Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

Học sinh Trung Quốc tự tử, vì sao?

Học sinh Trung Quốc tự tử, vì sao?
Thứ Sáu, 25/11/2011 22:54

Những ngày qua, hàng loạt tờ báo Trung Quốc ở trung ương cũng như ở các tỉnh đã lên tiếng cảnh báo về nhiều vụ học sinh trung học tự tử gây hoảng loạn cho ngành giáo dục và cha mẹ học sinh.

Theo báo China Daily, vụ tự tử mới nhất xảy ra tuần qua là một nữ sinh 13 tuổi ở tỉnh Hà Nam nhảy từ tầng 6 lớp học xuống đất. Các bạn của em cho biết nguyên nhân là em bị thầy giáo phạt ngồi xổm đứng lên 100 lần vì không làm bài tập ở nhà! Hồi tháng 10, 2 nữ sinh lớp 6 lứa tuổi 11 – 12 ở tỉnh An Huy, trước khi tự tử để lại mẩu giấy viết: “Nếu chúng em chết thì đó là lỗi của cô giáo dạy toán. Hãy báo cảnh sát bắt giữ cô ấy!”. Rất may là 2 cô bé dại dột đã được cứu sống tại bệnh viện. Hồi tháng 9, 3 nữ sinh lớp 8 tỉnh Giang Tô đã nhảy lầu vì bị phạt không làm bài tập ở nhà. Cả 3 em đã thoát chết vì được cấp cứu kịp thời.
Tờ Thời báo hoàn cầu viết: “Các vụ nữ sinh tự tử đã gây sốc cho toàn xã hội và đặt ra câu hỏi phải chăng các em hiện nay chịu quá nhiều sức ép phải làm bài tập quá nhiều ở trường cũng như ở nhà cùng những hình phạt do thầy cô áp đặt?”. Một nữ sinh ở An Huy tiết lộ với nhà báo vì không làm bài tập ở nhà nên đã bị thầy giáo đuổi ra khỏi lớp học.

Một em khác 12 tuổi kể đã nhiều lần bị phạt ngồi ở cuối lớp vì điểm kém. Em vừa nói vừa khóc: “Nhiều lần thầy than: Dạy em chỉ tốn thời gian!”. Hai nữ sinh này đã có lần định uống thuốc trừ sâu để tự tử nhưng đã được bạn bè ngăn chặn.

Một cô giáo dạy toán họ Giang nói với giới báo chí cô không chịu trách nhiệm về ý định tự tử của 2 em học sinh. Tuy nhiên cô thừa nhận tương lai sự nghiệp của bản thân phụ thuộc vào việc dạy học sinh có giỏi hay không nên các em cũng phải chịu sức ép đó. Chuyên gia giáo dục Vương Hồng Tái của Trường Đại học Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, nói: “Có một vòng luẩn quẩn sức ép giữa nhà trường, thầy cô giáo với học sinh và cha mẹ các em. Tình trạng đau buồn này cần sớm được khắc phục”.

Báo China Daily đăng kết quả điều tra đối với hơn 20.000 học sinh 39 trường trung học ở Thượng Hải cho thấy 60% học sinh mỗi ngày làm bài tập ở nhà từ 2 tới 4 giờ, thời gian ngủ của học sinh cấp 3 chưa tới 7 giờ/ngày, không thực hiện đúng quy định phải ngủ 8 giờ/ngày của Bộ Giáo dục.

Thanh Tùng (Người Lao động)

Cô Kim: Học sinh VN cũng vậy, không được ngủ đủ giờ và vui chơi giải trí. Cho nên các em có thể rơi vào 2 thái cực: hoặc trầm cảm, thụ động, kém kỹ năng sống, hoặc nổi loạn, bạo lực, chơi game thả dàn. Tội nghiệp quá!

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011

“Phù phép” đậu, bắp thành cà phê

“Phù phép” đậu, bắp thành cà phê

TT - Đậu nành, bắp rang cháy pha trộn cùng với hàng chục loại phụ gia, hương liệu hóa học được “phù phép” để thành các loại bột cà phê đóng gói sang trọng.

Các quy trình “phù phép” đậu nành, bắp rang thành cà phê tại cơ sở Thiên Tính -  Ảnh: Chính Thành (trích từ video clip)

Công ty TNHH Thiên Tính chuyên sản xuất cà phê bột các loại, nằm ở khu dân cư ấp Đông Ba, xã Bình Hòa, Thuận An, Bình Dương. Xưởng rang của công ty rộng gần 150m2 với năm lò rang thủ công. Mỗi lò có thể rang được 150kg, hoạt động hết công suất có thể 3-4 tấn/ngày. Trong xưởng, từ lò rang, hơi xì xịt túa ra, mù mịt khói bụi và bồ hóng.

3 phần cà phê, 7 phần chất độn

Mẻ đậu đầu tiên ra lò, một công nhân tên Đực, phụ trách việc tẩm ướp, đứng chờ sẵn với hai xô hương liệu. Ông Đực giải thích: “Xô màu đen chứa 5kg đường cục và 25kg chất tạo màu caramen. Xô còn lại là hỗn hợp muối, rượu gạo và nước. Hai xô này tẩm cho một tạ rưỡi đậu nành”. Nói xong, ông ta xách hai xô hương liệu, rướn người đổ ụp vào khay trộn.

Chưa đầy một phút sau, những hạt đậu màu nâu thẫm rời rạc bỗng chốc đen xì và dính vào như có keo dán. Tiếp đến, đậu được đổ thẳng xuống nền gạch, hai công nhân mặc quần cụt, đi dép lê từ ngoài nhảy vào thoăn thoắt xúc đậu hất ra tứ phía. Đến phần thu dọn, gạch vụn bị cào bung lên lấm tấm với đậu nhưng không ai buồn nhặt, kể cả nhiều miếng gạch to bằng ngón tay cái. Tất cả đều được đổ vào máy xay trước khi tẩm hương liệu lần hai. Nhà vệ sinh nằm cạnh xưởng. Công nhân đi vệ sinh xong thản nhiên để nguyên cả dép bẩn đạp vào đám đậu như... múa võ.

