Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

CẮM HOA CÚNG PHẬT

CẮM HOA CÚNG PHẬT

Là người Phật tử nên cô Diệu Kim rất chú trọng bàn thờ Phật trong gia đình. Cô Kim thích cắm hoa cúng Phật, làm cho bàn thờ trang nghiêm, đẹp đẽ. Xin giới thiệu một số mẫu hoa đã cắm















BỒ TÁT CÓ LINH ỨNG KHÔNG?

BỒ TÁT CÓ LINH ỨNG KHÔNG?

DIỆU KIM (đã đăng báo Giác Ngộ)

Báo Giác Ngộ số ra ngày 3-11-2012 có đăng bài tâm tư của cô Liên Thuỷ 38 tuổi đã làm nhiều việc thiện để cầu con trai nhưng đi siêu âm thai thì vẫn thấy là con gái. Cô có phần hoang mang, hình như không tin vào sự linh ứng của Bồ Tát nữa. Chúng tôi xin có một vài lời góp thêm với cô, mong cô sẽ bình tâm mà tiếp tục những hạnh nguyện lành, không mất niềm tin vào Phật pháp.

Thứ nhất, chúng tôi có một người quen là cô Đặng Thị Phượng, Phật tử của chùa Quảng Hạnh, thị trấn Lagi tỉnh Bình Thuận, cũng cầu con trai như cô Liên Thuỷ, nhưng siêu âm mãi cho đến gần ngày sanh vẫn có kết quả là con gái. Thế mà khi sinh ra, lại chính là con trai. Mọi người đều vui mừng và càng tin tưởng vào sự gia hộ của chư Bồ Tát.

Thứ hai, cách đây hơn 20 năm, nhà tôi ở Đồng Tháp, chị Hai hàng xóm đã có hai cô con gái nên gia đình chồng thiết tha mong một cậu con nối dõi dù chị Hai đã lớn tuổi, chỉ có thể sinh thêm một lần nữa mà thôi. Khi chị có bầu, chị đi khám khắp nơi, từ các bác sĩ ở bệnh viện tỉnh, bệnh viện TPHCM, cho đến các bà mụ nổi tiếng của làng xã (để tham khảo thêm), tất cả đều dự đoán chị sinh con gái. Chỉ còn khoảng hơn 1 tháng nữa chị lâm bồn, bà mẹ chồng của chị xuống ở nhà trông nom chị, và bà đã thành tâm khấn nguyện ngày đêm, cúng kiến, thắp hương, trì kinh, trì chú. Bà vốn ăn chay trường, hiền lành, phúc hậu. Cuối cùng, chị Hai sinh ra đứa con trai kháu khỉnh. Bây giờ cháu đã là một kiến trúc sư tử tế, hiền hậu.

Hai dẫn chứng đó có lẽ cũng giúp chúng ta an tâm hơn về sự linh ứng của Bồ Tát, nếu chúng ta thành tâm cầu nguyện điều gì. Thế nhưng, nếu điều cầu xin của chúng ta vẫn không được kết quả thì cũng đừng thất vọng và mất niềm tin. Bởi như lời của Tổ tư vấn đã viết, con trai hay con gái đều do duyên nghiệp của mình, hãy chấp nhận và thương yêu hơn là phủ nhận và so đo. Thái độ này sẽ dẫn đến những hệ luỵ không hay.

