yêu và sự tỉnh giác cao độ. Trong một vài trường hợp đặc biệt, người cư sĩ cần phải phát nguyện dấn thân, vì minh danh lý tưởng cao cả.

Trên phương diện hoằng pháp, trước hết, người cư sĩ phải tự mình hoàn thiện những phẩm hạnh đạo đức tự thân, nỗ lực trang bị cho mình những kiến giải cơ bản về pháp Phật. Câu chuyện cảm động về việc giải thuyết cho nhau nghe về pháp Phật, trong lúc người thân bệnh nặng, của đôi vợ chồng Nakula, là một bài học sống động về Phật hóa gia đình(23). Tự mình ứng dụng Phật pháp và trang bị chất liệu đó cho những người thân, là trách vụ hoằng pháp đầu tiên của hàng tại gia cư sĩ.

Phương thức hoằng pháp của người cư sĩ nếu như biết nhuần nhuyễn vận dụng, thì cũng rất đa dạng và phong phú, không nhất thiết là phải thăng tòa thuyết giảng. Với người cư sĩ, vận dụng nhuần nhuyễn Tứ nhiếp pháp có tác dụng bổ trợ rất lớn trong lãnh vực hoằng pháp nói chung. Theo kinh Tăng chi, sau khi tự mình hoàn thiện tín,giới, văn, thí xả, tàm quý, tinh cần… người cư sĩ còn khuyến khích kẻ khác cùng hoàn thiện như mình, thì được gọi là người cư sĩ vừa tự lợi vừa lợi tha(24). Trong một vài trường hợp đặc biệt, khi người cư sĩ thực hiện trọn vẹn trách vụ nêu trên, thì được Đức Phật tán thán là hơn cả bậc chân nhân(25). Đây là một kinh nghiệm có giá trị ứng dụng thực tiễn.

Vì lẽ, trong các chúng đệ tử Phật, chúng tại gia cư sĩ có một số lượng đông đảo và có điều kiện để tiếp cận với đủ mọi hạng người trong nhiều giai tầng xã hội. Đây cũng là những đối tượng đôi khi nằm ngoài tầm với của người xuất gia. Với ước tính sơ bộ, nếu như mỗi người cư sĩ tại gia chỉ cần chuyến hóa vài mươi người quy kính Tam bảo, thì sự nghiệp hoằng pháp ở nghĩa rộng nhất được khẳng định vững chắc. Đây vừa là bổn phận và đồng thời là thế mạnh của một người cư sĩ chân chánh.

Tạm kết
Mẫu hình người cư sĩ lý tưởng bàng bạc trên mỗi bước chân du hóa của Đức Phật và chư Tăng. Bậc chân nhân,là từ được Đức Phật sử dụng trong một số ngữ cảnh, nhằm vinh danh mẫu hình người cư sĩ lý tưởng. Đi tìm một mẫu hình có nhiều thuộc tính chung nhất của người cư sĩ, là điều không dễ dàng trong điều kiện hạn chế về tư liệu và bất cập về không gian. Với những nỗ lực bước đầu, chúng tôi cố gắng xây dựng những tiêu chí mang tính cơ bản, để mỗi người cư sĩ có thể tự tìm thấy mình trong đó. Và hơn thế, qua những chuẩn mực nêu trên, tạo cho người cư sĩ tại gia một sự khẳng định riêng có, cũng như một lý tưởng để hướng về.

