Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

Vỡ mộng kinh doanh giáo dục


Vỡ mộng kinh doanh giáo dục
Kỳ 1: Ngắc ngoải trường tư
TT - Nhiều trường ngoài công lập từ trung cấp đến đại học đang hoạt động cầm chừng. Thậm chí có trường đã phải ngừng hoạt động.
Giữa tháng 4, các học viên và phụ huynh của cơ sở đào tạo thiết kế, nghệ thuật và quản lý thời trang Vmode (Q.Tân Bình, TP.HCM) đã đến cơ sở này đòi lại học phí. Cuối cùng, một học viên đã lấy... một chiếc máy may tương đương 4,2 triệu đồng học phí đã đóng cho những môn chưa được học.
Lấy tài sản trừ học phí
Có mặt ở cơ sở này tại thời điểm trên, chúng tôi nhận thấy mọi hoạt động dạy - học của cơ sở đã dừng lại. Vật dụng có giá trị của Vmode hầu như đã được chuyển đi hết, chỉ còn hai tủ kính, mấy bộ manơcanh và vài chiếc máy may. Trước đó, một số học viên khóa 1, khóa 3 đã đến lấy máy may, máy vắt sổ, manơcanh, sách vở... của trường để trừ nợ. Bà Nguyễn Nhật Quỳnh - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vi Mốt, đơn vị chủ quản cơ sở đào tạo này - cho biết: “Trường đã ngừng hoạt động vì khó khăn về tài chính. Thực tế chúng tôi đang trong quá trình thương thảo với các đối tác để vượt qua khó khăn hiện tại chứ không phải trường đã phá sản”.
Cũng theo bà Quỳnh, cơ sở đào tạo này chính thức tuyển sinh từ tháng 2-2011 với 120 học viên (40 học viên khóa dài hạn và 80 học viên khóa ngắn hạn). Mức học phí của trường là 60 triệu đồng/khóa dài hạn và 10-20 triệu đồng/khóa ngắn hạn. Tuy nhiên, trong quá trình học nhiều học viên tự bỏ học. Khi ngừng hoạt động trường chỉ còn 14 học viên đang theo học (trong đó có tám học viên dài hạn). Do không tuyển sinh đạt chỉ tiêu nên thu không đủ bù chi phí hoạt động. “Từ khi mở trường đến nay tháng nào công ty cũng phải bù lỗ do quá ít người học. Đầu năm 2012, trường đã không đủ khả năng trả lương cho giáo viên nhưng vẫn ráng gồng... Đến nay đã lỗ hàng tỉ đồng nên tạm thời phải ngừng hoạt động để tìm đối tác, kêu gọi đầu tư...”- bà Quỳnh cho biết.
Trước đó, nhà trường đã họp học viên để thông báo tình hình khó khăn của trường, công khai tài chính và đưa ra hướng giải quyết. Theo đó trường tạm ngưng ba tháng để tháo gỡ khó khăn. Đồng thời học phí những môn học viên chưa học được hoàn trả 50% tiền mặt và 50% tài sản hiện có tại trường (máy chiếu, máy may, máy vắt sổ, manơcanh, sách vở...). “Trường rất muốn hoàn trả 100% học phí cho học viên nhưng không thể. Chúng tôi chỉ vay được mức vậy thôi...” - bà Quỳnh giãi bày.
Cố gắng cầm cự
Từ ba cơ sở đào tạo, đến nay Trường trung cấp nghề Việt Giao chỉ còn một điểm ở Q.10, TP.HCM. Theo ông Trần Phương - chủ tịch hội đồng quản trị nhà trường, năm 2007 trường tuyển được 5-7 lớp (50 học sinh/lớp), nhưng đến năm 2011 chỉ tuyển được một lớp. Ba năm nay nhà trường không tuyển sinh được vào đợt tuyển tháng tư hằng năm.
Năm 2011, Trường trung cấp tư thục Hoàn Cầu (TP.HCM) gửi 10.000 thư mời nhập học nhưng chỉ có 78 học viên đến nhập học. Hết học kỳ I, học viên theo học tại trường này “rơi rụng” gần một nửa, đến nay chỉ còn 40. Ông Võ Thanh Trà - trưởng phòng đào tạo nhà trường - tính toán trường thuê một căn nhà hai tầng trên đường Tân Phước (Q.Tân Bình, TP.HCM) vừa làm trụ sở, vừa bố trí 10 phòng học để phục vụ đào tạo hết 80 triệu đồng/tháng. Chi phí cho hoạt động tuyển sinh của trường trong năm 2011 hết khoảng 100 triệu đồng. Nhưng trước tình hình tuyển sinh “ế ẩm”, trường phải cho thuê lại tầng 1 của tòa nhà để bù lỗ. Đồng thời để giảm chi phí, trường vận động học viên hai ngành lập trình máy tính và quản trị mạng... dồn vào một lớp.
“Khi thành lập, lãnh đạo trường lạc quan nghĩ rằng mỗi năm sẽ tuyển được 300 học viên. Qua ba năm số học viên tại trường sẽ gần 1.000. Thế nhưng, học phí thu không đủ đóng tiền mặt bằng. Hiện trường đang gặp nhiều khó khăn vì phải bù lỗ hằng tháng cho phí thuê mặt bằng, giáo viên, nhân viên... Trường đã rao bán bớt cổ phần nhưng không ai mua nên đang cố gắng cầm cự, còn nước còn tát” - ông Trà nói.
