Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2012

Bộ trưởng bị cách chức vì không biết dạy con

Bộ trưởng bị cách chức vì không biết dạy con
14/04/2012 14:31
 (TNO) Tổng thống Turkmenistan đã cách thức bộ trưởng Công nghiệp và Năng lượng nước này tại cuộc họp chính phủ hôm 13.4 vì không biết dạy con, theo truyền thông nước này.
Tổng thống Gurbanguly Berdymukhamedov đã cách chức Bộ trưởng Yarmukhammet Orazgulyev với lý do ông không biết dạy dỗ con trai, người dính dáng đến một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng với các sinh viên cùng trường Đại học Bách Khoa Turkmenistan.
Hiện không rõ thời điểm và chi tiết của vụ tai nạn, theo RIA Novosti. Tuy nhiên, tại cuộc họp, Bộ trưởng Nội vụ Isgender Mullikov đã mang vụ tai nạn ra tranh luận và nói rằng nó dính dáng đến con cái của các quan chức cấp cao, gồm cả con trai ông Orazgulyev.
Tổng thống Berdymukhamedov tiếp tục của cuộc tranh luận bằng cách nhận xét rằng nhiều lãnh đạo không quan tâm đầy đủ đến việc nuôi dạy con cái và quyền hạn lãnh đạo của họ phụ thuộc vào cách con cái họ được nuôi nấng và cách chúng cư xử trong xã hội.
Ông Orazgulyev đã xin tổng thống Berdymukhamedov lượng thứ vì ông “không có khả năng đưa ra những chỉ dẫn của một người cha cho các thành viên trong gia đình”.
Hiệu trưởng Trường đại học Bách Khoa Turkmenistan Khydyr Saparlyev cũng bị cách chức trong khi Bộ trưởng Giáo dục Gulshat Mammedova và Thứ trưởng Giáo dục Minister Geldimurata Dzhumagulyeva bị khiển trách nghiêm khắc.
Ông Orazgulyev vốn là ứng cử viên tổng thống trong cuộc bầu cử tổ chức vào tháng 2, theo RIA Novosti.
Sơn Duân (Thanh Niên)
Ở VN mà cách chức kiểu này thì hay quá. Nhiều cô chiêu cậu ấm lợi dụng cái thế “con ông cháu cha” quậy phá không ai chịu nổi, mà đụng tới không được vì có cha mẹ làm ô dù bảo vệ.

Hàng ngàn người sang Campuchia đánh bạc mỗi ngày

Hàng ngàn người sang Campuchia đánh bạc mỗi ngày
TT - Ngày 13-4, tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống mại dâm, phòng chống tội phạm tổ chức đánh bạc và đánh bạc năm 2011, báo cáo của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) cho biết mỗi ngày có khoảng 3.600 người Việt Nam qua Campuchia đánh bạc, riêng thứ bảy và chủ nhật có 5.000 người.
Đây là kết quả khảo sát 40 casino, 23 trường gà tại Campuchia và 10 địa phương có đường biên giới giáp Campuchia.
Theo Cục Cảnh sát hình sự, hoạt động của các casino và trường gà ở Campuchia được tổ chức chặt chẽ, có hệ thống quản lý khép kín bao gồm các ban giám đốc, ban quản lý, kế toán, đổi tiền, thu tiền, chia bài, hướng dẫn viên và cả một mạng lưới tiếp thị đến tận gia đình, khu dân cư ở thành thị lẫn nông thôn.
Hiện nay Cục Cảnh sát hình sự đã mở sổ theo dõi 173 người đánh bạc, 319 đối tượng chuyên lái xe chở người đi đánh bạc, 47 đối tượng là người Việt Nam hành nghề bảo kê trên đất Campuchia.
VĂN KỲ (Tuổi Trẻ)


Nông dân... công nghệ cao

Nông dân... công nghệ cao
TT - Đó là những nông dân tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) vừa tay cuốc tay cày lại vừa làm “khoa học” trong phòng lab nuôi cấy mô.
Không ít nông dân đã bỏ hàng tỉ đồng để lập phòng lab nuôi cấy mô và thuê các kỹ sư, cử nhân, kỹ thuật viên cao cấp về làm việc, tạo ra những dòng cây giống sạch bệnh có chất lượng cao cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Trong 58 phòng nuôi cấy mô tế bào thực vật ở Đà Lạt có tới 90% là do nông dân, tư nhân bỏ tiền ra đầu tư.
“Giám đốc nông dân”
Trước cổng trại giống cây PH của “giám đốc nông dân” Trương Đức Phú tại P.11, TP Đà Lạt có một tấm biển với nét mực còn mới: “Cần tuyển 2 kỹ sư sinh học và 6 kỹ thuật viên nuôi cấy mô”. Phía trong, trên khu đất rộng 0,5ha là những vườn ươm cây giống, khu dưỡng cây bố mẹ, nhà xưởng, gara xe hơi cùng dãy phòng nuôi cấy mô được anh Phú đầu tư xây dựng khang trang, sạch sẽ. “Tính đến nay, riêng phòng nuôi cấy mô với 12 tủ cấy nhân giống tôi đã phải đầu tư trên 2 tỉ đồng” - anh Phú ước tính.
Anh Phú là nông dân thứ thiệt và đã gắn với nghề trồng hoa từ những năm 1980. Nghe mọi người kháo nhau nhiều về việc tạo giống bằng phương pháp cấy mô sẽ cho ra những cây con mới đạt chuẩn, không sâu bệnh, anh Phú bàn với vợ - chị Hương, cử nhân ngành sinh học - quyết tâm đầu tư mở phòng cấy mô sản xuất giống tại nhà, xây dựng phòng nuôi cấy mô cho mình với chỉ hai buồng cấy. Đó là thời điểm của sáu năm trước đây, khi đó “nhìn lứa cây giống nuôi cấy mô đầu tiên bán cho bà con trồng trên ruộng phát triển tốt, cho hoa đẹp, tôi nhủ thầm: thắng rồi!” - anh Phú nhớ lại.