 Chú thích

(1) Kinh Tăng chi, chương Tám pháp, phẩm Gia chủ, kinh Thích tử Mahanama; Kinh Tương ưng, tập V, thiên Đại phẩm, chương XI, Tương ưng dự lưu, phần b, phẩm Phước đức sung mãn, kinh Mahanama; kinh Tạp A-hàm,Tương ưng Ma Ha Nam, kinh Ưu bà tắc, số 1308, bản dịch của Thích Đức Thắng, Tuệ Sỹ hiệu đính và chú thích.
(2)  Kinh Trường bộ, tập 2, kinh Thập thượng; kinh Tăng chi, chương Mười pháp, phẩm Lớn, kinh Những câu hỏi lớn. Xem thêm: 1. , ; 2. No. 12, , . Nguyên văn: .
(3) Kinh Tăng chi, chương Bốn pháp, phẩm Nghiệp công đức, kinh Bốn nghiệp công đức.
(4) Kinh Tăng chi, chương Tám pháp, phẩm Bố thí, kinh Người chân nhân.
(5) Kinh Tăng chi, chương Sáu pháp, phẩm Dhammika, kinh Nghèo khổ.
(6) Kinh Trường bộ, tập 1, kinh Cứu La Đàn Đầu, số 5.
(7) Kinh Tăng chi, chương Năm pháp, phẩm Nam cư sĩ, kinh Người buôn bán.
(8) Kinh Tăng chi, chương Tám pháp, phẩm Gotami, kinh Dìghajanu, Người Koliya.
(9) Kinh Tương ưng, tập V, thiên Đại phẩm, chương XI, Tương ưng dự lưu, phần b, phẩm Phước đức sung mãn, kinh Mahanama.
(10) Kinh Tăng chi, chương Bốn pháp, phẩm Bậc chân nhân, kinh Các học pháp.
(11) Kinh Trường bộ, tập 1, kinh Đại bát Niết-bàn, số 16, Tụng phẩm 1.
(12) Kinh Tiểu bộ, tập 1, kinh Phật tự thuyết, chương tám, phẩm Pataligamiya.
(13) Kinh Tăng chi, chương Tám pháp, phẩm Gotami, kinh Dìghajanu, Người Koliya.
(14) Kinh Tăng chi, chương tám pháp, phẩm Ngày trai giới, kinh Visakha. Xem thêm, kinh Trung a hàm, phẩm Bô Đa Lợi, kinh Trì trai, bản dịch của Tuệ Sỹ.
(15) Kinh Trường bộ, tập 2, kinh Đại thiện kiến vương, số 17.
(16) Kinh Tương ưng, tập 1, chương 3, Tương ưng Kosala, phẩm thứ hai, kinh Đại thực.
(17) Kinh Tăng chi, chương Năm pháp, phẩm Bệnh, kinh Tuổi thọ.
(18) Kinh Tăng chi, chương Tám pháp, phẩm Gotami, kinh Dìghajanu, Người Koliya.
(19)  Kinh Tăng chi, chương Bảy pháp, phẩm Vajji, kinh Bất hạnh thối đọa.
(20) Kinh Tăng chi, chương Bốn pháp, phẩm Nguồn sanh phước, kinh Bổn phận người gia chủ.
(21)  Kinh Tương ưng, tập 1, Tương ưng chư Thiên, phẩm Thiêu cháy, kinh Cho gì?.
(22)  Tích truyện Pháp cú, phẩm Thế gian, Chiến già vu khống Phật, Bản dịch của Viên Chiếu. Xem thêm, kinhTiểu bộ, tập IV, chuyện Giải thoát sự trói buộc, số 120; kinh Tiểu bộ, tập V, chuyện Vua Bharu, số 213; kinh Tiểu bộ, tập VI, chuyện Vương tử liên hoa, số 472.
(23)  Kinh Tăng chi, chương Sáu pháp, phẩm Cần phải nhớ, kinh Cha mẹ của Nakula.
(24)  Kinh Tăng chi, chương Tám pháp, phẩm Gia chủ, kinh Thích tử Mahanama.
(25)  Kinh Tăng chi, chương Bốn pháp, phẩm Bậc chân nhân, kinh Người có lòng tin.