Trong khi đó, Trường trung cấp nghề Du lịch và tiếp thị quốc tế (TP.HCM) cũng đang phải hoạt động cầm chừng. “Trường đang bù lỗ và không biết cầm cự được bao lâu nữa” - ông Phan Đình Huê, phó hiệu trưởng nhà trường, lo lắng. Theo ông Huê, từ năm 2008 đến nay trường đã phải cắt giảm 2/3 quy mô hoạt động. Từ khoảng 800 học viên, đến nay chỉ còn hơn 100 học viên đang theo học tại trường này. Dù tăng cường quảng cáo, tuyển sinh nhưng số người theo học cứ giảm dần đều qua từng năm. Trước đây, trường có một cơ sở chính “hoành tráng” ở đường Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cùng ba điểm hợp tác đào tạo khác thì hiện chỉ còn một trụ sở nhỏ hơn trụ sở ban đầu. Hiện nhà trường đang trông chờ tuyển sinh các khóa đào tạo ngắn hạn để “lấy ngắn nuôi dài” và hoàn tất hồ sơ, thủ tục để mở một phân hiệu ở Cần Thơ.
“Đẩy các trường vào chỗ khó hơn”
Từ khi thành lập đến nay Trường ĐH Phan Châu Trinh (Quảng Nam) luôn trong tình trạng khó khăn đủ thứ do thiếu tiền. Năm trước trường có bảy khoa, hai trung tâm đào tạo hàng chục ngành với khoảng 1.250 sinh viên. Tuy nhiên trường lỗ 2,5-3 tỉ đồng/năm và nếu duy trì tình trạng này, số lỗ sẽ nhiều hơn, gấp 2-3 lần. Trong khi tình hình tuyển sinh của trường luôn èo uột nên khó càng thêm khó.
Ngày 27-4, Bộ GD-ĐT đã ra quyết định đình chỉ tuyển sinh đối với một loạt ngành đào tạo ĐH của một số trường ĐH, trong số này hầu hết là các trường ngoài công lập. Lý do đình chỉ là tỉ lệ sinh viên trên giảng viên quá cao và thiếu giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.. Trước đó, do mất đoàn kết nghiêm trọng trong bộ máy lãnh đạo dẫn đến mất khả năng điều hành hoạt động của nhà trường, Bộ GD-ĐT quyết định đình chỉ tuyển sinh năm 2012 đối với các trường: ĐH Văn Hiến, ĐH Đông Đô, CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM, ĐH Hùng Vương TP.HCM và đình chỉ tuyển sinh 12 ngành đào tạo thuộc bốn trường: ĐH Chu Văn An, ĐH Lương Thế Vinh, ĐH Nguyễn Trãi, ĐH Kiến trúc Đà Nẵng.
Ông Trần Chút, phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến, cho rằng: “Quy định mới của bộ rất đúng, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ nhưng để thực hiện phải có lộ trình. Bộ phải thừa nhận thực tế các trường ngoài công lập đang tồn tại nhờ số lượng người học, nguồn thu từ học phí. Không ít trường đang khó khăn, nay bộ làm căng như vậy đã đẩy các trường vào chỗ khó hơn”.
Chỉ tiêu 100, tuyển sinh được 20
Bên cạnh đó, hiện còn có không ít trường ĐH tư thục khác cũng đang vật vã tìm cách tồn tại, bằng mọi cách vét thí sinh mỗi mùa tuyển sinh. Chưa bao giờ Trường ĐH Hà Hoa Tiên dùng hết 20-30% chỉ tiêu ĐH chính quy và chỉ tiêu phải cắt giảm dần theo từng mùa tuyển sinh... Mùa tuyển sinh năm trước, Trường ĐH Lương Thế Vinh có 1.400 chỉ tiêu nhưng chỉ tuyển được vài chục từ nguyện vọng 1, Trường ĐH Thái Bình Dương có 900 chỉ tiêu nhưng cũng chỉ có 92 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1, Trường ĐH Tân Tạo chỉ vài chục sinh viên theo học.
TRẦN HUỲNH - HÀ BÌNH (Tuổi Trẻ) (còn tiếp)
 Chia sẻ:         
Giá trị đích thực của tri thức đã thức tỉnh
01/05/2012 09:43:48
Chắc đã đến lúc các nhà giáo dục nên nói thật với lòng mình. Qua rồi thời hoàng kim của cơn sốt bằng cấp của xã hội. Chính vì cơ chế tuyển dụng cán bộ, công chức của nhà nước đã được thực hiện biến tướng. Cho nên từ ngày kinh tế mở cửa đến giờ các cơ sở đào tạo cung cấp bằng sỉ và lẻ mới ung dung sống. Thử nhìn lại cách hình thành của các ngành đào tạo, các trường trong thời gian qua. Bởi nhu cầu bằng cấp đã tạo ra các trường, bởi các nhà lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng cần đáp ứng nhu cầu học tập của giai đoạn bùng nổ dân số, và đặc biệt những nhà doanh nhân giáo dục tinh thông cũng nhanh chóng nhận ra cơ hội vàng trong bối cảnh này. Tuy nhiên đến lúc này, một sự thay đổi đang diễn ra mạnh mẽ của xã hội về nhận thức giá trị tri thức. Người dân đã hiểu giá trị đích thực của tri thức và họ đang cần sự đich thực đằng sau cái mảnh bằng. Cũng cần nói đến tác động của nền kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài vào nhận thức này. Các trường sẽ sớm nhận ra con đường đi cho giai đoạn mới. Bởi vì trong số họ vẫn còn những người trí thức đích thực. Sự hồi sinh sẽ quay lại với khu vườn giáo dục sau khi đã dùng quá nhiều thuốc kích thích tăng trưởng. LE THANG
Xin góp ý
01/05/2012 07:50:26
Xin góp một ý nhỏ cho các nhà "kinh doanh giáo dục": để tránh tình trạng thua lỗ như hiện nay, hãy chuyển đổi mục đích đào tạo của các trường theo nhu cầu thực tế của xã hội, đó là tập trung vào lứa tuổi mầm non, mẫu giáo, hay cấp 1,2. Nhìn cảnh đầu tháng 8, PHHS chen lấn để nộp đơn xin cho con em được vào các trường chất lượng cao và gần nhà sẽ thấy ngay đây là thị phần "ngon ăn", mặc dù tiếng tăm không "sang" bằng các trường ĐH. HOÀNG NGỌC
