Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 16 tháng 6, 2011

Đột kích xóm 'sư giả'

Đột kích xóm 'sư giả'
08/06/2011 10:21 Nghệ Yên
Kích thước chữ: Description: Decrease fontDescription: Enlarge font

Cả xóm có khoảng 10 “sư”, họ là những người từ nơi khác tới đây trọ và hành nghề. Khi đi “làm ăn” khuôn mặt của các sư trông thật khổ hạnh và nghiêm trang, song khi về xóm trọ nhiều người không khác gì đàn anh, đàn chị với đủ món ăn chơi trên đời.
9 năm về trước, phong trào giả sư đi khất thực xin tiền, bán nhang hay quyên góp rộ lên. Tại khu phố 3 phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức nhanh chóng hình thành nên xóm sư giả và tồn tại đến giờ.

Giang hồ và cờ bạc

Người được xem là “ông tổ” sáng lập ra xóm giả sư đi khất thực là Tư Trầu. Theo như lời kể, Tư Trầu là người tu hành ở chùa dưới Đồng Nai. Năm 1992, ông rời bỏ nhà chùa về ngụ tại tổ 19, khu phố 3 hành nghề và thu nạp “đệ tử” gây dựng nên phong trào giả sư đi khất thực và bán nhang. Công việc làm ăn của Tư Trầu cùng các “đệ tử” ngày càng khấm khá, thấy vậy nhiều người xin gia nhập, tạo thành xóm giả sư đông đảo.

Năm 2000, Tư Trầu bị cơ quan công an bắt và khởi tố 3 năm tù về tội giả danh nhà chùa đi lừa đảo chiếm đoạt tài sản người khác. Sau khi ông bị bắt, hoạt động của xóm sư giả kín kẽ và ngày càng tinh vi hơn.

Chiều về, người dân quanh quán nhậu ông Hải trên con đường 16, khu phố 3 phường Hiệp Bình Chánh, ai cũng quá quen thuộc với hình ảnh ba vị sư (Huề, Thuận, Thắng) với cái đầu trọc vô tư ngồi chéo chân và cụng ly leng keng “giải mỏi” sau một ngày khất thực. Trong câu chuyện trên bàn nhậu của ba “sư”, mọi người có thể nghe các vị chia sẻ kinh nghiệm khi đi hành nghề. Làm thế nào để lấy lòng người nhanh nhất, cách đối phó với công an, cũng như kế hoạch tăng hai, tăng ba tiếp theo của các sư.

“Sư” cầm gạch tấn công, khi biết mình bị theo dõi.
Căn nhà 12/21 đường 16, khu phố 3, là địa điểm các sư trong xóm giả sư tập trung vào mỗi đêm để so tiền, đánh bài và nhậu nhẹt sau một ngày làm việc.
Căn nhà này là của ông Nghĩa cũng hành nghề giả sư. Ngôi nhà được ông Nghĩa mướn lại của một người dân cách đây 10 năm, là nơi sinh sống của vợ cùng hai đứa con ông cho tới nay.
Ông Nghĩa được mệnh danh là người ăn nên làm ra với nghề giả sư. Theo lời nhiều người dân sinh sống tại đây thì hiện tại ông Nghĩa đã mua được đất và chuẩn bị cất nhà tại Bình Dương.

Chúng tôi trong vai những người làm công quả từ quận 5 xuống kêu người lên làm việc cho nhà chùa có trả lương, chỗ ăn, chỗ ở đều miễn phí. Chị T. người bán quán nước đầu đường số 2 nói: "Ở đây nhiều “sư” lắm, nhưng đều là sư giả để đi lừa tiền không à, em mà kêu họ về coi chừng họ khiêng cả nhà chùa đi đó".

Khuôn mặt hoảng hốt của sư khi bị công an sờ gáy
Khi phát hiện chúng tôi đang theo dõi và chụp ảnh hoạt động của các sư, người phụ nữ mặc bộ đồ màu xám, mặt hung hăng vừa chửi bằng những lời lẽ vô văn hóa vừa lăm le trên tay viên gạch để tấn công. Lối sống giang hồ, ăn nói thô tục khiến người dân nơi gọi "các thầy" là “dân bảy búa”. Mới nghe hỏi về các “sư”, chị L. can ngăn: "Nhắc làm gì với những người này, coi chừng họ mang gạch, và những thứ bẩn thỉu quăng vô trong nhà lúc đêm khuya đó".