Tôi có cô bạn gái, có chồng mãi đến gần 40 tuổi mới thụ thai, chưa kể là tốn mấy chục triệu đồng để đi khám và uống thuốc hiếm muộn. Cả nhà và bạn bè đều chia vui với cô. Nhưng sau khi cô đi siêu âm biết thai là trai thì cô liên tục cằn nhằn, bởi cô chỉ thích con gái. Bụng đã 5 tháng rưỡi, đứa bé đã thành hình rất rõ, mà cô vẫn luôn có câu nói cửa miệng “Không thích!”. Tôi ghé thăm, nghe vậy liền can ngăn: “Mầy đừng nói thế, con nó nghe, nó sẽ “giận”. Mình chào đón, nâng niu nó thì nó mới sung sướng mà ở với mình chứ. Cứ bảo “không thích”, ông bà cữ kiêng đó!”. Tôi là phật tử, không tin vào chuyện kiêng cữ mê tín, nhưng phải giả bộ nói vậy để cô bạn sợ mà thôi cằn nhằn. Thật lòng, tôi chỉ tin nhân quả. Khi mình không trân trọng thứ gì thì mình sẽ không còn thứ đó nữa. Mình biết thương, biết đón nhận, thì chúng sanh mới đến với mình. Ví như lòng hiếu khách vậy, nếu ta là chủ nhà mà ta không thích khách khứa lui tới, cứ cằn nhằn hoặc mặt mày chù ụ, thì lần sau không ai dám bước vô nhà ta nữa. Nhưng dù tôi khuyên can, cô bạn vẫn không tin. Thế là chỉ tuần sau, nghe cô sẩy thai. Thai nhi gần 6 tháng, một đứa con trai mặt mũi tay chân đầy đủ. Gia đình hoả táng đứa bé, gởi vào chùa. Đến bây giờ cô vẫn đi thăm con, nâng niu hũ cốt, dù biết đó là thứ còn sót lại muộn màng nhất của một sinh linh. Và cô không còn cơ hội mang thai lần nữa.

Xin quý chị em phụ nữ hãy vui vẻ với thiên chức làm mẹ của mình, bởi được làm mẹ đã là một hạnh phúc lớn. Có người vô sinh, tốn cả trăm triệu để thụ thai nhân tạo, mà chưa chắc đã có thai. Vậy ta được mang con trong bụng, được nghe tiếng con quẫy đạp, có niềm vui nào bằng. Và đứa con nào đến với mình cũng là do duyên nghiệp, hãy cố gắng nâng niu và chăm sóc bé, để bé trở thành người tốt, làm điều lợi ích cho bản thân nó, gia đình, và xã hội. Như vậy ta mới xứng đáng là “người mẹ”. Còn hơn đòi trai, đòi gái, tâm lăng xăng, phân biệt, thì chắc không còn bao nhiêu tâm trí để nuôi và dạy con.

LÀM THẦY HAY LÀM THỢ?



LÀM THẦY HAY LÀM THỢ?

HOÀNG KIM

Báo Thanh Niên đưa tin Trường Trung cấp nghề Bạc Liêu vắng vẻ học viên, dù cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên xem ra khá đầy đủ. Trong khi đó nhiều em sinh viên vùng xa đang “bơi” ở TP.HCM với các chương trình học, và học phí, tiền ăn ở cao ngất…

Thực tế là hiện nay phần lớn các gia đình và bản thân các sinh viên đều thích chọn những ngành có vẻ “sang sang”, được làm việc ở văn phòng, chứ không mấy người mặn mà với việc học nghề. Rất nhiều em chen nhau học kế toán, luật, quản trị kinh doanh, ngân hàng…nhưng khi ra trường rất khó khăn tìm được việc làm bởi xã hội đã bão hoà, và bởi hàng loạt doanh nghiệp đã giải thể. Như vậy giấc mộng “làm thầy” gần như tan biến. Hoặc phải làm tạm những nghề khác để chờ đợi, có khi đổi nghề luôn mà sống. Chưa kể, nhiều trường tại TP.HCM bây giờ cũng tuyển sinh dễ dãi vì thiếu chỉ tiêu, học viên điểm thấp lè tè cũng được tuyển vào, học hành lớt phớt rồi cũng có bằng cấp, rồi có tìm việc được hay không thì học viên ráng chịu. Cho nên cầm cái bằng cấp của những ngành “thời thượng” nhưng không có gì bảo đảm sẽ thành công sau này.

Trong khi đó, công cuộc xây dựng đất nước có nhu cầu rất lớn về “thợ”, rất cần những thợ tay nghề cao, chuyên môn giỏi. Kỹ thuật điện, điện tử, điện gia dụng, cơ khí, ô tô, nhiệt, xây dựng, thực phẩm, may mặc, bác sĩ máy tính v.v… đều có cơ hội việc làm cao. Mà những ngành đó xem ra trường Bạc Liêu và một số trường tỉnh đã mở khá đầy đủ, không cần phải chạy lên Sài Gòn để học. Hoặc có thể học căn bản ở tỉnh cho đỡ chi phí gia đình, rồi trong quá trình đi làm sẽ tìm tòi học thêm, nghiên cứu thêm. Học cả đời, học qua thực tế, chứ đâu chỉ vài năm ở trường.

