Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

SÁCH CƯỜI


SÁCH CƯỜI
Diệu Kim

Chợ phường, nên rất nhỏ. Và người trong phường phần lớn là lao động bình dân, nên chợ càng đơn sơ. Vậy mà mấy tháng nay bỗng xuất hiện một quầy sách nhỏ xíu ngay gốc cột điện, như một đốm nắng lung linh…

Bà cụ già 70 tuổi lom khom lấy hàng cho khách mua. Những bó hoa bằng nhựa, bằng vải xanh đỏ lòe loẹt, dùng để trang trí bàn thờ, phòng khách khi không kịp hoặc không có tiền mua hoa thật. Những con thú bằng thủy tinh lóng lánh chỉ vài ngàn đồng, để tụi nhỏ làm quà lưu niệm. Và những cuốn sách đặt rải rác trên cái kệ nhiều tầng cũ kỹ. Đều là sách cũ, báo cũ. Báo cho phụ nữ, sách dạy nuôi con, dạy dưỡng sinh, nấu ăn, truyện tranh, truyện kinh dị đọc lúc nửa đêm, xem phong thủy, và một cuốn sách Phật. Mấy chị trung niên xách giỏ đi chợ, ghé qua, xem chừng cũng rộn ràng. Và bà cụ bán hàng móm mém, khách vừa trả giá đã vội bán ngay, không kỳ kèo bao nhiêu. Bà cười thật tươi khi hai chị em người khách cùng nhất trí mua cuốn sách dạy nấu chay, vừa giở xem vừa bàn tán xôn xao về những món sẽ nấu, cứ như sắp thưởng thức trên bàn ăn nóng hổi…

Tôi chờ mọi người đi hết rồi mới ngồi xuống lựa hàng. Mà lựa chọn gì đâu! Nhà tôi mấy ngàn cuốn sách rồi. Nhưng tôi vẫn cố chọn để mua cho bà cụ. Cuối cùng chọn cuốn sách nấu chay còn sót lại. Bà hớn hở nói: “Tôi lấy có 3 cuốn mà bữa nay bán hết luôn”. Rồi bà bắt đầu xếp hàng dọn về, bởi trời cũng đã khá trưa, hơn 10g, nắng tràn lên góc chợ. Tôi ngồi lại với bà, vì trong giỏ tôi chỉ có tàu hủ và rau, không vội về, đâu có cá thịt gì mà sợ ươn.

Bà nâng niu những con thú thủy tinh, nhẹ nhàng xếp chúng vào những hộp nhựa có lót miếng xốp. Vậy mà có con vẫn gãy tai, gãy cánh. Tôi cầm con chó cún màu xanh xinh xắn, một bên tai lìa mất. Bà chỉ lấy 1/3 giá, nhưng tôi trả luôn bằng giá bán. Ngay cả cuốn sách tôi cũng trả thêm, coi như biếu bà chút đỉnh. Và mua thì ít, mà tỉ tê thì nhiều. Má tôi nếu còn sống cũng trạc tuổi bà. Nhìn tóc bạc ấy, nụ cười ấy cứ như thấy má quanh đây….

Bà vui vẻ tâm tình với tôi như đứa cháu thân quen. Những người Nam Bộ chúng tôi giản dị như thế, chỉ cần dăm phút đã có thể bên nhau. Bà kể mấy năm nay bà bán kim chỉ, muỗng đũa, nhưng mấy món đó lâu lâu người ta mới mua, vì mua một lần rồi xài lâu lắm mới hư. Thành ra bà bán rất chậm. Bà đổi sang bán sách, hình như đỡ hơn. Ban đầu bà không biết chỗ lấy hàng, cứ ra nhà sách Sài Gòn mà mua, giá bìa dĩ nhiên cao ngất, phải ngâm vốn, thậm chí bán lỗ cho xong. Sau có người chỉ ra quận 5 mua sách cũ. Quận 5 bao la, biết chỗ nào? Bà đi xe buýt, nói với anh xé vé “Cho tui xuống chỗ nào có bán sách cũ”. Anh xé vé la lên: “Trời đất, con đâu có biết! Bà ngoại hỏi thăm mấy ông xe ôm thử coi”. Và xe buýt thả bà xuống đại một trạm. May nhờ mấy chú xe ôm chỉ dẫn, thế là bà tìm được mấy tiệm sách cũ. Vô đó lựa một hồi, bà nơm nớp lo không đủ tiền trả. Chừng ông chủ tính tiền, mèn ơi, rẻ quá. Vậy là cứ vài bữa bà đi xe buýt ra đó mua một lần, lắt nhắt chỉ vừa đủ số vốn ít ỏi, và cũng vừa đủ trưng bày trên cái kệ nhỏ xíu là thôi. Chợ phường, bán tới 10g đã vắng teo. Nhưng đã đủ cho tuổi già yên tâm. Bà cười: “Vui nhất là người ta được đọc sách. Cháu nghĩ coi, thời buổi khó khăn, ai cũng chạy tiền lo cơm gạo, con cái đi học, xăng dầu, điện nước… trăm thứ mắc mỏ, làm sao dám mua sách mà đọc. Giờ có sách cũ, giá chỉ phần 2, phần 3, thì họ đọc được. Đọc sách tốt lắm chớ!”. Tôi gật đầu ngay. Và nói thêm: “Lần sau bà lấy sách Phật về bán nhé”. “Có, có. Mấy người khách dặn bà lấy báo Phật giáo nữa. Đọc sách Phật thì làm lành lánh dữ hen cháu!”. Tôi và bà cùng mỉm cười.