Cách tân giáo dục
30/04/2012 14:39:32
Đó là hậu quả của phong trào : sân bay, bến cảng, sân gôn.. và trường đại học cấp tỉnh, đã được một số chuyên gia kinh tế dự báo cách đây 5 năm. Đó là do sự lỏng lẻo của quản lý nhà nước về Giáo dục, đào tạo, về sự nóng vội và ảo tưởng cho một xã hội phổ cập đại học.. Đó là do sự đầu tư, kinh doanh giáo dục đào tạo nặng về lợi nhuận, nhẹ về chất lượng sản phẩm đào tạo. Đó là lối kinh doanh " sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi", sự dễ dãi trong tuyển sinh và đào tạo đã cho ra lò nhiều cử nhân, kỹ sư, kỹ thuật viên.. chỉ biết "ăn chơi, nói trạng". Bộ Giáo dục và đào tạo cần phải có sự cách tân mạnh mẽ và triệt để , theo hướng lấy nhu cầu thị trường lao động làm trọng, " tinh binh hơn đa binh". NGUYỄN THANH ĐỨC
Hậu quả của quản lý thiếu nghiêm ngặt trong thành lập các trường
30/04/2012 10:13:25
Hiện nay, các trường gần như đã quên đi mục đích, nhiệm vụ của chính mình. Đó là nhiệm vụ đào tạo ra nguồn nhân lực cho đất nước. Các trường đua nhau thành lập, tuyển sinh, làm mọi cách để có được người theo học, kiếm được lợi nhuận, dẫn đến việc kinh doanh hóa giáo dục. Nền giáo dục chúng ta hiện nay cần được đầu tư theo chiều sâu, chất lượng, chứ không thể đào tạo tràn lan như hiện nay. Đào tạo ra những nguồn nhân lực không có chất lượng, không thể đáp ứng cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước! Nhìn chung đó là hậu quả của việc quản lý thiếu nghiêm ngặt trong thành lập các trường. HOÀNG MỸ
Sự cạnh tranh công bằng?!
30/04/2012 07:59:04
Đất nước đang phát triển cần nhiều nhân lực để cung ứng cho nhu cầu của xã hội. Khả năng từ trường công lập từ cao đẳng , dạy nghề, đại học chưa đáp ứng kịp! Thế là trường tư, trường liên kết, trường hợp tác với nước ngoài...đa dạng để thu hút đối tượng HS, SV vào học. Nhờ thế mà các em có quyền chọn lựa theo học và...cuối cùng, qua quá trình hoạt động, các trường đành phải chấp nhận quy luật đào thải khi khả năng không đáp ứng đủ nhu cầu cho người học là điều tất yếu! DƯƠNG VĂN NGỌC



Vỡ mộng kinh doanh giáo dục - Kỳ cuối:
Người học bỏ dần trường yếu
TT - Nhiều chuyên gia cho rằng việc các trường tư đang ngắc ngoải là quy luật của thị trường và chứng minh một thực tế không thể làm giáo dục theo kiểu “ăn xổi ở thì”.
Đầu tư tốt cho cơ sở vật chất là một trong những điều kiện để đảm bảo chất lượng đào tạo. Trong ảnh: một phòng thí nghiệm hiện đại của Trường ĐH quốc tế Miền Đông - Ảnh: MINH TRỌNG
Hiệu trưởng một trường trung cấp tư thục ở TP.HCM thừa nhận những nhà đầu tư vào trường luôn tìm cách để tối đa hóa lợi nhuận theo kiểu kinh doanh “ăn xổi ở thì”, đầu tư cơ sở vật chất tạm bợ, không quan tâm đến việc tuyển giảng viên giỏi... Sau thời gian trường tuyển sinh èo uột, thua lỗ, những người này đã rút lui, đẩy trường vào chỗ khó khăn hơn.
Tín hiệu đáng mừng
Một trong những nguyên do dẫn đến thực trạng trên, đại diện một số trường trung cấp cho rằng mình đang tham gia một “cuộc chơi không cân sức” khi nhiều trường ĐH “vớt” hết học viên tốt nghiệp từ THCS trở lên. Bên cạnh đó, nhiều người còn cho rằng tâm lý chuộng bằng cấp nên nhiều người không chọn con đường học nghề. Tuy nhiên, cũng có ý kiến thừa nhận có nguyên nhân chủ quan từ chính các trường như hiệu trưởng một trường trung cấp thừa nhận đội ngũ và cơ sở vật chất của trường còn sơ sài. Đây có lẽ là nguyên nhân chính khiến các trường bị người học tẩy chay.
TS Nguyễn Kim Dung, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng việc một số trường ngoài công lập phải ngừng hoạt động, thậm chí “chết” đi, là tín hiệu bình thường của nền kinh tế thị trường. Cũng theo TS Kim Dung, khoảng 10 năm trở về trước, nhiều người cho rằng đầu tư vào giáo dục thu lại lợi nhuận rất cao, mở trường sẽ hốt bạc.
Chính tâm lý này làm cho các trường mở ra hàng loạt chứ không phải là vì có sự tâm huyết với giáo dục như một số nhà đầu tư đã làm. Một trong những điều làm cho giáo dục khó “hốt bạc” nữa là vì có sự xuất hiện của các trường quốc tế, sinh viên đi du học... “Thị phần” trong giáo dục hiện đã được chia sẻ rất nhiều. Có thể xem đây là một tín hiệu báo động từ nhiều phía để các bên thực hiện cho tốt hơn.
Trên thực tế thời gian qua, nhiều trường tư xuất hiện mà chưa chuẩn bị đủ từ nhân lực, cơ sở vật chất đến hoạch định việc hoạt động trường nên thiếu nguồn lực, tầm nhìn mà quan trọng nhất là thiếu chất lượng. Các trường này không có sự hoạch định về việc ngành mình đào tạo thiếu hay thừa trong tương lai. “Hiện rất nhiều tín hiệu cho thấy sinh viên trường tư sẽ không được chấp nhận chỗ này chỗ kia.
