Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

Nhìn lại nhân sự GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VN sau Đại hội VII


Nhìn lại nhân sự GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VN sau Đại hội VII
26/11/2012  Thích Thanh Thắng
Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức được Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VII đúng như lịch trình. Đại hội được xem là "thành công" ở mức bình thường so với 6 nhiệm kỳ đã qua. Bởi hình thức trang trí, kèm theo những màn chào mừng văn nghệ, thuyết giảng, triển lãm, nghi thức đón rước, suy tôn diễn ra trong vòng 96 giờ đồng hồ ấy, dù có phần màu sắc hơn, nhưng chưa nói lên được những tin tưởng, lạc quan cho một nhiệm kỳ mới (5 năm) với nhiều những thách thức đang đón chào Giáo hội ở phía trước.
Sửa chữa những thiếu sót của nhiệm kỳ trước, hình thức suy tôn Đức Pháp chủ đã diễn ra xúc động qua lời huấn thị của Đức Pháp chủ. Hòa thượng Thích Đức Nghiệp đã chuyển được tinh thần và phần hồn của lời huấn thị ấy qua giọng đọc xuất thần của mình. Chắc chắn Tăng Ni, Phật tử sẽ ghi nhớ mãi điều này.
Tuy nhiên, theo Hiến chương Giáo hội, Đức Pháp Chủ sẽ tại vị trọn đời, nên đúng ra không cần phải diễn lại hình thức suy tôn sau mỗi nhiệm kỳ, mà Ngài chỉ cần xuất hiện trong những thời khắc quan trọng của Đại hội để ban đạo từ, gửi thông điệp là đủ.
Đáng nói, thu hút sự chú ý của đa số Tăng Ni, Phật tử không phải ở những hình thức trang hoàng kia, mà là sự vắng mặt của ngài Chủ tịch HĐTS và ngài Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Trưởng ban Tăng sự Trung ương.
Sự vắng mặt ấy trở nên không bình thường và đó cũng là điểm không thành công nhất của Đại hội nhiệm kỳ VII. Bởi chưa có một kỳ đại hội nào mà hai chức danh quan trọng nhất trong HĐTS lại vắng mặt. Như vậy có khác gì một đoàn tàu đang chạy mà không có đầu tàu kéo. Sự vắng mặt này chỉ ra những khủng hoảng, yếu kém trong công tác nhân sự của Giáo hội, và cho thấy sự lo lắng, thiếu tự tin của một nhóm lợi ích khi cố bảo vệ quan điểm "lưu nhiệm" trước thực tiễn Hiến chương đã được tu chỉnh về quy định tuổi tác, nhiệm kỳ, kiêm nhiệm...
Những chia rẽ, đổi thay nhân sự tại các đại hội tỉnh thành vừa qua, phần nào minh chứng cho sự bất ổn trong khâu quy hoạch nhân sự, tạo tiền đề cho việc "chạy chức, chạy quyền" một cách lộ liễu. Chưa bao giờ màn "chạy" nhân sự lại ồn ào và tạo ra nhiều dư luận trái chiều như nhiệm kỳ này. Rõ ràng, như chúng tôi từng phân tích, sự thiếu vắng một người "cầm trịch" như Hòa thượng Thích Thanh Tứ đã bộc lộ những khoảng trống quyền lực (sự quyết đoán) chưa thể lấp đầy. Chủ đề "Ổn định - Kế thừa - Phát triển" đã tự bộc lộ những khủng hoảng, mà nhẽ ra trong xu thế chung nó đang cần sự hy sinh lợi ích cá nhân, đột phá mạnh mẽ, để không lỗi nhịp với bước đi thời đại.
Vẫn chưa có những tìm hiểu, đánh giá độc lập của các các cơ quan chức năng quản lý tôn giáo, cũng như Ban Tăng sự Giáo hội đối với hiện trạng phân chia ghế, phân chia lãnh địa, đi kèm theo các quyền lợi khác nhau như đã và đang diễn ra. Tình trạng cơ cấu nhân sự theo phân phối "đệ tử ruột", "đệ tử y chỉ", "cơ cánh" đang tạo ra sự ảo tưởng về quyền lợi cho các thế hệ đi sau, không hoàn toàn độc lập, khách quan và dân chủ. Từ đó, dẫn đến hình thành thói quen chạy chức, chịu chung chi, bao cấp để lấy lòng cấp trên...
