Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

CÁI BẪY VỐN FDI

CÁI BẪY VỐN FDI
Cẩn trọng với làn sóng từ Trung Quốc

PGS-TS Bùi Tất Thắng, Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH-ĐT), nêu lên một vấn đề hết sức quan ngại mà ông gọi là hiện tượng lấy “mỡ nó rán nó” của không ít DN FDI. Các DN này thường huy động vốn ngay trên thị trường nội địa để đầu tư, chỉ cho dự án đăng ký một ít vốn “mồi”, khi được chấp thuận sẽ huy động vốn nước sở tại, gây không ít hệ lụy đối với công tác quản lý và hiệu quả của các dự án. Ngoài ra, không dễ tiếp nhận công nghệ - kỹ thuật, bởi các DN đầu tư nước ngoài thường có xu hướng giấu bí quyết, coi đó như “bảo bối” trong thương lượng và cạnh tranh với nước chủ nhà. Trong khi phía chủ nhà không ý thức được tầm quan trọng và không đòi hỏi khắt khe, vì vậy khâu chuyển giao công nghệ từ trước tới nay vẫn để lại nỗi thất vọng lớn nhất.

Ông Nguyễn Xuân Trung, Viện Khoa học - Xã hội VN, cảnh báo xu hướng chuyển giao công nghệ lạc hậu, cũ kỹ đang để lại tác hại lớn cho môi trường, còn hiệu quả đầu tư thì cực thấp. Gần đây, theo ông Trung, Trung Quốc chú trọng nâng cao chất lượng dự án FDI thực hiện tại nước này, bằng cách cấm các dự án ô nhiễm môi trường, hao tổn nhiêu liệu, công nghệ không hiện đại. “Cụ thể, vào cuối 2011 chính phủ Trung Quốc thông báo nước này đã loại bỏ hàng nghìn DN lạc hậu, hiệu quả thấp trên cả nước. Rất có thể các dự án này đi cùng những thiết bị, dây chuyền đó sẽ tìm đến VN”, ông Trung dự đoán.

Chủ tịch - Tổng giám đốc Investconsult Group Nguyễn Trần Bạt nhìn nhận trong dòng FDI đổ vào VN, có thể có rất nhiều cái bẫy. Ra chợ thì mắc phải bẫy hàng giả, hàng kém chất lượng. Hút vốn FDI cũng vậy, khi đang cần tiền, cần gọi dự án, nhưng tiền vào VN có thể làm giàu mà cũng có thể làm bẩn người VN. Vậy, đồng tiền nào giàu, đồng tiền nào bẩn thì phải phân biệt được và có công nghệ lọc. Công nghệ lọc ở đây là sự lạnh lùng trong thẩm định, để tránh trở thành bãi thải về công nghệ, môi trường. “Hiện nay, việc phân cấp quá mạnh cho các địa phương, trong khi chưa nơi nào xây dựng được trung tâm công nghệ thẩm định dẫn tới việc đã sinh ra những đứa trẻ to quá kích thước mà nhà hộ sinh vẫn ở quy mô cấp xã, làm cho những đứa trẻ khổng lồ ấy lâm vào tình trạng hữu sinh mà vô dưỡng”, ông Bạt ví von về các dự án quy mô lớn, không hiệu quả.

Để giải quyết vấn đề thẩm định, ông Bạt đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ KH-ĐT nên thành lập trung tâm thẩm định. Mỗi miền có thể có một trung tâm, với trách nhiệm thẩm định những DA theo hạn mức đầu tư nhất định, ví dụ từ 100 triệu USD trở lên.

Anh Vũ

Thuế, phí “đè” ô tô, xe máy

Thuế, phí “đè” ô tô, xe máy
Thứ Năm, 15/03/2012 23:31
Giải pháp thuế và phí sẽ đánh vào túi tiền của người dân, buộc người dân phải hy sinh lợi ích riêng để bảo đảm lợi ích chung của toàn xã hội

Theo Nghị định 18/2012 vừa được Chính phủ phê duyệt, từ ngày 1-6, người sở hữu  ô tô, xe máy sẽ đồng loạt phải nộp thêm một loại phí mới là phí sử dụng đường bộ. Về nguyên tắc, Chính phủ đã đồng ý với phương thức thu phí theo đầu phương tiện, mức thu phí cụ thể được Chính phủ giao Bộ Tài chính xây dựng.

“Cần câu cơm” cũng phải nộp phí

Ngoài loại phí trên, Bộ GTVT đang gấp rút hoàn thành dự thảo đề án thu phí lưu hành phương tiện cá nhân, áp dụng cho cả ô tô, xe máy. Mức phí này còn “khủng” hơn vì dự kiến mỗi năm, ô tô dưới 9 chỗ ngồi sẽ phải chịu phí lưu hành từ 20 - 50 triệu đồng/xe, xe máy từ 500.000 – 1 triệu đồng/xe. Loại phí này được đề xuất áp dụng tại 5 TP lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và TPHCM. Ngoài ra, cơ quan này cũng đang đề xuất thu phí ô tô vào trung tâm TP giờ cao điểm với mức từ 30.000 – 50.000 đồng/lượt.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, nhận xét việc ban hành Nghị định 18/2012 cho thấy Chính phủ đã quyết định dùng biện pháp kinh tế để lập lại trật tự an toàn giao thông thay vì dùng giải pháp hành chính như trước đây. Giải pháp này sẽ đánh vào túi tiền của người dân, buộc người dân phải hy sinh lợi ích riêng để bảo đảm lợi ích chung của toàn xã hội.

Tuy nhiên, ông Hùng vẫn rất băn khoăn vì nếu hàng loạt đề xuất của Bộ GTVT được chấp thuận thì người sở hữu ô tô, xe máy sẽ phải “cõng” gần chục loại thuế và phí. Đối với ô tô, tổng hợp các loại phí có thể lên đến ít nhất 70 triệu đồng/năm. Đối với người sở hữu xe máy thì đây là gánh nặng quá sức vì trong số 31 triệu chiếc xe máy đang lưu hành (tính đến thời điểm cuối năm 2010), có rất nhiều người sử dụng xe máy là chiếc “cần câu cơm” nuôi cả gia đình.

Khả năng thất thu lớn

Theo Bộ GTVT, sau khi Nghị định 18/2012 có hiệu lực thi hành sẽ có nghiên cứu để đưa ra loại thiết bị tính phí sử dụng đường bộ đối với ô tô phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam. Hóa đơn nộp phí sẽ được bán theo tháng tại các trung tâm đăng kiểm. Trong thời gian chưa có thiết bị chuyên dụng tính phí, người sử dụng ô tô sẽ trả phí theo tháng, theo kỳ kiểm định hoặc mua cả năm. Đối với xe máy sẽ giao cho chính quyền địa phương tổ chức thu để phục vụ trực tiếp quản lý bảo trì đường địa phương.

Trao đổi với báo giới ngày 15-3, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cũng thừa nhận đây là việc khó thực hiện nhưng “nghiên cứu kỹ vẫn chưa tìm được phương án nào tối ưu hơn”.  Thủ tướng đã lựa chọn phương án  thu phí qua đầu phương tiện để không ảnh hưởng tới các phương tiện không sử dụng đường bộ song phương án này cũng có nhược điểm là không phản ánh đúng việc người sử dụng phương tiện nhiều hay ít.