( Theo Nguyệt San Giác Ngộ)

Tệ nạn đầy công viên


Tệ nạn đầy công viên
24/01/2013
Nhiều công viên tại TPHCM là nơi tụ tập các loại tội phạm, điển hình nhất là bảo kê, mại dâm và ma túy
Sáng 24-1, nếu không có sự can ngăn của nhiều người thì tại Công viên Văn Lang (quận 5 - TPHCM) đã xảy ra một vụ ẩu đả bằng hung khí do 2 đối tượng tranh giành địa bàn bảo kê gây ra. Tại thời điểm trên, một người đàn ông chạy xe tay ga vòng vòng công viên la ó. Liền lúc đó, một thanh niên cầm dụng cụ xúc đất rượt theo. Khi người dân hô hoán “công an đến”, 2 người mới bung chạy…
Công khai hút chích, bán dâm
Đến 9 giờ cùng ngày, một người đàn ông nằm vật vã trên dải phân cách Công viên Văn Lang. Cạnh đó là chiếc  kim tiêm có dính máu tươi nằm dưới đất.  Chúng tôi chọn một ghế đá giữa công viên ngồi. Vừa tựa lưng vào ghế, chúng tôi đã nghe tiếng một phụ nữ lệnh cho đứa trẻ đầu nhuộm xanh: “Mày băng qua đường đưa cho nó. Nhớ kêu nó đưa tiền, trả luôn tiền hôm qua”. Dứt lời, bà ta dúi vào tay đứa bé một gói bột màu trắng.
Ngồi quan sát một lúc, chúng tôi thấy nhiều thanh niên không mặc áo để lộ hình xăm qua lại, không ít người trong số họ vật vờ tìm chỗ để “phê” thuốc. Dưới gốc cây, hốc đá la liệt kim tiêm, có cái còn dính máu tươi. Bà T.N.L (65 tuổi, ngụ phường 8, quận 5) ngồi bên cạnh nói: “Mấy đứa nghiện ngập hút chích thường tụ tập ở công viên này. Có lúc chúng còn cãi vã, rượt đánh nhau. Tụi nó hút chích, nhậu nhẹt nhưng không ai dám nhìn vì sợ mang vạ vào thân”.
Về đêm, quanh Công viên Văn Lang, người đi đường thường bắt gặp nhiều phụ  nữ má phấn môi son công khai mời chào khách.
Trao đổi với chúng tôi, một số người dân sống gần khu vực Công viên Văn Lang cho biết đã có nhiều vụ cưỡng đoạt tài sản hoặc tranh giành địa bàn, bảo kê gái mại dâm dẫn đến đâm chém, giết người, như vụ băng nhóm của Dũng “hí” đâm chết một gái bán dâm vì tranh giành khách với một cô khác. Mới đây, một đôi nam nữ đang ngồi tại ghế đá công viên đã bị một thanh niên dùng kim tiêm dọa có HIV để lấy tài sản. Người dân đã có đơn kiến nghị gửi chính quyền địa phương nhưng mọi chuyện vẫn không thay đổi.
Làm tiền trắng trợn