Hình thức "công cử" núp dưới uy quyền của một vài cá nhân trong Giáo hội không giúp giải quyết được điều gì cho cái gọi là "ổn định", "kế thừa" và "phát triển" ấy.
Hệ quả nhãn tiền là đại biểu đã bị tước mất quyền biểu quyết ngay trong Đại hội. Dẫu biết rằng, dù có giơ tay biểu quyết thì nhân sự cũng đã được ấn định, chẳng thay đổi được gì, nhưng bao giờ hình thức cũng phản ánh một nội dung nào đó. Sự tôn trọng tối thiểu dành cho đại biểu là điều không được phép quên trong bất kỳ đại hội nào.
Chính vì sự vắng mặt của nhị vị đứng đầu HĐTS mà nhân sự được rút ra ném vào một cách tùy tiện, cảm tính cho đến giờ phút cuối. Nhưng người ta vẫn không khỏi nghi ngại, liệu các ngài hiện diện thì có thay đổi được điều đó không? Chức vụ là trách nhiệm để phục vụ Giáo hội, Tăng Ni, Phật tử và phụng sự đạo pháp, dân tộc, chứ không phải chạy cho bằng được nó để dọa nạt, hơn thua với nhau.
Cá nhân tôi rất ấn tượng với Thượng tọa Thích Thanh Quyết (dù chưa một lần giáp mặt), bởi Thượng tọa đã chiến thắng chính mình khi dũng cảm gửi lá thư sám hối tới Thường trực HĐTS. Xét dưới khía cạnh cơ cấu, giới thiệu và sắp đặt nhân sự (dù có sự can thiệp từ bên ngoài hay bên trong) thì Giáo hội, nếu vì lợi ích chung, cần phải nhanh trí xứ lý lá thư sám hối ấy, bằng cách áp dụng nguyên tắc nâng đỡ "Win-Win" (cả hai cùng thắng).
Bởi ngay từ khi bắt đầu cuộc vận hành, Giáo hội chúng ta đã "sắp đặt" chỗ ngồi cho chính quyền trong bất cứ cuộc họp nào của Giáo hội. Đó vừa là sự tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau, vừa là sự thống nhất về tổ chức và chỉ đạo (dù còn có những ý kiến khác).
Đáng tiếc, cái cơ chế "cùng tham dự" ấy chưa phải là một quy hoạch chiến lược thực thụ từ cả phía Chính quyền lẫn Giáo hội, nên dẫn đến tình trạng trống đánh xuôi kèn thì thổi ngược trong cơ cấu nhân sự như vừa qua. Và như vậy, trong những đại hội tiếp theo, thế hệ đi sau có nguy cơ đi vào vết xe đổ của màn kịch hậu trường nhân sự ấy.
Nếu đã khẳng định vai trò quyết định thuộc về Giáo hội (Tăng già), thì khâu tổ chức nhân sự không cho phép tự ý chia ghế, đưa người thân của mình vào núp dưới danh nghĩa "công cử" theo cảm tính (yêu ghét) của một vài lãnh đạo có chức vị cao trong Giáo hội.
Khi Giáo hội không có toàn quyền tự chủ và Tăng Ni, Phật tử không được bầu trực tiếp lãnh đạo của mình, thì việc đề cao truyền thống sơn môn và hình thành cơ chế ràng buộc nhau trong tổ chức Phật giáo sẽ tránh được tình trạng tha hóa, độc tài về mặt quyền lực. Vì thực tế, bất kỳ cuộc "đấu ghế" nào, nếu không áp dụng nguyên tắc "cả hai cùng thắng" (lợi hòa đồng quân) thì sẽ dẫn đến chia rẽ, mất đoàn kết, không thể dung nhau, để lại những tổn thương trầm trọng cho tổ chức Giáo hội.