Làm thầy hay làm thợ không quan trọng. Quan trọng là có việc làm phù hợp, còn hơn chạy đôn chạy đáo vì những hư danh ảo. Nhiều người thành danh và khá giả nhờ tay nghề kỹ thuật cao, chứ không phân biệt thầy hay thợ. Tôi có cô em họ, thằng con trai của cô không chịu thi đại học nào hết mà nằng nặc đòi làm bếp. Nghe cô rầy la nó hoài, tôi bèn can thiệp, bảo cô cứ cho nó sống đúng với bản chất, năng khiếu, vì tôi nhớ hồi nhỏ nó thường say mê nấu nướng. Quả vậy, khi nó vào làm một nhà hàng Nhật, tự mày mò học hỏi, được ông đầu bếp người Nhật thương mến, cho làm phụ tá và dạy nghề. Mới vài năm mà lương của nó đã tròm trèm 10 triệu đồng mỗi tháng. Mẹ nó giờ hết rầy mà…khoe. Mấy cô thợ may cạnh nhà tôi, chỉ có cái tiệm nhỏ trong con hẻm ngoằn ngoèo, vậy mà khách hàng nườm nượp, chưa kể còn may bỏ mối cho shop thời trang. Còn hai tháng nữa mới đến tết mà tiệm đã thôi nhận khách, vì hàng đã quá nhiều. Còn một anh thợ sửa điện, sửa máy lạnh, tủ lạnh gần chỗ tôi cũng “chạy sô” bở hơi tai, vì khách hàng rất tin tưởng, gọi tới nhà liên tiếp. Bạn tôi là thợ sửa vi tính cũng vậy, khách hàng luôn ưu ái, vì hầu hết nhà nào cũng có máy tính, làm gì không trục trặc. Họ thích kêu thợ về nhà vì họ đỡ phải khiêng xách tới tiệm. Chỉ cần vệ sinh máy thôi đã gần 100.000đ, đâu phải kém cạnh. Nếu máy hư nhiều thì thợ sẽ tự mang đi, rồi trả lại sau, giá cả “ngon lành”.

Kinh tế khó khăn, gia đình có con đi học càng khó khăn hơn, vì phải thắt lưng buộc bụng, đi mượn, đi vay cho con đóng học phí, sinh hoạt. Vì vậy niềm hy vọng trút hết vào con. Nhưng nỗi thất vọng sẽ lớn hơn khi nó không tìm được việc làm hoặc làm việc khác với ngành đã học. Nên chăng đừng quá ảo tưởng vào những chức danh mà cần nhìn thẳng vào năng khiếu của con mình và vào thực tế xã hội để tìm ngành học và nơi học vừa sức, phù hợp. Khi người ta yêu nghề, làm đúng sở trường thì khả năng thành công và hạnh phúc lớn hơn.

Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

DANH TÁC THÀNH TRUYỆN TRANH



DANH TÁC THÀNH TRUYỆN TRANH

HOÀNG KIM – ANH VŨ (đã đăng báo Thanh Niên)