Cũng như có không ít sinh viên trường này trường kia không đáp ứng được công việc sau khi tốt nghiệp thì chuyện người học quay lưng với trường đó là tất yếu. Nếu như trường không đủ chất lượng vẫn “bán bằng” được, người học vẫn chấp nhận “hàng giả” thì đây lại là điều đáng lo. Những trường không đủ bản lĩnh, không có được hướng giải quyết khó khăn dẫn đến ngưng hoạt động thì đó cũng là tín hiệu đáng mừng. Bởi nó cho thấy “người tiêu dùng” - người học - đã có sự lựa chọn thông minh hơn trong việc nên chọn trường nào để phát triển bản thân” - TS Kim Dung nói.
Kiểm soát chất lượng
Trong khi đó, GS Phạm Phụ, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng trước thực trạng các trường tư khốn khó như hiện nay cần phải bình tĩnh nhìn nhận lại để khắc phục. Cũng cần nhìn nhận các trường ngoài công lập đã có đóng góp lớn trong việc phát triển giáo dục thời gian qua.
Thực tế không ít trường tư đầu tư đàng hoàng vẫn sống tốt. Trường học ngưng hoạt động gây hệ quả lớn, không chỉ là vấn đề của giáo dục mà còn của xã hội. Việc này làm mất thời gian, tiền bạc của người học và xã hội.
Theo GS Phạm Phụ, có nhiều nguyên nhân đưa đến tình trạng các trường tư đang rơi vào cảnh khó khăn hiện nay. Thứ nhất, do hành lang pháp lý chưa rõ ràng đã tạo cơ hội cho một số người toan tính kinh doanh giáo dục, chỉ lo kiếm lợi nhuận mà không quan tâm đến chất lượng. Thứ hai, cơ quan quản lý giáo dục buông lỏng quản lý, các trường được lập ra nhanh chóng nhưng không đủ điều kiện tối thiểu để đảm bảo chất lượng đào tạo.
Một thực tế cần nhìn nhận nữa là trước đây số người học rất lớn trong khi lại có ít trường nên dù trường kém chất lượng vẫn có người học. Nhưng hiện nay trường mở ra quá nhiều, cung đã xấp xỉ cầu, người học có nhiều lựa chọn, những trường kém chất lượng sẽ không có người học. “Khuyến khích phát triển trường tư cần phải kiểm soát chặt các điều kiện đảm bảo chất lượng. Đây là thời điểm tốt để rà soát lại các trường, nhưng về lâu dài phải có hành lang pháp lý rõ ràng và Nhà nước cần có chính sách tốt đối với trường ngoài công lập” - GS Phụ nói.
Chờ đợi cạnh tranh
GS Phạm Phụ cũng cho rằng việc coi trọng lợi nhuận trong phát triển giáo dục không nên nhìn nhận một cách cực đoan, nhất là khi lợi nhuận biểu hiện ở sản phẩm là con người. Tuy nhiên, hiện nay cấp quản lý vẫn phớt lờ và không làm rõ vấn đề lợi nhuận và phi lợi nhuận trong giáo dục. Vì thực tế lợi nhuận của các trường là có thật!
Tuy nhiên, khi chưa làm rõ vấn đề này thì người có tâm với giáo dục e ngại, còn người muốn mưu cầu lợi ích thật nhiều lại không chịu thừa nhận. Do đó không ít người luôn tuyên bố “trường tôi là trường phi lợi nhuận” nhưng thực chất lợi nhuận không tái đầu tư mà chia nhau hết, thậm chí có trường còn báo cáo lỗ vì thực tế tiền lãi đã phân tán thông qua mức lương “khủng” hằng tháng. Vì vậy, việc làm rõ hai khái niệm trên không chỉ giúp các nhà đầu tư tâm huyết với giáo dục yên tâm khi đầu tư vào đây, mà Nhà nước sẽ có chính sách quản lý thích hợp.
Theo đề án đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học VN giai đoạn 2006-2020, thì đến năm 2020 có 40% sinh viên cả nước được đào tạo tại các trường ngoài công lập. Những người làm giáo dục mong mỏi tỉ lệ này sẽ có thêm “đối phía” cân bằng với sự độc quyền của các trường công. “Chúng ta mong muốn có một hệ thống trường ngoài công lập lành mạnh và là một môi trường để cho các trường công nhìn vào để nâng cao chất lượng của họ, cạnh tranh được với các trường công. Khi có một hệ thống trường tư lành mạnh, khỏe khoắn đủ sức cạnh tranh với các trường công thì chất lượng giáo dục đại học sẽ tốt hơn. Rất tiếc nhiều trường chưa làm được như vậy và đó là một dấu hiệu không tốt cho kế hoạch cạnh tranh này” - TS Kim Dung nhận định.
TRẦN HUỲNH - HÀ BÌNH (Tuổi Trẻ)
"Có khai sinh thì cũng phải có khai tử đối với những trường quá yếu kém, không thể thu hút được người học. Ở các nước, những trường kém chất lượng đều bị buộc đóng cửa nhưng ở VN vẫn chưa làm được việc này"
PGS.TS ĐỖ VĂN DŨNG (phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM)
Giải thể trường kém chất lượng
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từng đề xuất: “Đối với các trường tư thục, chỉ nên cho phép thành lập những trường có vốn đầu tư lớn và hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận.
Chính phủ có biện pháp xử lý nghiêm khắc (có thể giải thể) với các trường vi phạm quy định để đảm bảo chất lượng, không thực hiện đúng cam kết thành lập trường, đặc biệt đối với các trường ngoài công lập đã thành lập được hơn 10 năm nay vẫn không có đất xây dựng trường”.
