Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2011

Lớp học tại nhà 2009





Click vào đây để xem thêm

Clip đi chơi công viên tháng 3-2010






Cơm chay sinh viên





Click vào đây để xem thêm

Khóa 1 dã ngoại Q12 2009





Click vào đây để xem thêm

Lớp học tháng 4-2011





CƠM CHAY miễn phí cho Sinh viên

-Từ ngày 29-7 đến 20-8-2010, chúng tôi đã có khoảng 1200 phần cơm chay sinh viên được bán với giá hỗ trợ. Mỗi phần là 10-000đ, nhưng các bạn chỉ trả 5000đ, còn lại 5000đ đã được các mạnh thường quân ủng hộ. Đây là dự án của cô Hoàng Kim, mong đem đến những bữa ăn vừa chất lượng, vừa bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm cho các bạn sinh viên trong thời buổi đắt đỏ.

-Tuy nhiên, từ ngày 23-8 đến nay, chúng tôi không bán nữa mà tặng miễn phí đến sinh viên, trên 1400 phần. Chưa kể, từ năm 2009 đến nay, mỗi tuần vào ngày chúa nhật đều có cơm chay để các bạn ăn ngon khi đến sinh hoạt tại lớp học Phật pháp.

-Song song đó, chúng tôi còn tặng cơm đến các bệnh nhân và người nhà nuôi bệnh tại Trung tâm Y tế Quận 4, vào tháng 2-2011, gần 100 phần. Dự kiến sẽ tiếp tục đem cơm đến các điểm như Bệnh viện Nhiệt đới (đại lộ Đông Tây), Bệnh viện Chỉnh hình  (đường Trần Hưng Đạo)

Quà thưởng học tập

Câu lạc bộ Nhà Vui đang hỗ trợ quà thưởng và tài liệu học Phật pháp cho lớp giáo lý chùa Phước Sanh (thị trấn Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành-Đồng Tháp), và hai lớp giáo lý thiếu nhi tại chùa Liên Hoa (Q8, TP.HCM).

Trong những năm qua, chúng tôi đã hỗ trợ cho nhiều lớp Phật pháp thanh thiếu niên của nhiều chùa tại miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Quà thưởng gồm có: sách vở, bút mực, cặp đi học, áo dài trắng, áo sơ mi trắng, quần tây xanh, ba lô, đồ chơi trẻ em. Đây vừa là khuyến khích các em học Phật, vừa là giúp các em có thêm dụng cụ học tập trong hoàn cảnh khó khăn

4 quyển sách Phật giáo

Sách Đố Vui Phật Pháp xuất bản từ năm 2008, đến nay đã tái bản thêm 8 lần, tổng cộng đã có 10.000 ấn bản. Sách được tặng miễn phí đến khoảng 120 ngôi chùa trong cả nước, từ miền Bắc tới miền Trung, miền Nam.

Sách được mọi người hoan nghênh, và tìm theo số điện thoại của cô Kim ghi trong bìa mà gọi đến, cô Kim gởi đường bưu điện tận địa chỉ nơi yêu cầu, trân trọng kính biếu.

Hiện nay, Đố Vui Phật Pháp không chỉ dành cho thiếu nhi học tập, mà rất nhiều Phật tử sơ cơ cũng lấy đó tham khảo, bởi viết ngắn gọn, dễ tiếp thu. Sách được sử dụng trong các lớp giáo lý như một giáo trình.

Sách Hoa của mỗi người, Bóng thời gianBúp Sen Hồng được xuất bản trong năm 2010, cũng được hoan nghênh. Hoa của mỗi người được thầy Thích Quang Hạnh (Long An) hỗ trợ phần lớn tiền để ấn tống 1000 cuốn. Mọi người bảo rằng: thích quyển này ở chất văn mộc mạc, nói những điều gần gũi, thiết thực, khơi gợi được tâm Phật trong lòng người. Nhiều cuộc điện thoại và tin nhắn đã gởi đến tác giả Diệu Kim, chia sẻ đồng cảm. Có người còn đến tận nhà nói chuyện, kết giao. Tác giả rất vui.

Hiện nay, 4 quyển sách này đều được Nhà sách Quang Minh phát hành, bán tại hệ thống nhà sách PG trong nhiều tỉnh thành cả nước. Giá sách Đố Vui Phật Pháp 32.000đ, Hoa của mỗi người 36.000đ, Bóng thời gian 32.000đ, Búp Sen Hồng 14.000đ.

Ca khúc bậy bạ 2

Từ hàng ghế khán giả

Hãy tự trọng khi công bố tác phẩm

TT - LTS: Sau bài viết “Hát gì khó hiểu quá” (Tuổi Trẻ ngày 22-11), gần 80 bạn đọc đã email về tòa soạn tiếp tục bày tỏ sự bức xúc với các ca từ nhăng nhít, rối rắm, tối nghĩa... trong ca khúc nhạc trẻ. Một câu chuyện tưởng là cũ nhưng vẫn không cũ trước bức xúc của người nghe. Tuổi Trẻ trích đăng:

Các bạn trẻ ngày nay có thuận lợi hơn các thế hệ nhạc sĩ đi trước là phần lớn có công cụ, phương tiện để dễ dàng công bố tác phẩm của mình dưới nhiều hình thức. Một đêm các tác giả trẻ có thể dùng phần mềm sáng tác nhạc để làm ra cả chục ca khúc, không như những nhạc sĩ thế hệ trước phải chắt chiu, chọn lọc cẩn thận từng nốt nhạc, từng ca từ, từng giai điệu sao cho phù hợp cảm xúc, với nội dung mình muốn thể hiện, có khi cả tuần, cả tháng mới xong một tác phẩm.