Mấy năm nay, những tác phẩm văn học kinh điển của Việt Nam và thế giới đã hiện diện trên quầy sách dưới một hình thức mới - truyện tranh. Hình thức này đang chứng tỏ sức hấp dẫn của mình với độc giả trẻ.
Tiểu thuyết Giông tố của Vũ Trọng Phụng đã biến thành 6 cuốn truyện tranh đầy hình vẽ sinh động và kịch tính. Cùng với Chí Phèo, Tắt đèn, Chiếc lược ngà, là thành quả lao động từ năm 2009 đến nay của nhóm họa sĩ trẻ B.R.O (Hoàng Anh Tuấn, Phạm Kiều Oanh, Nguyễn Nhật Nguyên) thuộc công ty Phan Thị. Những khung hình thể hiện nội tâm nhân vật cho thấy các bạn đã có sự đầu tư tìm hiểu rất kỹ tác phẩm văn học và chăm chút tỉ mỉ cho tạo hình nhân vật của mình. Nét vẽ mạnh mẽ, chín chắn nhưng không khô khan, thỉnh thoảng chen vào những đoạn phá cách, hài hước làm nhẹ bớt không khí bi kịch ở nguyên tác. Đặc biệt là cách chuyển cảnh, phân đoạn và dẫn dắt câu chuyện đậm chất điện ảnh, một yếu tố quan trọng làm nên sức thu hút của bộ truyện.

Quả thật, trong hội chợ sách tháng 3-2012, bộ truyện tranh Danh tác Việt Nam được độc giả trẻ đón nhận nồng nhiệt. Tắt đèn đã lấy đi không ít nước mắt của các bạn. Có nhiều bạn gọi điện nói phải tìm xem nguyên tác văn học mới được. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng bày tỏ: "Tôi rất thích bộ truyện tranh Chiếc lược ngà, các bạn họa sĩ đã cảm xúc và thể hiện thành công qua nét vẽ”. Dự án đang đi đúng hướng, góp phần làm phong phú thị trường truyện tranh Việt Nam, giảm thiểu tình trạng viết văn “thảm họa” trong học đường và vực dậy tình yêu văn học ở giới trẻ.

Bên cạnh những phản hồi ủng hộ, có một số ý kiến cho rằng bộ truyện tranh chưa thuần Việt đúng nghĩa, nét vẽ còn đậm chất Manga (truyện tranh Nhật Bản). Đây là một vấn đề khó tránh khỏi, ngay cả Manhwa (truyện tranh Hàn Quốc), Manhua (truyện tranh Trung Quốc) cũng ít nhiều bị ảnh hưởng của Manga. Tuy nhiên, nhóm cũng rất cố gắng tạo dấu ấn của riêng mình, yếu tố Việt Nam được lồng vào nhiều hơn, không lạm dụng phong cách Chibi (nhân vật tí hon, ngắn ngủn với đầu to, mắt to nhưng rất dễ thương) như một số truyện tranh khác. Rõ ràng, các bạn đã và đang lao động nghệ thuật nghiêm túc, hãy cho họ thêm thời gian.

Trước đó, nhà xuất bản Kim Đồng cũng đã phát hành bộ truyện tranh Tuyển tập danh tác thế giới, mua bản quyền của Hàn Quốc: Hai vạn dặm dưới đáy biển, Đảo giấu vàng, Hoàng tử bé, Romeo & Juliet, Robinson Crusoe, Bá tước Monte Cristo… Nhìn chung ngôn ngữ khá chuẩn mực, không có ngôn ngữ mạng và những chi tiết bậy bạ, thô tục. Nhưng nét vẽ của các tác giả Hàn Quốc thường nghiêng về phong cách Shoujo (truyện tranh thiếu nữ) mềm mại, nữ tính, đôi khi làm các bậc phụ huynh không thích. Nhưng dẫu sao, những danh tác ấy cũng đến được với các em, còn hơn là một “khoảng trống”…

“Hiện nay các bạn trẻ không có nhiều thời gian, các hình thức giải trí lại rất nhiều và hấp dẫn, ít ai chịu đọc sách chữ như xưa nữa. Trong khi đó nước mình có nhiều tác phẩm hay, nếu để mai một theo thời gian thì uổng lắm! Hy vọng đây sẽ là cầu nối giữa các bạn trẻ và văn học” (chị Phan Thị Mỹ Hạnh, giám đốc công ty Phan Thị) 


TÌNH NGƯỜI LÍNH ĐẢO



TÌNH NGƯỜI LÍNH ĐẢO

ANH VŨ (đã đăng báo Thời Nay)

Trong thời buổi kịch thị trường tràn ngập như hiện nay, sự xuất hiện của một vở kịch chính luận với hình ảnh người lính như Tội ác quyền lực quả là “của hiếm”. Đặc biệt nhất là những người lính đó lại khiến khán giả cảm động bởi lối diễn xuất của ê-kíp diễn viên sân khấu Kịch Sài Gòn, không lên gân giáo điều mà rất mềm mại, rất “tình”.