Đến nay anh Phú đã có thể cung cấp mỗi năm khoảng 2 triệu cây giống hoa các loại như hồng môn, cúc, salem, đồng tiền, cẩm chướng, layơn, sao tím, bibi, tuylip... và cả dâu tây cho thị trường giống cả nước. Với giá giống hiện thời từ 700-5.000 đồng/cây (tùy loại hoa) và chỉ tính lượng giống bán ra thì doanh thu một năm của anh Phú có thể đạt 3-4 tỉ đồng. Để có đủ cây giống giao cho bạn hàng, hiện phòng nuôi cấy mô của nông dân Phú phải thuê đến 4 kỹ sư, 20 kỹ thuật viên với mức lương 3,5-5 triệu đồng/tháng.
Cũng giống như anh Phú, nông dân Lê Văn Hải giờ đây còn là ông chủ phòng nuôi cấy mô với ba kỹ sư và một kỹ thuật viên đang ngày ngày miệt mài sản xuất giống các loại hoa cúc. Trong căn nhà hai tầng rộng chừng 40m2, anh Hải dành nguyên một tầng lầu để làm phòng cấy mô phục vụ việc nhân giống cây trồng. Căn phòng vô trùng ấy là một thế giới khác hẳn với vùng đất nông nghiệp Thái Phiên (P.13, TP Đà Lạt) hăng hắc bụi đất đỏ và ngai ngái mùi phân bón.
Phòng cấy mô của anh Hải hằng năm cho ra khoảng 100.000 cây giống của 25 chủng loại cúc khác nhau. Anh Hải chỉ vào hai tủ cấy mô, tủ hấp tiệt trùng và vài thiết bị hay gặp ở các phòng thí nghiệm hóa sinh cười vui: “Thiết bị nhà nông của tôi đây. Nhờ có nó mà tôi cũng như bà con dần “lên đời” làm nông dân mới, cuộc sống ngày càng khỏe hơn”.
Vui khi là “lính” nông dân
Nguyễn Thị Mỹ Thắm, tốt nghiệp khoa sinh học Đại học Đà Lạt và đã có thâm niên làm “lính” cho các ông chủ nông dân hơn năm năm, cho rằng rất thoải mái khi làm việc tại các phòng nuôi cấy mô của bà con nông dân. “Ngành sinh học không nhất thiết phải gắn với các cơ quan, viện, trường. Môi trường làm việc thoải mái và có đãi ngộ thỏa đáng như tại phòng nuôi cấy mô của anh Hải này làm chúng tôi rất yên tâm” - Thắm bộc bạch.
Cử nhân sinh học Phan Thị Ngọc Hiền, đang làm cho nông dân Trương Đức Phú, cụ thể hơn trong suy nghĩ: “Làm việc với ông chủ là nông dân tôi càng thêm yêu và gắn bó với ngành nông nghiệp Đà Lạt hơn”. Hiền cũng cho biết làm “lính” cho nông dân thì học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm thực tế từ ruộng đồng mà điều này chẳng sách vở nào có được. Hiền đang đi học thêm văn bằng hai và dự định: “Tích lũy kinh nghiệm, gom vốn, một thời gian sau tôi mong ước cũng sẽ mở được một phòng nuôi cấy mô cho riêng mình”.
Bà Nguyễn Thị Tường Vi - cán bộ Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng, chủ nhiệm chương trình Quản lý giống cây trồng sản xuất bằng phương pháp cấy mô - cho rằng hầu hết các cơ sở đều có cán bộ kỹ thuật là cử nhân, kỹ thuật viên có kinh nghiệm lâu năm với trình độ chuyên môn cao. Những cơ sở này một năm sản xuất ra trung bình khoảng 500.000 cây giống/cơ sở với chất lượng tương đối tốt, kháng bệnh, tỉ lệ sống cao.
Bà Vi cũng kiến nghị thêm: “Nhà nước nên lập các trung tâm phân tích, test để đánh giá chất lượng cây giống nhằm hỗ trợ thêm cho bà con nông dân đang sản xuất giống theo mô hình phòng nuôi cấy mô đạt hiệu quả hơn nữa”.
Vị sư  “nuôi cấy mô”
Đó là sư thầy Thích Huệ Đăng, giám đốc Công ty TNHH xuất khẩu hoa lan Thanh Quang (P.3, TP Đà Lạt), đã có nhiều năm cùng với 40 kỹ sư nghiên cứu, sản xuất khoảng 20 giống lan quý hiếm cung cấp cho bà con nông dân và xuất khẩu đi các nước. 
Mới đây, để làm phúc cho bá tánh - bà con nông dân hơn nữa, sư thầy cùng với các kỹ sư đã nuôi cấy mô và sản xuất thành công giống sâm ngọc linh.
 Hiện tại trong phòng nuôi cấy mô của sư thầy đang có khoảng 1,5 triệu phôi giống sâm ngọc linh. 
Ngoài ra, còn hơn 1 triệu cây sâm ngọc linh sản xuất theo công nghệ cấy mô đã được đem trồng thực nghiệm tại các tỉnh Quảng Trị, Kon Tum, Lào Cai, Vĩnh Phúc và TP Đà Lạt.
 ĐỨC TUYÊN - MAI VINH (Tuổi Trẻ)


Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Hội hè nhiều quá !

Hội hè nhiều quá !
Thứ Năm, 12/04/2012 22:21
LTS: Hiện nay, nhiều festival (ngày hội, hội hè, liên hoan) được tổ chức ở các địa phương, tốn kém hàng chục tỉ đồng nhưng lợi ích mang lại chẳng là bao, thậm chí không có. Đã đến lúc cần phải ngưng tổ chức những festival không cần thiết.