Và, có lẽ cũng chính vì thế mà không ít bạn trẻ lạm dụng công nghệ hiện đại, vội vàng cho ra đời hàng loạt ca khúc không hay, và những ca khúc “rác” này hòa cùng dòng nhạc hiện tại tạo nên mớ hổ lốn đến mức gây dị ứng làm người nghe có thành kiến với cả dòng nhạc trẻ.

Nghe tựa là thấy ớn

Tôi cảm thấy buồn khi nghe giới thiệu những ca khúc mang nhan đề như: Bản lĩnh đàn ông thời nay, Người đàn ông tham lam, Giọt nước mắt đàn ông, Người yêu tôi ông cũng không chừa, Người ấy và con cha phải chọn, Người đàn ông không được quên hết tình nghĩa...

Còn chuyện tình yêu trai gái vốn rất tế nhị, thánh thiện mang sắc thái bay bổng, đầy thơ mộng và lãng mạn thì được các tác giả đề cập bằng những tên nghe sao ghê ghê như: Tình một đêm, Bên nhau dù không còn cảm giác, Yêu một người sống bên người khác, Anh chấp nhận là người tình thứ ba, Một lần nữa tôi bị lừa, Yêu một người là dại, Lắm mối tối nằm không, Sao em ép anh phải yêu em, Làm người ai làm thế, Nói rồi không chịu nghe, Ăn bánh trả tiền, OK, như vậy đi...

Ca từ còn kinh khủng hơn

Tên ca khúc chẳng ra gì, nói chi ca từ trong bài hát nghe không chói tai bởi thiếu chọn lọc, trau chuốt như những ngôn ngữ đối thoại, thậm chí thô thiển... Xin lỗi, dù cố gắng tìm chút đồng cảm với tác giả nhưng tôi càng nghe càng buồn thay cho tiếng Việt mình và thất vọng. Nhiều khi có tác giả ca tụng về tình yêu mà như bôi nhọ khi dùng các ca từ: “Anh là thế, thế gian cũng giống như anh, đàn ông ai chẳng tham lam hỡi người. Yêu một lúc đến hai ba bốn năm cô, là cho yêu như vậy là mới yêu! Người đàn ông tham lam mãi là anh, một bàn tay năm ngón anh chẳng biết chọn ai...”, “Tôi tưởng em chỉ yêu thêm một người... Nào ngờ đâu ngoài tôi em còn ba người nữa (?!).. Cuộc tình tay ba đã khổ đau, giờ tay bốn làm sao... Em yêu một lúc bốn người sao?”, “Anh có một sở thích kỳ lạ là ăn thịt thỏ... Nhưng mà anh chưa có cơ hội bỏ em vào nồi... Là tại vì anh đã lỡ yêu em mất rồi.”...

Có những ca từ nửa Tây, nửa ta nghe rất khó chịu như: “Nhìn nhau rất lâu, anh đã đặt vào làn môi. Oh first kiss, you make me happy. Chẳng nói lên được tiếng chi, chỉ nghe nhịp trái tim. Oh first kiss, you make me crazy”. Và không thể tưởng nổi những từ sau đây lại được đưa vào ca khúc: “Nói nghe nè, là ngày hôm qua đó tôi nằm mơ thấy con cầy cắn tui, chó nhỏ 11 chiều nay nó sẽ ra, bạn hãy đánh bao lô 11 đi, ôi thôi rồi 11 ra ngay chóc. Nhưng đài phụ không phải đài chánh rồi”...

Còn rất nhiều ca khúc với lời lẽ ngô nghê, khó hiểu, tục tĩu mà trong bài viết này tôi không thể trích dẫn nổi. Tôi không dám lạm bàn đến trách nhiệm của những ngành chức năng và giải pháp ngăn chận sự xuất hiện của những thứ nhạc “rác” trên các phương tiện thông tin đại chúng, mà trong bài viết này tôi chỉ mong người sáng tác hãy nghĩ đến công chúng và biết tự trọng khi công bố tác phẩm của mình.

MAI BỬU MINH (An Giang)

* Theo tôi, những bài hát tác giả Minh Thắng dẫn ra là kiểu nhạc dùng để “tra tấn người nghe”. Có lần nghe những bài hát ấy, tôi quá bực bội nhưng cũng ráng nghe hết bài mới hỏi hai đứa đang độ tuổi teen rằng: “Bài hát nói gì vậy con?”. Hai con tôi trả lời: “Ba còn không biết, huống chi con”. Ở đây tôi muốn hỏi: những bản nhạc ấy ra đời có được kiểm định không? Nếu có thì ai kiểm định để có gì không hiểu chúng tôi nhờ người đó giải thích.
Công Thành (thanh.trancong@...)

* Dù chỉ mới 22 tuổi nhưng mình lại thích nhạc vàng hồi xưa hơn. Nhạc vàng mỗi bài hát là một câu chuyện. Nhạc trẻ thì”đâm ngang hông” mà không có nội dung gì cả.
Thien Phuoc

* Tôi đã chịu khó lấy hết can đảm “nghiên cứu” những ca từ nhạc trẻ thấy ớn. Những cái tên bài hát thôi cũng đủ làm tôi lùng bùng lỗ tai: Kiếp đàn ông thân xác đàn bà, Vấp cục đá, Chiếc xe hơi thất tình, Bất ngờ anh yêu người cùng phái, Kiếp đánh đề, Nước hoa có độc... Với ca từ thì chắc khỏi cần nhận xét. Chẳng hạn, trong bài Con gái thời nay có đoạn: “Muốn quen được em, anh phải thật tráng cường. Và nhà anh phải cao cổng cao tường. Còn không... thiệt là đau lòng quá, con gái thời nay sao mà thiệt sốc quá”. Phải chăng các bạn trẻ chỉ cần nghe tiếng nhạc xập xình, chỉ cần nhìn thần tượng ca sĩ?
Lê Văn Dũng (TP Cần Thơ)

* Thật buồn thay khi thấy nhạc trẻ Việt ngày càng đánh mất mình qua những ca từ lố bịch, nhí nhố vô tội vạ và song hành với đó là sự lai căng quá trớn, cách đánh bóng mình quá lố trong giới nghệ sĩ. Tất cả những món “mì ăn liền” đã được giới nghệ sĩ tận dụng tối đa chỉ để đáp ứng nhu cầu một bộ phận giới trẻ hôm nay, nhưng nó sẽ là những “ung nhọt” hủy hoại nền âm nhạc Việt trong nay mai.
Lê Khai (lehongkhai@...)

