Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 4 tháng 2, 2013

Clip tặng quà các em thiếu nhi Bệnh viện huyết học

BÁO CÁO QUỸ CƠM CHAY BỆNH VIỆN Y HỌC DÂN TỘC tháng 2- 2013



BÁO CÁO QUỸ CƠM CHAY BỆNH VIỆN Y HỌC DÂN TỘC tháng 2- 2013

NGÀY
THU
CHI
TỒN

Tồn quỹ tháng 1

7.904.000đ
22-1-2013
Cô Phụng và Anh Kiệt, cô Ngọc (Úc) 300$ = 6.558.000đ


2-1

Tặng 40 phần quà cho trẻ em Bệnh viện Huyết học TP.HCM             6.695.000đ
7.767.000đ

Cô Phụng từ Úc gởi tiền về, bảo là anh chị mạnh thường quân bên đó muốn Funny Home nấu một bữa ăn tươm tất cho bệnh nhân của BVYHDT ăn tất niên. Nhưng cuối năm mọi người đều tất bật chuẩn bị tết nhứt, không ai phụ giúp cô Kim cả, nên thôi. Cô Kim đi thăm người bạn ở BV Huyết học, thấy nhiều cảnh quá thương tâm, nhất là những đứa trẻ bị ung thư, cuộc sống như treo trên sợi dây mong manh không biết sống chết ngày nào. Cô Kim bèn dùng số tiền cô Phụng gởi về để mua quà tặng các em ăn tết.

Thương các em vì chưa sống được bao nhiêu ngày vui vẻ trên đời thì đã sớm chịu căn bệnh ngặt nghèo. Tiền phòng 300.000đ/ ngày, tiền thuốc mỗi liều trung bình 80 triệu, nên ai cũng tán gia bại sản. Đâu ai dám mua bánh mứt mà ăn. Mình đem bánh mứt vào, quả là rộn ràng sắc xuân. Một chút quà nhỏ khiến phòng bệnh bớt buồn bã. Ai cũng mỉm miệng cười, chấp nhận số phận…



TẾT CHO TRẺ EM BẤT HẠNH


TẾT CHO TRẺ EM BẤT HẠNH
Diệu Kim

Tết đã gần kề. Nhà nào cũng tất bật đi mua sắm, tổng vệ sinh, trang trí…Nhưng ở bệnh viện thì vẫn vậy, vẫn kim tiêm, bông băng, thuốc men, đau đớn…Có chăng là nỗi sốt ruột, nhớ nhà, nôn nao của những người phải xa quê, xa tết…Và ngày như càng dài ra thêm, không biết làm gì, chỉ biết ngồi nhìn từng giọt nước biển nhỏ chầm chậm trong sợi dây truyền, lắng nghe hơi thở tết lùa qua ô cửa sổ mênh mang…

Bệnh viện Huyết học TP.HCM nằm ngay đầu đường Phạm Viết Chánh, chật ních xe cộ. Những dãy ghế chờ khám bệnh cũng thường kín người ngồi. Ngày cận tết có giảm đi đôi chút. Và trên các khoa phòng cũng có người xin về ăn tết rồi sẽ quay trở lại. Nhưng cũng có những người phải ở luôn trong bệnh viện vì bệnh còn nguy kịch, bác sĩ không ký giấy. Mà nơi này hầu hết là bệnh nguy kịch. Ung thư máu, tuỷ, xương, như một bản án treo lơ lửng. Đặc biệt ở khoa nhi, rất nhiều em bé sớm mang căn bệnh này, năm dài tháng rộng chỉ ở trong bệnh viện mà thôi. Hết BV Nhi Đồng tới Chợ Rẫy, Ung Bướu, rồi về đây. Mười gia đình thì có đến 9 phải bán nhà, bán đất, đi thuê phòng trọ ở tạm. Bởi số tiền chi phí chữa bệnh lên đến vài trăm triệu, bạc tỉ. Một lần xạ trị, hoá trị liều cao lên đến 80 triệu đồng. Có người bán hết nhà cửa ruộng vườn rồi mà con vẫn không hết bệnh, đành ẳm con về.

Những đứa trẻ mắc bệnh này có đủ cỡ tuổi. Vài tháng cũng có, 2-3 tuổi cũng có, 7-8 tuổi, 14-15-18 đều có. Trải dọc tuổi thơ các em là màu trắng xoá của drap giường, là sợi dây nước biển đặt thẳng vào lớp da để khi di chuyển không bị sút kim, là chiếc máy lạnh chạy run người để ngăn vi khuẩn phát triển, là căn phòng chật hẹp với những đứa bạn cùng cảnh ngộ, là gương mặt mẹ cha héo hon, buồn bã nhìn con mình vật lộn từng ngày với sự sống còn… Các em quanh quẩn trong phòng, ngồi quây quần chơi với nhau bằng mấy con gấu bông cũ, bằng mấy chiếc xe nhựa nho nhỏ, đứa nào lớn hơn thì đem theo laptop để chơi game. Chiếc máy tính ngày nào giúp các em học hành thì bây giờ con đường đến trường đã tuyệt vọng, chỉ còn biết ngồi chơi để giết thời giờ, cha mẹ cũng không còn nhà cửa tài sản gì để bán nữa, thôi cứ nhìn con mình chơi được ngày nào hay ngày ấy. Khoảng cách giữa các lần chơi nhẹ nhõm đó là những cuộc lấy máu xét nghiệm đau đớn, với cây kim dài và to đâm vào tuỷ sống, con khóc mà cha mẹ cũng khóc vì đứt từng đoạn ruột. Có em tiểu ra máu đỏ, có em sưng phù mặt mũi tay chân, nhiều em đầu trọc lóc vì hoá trị…Thấy thương không sao kể xiết!

Cho nên, Funny Home đã dành một số tiền để mua quà tặng các em ăn tết. Thôi thì cho các em ăn thoả thích, biết còn sống được bao nhiêu cái tết nữa mà chờ. Những món này các em đều ăn được: bánh, kẹo, sô cô la, đậu phộng, nho khô, thèo lèo. Chúng tôi mua mỗi thứ vài hộp, chất đầy một giỏ xinh xinh, đem vào trao tận giường bệnh. Cha mẹ các em vui lắm. Dù mình không gánh hết nỗi đau cho họ nhưng mình chia sẻ một chút như vậy họ cũng thấy an ủi. Và ngày tết cũng hiện diện bên họ dù trong bốn bức tường bệnh viện.

Làm, để thấy lòng mình bớt áy náy, để mình còn ăn tết được yên tâm, nếu không, những hình ảnh ấy cứ đeo đẳng trong từng giấc ngủ, cảm thấy mình có lỗi khi không biết sẻ chia cùng đồng loại. Tết tới nhà ai thì nấy hưởng, theo cái phước riêng của mình, nhưng nếu nhắm mắt làm ngơ trước số phận người khác thì bất nhẫn quá. Cứ làm theo tiếng nói của trái tim để còn thấy đời có chút mùa xuân…
                                                                                                                          1-2-2013