Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2011

BÁO CÁO PHÁT CƠM CHAY TỪ THIỆN Lần 14 ngày 20-8-2011


BÁO CÁO PHÁT CƠM CHAY TỪ THIỆN
Lần 14 ngày 20-8-2011

1- Số tiền vận động 

Số TT
NGƯỜI THAM GIA
SỐ TIỀN
TỔNG CỘNG
TỒN QUỸ
14.450.000đ
1
Cô Liên Chi (báo Sân khấu TP.HCM)
200.000đ

2
Cô Diệu Thành (Anh quốc)
6.000.000đ
20.650.000đ

CHI PHÍ (gởi ra chùa Phú Sơn- Phú Yên 600 phần)
3.000.000đ


TỒN QUỸ

17.650.000đ





2- Nội dung:
Sư cô Diệu Lộc (ĐT: 0987.328.772) mới về trụ trì một ngôi chùa rất nghèo ở vùng sâu vùng xa tỉnh Phú Yên. Đó là chùa Phú Sơn, thôn Phú Sen Tây, xã Hòa Định Tây, huyện Phú Hòa. Bà con nơi đó hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn muốn tu học, muốn ăn chay. Vì vậy cô Kim chuyển số tiền trong quỹ cơm chay lần 14 này đến bà con của Phú Yên, mong hỗ trợ được một bữa ăn miễn phí, cũng là hỗ trợ bồ đề tâm của mọi người, đồng thời ủng hộ Phật sự của Sư cô Lộc, mong cô phát triển được Phật pháp nơi vùng sâu vùng xa.

Những vị tăng ni trẻ chấp nhận dấn thân vào nơi khó khăn để xiển dương chánh pháp, thật đáng trân trọng. Chúng ta phải là những người hộ pháp cho Phật sự của quý thầy cô. Hoằng pháp có nhiều cách, từ chuyện giảng dạy, cho tới nấu cơm chay từ thiện, cứu trợ v.v… đều có hiệu quả. Trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, một bát cơm đem đến cho đồng bào cũng là một niềm vui không nhỏ. Với 3 triệu đồng ấy, ở TPHCM nấu được khoảng 500 suất, nhưng về quê có thể nấu được nhiều suất hơn vì giá gạo và rau củ nấm ở quê đều rẻ hơn. Quả thật là phấn khởi!



Chuyện ly kỳ về rắn trắng ở đền Trần

Xem bài tại đây

Sốc với "Vạn Lý Trường Thành"... Đà Lạt

Xem bài tại đây

A DI ĐÀ...DỘT

Nguyễn Quang Lập là nhà văn nổi tiếng, lại có máu hài hước. Nhiều bài viết của ông đăng tải trên các tờ báo lớn, được mọi người yêu thích vì văn phong duyên dáng. Mời các bạn đọc thử một bài phản ánh, phê bình lẽ ra rất chua cay nhưng lại được ông hư cấu như một câu chuyện đời gần gũi. Đọc ông rồi sẽ mê văn ông cho xem!

 A DI ĐÀ...DỘT

Nguyễn Quang Lập


Thay một viên gạch ở Chùa Một Cột cũng phải xin ý kiến cấp trên. Nhà chùa đã gửi đơn xin rồi nhưng vẫn phải chờ. Thế nên vẫn a di đà... dột!


Nửa đêm Mũm Mĩm mở mắt, bỗng nghe tiếng ngâm thơ của Ngu Ngơ. Quái lạ, Ngu Ngơ vốn ghét thơ lắm, nghe đến thơ là giật nảy mình như nghe beo kêu hổ gầm, sao hôm nay lại nổi hâm đêm hôm khuya khoắt ra đây ngâm nga thơ phú. Mũm Mĩm vùng dậy, rón rén đi ra, đứng nép góc tường nhìn ra ban công. Ngu Ngơ chắp tay trước ngực, đi đi lại lại, ngâm nga:

Đêm thu chùa thoảng tiếng chuông tàn/ Phong đỏ, trăng ngời, sóng nguyệt lan/ In ngược hình chim, gương nước lạnh/ Sẫm đôi bóng tháp, ngón tiên hàn./Muôn duyên chẳng vướng: xa trần tục/ Một mảy nào lo: rộng nhãn quan/ Thấu hiểu thị phi đều thế cả/ Dầu ma dầu Phật, chốn nào hơn?