Về nhân sự, nếu đã đi theo nguyên tắc đúng nghĩa công cử thì phải do ban, ngành, viện, và ban trị sự tỉnh thành giới thiệu. Vì chính họ mới biết ai là người làm việc được, ai là người hữu danh vô thực. Đương nhiên, ở chừng mực nào đó, việc công cử lãnh đạo không thể bỏ qua vai trò tham mưu từ phía chính quyền. Tuy nhiên, tổ chức nhân sự đại hội VII diễn ra tùy tiện khi đã tổ chức đại hội được 2 ngày rồi mà nhân sự cả ủy viên chính thức lẫn dự khuyết vẫn được luồn vào một cách vô tổ chức, không theo nguyên tắc nào cả.
Nếu nhìn nhận sự "đề bạt" nào đó cho Thượng tọa Thích Thanh Quyết, hay bất kỳ Thượng tọa trẻ tuổi nào khác vào chức Phó Chủ tịch HĐTS, là sự "can thiệp vào nội bộ" Giáo hội, thì đó chỉ là một góc nhìn khác. Bởi trở về với Đại hội VI, với 3 chức vụ Phó Chủ tịch HĐTS được trao (thực chất cũng là "đề bạt") cho hàng Thượng tọa (nay đều đã được tấn phong Hòa thượng), thì ở khóa VII này, lại không có một vị Thượng tọa nào đứng vào chức vụ đó để chứng minh cho những tuyên bố ủng hộ "tre già măng mọc", trẻ hóa nhân sự...
Như vậy, cùng một vấn đề như nhau, nhưng hai kỳ đại hội lại gửi đến đại biểu hai thông điệp vừa rất bình thường, vừa rất bất thường. Đâu là nguyên nhân, đâu là hệ quả? Không thể bỏ qua khái niệm "lợi ích nhóm" trong cuộc vận động hành lang để "đấu ghế" này. Tăng Ni, Phật tử chỉ mong có một lãnh đạo có tầm nhìn, độ lượng hơn người, bỏ qua mọi mâu thuẫn để điều hòa lợi ích trong bộ máy Giáo hội.
Bởi thực tế, trong khi ai đó quyết liệt tạo dư luận tiêu cực nhằm xúi giục, kích động để gạt Thượng tọa Thích Thanh Quyết ra khỏi cơ cấu nhân sự lãnh đạo Giáo hội, thì có không ít ủy viên HĐTS và Ủy viên dự khuyết lại được đưa vào, gạt ra một cách tùy tiện. Đây là một mâu thuẫn trong ứng xử.
Gặp gỡ các đại biểu tỉnh thành, ai cũng có thể hình dung, trước đó đã xuất hiện sự can thiệp của một số nhân vật có tiền và có quyền trong Giáo hội, nhằm chi phối nhân sự ở nhiều tỉnh thành, gây nên những sóng gió mất đoàn kết, phá hỏng sự "ổn định" sinh hoạt tại các địa phương, tạo hiệu ứng bất mãn dây chuyền. Trong khi chiến lược phát triển của Giáo hội nhẽ ra phải bắt đầu ổn định từ cấp cơ sở, nhằm củng cố niềm tin của Tăng Ni, Phật tử.
Rõ ràng sự yếu kém trong điều hành, quản lý của Trưởng ban Tăng sự và cả bộ máy của ban này đã dẫn đến hiện trạng và hệ quả lạm quyền, làm trái chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong khâu tổ chức nhân sự như vừa qua.
Nếu Ban thường trực HĐTS bình tĩnh, vì lợi ích chung công cử Hòa thượng Thích Trí Quảng vào chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS (thậm chí chức vụ Chủ tịch Hội đồng Trị sự, và theo đó HT. Thích Thiện Nhơn vào vị trí Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS), kiêm Trưởng ban Tăng sự và một vị Thượng tọa nào đó vào chức vụ Phó Chủ tịch HĐTS thay chức vụ của Hòa thượng Thích Trí Quảng, thì đó mới là hành vi có trách nhiệm đối với tương lai của Giáo hội, vừa không làm nản lòng Tăng Ni, Phật tử, vừa điều hòa mâu thuẫn, tạo ra nhiều khởi sắc, sinh khí, cũng như tiếng nói khác trong Giáo hội.
Thực sự, chúng tôi vẫn chưa nhìn thấy người biết hy sinh lợi ích cá nhân của mình cho điều đó, mà chỉ nhìn ra sự trả đũa và hỉ hả vặt vãnh.