Bà gốc ở Củ Chi, theo cô con gái xuống đây thuê nhà sinh sống. Năm đứa con cả thảy, nhưng đứa nào cũng nghèo, thậm chí anh con trai còn mượn luôn tiền dưỡng già của mẹ, rồi làm ăn thua lỗ, không trả nổi cho mẹ. Bà thương con, vì anh ta phải nuôi thằng con trai học đại học, thế là bà tiếp tục ra chợ buôn gánh bán bưng tự nuôi thân mình. Hóa ra nước mắt chảy xuôi. Mẹ lo cho con, con lại lo cho cháu nội. May còn cô con gái, dù khó khăn cũng không bỏ mẹ. Dẫu ở nhà thuê, nhưng cô vẫn lo cho mẹ được hai bữa cơm mỗi ngày, còn tiền thuốc thang, sinh hoạt thì bà bán buôn cũng tạm chi dùng. Bà thở dài: “Nhưng ngại con rể của mình, không biết nó có buồn không, vì mình có con trai mà vẫn để vợ chồng nó nuôi. Muốn trở lại Củ Chi quá…”. Tôi trấn an: “Bà ơi, chính đứa nào nuôi mẹ thì làm ăn mới khấm khá. Bà hãy để cho con mình được báo hiếu. Có hiếu mới nên nhà nên cửa. Hồi má con còn sống, thằng em trai con lo cho má nhiều nhất, thì sau này chính nó lại khá giả nhất. Và nuôi được mẹ là niềm tự hào, hạnh phúc, chứ không phải gánh nặng đâu”. Bà nhìn tôi mừng rỡ: “Vậy hả?”. Tôi gật đầu chắc nịch.

Thật ra, có hiếu không phải để nhận về kết quả giàu sang, nhưng tôi cố nhấn mạnh điểm này cho bà yên lòng ở lại với cô con gái. Điều quan trọng là nuôi được mẹ để thấy lòng mình thanh thản, kẻo sau này mẹ mất đi thì ân hận, ray rứt. Nhưng dĩ nhiên, đứa con có hiếu thì nhân quả cũng thật sự là được khấm khá. Tôi ước ao giá mà gặp được cô con gái của bà để khen ngợi, động viên cô, mong cô tiếp tục nuôi mẹ bằng trái tim yêu thương thật sự và bằng cả niềm tin vào luật nhân quả. Và nếu cô giàu có lên một chút thì mẹ cô đỡ phải dãi nắng dầm mưa. Tối đó, trong thời khóa lễ Phật, tôi hướng tâm về cô, thầm cầu nguyện cho cô giữ được chữ hiếu mãi mãi.