TS Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT, cho biết bản thân ông không tán thành chủ trường thu phí qua đầu phương tiện vì rắc rối, các nước đều thu qua xăng dầu. Nay chưa rõ sẽ áp dụng công nghệ gì nhưng nếu sử dụng công nghệ, chắc chắn chi phí đầu tư rất lớn có thể làm giảm hiệu quả của chính sách do tiền thu không được bao nhiêu. Ông Hùng cho rằng đối với xe máy có thể có hai hình thức thu theo trước bạ và thu theo bảo hiểm cho người thứ 3. Ở phương án thu theo trước bạ chỉ có thể thực hiện được một lần đối với xe máy mua mới nên cũng không khả thi. Còn nếu thu theo bảo hiểm cho người thứ 3 thì chưa rõ vai trò của cơ quan cưỡng chế thực hiện. Khả năng người dân tự nguyện nộp phí là khá thấp, cần phải có quy định rõ cơ quan nào kiểm tra chủ xe máy đã nộp phí bảo trì đường bộ hay chưa, nếu chưa nộp thì phạt như thế nào, phạt theo nghị định nào.

Thuế và phí của ô tô
Theo chính sách thuế và phí hiện hành, một ô tô cá nhân ở Việt Nam dung tích xi lanh từ 2.000 cm3 đến dưới 2.500 cm3 đang phải chịu mức thuế và phí như sau: Xe đã qua sử dụng: 11.400 USD thuế nhập khẩu, 50% thuế tiêu thụ đặc biệt, 10% thuế GTGT, 10% đến 15% phí trước bạ. Xe mới nhập khẩu: thuế nhập khẩu bằng 82% giá trị xe, các loại thuế, phí khác tương đương với xe cũ nhập khẩu. Xe lắp ráp trong nước: chỉ chịu 3 loại thuế, phí nêu trên và không chịu thuế nhập khẩu.
Năm đầu tiên sẽ thu gần 6.000 tỉ đồng

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 15-3, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết theo quy định tại Pháp lệnh Phí và Lệ phí, Bộ GTVT sẽ xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn về mức thu gửi Bộ Tài chính thẩm định, ban hành. Dự kiến đầu tuần sau, Bộ GTVT sẽ chốt bản dự thảo lần cuối chuyển sang Bộ Tài chính.

Mức thu cụ thể đang được cân nhắc nhưng mức thu được Bộ GTVT đề xuất trước đây là từ 800.000 - 1,1 triệu đồng/tháng đối với ô tô, còn xe máy từ 80.000 – 150.000 đồng/năm. Trong đó, phí sử dụng đường bộ đối với ô tô được ban hành cụ thể đối với từng loại xe căn cứ vào chỗ ngồi, trọng tải. Đối với xe máy, thông tư chỉ quy định khung theo mức trần, mức sàn để các địa phương thu.

Với mức phí nêu trên thì dự kiến trong năm đầu tiên, các phương tiện cơ giới đường bộ sẽ đóng góp khoảng 5.987 tỉ đồng vào Quỹ Bảo trì đường bộ.

Phương Anh (Người Lao động)

Có 6 ý kiến
Xuân Thời
15/03/2012 23:39
Chúng tôi đi đường đều mua lệ phí, đỗ xăng đã có lệ phí, mua xe đã đóng 3 loại thuế, giá xe cao hơn nước ngoài 2-3 lần. Đóng Phí bắt buộc nghĩa là mua xe không đi và đi đều đóng...Như vậy 5.987 tỉ không phải là tiền đóng góp mà tiền ép dân thâu tiền. Sao nỡ để cho dân ấm ức đóng cái Quỹ bảo trì ?.
Justin
16/03/2012 00:54
 muốn bà con mình đi bộ đây mà, thuế với chả phí...
tuệ minh thông
16/03/2012 06:39
Thế thì từ trước đến giờ Nhà nước dùng tiền ở đâu để bảo trì đường bộ, đâu phải bây giờ mới bắt đầu bảo trì mà bắt dân đóng phí, tiền thuế của dân không dùng vào việc này sao?
trần lê ân
16/03/2012 06:41
Đây đúng là thời của các loại phí. Chờ 1000 năm nữa hy vọng sẽ có thời của PHÚC LỢI !
Phạm Cường
16/03/2012 06:45
Lỗ hổng & sự tận thu !
Xuân Nam
16/03/2012 06:47
Hoan hô Bộ trưởng Đinh La Thăng! Hot quá đi!

Phụ phẩm gia súc bẩn kinh hoàng !

Đọc bài này mà thương cho các em sinh viên và công chức thường phải ăn cơm quán, cơm vỉa hè, chắc chắn là phải ăn thịt bẩn. Các em chịu khó hùn tiền lại nấu nướng, mua thịt cá trong siêu thị, giá cũng không đắt hơn bao nhiêu, thậm chí còn bình ổn giá nữa. Chịu khó, nghĩa là bớt làm biếng một chút, vì đa số là các tiểu thư không thích nấu nướng, lại còn nạnh hẹ nhau công việc. Đoàn kết và siêng năng thì mới sống tốt các em ạ. Phân công lịch trực rõ ràng thì đỡ mích lòng. Ai nấu cơm, ai rửa chén, ai đi chợ... không lẽ có nồi cơm nhỏ xíu mà 4 đứa làm không nổi? Để rồi khi mắc bệnh xem cái nào vất vả và tốn kém hơn?

Phụ phẩm gia súc bẩn kinh hoàng !
Thứ Năm, 15/03/2012 22:31

Nhiều phụ phẩm gia súc, gia cầm như đuôi, nội tạng trâu, bò; chân, cánh, lòng gà... đang là món khoái khẩu nhưng ít người biết chúng được chế biến từ nguyên liệu hư thối, không qua kiểm dịch
Các cơ quan chức năng tại TPHCM thời gian gần đây đã liên tục bắt giữ các vụ vận chuyển chân, đuôi, nội tạng gia súc, gia cầm. Nguồn hàng này được đưa từ khu vực miền Bắc, miền Trung vào TPHCM tiêu thụ. Đa số đều đã bốc mùi hôi thối, rỉ nhớt.

Hàng “quá cảnh”

Cuối tháng 2 vừa qua, Đội Cảnh sát Kinh tế Môi trường quận Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng) tịch thu, tiêu hủy khoảng 300 kg đuôi bò bốc mùi hôi thối được vận chuyển trên một xe khách. Chủ hàng khai mua từ Hà Nội về dùng hóa chất tẩy trắng để giao cho các nhà hàng, quán lẩu. Trước đó, Công an Quảng Trị cũng bắt giữ hàng loạt vụ vận chuyển phụ phẩm gia súc, gia cầm (gồm chân gà; đuôi, móng, nội tạng trâu, bò…) hư thối trên đường chuyển vào TPHCM tiêu thụ. Ngay tại Hà Nội, cơ quan chức năng vừa bắt giữ, tiêu hủy gần 30 tấn thịt thối tại một kho chứa trên địa bàn... Tại TPHCM, tuần qua, lực lượng QLTT đã kiểm tra 141 vụ vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm trái phép, trong đó đã xử lý gần 19 tấn thịt gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc.