Khi lĩnh vực nhân sự rơi vào sự điều khiển của những người không nằm trong Ban Tăng sự thì điều gì sẽ xảy ra? Còn rất nhiều vấn đề cấp bách mà Giáo hội cần phải giải quyết, trong khi một số nhân vật "nguy hiểm" (có thể điểm mặt, đặt tên) lại can thiệp vào nhân sự của nhiều tỉnh thành, sắp đặt gây rối, dẫn Giáo hội đi vào tình trạng bè phái...
Nếu không kịp thời điều chỉnh, thì sẽ tạo ra sự bất ổn lâu dài, mất rất nhiều thời gian để sửa chữa. Do đó, cần phải thẳng thắn đặt ra vấn đề tham nhũng, lạm quyền, thao túng chức vụ trong tổ chức Giáo hội.
Đại hội kỳ này là thời cơ lớn để thay đổi nhân sự và áp dụng Hiến chương đã được tu chỉnh, đặc biệt là việc quy định tuổi tác, nhiệm kỳ, kiêm nhiệm, tạo ra một bước ngoặt mới cho sự phát triển của Giáo hội.
Nhưng với những gì Đại hội VII vừa trình diễn, tại sao Tăng Ni, Phật tử Việt Nam không cho phép mình được đặt ra câu hỏi: Giáo hội này của ai, do ai và vì ai?
Phản hồi
Danh Hải 26/11/2012 
Chắc chắn tác giả bài viết có nhiều thông tin hơn những người ngoài như chúng tôi.
Nhưng thực sự, nhìn vào việc chức danh Chủ tịch HĐTS được giữ suốt gần 30 năm cho một Đại lão HT đã gần trăm tuổi, và vị Phó CT Thường trực hơn 90 tuổi, mà cả hai đều không có mặt với lý do rất rõ ràng là "tuổi cao sức yếu" thì quả là đáng lo ngại. Nhị vị Đại lão HT tuổi cao sức yếu đến mức không thể tham dự đại hội thì có đủ sức điều hành Phật sự toàn quốc trong giai đoạn biến chuyển chóng mặt của xã hội ngày nay không?
Lại càng thấm thía đạo từ của Cụ Pháp Chủ: "không ngụy biện với tinh thần tùy duyên nhưng bất biến, bất biến tùy duyên" !
tiếng nói của Tăng già 26/11/2012 
Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm của bài viết này, tôi rất buồn với một số cá nhân lạm quyền, chia rẽ, bè phái, gây mất đoàn kết.
Tâm Tín 26/11/2012 
Cảm ơn tác giả Thích Thanh Thắng đã viết bài này, Tôi hoàn toàn nhất trí cao với nội dung bài viết, đã phản ảnh trung thực sâu sắc nổi niềm chung của những người Phật tử đang ưu tư về vận mệnh đạo Pháp. Tôi theo dõi trước-trong-sau Đại hội này, rất nhiều người đều nhận định như thế! Thật đúng, "năm năm trước thì ta không nói, năm năm sau nói cũng như không. Đạo Đời mua bán lợi danh, thêm năm năm nữa cạnh tranh hơn nhiều".
Hai Ho 26/11/2012 
bầu cử có ứng cử, có tranh cử mới rõ tâm huyết phấn đấu vì một mục đích chung . Sắp xếp, ổn định rồi đưa ra biểu quyế`t rối thì đó là một BTS mới, nhiệm kỳ mới. Những điệp khúc nghe hoài
NGUYENDAO 27/11/2012 
Nếu quả thật đúng như phản ảnh của bài viết là một nỗi ưu tư rất lớn đối với tiền đồ của PGVN cho những bậc tu hành chân chánh.
Lê Phan 27/11/2012 
Tôi hết sức hài lòng bài viết trên của tác giả, đã nêu bật được những gì mà Tăng , Ni và Phật tử lâu nay nóng lòng trông chờ. Cũng mong sao Giáo hội có những chuyển biến mạnh mẽ thích hợp về nhân sự để tương lai Phật giáo nước nhà khởi sắc hơn.
Mộng Du 27/11/2012 
Mô Phật. Rất cảm ơn bài viết. Cảm ơn trên hai khía cạnh.