Tiền tỉ trôi theo lễ hội
Mục tiêu quan trọng mà ban tổ chức các festival luôn đặt ra là thu hút khách du lịch, tạo thu nhập cho người dân, qua đó phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, kết quả thực tế không như mong đợi
Tỉnh Phú Yên là một trong những trường hợp như vậy. Chấp nhận tốn kém lớn, tỉnh này hy vọng Festival Năm Du lịch Quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ 2011 sẽ giúp quảng bá tốt hình ảnh địa phương, thu hút khách du lịch...
Không kích được du lịch
Theo ông Phan Đình Phùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên, đến nay sở vẫn chưa tổng kết được kinh phí chi cho việc tổ chức Festival Năm Du lịch Quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ 2011. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, tổng kinh phí tổ chức festival nói trên kết hợp với kỷ niệm 400 năm thành lập tỉnh Phú Yên là gần 300 tỉ đồng (hơn 1/5 tổng thu ngân sách năm 2011 của tỉnh).
Dù vậy, từ khi kết thúc “năm du lịch” đến nay, tình hình chẳng có gì khởi sắc. Tổng lượt khách đến Phú Yên trong 3 tháng đầu năm 2012 vẫn chỉ dừng lại ở con số 105.000 lượt, bằng cùng kỳ năm 2011 - thời điểm chưa tổ chức Năm Du lịch Quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ. Ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên, cho biết tại hội nghị tổng kết ngành, mặc dù bí thư Tỉnh ủy đề nghị nâng số lượt khách du lịch đến Phú Yên dự kiến trong năm 2012 lên cao nhưng ngành du lịch tỉnh chỉ dám đưa ra mục tiêu phấn đấu khiêm tốn là 500.000 lượt, bằng năm 2011.
“Có rất nhiều cái khó để thu hút khách du lịch về Phú Yên, nhất là về giao thông. Đường đến các điểm tham quan ở trong tỉnh nhỏ và xấu nên khách ngại đi. Dịch vụ du lịch thuần túy để phục vụ khách đến vui chơi, tham quan, nghỉ dưỡng còn kém nên không có sức hút...” – ông Bảy nói.
Theo ông Trần Quang Nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, khách đến tỉnh này trong năm 2011 chủ yếu là khách công vụ, dự các sự kiện lớn. Không có những sự kiện như vậy thì chỉ còn trông chờ chủ yếu vào khách du lịch thuần túy.
Ông Nghiêm Nhật Minh, Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty Du lịch Intour (trụ sở tại TPHCM), cho rằng điều kiện đi đến Phú Yên còn khó khăn, dịch vụ lại sơ sài, tạo cảm giác chán ngán đối với khách, ngay cả 2 điểm du lịch tuyệt đẹp là Gành Đá Dĩa và Vũng Rô cũng thiếu dịch vụ cho khách, thậm chí nhà vệ sinh cũng không có.
Với cách làm ăn như vậy thì dù có tổ chức bao festival đi nữa, du khách cũng khó mà đến, nếu có đến thì cũng sẽ sớm quay lưng!
Nhàm chán, lãng phí
Từ năm 2005 đến nay, cứ 2 năm một lần, tỉnh Lâm Đồng tổ chức Festival Hoa Đà Lạt. Riêng Festival Hoa 2012 vừa qua, để có 5 ngày lễ hội (từ ngày 30-12-2011 đến 3-1-2012), tỉnh Lâm Đồng đã phải chi hơn 22 tỉ đồng và huy động hàng ngàn người để tập huấn, tập dượt cho các nội dung của festival trong một thời gian dài.
Nếu như những festival hoa trước, các không gian hoa được trải đều xung quanh khu vực hồ Xuân Hương và trên một số tuyến đường trong TP để người dân và du khách được ngắm hoa miễn phí thì trong dịp Festival Hoa 2012, muốn được ngắm hoa đẹp, mỗi người phải tốn 50.000 đồng. Nguyên nhân là do toàn bộ “Không gian hoa đẹp” đã được ban tổ chức sắp đặt trong khu vực rộng 3 ha thuộc sân golf Đà Lạt, bao quanh là những hàng rào thép kiên cố.
Ngoài khu vực này, trên một số tuyến đường thuộc trung tâm TP Đà Lạt, ban tổ chức chỉ lắp đặt lèo tèo vài điểm tập kết hoa khiến một số du khách đến từ TPHCM phải thốt lên: “Festival Hoa Đà Lạt mà thua xa đường hoa Nguyễn Huệ ở Sài Gòn!”. Trong những ngày diễn ra festival hoa, hàng trăm lượt người vì không đủ tiền (hoặc vì tiếc tiền) mua vé nên đã lén lút vạch thép gai để nghía “Không gian hoa đẹp” trong sân golf Đà Lạt!
Anh Bùi Phú Quốc (38 tuổi, nhà ở đường Bế Văn Đàn, phường 12, TP Đà Lạt) nói: “Người trồng hoa chúng tôi chẳng được gì sau mỗi lần tỉnh tổ chức festival hoa cả. Từ năm 2005 đến nay, đã có 4 festival hoa nhưng giá hoa cúc vẫn không tăng, thậm chí giảm. Không ít lần các chủ nhà vườn trồng hoa cúc đã phải nhổ hoa đem vứt vì bán không có người mua. Nếu festival hoa giúp cho người trồng hoa khấm khá hơn, hoa bán chạy với giá cao hơn thì nên tổ chức đều đặn. Đằng này, chẳng hiệu quả gì, lãng phí lắm...”.
Một cán bộ làm việc tại một sở của tỉnh Lâm Đồng có tham gia công tác tổ chức Festival Hoa 2012 cho biết trước thời điểm diễn ra festival vài tuần, anh chạy rạc cả người để lo chỗ ăn ở, đón tiếp đại biểu và các khâu chuẩn bị cho festival; việc cơ quan phải gác sang một bên.
Cụ Nguyễn Văn Ninh (nhà ở đường Bùi Thị Xuân, TP Đà Lạt) phàn nàn: “Nhiều nội dung của festival hoa lần sau cứ lặp lại những lần trước, các chương trình cứ na ná nhau khiến người xem nhàm chán”.