Vợ chồng ông Huề, bà Lan là những người nghiện đánh đề số một tại “xóm sư giả” này. Để có tiền chơi đề, hằng ngày cứ tờ mờ sáng hai vợ chồng dắt nhau đi khất thực xin tiền, được bao nhiêu về đốt hết vô những con đề may rủi. Chị K., hàng xóm ông Huề, nói: “Vợ chồng ổng có làm gì đâu, cứ đi xin tiền về đánh đề. Bà Lan thì mất rồi, còn ông Huề, nhưng ổng đang mắc bệnh HIV đó".

Cánh xe ôm, người bán nước tại khu phố 3 ai cũng biết đến danh Hùng (tức Hùng Đại Dương) một tay đánh bạc nổi tiếng tại đây. Sẵn có máu cờ bạc trong người, nhưng lười lao động, Hùng làm mọi cách để có tiền phục vụ các ván bài đỏ đen của mình, từ vay mượn cho đến giả làm sư đi khất thực xin tiền.

“Sư” giả hoành hành, xấu mặt sư thật

Chúng tôi theo chân công an phường Hiệp Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM bất ngờ kiểm tra và đưa về trụ sở làm việc hai đối tượng bị tình nghi là sư giả đang chờ xe buýt dưới chân cầu Bình Triệu. Khi vừa được yêu cầu về phường làm việc, các “sư” đều xưng là “sư cô” đi lên chùa làm công đức nên đi sớm.

Kiểm tra túi xách, phát hiện bộ quần áo cà sa, bát, điện thoại di động sang trọng và ví tiền đầy căng. Qua đấu tranh, hai đối tượng khai nhận tên là Tô Thị Nhân, SN 1963, ngụ tại thôn 2, xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa và Lưu Thị An, SN 1941, tạm trú tại 21B đường Kha Vạn Cân, Khu Phố 1, phường Hiệp Bình Chánh. Cả hai đều khai nhận hành nghề giả sư đi khất thực xin tiền.

Sư giả bị bắt lúc tờ mờ sáng
Thiếu tá Huỳnh Văn Dư – Trưởng Công an phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức nói: "Từ khi phát hiện nạn giả sư đang tồn tại trên địa bàn phường, chúng tôi đã ra quân xử lý để răn đe bằng các hình thức cảnh cáo đem ra kiểm điểm trước dân, tịch thu đồ nghề. Năm 2008 qua báo chí phản ánh chúng tôi đã phát hiện và đưa về trụ sở làm việc đối với 4 đối tượng giả sư trên địa bàn. Tuy nhiên cho đến nay, một số đối tượng vẫn còn lén lút hành nghề với hình thức ngày một tinh vi, cho nên rất khó để nhận biết.

Phần lớn những đối tượng này tạm trú ở phường và có giấy tờ hợp pháp. Tuy nhiên các đối tượng lại đi khất thực ở địa bàn khác nên việc phát hiện và xử lý là rất khó. Đối với những trường hợp này phải bắt tận tay mới có cơ sở xử phạt, do đó rất cần sự hợp tác thông tin từ phía người dân, cơ quan báo về hành tung hoạt động của sư giả. Người dân cần nâng cáo cảnh giác với nạn giả sư, không cho tiền, mua nhang từ thiện với những đối tượng này. Khi phát hiện sư giả đi khất thực trên địa bàn thành phố, người dân cần báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý.”

Đồ nghề của sư giả
Hòa thượng Thích Thiện Tánh, Phó Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP.HCM cho biết thêm: “Hội phật giáo TP.HCM cực kỳ phản đối nạn giả sư đi khất thực làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà chùa cũng như hội phật giáo. Hội cũng đề ra những biện pháp để hạn chế nạn giả sư đang hoạt động mạnh trở lại: Nói cho người phật tử biết đâu là sư thật và đâu là sư giả.

Phật tử muốn làm từ thiện thì nên tới chùa, hoặc tham gia quyên góp vào các tổ chức từ thiện, các chương trình vì người nghèo…. Tuyệt đối không cho tiền những người khất thực ngoài đường, làm như vậy là tạo cơ hội cho những kẻ lười lao động mượn danh nghĩa nhà chùa đi làm những chuyện trái với đạo lý nhà chùa. Hội giao cho 24 ban đại diện có trách nhiệm, nếu phát hiện những người mặc đồ tu hành đi khất thực trên đường thì báo cho công an nơi gần nhất xử lý”.
Theo: Bưu điện Việt Nam

KHÓI ẤM

KHÓI ẤM

Giá gas lên cao quá, cả nhà phải nấu than chen vào cho đỡ tiền. Một ngày, học trò đến nhà cô giáo, cùng ngồi quanh bếp than hồng rực. Nồi cơm đang sôi tỏa hương gạo mới lẫn trong mùi khói nồng nàn. Học trò bâng khuâng: “Cô làm em nhớ nhà quá. Nhớ những nồi bánh chưng cuối năm. Nhớ những củ khoai bùi ngậy vùi trong than. Sao lạ, chỉ có bếp lửa thế này mới tạo cảm giác gia đình cô ạ! Nấu bếp gas không bao giờ có cảm giác đó”.”.