Mũm Mĩm nhảy ra cười he he he, nói té ra Ngu ngơ nổi cơn hâm ngâm thơ hay phết. Ngu Ngơ giật mình quay lại, mắt trợn tay xua, nói thiện tai thiện tai! Mũm Mĩm mắt tròn mắt dẹt, nói anh sao thế, cứ như ông sư trụ trì nhà chùa vậy? Ngu Ngơ chắp tay cung kính, nói đó là bài thơ Diên Hựu tự của sư Huyền Quang, không phải thơ của bần tăng. Mũm Mĩm cười rũ, nói điên ơi là điên, hâm ơi là hâm, bần tăng nào ông Ngu Ngơ ơi là ông Ngu Ngơ ơi.

Ngu Ngơ vẫn tỉnh bơ, tay vái miệng lầm bầm, nói bần tăng trụ trì Chùa Một Cột đã hơn nửa thế kỉ, du khách vãn chùa cả mấy chục triệu lượt, ai cũng ngưỡng mộ kiến trúc độc nhất vô nhị của ngôi chùa. Bần tăng vô cùng tự hào và cảm động. Bảo rẳng Chùa Một Cột là biểu tượng của Thủ đô ngàn năm văn vật quả không sai, tự hào lắm tự hào lắm.

Mũm Mĩm há hốc mồm, nói thôi chết rồi, chồng tôi tẩu hỏa nhập ma rồi, khi không lại nhận mình là trụ trì Chùa Một Cột. Tỉnh lại đi tỉnh lại đi Ngu Ngơ ơi, em sợ lắm rồi. Ngu Ngơ đứng im, sắc mặt không đổi, tay bắt quyết, mặt ngửa lên trời, nói mô Phật, mô… dột! Mũm Mĩm sợ toát mồ hôi, nói anh nói gì thế Ngu Ngơ ơi, sao lại mô Phật sao lại mô dột.

Ngu Ngơ bỗng ôm Mũm Mĩm kêu lên, nói anh không điên đâu, anh muốn hóa thân sư trụ trì Chùa Một Cột để cảm nhận được nỗi đau của cụ. Chùa Một Cột đang xuống cấp nghiêm trọng. Mỗi khi có mưa, mái dột nước chảy lênh láng, ướt nền ướt cột ướt tượng…Sư trụ trì phải lấy nón mà hứng nước mưa, đau khổ vô cùng.

Mũm Mĩm kêu to, nói sao lại có chuyện đó được? Vừa mới tu bổ nhân dịp Đại lễ nghìn năm, sao lại dột nát thê thảm như thế hả. Ngu Ngơ thở dài, nói em cứ đi một vòng mà xem, Chùa Một Cột bị dột là may. Mũm Mĩm nhảy chồm chồm, nói nhưng vô lẽ thay mấy viên ngói cũng khó khăn thế a? Ngu Ngơ nói khó lắm khó lắm, người ta bảo di tích này nằm trong quần thể di tích Hồ Chí Minh, thay một viên gạch cũng phải xin ý kiến cấp trên. Nhà chùa đã gửi đơn xin rồi, nhưng hãy còn chờ.

Mũm Mĩm dậm chân, nói mấy viên ngói cũng phải chờ a? Ngu Ngơ chắp tay lầm bầm, nói a di đà … dột. Bần tăng đã đệ đơn xin, Ban quản lý nói chờ, họ phải họp bàn. Ban quản lý họp bàn xong rồi phải chờ Cục di sản họp bàn. Cục di sản họp bàn xong rồi phải chờ Ủy ban thành phố họp bàn, Ủy ban Thành phố họp bàn xong rồi phải chờ Bộ văn hóa họp bàn…A di đà… họp.