Thứ nhất, tác giả phần nào đã nói lên và nói thay cho bao nhiêu cái mà nhiều người thấy, và thấy rất rõ tình trạng lũng đoạn trong đoàn thể Tăng già nói riêng, Giáo hội nói chung.
Thứ hai, tác giả đã nhìn giùm và nhìn giùm một cách chính xác mục phiêu, chứ không phải mục tiêu, phía trước mà thế hệ sau không biết nhìn trên, ngó xuống để xác định tương lai VỊ ĐẠO nằm trên chỗ nào, để từ đó thấy được ý nghĩa đích thực của việc PHỤNG ĐẠO.
Cám ơn như thế rồi, bản thân tôi, thông qua việc đọc tài liệu của các bậc tiền bối, cụ thể là tác phẩm 'năm mươi năm chấn hưng Phật giáo" của ngài Thiện Hoa và tác phẩm "Tăng già Việt Nam" của ngài Trí Quang. Cả hai, đều nói đến tình trạng Phật giáo của giai đoạn trước Chấn Hưng, mà tôi thấy bây giờ, Phật giáo chúng ta có nguy cơ lập lại.
Ngài Thiện Hoa có kể rằng, Vì muốn tìm tiếng nói chung, sau nhiều lần vận động không xong, mà ngài Khánh Hòa phải phương tiện thi thiết trai tăng để cung thỉnh chư Tăng về tại một trú xứ, Ngài đảnh lễ từng vị một để cầu thỉnh tiếng nói chung trong việc chấn hưng Phật giáo, nhưng cũng không được. Ngài có than rằng "không có gì khó khăn và nguy hại cho tiền đồ Phật giáo bằng ý thức vị kỷ, cá nhân"
Còn ngài Trí Quang lại luôn cảnh giác rằng, các vị Tiền bối Tiên giác thành lập và nổ lực thành lập ngôi nhà Phật giáo là để hoằng dương Đạo Cả, thế mà ngày nay có kẻ lại muốn xử dụng ngôi nhà ấy để che mát, để trú mưa cho cá nhân.
Tôi rút đại ý trong Tâm ảnh lục của ngài Trí Quang, vì đã cho mượn nên không trích nguyên văn được.
Ấy là giai đoạn Phật giáo đang suy đồi của những năm đầu thế kỷ hai mươi, thế mà hôm nay, chúng ta lại thấy giống như đang nói với thế hệ chúng ta vậy.
Còn đây nữa, cái đoạn quan trọng này đây, xin trích nguyên văn một đoạn trong "Tăng già Việt Nam":
"Hiện giờ có những kẻ nghĩ rằng phải dựa theo thời cục mới làm việc Đạo được, lại có những kẻ khác sợ hãi thời cục mà rút co vào vỏ ốc. Làm hay không làm, họ đều thiếu một đường lối xa và rộng. Họ khác nhau trong ý nghĩ nhưng đồng nhau ở chỗ thiếu tinh thần VÔ ÚY VỊ ĐẠO. Dựa theo thời cục mà làm, hay sợ hãi thời cục mà không, cả hai đều hại Đạo pháp: một bên nông nổi, một bên trở ngại, như thế không làm sao thống nhất Phật giáo được
Phương tiện cần thiết vô cùng ... nhưng dùng nó một cách vô ý thức, hay không dùng nó một cách có ý thức, tất nhiên đều làm tan rã nền Phật giáo thống nhất ấy….Tất cả Phật tử phải có tinh thần VÔ ÚY VỊ ĐẠO để mà dũng mãnh làm những việc lợi ích thiết thực, cũng như cương nghị không làm những việc tai hại sâu xa cho Đạo pháp Vô thượng"
Có phải vì thiếu đường lối xa và rộng, mà chúng ta nghe Ôn Pháp Chủ nhận xét rằng:
“Lỗi hơn cả là nhiều khi còn chạy theo hình thức bề ngoài, hình thức thế gian mà quên đi phương tiện đặc thù và mục đích cứu cánh. Cho nên, làm nhiều mà kết quả chẳng được bao nhiêu.”
