Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2012

NGÃ TƯ VÀ GIÀN HOA TÍM


NGÃ TƯ VÀ GIÀN HOA TÍM
Hồng Loan- Diệu Bông

Sáng nào đi làm cứ đến ngã tư này là tôi căng thẳng như đứng trước một cuộc thi. Vì ngã tư này là một giao lộ lớn nên đèn giao thông có đến ba tín hiệu: đèn xanh, đèn đỏ và đèn rẽ trái. Công ty tôi nằm bên hướng rẽ trái, nên cứ mỗi lần đến đây tôi cứ sợ vướng đèn đỏ, vì chờ đèn đỏ mất gần một phút, sau đó đến đèn xanh gần một phút nữa mới đến đèn rẽ trái. Vì vậy sắp đến giao lộ là lòng cứ thấp tha thấp thỏm căng mắt nhìn đèn giao thông. Nhất là mỗi khi thấy đèn vừa chuyển sang màu vàng chuẩn bị màu đỏ là vội vàng nhấn ga hết cỡ vọt qua.Thành tích” đó dần dần tạo trong tôi cảm giác “chiến thắng”, nên cũng vô tình hình thành một cảm giác sợ “thua” – kẹt đèn đỏ.
Cũng như mọi hôm, làn xe của tôi từng chiếc từng chiếc tiến lên theo đèn rẽ trái. Mắt dán lên đèn giao thông, tôi thấy đã chuyển sang vàng, chân bèn chuẩn bị đạp ga tăng tốc. Nhưng trời ạ, chiếc xe phía trước tôi sao mà ngoan thế, nó giảm tốc độ và dừng đúng bon vạch qui định. May mà tôi cũng phản ứng khá nhanh, kịp thời đạp thắng, nếu không thì đã “hôn” đuôi nó rồi. Tôi bực mình đập tay lên vô lăng, trong lòng lèm bèm chì chiết người cầm lái chiếc xe kia. Trong lúc đợi đèn, tôi định mở đài nghe tin tức, chợt nhìn sang đồng hồ xăng mới phát hiện xăng ̣sắp hết, đang ở mức thấp nhất.Tôi vội tắt máy lạnh, hạ cửa sổ xuống cho đỡ hao xăng. Cũng may trời đang cuối thu nên không khí mát mẻ dễ chịu.
Nghe tiếng lào xào bên ngoài cửa sổ, nghiêng đầu nhìn ra, tôi bàng hoàng rúng động: một dãy ngút ngàn hoa tím xếp chen nhau trên nền lá xanh biếc chạy dài theo dải phân cách. Thật ra những dải phân cách được trồng hoa hoặc cây kiểng không phải là điều gì lạ lẫm với tôi, nhưng đây là lần đầu tiên tôi cận cảnh thưởng thức tác phẩm tuyệt vời này. Đoạn đường này tôi đã đi qua không biết bao nhiêu lần, nhưng tầm mắt của tôi chỉ là nhìn thẳng về phía trước, hoặc nhìn bên phải, bên trái hoặc nhìn kính chiếu hậu, có bao giờ tôi “rảnh rang” thoát khỏi cái quỹ đạo ấy đâu mà biết được còn có những gì đang hiện diện chung quanh. Tôi cứ lặng người ngắm những bông hoa cho đến khi tiếng còi “tin tin” của bác tài phía sau hối thúc, tôi mới giật mình. Đèn rẽ trái đã bật tự bao giờ. Vội vàng nhấn ga, tôi luyến tiếc chia tay giàn hoa tím. Những nhánh hoa cũng cố rướn cao đung đưa trong gió như vẫy chào tạm biệt người bạn mới quen.
Hôm sau đi làm đến ngã tư ấy, đèn giao thông chuyển sang màu vàng, tôi từ từ đạp thắng cho xe dừng đúng vạch qui định và hạ cửa sổ xe. Những bông hoa nhỏ bé như cũng nhận ra tôi, chúng mừng rỡ chen chúc nhau rung lên trong gió. Chắc chúng sung sướng gặp lại người quen cũ. Tôi khẽ thốt lên: “Ôi, tụi bây dễ thương quá. Chúng lại đung đưa như đáp tạ lời khen của tôi. Tôi tủm tỉm cười trước vẻ e ấp mộc mạc ấy. Tôi không biết tên của loài hoa này, chúng không rực rỡ như hoa hồng hoa cúc, mà giản dị trong màu tím cà man mác. Những cánh hoa li ti kết thành từng chùm khiêm tốn khoe sắc trên đám lá xanh tạo nên một cảm giác nhẹ nhàng thanh thản. Đèn tín hiệu bật lên, tôi thong thả nhấn ga cho xe lăn bánh, không quên gửi một nụ cười và vẫy tay tạm biệt những người bạn nhỏ.
Cứ thế, giờ đây tôi không còn cảm giác “thắng” “thua” khi đi ngang qua ngã tư này nữa, mà lúc nào cũng trong một tâm trạng “được” chứ không “mất”. Nếu thuận đèn thì tôi được đến công ty sớm hơn hai phút, còn nếu gặp đèn đỏ thì tôi được thanh thản ngắm hoa hai phút.
                                               Đài Loan, 7-7-2012

Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2012

Món quà của mẹ

Món quà của mẹ
Nguyễn Thị Thùy Nương

Hôm nay lại về quê lên, hai ba túi to đầy những món ở quê mà mẹ chuẩn bị cho tôi. Tôi mang ra cho cô tôi, cô khen rau quả ở dưới quê ăn ngon, cô rất thích.
Lời nói kia, như đánh tôi một cái, tự dưng làm tôi nhớ mẹ quá. Hễ mỗi lần tôi về quê là mỗi lần mẹ rối rít, nghỉ làm cả ngày ở nhà với tôi dù công việc đang vây quanh lấy mẹ, để rồi sau đó phải tất bật làm bù. Mẹ nấu những món ngon, rồi làm bánh, dù thường ngày chưa chắc chịu làm. Mỗi lần như vậy em tôi lại xuýt xoa nói đùa: “Em chỉ ăn ké chị thôi”. Mọi người ai nấy đều cười phá lên , “Ừ, ở nhà cho nó ăn toàn là nước mắm không hà”. Mẹ tôi cũng cười, khuôn mặt rạng ngời.