Trong khi đó ông Bùi Văn Ga, thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định đến năm 2013, nếu các trường bị đình chỉ tuyển sinh không khắc phục được các điều kiện đảm bảo chất lượng, bộ sẽ xem xét đình chỉ hoạt động giáo dục.

Lỗ hổng miễn học phí sư phạm


Lỗ hổng miễn học phí sư phạm
23/04/2012 3:30
Chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên ngành sư phạm đã không còn phát huy tác dụng.
Không còn thu hút người học
Từ năm 1998, theo Quyết định 70 của Thủ tướng Chính phủ, học sinh - sinh viên (HS-SV) ngành sư phạm (SP) được miễn học phí. Thời điểm đó, từ một ngành đang ở trong tình trạng “chuột chạy cùng sào”, SP trở thành lựa chọn của rất đông thí sinh dự thi.
Tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, từ 22.539 thí sinh đăng ký dự thi năm 1998 đã tăng lên 29.725 vào năm 1999 và vọt lên 41.235 trong năm 2000. Điểm chuẩn khối ngành SP các năm này cũng tăng mạnh, ví dụ ngành SP toán từ 20 điểm năm 1999, tăng lên 31 điểm (có nhân hệ số môn toán) vào năm 2000, 22 điểm vào năm 2002, 24 điểm vào năm 2004...
Năm 2000, ĐH Sư phạm TP.HCM là một trong 10 trường ĐH có điểm trúng tuyển cao nhất nước. Tuy nhiên, thời gian sau này lượng thí sinh dự thi vào trường ngày càng giảm, đến năm 2010 chỉ còn 15.127 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, nhiều ngành liên tục phải tuyển nguyện vọng 2 với mức điểm 13, 14...  Đến năm 2011 điểm trúng tuyển nhiều ngành SP ở các trường ĐH Đồng Tháp, ĐH An Giang, ĐH Cần Thơ, ĐH Tây Bắc… đều ở mức từ 13 - 14, bằng điểm sàn.
Thạc sĩ Nguyễn Anh Đức - Trưởng phòng Công tác HS-SV Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết: “Mỗi năm, Bộ GD-ĐT cho phép trường tuyển khoảng 400 sinh viên đào tạo SP được miễn học phí. Tuy nhiên, số lượng SV đăng ký học SP những năm gần đây không nhiều, chỉ gần vừa đủ chỉ tiêu được giao”. Thạc sĩ Tạ Quang Lâm - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nhận định: “Chính sách miễn học phí ban đầu thu hút rất đông thí sinh dự thi vào ngành SP. Tuy nhiên, đến giờ gần như đã không còn phát huy tác dụng”.
Cam kết cũng như không
Thông tư liên tịch số 66 năm 1998 của Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính nêu rõ: “Miễn học phí cho HS-SV hệ chính quy tập trung ngành SP khi vào học có cam kết sau khi tốt nghiệp phải phục vụ trong ngành GD-ĐT. Các đối tượng nêu trên nếu không thực hiện cam kết sẽ phải bồi hoàn toàn bộ số tiền đã được miễn góp học phí trong thời gian học tại trường”.
Cam kết là một chuyện, bồi hoàn học phí lại là chuyện khác. Đại diện các trường SP đều cho biết, từ khi triển khai đến nay chưa trường hợp nào bị chế tài phải bồi hoàn học phí dù thực tế rất nhiều SV không thực hiện đúng cam kết. Thạc sĩ Lâm cho biết: “Thời gian đầu nhiều SV không dám cam kết phục vụ SP để được miễn học phí vì sợ ràng buộc sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, sau nhiều lứa SV ra trường, có người dù không làm việc trong ngành như cam kết ban đầu vẫn không phải bồi hoàn học phí nên lượng SV vào trường giai đoạn sau cam kết rất đông”. Tại Trường ĐH SP kỹ thuật TP.HCM, theo khảo sát các khóa tốt nghiệp, chỉ có khoảng trên dưới 10% SV ra trường làm trong lĩnh vực GD-ĐT. Con số này bao gồm cả SV được miễn và không miễn học phí.
Thạc sĩ Đức cho hay: “Thực tế vẫn có nhiều trường đào tạo công nhân kỹ thuật ở các địa phương cần tuyển giáo viên kỹ thuật của trường. Tuy nhiên, SV không chịu về vì không muốn làm việc tại vùng sâu vùng xa, lương thấp và không có điều kiện học tập lên cao. Như vậy, xét về chủ trương thì chính sách miễn học phí cho HS-SV SP là rất cần thiết, nhưng nếu các SV không thực hiện đúng cam kết thì sự đầu tư này thực sự lãng phí và không công bằng đối với các SV khác”.
Bà Trần Thị Chúc - Trưởng phòng Công tác SV Trường ĐH Sài Gòn ý kiến: “Thực tế có nhiều SV học xong nhưng không được phân công công việc vì Sở GD-ĐT không có nhu cầu, SV phải tự tìm công việc, vì vậy các trường hợp này rất khó bắt SV bồi hoàn học phí”.
“Chạy” đúng đường mới có nhiệm sở
Theo các chuyên gia, tìm việc đúng chuyên môn không dễ là lý do quan trọng khiến ngành SP hiện nay không còn hấp dẫn SV cho dù được miễn giảm học phí.
Năm 1998, hầu hết SV sau khi tốt nghiệp tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trở về địa phương đều được phân công trong ngành. Những năm sau này, SV tốt nghiệp trở về địa phương rất khó được phân nhiệm sở.