Cầu nguyện cho......? trong hiện tại gieo nhân để trong tương lai, người có trách nhiệm với Giáo hội thì hãy nên kết hợp làm Đạo, chứ đừng kết hợp theo kiểu làm Ăn
Cư sỹ Hà Nội 27/11/2012 
Cảm ơn Thầy đã nghĩ thẳng, viết thật, chúng con ở Hà Nội, ở gần Giáo hội, tiếp xúc và thu nhận nhiều nguồn thông tin... Và chúng con nhớ Phật lắm ạ!
Chúng con cũng đã được nghe Pháp chủ ban lời rồi ạ. Các Ngài cao tăng Hòa thượng biết cả đấy, nhưng các Ngài im lặng. Có lẽ bậc Thánh xử trí kiểu bậc Thánh mà chúng con chưa hiểu được ạ.
chan 27/11/2012 
- Hiến chương mới: lãnh đạo tối cao không tuân thủ thì ai tuân thủ?
- Cụ HT.Thích Trí Quảng (Tp.HCM), một nhân vật sáng giá của giáo hội và của đa số Tăng, Ni, Phật tử trong nước và ngoài nước lại phải “ngồi yên”. Chư tôn đức ba miền đã mất thời gian suy nghĩ và tranh luận quá nhiều…
Phật tử miền Nam 27/11/2012 
Tôi hoàn toàn đồng ý với bài viết trên, bộ máy vận hạnh giáo hội Phật Giáo khác với bộ máy vận hành của một tổ chức thế gian là "thanh tịnh hóa". Bản chất của Đạo Phật là thanh tịnh, giải thoát, thì tất cả hơn thua, quyền lợi, danh vọng không nên tồn tại trong Giáo Hội.
Ba bất cập tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VII
27/11/2012  Cư sĩ Lê Minh
Tôi rất tâm đắc với bài viết của Đại đức Thích Thanh Thắng với tiêu đề “Nhìn lại nhân sự Đại hội VII”. Bài viết đã nên lên khá đầy đủ các thông tin liên quan đến công tác nhân sự diễn ra trước và trong khi Đại hội, kể cả những thông tin phòng họp và chỉ có những người được họp mới biết.
Chắc hẳn Đại đức có những thông tin căn bản chính xác và đáng tin cậy, thông qua đó để cho những ai quan tâm có đánh giá khách quan và công bằng cho tất cả những người liên quan.
Nếu là những người Phật tử bình thường hay là những đại biểu bình thường ngồi tham dự và vỗ tay chúc mừng, không bận tâm để ý đến những vấn đề trước, trong khi diễn ra Đại hội thì chắc sẽ có cảm nhận Đại hội thành công tốt đẹp hơn các kỳ trước, vì cờ hoa trang trí lộng lẫy gây ấn tượng cho người đi đường quanh khu vực diễn ra Đại hội. Rồi bố trí hội trường phụ để giúp Tăng ni, Phật tử không phải là Đại biểu chính thức có chỗ ngồi dự thông qua màn hình lớn, để cộng thêm tiếng vỗ tay chúc mừng cho Đại hội.
Hoặc là 3 đêm văn nghệ với với đầu tư công phu về con người và thiết bị để giàn dựng chương trình thu hút hàng ngàn Phật tử, hoặc là nghi thức lễ rước cung nghênh chư tôn đức từ Trụ sở trung ương – chùa Quán Sứ đến Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Hà Nội cũng như kịch bản suy tôn ngôi vị Pháp chủ…
Những việc đó là hình thức và dễ bắt mắt với những Phật tử tâm tím Tam Bảo và chắc chắn coi đó là thành công của Đại hội. Song với tôi và với tất cả những người quan tâm đến tiền đồ Phật pháp, cũng như lãnh đạo các cơ quan liên quan đang ngày đêm tìm mọi cách để hộ trì cho Phật pháp xương minh, Tăng già đoàn kết, hòa hợp, phân ngôi bổ xứ theo khả năng của từng người theo đúng nghĩa, chắc chắn sẽ đánh giá là Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc kỳ VII là Đại hội còn có bất cập.
1. Chúng ta xem lại nội dung Hiến chương quy định tại điều 31: Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm 5 năm hoạt động Phật sự của Giáo hội; ấn định chương trình hoạt động Phật sự 5 năm tới; suy cử Hội đồng Trị sự và sửa đổi, thông qua Hiến chương. Đây là Phật sự quan trọng nhất của Đại hội, nhưng lại không được quan tâm đúng mức.
Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc là cơ quan lãnh đạo nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có quyền thảo luận, thông qua các nội dung và chương trình nghị sự của Đại hội. Đại biểu tham dự Đại hội có quyền được đề cử, suy cử vào các cấp Giáo hội, có quyền thảo luận và biểu quyết công việc của Giáo hội.
Tuy nhiên, tại Đại hội VII, Chủ tọa đoàn đã không chú trọng đến quyền của một cơ quan lãnh đạo cao nhất của Giáo hội và của các Đại biểu.
Chủ tọa đoàn cử người đọc báo cáo tổng kết nhiệm kỳ qua, đọc dự kiến chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ tới, đọc sửa đổi Hiến chương, đọc danh sách nhân sự, đọc nghị quyết,… tất cả các nội dung khi kết thúc, Chủ tọa chỉ nói một lời “đề nghị cho tràng vỗ tay” và Đại biểu cũng vỗ tay và nếu không vỗ tay hoặc muốn có ý kiến thì cũng không ai cho ý kiến, nếu tự nhiên có ý kiến mà không được Chủ tọa đồng ý thì phạm Nội quy Đại hội.
Đây là bất cập đầu tiên và cơ bản nhất của Đại hội và lại diễn ra ngay nơi cơ quan lãnh đạo cao nhất của Giáo hội – “Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc.”
2. Đề án và quy trình làm nhân sự không tuân theo một trật tự, quy trình nào, dẫn đến những “chạy chức”, “chạy quyền”, “tạo vây cánh”, “lợi ích nhóm” là những từ ngữ được đại biểu thì thầm nhiều nhất bên lề Đại hội.
Hiến chương quy định rất rõ: thành phần nhân sự của GHPGVN là những Tăng ni, Cư sỹ Phật tử có năng lực, đạo hạnh và tiêu biểu của các tổ chức, hệ phái Phật giáo Việt Nam, có công đức với đạo pháp, dân tộc và trung thành với Tổ quốc.
Nhìn vào nhân sự Đại hội VII vừa được suy cử thì thấy rằng hầu hết các chức vụ chủ chốt đều là bậc Hòa thượng, tính bình quân là trên 70 tuổi và tái cử. Đạo hạnh cao nhưng tuổi cao sức yếu thì làm sao đủ sức cầm sào chèo lái con thuyền Phật giáo, và như vậy sẽ dễ bị cấp dưới lướt mặt và dựa đó để làm những điều càn quấy, lợi ích riêng tư.
Một số vị chủ chốt ở một vị trí quá lâu, nhưng lại không phát huy được năng lực của mình, cùng lắm cả nhiệm kỳ tổ chức được một hoặc hai lần hội thảo chuyên đề thì làm sao mà thúc đẩy được Phật sự cả nước với tư cách là tham mưu và quản lý lĩnh vực cho các địa phương.
Đạo hạnh của một số vị trí cũng cần phải xem xét cụ thể đến từng người một cách công khai. Do Giáo hội không có kênh thông tin và quản lý nhân sự sâu sát như các cơ quan Đảng, Nhà nước và Mặt trận nên sự nắm bắt tư cách công dân của các cơ quan chức năng hỗ trợ thông tin là hết sức cần thiết đối với nhân sự lãnh đạo các cấp giáo hội.
Một vài vị chức sắc giáo phẩm cũng có những biểu hiện xa rời giới luật, có vấn đề về quan hệ cá nhân, bằng cấp, học vị, rồi phe cánh, lợi ích nhóm, thao túng… cũng không được mổ xẻ. Thậm chí, có vị còn chia rẽ quan hệ giữa Phật giáo với Nhà nước…
Trong khi đó, nhân sự trong hàng lãnh đạo Giáo hội phải là những người có công đức với đạo pháp và dân tộc, trung thành với Tổ quốc.
Những vấn đề về nhân sự Đại hội kỳ VII đã bộc lộ những yếu kém và bất cập của Giáo hội và Giáo hội đang vận hành theo một vài người có tiền của cả trong đạo và ngoài đời, và thậm chí sẵn sàng sử dụng những việc làm trong bóng tối, mượn tay người khác trong thế giới mạng để hạ uy tín của nhau (Như Đại đức Thích Thanh Thắng đã đề cập). Và đây là bất cập thứ hai của Đại hội.