Theo giới kinh doanh thực phẩm, nguồn hàng nội tạng, phụ phẩm gia súc, gia cầm hư thối, không bảo đảm vệ sinh lâu nay tuồn vào TPHCM tiêu thụ phần lớn có nguồn gốc từ nước ngoài. Ông Đoàn Ngọc Bình, chủ một doanh nghiệp kinh doanh thịt đông lạnh nhập khẩu tại TPHCM, cho biết: Đây là hàng tạm nhập tái xuất. Loại này chủ yếu là chân, cánh gà; chân, đuôi, nội tạng trâu, bò (phần lớn là bò) vốn là thứ bỏ đi ở các nước châu Âu, châu Mỹ… nên không được bảo quản tốt, dễ bị nhiễm khuẩn, hư hỏng. Nguồn hàng này chỉ được chế biến thành thức ăn chăn nuôi nên trên bao bì còn ghi cả dòng chữ không được sử dụng cho người. Hàng được nhập khẩu quá cảnh vào Việt Nam (phần lớn về cảng Hải Phòng) để tái xuất sang Trung Quốc. Do đây là hàng tạm nhập tái xuất nên cũng không được cơ quan chức năng Việt Nam kiểm tra, kiểm nghiệm...

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp tiết lộ: Không ít trong số nguồn hàng này sau khi vận chuyển lên biên giới (Lạng Sơn) sẽ được xé lẻ, “đánh” ngược lại thị trường Việt Nam tiêu thụ.

Len lỏi khắp nơi

Gần đây, hiện tượng này khá “nóng” do phía Trung Quốc đang cấm nhập thịt gia súc, gia cầm từ Việt Nam, kể cả hàng tạm nhập tái xuất, vì vậy nguồn hàng này được tuồn ra thị trường trong nước tiêu thụ. Ông Đoàn Ngọc Bình tiết lộ: Hàng tạm nhập tái xuất dạng này vốn là hàng kém chất lượng nên giá bán khá rẻ. Chẳng hạn mặt hàng chân gà có giá gốc về đến Việt Nam chỉ khoảng 15.000 đồng/kg nhưng khi đưa ra thị trường được đẩy lên 30.000 đồng - 40.000 đồng/kg; cánh gà 35.000 đồng/kg, bán ra 60.000 đồng/kg. Còn chân, đuôi, đầu, nội tạng trâu, bò giá gốc cũng chỉ từ 15.000 đồng - 20.000 đồng/kg. Tuy nhiên, các mặt hàng này thường bị rớt giá thê thảm khi thị trường tiêu thụ chậm, bảo quản không tốt nên bị hư thối, nhiều khi chỉ còn khoảng nửa giá. Hiện nay, nguồn hàng kém chất lượng này đang bung ra tiêu thụ mạnh trong nước, cạnh tranh quyết liệt với hàng nhập khẩu chính thức cho thị trường Việt Nam, khiến giá giảm từ 20%- 30% so với hồi đầu năm.

Giới kinh doanh thịt đông lạnh còn cho biết: Chỉ cần nhìn tang vật là biết ngay đó là hàng ở đâu. Chẳng hạn chân trâu, bò vẫn còn nguyên lông thường là nguồn hàng ở nước ngoài (vì đây là loại bỏ đi nên người ta không cần phải làm sạch). Tương tự các lô chân gà nhập (chưa sơ chế) thường còn nguyên da bọc và dính đầy lông. Nội tạng (tim, gan, cật, lá lách, bao tử, ruột…) thường dính nhiều chất thải... Để đánh lừa người tiêu dùng, những loại nguyên liệu bẩn này sẽ được xử lý bằng hóa chất để tẩy mùi, làm mới thịt, người tiêu dùng khó có thể phân biệt. Sau đó không chỉ được đưa vào quán ăn, quán nhậu, quán lẩu… để chế biến “đặc sản” bằng cách tẩm ướp gia vị mà còn được bán nhiều ở các chợ lẻ.
Rất khó xác định nguồn gốc các loại phụ phẩm gia súc, gia cầm đã được “làm sạch” tung ra thị trường. Đó có thể là hàng nhập hoặc thu gom từ các địa phương trong nước, chứa trữ lâu ngày khiến chất lượng không còn bảo đảm.
(Ông Trần Văn Quang, Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai)
Bài và ảnh: Nguyễn Hải (Người Lao Động)

ý kiến
Chuyên Gia
16/03/2012 00:12
Làm gì để ổn định chất lượng thực phẩm cũng như ổn định giá chống lạm phát? Đây là một vấn đề rất lớn mà chúng ta chỉ nói và làm cho có lệ từ trung ương đến địa phương. Kinh nghiêm các nước tiên tiến họ quản lý chặt chẽ từ khâu chăn nuôi, nuôi trồng đến giết mổ, bảo quản và phân phối ra thị trường. Trước hết phải có hệ thống chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy hải sản theo tiêu chuẩn và xa khu dân cư, không cho nuôi xen kẽ trong dân mà phải có trang trại riêng biệt do tư nhân làm chủ, nhà nước kiểm soát dịch bệnh. Khâu giết mổ phải thực hiện trong các nhà máy hoặc ngay trong trang trại với trang thiết bị đầy đủ tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường, có đầy đủ hệ thống cấp đông. Thực phẩm tùy theo nhóm hàng phải được cấp đông ít nhất 3-6 tháng ở nhiệt độ -60 độ C trước khi phân phối ra thị trường để tiêu diệt hết các mầm bệnh. Phải thành lập các hệ thống siêu thị để thay thế hết các chợ kém vệ sinh như hiện nay. Với các siêu thị, nhà nước và ngành chức năng dễ quản lý và kiểm soát an toàn thực phẩm. Các siêu thị chính là nơi tồn trữ thực phẩm an toàn với hệ thống kho lạnh đạt tiêu chuẩn. Thực phẩm phải nhập vào và bán ra luân phiên từ 1-6 tháng tuỳ theo mặt hàng đảm bảo ổn định hàng hóa chống lại sự biến động giá gây ảnh hưởng lạm phát. Một ví dụ nhỏ ở Mỹ, nếu có vấn đề khan hiếm gạo do lũ lụt mất mùa ở Đông Nam Á thì gạo dự trữ trong các siêu thị và kho trữ đủ cung cấp cho người tiêu dùng từ 6 tháng đến 1 năm với giá cả luôn ổn định. Nhà nước nên khuyến khich tư nhân hoặc tổ chức tham gia sản suất và phân phối thực phẩm theo hệ thống với sự kiểm soát chặt chẽ về chất lượng của nhà nước chắc chắn người dân sẽ được hưởng lợi và nền kinh tế sẽ giảm thiểu sự lạm phát và mất giá của VND như hiện nay. Và chúng ta sẽ không phải nghe mãi điệp khúc “mất vệ sinh an toàn thực phẩm”, “sẽ tiến hành rà soát chấn chỉnh”…v.v

Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

YÊU HOA

YÊU HOA
Diệu Kim

Ngày Valentine và 8 tháng 3, mấy đứa cháu tôi là sinh viên hùn tiền bỏ vốn ra mua hoa về bán dọc lề đường. Năm nào cũng vậy, những ngày này, nhiều công viên, lề đường của thành phố rực lên màu hoa, làm đẹp thêm bộ mặt văn hoá, tôi thường lấy máy ảnh chụp lại cảnh các bạn trẻ lúi húi cắm hoa và bày bán. Và tôi cũng cảm mến các bạn trẻ đã năng động, tự lực làm ra những đồng tiền phụ giúp cha mẹ nghèo ở quê. Chính các bạn cũng là những đoá hoa đẹp.