Thời gian gần đây, người dân sống quanh khu vực Công viên Phú Lâm (quận 6 - TPHCM) xôn xao với trò làm tiền trắng trợn của một số đối tượng sống lang thang. Theo một số người kể lại, có một người đàn ông ngồi trong công viên, bỗng dưng một phụ nữ chừng 40 tuổi nhào đến tự… tụt quần rồi la lớn: “Trời ơi!”. Ngay lập tức, nhiều thanh niên trong công viên túa ra nói: “Ông già mà ông bậy, xem của người khác thì phải đưa tiền, thôi cho bả vài trăm ngàn đồng đi…”. Sợ phiền phức, người đàn ông phải rút tiền đưa cho chị ta.
Mới đây, anh Lê Ngọc H. (SN 1994), sinh viên Trường Đại học KHXH&NV TPHCM, đứng đón xe buýt trước Công viên Phú Lâm thì   một người đàn ông từ công viên đi ra, đến gần hỏi: “Con đi đâu vậy?”. H. dè dặt trả lời đang ngồi chờ xe buýt. Vừa dứt lời, người đàn ông này gằn giọng: “Hỏi vậy thôi chứ tụi chú nghiện mà, lại nhiễm nữa. Tụi chú có nhiều người ở đây lắm, loạng quạng là chú đâm kim tiêm đó”. Vừa nói, ông ta vừa rút trong túi áo chiếc kim tiêm có dính máu khiến H. hoảng sợ vùng chạy.
Theo ghi nhận của chúng tôi, những ngày gần đây, lực lượng dân quân và cảnh sát cơ động thường xuyên túc trực, tuần tra tại Công viên Phú Lâm và những tuyến đường lân cận nên đã hạn chế những đối tượng sống lang thang, nghiện ngập vào đây. Ông Nguyễn Ngọc A. (60 tuổi, ngụ phường 13, quận 6) nói: “Công viên này giờ đỡ hơn hồi trước rồi nhưng vẫn còn một số tệ nạn như mại dâm, ma túy, cưỡng đoạt tài sản. Lúc trước ở đây đã xảy ra vụ thằng Bình giết con Yến “đại ca” do tranh giành địa bàn”.
Đẩy lùi tệ nạn
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Huỳnh Thị Thảo, Chủ tịch UBND quận 5 - TPHCM, cho biết: “Công viên Văn Lang nằm trên địa bàn giáp ranh 4 phường của quận nên việc quản lý có một số khó khăn. Tuy nhiên, hiện quận 5 đã chỉ đạo và giao hẳn trách nhiệm quản lý công viên cho phường 9. Ngoài ra, quận 5 cũng giao phường phối hợp với Công ty Dịch vụ công ích quận và Đoàn Thanh niên triển khai một số hoạt động văn hóa nhằm đẩy lùi tệ nạn ở công viên”.
Còn theo ông Ngô Thành Luông, Phó Chủ tịch UBND quận 6: “Trong 1 năm qua, quận đã phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai những đợt ra quân, trấn áp tội phạm trên địa bàn, đặc biệt là tại Công viên Phú Lâm. Sắp tới, chúng tôi sẽ thực hiện tiếp chiến dịch trấn áp tội phạm để người dân có một khoảng xanh vui chơi, giải trí đúng nghĩa”.
Bài và ảnh: PHẠM DŨNG (Người Lao Động)
Có 1 ý kiến
Hùng
Hầu như tất cả các công viên trên địa bàn HCM đều có các tệ nạn như báo nêu, ai ai cũng biết...

Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2013

Gieo lòng tốt gặt lòng tốt


Gieo lòng tốt gặt lòng tốt
MINH QUỐC (Tuổi Trẻ) 20/01/2013
TT - Cái nắng cuối năm nơi cửa biển làm sáng ngôi nhà mới, khang trang của vợ chồng ông Nguyễn Minh Lý (thường gọi Tư Lý, ở ấp 4, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu).
Ông Tư Lý cần mẫn trị bệnh giúp người - Ảnh: M.Quốc 
Gương mặt
Căn nhà là kết thúc có hậu cho vợ chồng thầy thuốc cả đời trị bệnh cứu người, và chở che cho nhiều mảnh đời bất hạnh.
Hai vợ chồng ông Tư Lý đều làm nghề y, từng công tác ở các cơ quan nhà nước. Cuộc đời run rủi, thế sự đổi thay đã đưa đẩy gia đình ông về nơi cửa biển Gành Hào khi nơi đây còn là miền biển thưa người. Thấy gia đình ông Tư Lý chưa có nơi ở, lại có nghề thuốc nên Công ty thủy sản Gành Hào cho ông mượn một căn nhà, vừa để ở vừa chăm sóc sức khỏe cho công nhân.
Không trọng tiền bạc
Thời ấy ông Tư Lý là thầy thuốc giỏi của cả vùng, nhưng ông không xem đó là cơ hội làm giàu. Ông Bùi Công Bê - một người sống cùng thời và công tác chung với ông Tư Lý trong Hội Khuyến học, Hội Chữ thập đỏ huyện Đông Hải - cho biết: “Ông Tư Lý đạo đức tuyệt vời. Ông trị bệnh, ai đưa nhiêu thì lấy, không đòi hỏi. Ông làm việc theo kiểu phục vụ, chứ nếu làm kiểu thương mại thì đã giàu có rồi”.
Bà Trương Thị Út (57 tuổi, ấp 2, thị trấn Gành Hào) vẫn mang ơn cứu chữa của lương y Tư Lý. Bà Út kể bà đang nằm Bệnh viện Ung bướu TP.HCM thì bệnh viện trả về... Tiệm tạp hóa của nhà bà Út cũng “sập” theo bệnh của bà. Nước cuối rồi, bà Út không biết đi đâu trị nữa nên chồng bà tìm đến ông Tư Lý. Ông Tư Lý đã chữa cho bà sống khỏe đến bây giờ.
Một hôm có một ông già thụt ló ngoài phòng mạch của ông Tư Lý đến 11g khuya. Ông già tên Lưu Kim Lến có nước da xanh mét, dáng còm nhom. Bắt mạch, hốt thuốc miễn phí cho ông Lến xong, ông Tư Lý giữ ngủ lại qua đêm. Biết ông Lến không có con cái chăm sóc, phải đi giữ vuông tôm thuê ở Giá Rai, nhiều lúc bị chủ vuông bỏ đói, ông Lến phải nhai cả vỏ con ba khía nên ông Tư Lý đi đón ông Lến về nuôi. Ai cũng mừng cho ông Lến, bởi vợ chồng Tư Lý nuôi thì coi như ông Lến có phúc ấm cuối đời. Vợ chồng ông Tư Lý xem ông Lến như cha, còn các con của ông xem như ông nội.
Ông Trần Vị Thanh (hiện sống ở Cà Mau, nguyên cán bộ quân y của hải thuyền Tỉnh đội Minh Hải đóng ở cửa biển Gành Hào) cho biết: “Tôi và anh Tư Lý biết nhau trên 30 năm, hiện vẫn liên lạc, trao đổi học thuật về ngành y. Anh Tư Lý giúp đỡ nhiều bệnh nhân, đồng đội cũ. Nếu lo không xuể thì anh Tư huy động bạn bè giúp. Anh Tư không từ chối một người gặp khó khăn nào. Nhà ăn rau, nhưng bệnh nhân cần thịt là anh Tư ra chợ mua thịt bò về”.
Cưu mang những mảnh đời côi cút
Vợ ông Tư Lý làm bà mụ vườn, còn ông bắt mạch, hốt thuốc, trị bệnh kết hợp cả đông - tây y. Một buổi tối nọ, vợ chồng ông thấy trước cửa nhà mình một bé gái gói trong giấy báo. Ẵm đứa bé lên, nhìn qua màn đêm không thấy bóng người, vợ chồng ông nghĩ bụng đó là duyên số nên đưa đứa bé vào nhà nuôi nấng. Giờ đây bé gái ấy đã 33 tuổi. Sau đó có một phụ nữ nằm sinh tại nhà bà Tư Lý, đã rón rén ra đi lúc trời chưa sáng, bỏ lại đứa con đỏ hỏn. Rồi một đôi vợ chồng trẻ từ xứ khác về đây làm ăn, giữa đường đứa con nhỏ phát bệnh nặng, họ tìm đến nhà ông Tư Lý trần tình, xin gửi lại đứa con cho vợ chồng Tư Lý cứu chữa, nếu đứa bé được cứu sống thì nhờ vợ chồng ông Tư xem như con, còn nếu nó yểu mạng thì cậy ông bà lo hậu sự giùm.