Lãnh đạo một trường ĐH có đào tạo SP chua chát: “Nhiều SV sau khi tốt nghiệp cho biết về địa phương không được Sở phân công công việc. Muốn có được một chỗ đi dạy, cần phải “chạy” đúng đường dây với mỗi suất khoảng 60 - 100 triệu đồng tùy theo địa bàn. Tôi từng chứng kiến một trường hợp xin về Bình Phước dạy hợp đồng phải bỏ ra 25 triệu đồng, nhưng chỉ sau một năm bị cho nghỉ việc và giờ đang phải ở nhà làm hạt điều. Tôi thực sự xót xa trước những tình cảnh như vậy”. Vị lãnh đạo này nói thêm: “Thực tế vẫn có nhiều địa phương thiếu giáo viên và tuyển giáo viên, nhưng khâu tuyển dụng rất bất cập. Do vậy, để chính sách miễn học phí này thực sự hiệu quả trước hết cần phải làm tốt công tác phân công việc làm. Đặc biệt, cần phải có thanh tra vào cuộc để kiểm soát các sở trong việc phân công nhiệm sở nhằm tránh những bất cập trên”.
Để thay đổi tình trạng hiện nay, thạc sĩ Tạ Quang Lâm đề nghị: “Ngoài việc miễn học phí còn phải chú trọng hơn vào chính sách đầu ra. Người học cần được phân công việc làm phù hợp và có mức lương đủ sống được với nghề”.
Hà Ánh (Thanh Niên)

BẠN ĐỌC PHẢN HỒI - COMMENT (8)
Hoàng Vũ
Tôi là một giáo viên dạy cấp 2 được 3 năm rồi và điều tôi nói rất chân thành là các bạn trẻ nếu đi Sư Phạm thì nên suy nghĩ lại. Có nhiều người giàu nhờ dạy kèm môn chính, chứ dạy môn phụ thì với lương 2.117.000đ như tôi hiện nay, tháng 5 tới có thể là 2.500.000đ thì xin lỗi 30 năm nữa không dám lập gia đình vì tôi còn không nuôi nổi tôi nữa... Và học sinh hiện tại khác xưa rất nhiều, bệnh chỉ tiêu, thành tích trong giáo dục...Nếu có cơ hội, tôi sẽ không đi Sư Phạm nữa.
Hùng Việt
Tôi có hai người em học sư phạm ,1 là học sư phạm tin Quy Nhơn, 1 em học cao đẳng tiểu học Đà Nẵng, sau khi tốt nghiệp về quê ở tỉnh Quảng Nam nhưng trong 3 năm vẫn thi tuyển không đậu công chức, phải chờ đến lúc nhà nước quyết định bỏ thi công chức 2 em tôi nộp đơn xét tuyển đi miền núi huyện Tây Giang nhưng vẫn không được với lý do ko nằm trong đối tượng ưu tiên 1, 2,3,4......... ,nhưng các sv khác tỉnh đến nộp hồ sơ vẫn được xét tuyển. Cuối cùng 2 em tôi phải xin việc khác trái nghành để kiếm thu nhập và trả nợ vay vốn . Tôi mong rằng nhà nước có chủ trương mới , có hướng giải quyết mới hơn để SV SP sau khi tốt nghiệp ra trường có chỗ dạy ổn định.
Thu Hiền
Nội dung bài báo nêu rất sát thực tế. Công tác tuyển dụng hiện nay phó thác hết cho Sở Nội vụ, chắng có ai kiểm tra, kiểm soát việc tuyển dụng. Phóng viên thử đóng vai đi thi thử tuyển công chức thì biết ngay. Một số thành phần thuộc COCC biết trước đề thi, còn khi chấm thi lại được nâng đỡ. Nhiều người tình nguyện lên vùng sâu, vùng xa dạy cũng đâu có dễ còn bị cản bởi hỗ khẩu... Công tác tuyển dụng hiện nay rất bát nháo nhưng ít được nói đến mong quí báo xâm nhập vào lĩnh vực này.
Lê Trí Dũng
Cảm ơn bài báo đã nói rất trung thực.Quê tôi ở Nghệ An nhưng hộ khẩu và sinh sống ở tỉnh Daklak,bản thân tôi ước mơ từ bé được vào học ngành sư phạm theo sở thích và truyền thống của gia đình. Năm 2001 tốt nghiệp Đại học Sư Phạm tp HCM, biết bao nhiêu nhiệt huyết muốn đưa đựơc con chữ,kiến thức của mình về Daklak phục vụ trong ngành sư phạm nhưng xin việc rất nhiêu khê.Muốn có một chỗ dạy ổn định bạn bè tôi phải "chạy" hết 20 triệu với thời giá lúc đó.Tôi nghĩ nếu có số vốn 20 triệu lúc đó tôi không cần phải đi dạy học.Tôi xuống lại tp HCM làm công việc viết lách cho đến nay.
BL
Tôi có một người quen có con học Đại học SP. học xong ra trường nhưng không xin được việc vì "phải chạy" khoảng trăm triệu. Thế là em đó " bẻ lái" qua học ngành khác làm lại từ đầu. Với lý do: để trăm triệu đó có cái nghề làm phù hợp với xã hội còn hơn biết chừng nào mới "gỡ" lại vốn. Nếu không"bóp cổ" học trò!
Thaythay56
Tôi rất dồng tính với bài viết của quí báo.Việc SV SP ra trường đi xin việc phải bỏ ra một số tiền lớn là một sự bóc lột ghê gớm:với đồng luong như hiện nay thì không khác nào phải dạy không công vài năm trời.Vì vậy mà ở nhiều trường của Bình phước có cơ số giáo viên thừa 20-30 GV là khá phổ biến. GV lên lớp với tâm trạng phải "cày" để trả nợ thì tâm trí đâu mà dạy cho tốt được...
Đặng Thị Hiếu
Thực trạng sinh viên sư phạm ra trường kiếm được việc làm đúng nghề mình đã chọn là rất ít. Có trường hợp chạy 30 triệu để được dạy hợp đồng ở địa phương, kết thức hợp đồng 3 tháng rùi bị nghỉ việc phải làm công nhân trong nhà máy bao nhiêu năm nay. cũng có trường hợp giáo viên day hóa cấp 3 mà viết phương trình đơn giản vẫn sai, mà vì sao họ vẫn được dạy. thực trạng này là do đâu?. hỏi làm sao ai dám học sư phạm nổi.