Nghe trò nói, cô giật mình. Thì ra trong cuộc sống tối mắt tối mũi của trò vẫn còn những rung cảm lặng thầm, còn những hoài niệm xa xôi về một góc quê nghèo…Cô cũng vậy, thèm đun lại bếp than, bếp củi, để bâng khuâng nhìn khói bếp bay lên, mỏng mảnh từng sợi khói cột chặt ký ức tuổi thơ. Thèm nghe tiếng nổ lách tách của than, rồi ánh đỏ lan dần lan dần cho tới khi màu hồng rực soi vào đôi mắt. Đôi mắt đã nhìn đời mỏi mệt, chợt quay về ấm áp, đỡ nâng. Trong đêm chập choạng, màu than hồng càng vui tươi, nhảy nhót, kéo bao muộn phiền tan biến. Cô trò ngồi bệt xuống hàng hiên bên con hẻm của khu lao động, mà tưởng như đang vấn vít nơi góc cây rơm quê cũ, hay bên chái lá, bờ tre. Bếp lửa ấy, vùng quê ấy cứ theo cô mấy chục năm nay, giờ đến lượt trò nếm trải nỗi hoài hương xót ruột trong căn gác trọ chen chúc giữa lòng thành phố…

Mà thôi, sáng mai, bếp tàn, tro nguội, cô trò mình lại bắt đầu một ngày mới xông pha đi tìm miếng cơm manh áo. Tạm quên. Nhưng khi nào mệt mỏi, mình lại nhóm bếp, nhìn khói bay… Chợt thấy mình còn có một gia đình đã là hạnh phúc!
                                                                                                16-6-2011
                                                                                                DIỆU KIM 

Thứ Ba, 14 tháng 6, 2011

TÍN VIẾT- CHỜ MỘT CHỮ DUYÊN

          CHỜ MỘT CHỮ DUYÊN

-Cộc, cộc, cộc…
Tôi đang nằm trên căn gác nhỏ, cố gắng chợp mắt sau một ngày mệt mỏi. Nhưng sao đầu óc tôi cứ chờn vờn, không tài nào ngủ được. Mấy hôm nay, không hiểu sao tôi cảm thấy cuộc sống nặng nề quá. Từ nhà Cô về, tôi cố dắt xe vào lối đi chật chội của dãy phòng trọ, tôi nhận thấy phòng đầu tiên đang tụ tập ăn nhậu và hát karaoke ầm ĩ, một cảm giác khó chịu xâm chiếm tôi. Tôi dẫn xe vào phòng, cởi vội quần áo vứt lên ghế, khép hờ cửa, sau đó lê cái thân nặng như chì lên gác nằm.  Nghe tiếng gõ cửa tôi rên rỉ:
-Chắc là anh Chí phòng đầu qua rủ nhậu đây mà.
Nghĩ thế tôi nằm lì trên gác, không chịu bước xuống với ý nghĩ anh sẽ không làm phiền tôi nữa. Nhưng tôi chưa kịp mừng thì:
-Cộc, cộc, cộc…. Phòng này đi đâu cả rồi.
            Là giọng một người đàn ông. Tôi lồm cồm bò dậy, sắm bộ mặt hình sự chuẩn bị đón tiếp vị khách không mời dai dẳng. Nhưng khi tôi mở cửa ra, trước mặt tôi mà một người đàn ông trung niên, trên tay cầm túi gạo (chừng 2kg) dúi vào tay tôi. Tôi còn chưa hết ngạc nhiên và xấu hổ với ý nghĩ của mình thì người đàn ông nói:
            -Em cầm ít gạo để nấu cơm.
            -Thôi, em còn gạo mới gửi ở quê vô nhiều lắm. Tôi lí nhí đáp.
            -Không sao, em cứ cầm đi. Anh làm công quả mà. Anh trả lời.
Tôi đứng lặng người, quên cả cảm ơn anh. Anh vội bước đi, tôi đoán là anh qua xóm trọ khác để tiếp tục cho gạo những đứa sinh viên nghèo như tụi tôi.