Lèo tèo… festival quốc tế !
Tại Bình Thuận, địa phương được mệnh danh là “thủ phủ resort” của cả nước với lượng du khách hằng năm lên đến hàng triệu lượt người nhưng việc tổ chức Festival Thuyền buồm quốc tế vừa qua đã không mang lại hiệu quả thiết thực.
Tiếng là Festival Thuyền buồm Quốc tế nhưng chỉ có 21 chiếc tham gia. Sự đơn điệu này thể hiện ngay sau lễ khai mạc, các đoàn vận động viên điều khiển thuyền lượn lờ trên biển chỉ nhằm phục vụ công tác tuyên truyền chứ không thể hiện chút nghệ thuật nào.
 Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, chương trình dành quá nhiều thời gian cho các bữa tiệc tùng, chiêu đãi…, đến nỗi nhiều người cứ ngỡ là ban tổ chức đã… quên sự kiện chính! Thậm chí, chương trình biểu diễn thuyền buồm chỉ luẩn quẩn ở khu vực Mũi Né - Hàm Tiến chứ không vào cảng Phan Thiết như đã quảng bá trước đó, một số nội dung cũng bị ban tổ chức lược bỏ.
Về hiệu quả của festival này, ông Ngô Minh Chính, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, nói: “Đó là Festival Thuyền buồm quốc tế đầu tiên tỉnh Bình Thuận tổ chức. Bây giờ, tỉnh đã có các giải lướt ván buồm, khinh khí cầu… rồi. Chúng tôi tập trung lo cho những giải này để thu hút du khách”.
L.Trường- Hồng Ánh - Thạch Thảo (Người Lao động)
Kỳ tới: Phô trương là chính
Có 8 ý kiến
Hai Phong 12/04/2012 23:01
Chính xác ! Tiền thuế của dân mà tiêu xài vô tội vạ nên dân đen càng khổ !
Hoàng 12/04/2012 23:01
Tôi thắc mắc tại sao không dùng chữ lễ hội mà cứ là Festival, khiến cho chữ nghĩa tiếng Việt nửa Tây nửa ta?
BẢY BÙ LON 12/04/2012 23:15
Lễ hội chẳng qua là để cho dân chơi cho đỡ buồn khi kinh tế khó khăn , vật giá leo thang , và đời sống quá lệ thuộc vào cơm áo gạo tiền...
Vinh Hân 12/04/2012 23:21
Tôi là con dân của đất Lâm Đồng, sao tôi thấy mấy cái vụ các lễ hội sao nhàm chán quá, nhất là Lễ hội Hoa Đà Lạt. Sao cứ phải Festival đầu tư tốn kém lãng phí, chỉ được cái chớp nhoáng trống rỗng, mà ẩn sâu bên trong nó cả một tỉnh Lâm Đồng thơm lấy tiếng Thành phố Hoa, nhưng đi suốt chặng đường từ huyện Đạ Hoai cho tới TP Đà Lạt, chưa thấy một vườn bông đúng nghĩa cả chỉ toàn vài cây bông giấy "Bông giấy xứ nào chẳng trồng được, đâu phải loại hoa đặc trưng". Nhưng quan trọng nhất là trồng xuống không đầu tư chăm sóc, cây ngả ,cây nghiêng trông nhếch nhác. Lên tới thành phố thì cũng chẳng kém trên đường đi là bao...dịch vụ du lịch thì thật tệ,ăn uống thì chặt chém, dở tệ. Mong sao các cấp lãnh đạo địa phương nên có Sức Mạnh đầu tư đừng vì ham đua đòi mà chẳng được gì...
Thiên Kim 12/04/2012 23:45
Hãy làm du lịch một cách chuyên nghiệp và trung thực. Quảng bá rầm rộ, tổ chức lễ hội hoành tráng tốn kém mà làm ăn chụp giựt, chặt chém, móc túi, cướp giật... thì du khách một đi không trở lại là chuyện thường tình. Cuba là một nước nghèo , lại bị Mỹ cấm vận vậy mà du lịch lại là ngành kinh tế mũi nhọn mang lại nguồn ngoại tệ quý giá cho họ. Hằng năm rất nhiều du khách đến Cuba, đặc biệt là dân vùng Bắc Mỹ. Nhiều người Canada thường xuyên du lịch Cuba, và rất nhiều lần họ quay lại đây bởi người dân thân thiện, thật thà, bãi biển sạch đẹp, không có tệ nạn XH. Chúng ta mắc căn bệnh thích phô trương hình thức, và nhiều "đầy tớ" cũng lợi dụng những lễ hội đó để tìm cách đục khoét ngân sách. Đáng xấu hổ!!!
Ngỗng 13/04/2012 02:04
Làm lễ hội về khía cạnh kinh doanh là để kích cầu. Nhưng cung chỉ có thế, không nhích được thì có cầu cũng vô ích. Dồn tiền của làm một quảng cáo mong bán cái mình chưa đủ sức bán, chẳng thà làm ngược lại còn đỡ tốn bạc tỷ và hiệu quả lâu dài hơn. Hay chỉ coi Phét-ti-van là một dịp làm ăn xổi, rồi lần sau làm tiếp?
Bà Tám 13/04/2012 05:27
Bạn Bảy Bù Lon viết: "Lễ hội chẳng qua là để cho dân chơi cho đỡ buồn khi kinh tế khó khăn, vật giá leo thang..." cũng đúng, còn tui thì "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ". Đang rầu thúi ruột vì viêm màng túi mà thấy tưng bừng phét-ti-van, sao buồn ghê!
Hungnhatrang 13/04/2012 08:00
Các fetíval diễn ra như một phong trào...Rồi đây sẽ đến nhà nhà tổ chức fetíval...Tiêu tốn biết bao nhiêu tiền của của dân. Đã đến lúc chúng ta phải tiết kiệm để nhìn xa hơn

Thầy giáo 9 tuổi

Thầy giáo 9 tuổi
10/04/2012 3:26
Trong con hẻm số 3 nằm trên đường Phạm Huy (TP.Vinh, Nghệ An) có một lớp học rất đặc biệt. “Thầy giáo” ở đây là một cậu bé 9 tuổi, đang học lớp 3.