Nguyễn Văn Mới
Miễn học phí cho sinh viên ngành sư phạm như một "cái bẫy" sinh viên. Sinh viên tưởng được nhiều, nhưng sự thật thì mất nhiều. Lý do học xong rồi thì tìm việc ở đâu. Mỗi quận, huyện chỉ có một số trường nhất đinh, số giáo viên biên chế cố định, giáo viên đến tuổi nghỉ hưu thì ít, đâu có chỗ cho sinh viên mới ra trường... Thật khó quá!

Ngoại ngữ 'hiếm' hút giới trẻ


Ngoại ngữ 'hiếm' hút giới trẻ
26/04/2012 10:50
Khi tiếng Anh, Pháp, Trung...ngày càng phổ dụng, nhiều bạn trẻ Việt Nam đang tìm đến ngoại ngữ hiếm để tăng cơ hội xin việc làm.
Mỗi năm có 10 suất học bổng hè sang Thái Lan là động lực khiến Nguyễn Kim Phượng (khoa tiếng Đức, ĐH Hà Nội) quyết định theo học tiếng Thái. Phượng gặp không ít khó khăn với ngoại ngữ này. Giáo trình trên lớp chủ yếu là được photo, sách tham khảo, từ điển không có trong thư viện, hiệu sách. Thêm vào đó, rất ít người học tiếng Thái, những lúc bí bài bí từ muốn hỏi nhưng không ai giúp được khiến Phượng có lúc thấy nản.
Vũ Hoàng Quân, chuyên ngành tiếng Tây Ban Nha (ĐH Hà Nội) yêu thích bóng đá, văn hóa Italia nên chọn tiếng Italia là ngôn ngữ thứ 2. Tự nhận là người có năng khiếu về ngôn ngữ, nhưng Quân vẫn thường xuyên bị lẫn lộn giữa tiếng Tây Ban Nha với Italia. Khi học ngoại ngữ này Quân cũng thiếu tài liệu, thiếu môi trường thực hành như những bạn học tiếng “hiếm” khác. Cũng cùng hệ chữ Latinh, nhưng sự phức tạp của ngữ pháp tiếng Bồ Đào Nha khiến nhiều bạn trẻ đang theo học choáng váng.
Khó khăn là vậy, nhưng khi thành thạo ngoại ngữ ít phổ biến này, bạn trẻ luôn có nhiều cơ hội. Điểm thi đầu vào tại các trường đào tạo cử nhân ngôn ngữ không quá khó khăn. ĐH Hà Nội hiện tuyển sinh 10 mã ngành ngôn ngữ với điểm sàn là 21 (ngoại ngữ nhân đôi), và ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) là 22 điểm (ngoại ngữ nhân đôi).
Các trường ĐH mở rộng cửa đón sinh viên theo học ngôn ngữ “hiếm”. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của PV tại các Cty chuyên “săn” đầu người, tình trạng khát lao động thành thạo tiếng hiếm ở tất cả các lĩnh vực vẫn tiếp diễn. Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, tính đến tháng 5 – 2011, trên cả nước có 5.272 hướng dẫn viên du lịch quốc tế có thẻ hành nghề. Trong đó chỉ có 171 HDV tiếng hiếm gồm Tây Ban Nha, Thái Lan, Italia, Lào, Bulgari, Indonesia, Rumani, Hungari...
“Cơ hội tìm việc làm tốt cho người học tiếng Bồ Đào Nha rất lớn. Ví như Tập đoàn Viettel mở thị trường sang Mô-dăm-bích nên cần lượng lớn nhân lực biết tiếng Bồ. Doanh nghiệp cũng thường xuyên nhờ khoa tiếng Bồ giới thiệu sinh viên, vì thế khoa sẽ tăng thêm 20 chỉ tiêu vào lớp chính quy”, cô Trần Hải Yến, giảng viên khoa Ngôn ngữ Bồ Đào Nha (ĐH Hà Nội) chia sẻ.
ThS. Phạm Văn Kim, Trưởng phòng Chính trị và công tác sinh viên, trường ĐH Ngoại Ngữ (ĐHQG Hà Nội) trong buổi trả lời trực tuyến tư vấn tuyển sinh ĐH 2012 cho biết: Trong bối cảnh hội nhập và mở cửa nền kinh tế, việc học tốt bất kỳ thứ tiếng nào đều có cơ hội để tìm kiếm việc làm. Theo ông Kim, sinh viên học tiếng Ả rập còn có cơ hội làm việc tại các cơ quan nhà nước như Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Quân đội.
Theo Tiền Phong

Sâm Ngọc Linh bị làm giả


Sâm Ngọc Linh bị làm giả
30/04/2012 3:42
Sâm Ngọc Linh là loại sâm rất quý hiếm bởi nhiều công dụng trong bồi bổ sức khỏe, chữa bệnh. Hiện 1 kg sâm Ngọc Linh loại trên 10 năm có giá gần cả trăm triệu đồng.
Một củ sâm Ngọc Linh giả - Ảnh: Trần Hiếu 
Chính vì giá trị kinh tế rất cao nên thời gian gần đây, loại sâm quý này bị làm giả, mà nhiều người cứ tưởng sâm thật, ào ào mua gửi biếu người thân hay mua dự phòng mà không hề biết mình đã bị cho ăn “quả đắng”.
Theo những tay buôn sâm có tiếng ở vùng bắc Tây nguyên, tại khu vực huyện Đắk Tô (Kon Tum) có những người buôn sâm luôn có sẵn nguồn sâm đáng ngờ. Chỉ những người rất rành trong nghề mới phân biệt được sâm giả, sâm thật. Và khi hỏi những tay buôn này, họ đều nói sâm được mua của những người đi đào về hoặc sâm trồng đem bán.