Công đoạn hai cũng hãi hùng không kém. Đậu nành được đổ vào xay nhỏ rồi chuyển qua máy trộn để tẩm ướp hương liệu. Cạnh thùng phuy rực lửa, một công nhân trực tiếp bê từng thùng bơ công nghiệp màu vàng còn nguyên cả bọc nilông bên ngoài thảy vào thùng phuy đang sôi ùng ục. Bơ nóng chảy thành nước vàng.

Ông Ninh - trưởng nhóm công nhân - múc ra xô khoảng 4 lít tưới lên 150kg đậu. Ông ta cho biết cứ 150kg đậu nành phải cho thêm vào khoảng năm loại hóa chất, hương liệu để chế thành cà phê gồm đường hóa học: 1,2 lạng, vani: 0,5 lạng, tinh 72: 2 lạng, sữa thơm: 4 lạng...

Mỗi sáng, bà Thùy (vợ ông chủ cơ sở) dựa theo đơn đặt hàng của khách sẽ chỉ đạo công nhân pha chế các loại bột cà phê theo công thức cụ thể. Có tới 13 công thức pha chế, ứng với mỗi loại bột cà phê khác nhau. Bột cà phê có giá rẻ nhất (50.000 đồng/kg) chỉ có 16% là cà phê thật, còn lại đậu (chiếm 69%) và bột bắp (chiếm 15%). Ở công thức số 5: cà phê thật chiếm 22%, bắp chiếm 10% và đậu nành là 65%. Còn loại cà phê hảo hạng giá 200.000-300.000 đồng/kg chỉ có 30% là cà phê thật.

Để cho công nhân dễ nhớ 13 công thức, chủ cơ sở viết hẳn ra giấy một bảng liệt kê các công thức chi tiết dán lên tường. Các công nhân khi làm nếu lỡ quên thì chỉ việc nhìn vào đó để cân đong sao cho chính xác.

Cà phê không... cà phê

Cơ sở sản xuất cà phê của ông Chủng (quê ở Thanh Hóa) mang nhãn hiệu Hoàng Hữu, đường TCH 15, P.Tân Chánh Hiệp, Q.12, TP.HCM, có khả năng chế biến đậu nành, bắp rang với hóa chất trở thành cà phê mà không cần một hạt cà phê nào trộn vào. Mỗi ngày cơ sở này cung cấp cho các quán cà phê, các cửa hàng trong TP 400-500kg cà phê bột.

Thấy công nhân đứng lớ ngớ pha đậu, ông Chủng quát: “Tụi mày chia ba bao đậu nành, bắp được rang sẵn thành mỗi phần 24kg, cho vào khoảng 8 lạng hạt cà phê, rồi trộn đều lên xem nào”. Mỗi mẻ, ông ta cho vỏn vẹn 5kg cà phê hòa chung với 180kg bắp và đậu nành cháy cùng các phụ gia, hương liệu hóa chất là trở thành bột cà phê đóng gói ngay sau đó.

Loại bột cà phê pha trộn giá 50.000 đồng/kg mới có chút ít cà phê “phớt phớt” như vậy. Chứ loại cà phê có giá 40.000 đồng/kg chỉ rặt đậu nành và bắp trộn với phụ gia hóa chất là “phù phép” thành bột cà phê.

Chỉ với hai bao nhân tổng cộng 120kg, ông Chủng cho người trộn thêm vào hơn một can chất lỏng có mùi rượu, hai túi hóa chất bột màu vàng, một túi hóa chất bột màu trắng, hai túi bột hóa chất màu đỏ...

Theo giải thích của chính chủ cơ sở, đây là các phụ gia hóa chất, hương liệu caramen, CNC, đường hóa học, tinh cà phê, bơ công nghiệp... Mỗi túi khoảng 2 lạng. Pha xong, bột đậu nành, bắp rang đen xì bỗng chốc chuyển sang màu nâu có mùi cà phê thơm phức dù không hề có một hạt cà phê nào được trộn vào.

Giao hàng khắp nơi

Tại cơ sở của ông Chủng, cà phê được đóng gói thành phẩm chia thành hai loại, có đặc điểm phân biệt rõ ràng, loại một với giá 50.000-60.000 đồng/kg, loại hai giá 40.000-45.000 đồng/kg. Hằng ngày, nhóm thợ theo ông Chủng đi giao hàng khắp các quận, huyện như Q.12, Phú Nhuận, Gò Vấp, Hóc Môn, Củ Chi...

Ông Chủng dặn: “Nhớ khi chào hàng, cà phê có nhiều giá lắm, loại 50.000 đồng/kg không nhất thiết phải bán đúng giá, có thể nhích thêm một chút. Loại 40.000 đồng/kg cũng vậy”. Đến các quán cà phê lớn nhỏ, ông ta đều chào mời rằng cà phê của mình được sản xuất tại các công ty lớn ở Tây nguyên. Khá nhiều quán đồng ý mua hàng thường xuyên vì giá quá mềm lại được khuyến mãi thêm vài bịch (mỗi bịch 1kg) nếu mua nhiều.

Bà Ngọc Hà, chủ một quán cà phê gần cầu Sài Gòn, nhìn nhận: “Cà phê rẻ như vậy chắc cũng độn đủ thứ. Nhưng một ly cà phê tui bán có mấy ngàn đồng, mua hàng nguyên chất thì lấy lời sao được? Kệ nó, có mùi cà phê là được”. Nơi nào chê, ông Chủng cười khà khà, giải thích: “Trên Tây nguyên mấy bữa nay mưa nhiều quá, cà phê không phơi được, công ty toàn phải sấy. Do vậy nên không được thơm ngon lắm”.

Nguy hại cho sức khỏe

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, cho biết các chất độn cà phê như bắp rang, đậu nành bị rang cháy đen sẽ rất có hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Cụ thể, nếu bắp, đậu nành khi bị rang cháy đen, có mùi khét thì hoàn toàn không còn giá trị dinh dưỡng.