Tuy nhiên, trong cuộc mưu sinh ấy có những điều cần phải góp ý. Và mấy đứa cháu của tôi đã học được một bài học về hoa từ một bà cô “nghiêm khắc” là tôi. Không biết có phải là tôi nghiêm khắc, hay các bạn trẻ cần phải nhìn lại mình?

Đầu tiên, cháu tôi về khoe hôm nay bán được lẵng hoa giá 120.000đ mà chỉ có 5 bông hồng thôi. Lãi to. Nhiều lẵng khác cũng bán giá cao xêm xêm như thế. Và lai rai thì giá mỗi bông hồng lẻ dao động từ 15 -20.000đ. Cả đám bạn hớn hở ra mặt. Tôi kêu lại rầy ngay. “Cô đồng ý kinh doanh là phải có lãi, nhưng con làm sao để mình sống được mà người khác cũng sống được, chứ không nên ham tiền rồi mất lương tâm. Bởi tính ra giá vốn mỗi bông hồng là 3.500đ, cộng với chút lá cỏ nữa làm tròn 4.000đ, nhân lên 5 bông là 20.000đ. Tiền cái lẵng 10.000đ, miếng xốp nhỏ 3.000đ, vị chi 33.000đ, cô làm tròn luôn là 40.000đ. Bán 80.000đ đã lãi 100% rồi. Đằng này bán 120.000đ nghĩa là giá gấp 3. Còn bông lẻ 3.500đ + bao nhựa, nơ, cỏ 1.500đ = 5.000đ, bán 10.000đ cũng lãi 100%. Nếu bán 20.000đ là cao. Con dũng cảm cầm tiền kiểu đó chứ cô thì không dám. Bởi chúng ta là Phật tử, đừng quên lời Phật dạy, sống sao cho tử tế. Đồng ý là những ngày này cung nhỏ hơn cầu nên thị trường mới như vậy. Mình chấp nhận quy luật thị trường, nhưng cũng không được quên mình là Phật tử”.

Cháu tôi chống chế: “Quầy kế bên người ta bán cái lẵng có 1 bông thôi mà đã 40.000đ”. Tôi đáp: “Nhưng người ta có học Phật pháp như tụi con không? Người ta có quy y không?”. “Con bán vậy để bù cho những bông hoa bị héo, bán chậm. Con sợ ban đầu bán rẻ thì sau lại khó bán”. “Sao con không nghĩ chính vì con ra giá cao nên mới bán chậm? Cô cũng đâu có kêu con bán rẻ. Cô nói con bán “giá phải chăng” cơ mà”.
Các cháu học kinh doanh nên phân tích nào là quy luật “hớt váng” đối với sản phẩm mới, y như bài học trong trường đại học. Tôi lắc đầu: “Đó là sản phẩm có tính chất công nghệ đặc biệt kìa, chứ hoa là sản phẩm phổ thông thôi. Và ngay cả những tập đoàn lớn cũng sản xuất dòng sản phẩm phổ thông cho người trung lưu, bình dân, chứ không phải thứ nào cũng cao cấp và lo hớt váng”

Thứ hai, đứng về mặt thị trường, thì phải nghiên cứu đối tượng khách hàng. Người có tiền, khá giả thì họ đã vào shop mua hoa rồi. Người chịu mua ở lề đường thường là công chức, học trò, tiểu thương, giáo viên, lao động bình dân, với đồng lương giới hạn, túi tiền eo hẹp. Nhưng họ vẫn cố gắng dành ra một khoản mua hoa để làm đẹp lòng người phụ nữ của họ, để giữ gìn tình yêu, tình mẹ, tình chị em. Đối tượng này giống như cô nè, như cha mẹ tụi con nè, và thậm chí giống anh bạn cùng lớp của con. Vậy không nỡ nào mình hớn hở móc túi họ cho được. Cái túi ấy đã vốn mỏng, giờ nếu vì hoa mà mỏng thêm một cách đau xót thì tội họ quá!

Thứ ba, nếu họ tặng hoa cho người thân mà xót lòng như thế thì ngày vui trở thành bớt vui, và chính người thân của họ cũng bớt vui, cũng xót lòng theo. Dĩ nhiên, vì quá yêu thương mà họ chấp nhận mua hoa để tặng, nhưng giá hoa quá cao thì trong vô thức của họ vẫn nảy sinh sự “xót lòng”, bấm bụng mà mua. Mình là Phật tử, thường phát nguyện đem lại niềm vui cho chúng sanh, vậy mà đẩy giá hàng lên cao làm chúng sanh phiền não? Mình bán hoa không chỉ để kiếm tiền, mà còn phải có tâm nguyện “tôi đem lại chút niềm vui cho những người biết yêu thương nhau”. Nhìn họ mua hoa tặng nhau mình phải trân trọng và mỉm cười cùng họ, vì thế không nỡ nào làm họ xót lòng. Bán cái gì thì phải có tâm nguyện tử tế với món hàng đó, chứ không thể xem nó chỉ là “công cụ kiếm tiền” đơn thuần. Như bán thuốc, thì tâm nguyện đem lại sức khoẻ cho người bệnh. Bán tập bút thì tâm nguyện góp phần cho học trò phát triển học vấn. Bán hủ tiếu thì tâm nguyện cho người ăn no lòng, có sức mà sinh sống, phục vụ cho đời, vì vậy không nỡ bỏ chất hoá học, rửa tô dơ bẩn v.v… Luôn luôn tác ý tốt đẹp trong kinh doanh.

Thứ tư, về nhân quả, tôi nhắc các cháu xem tấm gương của những kẻ kinh doanh đầu cơ, trục lợi, cuối cùng con cái cũng phá nát gia tài sự sản. Còn những ai buôn bán tử tế thì lâu bền, chắc chắn. Đừng thấy cái lợi trước mắt mà ham, vì kết cục có thể rất tan hoang, ảm đạm. Tôi cẩn thận nhắc thêm, tụi con bán hoa kiểu đó coi chừng cả đời không có ai tặng hoa cho con. Cái duyên cái đẹp đã bị những đồng tiền ấy cướp mất rồi.