Bắt một con rùa lên bờ cũng phải họp bàn ba tháng, thay mấy viên ngói cầm chắc phải chờ họp bàn nửa năm may ra mới có.

A di đà… dột! A di đà… họp! Hu hu.

Theo: bee.net.vn

"Phản đối" hút mật, gấu mẹ giết con rồi tự sát

Xem bài tại đây

ĐỊA NGỤC LƯỜI

ĐỊA NGỤC LƯỜI




Có một thanh niên nọ suốt ngày làm lụng vất vả. Anh lao động suốt từ sáng đến tối, không ngừng tay. Anh luôn nhìn những người nhàn hạ, ít lao động và mơ ước được như họ.

Nhất là anh thấy ghen với những cô cậu ăn chơi, phè phỡn, đàn đúm, tóc xanh mỏ đỏ, xe cộ lượn lờ, quán xá ngày đêm. Càng ngày anh càng thèm khát cuộc sống an nhàn không phải lao động. Thế rồi, một ngày nọ thấy quá vất vả, anh quyết định tự vẫn – treo cổ mình lên xà nhà. Anh thà chết còn hơn phải làm việc và lao động vất vả.

Sau khi chết Diêm Vương báo cho biết rằng anh phải đọa địa ngục. Tự sát, tức tự giết mạng sống của mình là tội rất nặng, nặng hơn cả tội cướp đi mạng sống của kẻ khác.

Rồi anh được dẫn đến một không gian khá đẹp, thư thái, bình an. Có cây xanh, nắng vàng. Có trăng thanh, gió mát. Có nước chảy, thông reo. Có chim ca, thú lượn. Việc duy nhất của anh và những người trong địa ngục này là KHÔNG LÀM GÌ CẢ.

Hàng ngày anh ta ngủ dậy được ăn sáng và chơi. Chơi rồi ăn trưa. Ăn trưa xong lại chơi đến ăn tối. Xong bữa tối lại chơi đến khi đi ngủ. Anh không được quyền động chân động tay vào bất cứ việc gì – từ lau nhà đến rửa bát, từ làm cỏ ngoài vườn đến hái trái cây đã chín. Từ giặt quần áo đến nấu những món ăn mình thích. Chứ không nói đến chuyện đi làm ở nhà máy hay công sở, cơ quan và công trường. Bất cứ nhu cầu gì xuất hiện trong não, lập tức có ngay.

Anh thanh niên vô cùng thích thú và không ngờ lại có một địa ngục tuyệt vời như thế. Anh nghĩ chắc người ta xếp nhầm cho anh chứ đây phải là cõi trời, là thiên đàng mới đúng. Anh nghĩ vậy và không dám hỏi, bởi sợ nếu bị phát hiện ra anh sẽ bị đưa đến loại địa ngục mà anh vẫn thường nghe kể khi còn sống: vạc dầu, lửa cháy, dao đâm, tùng xẻo, đói khát, lạnh cóng, lao động cực nhọc 24/24..

Sang tuần thứ 2 anh mạnh dạn tìm được 1 người bạn cũng bị đọa và người này cho biết rằng địa ngục mà họ đang ở có tên là địa ngục LƯỜI. Người vừa nói tên địa ngục cho anh đang tìm cách tự sát vì chán đời quá. Anh càng không hiểu, tại sao tại địa ngục “Lười” sướng thế này mà anh ta còn muốn chết!

Nhưng sáng đến tuần thứ 3 anh ta bắt đầu chán. Chán vì anh ta không được làm bất cứ việc gì cả. Chân tay của anh thấy thừa. Thời gian bắt đầu thấy trôi quá chậm. Anh thấy lãng phí thời gian và nhớ lại những ngày anh lao động khi mình còn sống. Tuy vất vả nhưng mang lại bao điều kỳ thú, bao khám phá đặc biệt, bao trải nghiệm khó quên.