Khi đậu được rang với nhiệt độ cao hoặc bắp cháy sẽ sinh ra nhiều loại chất độc hại. Trong đó, các chất như acrylamide, heterocyclic amines, HCAs... là những chất có khả năng gây ung thư cho người sử dụng.

Việc các cơ sở sản xuất lạm dụng nhiều chất phụ gia hóa chất với liều lượng quá nhiều sẽ gây nguy hại cho sức khỏe người dùng. Nếu cho quá nhiều đường hóa học sẽ dẫn tới triệu chứng tiêu chảy. Các chất phụ gia khác cho vượt mức nhiều lần sẽ gây tồn dư các kim loại nặng, các kim loại này sẽ lắng lại ở gan, ruột, thận và dẫn tới các bệnh lý ở các cơ quan này.

CHÍNH THÀNH - BÁ TÙNG (Tuổi Trẻ)
 Cô Kim: Chỉ có cách đi mua cà phê nguyên hạt rồi bảo người ta xay trực tiếp trước mắt mình, đem về uống cho an tâm.

Tây Tạng ngày nay - Kỳ 3: Lạt ma và Hoa hồng

Tây Tạng ngày nay - Kỳ 3: Lạt ma và Hoa hồng 
22/11/2011 22:17

Vườn tranh luận - Ảnh: Đoàn Xuân Hải

Ở ngoại ô thủ phủ Lhasa có một tu viện mang tên Sera Monastery mà nếu đến thăm, bạn sẽ chứng kiến một trong những phương pháp tiếp thu kiến thức độc đáo của người Tây Tạng.

Sera Monastery nằm dưới chân núi đá khô cằn, ngoại ô Lhasa.

Tu viện này thuộc phái Mũ Vàng (Gelugpa - Hoàng Mạo), là 1 trong 3 tu viện quan trọng bậc nhất của Tây Tạng, được xây dựng vào đầu thế kỷ 15. Sera Monastery còn được biết đến với tên gọi Tu viện Hoa hồng, bởi chữ Sera trong tiếng Tạng có nghĩa là hoa hồng, vì khi khởi công xây dựng tu viện vào năm 1419, nơi đây tràn ngập hoa hồng dại. Một khu đồi núi cằn cỗi mà lại có hoa hồng mọc lên, tô điểm thêm cho sự kỳ bí của tu viện này. Thêm nữa, trên một đất nước rộng mênh mông như thế mà các bậc đại sư thời xưa lại chọn khu đất có hoa hồng để xây tu viện, chắc không phải ngẫu nhiên.

Tu viện Sera được biết đến như là Trường đại học Phật giáo của Tây Tạng. Khu vực này khá rộng, gồm 3 trường: Sera Mey Dratsang (giáo dục kiến thức cơ bản), Sera Jey Dratsang và Ngagpa Dratsang (đào tạo Lạt ma phái Mũ Vàng có trình độ tương đương cử nhân và tiến sĩ Phật học), tu sinh phải học và thi khoảng 300 loại kinh kệ, chưa kể các môn khoa học khác. Giống như các trường đại học trên giới, tu viện Sera cũng có ký túc xá dành riêng cho tu sinh. Đào tạo Lạt ma chỉ dành cho nam giới từ 16 tuổi trở lên, do đó không hề có nữ tu sinh trong các tu viện ở Tây Tạng. Hiện tại muốn vào bên trong tu viện, bạn phải trình giấy thông hành đặc biệt cho đồn cảnh sát đặt ở đầu đường vào.

Vào những buổi chiều, trong vòng từ 1 - 2 tiếng đồng hồ, dưới bóng râm của những tán cây có tuổi thọ hàng trăm năm tuổi, các tu sinh của tu viện Sera tụ tập lại (giống như giờ ra chơi) để trau dồi kiến thức trong không gian gọi là Vườn tranh luận với mặt sân toàn đá cuội. Người đứng đập hai bàn tay vào nhau nghe “chát” một cái, uốn hai cánh tay nhẹ nhàng như một vũ công, rồi hỏi người ngồi một câu gì đó. Người ngồi trả lời, người đứng hỏi tiếp với cùng điệu bộ ấy.

Có thể xếp Vườn tranh luận của tu viện Sera vào loại sôi động nhất trong hệ đại học trên toàn thế giới. Qua lời giải thích của anh hướng dẫn viên du lịch người Tạng, sự tranh luận ấy được thể hiện bằng kiến thức phổ thông hoặc thâm sâu tùy theo nội dung câu hỏi và câu trả lời của các tu sinh, ví dụ: Người hỏi: Lá cây có màu gì? Người trả lời: Màu xanh. Hỏi tiếp: Tại sao lá cây có màu xanh? Trả lời: Do diệp lục tố tạo nên. Hỏi tiếp: Tại sao lá cây chuyển sang màu vàng? Trả lời: Đó là dấu hiệu của sự chuyển mùa. Hỏi tiếp: Tại sao lá rụng?  Trả lời: Là do lá chết. Hỏi tiếp: Tại sao lá chết mà cây không chết? Trả lời... Cứ như thế, “giờ ra chơi” giúp các tu sinh “truy bài” nhau đi đến tận cùng của tri thức, một cách giúp họ lĩnh hội những tinh tú của nhân loại trong vũ trụ bao la trước khi tốt nghiệp thành Lạt ma.

Cuối buổi tranh luận, tất cả tu sinh đội mũ vàng lên tập trung lại để các bậc đại sư giải thích những câu hỏi có phần bí hiểm hoặc câu trả lời chưa thỏa đáng, rồi đưa ra lời giải cuối cùng cho một câu hỏi chưa có lời giải hoặc trả lời chưa trọn vẹn, coi đó như chân lý để các tu sinh nạp thêm vào kho tàng kiến thức của mỗi người.