* Thiết nghĩ để có ca khúc hay đi vào lòng công chúng, hơn ai hết người nhạc sĩ phải biết trau dồi nghề nghiệp về chuyên môn sáng tác cũng như vốn sống, có trình độ tiếng Việt nhất định. Theo tôi, hội âm nhạc nên mở trại sáng tác bồi dưỡng cho nhạc sĩ, nhất là nhạc sĩ trẻ.
TRẦN VĂN TÁM (Củ Chi, TP.HCM)

Ca khúc bậy bạ 1

Hát như đánh đố người nghe

TT - Bên cạnh việc ca từ nhạc trẻ than thở khóc lóc vì thất tình, chen lẫn tiếng nước ngoài vô lối góp phần giết chết tiếng Việt, không ít ca khúc nhạc trẻ hiện nay có những đoạn nghe xong, người nghe rất hoang mang, bối rối vì không hiểu tác giả muốn nói gì.

Hãy nghe Trần Anh Khôi trong bài Teen vọng cổ nói: Nói chung là yêu đó, mà đó phải là yêu không, mà sao vắng anh thì buồn... Cũng tác giả này, trong bài Teen vọng cổ 2 thì: Hay nhìn đồng hồ để rồi... khi gặp anh, cứ dông dài lòng vòng là sao ta, làm sao, làm sao ấy... Người nghe đến đây cũng chẳng biết phải làm sao luôn! Vẫn là Khôi, đến bài Vọng cổ geisha thì người nghe hoàn toàn bó tay, đúng thật là hiểu chết liền với đoạn ca từ này: Anh mang chiếc phone gì nè...! Ðôi giày mà anh thường mang không biết nó tên gì... Ôi làn da của anh ta nói nó đen sì à!...

Khi bài Teen vọng cổ đầu tiên ra đời, không ít khán giả trẻ "khoái chí" vì nó là lạ ngồ ngộ khi phối hợp giữa nhạc pop và vọng cổ nhưng cũng hơi choáng với vài đoạn khó hiểu. Chính vì vậy mà khi tác giả thừa thắng xông lên viết tiếp loạt "vọng cổ" như trên vừa đề cập thì đúng là... đánh đố người nghe!

Không thuộc trường phái đánh đố nhưng ca từ nhảm nhí, tối nghĩa chính là ca khúc Da nâu của Nhật Ðăng - bài hát được các bạn trẻ bình chọn là thảm họa V-pop 2009. Bài hát chỉ có mấy từ lặp đi lặp lại: Em sống trong khát khao, em sống trong ước ao, mang đến những ước ao mang đến những khát khao làn da nâu... "được" chọn là thảm họa ca nhạc, tác giả Nhật Ðăng và Phi Thanh Vân vẫn làm tiếp tập 2 của Da nâu, lần này ca từ có dài hơn nhưng vẫn khó hiểu: Da nâu, em sống trong khát khao. Da nâu, em sống trong ước ao...

Cùng "phe nhăng nhít" với những bài Da nâu là bài Bata của tác giả Lê Huy Trực: Ðôi chân nhỏ xinh, mang đôi giày cao... chẳng thích đâu. Ði xe đạp teen hay chơi thể thao... ây da... lắm khó khăn. Ghé qua chợ đêm... mua đôi giày xinh... dáng trông thật xinh... Một bài hát để ca ngợi đôi giày Bata được sáng tác theo đơn đặt hàng của một hãng giày Bata chăng?
Những khúc tình ca của nhạc trẻ nhiều lúc cũng rối rắm, chẳng hiểu nổi. Ví dụ như bài Ðừng yêu em của Chương Ðức: Nếu không yêu còn vương vấn, vấn vương làm chi. Gợi nhớ yêu thương tựa cơn gió thoáng qua được gì...

Và bài hát có cái tên toàn số 2-1=0 mới đúng là đỉnh cao của sự đánh đố: Giờ lòng anh bỏ rơi tình em để hôm nay chẳng còn ai chỉ mong em có thể nói lời tha thứ. Bài học kia anh sẽ mang sẽ nhớ trong tim suốt đời 2-1 chỉ bằng 0 thôi...

Cũng có những bài hát không khó hiểu nhưng nghe ra thì cứ như một gã nào đó lẩm bẩm lầm bầm giữa chợ hơn là ca từ: Em hỏi anh có xe tay ga, ngố lắc đầu không. Em hỏi anh có căn hộ chung cư, ngố lắc đầu không. Thế anh có sổ tiết kiệm gửi ngân hàng, ngố ý àh ồ không... (Chàng ngố không biết gì - Hồ Duy Minh).

Còn Nguyễn Duy Bằng trong bài Ông xã em number one thì mới thật kỳ lạ khi cho "anh" đi câu thế này: Anh đi suốt đêm nay, bơi xuồng ra tận đầm sâu. Anh câu cá ba sa, chơi vài con cá trê già. Anh mang về cho vợ anh chơi... Người chơi cá?! Ta thật sự không hiểu tác giả muốn nói gì.

Lâm Chấn Huy trong bài Thế mà lại hay cũng nói loanh quanh vòng vo rối rắm và khó hiểu: Thế mà lại hay hên xui mà lại hay. Yêu đại một người thế mà tình lại hay. Tình đắm tình say bền lâu hay đổi thay...