Chuyện phân biệt sâm Ngọc Linh giả, thật dĩ nhiên không dành cho tay mơ. Theo chị N., một người mua bán, làm rượu sâm Ngọc Linh có tiếng ở vùng bắc Tây nguyên, sâm giả thật ra là củ tam thất ngũ điệp, mọc nhiều ở vùng núi cao thuộc một số tỉnh phía bắc Việt Nam và vùng Vân Nam (Trung Quốc). Theo phân biệt bằng mắt thường thì lá củ tam thất nhọn hơn, lông tơ của lá cứng hơn, nhưng củ thì giống y sâm Ngọc Linh. Khi nấu nước uống, củ tam thất đắng nghét chứ không có vị đắng lẫn ngọt mát đặc trưng của sâm Ngọc Linh. Loại củ này chỉ có giá chừng vài trăm ngàn đồng/kg nhưng khi đội lốt sâm Ngọc Linh, giá lên đến vài chục triệu đồng/kg.
Điều đáng lo là công nghệ làm giả sâm Ngọc Linh ngày càng tinh vi. Những củ tam thất này được bơm chất kích thích trong quá trình trồng để lên mầm sớm, giúp vòng đời của cây nhanh hơn so với tự nhiên nhằm tạo nên những mắt giống củ sâm Ngọc Linh thật. Ngoài ra, vị đắng ngọt của sâm cũng được làm giả rất nguy hiểm bằng cách tẩm hóa chất vào củ tam thất hay tiêm chất bảo quản để giữ củ tươi lâu. Thực tế này đã khiến nhiều người dở khóc dở cười khi mua củ sâm cả kg làm quà biếu có giá trên một trăm triệu đồng, nhưng khi đem đến cho những người rành sâm mới ngã ngửa khi biết là đồ giả. Người bán đã lặn biệt tăm, để lại khổ chủ giận điên người.
Trần Hiếu (Thanh Niên)

Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

Phản giáo dục, phi thể thao


Phản giáo dục, phi thể thao
28/04/2012 3:46
Hằng năm, vào học kỳ 2, giáo viên thể dục các trường được giao nhiệm vụ thành lập và huấn luyện đội bóng để tham dự cuộc thi bóng đá dành cho học sinh do phòng giáo dục tổ chức.
Bí thư chi bộ, chủ tịch công đoàn, bí thư Đoàn trường đều yêu cầu hội phụ huynh học sinh ủng hộ kinh phí để nhà trường tham gia toàn bộ các hội thi, nếu không sẽ bị cắt thi đua. Hội nói đầu năm đến giờ đã chi tiền cho các cuộc thi nên thẳng thừng từ chối, nói để dành tiền cuối năm thưởng cho học sinh xuất sắc, tiên tiến... mong nhà trường thông cảm. Cuộc họp giải tán trong bế tắc nhưng hiệu trưởng thì cười. Ông nói “đã có cách”.
Hôm vào cuộc, đội bóng trường A. gặp đội bóng trường B. Trận đấu diễn ra rất “khó hiểu”. Cầu thủ đi bóng xuống đối diện cầu môn đội bạn. Rồi, một là đá ra ngoài, hai là đưa bóng cho hậu vệ đối phương, ba là dẫn bóng ngược về sân đội nhà, bốn là... lại đi bóng xuống cầu môn đội bạn. Và cứ thế. Đội nào quá nôn nóng... bại trận thì đá phản lưới nhà rất lộ liễu. Ngay lập tức, đội kia có pha chơi bóng bằng tay trong vùng cấm để “được” đối phương đá phạt đền. Với quyết tâm thua, có thủ môn đứng dang rộng hai chân cho bóng nhanh vào lưới.
Tất cả chỉ vì sợ... thắng. Vì nếu “lỡ” thắng, đội sẽ đi tiếp vào vòng trong. Rồi lại họp hành, giật gấu vá vai, thắt lưng buộc bụng, ngắt khoản này xén khoản kia để có tiền lên huyện đá tiếp. Có lần đội bóng nữ trận nào cũng thắng “oan”, vào đến chung kết rồi ôm luôn chức vô địch. Kết quả: được thưởng 300.000 đồng. Hậu quả: nợ 2 triệu!
“Tinh thần thể thao” như thế thường thấy đối với các trường nghèo, nhất là các trường miền núi, vùng sâu vùng xa.
Các phong trào trong học đường là cần thiết nhưng nên tập trung và gọn nhẹ. Đừng để hội phụ huynh ngán ngẩm hội thi. Và cũng đừng để trong nhà trường tồn tại... quan niệm “thao trường càng thua, nhà trường càng đỡ tốn”. Điều đó rất phi thể thao và phản giáo dục.
Trần Cao Duyên (Thanh Niên)
BẠN ĐỌC PHẢN HỒI - COMMENT (1)
Đàm Thị Xuân Uyên
Không chỉ là các giải phong trào trong ngành giáo dục mà các giải thể thao học đuờng khác, kể cả hội khỏe Phù Đổng các cấp chuyện tốn nhiều tiền và nhận thưởng không bao nhiêu cũng trở thành "chuyện thường ngày ở huyện". HS thi đấu, các em đều muốn thắng nhưng có nơi thì lo kinh phí, có nơi yêu cầu phụ huynh tự túc kinh phí. Vì thương con em mình nên nhiều phụ huynh đành chạy tiền để con em tiếp tục đi vào vòng trong. Tới lúc nhận giải, lãnh đạo yêu cầu phải chia tiền thưởng cho HLV, lãnh đạo đoàn,...Thế rồi tiền thưởng không còn bao nhiêu. Nhiều phụ huynh chua chát nói: "đổi vàng thật, lấy vàng giả". Mong rằng lãnh đạo các ngành thể thao, giáo dục nên nghiên cứu lại việc tổ chức các cuộc thi đấu để HS vừa nâng cao ý thức rèn luyện thân thể vừa tham gia thi đấu hết mình. Còn nếu không tổ chức đuợc thì thôi chứ đừng để hành vi phi thể thao phản giáo dục cứ tiếp tục năm này sang năm khác.