Sang đến tuần thứ 4 thì anh thật sự thấy chán. Anh nhận ra cuộc sống ở nơi đây quá vô nghĩa – anh không làm gì có ích cho đời. Như vậy thì sống để làm gì! Mỗi ngày trôi đi chỉ là sự hưởng thụ. Mà kỳ lạ là anh muốn lau nhà, rửa bát, nhặt rau hay nấu ấm nước pha trà cũng không được. Chỉ cần tâm khởi mong muốn uống trà là có ấm trà sen, trà nhài ngay. Chỉ cần nghĩ đến món cháo nấm là có ngay tấp lự. Anh thấy vô lý và bất công bằng quá. Anh thấy thời gian trôi đi chậm quá.

Anh bạn của chúng ta quyết định đến gặp người quản ngục và đề nghị được lao động. Nhưng người quản ngục nói rằng, đây là địa ngục “Lười”, tức dành cho những ai lười biếng, không muốn lao động. Và rằng những ai ở đây không được quyền làm bất cứ việc gì.

Anh bạn van xin cho làm bất cứ cái gì chứ anh không thể chịu nổi nữa. Và rằng nếu sống không lao động thế này thà chết còn hơn. Anh cũng hỏi ngài quản ngục xem mình còn phải bị ở địa ngục “Lười” này bao lâu nữa. Ngài giở sổ ra và cho biết anh phải chịu ở đây thêm 300 năm nữa nữa. Anh bạn của chúng ta hoàn toàn thất vọng! Quá lâu.

Cuối cùng anh nghĩ ra ý định tự tử. Tuy nhiên ở địa ngục này không ai được tự tử, mà nếu có ai tự sát thành công thì ngay sau đó 5 phút lại sống lại để tiếp tục sống trong địa ngục Lười. Thật thảm thương khi nhìn thấy anh bạn của chúng ta khóc lóc thảm thiết, van xin ngày đêm để mong được quay lại làm người, được lao động vất vả như xưa.

Đấy bạn thấy đấy, chúng ta là người và có hạnh phúc vô biên khi được lao động, được cống hiến cho đời, được phục vụ người khác, phụng sự chúng sinh. Hạnh phúc này chỉ có ở loài người chúng ta. Bạn hãy tượng tượng, nếu bạn bị đày xuống địa ngục “Lười” mà tôi vừa kể trên thì sẽ khổ như thế nào!

Viết đến đây tôi nhớ đến 2 cuốn sách hay nhất năm 2011 mà tôi đã đọc “Phụng sự để dẫn đầu” và “Trí óc, trái tim và khí phách”. Hai cuốn sách được viết ra dành cho lãnh đạo các tập đoàn, các doanh nghiệp và các cơ quan, là kim chỉ nam cho tư duy lãnh đạo thế kỷ 21. Nhưng hình như 2 cuốn sách quý này không chỉ dành cho giới lãnh đạo mà là cho mỗi chúng sinh trên trái đất.Triết lý là ở chỗ, người lãnh đạo thực thụ, người muốn đưa cơ quan mình lên dẫn đầu phải là người phụng sự.

Chính lao động không mệt mỏi, sự cống hiển bền bỉ, tinh thần chăm sóc người khác giúp chúng ta thực sự dẫn đầu. Dẫn đầu trong mọi mặt: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quan hệ,.. Và nếu biết phụng sự bằng tất cả trí óc, trái tim và khí phách chúng ta nhất định không chỉ lãnh đạo được bản thân mình mà cả vũ tru này.

Tôi như nghe thấy tiếng van xin của anh bạn đáng thương kia. Rằng thà anh ta bị giam cầm ở địa ngục với các loại hình tra tấn và bị đói, bị nóng, bị khát bị lạnh còn hơn ở địa ngục “Lười” – không được làm gì cả. Trong não tôi lúc này hiện ra câu nói :”Gian khổ là nấc thang thành công của người trí, cũng là vực thẳm của những kẻ hèn nhát và lười biếng”.

Nguyễn Mạnh Hùng
Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Thái Hà Books