Những bài hát vừa kể chỉ là một số ít trong rất nhiều ca khúc nhạc trẻ có ca từ rối rắm tối nghĩa đang góp mặt trên thị trường âm nhạc hiện nay. Không chỉ là việc dùng sai từ, sai ngữ nghĩa, một số tác giả thậm chí không cần đếm xỉa đến việc ý nghĩa câu trước "đá nhau" với câu sau làm người nghe như lạc vào mê hồn trận.

Tiếng Việt vốn giàu đẹp bởi sự đa thanh, đa nghĩa. Nay với các ca từ như trên vừa nêu, chẳng biết những thính giả, khán giả trẻ thấy được gì ở tiếng Việt ngoài sự rối rắm, tối nghĩa và đành phải thốt lên: Ôi, ca từ nhạc trẻ... Hiểu chết liền!
MINH THẮNG (Báo Tuổi Trẻ)

CHƯA YÊU SAO HIỂU ĐƯỢC

Các bạn sinh viên được nghệ sĩ Cát Phượng tặng vé xem vở kịch CHƯA YÊU SAO HIỂU ĐƯỢC do chính chị làm đạo diễn tại Nhà hát Sân khấu nhỏ TP.HCM (5B Võ Văn Tần). Các bạn rất thú vị, thậm chí có nhiều bạn lần đầu tiên được xem kịch. Báo Thanh Niên đã đăng bài giới thiệu vở kịch này, các bạn xem lại nhé !

Đề tài tình yêu luôn có sức hấp dẫn. Và tết này Cát Phượng thử “yêu” Nhà hát Sân khấu nhỏ TP.HCM bằng một kịch bản do chính chị đạo diễn. Chưa yêu sao hiểu được (tác giả Vương Huyền Cơ), quả là câu chuyện cổ tích giữa đời thường…

            Mô típ lọ lem-hoàng tử không mới, nhưng ở đây nó được thể hiện rất tự nhiên, dễ chịu, nên khán giả “tin” ngay. Anh Nam (Kiều Tuấn) nhà nghèo nhưng nghĩa khí, thường bắt cướp cứu người, gặp cô Trâm (Diễm Phương) cháu nội tổng giám đốc, thế là anh cố gắng học hành phấn đấu để xứng với người yêu. Còn cô Nhã ô sin (Cát Phượng) thì lọt vào mắt xanh của cậu chủ Quang (Hữu Tiến), được cậu cho đi học lại, thực hiện ước mơ làm kiến trúc sư. Ngay cả bà nội của hai anh em này là bà Sáu bán chè (NSƯT Ngọc Giàu) cũng tìm lại được mối tình xưa với ông Trình tổng giám đốc (Quốc Nam) sau mấy chục năm lưu lạc. Ba mối tình không môn đăng hộ đối chút nào nhưng vẫn đẹp đôi, bởi nó là…tình yêu. Làm sao cắt nghĩa được! Làm sao áp đặt công thức cho nó! Hãy cứ yêu bằng cả trái tim chân thành là mọi khoảng cách sẽ được san bằng.
Nhưng cái đẹp ở đây là tình yêu nâng người ta lên, giúp người ta có động lực phấn đấu để sống tốt hơn, hay hơn, chứ không phải dựa dẫm vào sự giàu có của đối tượng. Không phải một bước sẽ san bằng khoảng cách, mà là cả một chuỗi ngày vất vả học tập, lao động, vượt qua mặc cảm.
            NSƯT Ngọc Giàu thật sự là điểm nhấn của vở kịch, tiếp sức cho đàn em còn quá mới mẻ như Diễm Phương, Kiều Tuấn, Tiểu Phụng, Duy Hoàng… Lớp bi lẫn hài đều quá ngọt ngào qua tay chị. Khán giả cười suốt vì những màn dễ thương giữa hai người yêu luống tuổi, và lặng xuống theo câu vọng cổ buồn dịu dàng. Chị không bỏ lỡ cơ hội phát huy thế mạnh cải lương, không ngờ khán giả lại vỗ tay giòn giã. Câu vọng cổ thay cho lời thoại thật là đúng chỗ, đúng lúc. Kịch biết tận dụng cải lương xem ra hiệu quả rất tốt.
            Cát Phượng lần đầu dàn dựng nhưng không làm thất vọng người xem. Một chút trữ tình, một chút đằm thắm, nữ tính, một chút dí dỏm, tâm lý, thế là dẫn người ta đi. Suy cho cùng, người ta vẫn thích mộng mơ về “cổ tích” giữa đời thường, chỉ cần kịch bản làm sao cho gần gũi, chân thật, thì người ta sẽ tin. Mô típ lọ lem- hoàng tử rất dễ bị cường điệu hoặc hớ hênh, xem là thấy “giả”. Nhưng Cát Phượng đã tránh được điều này, thế là đã khéo!

HOÀNG KIM

Trúc sắm Laptop

Cũng trong tuần qua, có một tin vui. Bạn Trúc sắm được một “con” laptop hiệu Samsung bự chà bá! Lại đem dán áo có bông hoa đẹp ghê! Được cô tặng cái ba lô đựng laptop cũng bông hoa tá lả! He he, Trúc khao cả nhà một chầu kem được hông? Trả lời: “Ngu gì khao!”. He he (H.K)

Thảo mất điện thoại

Tuần vừa qua, có một chuyện buồn. Đó là bạn Thảo “lì” bị mất điện thoại di động khi đi siêu thị. Ngày thứ bảy thiệt là xui. Mặt bạn Thảo buồn hiu. Lúc mới phát hiện bị mất, bạn còn khóc hu hu nữa cơ! Vì sợ quá chừng mà! Coi vậy mà nhát gan ghê! Chia buồn cùng bạn nghen!
Nhưng mẹ bạn đã cấp tốc gởi lên cái điện thoại khác rồi. Sao hổng khao đi ta! (H.K viết tin)