Lớp học nằm trên tầng 3 ngôi nhà của bà Chu Thị Thanh Hà, bà ngoại cậu bé “thầy giáo” Trần Lê Hữu Giỏi. Ba chiếc bàn được kê gần với tấm bảng viết. Lớp học đặc biệt này do cậu bé Giỏi mở tháng 9 năm ngoái. Mỗi tuần Giỏi dạy 2 buổi vào chiều thứ tư và thứ sáu. Bà cậu rất vui khi nói về lớp học của đứa cháu ngoại.   
Lớp học hồn nhiên
Buổi chiều, giờ tan tầm. Đám trẻ vừa đi học về đến nhà đã lục tục kéo đến nhà “thầy Giỏi”. Gặp Giỏi cũng vừa từ trường trở về, chúng khoanh tay “chào thầy” ríu rít dù có đứa hơn “thầy” đến hai lớp. “Thầy giáo” cũng “chào các em” một cách rất tự nhiên. Thấy tôi ngạc nhiên khi đám trẻ xưng hô rất lễ phép với “thầy”, bà Hà cười, nói chúng cứ gọi hồn nhiên như thế từ khi lớp học hình thành.
Buổi học bắt đầu lúc 17 giờ kém 10. Học trò gồm 11 em đang học từ lớp 2 đến lớp 5 ngồi quanh ba chiếc bàn. “Thầy giáo” Giỏi có khuôn mặt trông thông minh với cặp kính cận dày cộm, trễ đến xuống tận cánh mũi, mở giáo án ra và bắt đầu buổi dạy. Đầu tiên là kiểm tra bài cũ. Cậu bé gọi tên từng “học trò” rồi kiểm tra bài hôm trước. Đó là các từ vựng về tên một số nước: Nga, Nhật Bản, Hà Lan... và cách ghép câu, kiểu “He/she is from Japan”... “Thầy giáo” Giỏi đặt câu bằng tiếng Việt, “học trò” trả lời bằng tiếng Anh. Đám “học trò” tranh nhau giơ tay xin được kiểm tra khiến lớp học rất rộn ràng. Kiểm tra xong mỗi đứa, “thầy Giỏi” lại cho điểm vào sổ và không quên kèm theo lời khen: “Tốt lắm”.
“Bây giờ chúng ta học bài mới. Hôm nay, ta học về từ chỉ người các nước”, “thầy giáo” Giỏi nói sau khi đã kiểm tra xong bài cũ. Để cho đám “học trò” dễ nhìn, “thầy Giỏi” trèo lên trên cái ghế đẩu, viết lên bảng ngày, tháng bằng tiếng Anh và những từ vựng về tên gọi người của một số nước: Scottish, French, Russian... rồi phiên âm và lấy thước chỉ lên từng từ, đọc to cho đám “học trò” đọc theo.  
Đọc qua đọc lại cỡ mươi lần, cậu bé gọi từng “học trò” đứng lên đọc thử để kiểm tra cách phát âm và “chỉnh” giúp những học trò phát âm chưa chuẩn. Sau khi kiểm tra miệng xong, cậu bé xóa hết những từ đã viết trên bảng rồi yêu cầu “học trò” viết lại trong 5 phút. Đám “học trò” lấy vở và bút ra hí hoáy làm bài, vừa viết vừa trò chuyện vui vẻ, “thầy giáo” thì tranh thủ ngồi tót lên ghế hồn nhiên góp chuyện.
Sau khi “thầy” thông báo hết giờ, đám “học trò” nộp vở lên cho “thầy” chấm điểm. Cậu bé chấm điểm vào vở của “học trò”, vừa chấm vừa đọc tên rồi xướng điểm luôn và cũng không quên kèm theo lời khen “Tốt lắm”.
Chấm xong, trả bài, cậu bé lấy thước gõ vào cái ống tuýp dựng ở góc tường cạnh tấm bảng mấy tiếng “keng, keng, keng, keng...” rồi nói “đến giờ ra chơi”. Đám học trò reo hò, đứng dậy lôi mấy quả bóng để ở góc phòng ra. Cả “thầy” và “trò” cùng chia phe tranh nhau mấy quả bóng và hò hét inh ỏi.
 Buổi học lại tiếp tục sau khi cả “thầy” và “trò” đều đã mệt lử. “Thầy giáo” tiếp tục viết lên bảng các câu bằng tiếng Việt liên quan đến những từ vựng vừa học để học trò tự dịch ra tiếng Anh, những câu bằng tiếng Anh khuyết từ để học trò điền vào chỗ trống. Đám “học trò” sau giờ chơi lại chăm chú học. Cuối giờ học là phần bài tập về nhà.
Lớp học tan khi trời đã nhá nhem tối. “Học trò” trước khi ra về lại ríu rít “Chào thầy, em về”.