Cuối cùng, tôi phê bình rất dữ khi thấy các cháu bỏ tấm xốp cắm hoa vào cái thau vốn chỉ để pha nước lau nhà, vô cùng dơ uế. Nhà mấy chục cái thau, cái xô, tại sao không chọn một cái tử tế mà ngâm. Các cháu nghĩ hoa bán cho thiên hạ, cần chi giữ sạch? Nhưng tôi nhấn mạnh: Không thể xúc phạm hoa như thế. Hoa là biểu tượng tinh khiết của trời đất, vạn vật, cho nên mới thấy người ta cúng hoa cho Phật, cúng hoa cho chư thiên, trưng hoa vào các dịp lễ, tết, đám tiệc… Các cháu bán hoa mà không có tâm hồn như hoa, không biết trân trọng, thẩm mỹ. Dù tấm xốp nằm bên dưới, không khoe sắc khoe hương như hoa, nhưng nó cũng trong một tổng thể lẵng hoa, là nơi để hoa làm điểm tựa vươn lên, thì cũng phải giữ cho thanh sạch. Nếu chẳng may, anh con trai đó đem tặng bạn gái mình, rồi cô bạn gái vì yêu kính Phật mà đặt lên bàn thờ dâng Phật trước tiên, thì các cháu sẽ có tội. Hoặc người ta đem hoa để lên bàn học, đặt ở đầu giường, thì vi khuẩn trong tấm xốp sẽ bay ra gây bệnh. Nhưng nói chung, dù người ta đặt hoa ở đâu đi nữa, thì các cháu cũng phải trân trọng từng đoá hoa ấy, vì nó vốn là cái đẹp, vốn là tinh khiết, mình không thể tự bôi nhọ nó, và bôi nhọ cả tâm hồn mình. Có thế mới gọi là người biết yêu hoa, người biết bán hoa. Còn không, chỉ là một loại thương buôn tầm thường đặt đồng tiền là trên hết.

Nhiều bạn đã và sắp là cử nhân đại học, nhưng kỹ năng sống và sự sâu sắc trong tâm hồn còn quá yếu ớt. Hình như nền kinh tế thị trường đã giáo dục các bạn theo cách khác với cách mà thế hệ nghèo khó của chúng tôi đã sống. Nghèo nhưng nhạy cảm với thơ, nhạc, hoạ, văn chương, thiên nhiên, hoa cỏ quanh mình… Và từ khi học lời Phật dạy thì chúng tôi càng cố gắng từ bỏ những điều bất thiện, sám hối lỗi lầm. Từ đất bùn, chúng tôi đang cố trồng những đoá hoa đời thơm tho, tinh khiết. Nhớ câu thơ của vua Trần Thái Tông
Hoa nở sáng ngời trên đất tâm
Hoa tiên rơi xuống chẳng thơm bằng
Hái dâng từng đoá lên chư Phật
Gió nghiệp muôn đời thổi chẳng rung
                                                                                                   Sài Gòn 14-3-2012

THẢ CÁ VÀ CÂU CÁ

THẢ CÁ VÀ CÂU CÁ
Diệu Kim

Tôi bị bệnh nặng, nằm bệnh viện gần nửa tháng, tốn hơn chục triệu đồng mà vẫn không thuyên giảm bao nhiêu. Kéo dài như thế cũng không đủ tiền lương để trang trải. Thôi, khăn gói trở về nhà, nhất quyết ngồi thiền, niệm Phật, và phóng sinh để giải nghiệp. Và Phật pháp đã nhiệm mầu ban cho tôi những trợ lực khiến tôi càng thêm tin tưởng vào Đức Phật. Những cơn đau giảm đi phân nửa, đêm ngủ rất ngon, không còn trằn trọc như trước. Bệnh mà gặp ai họ cũng nói sắc mặt tôi tươi tắn, linh hoạt.

Mỗi đêm tôi cố gắng lạy 49 lạy, đứng lên quỳ xuống rất mỏi, nhưng rồi quen. Lạy theo kiểu Tây Tạng, trườn lưng và hai tay dài ra trước, rất giống động tác thể dục mà bác sĩ dặn phải tập. Tâm chân thành sám hối nghiệp chướng, một lòng hướng về Đức Phật kính yêu. Con và cháu tôi cũng lạy theo, hồi hướng cho mẹ, cho cô. Ngọn đèn trên bàn thờ Phật thắp sáng suốt ngày suốt đêm, lung linh niềm tin và trí tuệ.

Lạy xong, chúng tôi ngồi thiền khoảng 20 phút, quán sổ tức, tập trung hơi thở ra vào để lấy dưỡng khí cho cơ thể và giữ tâm tĩnh lặng. Sau đó xả thiền, xoa bóp tay chân, mặt, cổ, vai… Cuối cùng là hồi hướng. Dĩ nhiên trước đó cũng đọc những bài tán Phật, niệm hương, chí tâm đảnh lễ, sau lại đọc bài Tự quy y, nhưng chỉ khác là không có tụng kinh. Kết thúc khoá lễ, cả nhà đều thấy khoẻ người. Đặc biệt con trai tôi không còn thèm ăn tối như trước kia nữa. Nó còn trẻ, tuổi đôi mươi nên thường đói bụng vào ban đêm, lúc 9-10g là nhốn nháo đi tìm thức ăn mới ngủ được, dù là một gói mì. Vậy mà từ khi lễ lạy, ngồi thiền, nó bỏ luôn bữa ăn tối, bụng vẫn không cồn cào chút nào, và vẫn ngủ ngon. Cái bụng của nó nhỏ đi thấy rõ.

Tôi còn mua cá để phóng sanh. Tôi ra chợ, gặp ngay mẻ cá nào còn sống là mua rồi thả ngay ở rạch Bến Nghé cách chợ chỉ 5 phút chạy honda. Sau tôi lấy số điện thoại của anh bán cá, tối hôm trước đặt hàng để anh chừa cá cho mình, sáng hôm sau nhờ anh chở ra rạch giùm. Rạch này trước kia đen ngòm, hôi thúi, bây giờ nhà nước cải tạo lại, không còn nhà ổ chuột ven kênh nữa, mà xây bờ kè thoáng đãng, sạch sẽ, chạy uốn lượn thật đẹp, nước đầy ắp, trong xanh, nhích một chút đã ra tới sông Sài Gòn ngoài kia với dòng chảy lớn, đầy tàu thuyền cập bến Bạch Đằng, trên bờ có cầu tàu cho người dân đứng chơi, hóng gió. Cứ vài ngày tôi thả 20kg, cá rô là chủ yếu vì đúng mùa của nó. Cá này các ghe thương lái gom mua từ các tỉnh, đêm đã xuôi dòng sông chở lên chợ đầu mối Bình Điền, 3g sáng các bạn hàng của các chợ trong thành phố chạy ra lấy mối đem về bán lẻ. Cho nên, những con cá ấy giống như tử tù, chỉ cần vài tiếng đồng hồ thôi là bị chặt đầu, đánh vảy, moi ruột, cho vào nồi vào chảo. Mình giải thoát cho chúng đúng thời điểm này thì hiệu quả vô cùng.

Khi chở cá, vừa đi tôi vừa niệm: “Nam mô A Di Đà Phật, các con nghe tiếng niệm Phật của cô rồi hướng về Tam Bảo nhé. Kiếp sau nếu có trở lại làm người thì quy y Tam Bảo, nhất quyết tu hành. Nam mô A Di Đà Phật, Nam mô A Di Đà Phật…”. Thả cá xuống rạch, tôi và con cháu cũng niệm mãi như thế cho tới hơn nửa tiếng đồng hồ mới đứng dậy ra về. Và trong thời gian đó, lũ cá cứ quanh quẩn nơi chúng tôi, cong người nhảy lên tanh tách, hoặc bơi vô gần mép bờ kè xi măng lượn lờ sung sướng. Cả chục con cứ đưa lưng lên sát chỗ chúng tôi ngồi, trông thật đáng yêu.