Anh đi rồi, tôi ngồi thừ người ra. Một cảm giác rất lạ ùa về trong tôi. Ngày nay, trong cuộc sống quá xô bồ và nhiều bon chen, một lần nữa tôi lại gặp được một người có lòng tốt. Niềm tin đối với Phật giáo lại tăng lên một chút, một chút thôi nhưng cũng làm tôi cảm thấy ấm lòng. Tự dưng tôi thấy mình nhỏ bé quá, chưa làm được gì cho mọi người xung quanh, mà chỉ đem lại sự nặng nề cho những người mà mình thương yêu, trân trọng. Giờ đây tôi nhận ra rằng tại mình ôm đồm quá nhiều thứ, nó làm tôi cảm thấy nặng nề mà không thể nào giải quyết được. Tôi chợt nhớ đến bài học sáng nay Cô giảng và nghĩ con người mình giống như quả tên lửa vậy, muốn bay lên cao phải tự biết vứt bỏ gánh nặng không cần thiết.

Tôi thầm cảm ơn cuộc đời và nhân duyên đã đưa tôi đến với Phật pháp, có lẽ ở đời ngoài sự nỗ lực của bản thân còn cần đến một chữ duyên. Biết đâu Duyên của tôi chưa đến mà tôi cứ mãi đi tìm và vô tình tôi đẩy mình và những người xung quanh vào tình huống khó xử và biến mình trở thành gánh nặng tinh thần của người khác. Thôi tôi đành chờ Duyên gõ cửa vậy, biết đâu một ngày Duyên cũng đến gõ của phòng tôi đầy bất ngờ như người đàn ông đó. Và biết đâu tôi cũng sẽ nhận được một kết quả ngọt ngào như hôm nay. Bây giờ tôi phải đứng dậy vươn vai để rũ bỏ bớt gánh nặng vô hình đang đè trong tâm trí thôi.
Tôi tự nhủ mình cố gắng hết sức mình để sống cho thật tốt, hy vọng sẽ đem lại niềm vui cho bản thân và cho những người tôi thương yêu và trân trọng.
           



PHẢN HỒI BÀI CHÙA BÁI ĐÍNH NHẾCH NHÁC- phattuvietnam.net

PHẢN HỒI BÀI CHÙA BÁI ĐÍNH NHẾCH NHÁC

Đọc bài Chùa Bái Đính nhếch nhác vì du khách và hàng quán kinh doanh xô bồ xô bộn, rác thải ngập ngụa, lòng chợt buồn. Chúng ta thích những kỷ lục như “lớn nhất”, “đẹp nhất”, “hoành tráng nhất”…nên cứ đổ tiền xây dựng như thế. Còn chuyện giáo dục tâm linh, giáo dục đạo đức thì bỏ quên, thậm chí chẳng dám bỏ tiền để các đạo tràng đầu tư hoằng pháp hoặc sinh hoạt cho Phật tử. Bởi các chùa thường xây cất ở các vùng thiên nhiên tươi đẹp, nên người đi chùa đa số chỉ là hành hương, dạo chơi, xả stress hơn là biết tìm về cội nguồn tâm linh, biết tu học đúng nghĩa. Và người ta đã ứng xử với chùa đúng với trình độ giáo dục của họ.

Xây chùa rất dễ, vài năm đã có một ngôi tự viện bề thế, mau có thành tích. Nhưng xây người rất lâu và rất khó, ít ai kiên nhẫn, ít ai hy sinh thầm lặng cho công việc này. Hệ quả là ta có rất nhiều ngôi chùa bị nhếch nhác như vậy chứ không riêng gì Bái Đính. Phật giáo càng xấu đi trong mắt người ta, không hề tự hào chút nào.

Chợt nhớ những ngôi chùa nho nhỏ ở quê ngày xưa, người đi viếng chùa nói năng khẽ khàng, bước đi chậm rãi, thành kính hướng về Đức Phật, đắm mình trong làn hương trầm thoang thoảng và hương hoa dịu dàng nơi vườn chùa. Thế mới là thưởng thức, là quay về cội nguồn. Thời thế thay đổi, lòng người điên đảo hơn xưa, chùa to nhưng tâm hẹp lại, có khi lấy Phật để kinh doanh. Ta chỉ biết thở dài… (Diệu Kim)

Thứ Hai, 13 tháng 6, 2011

BÁO CÁO PHÁT CƠM CHAY TỪ THIỆN Lần 7 ngày 11-6 và 12-6-2011

BÁO CÁO PHÁT CƠM CHAY TỪ THIỆN
Lần 7 ngày 11-6 và 12-6-2011

1- Số tiền vận động 

Số TT
NGƯỜI THAM GIA
SỐ TIỀN
TỔNG CỘNG
TỒN QUỸ
5.355.000đ
1
Cô Anh Thy (bạn của Hà CtyKiết Tường)
1.000.000đ