Cậu bé ham sách
Bà ngoại của cậu bé kể, hồi mới 2 tuổi rưỡi, Giỏi đã đọc được sách báo. Khi Giỏi 3 tuổi, bà (bà Hà nguyên là giáo viên dạy tiếng Anh Trường CĐ Sư phạm Nghệ An) dạy cho cậu học tiếng Anh. Cậu học rất nhanh và tỏ ra rất thích thú. Tháng 9 năm ngoái, khi vừa lên lớp 3, có đứa bạn học cùng lớp với cậu bé đến nhờ cậu “phụ đạo” môn tiếng Anh. Sau đó, một số em khác cũng đến nhờ. Bà Hà bảo đám trẻ lên tầng 3 để học. Một hôm, bà và mẹ cậu (cũng là giáo viên dạy tiếng Anh Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vinh) ngạc nhiên thấy cậu cầm cuốn vở và cái thước đứng rất chững chạc, gõ lên bàn nói: “Hôm nay, chúng ta làm bài kiểm tra”. Bà Hà hỏi thì cậu bé nói cháu đang dạy học. Không nghĩ rằng cậu bé “dạy học” thật mà sợ cháu lo chơi, không tập trung học bài nên bà nói với bố mẹ cậu cấm cậu chơi trò chơi dạy học. Cậu bé khóc. Vài bữa sau, có một phụ huynh đến xin cho con “nhập học” lớp “thầy Giỏi” khiến bà và bố mẹ cậu rất bất ngờ. Sau khi kiểm tra “giáo án” mà cậu bé đưa, bà ngạc nhiên thấy cậu làm rất bài bản như một tiết học ở trên lớp. Thấy Giỏi cứ nằng nặc đòi “dạy học”, không cho thì khóc nên cuối cùng cả nhà đồng ý cho cậu “mở lớp” dạy tiếng Anh, tuần 2 buổi. Ban đầu, mẹ cậu chỉ dẫn cho cậu cách bố trí một tiết dạy và sửa “giáo án”, sau đó thì cậu tự làm. 
Từ vài ba “học trò” ban đầu, ít bữa lại có thêm phụ huynh đến xin cho con “nhập học” và nay thì số “học trò” đã hơn chục em.
“Tôi nói với phụ huynh các cháu là các anh chị đừng kỳ vọng chi lớn lao ở lớp học này mà hãy cứ coi như đây là trò chơi của bọn trẻ. Họ vui vẻ đồng ý. Mấy ngày qua cũng có một số người gọi điện đến xin gửi con học nhưng tôi phải nói khéo để từ chối vì không có bàn ghế cho các cháu ngồi”, bà Hà kể. Nhận xét về “thầy giáo” của mình, em Trần Thị Quỳnh Anh (lớp 5) nói: “Thầy Giỏi dạy dễ hiểu, học ở đây lại vui nên con rất thích”.
Ngoài giờ học và “dạy học”, sở thích của cậu bé là đọc sách và học tiếng Anh trên mạng. “Các môn học khác cháu cũng học bình thường, riêng tiếng Anh thì cháu học tốt và đam mê. Ngày sinh nhật, hỏi con muốn bố mẹ tặng gì, cháu đều xin mua sách. Những cuốn tiểu thuyết như Chiếc lều bác Tom, Không gia đình... tôi để trong tủ cháu đều lôi ra đọc hết. Ngay cả cuốn Cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer nguyên bản tiếng Anh, tôi đưa để thử thì cháu đọc rất chăm chú và nói con hiểu được nội dung”, chị Lê Thị Sao, mẹ cậu bé, kể.
Ông nội và ông ngoại cậu bé cũng là những giáo viên có tiếng ở vùng đất học. Bố cậu cũng đang công tác trong ngành giáo dục. “Con muốn sau này sẽ thành thầy giáo dạy tiếng Anh”, Giỏi nói.
Khánh Hoan (Thanh Niên)
“Thầy giáo” Giỏi đang chấm bài kiểm tra cho học trò 


Tiếng Việt đang méo mó

Tiếng Việt đang méo mó
13/04/2012 3:22
Tiếng Việt đang mất dần sự trong sáng và vẻ đẹp riêng từ lời ăn tiếng nói đến văn viết của chính người Việt.
“Chóng mặt” với Tây hóa
Việc xen kẽ những từ ngữ nước ngoài không còn quá xa lạ trong những mẩu đối thoại hằng ngày của giới trẻ. Tuy chưa có một điều tra xã hội học hay thống kê đầy đủ nhưng các nhà ngôn ngữ học đều cho rằng hiện tượng này rất phổ biến.
Anh Ngọc Hưng, quê ở Đồng Tháp kể: “Tôi gọi điện đặt khách sạn ở Sài Gòn để tiện công tác. Cô lễ tân báo còn phòng và nói: “Anh nhớ “cần phơm” (confirm) cho em nha”. Anh Hưng không hiểu, nhưng sợ người ta bảo mình nhà quê nên thôi. Đến ngày công tác, anh đến khách sạn này thì cô lễ tân nói: “Em không thấy anh “cần phơm” nên cho thuê phòng mất rồi”. Lúc này anh Hưng thắc mắc: “cần phơm” là cần gì? Cô lễ tân đáp: “Dạ, là xác nhận chính thức lại cho em”.
Không những thế, trong giao tiếp, nhiều người đã làm tối nghĩa tiếng Việt khi trộn lẫn nửa Anh, nửa Việt. Thỉnh thoảng vẫn nghe các cô nhân viên văn phòng khen nhau: “Hôm nay trông chị “hép py” (happy) quá nha”, hay “Bữa nay nhìn “kiu” (cute) quá”. Trong khi tiếng Việt có thể nói “Hôm nay trông xinh thế”. Thậm chí có những cuộc đàm thoại mà người thạo tiếng Anh cũng phải đoán già đoán non: “Bên công ty đó “còm plen” (complain), mình đã “ex plen” (explain) cái giá “phích” (fix) rồi mà họ vẫn kêu “ex pen” (expensive). “Cần trắc” (contract) tiếp theo chắc hổng “sua” (sure) rồi”.
Đó còn chưa kể, không ít người còn Tây hóa lối hành văn của tiếng Việt, gây lủng củng, khó hiểu. Có cô bạn làm việc tại một công ty nước ngoài. Hôm về quê thăm nhà, nhờ em mình ra chợ mua đồ, cô dặn: “Em hãy chắc rằng các món chị ghi trong giấy được mua đầy đủ nhé”. Mẹ cô ở trong nhà nghe thế, càu nhàu: “Chỉ cần nói nhớ mua hết mấy thứ chị dặn là đủ rồi, con học ở đâu mà nói nghe sượng thế?”. Số là, cô bạn tôi vừa nói theo mẫu câu: “Make sure all the lights will be off” (Hãy chắc rằng tất cả đèn đều được tắt) để nhắc nhở đồng nghiệp tắt đèn trước khi về. Những câu trở nên phổ biến vẫn như “Rất vui được nghe điều đó” ảnh hưởng từ “I’m glad to be heard of that”, trong khi tiếng Việt chỉ cần nói “Nghe vậy mừng quá”.