Hôm nay, chúng tôi cũng y hẹn, chở cá ra khúc rạch quen thuộc có cái bậc thang dẫn xuống nước. Nhưng than ôi, ra tới nơi thì thấy có mấy người câu cá đã thả cần ở đó tự lúc nào. Mấy người kia ở xa xa, riêng ngay chỗ tôi thường thả cá thì một ông trung niên đã ngồi sẵn. Ông để chiếc cần câu dưới đất, tay cầm điện thoại di động nói chuyện với ai đó mà tôi nghe rõ là: “Sáng giờ câu cũng khá rồi!” và ông cười thoải mái. Tôi nhìn cái xô nhựa màu xanh ông để kế bên, hình như cũng đựng khá nhiều. Tôi nói với ông: “Tôi phóng sanh, đừng có câu liền, tội lắm nghen!”. Ông ừ ừ trong miệng.

Nhưng khi thùng cá của tôi vừa đổ xuống, 20kg, mấy trăm con cá rô mập ú tung mình ra nước, thì chắc là quá hấp dẫn đối với ông. Chưa đầy 3 phút, ông đã vội lấy cần thả ngay sát chỗ tôi ngồi, mặt tỉnh bơ. Tôi không thể ngăn cản quyền tự do của ông, chỉ có cách niệm Phật hối hả cho lũ cá nghe và thúc giục: “Chạy đi con, chạy đi con! Đừng có ăn mồi. Chạy liền ra giữa sông đi. Nam mô A Di Đà Phật, Nam mô A Di Đà Phật…”. Thật lạ, dường như lũ cá có linh thức nên không bơi vô mép bờ kè như mọi hôm nữa, mà lượn xa xa cách chừng 2 mét, đủ cho tôi trông thấy chúng, mà cũng đủ xa không cho người ta bắt được. Và tôi ngồi niệm Phật “chiến đấu” với ông câu cá. Ông cũng ngồi lì nhất quyết câu cho bằng được. Bầy cá vẫn đớp móng tung tăng trước mắt ông, quá chừng hấp dẫn, vậy mà nửa tiếng đồng hồ ông không câu được con nào. Còn tôi và đứa cháu cứ thì thầm: “Chạy đi tụi con, chạy đi tụi con! A Di Đà Phật, A Đi Đà Phật…”. Cuối cùng, ông đứng dậy thu xếp đồ nghề leo lên honda đi khỏi. Tôi và nhỏ cháu cười tươi vẫy tay với lũ cá: “Bye bye tụi con nghen. Tụi con bơi ra sông Sài Gòn đi, cô về. Nhớ là kiếp sau gặp nhau tại chùa, cùng nhau tu hành nghen!”.

Không biết ông câu cá kia có suy nghĩ gì trước chuyện lạ này không?
                                                             
                                                                                                         Sài Gòn 14-3-2012

Cứu lấy gấu

Cứu lấy gấu
TT - Có tận mắt chứng kiến những chú gấu bị tâm thần, mắt mờ, cụt tay... mới thấy nhiều người ác thật...

Gấu Hope cụt tay bất lực trước trái dừa - Ảnh: Đức Tuyên 

7g30 sáng 10-3, anh Trần Văn Quản, nhân viên Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên (Đồng Nai), vừa cất tiếng gọi to, ngay tức khắc, dẫn đầu đàn gấu là Top, sau đó đến Grall, Chaince, Misa, Kim, Sally, Lorna, Sunshine, Molly... và sau cùng là Hope chạy ra sân chơi. Đây là khu huấn luyện phục hồi gấu bán hoang dã nằm trong VQG Cát Tiên. Sau hàng chục năm huấn luyện, đến nay đã có 16 con gấu đạt trình độ hoang dã ở mức 80% và được thả ra khu vực này.

Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã VQG Cát Tiên (gọi tắt là trung tâm) vừa tiếp nhận thêm bảy con gấu ngựa do một người dân tỉnh Đồng Nai “hiến tặng”, như vậy số gấu đang được cứu hộ tại đây đã lên 35 con (trong đó có bảy con gấu chó). Chức năng của trung tâm là tiếp nhận gấu bị săn bắt, nuôi nhốt trong dân... sau đó chăm sóc, chữa bệnh và huấn luyện chúng trở về với cuộc sống hoang dã để thả về rừng.

Gấu cụt tay, gấu tâm thần

Trong số 35 con gấu tại trung tâm, có lẽ Hope có hoàn cảnh éo le nhất. Năm 2003, lực lượng kiểm lâm tỉnh Gia Lai bắt được vụ vận chuyển trái phép chín con gấu ngựa, trong đó có Hope. Ngay sau đó số gấu này được chuyển đến trung tâm. Các cán bộ tại đây kể lại ngày tiếp nhận Hope đã bị cụt mất toàn bộ bàn tay (chi trước bên trái), còn bàn tay phải cũng bị cụt toàn bộ ngón. Không biết Hope bị bẫy nghiến cụt tay hay vì những kẻ săn bắt đã chặt lấy đi nhưng ông Lương Văn Hiến - giám đốc trung tâm - nhớ lại: “Lúc tiếp nhận, vết thương nơi hai tay của Hope vẫn mới nguyên, máu còn nhỏ ra, sưng tấy nhiễm trùng, sức khỏe rất yếu”.
Các chuyên gia hi vọng cứu sống được gấu mà cái tên Hope (hi vọng) cũng ra đời từ đấy. Và sau hơn hai tháng được các chuyên gia của Quỹ quốc tế bảo tồn gấu cùng các nhân viên trung tâm tận tình cứu chữa, Hope mới qua khỏi cơn nguy kịch và dần hồi phục sức khỏe. Giờ đã nặng trên 1 tạ, thân thể khỏe mạnh, thế nhưng để di chuyển Hope phải tì cả khuỷu tay xuống đất để tập tễnh đi với cái đầu cứ chúi về phía trước. Tội nhất là khi được cho ăn dừa, những con gấu khác dùng móng tay, răng để xé, tước sơ dừa rồi bửa vỡ sọ dừa ra, riêng Hope loay hoay mãi cũng không thể dùng đôi tay đã bị cụt mà bửa dừa ra ăn, uống nước như các bạn. Thấy vậy, anh Trung, nhân viên trung tâm, đành phải bổ đôi trái dừa khác rồi quăng vào cho Hope.

Anh Mai Xuân Giang - cán bộ Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã  - đang được biệt phái về trung tâm cho biết những con gấu tiếp nhận từ trong dân về thường rất hay bị bệnh béo phì hoặc suy dinh dưỡng và con nào cũng bị stress nặng. Sở dĩ bị những bệnh đó là do người nuôi cố cho gấu ăn nhiều để khai thác mật, đến khi chúng bị cạn kiệt sức khỏe, gầy đói mới thôi. “Như gấu Sunshine khi được đưa về trung tâm cứu hộ đã liệt hai chân sau do bị người ta khai thác mật quá mức. Các nhân viên phải chăm sóc gần bốn tháng Sunshine mới dần hồi phục sức khỏe” - anh Giang nói.