Giữa những đối thoại, những xung đột gay gắt xuyên suốt vở kịch nhằm lột tả thực trạng tiêu cực của xã hội, khi những con sâu như ông Tiến chủ tịch huyện, như cô Ngần chánh văn phòng đang đục khoét xương máu của nhân dân, làm hoen ố danh dự của tổ chức Đảng, thì nơi đảo xa, nổi bật lên những con người lặng lẽ giữ gìn chủ quyền đất nước, bằng tất cả tình yêu nước và trái tim bừng cháy lửa thanh xuân. Một đảo trưởng Hà cương nghị nhưng cũng đầy nhân hậu, bao dung đã mở rộng vòng tay đón nhận và khích lệ Thái vượt qua những cơn nghiện dai dẳng, đứng dậy làm người có ích. Với chất giọng mạnh mẽ, vang dội như những cơn sóng, cùng với ngoại hình cao to, Cao Thanh Danh đã thể hiện rất thành công vai diễn đảo trưởng Hà, một hình ảnh người lính rất điển hình với những phẩm chất cao đẹp từng là thần tượng của nhiều thế hệ thanh niên.

Khán giả lại bắt gặp một khía cạnh khác của người lính đảo qua nhân vật Nam, chàng trai trẻ vụng về, bồng bột, “thẳng như ruột ngựa” nhưng cũng rất hài hước, lãng mạn. Nam thẳng thắn phản đối Thái nhập ngũ khi biết Thái là một con nghiện nhưng sau đó lại vui vẻ, thân thiện và sẵn sàng hy sinh tính mạng để cứu sống đồng đội. Qua diễn xuất của Anh Đức, với những câu thoại đầy dí dỏm, những cuộc thi ca hát, thi Nam hậu… khán giả thấy được nét mộc mạc, dung dị và “nghệ sĩ” của người lính đảo, biết tìm thấy cái đẹp ngay trong gian khó, trẻ trung và rất dễ thương.

Chính những người lính ấy, ngoài nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, họ còn truyền cho mọi người xung quanh, cho thế hệ đàn em ngọn lửa lý tưởng. Một số thanh niên như Hoa, như Phượng tình nguyện ra đảo nhiều lúc chỉ vì để tìm một hoàn cảnh mới, công việc mới, hay để rời xa chuyện buồn, rời xa quá khứ. Nhưng rồi nơi đây, tình đồng đội và lý tưởng đã gắn kết họ với nhau, vượt lên những mong muốn tầm thường của cuộc đời để cùng cống hiến sức trẻ. Trong mênh mang trời nước, trong mưa dập gió vùi, cái đẹp của người lính đảo xù xì thô ráp nhưng rạng rỡ và ấm áp tình người.

Thêm một chút rất “đời”, người lính đảo cũng có tình yêu, cũng bị phụ bạc, cũng cay đắng, chờ mong, níu kéo…Thậm chí một chút băn khoăn liệu mình có nên bỏ tất cả để trở về đất liền tìm cuộc sống vật chất hòng giành lấy tình yêu? Nhưng rồi những thoáng đó qua đi, đọng lại vẫn là một cuộc sống trong trẻo của biển khơi với một tình yêu mới chờ đón những trái tim chân thành.

Vở kịch có một cái kết mở, những kẻ sâu dân mọt nước vẫn tiếp tục thăng tiến trên con đường làm quan của mình, cũng như hiện trạng xã hội vẫn chưa có lời giải đáp. Nhưng họ đã đánh mất hạnh phúc gia đình, đánh mất sự tôn trọng của nhân dân. Ngược lại, hình ảnh người lính thì khắc vào lòng khán giả một cái gì dịu dàng, ấm áp và tin cậy. Biển đảo đang là vấn đề thời sự, và vở kịch quả là một tác phẩm rất đáng được diễn phục vụ trong các trường phổ thông và đại học. Lớp trẻ đang cần những hình tượng đẹp như thế.