Lớp học 2010





Click vào đây để xem thêm

Học cắm hoa 02-01-2011






Click vào đây để xem thêm

Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2011

Lịch sinh hoạt tháng 4

Tuần thứ nhất 3-4-2011
- 7g30 Sư cô Huệ Tâm và các Phật tử từ Bến Tre lên thăm lớp học
- 8g điểm tâm
- 8g30 thầy Lệ Ngộ và cô Diệu Kim dạy bài Vô Thường
- bạn Nương học làm bánh bao chay do quý cô hướng dẫn
-11g30 ăn trưa. Buffet gồm có: Cơm dương châu, Bún xào, Bún Thái, Cháo nấm, Bánh bao, Thập cẩm lăn bột, Gỏi ngó sen, Canh khoai tây, Rau lang xào
-12g30 trò chuyện với Sư cô   - 14g tiễn phái đoàn ra về
-16g các bạn chia tay

Tuần thứ hai 10-4-2011
-7g30 điểm tâm bánh bao
-8g thời khóa niệm Phật
-8g30 thầy Lệ Ngộ và cô diệu Kim dạy bài Tụng kinh- Niệm Phật- Ăn chay
-11g30 ăn trưa: Cơm dương châu, Bún xào, Gỏi ngó sen, Súp bắp đông cô, Canh mồng tơi, Chuối chưng
-12g30 thầy Trí Tài (Minh Khương) và nhạc sĩ Vũ Ngọc Toản, bác sĩ Trang đến sinh hoạt
-14g xem phim, sửa chữa laptop
-16g ăn chiều, chia tay

Tuần thứ ba 17-4-2011
*tối thứ bảy 16-4:
-18g30 khai giảng lớp tiếng Hoa miễn phí, khoảng 25 học viên
-20g tụng kinh Phổ Môn, có Sư cô Vạn Hạnh tham gia lớp và hướng dẫn.
-21g ăn tối, xắt gọt củ quả, xem phim
*chúa nhật:
-7g30 điểm tâm bánh bao
-8g thời khóa niệm Phật, ngồi thiền
-8g30 thầy Lệ Ngộ và cô Kim dạy bài Thiểu dục tri túc
-11g30 ăn trưa: Ragu bánh mì, Cơm trắng, Xúc xích chiên, Xào chua, Canh rong biển, Bò bía, Chè đậu xanh phổ tai
-12g30 sinh hoạt tự do, trò chuyện, ngủ, sửa chữa laptop
-14g30 học Kinh Nikaya, bài Ở đâu cũng được thương mến
-15g30 đi xem xá lợi Phật gần Thiền viện Quảng Đức
-17g chia tay

Tuần thứ tư 24-4-2011
*tối thứ bảy 23-4:
-18g30 lớp tiếng Hoa miễn phí, khoảng 25 học viên
-21g tụng kinh Phổ Môn, có Sư cô Vạn Hạnh tham gia lớp và hướng dẫn.
-21g30 trò chuyện với sư cô, ăn tối
*chúa nhật:
-7g30 điểm tâm mì gói
-8g thời khóa niệm Phật, ngồi thiền
-8g30 Sư cô Nhuận Thư và cô Kim dạy bài Vu Lan
-11g30 ăn trưa: Sandwich kẹp hem, Miến xào, Cơm trắng, Sườn chay chiên, Xào thập cẩm, Gỏi ngó sen, Canh cải, Chè đậu xanh phổ tai
-12g00 sinh hoạt tự do: đàm thoại Anh văn, trò chuyện, ngủ, sửa chữa laptop
-14g30 học Kinh Nikaya, bài Ngày lành tháng tốt
-15g30 đi công viên quận 4 chơi thể thao và trò chơi dân gian, ăn bánh
-17g30 chia tay

Hoàng Kim (DIệu Kim)


































Chủ nhiệm Câu lạc bộ: cô Hoàng Kim (Diệu Kim)
Tên thật: Trần thị Hoàng Anh
Bút danh: Hoàng Kim
Pháp danh: Diệu Kim
Ngày sinh: 11- 7- 1962 tại Sài Gòn
Địa chỉ hiện tại: 368/54/1 Tôn Đản P4, Q4, TP.HCM
Điện thoại: 0918.202.575
Công việc: Phóng viên Báo THANH NIÊN 248 Cống Quỳnh Q1 TP.HCM
Các tờ báo đã và đang cộng tác: Tuổi Trẻ, Phụ Nữ VN, Phụ Nữ TP.HCM, Sài Gòn Giải Phóng, Người Lao Động, Sân Khấu TP.HCM, Văn Hóa, Công An TP.HCM, Giác Ngộ, Đạo Phật Ngày Nay, www.phattuvietnam.net, …
Các sách đã xuất bản: Ngẫu hứng trăng (tập thơ – NXB Văn Nghệ 1990), Đố Vui Phật Pháp (Phật học dành cho thiếu nhi và Phật tử sơ cơ – NXB Tôn Giáo 2008), Bóng thời gian (tập truyện ngắn PG – NXB ), Hoa của mỗi người (tập tản văn PG – NXB Thời Đại 2010), Búp Sen Hồng (Phật học dành cho lứa tuổi nhi đồng – NXB )
Sở thích: học Phật pháp, niệm Phật, cắm hoa, nấu ăn (đặc biệt nấu chay), ca hát, xem kịch, xem phim, đọc sách, thêu đan, làm thơ, viết truyện, dọn dẹp nhà cửa, cúng kiến ông bà.
Lý tưởng:       *Hoằng pháp: đem lời dạy của Đức Phật phổ biến đến khắp mọi người, đặc biệt các em thanh thiếu niên và sinh viên.
*Nấu chay: đãi mọi người ăn miễn phí, miễn sao bớt sát sanh, bảo vệ môi trường và nghiệp lành của mọi người.
Mơ ước: Có một ngôi nhà lớn hơn để xây chánh điện rộng rãi, các em trẻ có nơi sinh hoạt, tu, học thoải mái. Có tiền để hoằng pháp và nấu chay miễn phí quanh năm.
Kế hoạch dự kiến:   
*hoàn thành và xuất bản bộ Thơ thiền Việt Nam
*in quyển Phật học bỏ túi Gánh nặng nhẹ tênh
*in quyển tạp bút PG thứ hai
*in quyển Chân dung nghệ sĩ (tập hợp những bài báo đã viết)
*in quyển Những nét son Sân khấu
Gia đình: độc thân, chỉ có một con trai là Rani, 23 tuổi, đang học trường Multimedia ARENA của Ấn Độ mở tại TP.HCM (truyền thông đa phương tiện).
Nhưng cả nhà có thêm hai “đứa con” nữa là Trúc và Nương, tổng cộng 4 nhân khẩu, rất vui.
Nhà chỉ rộng 40 mét vuông, thêm một tầng lầu nữa là 80 mét vuông. Với 4 người thì rộng, nhưng cuối tuần có thêm mấy chục “đứa con” nữa cùng về thì ôi thôi, giống hộp cá mòi! Vậy mà vui tưng bừng, mẹ con chen chúc nhau nằm ngủ, tình thương mến thương.