Cả nhà quây quần cùng nhau ăn uống, vui chơi no nê, sảng khoái. Nhưng sau đó mẹ tôi không chịu nằm nghỉ mà loay hoay suốt. Nào là đùm đủ thứ vào bọc nilông, nào chạy đi hái rau, nhổ khoai mì, và có khi là hái trái bầu, trái bí… cho tôi mang theo. Không than vãn, mẹ cứ cặm cụi làm. Mỗi lần như thế cha hay la mẹ, em tôi cũng trêu: “Cái gì cũng mang theo giống đi buôn quá, lên thành phố cái gì mà không có, hằng hà sa số ở trển”. Mẹ trả lời: “Trên thành phố đồ ăn không ngon, rau cải toàn là thuốc trừ sâu, nhúng chất hóa học không hà. Chịu khó đem lên ăn cho ngon, cho khỏe”.

Những lần đồ đạc không quá nhiều thì tôi dễ dàng đem đi. Nhưng cũng có lần mẹ chuẩn bị cho tôi quá nhiều, toàn là những thứ nặng, cộng với những lời cha và em hay trêu, tự dưng trong lòng tôi dâng lên sự khó chịu, liền gắt gỏng: “Trời ơi, nhiều quá xách nặng chết đi được, những thứ này mà cũng mang lên, bỏ lại, bỏ lại, không lấy, không lấy đâu! Trên kia rẻ rề hà, đem lên người ta cười cho thúi đầu, chọc con đồ nhà quê cho coi”. Vừa nói tôi vừa nhanh tay xốc lên những món mà mẹ cặm cụi từ sáng chuẩn bị cho tôi. Thấy vậy, mẹ lẳng lặng lấy ra, không nói tiếng nào.

Bây giờ suy nghĩ lại thấy mình bậy quá. Những món quà mẹ cất công chuẩn bị mà tôi không biết quý trọng. “Mẹ ơi, con xin lỗi mẹ, con vô tình quá, không nhận thấy sự quan tâm chăm sóc từng li, từng tí của mẹ. Con xin sám hối. Mẹ ơi mẹ, con đã cảm nhận được rồi, tình yêu thương bao la mà mẹ gởi gắm qua những món quà đơn sơ kia!”.

Trong cuộc sống hằng ngày, ai đó cho chúng ta một thứ gì, dù nó nhỏ đến mấy ta không ngớt lời cảm ơn họ, nhận thấy họ rất tốt. Thế nhưng có những giây phút ta lại vô tình quên đi những người luôn ở đằng sau ủng hộ, yêu thương, quan tâm chúng ta. Đó là ông bà, cha mẹ, anh em,… thể hiện thông qua những việc làm, những món quà hết sức nhỏ nhặt, đó có thể là cọng rau hay miếng bánh... Có lẽ vì người trong cùng một gia đình nên thấy quá quen thuộc, bình thường, đến nỗi ta ứng xử sơ suất, và không cần làm đẹp lòng nhau bằng tiếng cảm ơn hay nụ cười “xã giao” như với người bên ngoài. Cho nên, gia đình có khi trở nên “lạnh lẽo” xuất phát từ sự thờ ơ của chúng ta. Từ nay, xin hãy hết sức trân quý những món quà và tấm lòng của cha mẹ, anh em, chú bác, biết đâu mai kia trên đường đời gió bão ta sẽ rất thèm nghe tiếng cười ấy, thèm ăn món bánh ấy, thèm luộc một cọng rau quê nhà, hay cắn một trái mận mẹ vừa hái sau vườn…Hoặc khi mẹ mất đi, có muốn tìm lại hương vị ngày xưa cũng chỉ biết tìm trong nước mắt…

Thứ Năm, 5 tháng 7, 2012

LON TIỀN TỪ THIỆN CỦA CÔ PHỤNG


LON TIỀN TỪ THIỆN CỦA CÔ PHỤNG

Cô Phụng ở Úc gởi về mấy cái hình thật cảm động. Phụng đặt những cái lon trong xưởng may và shop hàng hóa, để mọi người bỏ tiền xu vào đó, rồi cuối tháng Phụng đi gom lại, đổi ra tiền lớn gởi về cho Funny Home. Có hôm, vợ chồng con cái của Phụng ngồi đếm tiền lẻ tới khuya, vô bao nặng tới 5kg, rồi xách đi tới ngân hàng đổi tiền, mỏi cả tay. Đặc biệt nhất là lon tiền của cô Phụng không dán những hình ảnh người tàn tật và viết tiếng Anh như các lon của người khác, mà dán 4 câu thơ do cô sáng tác và viết toàn bằng tiếng Việt. Mọi người thấy 4 câu thơ là biết ngay lon từ thiện của cô Phụng, coi như một nét rất độc đáo. Bên cạnh đó là con heo của hai đứa con cô Phụng bỏ ống gởi về Funny Home. Thật cảm ơn gia đình cô Phụng và quý vị mạnh thường quân.