ảnh 1: Mạnh Tràng (vai ông Chúc), Cao Thanh Danh (vai đảo trưởng Hà) trong vở Tội ác quyền lực (ảnh: H.K)

ĐIỀU KỲ DIỆU CỦA TÌNH YÊU



ĐIỀU KỲ DIỆU CỦA TÌNH YÊU

ANH VŨ  (đã đăng báo Thời Nay)

Tình yêu là một điều kỳ diệu, là món quà của số phận dành cho con người, như một mảnh ghép xinh đẹp để hoàn thành bức tranh hạnh phúc. Nó đến và đi lúc nào không biết, chỉ biết món quà tuyệt vời ấy chỉ dành cho những ai biết yêu chân thành và tin tưởng. Một thông điệp rất dễ thương, được truyền tải bằng một câu chuyện cũng rất dễ thương trong vở kịch Tình nhân đến với tình nhân trên sân khấu Hoàng Thái Thanh (đạo diễn Lương Duyên, tác giả Trần Khiết, Việt hóa từ kịch bản Nhà tắm muôn năm của E.Braginsky - E.Riazanov).

Duyên phận đôi khi rất thích đùa với con người, như trường hợp của anh bác sĩ Thanh Luân (Quý Bình) trong vở kịch. Vào cái ngày anh chàng muốn trao chiếc nhẫn cầu hôn cho cô người yêu Bách Hợp (Bảo Châu) ở Vĩnh Long thì lại bị số phận “chơi” khi lên nhầm xe và đi tuốt xuống Cần Thơ. Vào nhầm nhà của Bích Ngọc (Tuyết Thu), bị bạn trai của cô là Thế Hiệp (Thế Sơn) hiểu nhầm, cộng với một dãy cái “nhầm” khác, Luân bị tống ra đường trong đêm. Hậu quả là anh chàng bị cướp sạch tiền bạc, mình đầy thương tích, phải trở về xin Ngọc cho tá túc một đêm.

Trong đêm mưa ấy, tất cả đều thay đổi chỉ bằng một phép thử. Luân có dịp nhìn kỹ Bách Hợp, cô người yêu lý tưởng được mẹ anh lựa chọn, hóa ra không ngoan hiền như anh đã tưởng. Ngọc cũng chợt nhận ra, anh kế toán viên đa nghi, nhu nhược và tính toán như Hiệp chỉ là sự thay thế vội vàng cho một tình yêu đã qua, là người không muốn và cũng không thể cùng cô hoàn thành bức tranh ghép Nụ hôn tình yêu được. Quan trọng hơn hết, cả Bách Hợp và Hiệp đều không có lòng tin vào người mình yêu mà chỉ tràn đầy sự chiếm hữu. Chính họ đã đánh mất món quà tình yêu quý giá, chứ không phải bàn tay của số phận nào cả.

Giữa một không gian hẹp diễn ra trong thời gian rất ngắn, bản tình ca lãng mạn vẫn đủ sức thu hút khán giả bằng một chút gia vị hài hước, bất ngờ và bằng cả diễn xuất tinh tế. Lúc thì tức giận “đấu khẩu” rất ngây ngô, dễ thương; lúc thì dịu dàng trong những phút trải lòng tâm sự, trong những giúp đỡ chân thành; lại có lúc quyết đoán từ bỏ những mảnh ghép lạc lõng, mạnh mẽ bảo vệ danh dự của mình như đoạn cô Ngọc đánh trả Bách Hợp khi bị xúc phạm; Quý Bình, Tuyết Thu đã nắm bắt rất tốt tâm lý nhân vật cùng với khả năng hài hước và tung hứng ăn ý của Bảo Châu, Thế Sơn. Thiết kế sân khấu tươi tắn lãng mạn, cũng lấy chủ đề là những mảnh ghép để trở thành cái ghế, cái bàn, kệ sách… chắc chắn thu hút khán giả trẻ.



ảnh: Tuyết Thu (vai Bích Ngọc), Quý Bình (vai bác sĩ Luân) trong vở Tình nhân đến với tình nhân (ảnh: H.Kim)