Chợ mỗi ngày vẫn lăng xăng kẻ bán người mua. Đời mỗi ngày vẫn tranh đoạt, tính toan. Nhưng chỉ cần tôi biết dừng chân một chút thì sẽ khám phá ra góc chợ, góc đời còn đẹp, còn lành. Như kệ sách kia, nhỏ xíu mà rất duyên, điểm trang cho khu chợ nghèo thêm nét thẩm mỹ. Và điểm trang cho những tâm hồn bớt nghèo nàn, vô cảm. Cảm ơn mái tóc bạc của bà lặng lẽ gieo mầm trong cuộc mưu sinh…
                                                                                                                27-4-2012

Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

Đến nhà cụ Vương... ăn ốc


Đến nhà cụ Vương... ăn ốc
TT - Quán ốc có cái tên là Béo được mở ngay tại nhà của cố học giả Vương Hồng Sn, ở khoảng sân phía sau. Chừng chưa tới 17g đã đông khách, vang vang tiếng khách gọi ốc, tiếng phục vụ thúc hối nhà bếp...
Quán ốc Béo mở tại nhà cụ Vương ở cửa phía sau số 11 Nguyễn Thiện Thuật. Bếp của quán nằm ngay trong căn nhà chính (di tích), nơi khách ngồi ăn là sân phía sau - Ảnh: Thuận Thắng
Bếp đặt ở bên trong ngôi nhà, thức ăn chuyển ra sân sau theo lối nhỏ bên hông nhà. Nhìn qua ô cửa sổ mở ra sân thấy rõ không gian bếp núc ì xèo lửa khói giữa những tấm cửa gỗ và kèo cột mà chỉ nhìn qua cũng biết tuổi thọ ít ra cũng trên trăm năm.
Ngồi giữa khung cảnh buôn bán ồn ào, nhìn lửa đỏ nhảy múa trên bếp, nghe hơi thức ăn nóng bay bám vào những khung cửa gỗ cổ xưa bỗng thấy bao nhiêu xúc cảm ẩm thực bay biến hết, chỉ còn lại nỗi ngậm ngùi thật khó tả.
Bỗng nhớ chủ nhân Vương Hồng Sển thuở sinh thời đã nâng niu, chăm bẵm hết mực ra sao cho ngôi nhà cổ này để nhờ đó giá trị của nó được đặt ngang với các di sản văn hóa. Bỗng nhớ lại cả một chuỗi thông tin báo chí từng tràn trề hi vọng về một bảo tàng sẽ được ra đời tại chính ngôi nhà quý của cụ Vương...
Gương mặt độc đáo của quá khứ
Học giả Vương Hồng Sển là một trong những biểu tượng của văn hóa Nam bộ. Ông nổi tiếng về lối viết sách độc đáo, về bộ sưu tập sách quý và đặc biệt là về những món cổ vật vừa quý vừa đẹp mà ông cất công sưu tầm suốt hơn nửa thế kỷ, trước khi từ giã thế giới này ở tuổi 94.
Ngôi nhà của ông ở số 9/1 Nguyễn Thiện Thuật (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - về đường nét kiến trúc, về đồ nội thất và về niên hạn trên trăm năm - cũng độc đáo không thua kém những thư tịch cổ và các cổ vật được lưu bày bên trong. Các tạp chí danh tiếng trên thế giới như Times, Newsweek đã từng đến đây tìm hiểu, giới thiệu về ngôi nhà chứa đựng nhiều giá trị văn hóa này.
Cụ Vương Hồng Sển đã bỏ công tìm kiếm và mua nguyên căn nhà cổ kính từ vùng ven Sài Gòn về dựng lại trên mảnh đất nội đô. Gần nửa thế kỷ sống ở đây, cụ Vương đã không chỉ bỏ nhiều công sức cho việc bài trí mà còn tạo dựng một phong cách sinh hoạt cho chính ông và các thành viên trong gia đình phù hợp với nét cổ xưa bên trong và bên ngoài của ngôi nhà.
Những trí thức, văn nghệ sĩ, công chức từng đến đây đàm đạo cùng cụ Vương lúc sinh thời đều thừa nhận: đến nhà cụ Vương Hồng Sển là được chạm vào một không gian đẹp đẽ, tinh tế của quá khứ đã lùi xa trước đó trăm năm còn lưu dấu đến hôm nay. Nơi ngồi viết. Nơi thưởng trà. Nơi khoảng sân nhỏ kết nối nhà chính với gian phụ đã không còn thấy trong lối làm nhà ngày nay. Nơi hàng hiên thấp tè rất lạ, người ta có thể đưa tay chạm vào các viên ngói cổ rêu phong trên mái nhà. Nơi đâu cũng thấy gương mặt độc đáo của quá khứ đang được chủ nhân đương thời nâng niu hết mực.
Vì các giá trị văn hóa độc đáo của toàn bộ ngôi nhà và cũng vì không đủ niềm tin vào khả năng kế thừa và phát huy các giá trị ấy của những hậu duệ huyết thống nên không bao lâu trước khi mất (1996), học giả Vương Hồng Sển đã làm di nguyện tặng toàn bộ sách quý và cổ vật trong ngôi nhà cho Nhà nước với mục đích phát huy cao nhất các tài sản văn hóa mà mình sở hữu cho lợi ích cộng đồng.