Trước cuộc chính biến xảy ra vào năm 1959, tu viện này có hơn 5.000 tu sinh, ngày nay con số ấy chỉ còn khoảng 800 người. Cả Lạt ma và tu sinh theo học ở tu viện Sera được đài thọ kinh phí dạy và học (giống như tiền lương cho giảng viên và học bổng cho sinh viên) cho nên không phải muốn vào học là được, phải trải qua một quá trình “xét tuyển” hạn chế và khắt khe. Không phải tất cả tu sinh đều trở thành Lạt ma, những ai không hội đủ điều kiện trong quá trình theo học tại tu viện đều có thể hồi gia hoặc ra khỏi trường, nhập thế để trở thành một con người khác.

Sau khi tốt nghiệp và hành đạo, Lạt ma sẽ chọn thời điểm để di hành lên chốn thâm sơn cùng cốc, chọn cho mình một cái hang để khổ luyện trong 3 năm, 3 tháng, 3 tuần, 3 ngày. Tại sao không chọn số 2 hoặc số 4, mà phải là số 3 âu cũng là điều bí hiểm. Nếu tính đủ 1 năm 365 ngày và tháng đủ 30 ngày thì quá trình “hành xác khổ luyện” ấy diễn ra đúng 1.209 ngày. Trong quá trình ngồi thiền nơi hang núi, các Lạt ma rèn luyện và đạt được một số khả năng siêu phàm. Một trong những điều siêu phàm như vậy, theo nghiên cứu của một số nhà Tây Tạng học, là khả năng giao tiếp giữa vị Lạt ma này với vị Lạt ma nọ ngồi cách nhau vài quả núi, tựa như thần giao cách cảm. Với thời tiết khắc nghiệt như Tây Tạng, ăn uống kham khổ và điều kiện sinh hoạt ở mức tối thiểu, chừng ấy ngày ngồi thiền một mình ở chốn hoang vu giá lạnh để đắc đạo xuống núi đủ thấy cơ thể ấy, tinh thần ấy, lý trí ấy bền vững thế nào. Người phàm như tôi, không cần đến 3 tuần, chỉ sống 3 ngày như vậy thôi chắc còn lại cái xác không hồn, nói cách khác sẽ trở thành “linh hồn tượng đá”…

Đoàn Xuân Hải (Thanh Niên)

Những khoản lỗ “tay trái” ngàn tỉ của EVN

Cô Kim: Cứ đòi tăng giá điện của dân để bù cho những khoản lỗ này. Kinh doanh độc quyền là vậy đó. Và những đồng tiền thuế từ mồ hôi nước mắt của chúng ta đã bị chúng nó tiêu xài như vậy.

Những khoản lỗ “tay trái” ngàn tỉ của EVN
22/11/2011 23:25

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương, Bộ Tài chính phải kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện, đồng thời rà soát lại toàn bộ đầu tư ngoài ngành của Tập đoàn điện lực VN (EVN) vào ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán và EVN Telecom.

Đầu tư hàng ngàn tỉ đồng ra ngoài ngành, nhưng EVN vẫn phải vay hàng ngàn tỉ đồng từ ngân hàng Trung Quốc để xây nhà máy. Ảnh: Nhà máy NĐ Hải Phòng 2 dự kiến hoàn thành từ năm 2010 - ảnh: Káp Long

Tuy nhiên, trong cuộc họp hôm 19.11, Bộ Công thương chỉ công bố giá thành sản xuất, kinh doanh điện. Trong khi những khoản đầu tư, thua lỗ lớn ngoài ngành của EVN lại không được công khai.

"Chúa chổm" EVN

Đáng nói, hàng ngàn tỉ rót vốn vào các lĩnh vực tay trái này lại đẻ thêm cả ngàn tỉ đồng thua lỗ

Theo báo cáo của Đảng ủy khối Cơ quan doanh nghiệp T.Ư, EVN lỗ lũy kế tính đến 30.6.2011 là 31.500 tỉ đồng (trong đó riêng năm 2010 lỗ 23.600 tỉ đồng, 6 tháng đầu năm 2011 lỗ 7.900 tỉ đồng). Dự kiến số lỗ của EVN năm 2011 là 11.669 tỉ đồng. Như vậy, lỗ lũy kế của EVN tính đến hết năm có thể lên tới trên 35.000 tỉ đồng. Ngoài khoản này, EVN vẫn còn nợ 11.000 tỉ đồng tiền mua điện, mua than, dầu, khí chưa trả nổi cho các tập đoàn dầu khí, than khoáng sản và số nợ này vẫn tăng lên theo tháng...
Cũng theo báo cáo, EVN đầu tư ngoài ngành 2.100 tỉ đồng, chiếm 2,8% vốn điều lệ. Đáng nói, hàng ngàn tỉ rót vốn vào các lĩnh vực tay trái này lại đẻ thêm cả ngàn tỉ đồng thua lỗ. Trên thực tế, ngoài khoản đầu tư vào Công ty tài chính CP điện lực - EVN Finance, EVN Telecom, EVN còn là cổ đông chiến lược của ABBank, Công ty CP chứng khoán Hà Thành và hàng loạt công ty bất động sản liên kết khác như bất động sản điện lực Sài Gòn Vina, điện lực miền Trung…

Hầu hết các “ông con” ngoài ngành khác của EVN đều hoạt động chật vật. Cụ thể, với Công ty chứng khoán Hà Thành, theo báo cáo tài chính, lỗ lũy kế của công ty này tính đến 30.6.2011 là hơn 111 tỉ đồng (trên 150 tỉ đồng vốn điều lệ). Trong cơ cấu cổ đông của chứng khoán Hà Thành, các đơn vị điện lực gồm EVN và ba công ty điện lực thành viên khác đang nắm giữ trên 17% cổ phần. Chứng khoán Hà Thành hiện đang nằm trong top 10 công ty yếu kém nhất và thuộc diện bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kiểm soát đặc biệt.

