Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

Vĩ nhân và quốc tang


Vĩ nhân và quốc tang
14/04/2013
Một ngày sau sự kiện lớn đối với người dân nước Anh: bà Margaret Thatcher, cựu thủ tướng, người từng được mệnh danh là “Bà đầm thép” ra đi, không chỉ dân Anh mà nhiều người trên thế giới từng ngưỡng mộ bà, trong đó có nguyên thủ của các cường quốc như Mỹ, Nga… cũng tỏ lòng thương tiếc sâu sắc.
Tối 9.4, bản tin thời sự của VTV đưa tin, có đoạn: Nước Anh quyết định không tổ chức quốc tang và chỉ tổ chức nghi thức lễ tang đơn giản, theo nguyện vọng của bà Thatcher.
Buổi sáng, quanh bàn cà phê, vài ba người bạn vốn dân làm ăn kinh doanh, nhưng gặp phải thời buổi kinh tế khó khăn, làm ăn trì trệ nên cứ ngồi nấn ná mãi với câu chuyện được xem là sự kiện thế giới hàng đầu trong tuần này. Một người nói: Việc bà Thatcher được dân Anh kính yêu, nể phục có lẽ bởi bà đã mạnh dạn tư nhân hóa các tập đoàn kinh tế nhà nước, để từng bước đưa nước Anh ra khỏi tình trạng kinh tế khó khăn một cách ngoạn mục. Người khác lại bình luận việc bà ủng hộ cuộc chiến vùng Vịnh năm 1990 bởi theo anh, dù biết sẽ phải đối diện với rất nhiều thế lực và dư luận phản đối nhưng bà Thatcher đã kiên quyết làm và thành công. Sự cương quyết đó, có lẽ bởi ảnh hưởng một phần rất lớn từ tâm niệm của bà, khi bước chân vào Dinh Thủ tướng, bà đã trích dẫn câu nói nổi tiếng của một vị thánh: “Nơi nào có bất hòa, chúng ta đem đến đó sự hòa thuận. Nơi nào có sai sót, chúng ta đem đến chân lý. Nơi nào có nghi ngờ, chúng ta đem đến đức tin. Và nơi nào có tuyệt vọng, chúng ta đem đến niềm hy vọng”. Một người khác lại đưa ra một câu mà anh đọc trên Wikipedia, rằng: “Suốt trong thời gian đảm trách chức vụ thủ tướng, hiếm khi bà ngủ quá bốn tiếng mỗi đêm” và rất thán phục, anh nói: “Phải hết sức lo lắng cho vận mệnh quốc gia mới có thể đau đáu như vậy”.
Nói về bà Thatcher cũng như công lao của bà đối với nước Anh và người dân đảo quốc sương mù, không chỉ những chi tiết đời thường hay những quyết sách mang tính quốc gia và tầm cỡ thế giới, riêng tôi (và có lẽ với rất nhiều người khác) còn hết sức nể phục khi biết rằng bà Margaret Thatcher chiếm vị trí thứ 16 trong danh sách 100 người Anh vĩ đại nhất mọi thời đại. Không phải ngẫu nhiên mà khi mất đi, bà được nhiều người dân đến đặt hoa tưởng niệm trước cổng nhà. Một bức ảnh của AFP thể hiện tình cảm đó của người dân Anh đã được truyền đi khắp thế giới và xem như một phần thưởng xứng đáng cho công sức của bà trong quá trình hoạt động, kiến thiết và xây dựng đất nước.
Vì vậy, chuyện bà Thatcher không muốn tổ chức quốc tang khi mình ra đi, với lý do “không muốn lãng phí tiền thuế của dân” có thể xem là hành động vĩ đại cuối cùng của một vĩ nhân vậy!
Trần Thanh Bình (Thanh Niên)