Ông mong muốn ngôi nhà mà ông từng sống sẽ là nơi trưng bày các quyển sách quý, các món đồ đạc cổ xưa mà ông đã sưu tầm cả đời, nếp sinh hoạt từng gắn bó, hài hòa với sự cổ xưa của ngôi nhà và đồ vật được giới thiệu sống động với người đời sau. Tiếp nhận di nguyện ấy của cụ Vương Hồng Sển, được sự giao phó của UBND TP, Sở Văn hóa thông tin TP.HCM (cũ) từ sau năm 1996 đã tổ chức giám sát và di dời một cách chặt chẽ các cổ vật với nhiều chất liệu khác nhau từ nhà cụ Vương về quản lý và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TP, tại Thư viện Khoa học tổng hợp.
Từ sau năm 2003 - năm nhà cụ Vương được công nhận là di tích cấp TP, để tạo hành lang pháp lý cho việc bảo vệ di tích, UBNDTP còn ban hành các quyết định về nhà đất nhằm có thể trùng tu ngôi nhà, triển khai trưng bày, biến nơi đây thành một bảo tàng chuyên đề như di nguyện của học giả Vương Hồng Sển và cũng là mong muốn của nhiều người quan tâm đến văn hóa. Vậy mà...
Hơn cả ngậm ngùi
Đành là đã xảy ra những câu chuyện tranh chấp không vui giữa các hậu duệ của cụ Vương Hồng Sển và cơ quan quản lý nhà nước về quyền lợi nhà đất. Nhưng những tranh chấp ấy kéo dài đến gần chín năm vẫn chưa ngã ngũ; công việc trùng tu ngôi nhà nhằm phát huy giá trị của di tích kiến trúc nghệ thuật đã được xếp hạng không thể tiến triển; nguy cơ đe dọa sự xuống cấp và hủy hoại đến tính nguyên bản của di tích đang lơ lửng rất gần.
Một khi tất cả những điều ấy là có thật và gây băn khoăn, lo lắng cho tất cả những ai quan tâm đến sự sống còn của di sản văn hóa trong bối cảnh cuộc chạy đua không cân sức giữa bảo tồn và phát triển, thì sự ngậm ngùi quả thật không đủ làm lực đẩy cho quá trình trùng tu, bảo vệ và phát huy một di tích.
Đã đến lúc đặt ra những vấn đề cần có câu trả lời: Thứ nhất, nội dung quyền lợi mà gia đình đòi hỏi trong các diễn biến suốt chín năm qua có quá đáng không, khi mà di nguyện của cụ Vương về cơ bản là nhắm đến phục vụ đời sống tinh thần của cộng đồng thông qua việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa mà cụ đã chắt chiu gầy dựng bằng tài sản của chính mình? Thứ hai, công tác quản lý nhà nước của các cơ quan chuyên môn có những hạn chế và sơ hở nào khiến quá trình thu hồi để trùng tu ngôi nhà di tích trở nên phức tạp hơn và gây ra những tranh chấp kéo dài? Thứ ba, dù câu trả lời có cụ thể hay không, có nhanh hay chậm thì điều đáng lo nhất bây giờ là những người có trách nhiệm quản lý ở các ngành và các cấp có cảm thấy lo ngại và thấy cần có giải pháp nào đó không, khi mà việc kinh doanh quán ốc ở ngay tại di tích kiến trúc nghệ thuật - nhà cổ dân dụng truyền thống Vương Hồng Sển đang diễn ra như “chuyện thường ngày”.
Hơn cả ngậm ngùi, chuyện mở quán ốc ở nhà cụ Vương Hồng Sển đang ngang nhiên vô hiệu nội dung cấm ở điều 2 trong quyết định xếp hạng di tích của UBND TP.HCM...
Ngày 5-8-2003, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định xếp hạng di tích cấp thành phố đối với nhà của cụ Vương Hồng Sển tại số 9/1 Nguyễn Thiện Thuật, P.14, Q.Bình Thạnh là di tích kiến trúc nghệ thuật nhà cổ dân dụng truyền thống.
Quyết định nêu rõ Sở VH-TT, UBND Q.Bình Thạnh, UBND P.14, Q.Bình Thạnh thực hiện quyền quản lý nhà nước đối với di tích đã được xếp hạng nêu trên theo luật định. Điều 2 của quyết định nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong những khu vực di tích đã khoanh vùng bảo vệ. Trường hợp đặc biệt sử dụng đất đai ở khu vực di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh phải được phép của chủ tịch UBND TP.
NGUYỄN TRƯƠNG (Tuổi Trẻ)
TẠP BÚT