Giáo sư Anh ngữ Tôn Thất Lan bức xúc: “Tôi thấy nhiều công ty để dòng chữ đọc rất ngượng ngạo: “Xin giữ cửa đóng lại”, ảnh hưởng từ câu “Keep the door closed”, trong khi tiếng Việt có câu rất hay: “Vui lòng đóng cửa”. Gần đây, nhiều câu giới thiệu theo kiểu phim Hàn Quốc: “Đây là trưởng phòng Tuấn”, trong khi tiếng Việt thường nói: “Đây là anh Tuấn, trưởng phòng”. Ngay cả trên các kênh truyền hình cũng có câu “Chương trình này được tài trợ bởi nhãn hàng X” cũng là một văn phong ngượng ngạo trong tiếng Việt. Về sau người ta dùng câu chủ động hay hơn: “Nhãn hàng X hân hạnh tài trợ chương trình này”.
Những câu tiếng Việt viết sai chính tả, ý tứ lủng củng, pha trộn từ nước ngoài xuất hiện khắp nơi
Ngượng nghịu với văn viết lai căng
Dạo qua hầu hết các diễn đàn, mạng xã hội hiện nay, có rất nhiều bình luận, bài viết dùng ngôn từ lạ, lai căng khiến tiếng Việt mất đi sự trong sáng.
Trên công cụ yahoo chat, nhiều người tha hồ sáng tạo và còn cố tình viết sai chính tả cho dí dỏm, như: “chời” thay vì “trời”, “cái zị zậy ta” thay vì “cái gì vậy ta?”.
Trong văn viết của cộng đồng mạng, nhất là những trang mạng xã hội, rất nhiều người đã sử dụng tiếng Anh pha lẫn tiếng Việt. Chẳng hạn khi khen một bức ảnh cô gái nào đang đỏm dáng, bạn nữ thường phản hồi: Cute (xinh) thế, trong khi phái mày râu thường viết: Hot (bốc lửa) thế. Hoặc trong nội dung các cuộc bình luận, cư dân mạng thường viết: “Tui hổng care (quan tâm) chuyện này” hoặc: “Cái view (cảnh nhìn) này đẹp quá”.
Cũng có ý kiến cho rằng, những cách viết như vậy chỉ là tiện cho việc trao đổi thông tin, không mất thì giờ. Nhưng nếu tiếp diễn lâu dài, rất có thể nó sẽ trở thành thói quen không sửa được. Và tình trạng này đang xảy ra khá phổ biến ở các trường phổ thông.
Ông Nguyễn Hữu Phước, giáo viên dạy văn Trường THPT Cần Giuộc (Long An), cho biết: “Do thói quen viết tắt trong ghi chép bài, nên khi làm kiểm tra một tiết hoặc thi học kỳ, có rất nhiều em đã bê luôn các từ này vào bài văn của mình, ví dụ như: or (hoặc), if (nếu)…”. Thạc sĩ Đào Hồng Điện, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, trong bài tham luận tại hội thảo khoa học toàn quốc “Phát triển và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay”, diễn ra ở TP.HCM năm 2010, cho rằng chính thái độ tùy tiện của người sử dụng chữ viết là nguyên nhân khiến cho tiếng Việt dần mất đi tính trong sáng.
Giáo sư Anh ngữ Tôn Thất Lan cũng nhận định: “Bắt chước là một cách học tiếng Anh hiệu quả, nhưng ngoại hóa tiếng Việt như vậy chỉ cho thấy mình ra vẻ biết tiếng Anh, và văn nói nghèo nàn. Đây là thói quen không xấu, nhưng không nên vì đến một lúc nào đó bạn sẽ phải lóng ngóng và khó khăn lắm mới viết được một câu văn hoàn chỉnh, dần đánh mất văn phong của ngôn ngữ tiếng Việt trong tương lai, nhất là cho các thế hệ sau này”.
Theo thạc sĩ Trần Ngọc Thơ, Phó khoa Văn hóa học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, đây là hiện tượng lai tạp, tiếp thu thiếu chọn lọc các yếu tố văn hóa phương Tây, mà điển hình là ngôn ngữ.
Hạ Mi - Minh Luân (Thanh Niên)
Ý kiến:
“Nguyên nhân chính do có nhiều chữ tiếng Việt phải diễn đạt dài dòng, trong khi tiếng Anh chỉ cần nói một chữ là đủ. Tuy nhiên, nhiều sinh viên khi phỏng vấn xin việc lại đệm thêm tiếng Anh cho có vẻ sành điệu là không nên vì cách nói này chỉ dùng trong giao tiếp thân mật và nội bộ”. Thu Hằng  (Trưởng phòng nhân sự một công ty Anh quốc)
“Đệm tiếng Anh trong câu tiếng Việt cũng có cái lợi là tạo cho người học có sự liên tưởng và nhớ từ vựng kỹ hơn. Đồng thời khi trong nhóm nói với nhau thường xuyên cũng tạo được sự thân mật, hiểu nhau. Vấn đề là làm chủ ngôn ngữ, nói gì, vào lúc nào là điều quan trọng trong văn hóa giao tiếp”. Nguyễn Hoàng Hùng (Chủ nhiệm CLB Anh ngữ Nhà văn hóa Thanh niên, TP.HCM)
“Nước ta trên đường hội nhập cũng không tránh khỏi việc dùng hai ngôn ngữ trong cuộc sống. Tuy nhiên khi nào bạn nói tiếng Việt thì nên nói trọn vẹn, còn khi dùng tiếng Anh thì nói cho lưu loát. Việc nói xáo trộn hai ngôn ngữ có thể ảnh hưởng xấu đến văn viết của bạn, nhất là khi bạn học tiếng Anh chưa đến nơi đến chốn”. Mỹ An (Tổng công ty du lịch Sài Gòn)


Chiêu trốn học của học trò

Chiêu trốn học của học trò
12/04/2012 3:49
Hiện học sinh (HS) có nhiều “kế sách” nhằm mục đích… được nghỉ học.