2
Nhà thơ Thu Nguyệt
1.000.000đ

4
Dì Lệ (Cái tàu Hạ-Đồng Tháp)
100.000đ

5
Cậu Danh (Cái tàu Hạ-Đồng Tháp)
100.000đ

6
Nhi (lớn)
50.000đ
7.555.000đ

Dì Út hàng xóm
5 lít nước tương


CHI PHÍ

2.855.000đ

SỐ SUẤT
455 suất
+85 phần thức ăn
Tương đương 500 suất


TỒN QUỸ

4.700.000đ
ĐÁM GIỖ BÀ NGOẠI CÔ KIM
Cô Loan góp 1.000.000đ
Cậu Hiệp dì Linh 500.000đ
Cô Nhung 200.000đ
Cô Kim 200.000đ

300 suất
1.900.000đ


2-Thành viên tham gia:

1-Cô Kim    2-Rani      3-Nương    4- Hiền    5-Vỹ      6-Tín    7-Nhung (cao)
8-Nhật Kiên 9-Tuấn (Đồng Tháp)  10-bà Sáu (hàng xóm) 11-bác Năm (hàng xóm)
12-chị Diễm (hàng xóm)  13-Hoa    14-Vy  15-Tuyết    16-Đoàn  17-Tin   18-Nhi nhỏ
19-Thảo lì  20-Vinh  21-Ánh  22-Tèo  23-Dì Linh, Nghé  24-Nghĩa  25-Diệp Thảo
26-Tuấn   27-Nhung

Nhiều bạn bận học và thi, nhưng cũng kiên quyết có mặt dù chỉ một buổi. Làm ít hay nhiều không quan trọng, mà quan trọng là niềm vui cộng đồng, được đóng góp với mọi người.

3-Nội dung diễn biến

*Thực đơn: Cơm dương châu, Cơm trắng tôm kho tàu
Món cơm luôn vất vả vì chúng ta không đủ nồi để nấu, phải xoay sở cho kịp thời gian. Cô Kim vừa mua thêm 2 nồi gang để nấu cơm bằng than, nhưng chưa quen kỹ thuật nên nồi nào cũng bị sống cơm, phải hấp lại rất lâu. Xui nữa, là ngày thứ bảy bị cúp điện, nồi điện bị vô hiệu hóa, phải tận dụng 2 nồi gang. May là đêm thứ sáu đã nấu 300 suất để sáng chiên lại thành món cơm dương châu, nên chúng ta không bị động. Trời rất nóng bức, các bạn vừa làm vừa quạt, thấy mà thương. Rốt cuộc vẫn bảo đảm số lượng.
Tổng cộng 455 suất và 85 phần thức ăn chay, coi như tương đương 500 suất.

* Ngày chúa nhật 12-6 là đám giỗ bà ngoại cô Kim. Năm nay, đổi mới tư duy, không nấu nướng mời khách tại nhà như trước nữa, mà phát tâm nấu 300 suất cơm chay phát cho bà con khu phố cùng ăn, coi như cả xóm ăn giỗ. Như vậy, lợi cả 3 bên. Thứ nhất, hồi hướng công đức cho người quá cố được siêu thoát. Thứ hai, cả xóm ăn chay, bớt sát sanh, đỡ tốn tiền. Thứ ba, người cho cũng có phước.

Cả xóm rất hoan hỷ khi ăn chay. Món tôm chay kho tàu màu đỏ tươi trông rất ngon mắt, và vị nước dừa cũng rất ngon miệng. Nhiều người nương theo đó mà sinh khởi lòng từ bi, lòng bố thí, góp tay ủng hộ công sức và hiện vật. Có người tuy chưa đủ điều kiện làm, nhưng cũng phát tâm muốn làm, như vậy họ đã có chủng tử thiện, một ngày nào đó họ sẽ làm được. Vui nhất là mấy em thanh niên ngày thường phá phách, nhuộm tóc, xăm mình, nhưng vẫn tới lấy cơm chay ăn ngon lành. Chúng ta gieo những hạt giống bồ đề, hy vọng ngày nào đó, hoặc kiếp nào đó sẽ lớn thành cây, thành quả. Một bữa cơm không chỉ đơn thuần là nuôi thân thể mà còn có thể nuôi dưỡng tâm lành. Cho nên, chúng ta làm cực nhưng lòng thật vui.