Đồ cổ

 DIỆU KIM

Vô chùa, thấy trong cái tủ lớn tại phòng khách trưng bày nhiều món đồ cổ khá đắt tiền. Thầy hãnh diện giới thiệu từng món. Tôi ngơ ngác không phân biệt nổi món nào đời Thanh món nào đời Tống. Biết là quý, nhưng đứng xa xa mà nhìn thôi!

Chợt nhớ, có một vị học giả nổi tiếng khắp Việt Nam vì bỏ cả đời sưu tầm đồ cổ, toàn những thứ đặc biệt quý giá. Có những món ông phải dành dụm tất cả tiền bạc trong nhà để mua cho bằng được. Trong tay ông là một tài sản to lớn, dù ông vẫn sống rất đạm bạc. Khi ông qua đời, căn nhà và bộ sưu tập của ông được hiến cho nhà nước. Nhưng, người ta đã không bảo quản chu đáo như ông kỳ vọng, mà một số đồ quý bị vứt lăn lóc, sách vở thì mối mọt gặm nhấm. Căn nhà cũng xuống cấp trầm trọng, ẩm thấp, mục gãy, và bị đám con cháu chia năm xẻ bảy, tranh chấp kiện tụng ầm ĩ  dư  luận. Chính cái khối tài sản ấy động lòng tham của dòng họ. Báo chí lên tiếng, thiên hạ thở dài, oán trách hậu thế tệ bạc...

Riêng  tôi, tôi lại trách ông, hay nói đúng hơn, là thương ông. Ông có tình yêu đối với các sản phẩm văn hoá, nhưng ông không nhìn thấy cái lẽ vô thường. Cuộc đời này có cái gì thường hằng vĩnh viễn đâu mà chúng ta lại mơ giữ gìn nó đến vô tận vô biên. Ông có thể giữ lại những món đồ cổ của nhà Thanh nhà Tống, ừ thì cho là như vậy đã quý, thế còn những món xưa hơn nữa, trước đó hằng bao nhiêu thế kỷ, thì ai đang giữ? Hay là nó cũng bị chôn vùi, tan rã? Ông đã nỗ lực, nhưng khi ông nằm xuống lòng đất thì mọi nỗ lực đó tan thành mây khói. Một đời góp nhặt, mà con cháu lại ăn chơi, phá hết của gia bảo, trở lại nghèo trắng tay. Chạnh lòng, giá như ông dùng số tiền to lớn ấy mà đi bố thí, làm lợi ích cho xã hội, thì đúng là để phúc đức cho con cháu, có khi bây giờ nó đỗ đạt nên người, giàu sang vinh hiển, làm rạng danh ông.

Và cái lẽ vô thường trước sau gì cũng thực thi quyền lực mạnh mẽ của nó, sẽ lại chôn vùi những món quý giá kia trở lại lòng đất, lòng biển, nơi người ta đã tìm thấy nó bị đắm chìm. Chỉ cần một cơn sóng gió đại dương, hoặc một cơn động đất, một cuộc chiến tranh, là mọi sự vật sẽ lại tan tác. Chính cái mạng sống con người còn mong manh dường này, huống chi đem cái mạng sống ấy đi giữ gìn từng món đồ vô tri giác. Những năm gần đây thế giới có quá nhiều thiên tai và thảm hoạ chiến tranh, tai nạn giao thông đường thuỷ, đường bộ lẫn đường hàng không. Báo chí đưa tin liên tục, rúng động toàn cầu. Cảm giác mỗi người đang ngồi trên một lớp băng mỏng, không biết nó vỡ ra bất cứ lúc nào, cuốn ta vào dòng xoáy thăm thẳm của cái chết...