Ngoài ra, cũng do bị khai thác mật quá mức mà cả hai mắt Sunshine đều bị mờ với thị lực chỉ đạt 20%. Những ngày đầu mới được thả ra khu vườn chơi, Sunshine không nhìn thấy đường, đi đụng đầu vào cây côm cốp cho đến khi được các nhân viên ở đây giúp đỡ mới về chuồng được. “Giờ thị lực của Sunshine đã được cải thiện đến 80%” - anh Quản cho biết. Thế nhưng, Sunshine chỉ mới hồi phục về sức khỏe. Còn tinh thần vẫn là một vấn đề cần rất nhiều thời gian để chữa trị. Sau biết bao ngày tháng bị người nuôi chụp thuốc mê, chọc cái kim dài khoảng 10cm vào ổ bụng để hút mật ra, giờ đây Sunshine vẫn bị stress nặng, thậm chí tình trạng bệnh đã chuyển qua giai đoạn “tâm thần”. Khi được thả ra sân chơi, Sunshine chỉ đứng một chỗ với ánh mắt đờ đẫn, người lúc lắc, đầu đung đưa qua lại như con lật đật và lao xuống hồ tắm vẫy vùng nước bắn tung tóe, sau đó lại lên đứng dưới tán cây gật gù, lúc lắc.

Tương tự, gấu Đồi cũng chung tình trạng “tâm thần” như Sunshine. Sau khi được giải thoát tại một cơ sở ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, tính đến nay Đồi đã về trung tâm được gần chục năm nhưng vẫn chưa trở lại bình thường. Do bị tâm thần khá nặng nên Đồi vẫn bị nhốt trong chuồng, lúc nào cũng đứng lắc lư thân thể như Sunshine với ánh nhìn vô định.

35 cá thể gấu đang được cứu hộ, huấn luyện tại trung tâm là 35 cảnh đời khác nhau nhưng có một điểm chung nhất là đều đã trải qua quãng đời bị con người ngược đãi trong những chiếc cũi sắt. Ngày về gần lại với rừng của Nicky là những giờ phải uống thuốc để trị ghẻ lở khắp thân thể. Chaince cũng phải chữa trị vết thương nơi bàn tay phải chỉ còn một ngón. John trở nên hung dữ. Còn Misa, Top, Grall, Sally, Lorna, Tai Mèo... luôn ở trong trạng thái trầm cảm, lười vận động. Và để có được tính hoang dã dần tăng lên như ngày hôm nay, các chuyên gia, tình nguyện viên trong và ngoài nước đã phải ngày đêm huấn luyện từng con gấu như chăm sóc từng đứa con mọn.

Để gấu tìm lại chính mình

Một ngày làm việc của các nhân viên trung tâm bắt đầu từ 6g sáng nhận thức ăn đặt từ hôm trước để đưa về trại. Sau đó lên khẩu phần ăn cho từng con gấu. Con nào béo giảm chất đạm, gầy tăng dưỡng chất, thêm thuốc vào khẩu phần ăn cho những chú gấu đang được trị bệnh tiêu chảy, ghẻ lở, hắc lào rụng lông, tăng chất xơ, rau quả cho gấu béo phì, khám bệnh cho một số con bị bệnh nặng... Kế đến là vào khu rừng bán hoang dã dọn rác, nhặt thức ăn thừa, kiểm tra hệ thống hàng rào điện xung quanh và mỗi gốc cây nơi gần rào lưới B40. Sau đó gài thức ăn trong những bụi rậm, trên cây, dưới hồ nước để gấu tự đi tìm thức ăn như trong tự nhiên. Đến 7g30, anh Quản lần lượt mở cửa từng chuồng gấu, gọi chúng đi ra kiếm ăn.
Xong nhóm gấu bán hoang dã, các nhân viên lại xoay trần với những con gấu chưa thuần. “Cực nhất là tập ăn cho gấu mới đưa về trung tâm” - anh Quản nói. Anh Quản và một số nhân viên ở đây đã được gửi đi nước ngoài học tập nên tỏ ra rất chuyên nghiệp trong cách huấn luyện đưa gấu về với tập tính sống hoang dã. Anh Quản kể đầu tiên là tập cho gấu ăn theo khẩu phần ăn khoa học đã được lập như cháo, cơm, các loại trái cây chuối, thanh long, dưa hấu, cà chua, khoai lang, xoài, ổi, rau muống, mía, bắp, dừa... cùng mật ong, mứt dâu, bơ đậu phộng, lá cây rừng và thêm thức ăn công nghiệp dành cho chó. Giai đoạn này các chuyên gia cũng dùng nhiều biện pháp để giảm stress cho gấu.

Sau thời kỳ tập ăn, cho ăn thả dàn no căng bụng là tới giai đoạn huấn luyện cho gấu đói. Khẩu phần ăn dần được giảm xuống để tạo cảm giác đói cho gấu để chúng trỗi dậy tập tính tự tìm thức ăn. Tiếp đến là đặt tên cho từng con gấu và gọi để chúng nhận biết mình tên gì. Kế đến là lựa bạn, ghép 2-4 con thành một nhóm để khi chúng thân với nhau rồi sẽ ghép với nhóm bán hoang dã và đưa ra cuộc sống ngoài khu rừng. Sau nữa là tập cho gấu tự đi tìm thức ăn được giấu trên cây, bụi rậm, đục lỗ nhỏ rồi bơm mật ong vào lóng tre...

Giai đoạn sau cùng là tập cho gấu leo cây khá công phu mà theo anh Quản thì không ít lần còn gặp nguy hiểm. Ban đầu bỏ đồ ăn vào túi dù hay dùng ống mật ong cột dây vắt qua chạc ba của cành cây và thòng xuống từ trên cao để nhử gấu đến lấy. Hễ gấu với tay lấy thì người huấn luyện lại kéo dây cho gói đồ lên cao dần để dụ gấu trèo cây. “Khi gấu đã biết trèo cây là lúc tập tính hoang dã của gấu đã trở lại 70-80%. Để đạt được giai đoạn này nhanh hay chậm còn tùy thuộc độ thông minh, tình trạng của mỗi con gấu khi đưa về trung tâm, nhưng ít nhất cũng mất 7-9 tháng huấn luyện liên tục” - anh Quản chia sẻ.

ĐỨC TUYÊN (Tuổi Trẻ)

Thả về đâu?

Theo các chuyên gia, sau giai đoạn leo cây, gấu có thể đã sẵn sàng để về với cuộc sống tự nhiên. Thế nhưng ông Lương Văn Hiến cho biết: “Đau đầu nhất với chúng tôi hiện nay là tìm môi trường thích hợp để thả gấu về rừng. Chúng tôi đã đi khảo sát nhiều nơi và nhận thấy khu vực rừng của VQG Bidoup Núi Bà (Lâm Đồng) là nơi có môi trường phù hợp cho gấu ngựa sống. Thế nhưng chúng tôi cũng không dám đưa gấu ra đây để thả về rừng vì công tác bảo vệ nơi này chưa tạo được sự yên tâm”.