Tai tiếng hơn cả là vụ đầu tư thua lỗ khổng lồ vào EVN Telecom. Năm 2009 lợi nhuận EVN Telecom bằng không (thực chất là lỗ, nhưng đã được chuyển lỗ sang các công ty điện lực thuộc EVN). Năm 2010, doanh thu của EVN Telecom chỉ đạt hơn 2.000 tỉ đồng và lỗ hơn 1.000 tỉ đồng. Nếu phương án gán EVN Telecom sang Viettel thành công, EVN có thể “thoát” khoản lỗ ngàn tỉ đồng và chi phí nuôi bộ máy này. Tuy nhiên, khi bàn giao EVN Telecom, số phận hệ thống cáp quang và hạ tầng công nghệ thông tin mang danh nghĩa đầu tư cho hệ thống điện (đã được tính vào khấu hao tài sản ngành điện và tính vào chi phí giá điện) cần phải được tính toán kỹ. Nếu không, sau khi gạt sang Viettel toàn bộ hệ thống, EVN lại tiếp tục thuê hệ thống này và tính vào chi phí giá thành điện một lần nữa.

Thiếu vốn vẫn "đầu tư tay trái"

Nếu so với hơn 22.590 tỉ đồng đầu tư ngoài ngành của 21 tập đoàn nhà nước, ngân hàng, tỷ lệ đầu tư ngoài ngành của EVN xấp xỉ 9%. EVN cũng đứng thứ 3 trong số các tập đoàn đua nhau vươn tay trái, chỉ sau Tập đoàn dầu khí quốc gia VN, Tập đoàn công nghiệp cao su VN. Tuy nhiên, trong khi cả dầu khí và công nghiệp cao su đều nằm trong top tăng trưởng cao, thì EVN lại rơi vào thua lỗ.

Một vấn đề lớn khác là, EVN đã sử dụng nguồn vốn nào để đầu tư hơn 2.100 tỉ đồng vào lĩnh vực trái ngành trong khi luôn than phiền thiếu vốn cũng không hề được bộ chủ quản làm rõ.

Theo kế hoạch, các khoản lỗ của EVN sẽ được hạch toán dần vào chi phí giá thành các năm tiếp theo. Tuy nhiên, với cách công khai thông tin nửa vời trên, rất khó để biết giá điện sẽ phải cõng lỗ thực của kinh doanh điện, hay lỗ do chi phí phát sinh từ quản lý yếu kém và những khoản vung tay quá trán ngoài ngành.

Mai Hà (Thanh Niên)


Trấn lột trong trường học

Trấn lột trong trường học
22/11/2011 18:42

Để có tiền đưa bạn, một số học sinh (HS) đã trở thành kẻ trộm ngay trong chính ngôi nhà của mình. Nạn trấn lột học đường tuy xảy ra âm ỉ nhưng sức công phá của nó không hề nhỏ, đặc biệt về mặt tinh thần.

Chỉ là xin tiền?

Gần đây, PV Thanh Niên nhận được thông tin phản ánh về em D. -một HS lớp 9 Trường THCS Bình Tây, Q.6, TP.HCM bị nhiều HS cùng trường làm áp lực để đưa tiền bạc. Nguồn tin còn cho rằng, đôi bông tai mà D. lấy trộm của mẹ mình mang đi bán có giá đến 120 triệu đồng, vì chúng đính những hạt kim cương!

Đến cổng trường tìm D. nhưng không gặp, chúng tôi đã nhờ một số HS chỉ đường đến nhà D. Tiếp chúng tôi ở bậc cửa (vì cha mẹ D. không có ở nhà), D. có vẻ bồn chồn. Em nói: “Con có thể gặp cô lúc khác, còn ở đây con lo mẹ sắp về. Mẹ con chưa hề biết vụ việc”. Theo lời D. kể vắn tắt, em đã lấy trộm tiền của gia đình, trang sức của mẹ gồm 1 đôi bông tai, 1 lắc tay, điện thoại di động đem bán để có tiền đưa cho bạn. Sự việc vỡ lở khi cha của D. phát hiện vì thấy mất tiền.

Chúng tôi liên lạc với cha D. qua điện thoại và ông xác nhận con mình có đưa tiền cho bạn bè trong lớp. Tuy nhiên, khi hỏi chi tiết số tiền, ông từ chối: “Thôi, con tôi khờ thì phải chịu. Cháu nó chịu sức ép hơn 1 tháng rồi, chúng tôi không muốn khơi lại nữa. Hơn nữa, trường cũng đã giải quyết rồi”.

Ngày 15.11, chúng tôi đã đến gặp Ban giám hiệu Trường THCS Bình Tây để tìm hiểu thực hư. Ông Diệp Vĩ Cường - Hiệu trưởng nhà trường giải thích: “Đây không phải là trấn lột mà là hiện tượng xin tiền. Các HS kia chỉ xin và em D. đều cho vì D. quá dễ dãi. Sự việc xảy ra vào khoảng tháng 9, đến đầu tháng 10 năm nay đã giải quyết xong”. Tiếp lời, ông Nguyễn Long Giang - Phó hiệu trưởng khẳng định: “Không hề có trấn lột vì ở đây không dùng vũ lực, sức mạnh buộc HS sợ hãi để trấn lột tiền bạc”.

Ông Giang tóm lược vụ việc: D. khá yếu đuối nên có tâm lý muốn được bạn bè che chở. Vì vậy, D. thường cho tiền bạn trong lớp để bạn chơi với mình. Thấy một bạn được D. cho tiền ăn uống thoải mái, 11 HS khác đã xúm vào xin tiền của D. Vụ việc được phát hiện khi một trong 12 em xin tiền mang điện thoại của D. về nhà và phụ huynh em này biết, đã báo cho giáo viên chủ nhiệm. Trong cuộc họp kiểm điểm, những HS này thừa nhận đã “xin” và “giữ tiền” của D. tổng cộng là 1.470.000 đồng. Trong đó, mức “xin” nhiều nhất là 400 ngàn đồng và thấp nhất là 100 ngàn đồng. Đại diện nhà trường cũng cho hay, toàn bộ số tiền trên đã được các phụ huynh có con em liên quan trả lại cho gia đình D.