Vậy thì, có còn đủ thời gian và sức lực để đi góp nhặt những món đồ của nghìn xưa? Và nghìn sau, ai sẽ là người lưu giữ? Thôi thì, như một thú chơi của người đời, cũng tạm chấp nhận, nhưng đến ngôi tam bảo mà cũng quên lẽ vô thường thì hơi... oái oăm! Không chừng, bao nhiêu ngã sở dồn hết cho những món đồ quý giá, khó mà bước đi thong dong. Trước mắt đã thấy, thầy đi đâu cũng lo có kẻ trộm vào chùa bẻ khoá tủ, ai làm gì mạnh tay cũng lo đụng vỡ món đồ. Mệt quá thầy ơi!

Sực nhớ mình cũng có một món “đồ cổ” quý giá vô cùng. Món này không xác định được niên đại, đã có từ vô thỉ. Và mình đã chôn vùi nó, đã làm rơi nó không biết bao nhiêu lần, rồi lại khai quật không biết bao nhiêu kiếp. Có giữ thì giữ cái này đây, phải làm cho nó luôn vẹn nguyên đẹp đẽ. Khó lắm! Thế mới thật là người biết chơi đồ cổ!
                                                                           29-3-2006
                                                                                                                              



Ra đường nơm nớp lo mất xe


Ra đường nơm nớp lo mất xe
26/04/2012 3:05
Dù xe đã được khóa cổ, thế nhưng nạn nhân chỉ quay lưng vài giây là chiếc xe đã "không cánh mà bay". Tại TP.HCM, những vụ cướp xe chớp nhoáng, táo tợn giữa ban ngày không phải là chuyện hiếm thấy.
Mất xe trong nháy mắt
Cầm chùm chìa khóa xe của chiếc Wave RS biển số 82H3-74... sau lần bị cướp xe chớp nhoáng cách đây vài tháng, chị V.T.H.Tr (24 tuổi, trọ tại P.21, Q.Bình Thạnh) rùng mình kể lại, hôm đó chị đi trên xa lộ Hà Nội về Q.Bình Thạnh thì trời chuyển mưa nên dừng lại mua áo mưa. Khi rời khỏi xe (khoảng 2m) để lấy tiền thối và mặc áo mưa, chị cẩn thận khóa cổ xe và cầm chìa khóa trên tay. Lúc đó, một người đàn ông đi bộ đến vờ mua áo mưa, rồi tiến lại xe chị, dùng vật gì đó dài khoảng 1 gang tay tra vào ổ khóa xe vặn thật mạnh, rồi tót lên xe, rồ ga chạy về hướng Suối Tiên. “Chưa đầy 30 giây, tôi còn không kịp la lên thì người này cùng chiếc xe của tôi đã chạy mất”, chị Tr. nói.
Đoàn Thanh Trọng bị nhóm hiệp sĩ bắt quả tang - Ảnh: Giang Phương 
Vụ bẻ khóa, cuỗm chiếc Yamaha hiệu Sirius biển số 36RS-18... của chị D.T.Thu (ngụ P.Linh Xuân, Q.Thủ Đức) càng táo tợn hơn. Một ngày đầu năm 2012, trên đường về nhà, chị Thu ghé vào mua trái cây trước cổng trường ĐH Nông Lâm (QL1A). Chị Thu cẩn thận khóa cổ xe trước khi bước xuống lựa trái cây và chỉ đứng cách đuôi xe chưa đầy nửa mét. Lúc này, có hai thanh niên tấp xe vào chắn ngang ngăn chị với chiếc xe. Tên ngồi sau vòng lên đầu xe rồi dùng một vật kim loại hình chữ T, dài khoảng 20 cm vặn mạnh ổ khóa, chỉ mất khoảng 3 giây, sau đó tên này cướp xe chạy về hướng Bình Dương.