Bỗng dưng cấp cứu
Để dẫn chứng, thầy Phan Minh Khoa - Giám đốc Trung tâm giáo dục thường (TTGDTX) Q.Tân Bình, TP.HCM liệt kê hàng loạt những trường hợp dở khóc dở cười của HS trung tâm mình. Đang trong giờ học, một HS ngã lăn ra đau dữ dội, mặt nhăn nhó. Ba bạn ngồi cùng bàn ân cần giúp đỡ, xin giáo viên đưa bạn đi cấp cứu và chăm sóc bạn. Tưởng thật, giáo viên cũng đồng tình, còn đánh giá cao tình bạn của học trò. Sau đó, nhà trường tức tốc cử người đến Bệnh viện quận Tân Bình để xem tình trạng bệnh của HS thế nào. Nhân viên của trường tìm mãi, không thấy HS của mình đâu. Sau khi điều tra mới biết những HS này chỉ viện cớ bỏ học đi chơi chứ không bệnh hoạn gì cả.
Tương tự, cô Nguyễn Thị Út - chuyên viên tham vấn tâm lý của Trường THCS Cửu Long, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, cho biết: “Việc thường thấy nhất là HS giả bệnh để xuống phòng y tế nằm nghỉ cả tiết học, có khi cả buổi. Khi y tá khám, không phát hiện bệnh, nhưng HS cứ run bần bật. Đến hết giờ học, “bỗng dưng” khỏe mạnh”. “Có HS đã tâm sự thẳng thắn với tôi, rất nhiều lần em uống một loại thuốc ho, để cho người ngầy ngật, vào lớp không học nổi, thế là được xuống phòng y tế nằm cho hết buổi học”, cô Út nói.
Mỗi lần chán học thì các nữ sinh lại giả vờ đau bụng vì tới “chu kỳ”. Với chiêu này thì nhà trường có muốn kiểm tra nữ sinh có giả vờ không thì cũng bó tay. Đáng nói, có trường hợp, 1 tháng nhưng tới chu kỳ đến 2 lần.
Trốn vào nhà vệ sinh
Cũng tại TTDGTX Q.Tân Bình, có HS còn thuê xe ôm làm người nhà đến đón sớm với lý do: lúc thì ông cố đau nặng, lúc thì bà ngoại nhập viện xin vào gặp lần cuối, lúc thì ông năm, dì tư té xe…
Có HS còn táo bạo hơn, lưu vào danh bạ của bạn số điện thoại của cha hoặc mẹ mình. Sau đó nhờ bạn nhắn tin vào điện thoại với nội dung: “Về nhà gấp, có chuyện khẩn”... Với chứng cứ này, HS lại đến xin giáo viên chủ nhiệm và giám thị để nghỉ học về nhà.
Cô Nguyễn Thị Út cũng đang là giáo viên của Trường THCS Nguyễn Văn Bé (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cho biết: “Có lần HS ở trường này còn đem cả bột năng, bột mì vào lớp, tới giờ học nào không thích sẽ tung bột lên mịt mù với ý nghĩ: Để phòng ốc trở lại bình thường thì cũng phải mất gần một giờ. Nếu vậy, các em sẽ được nghỉ một tiết”.
Tại Trường THCS Cửu Long, HS còn đem “bom thối” (những chất hóa học gây thối được bọc kín trong giấy kiếng) vào lớp đập, khiến cho phòng học có mùi hôi thối nồng nặc hàng giờ liền mới khỏi. Thực hiện việc này, mục đích cuối cùng của các em là được nghỉ học.
Ông Trần Tấn Tài - Phó phòng Giáo dục Q.5, TP.HCM, cho biết có HS còn lấy nước ngọt đổ lên bàn, khiến cho cả lớp và giáo viên phải mất thời gian lau chùi. Một việc thường thấy nhất ở các trường phổ thông hiện nay là HS trốn vào nhà vệ sinh đến hết tiết. “Đáng nói là việc trốn vào nhà vệ sinh, các bạn cùng lớp không tố giác, mà còn bao che cho nhau. Giáo viên bộ môn thì không thể nào biết là lớp hôm nay có ai vắng?”, cô Út nói.
Nên hiểu tâm lý học sinh
Theo thầy Phan Minh Khoa, khi phát hiện những trường hợp cố tình lừa dối, trung tâm sẽ công khai kiểm điểm HS vào giờ sinh hoạt dưới cờ thứ hai hằng tuần, trừ điểm hạnh kiểm, báo về cho phụ huynh. Đối với các trường hợp bệnh, nhân viên y tế sẽ kiểm tra độ tin cậy. Nếu thấy nặng, thông báo người nhà vào chăm sóc. Đối với các HS cần phải cho về nhà, báo cho phụ huynh để cùng giám sát. Trường hợp thân nhân vào liên hệ xin phép, giám thị sẽ kiểm tra mối quan hệ qua học bạ, phản hồi lại cho giáo viên chủ nhiệm, báo ban giám đốc quyết định.
Cô Nguyễn Thị Út nêu vấn đề: “Nhiều HS tâm sự thầy cô chỉ thích la mắng chứ không thể nói nhẹ nhàng với những sai phạm của các em. Điều này làm cho các em chán học nên tìm lý do để nghỉ học. Có em còn cố tình chống đối để thầy cô phạt hoặc đuổi ra khỏi lớp vì đây là điều mà các em mong muốn. Tâm lý tuổi học trò là khi cảm nhận được thầy cô bộ môn nào thương mình, các em sẽ rất hạnh phúc, luôn muốn gần gũi và chuyên cần học tập môn đó”.
Minh Luân (Thanh Niên)