Phân tích vụ việc này, thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - Giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nhận xét: “Hiếm khi nào có đến 12 HS cùng lúc “xin tiền” một người. Và cũng hiếm có HS nào bạo gan qua mặt cha mẹ, trộm cắp nhiều tiền chỉ để “cho bạn” trong một thời gian dài”.

Giấu giếm vụ việc, hậu quả càng nguy hiểm

Trước những vụ trấn lột, nhà trường thường muốn ém nhẹm bởi sợ mất uy tín, còn gia đình cũng muốn giữ kín bởi lo ngại ảnh hưởng đến việc học của con cũng như sợ xấu hổ với người khác.

Trong khi đó, nếu không ngăn chặn kịp thời, triệt để bằng các biện pháp giáo dục thì những hành vi bạo lực như trên dễ lan truyền nhanh. Trẻ bị trấn lột nếu bị dồn nén hoài, không biết cách ứng phó về lâu dài sẽ bị trầm cảm, lo âu; có thể có những hành vi chống đối xã hội, gây hại cho người khác hoặc rơi vào những nghiện ngập, thậm chí có thể dẫn đến tự sát.

(Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh
Cố vấn Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM)

Đang là chuyên viên tham vấn tâm lý học đường tại một số trường tiểu học trên địa bàn Q.11, TP.HCM, thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng tâm lý và truyền thông cộng đồng đề cập một câu chuyện ít nhiều có sự tương đồng: Có một cậu bé mỗi ngày được cha mẹ cho đến mấy trăm ngàn đồng. Cậu đã mang tiền và mua quà bánh cho bạn. Sau, gia đình siết lại, cậu bé bắt đầu bị bạn vòi tiền. Bà Mỹ Linh nhấn mạnh: “Đây cũng là một hình thức trấn lột. Bởi lẽ, khi người bạn nói với cậu bé rằng nếu không tiếp tục đưa tiền thì không chơi với em nữa và lôi kéo những đứa khác cô lập cậu bé. Điều này có nghĩa đã gây sức ép tâm lý, đe dọa tinh thần lên cậu bé”.

“Bảo kê”... nhà vệ sinh

Chuyên viên tư vấn Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu chia sẻ, trong một lần ông đi dạy về kỹ năng sống cho con em của cán bộ Kho bạc Nhà nước tại tỉnh Trà Vinh, có một phụ huynh đến giãi bày: Chị có đứa con trai tên V., là HS lớp 8 bị một nhóm HS trong trường bắt cống nạp (mà nhóm này gọi là “nộp tiền hụi”) cứ mỗi tuần vài ba lần. Nhóm này dọa nếu V. nói cho ai biết, chúng sẽ cắt “thằng nhỏ” của cậu bé. V. sợ hãi nên tìm cách nói dối cha mẹ để lấy tiền, khi thì đóng tiền quỹ lớp, khi thì tiền photo tài liệu hoặc tiền heo đất. Sự việc diễn ra trong suốt một học kỳ và V. bắt đầu có dấu hiệu tâm thần. Khi biết được việc, phụ huynh cho em V. nghỉ học. Sau một thời gian dài, V. vẫn cứ ngu ngơ và không chịu đến trường.

Tại TP.HCM, ông Hiếu cũng từng tiếp xúc một ca bị trấn lột khá đặc biệt. Đó là N., một HS lớp 10, ngụ ở Q.6 bị một nhóm “bảo kê”… nhà vệ sinh nam trong trường lục túi lấy tiền và buộc phải cởi quần để chúng chụp hình bằng điện thoại rồi lưu hình uy hiếp. Sau vài lần cống nạp, N. túng quẫn quá nên cứ nằng nặc xin mẹ cho thêm tiền. Mẹ cậu nghi ngờ nên gặng hỏi và cậu đã kể cho mẹ biết mọi chuyện. Trong khi tâm sự với tham vấn viên, N. vẫn lo sợ việc ảnh “nude” của mình bị phát tán.

Chuyên viên tư vấn tâm lý - trị liệu Tổng đài 1088, bà Lê Thị Minh Hoa cho biết trường hợp một cháu bé mới học lớp 1 bị bạn thường xuyên chặn lấy hết sữa và đồ ăn. Vì vậy, hễ đến nhà là bé hục vào ăn uống, trong khi nó vốn là đứa kén ăn. Cha bé thấy lạ, hỏi mãi mới biết được sự việc. Bà Hoa cũng cho hay, có những HS từng trân mình chịu đựng liên tiếp trong 3 năm học (lớp 6, 7, 8) nạn trấn lột. Trong thời gian đó, kẻ trấn lột sử dụng rất nhiều chiêu thức: “Mượn” tiền và không bao giờ trả; đóng “mặt trơ” để lấy đồ ăn, thức uống của bất kỳ ai trong lớp; đến kỳ thi, ra lệnh cho người ngồi gần phải cho chép bài. Nếu không đáp ứng, nạn nhân sẽ bị đánh. Ngoài ra, một HS trấn lột còn “khoe” với bạn rằng anh chị ruột của mình làm “nghề”… buôn bán ma túy. Quá sợ hãi, có HS về nhà ăn cắp tiền tiết kiệm trong ống heo và bán cả chiếc nhẫn cưới của ba mẹ để cống nộp…

Có thể không loại trừ trường nào

Ông Nguyễn Văn Vượng - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, Q.Tân Bình, TP.HCM bày tỏ: “Tôi xem trấn lột như là một vấn đề của xã hội và mang tính tiêu cực. Nó có thể xảy ra không loại trừ trường nào”. Ông Vượng tâm tư: “Cái mất lớn nhất với những HS bị trấn lột là mất niềm tin trong cuộc sống. Bởi các em không biết bảo vệ mình bằng cách chia sẻ với cha mẹ, thầy cô và những người lớn khác. Từ đó các em dễ chấp nhận và thỏa hiệp với cái xấu”.