Nhưng táo tợn hơn hết có lẽ là trường hợp xảy ra với ông Thành (ngụ Q.Tân Bình), vốn đầy tự tin khi xe được trang bị còi hú chống trộm. Một lần trên đường về nhà, đến trước cổng KCN Tân Bình thì ông bị va quệt xe. Chiếc xe ông lăn kềnh ra đường. Ông Thành kể, do yêu cầu phải giữ nguyên hiện trường để chờ lực lượng chức năng tới giải quyết, sợ kẻ gian, ông lấy remote bật chức năng báo động khi thấy đông người đứng xung quanh. Trong lúc hai bên tranh cãi để giải quyết vụ việc thì có một thanh niên nhào tới dựng xe ông Thành lên, tiếng còi báo động từ xe phát ra inh ỏi. Nổ máy xe, tên cướp rú ga khiến người đi đường dạt ra, rồi hắn nhanh chóng tẩu thoát cùng chiếc xe trong sự bất ngờ của mọi người. Tương tự trường hợp của ông Thành, mới đây nhất, tối ngày 23.4, lợi dụng vụ tai nạn giao thông trên cầu Nguyễn Tri Phương (Q.8, TP.HCM), một thanh niên nhảy vào hiện trường, cướp xe máy của nạn nhân bỏ chạy nhưng bị bắt lại.
Những màn bẻ khóa táo tợn
Chúng tôi cũng đã tìm hiểu hàng trăm đoạn clip ghi lại những màn bẻ khóa (nhiều loại xe) của kẻ trộm được đưa lên mạng. Một thực tế đáng lo ngại là nhiều loại xe dù được khóa cổ (khóa được tích hợp trong khóa nguồn của hãng xe - PV) cẩn thận, nhưng chỉ bằng một thiết bị kim loại, có dạng chữ T hoặc chữ L (còn gọi là đoản) tra vào ổ khóa với một cái xoay tay thì bọn trộm dễ dàng đề máy và chạy đi.
Để có thể cận cảnh những màn bẻ khóa của kẻ gian, chúng tôi dành nhiều ngày cất công theo chân nhóm hiệp sĩ tại TP.HCM do Nguyễn Văn Minh Tiến làm đội trưởng. Đầu tháng 3.2012, chúng tôi đã chứng kiến 2 vụ "đá xế" xe máy với chiêu bẻ khóa bằng đoản.
Đồ nghề mở khóa xe của Trọng - Ảnh: Giang Phương
Chiều 6.3, sau nhiều lần đảo mắt quan sát, hai thanh niên đi xe máy Yamaha hiệu Sirius dừng trước tiệm internet số 20 Bàu Cát, P.14 (Q.Tân Bình). Người ngồi sau tên Đoàn Thanh Trọng, (SN 1983, ngụ P.10, Q.Tân Bình) xuống xe, đi thẳng đến chỗ đậu xe trước tiệm rồi đứng chần chừ khoảng 5 phút, vờ nghe điện thoại. Thấy không ai để ý, Trọng móc trong túi áo ra một chiếc đoản L tra vào ổ khóa chiếc xe Wave biển số 52S1-4737 của anh Nguyễn Văn Quý (SN 1989, ngụ P.14, Q.11) bẻ khóa rồi rồ máy tẩu thoát. Nhóm Minh Tiến truy đuổi đến giao lộ Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý (Q.Tân Bình) thì bắt được Trọng cùng tang vật đưa về Công an P.14, Q.Tân Bình xử lý, tên còn lại nhanh chân trốn thoát. Khi kiểm tra, nhóm hiệp sĩ thu giữ trên người Trọng có đến 5 loại đoản tự chế các loại để mở được nhiều loại xe.
Chiều 2.3, 4 người khác đi trên 2 xe máy liên tục đảo nhiều vòng ở dãy xe đang dựng trước số nhà 22 Trương Hoàng Thanh, P.12, Q.Tân Bình. Một người ngồi sau chiếc xe Wave (khoảng 23 tuổi) tót khỏi xe đồng bọn, tiến thẳng vào chiếc Attila Elizabeth biển số 61E1-200.87 của anh Lê Nguyên (SN 1987, ngụ P.3, Q.Gò Vấp). Thấy chiếc xe vắng chủ bị khóa cổ, tên này móc trong túi áo ra một chiếc đoản hình chữ L, rồi ra tay bẻ khóa. Tên trộm vừa lên xe rồ máy định tẩu thoát thì nhóm Minh Tiến ập tới tung cú đá khiến hắn choáng váng. Hắn định rút đoản để phi tang thì bị gãy lại trong ổ khóa. Hốt hoảng, tên này móc thêm trong túi áo ra chiếc đoản khác đâm vào các hiệp sĩ rồi nhảy lên xe đồng bọn tẩu thoát.
Theo anh Minh Tiến, tính từ 2011 đến nay, nhóm anh đã phá được hơn 10 vụ trộm cướp xe máy bằng thủ đoạn này trên địa bàn TP.HCM. Nhiều vụ nhóm hiệp sĩ thu trong người các đối tượng gần chục đoản các loại. 
Giang Phương (Thanh Niên)