Giới thiệu Funny Home Club

FUNNY HOME CLUB – CÂU LẠC BỘ NHÀ VUI

TÔN CHỈ, MỤC ĐÍCH

Ai cũng có một mái ấm gia đình để sinh ra, tựa nương, và hạnh phúc. Từ tuổi thơ cho đến lúc trưởng thành, gia đình luôn là cái nôi ấm áp mà con người tìm về sau những phút giây mệt mỏi, lo toan với thế giới bên ngoài. Gia đình cũng là tế bào của xã hội, bước đầu tạo nên những công dân lương thiện hay hư hỏng, làm cho xã hội thịnh trị hay suy vong. Vai trò của gia đình không thể không xem trọng.
            Đặc biệt với lớp trẻ, với các em sinh viên đi học xa nhà, thì sự thiếu thốn hơi ấm  gia đình càng gây những bức xúc tâm lý, những trở ngại sinh hoạt, có khi đưa các em đến những sai phạm, bất trắc.
            Chính vì vậy chúng tôi thành lập Câu lạc bộ Nhà Vui với mục đích tạo một môi trường thân thiện và cảm thông, để các em có thể tìm về vui sống và chia sẻ. Coi như ngôi nhà thứ hai hỗ trợ phần nào cho các em về vật chất lẫn tinh thần trong thời gian đi học xa.
            Chúng tôi chủ trương:
Đến với nhau vì tình thương
Đến với nhau vì hiểu biết
Đến với nhau vì niềm vui.
            Tất cả chúng ta khi gặp nhau trước tiên nên có một trái tim yêu thương, một tình cảm tha thiết, thì sau này dù gặp bất cứ khó khăn nào cũng có thể vượt qua, có thể thông cảm, nâng đỡ cho nhau. Tình thương, mọi người đều sẵn có, chẳng phải mất tiền mua, và khi cho đi cũng không bị thiệt thòi, mất mát, tại sao chúng ta lại không ban tặng cho nhau. Cuộc sống không hứa hẹn vĩnh hằng, vì vậy còn gặp nhau phút giây nào thì hãy gắng mà yêu thương, kẻo mai này mất rồi thì hối tiếc cũng muộn màng.
            Tình thương ấy phải đặt trên sự hiểu biết, sáng suốt. Chúng ta đến với nhau không phải bằng tình thương mù quáng, mà biết chọn lọc, phấn đấu, vượt lên những sai lầm, cạm bẫy, cùng dìu nhau đến chỗ đúng đắn, sống tốt đẹp hơn, làm một con người xứng đáng. Sự hiểu biết về xã hội, chuyên môn, về tâm lý, đạo đức, nghệ thuật…sẽ làm cuộc sống chúng ta thăng hoa hơn, cân bằng hơn, bình tĩnh, trong sáng hơn.
            Và bao phủ cuộc sống của chúng ta là một niềm vui thanh thoát khi trái tim và khối óc tìm được định hướng đúng đắn. Tình thương, trí tuệ chân chính sẽ sinh ra hạnh phúc an lành. Sống mà không vui thì như hoa khô héo. Mỗi chúng ta như một đóa hoa, phải làm sao tỏa hương sắc cho đời, thì không phí hoài một kiếp người ngắn ngủi. Ta vui, người cũng vui. Ta cười, người cũng cười. Mỗi nụ cười làm thế giới này thêm lấp lánh…