Ông Vượng cũng lưu ý, ngay cả con em một số gia đình khá giả cũng có thể tham gia trấn lột, chứ không chỉ có HS khó khăn. Theo ông Vượng, những thanh thiếu niên này muốn thể hiện tính cách, tâm lý kẻ cả, đại ca của mình đồng thời muốn thỏa mãn nhu cầu tiêu xài cá nhân. Do đã quen nhúng chàm cộng với phản ứng tiêu cực là sự im lặng, chịu đựng của nạn nhân nên những kẻ trấn lột ngày càng lấn tới, dễ có những hành vi nguy hiểm cho xã hội, lôi kéo những em khác - kể cả em bị trấn lột - đi trấn lột người khác...

“Theo tôi, để phòng ngừa, giáo viên và phụ huynh phải gần gũi các em thường xuyên và trang bị cho các em kiến thức tự bảo vệ bản thân. Song song đó là tăng cường lực lượng tự quản, tức là cán bộ lớp”, ông Lê Văn Linh - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân lập Thanh Bình, TP.HCM góp ý kiến. Ông Linh trăn trở: “Tôi cảm nhận hiện nay có nhiều HS sống theo kiểu mạnh được yếu thua. Nhiều em cũng không tìm được chỗ dựa để tin tưởng chia sẻ khi gặp chuyện. Đặc biệt, HS không được dạy cách xử lý tình huống, chẳng hạn khi nào báo bố mẹ, khi nào báo thầy cô và khi nào báo công an”.

Bên cạnh sự sâu sát của gia đình, nhà trường, vai trò của chuyên viên phòng tham vấn học đường cũng rất quan trọng trong việc phát hiện cũng như tham gia xử lý những vụ trấn lột trong trường học.

Như Lịch - Tuyết Vân (Thanh Niên)

Cô Kim: Nền giáo dục của chúng ta “ưu việt” cỡ nào mà sản sinh ra những côn đồ nhí, mới tí tuổi đầu đã có thói du côn. Từ nhà trường mà đã tệ hại như thế, thì khi ra xã hội nó sẽ còn tăng lên gấp bội. Các bạn trẻ sắp tới sẽ lập gia đình và có con, thấy cảnh này phải lo lắng thôi!


Thứ Hai, 21 tháng 11, 2011

Khoe buồn và khoe... xấu?

Sổ tay:

Khoe buồn và khoe... xấu?  

TT - Hội chợ ASEAN (ASEAN Fair) diễn ra tại trung tâm nghỉ mát Nusa Dua, Bali sẽ kết thúc vào ngày 24-11. Nơi đây cũng chính là tổ hợp diễn ra hàng loạt cuộc họp quan trọng của các chính khách.

Hình ảnh buồn tẻ của VN trong không gian trưng bày - Ảnh: K.L.

Nước chủ nhà đã tranh thủ giới thiệu rất nhiều sản phẩm thủ công truyền thống của nước mình, từ loại vải batik được làm bằng phương pháp thủ công độc đáo, tới những đồ vật mang những nét riêng của từng vùng miền khác nhau. Các mặt hàng ở hội chợ cho thấy những nét văn hóa rõ rệt của Indonesia, và chính đó là điều du khách nước ngoài vô cùng thích thú khi chiêm ngưỡng, tìm hiểu và đi đến cảm mến.

Tại một gian trưng bày trong hội chợ là những hình ảnh và thông tin giới thiệu sơ bộ về các quốc gia thành viên ASEAN. Trong khi hình ảnh của các nước như Lào, Thái Lan, Campuchia, Brunei hay Myanmar đầy rực rỡ và sống động, với những nụ cười tươi, địa điểm độc đáo hay các giá trị tinh thần luôn được nhắc tới, khiến người xem có cảm giác vô cùng háo hức muốn đến thăm ngay, thì hình ảnh VN, không hiểu vì sao, lại hầu như rất tĩnh, không cảm xúc, nếu không nói là buồn tẻ.

Hình ảnh quảng bá VN tại Hội chợ ASEAN là một cô gái cầm cây lúa, đầu cúi xuống, mặt hầu như không biểu lộ cảm xúc và một cái chợ bán hoa mùa đông lạnh lẽo, toàn người mặc áo mưa, không thấy mặt. Có thể thấy thông điệp truyền tải từ bức ảnh có lẽ không tích cực như người dân VN mong muốn. Đâu rồi một VN năng động với dân số trẻ, tươi vui, với những bãi biển trải dài bất tận tuyệt vời, một vịnh Hạ Long thần tiên? Sự cẩu thả trong việc lựa chọn những hình ảnh quảng bá đất nước tại một diễn đàn quan trọng của khu vực như vậy là do đâu?

Một trong những trụ cột kết nối khối ASEAN chính là văn hóa - xã hội, trong đó lĩnh vực du lịch được xem là một kênh quan trọng để “khoe” với người khác “ta có những gì”. VN không thiếu những tay máy chụp ảnh đẹp, những hình ảnh đẹp, những góc nhìn đẹp. Đâu cả rồi?

Năm qua chúng ta chỉ đón được 5,5 triệu lượt du khách quốc tế và khoảng 22 triệu lượt du khách nội địa (Indonesia là 8 triệu lượt du khách quốc tế và 140 triệu lượt khách nội địa). VN đang tăng cường các kế hoạch quảng bá du lịch, với các khoản chi phí cực lớn trên các phương tiện truyền thông thế giới. So với nhiều quốc gia trong khối, chúng ta chậm chân hơn nhiều nước, và chỉ nhỉnh hơn rất ít nước trong các kế hoạch này.

Quảng bá du lịch của một quốc gia có thể là các kế hoạch tổng thể, một tầm nhìn đòi hỏi sự chỉ đạo của Chính phủ, nhưng cũng có thể là công việc mà từng bộ phận, từng cá nhân phải thực hiện, từng chi tiết nhỏ như một bức ảnh phải được chăm chút. VN không nhất thiết chỉ tập trung làm thật tốt các kế hoạch quảng bá rầm rộ, như bầu chọn vịnh Hạ Long - vốn đòi hỏi sự hợp tác và triển khai của quá nhiều cơ quan hữu quan, mà những việc nhỏ như chọn hình ảnh để “khoe” với bạn bè thế giới cũng cần được làm một cách cẩn trọng và thấu đáo.