700 USD cho một cái tên Tây

Như các trung tâm cứu hộ khác, nguồn kinh phí để Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã VQG Cát Tiên hoạt động chủ yếu dựa vào các tổ chức phi chính phủ của nước ngoài. Để có thêm nguồn kinh phí, ngay như việc đặt tên gấu cũng được Quỹ bảo tồn gấu kêu gọi các mạnh thường quân nước ngoài tài trợ tên thông qua chương trình “Name sponsor” - một mạnh thường quân được đặt tên cho một con gấu và đổi lại thường phải trả khoảng 700 USD/tên/năm. Do đó đa số gấu có tên nước ngoài là vậy.

  Chia sẻ:         
(12)
Lợi ích?
13/03/2012 12:29:36
Không biết nói gì hơn. Tôi từng nghe chuyện những chú gấu bị nuôi nhốt lấy mật. Thậm chí có khi còn bị chặt mất bàn tay. Vì lợi ích con người có nên nhẫn tâm như vậy không?

Nên chăng có một tổ chức bảo vệ và đường dây nóng, khi phát hiện động vật hoang dã bị bắt, nuôi nhốt hay bị ngược đãi người dân có thể báo ngay.
  
HUYỀN TRANG
Phải bảo vệ gấu bằng pháp luật.
12/03/2012 18:01:18
Đọc những thông tin trên chắc chắn ai cũng xót xa cho loài gấu. Chủ trương bảo vệ loài gấu ở VN đã có từ lâu, nhưng gấu vẫn bị xâm hại. Theo tôi, cần xây dựng pháp luật bảo vệ gấu và các loài quý hiếm khác cụ thể và dễ thực thi hơn. Bên cạnh đó là việc áp dụng pháp luật (đặc biệt là các chế tài) về bảo vệ gấu phải thực sự nghiêm minh.
  
GIA PHỐ
Không dùng mật gấu
12/03/2012 16:14:59
Tôi là hạt cát giữa sa mạc, hiện tôi đã và đang nói "không" với mật gấu gần 10 năm nay mong các bạn ủng hộ.
  
THÀNH
Cám ơn tập thể trung tâm Cứu hộ động vật
12/03/2012 12:01:15
Khi đọc xong bài báo này tôi thực sự rất cám ơn các nhân viên của TTCHĐV , các anh chị có tấm lòng yêu thương động vật rất nhiều, và còn có lòng kiên nhẫn để chăm sóc những chú gấu rất đáng thương này.

Mong sao có nhiều người giống như các anh chị để trên đất nước này không còn những loài động vật bị hành hạ dã man như vậy nữa. Chúc các anh chị có thật nhiều sức khỏe để cứu lấy thật nhiều loài động vật hơn nữa.
 
NGUYỄN THỊ KIM LOAN
Thật buồn cho loài người!
12/03/2012 10:57:38
Tôi lúc nào cũng cố gắng nhắc nhở mình là không được phí phạm khi dùng bất cứ thứ gì vì sợ gây ô nhiễm môi trường và ăn vừa đủ thức ăn có thịt. Vì thế tôi thật đau lòng khi biết những chú gấu này lại kém may mắn đến thế.

Nguồn thức ăn phục vụ con người như hiện nay là quá đủ, không có thịt gấu hay rùa, rắn.... thì con người đâu có chết vì đói nói riêng và đâu có tuyệt chủng nói chung? Thuốc trị bệnh cũng được tìm tòi từ các nguồn khác nhau để phục vụ con người và nó thật sự đã và đang giúp ích rồi còn gì? Tại sao ta lại phải tìm mật của gấu, sừng của các con tê giác để trị bệnh làm gì mà nó được mang lại nỗi đau khôn tả của các con vật? Tê giác thì đã chính thức được thông báo là tuyệt chủng ở khu rừng Cát Tiên hồi tháng 10 năm ngoái rồi.

Thế giới này sẽ càng xanh hơn và con người sẽ trở nên nhân ái hơn nếu quý vị chỉ cần có một sự cân nhắc nho nhỏ khi làm bất cứ một việc gì đó trên hành tinh này. Thật sự cảm ơn và cảm kích những tấm lòng nhân ái đang và sẽ cứu lấy những động vật bất hạnh từ bàn tay của những kẻ bất nhân. Chúc bạn đọc vui.
  
KHANH NGOC
Tội nghiệp những chú gấu
12/03/2012 09:59:05
Đọc tin mà thấy thương cho những chú gấu biết bao nhiêu. Trước đây là những con voi to bị con người độc ác quật ngã rồi tới những chú chim non... và tới gấu. Nhiều người vì đồng tiền mà không từ bỏ 1 điều gì cả. Nghe câu chuyện thấy xót xa, nhìn chúng đau đớn mà thương quá. Nếu cứ như thế này thì không bao lâu nữa thiên nhiên hoang dã sẽ không còn và hậu quả của nó là mất cân bằng sinh thái là rất nghiêm trọng.

THANH HOA
Hình phạt chưa đủ mạnh
12/03/2012 09:39:01
Quả là tội nghiệp cho các chú gấu trong bài viết này nói riêng cũng như các loài động vật khác nói chung. Hiện trạng săn bắt, nuôi nhốt, khai thác trái phép động vật hoang dã đã đẩy chúng vào con đường diệt vong. Ý thức người dân thì quá kém, hoặc đã bị lợi nhuận làm cho mờ mắt hoặc đã bị lòng ham muốn (như muốn thưởng thức) làm cho họ trở nên ngày càng vô cảm hơn... Ngay cả các chú voi hiện còn sót lại trên Tây Nguyên cũng bị chúng săn bắn hoặc bị du khách vặt cho sạch lông đuôi. Cách duy nhất để bảo vệ chúng là phạt thật nghiêm những kẻ săn bắt, vận chuyển, nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép. Nếu không ngày tuyệt chủng của chúng cũng không còn xa nữa và công sức của những người bảo vệ cũng sẽ như muối bỏ biển.
 
TRƯƠNG
Tội nghiệp mấy con gấu
12/03/2012 09:08:35
Việc lấy mật gấu là một việc làm rất tàn ác, tại sao những cơ quan có thẩm quyền không tịch thu tất cả những con gấu của những người nuôi gấu lấy mật? Theo tôi tốt nhất là cấm tấ cả người dân nuôi gấu nói riêng cũng như động vật doang dã nói chung. Còn những tay thợ săn bắt trộm phải xử tù thật nặng mới đủ sức răn đe. Tôi cũng mong bà con mình từ bỏ sử dụng mật gấu cũng như các sản phẩm từ động vật hoang dã để những con thú không còn bị đối xử tàn ác như vậy.

VU LONG
Khó mà cải thiện!!!
12/03/2012 09:06:35
Đọc bài báo này mình rất xúc động vì thương những con gấu và nhân viên huấn luyện ở đây. Dù bài viết này có lan tỏa, nhiều bạn đọc cùng đồng cảm như mình thì cũng khó mà cải thiện được vì nhiều "đại gia" hiện nay có nhu cầu cao về mật gấu/ tai gấu...
DUNG