Ý NGHĨA MÀU SẮC

            Trang blog của Funny Home Club chọn 3 màu chủ đạo:
-Màu hồng: được phủ bên ngoài với hình ảnh ngôi nhà cổ tích xinh xắn đáng yêu, thể hiện niềm vui của chúng ta khi sống trong Câu lạc bộ Funny Home, khi sống trong ngôi nhà của cha mẹ mình, và khi sống trong ngôi nhà Trái đất vĩ đại. Chúng ta yêu quý những ngôi nhà này, vì nó ban cho chúng ta sự sống hoặc sự an lành, thanh thoát. Màu hồng là màu của trái tim, màu của tình yêu, một tình yêu tha thiết.
-Màu xanh lá cây: thể hiện cho tính chất Xanh-Sạch-Đẹp của môi trường và tâm hồn chúng ta. Môi trường bên ngoài là Đất Mẹ vĩ đại cần được giữ gìn, bảo vệ, không được tàn phá, làm cho cạn kiệt. Môi trường bên trong là Tâm Hồn chúng ta cũng cần được bảo vệ, làm sạch từng ngày khỏi các tội lỗi, phiền não. Đất Mẹ hư hoại thì ta không còn nơi nương tựa. Tâm Hồn hư hoại thì ta cũng chết dần chết mòn. Thế giới đang kêu gọi mọi người quan tâm đến trái đất, và những nhà giáo dục cũng lên tiếng báo động về những sa sút tinh thần cần được chăm sóc. Màu xanh nhắc nhở chúng ta mỗi ngày biết thương lấy Đất Mẹ và thương cả Tâm Hồn của mình.
-Màu đất: là màu nâu sòng của nhà Phật, màu của mộc mạc, thanh tịnh. Tình thương và trí tuệ chúng ta đặt căn bản trên những lời Phật dạy, là một hệ thống chuẩn mực, hệ thống giá trị mà hiện nay thế giới đang quay về nghiên cứu và thực hành. Các nước Âu Mỹ vốn phát triển khoa học, nhưng họ đang tin cậy vào Phật giáo bởi những giá trị lớn lao và thực tiễn mà Phật giáo vốn có. Vì thế, chúng tôi mong Phật giáo sẽ đem đến cho các bạn trẻ những nét đẹp, những hiểu biết, những niềm hạnh phúc đúng đắn. Dù chúng ta quay cuồng với cuộc sống bao nhiêu, xin hãy dành lại những phút giây lắng lòng dịu dàng như đất. Trong yên tĩnh của tâm hồn, ta sẽ tìm thấy vị Phật của chính mình đang rạng ngời, thong dong nhẹ bước…

TIÊU CHÍ HOẠT ĐỘNG

            Đến với Funny Home Club, chúng ta chủ yếu cùng nhau rèn luyện về 3 phạm trù:
1-Rèn luyện Đạo đức:
Tôi và các bạn, chưa ai dám nói là mình đã hoàn thiện, nên phải cố gắng trau dồi những phẩm hạnh tốt, bớt đi lầm lỗi. Phật nói, không sợ người có lỗi, chỉ sợ người không biết sửa lỗi. Vậy chúng ta cùng bảo ban nhau để ngày càng tiến bộ.
a-Chuẩn mực:
*trước hết chúng ta sẽ lấy Ngũ giới của Phật giáo làm căn bản để thực hành. Đức Phật đã dạy rất nhiều bài học quý giá, thiết thực, chúng ta áp dụng cả đời cũng không hết. Tuy nhiên, Ngũ giới là bước đi đầu tiên, dễ làm, dễ nhớ. Áp dụng được một phần của Ngũ giới, cũng đã làm bản thân và xã hội an bình, thịnh trị.
*Nho giáo cũng có những chuẩn mực đạo đức quan trọng, vẫn còn phù hợp với xã hội hiện đại, không nên phủ nhận hoàn toàn. Chẳng hạn, tôn sư trọng đạo, công dung ngôn hạnh, hiếu kính ông bà cha mẹ, Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín… Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng Nho giáo lâu đời, cũng có những mặt tốt đẹp. Chúng ta biết chọn lọc cái hay, bỏ đi cái dở, thì Nho giáo cũng hỗ trợ tốt cho cuộc sống của chúng ta.
*Luật pháp, Nội qui: Chúng ta sống đương nhiên phải tuân theo luật pháp, tôn trọng kỷ cương xã hội, làm cho quốc gia giàu mạnh, thanh bình. Bên cạnh Luật pháp, còn những chuẩn mực khác của thời hiện đại, chúng ta cũng phải chọn lọc và tuân theo, làm sao để bản thân và mọi người chung quanh đều không phiền phức, đau khổ.
Riêng với ngôi Nhà Vui của chúng ta, cũng nên có những nội qui cần thiết, để tạo nề nếp, uy tín, tạo sức mạnh đoàn kết, tạo hình ảnh đẹp. Nếu không, chúng ta sẽ là một tập thể lộn xộn, không được ai coi trọng, yêu mến.
b-Bồ Tát hạnh:
            Đạo đức được thể hiện rất cụ thể qua những ứng xử của chúng ta, từ hành động tới lời ăn tiếng nói, suy nghĩ. Đặc biệt, theo Phật giáo, chúng ta còn chú trọng tới tinh thần hy sinh, gánh vác, tận tụy vì người khác, đó chính là hạnh nguyện Bồ Tát cao quý.
            Người có hạnh nguyện Bồ Tát, luôn giúp đỡ, chăm lo cho người khác, không chỉ những việc nho nhỏ chung quanh mà còn tham gia những công tác từ thiện xã hội. Chúng ta còn sức trẻ, càng phải cống hiến cho cuộc đời. Có tình thương yêu rộng lớn như thế, dù có vất vả, thiệt thòi cũng vui, cũng vượt qua hết khó khăn.