K.LOAN (Từ Bali, Indonesia) (Tuổi Trẻ)

Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2011

ẤN TƯỢNG ĐẸP NGÀY NHÀ GIÁO VN 2011


ẤN TƯỢNG ĐẸP NGÀY NHÀ GIÁO VN 2011

            Ngày thứ bảy 19-11-2011, Funny Home đã tham gia Lễ hội ẩm thực chay với Khoa hoằng pháp (Trường Cao cấp Phật học TP.HCM, tức Học viện PG TP.HCM). Và chúng ta đã để lại ấn tượng rất đẹp.

            Chúng ta chọn món bánh khọt, còn quý sư cô thì làm bánh ít trần, bánh bột lọc, su si rong biển, rau câu, bánh tráng trộn. Gian hàng của Khoa Hoằng pháp này hơi bị nhiều món ăn.

            Tên gọi gian hàng là Hương đồng nội. Quý thầy đã trang trí rất công phu, dùng cả lá đủng đỉnh phải chở từ Củ Chi lên, rồi hoa tigôn, dây tơ hồng. Dĩ nhiên mây tre lá là chủ đạo. Cô Kim mang đồ trang trí nội thất vào nữa, gồm bàn tre, gióng gánh, nia, sàng, chén dừa, chén sành… Ngoài cổng treo thêm thư pháp, đèn mây, toàn bộ đều nhất quán là hương đồng gió nội.

            Và nổi bật nhất là một dàn thiếu nữ mặc áo bà ba, quấn khăn rằn, mang guốc, do cô Kim thiết kế, khiến ai đi ngang cũng trầm trồ đứng lại xem. Vui nhất là anh Rani mặc luôn bộ áo dài khăn đóng bằng gấm, che cây dù đen, ai nhìn cũng thích. Gian hàng này quả là chăm chút mọi mặt. Khách mua đông quá xá, bán hết sạch mà khách còn hỏi mãi.

            Cô Kim và các bạn đã vất vả hơn tuần lễ để chuẩn bị trang phục, săn lùng vật dụng, và chuẩn bị thiết kế món ăn sao cho đẹp mắt. Ngày 19 phải thức dậy từ 4g30 sáng, chất đồ lên honda chở đi. Khen cho anh Ni, Nương, Thảo cận, Gọn, đều là những tay lái cừ khôi, đã gồng gánh hết số lượng bếp lò và đồ đạc nhiều kinh khủng, còn chở thêm người phía sau là cô Kim, Thu, Như Ý, bà Sáu. Tới nơi là lao vào làm trối chết, nhất là những bạn phải túc trực ngồi bên lò đổ bánh suốt tới trưa như Nương, Thảo cận, Như Ý, Phi, Thu. Trời nóng, mồ hôi nhỏ giọt, may có cái khăn rằn lau ngay. Giờ mới hiểu tại sao người nông dân quê mình cần cái khăn rằn. Nó to, mát, có thể lau mồ hôi, có thể dùng che nắng thay nón, hoặc choàng cổ khi gió lạnh giữa đồng ruộng mênh mông. Khăn được dệt bằng vải cotton, mát, hút ẩm tốt, không hại da, giặt cũng mau khô. Các bạn còn thích thú với cái quần satanh dễ chịu, không gò bó như quần jean. Có làm như vầy mới hiểu cuộc sống hơn, cảm nhận văn hóa truyền thống nhiều hơn, yêu mến người dân mình hơn. 

Kết quả đã được đền bù xứng đáng. Ai cũng khen, xuýt xoa không chỉ vì trang phục đẹp, mà còn vì các bạn đảm đang, thục nữ. Cô Kim cười tít mắt bởi đệ tử mình được rèn luyện đến bây giờ kết quả đã thấy rõ. Dĩ nhiên là cô Kim vẫn phải làm tổng điều hành rất mệt, nhưng các bạn đã răm rắp đi vào quy trình, tay nghề nâng cao hẳn lên. Nhiều món các bạn đã tự làm không cần cô Kim kề bên nữa. Ráng lên, cô Kim mong các bạn sẽ kế thừa luôn về tổ chức, để cô Kim “về hưu” một cách an tâm. 

Thương hơn nữa, khi chở đồ đạc về nhà, chao ôi như một bãi chiến trường. Nương, Thảo cận, Như Ý, Thu và cô Kim lại dọn dẹp, rửa, lau đến tối mịt mới xong. Thật choáng váng khi giải quyết “hậu lễ hội”!

Vậy mà sáng chúa nhật 20-11, các bạn về học giáo lý, lại còn “sung sức” tổ chức tiệc chúc mừng thầy Nguyên Thọ và cô Kim. Hầu như đủ mặt, cả anh Tín tuốt ngoài Vũng Tàu cũng về, rồi Vy, Nghĩa, Vỹ, rồi Hoàng Anh, Nghi bên quận 8 chạy sang. Diệp Thảo, Tuyết đã tặng chậu hoa lan ngày hôm qua. Nương, Thảo cận, Như Ý đổ bánh xèo, nấu súp, bắp xào, trái cây, Trúc nấu ca ri, trộn gỏi bắp chuối, bữa tiệc khá là thịnh soạn. Các bạn tự tổ chức, nấu nướng, giỏi vô cùng. Niềm vui của người thầy khi thấy học trò trưởng thành, đó là món quà vô giá các con dành cho cô. Hy vọng chúng ta sẽ gìn giữ những ngày tháng đẹp này để cháu con noi theo, sống tử tế và hạnh phúc.

Clip Lễ hội Ẩm thực Học viện PG 19-11-2011

Ảnh Lễ hội Ẩm thực Học viện PG 19-11-2011