Cứ như thế, những đứa trẻ côi cút về trú ngụ dưới mái ấm gia đình ông Tư Lý ngày một nhiều lên, đến 14 người. 14 người con nuôi và bốn người con ruột sống chung một mái nhà và cùng mang họ của ông Tư Lý. Trong 18 người con, trừ người con gái đầu, còn lại đều tên Thảo, dù là trai hay gái, chỉ khác nhau chữ lót. Ông Tư Lý lý giải: “Đặt tên Thảo là để các con sống phải biết chia sẻ những gì mình có cho mọi người”.
Việc lo cái ăn, cái mặc đã khó, nhưng ông bà Tư Lý quyết không để người con nào thất học hay bỏ học giữa chừng. Có mắm ăn mắm, có muối ăn muối nhưng cái chữ phải theo đến cùng. Cả hai vợ chồng ông Tư Lý làm nghề y nhưng thu nhập chẳng là bao bởi họ làm phước nhiều, nên cơm canh cho con cái không đủ no, nhiều người bị suy dinh dưỡng.
Bẩn chật, không đủ tiền nuôi con ăn học, vợ chồng ông Tư Lý quyết định bán căn nhà mà Công ty thủy sản Gành Hào đã hóa giá. Cuộc sống ăn nhờ ở đậu bắt đầu từ đó. Mấy chục năm qua, ông Tư Lý sống khổ hạnh như thầy tu. Không một lần ngồi quán cà phê. Không ra tiệm cắt tóc. Tóc dài thì nhờ vợ con hớt. Bao nhiêu tiền kiếm được ông đều dành cho con cái. Thấy vợ chồng ông Tư Lý ăn ở có đức, có chí cầu tiến như vậy nên hàng xóm và người dân địa phương thương tình. Vợ chồng ông có thể mua chịu tiền gạo, bao lâu trả cũng được. Chỗ này lấy lại nhà trọ thì đã có người khác mở lời cho mượn nơi che mưa nắng. Nhờ đó, con cái ông được học đến nơi đến chốn. Đã có tám người tốt nghiệp từ bậc trung học chuyên nghiệp, cao đẳng đến đại học. Hiện ông bà Tư Lý đau đáu nhất là ước mơ học ngành thiết kế thời trang của Diệu Thảo. Diệu Thảo khéo may vá, thích theo ngành này nhưng ngặt nỗi cha mẹ không lo nổi tiền cho em học đại học, nên sau một năm tốt nghiệp THPT, em vẫn ở nhà giúp mẹ.
Tấm lòng thiên hạ
Cảm động trước việc làm nhân nghĩa của vợ chồng ông Tư Lý, những tấm lòng trong thiên hạ đã chung tay dựng nên mái ấm mới cho vợ chồng ông.
Sau khi biết rõ ông Tư Lý, một bác sĩ ở Sài Gòn đã cùng vợ lặn lội về Gành Hào mua một nền đất tặng gia đình ông Tư cùng 50 triệu đồng để cất nhà. Thấy vậy, một vài bệnh nhân đã góp ximăng, cát, đá giúp ông. Ông Dũng bán bột cá thuê người vẽ bản thiết kế ngôi nhà hai mái kiên cố rồi cùng chị chủ vựa cá Tuấn Hoa và nhiều người khác góp tiền xây cất. Tổng cộng đến nay người dưng gần xa đã giúp gia đình ông Tư Lý 185 triệu đồng để dựng nên căn nhà mới cho ông.
Bà Quách Kim Kía - vợ ông Tư Lý - nói: “Đến giờ tui vẫn không tin là mình đã có nhà riêng”. 24 năm ở đậu với 16 lần dời nhà, đôi vợ chồng tuổi 65 này thấm thía được nỗi khó khăn, bất tiện cảnh ở nhà không “chính chủ”. Dời nhà lui tới nhiều lần, cái tủ gỗ muốn rụm, phải dùng dây cột chằng lại. Nhiều kỷ vật của gia đình bị thất lạc... Căn nhà mới còn chờ đóng trần và lót gạch nền nữa là xong. Nhưng bà Kía lại chưa muốn làm trần. “Để vậy tối nằm nhìn mái tôn mới cho nó đã!” - bà Kía nói.