2-Rèn luyện trí tuệ:
a-Thế học:
            Là những kiến thức thế gian, rất cần để chúng ta trưởng thành, lao động, kiếm sống. Chúng ta tập trung ở hai lĩnh vực quan trọng là chuyên môn nghề nghiệp, ngành học mà các bạn đang theo, và trình độ ngoại ngữ để hoà nhập với thế giới. Tham gia Funny Home, mọi người nhắc nhở và giúp nhau học tập, đừng lơ là, ham chơi, đừng ích kỷ “giấu nghề”. Ai cùng ngành càng hỗ trợ nhau dễ hơn. Nếu khác ngành, cũng động viên, theo dõi. Với ngoại ngữ, thì không phân biệt ngành nào cũng có thể giúp nhau cùng học.
b-Phật học:
            Chúng ta lấy Phật giáo làm chuẩn mực rèn luyện thì phải học lời Phật dạy, để biết mà thực hành. Tại Funny Home Club có mở lớp Phật học căn bản, có giáo trình và giảng viên dạy nghiêm túc, có kiểm tra bài, thi đố rất vui. Mong các bạn tham gia. Bạn nào khác tôn giáo, hoặc không thích học Phật, thì vẫn tham gia được các môn khác, chúng tôi đều hoan nghênh. Tuy nhiên, học Phật vẫn là hoạt động chính của Câu lạc bộ, được dành thời gian ưu tiên nhiều nhất.
            Bên cạnh giờ học Phật, còn có những giờ rèn luyện công phu tu hành, như tụng kinh, ngồi thiền, niệm Phật. Tâm tư chúng ta luôn xao động, toan tính, lo lắng giữa cuộc đời bon chen, vất vả. Vì thế, phải dành thời gian lắng lòng thanh tịnh, vừa để bảo vệ tâm hồn, vừa để bảo vệ sức khỏe, trí não, khiến nó hồi phục, giảm stress. Những phương pháp như tụng kinh, ngồi thiền, ăn chay, niệm Phật đều giúp cơ thể và thần kinh chúng ta nhẹ nhàng, dễ chịu hơn.
Phương Tây đang áp dụng thiền rất nhiều trong đời sống, thậm chí thiền trong cả trại giam, tác dụng rất tích cực lên phạm nhân, thay đổi hành vi và tư duy một cách tốt đẹp. Cả tuần, có thể các bạn phải đi học, đi làm, không có điều kiện thực hiện những phương pháp này, thì cuối tuần về với Funny Home các bạn sẽ được lắng lòng như thế, để bắt đầu một tuần mới đầy sinh lực.
c-Kỹ năng sống:
            Đa số chúng ta hiện nay lúng túng giữa cuộc đời là do thiếu những kỹ năng sống cần thiết. Phần lớn các bạn trẻ được sinh ra trong gia đình ít con, khá giả, nên được chiều chuộng, thương yêu quá mức, ít tham gia vào các công việc gia đình và xã hội, vì vậy kỹ năng sống không được rèn luyện. Mà thiếu kỹ năng sống, sẽ thiệt thòi cho bản thân các bạn, bởi không phải lúc nào cha mẹ, gia đình cũng kề cận bên các bạn để giúp đỡ. Những lúc phải đơn độc đối diện với thực tế, các bạn sẽ mệt mỏi, sợ hãi, ngán ngẩm, thậm chí gây trở ngại, tai họa cho mọi người chung quanh.
Đặc biệt, các bạn sắp trở thành những người cha, người mẹ tương lai, tự xây dựng một mái ấm riêng cho mình, thì kỹ năng rất cần thiết. Càng giỏi giang, khéo léo, các bạn càng tự chủ, mạnh mẽ, sáng tạo, làm nên một gia đình hạnh phúc, đào tạo thế hệ con cái thông minh, đạo đức.

3-Rèn luyện thẩm mỹ:

            Cuộc sống đòi hỏi phải đầy đủ Chân-Thiện-Mỹ, chúng ta không thể nào không chú ý đến cái đẹp của cuộc đời, định hướng một xu hướng thẩm mỹ đúng đắn cho mình.
Ở đây, rèn luyện thẩm mỹ còn là tìm phương tiện thư giãn để vui vẻ, xả stress sau những ngày làm việc mệt nhọc. Chúng tôi chủ trương dùng những hoạt động văn hóa nghệ thuật lành mạnh trong lĩnh vực Điện ảnh, Âm nhạc, Văn học, Sân khấu, Ẩm thực, Cắm hoa, Trò chơi tập thể, Dã ngoại…để kết nối các bạn, để cùng thưởng thức cái đẹp, tận hưởng niềm vui, yêu đời, yêu cuộc sống. Văn hóa nghệ thuật còn giúp các bạn nhiều kiến thức bổ ích, sử dụng được trong cuộc sống hằng ngày lẫn trong công việc.
Hoạt động cụ thể là: - Xem kịch – Xem phim – Ca hát – Đọc sách – Nấu chay – Cắm hoa – Trò chơi, thể thao – Cắm trại  v.v…

TÍNH CHẤT HOẠT ĐỘNG

Mọi hoạt động của Câu lạc bộ đều yêu cầu phải Nghiêm túc – Vui – Năng động – Chia sẻ
            Nghiêm túc, để trở thành một tập thể chặt chẽ, nề nếp
Vui, để có sức sống, yêu đời
Năng động, để vượt qua mọi khó khăn cuộc sống
Chia sẻ, để nâng đỡ nhau cùng tiến bộ

THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM SINH HOẠT

-Địa điểm: nhà cô Hoàng Kim (Diệu Kim) số 368 /54/1 Tôn Đản P4, Q4, TP.HCM.
-ĐT cô Kim: 0918. 202. 575
-Câu lạc bộ sinh hoạt đều đặn vào 2 ngày cuối tuần (thứ bảy và chúa nhật)
6g30 thứ bảy: bắt đầu lớp học tiếng Hoa miễn phí. Bạn nào không học, vẫn có thể về địa điểm để vui chơi, ngủ nghỉ, coi như weekend.
8g sáng chúa nhật đến chiều: tụng kinh, ngồi thiền, điểm tâm, học Phật, ăn trưa, và xen kẽ các hoạt động như đàm thoại tiếng Anh, cắm hoa, nấu chay, trò chơi, ca hát, xem phim v.v…
           
Hoan hỷ đón tiếp các bạn trẻ với tất cả lòng yêu thương và trân trọng.

Thứ Năm, 21 tháng 4, 2011

Yêu trong chánh pháp

YÊU TRONG CHÁNH PHÁP

DIỆU KIM

Hình như có gì đó lấn cấn khi người ta đến chùa mà nói chuyện…yêu. Lại còn yêu trong “chánh pháp”? Không lẽ Đức Phật khuyến khích ái dục? Thế nhưng, có những thực tế cuộc sống mà chúng ta không thể phủ nhận được. Và rồi chúng ta phải đối mặt, phải giải quyết. Giải quyết bằng “chánh pháp” có khi lại tốt hơn…