3. Có vẻ như một vài cá nhân đã làm giảm sút lòng tin của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận cũng như của quần chúng nhân dân đối với Giáo hội. Theo thông lệ, sau khi kết thúc Đại hội, tân lãnh đạo hai Hội đồng sẽ đến chào và thông báo kết quả Đại hội đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Song kỳ này đã không diễn ra mà chỉ được tiếp đón tại Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Công an và Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội.
Dù chỉ là hình thức, lễ tân song đây cũng là bất cập của Đại hội để mỗi người cần phải suy ngẫm Phật giáo sẽ đi theo chiều hướng nào nếu làm giảm lòng tin của hệ thống chính trị và quần chúng.
Ba bất cập trên đây ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến sự lãnh đạo của Giáo hội trong nhiệm kỳ VII. Chỉ có điều chúng ta cần thấy rằng, hạt nhân, sức sống, tiền đồ của Phật giáo Việt Nam nằm ở mỗi hệ phái, sơn môn, tổ đình, tự viện, ở mỗi Tăng Ni, Phật tử. Nếu một số vị trí có vấn đề trong Hội đồng Trị sự không chứng tỏ được đạo hạnh, năng lực và làm việc vì mục tiêu chung trong thời gian tới thì chúng ta nên quên họ đi.
Phản hồi
tiền đồ PG đi về đâu? 28/11/2012 
@@@ Hạt nhân, sức sống, tiền đồ của Phật giáo Việt Nam nằm ở mỗi hệ phái, sơn môn, tổ đình, tự viện, ở mỗi Tăng Ni, Phật tử. Nếu một số vị trí có vấn đề không chứng tỏ được đạo hạnh, năng lực và làm việc vì mục tiêu chung trong thời gian tới thì chúng ta nên quên họ đi.@@@
Tôi tâm đắc nhất đoạn này. Chúng ta, hãy là những Tăng Ni, Phật tử sáng suốt để nhìn nhận và đánh giá xem Đại Hội VII này các vị có tên ở trong danh sách HĐTS kia năng lực và đạo hạnh của họ thế nào(?) Nếu chỉ hữu danh vô thực để vì lợi nhuận, bè phái, tạo vây cánh, mua danh mua chức thì Đại Hội 8 đề nghị Họ nên có lòng tự trọng, tự biết tàm quý mà xuống ghế.
Tuấn Linh 28/11/2012 
Đại hội toàn quốc mọi nghị sự phải là chuẩn mực để cho các cấp GH học tập. Tôi nghĩ lại cách đây hơn 30 năm trước, Hội nghị thống nhất Phật giáo thực hiện quy trình rất chuẩn mực, mọi nội dung đều phải đặt lên bàn để cho các đại biểu thảo luận và quyết định, rồi sau này các kỳ đại hội khác cũng thế, mỗi một nội dung đều thảo luận và đặc biệt là góp ý tu chỉnh Hiến chương rất công phu, các đại biểu thảo luận nhiều lắm. Nhưng kỳ này, chỉ đọc và đọc, vỗ tay và vỗ tay. Nhân sự thì gạt tới gạt lui rồi lại bổ sung và bổ sung đến tận phút chót, như là "30 chưa phải là tết".
Pháp Vương Tử 28/11/2012 
Bài viết của cư sĩ Lê Minh và Đại đức Thanh Thắng rất hay, đúng thực trạng hiện nay của GH. Nó như một tiếng chuông để cảnh tỉnh những tâm hồn còn lạc lối vào nẻo "Tiền và quyền"; kéo bè, kéo cánh; phân chia vùng, miền; sự thân hay sơ; gây chia rẽ trong nội bộ GH... không còn đúng với khẩu hiệu của Đại hội VII : "Kế thừa - Ổnđịnh - Phát triển".
Chính những điều này dễ làm cho chúng ta đi chệch phương châm của GH: " Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội". Do vậy mà đức Phật bảo: “Sư tử trùng thực sư tử nhục“ là thế.
 Đại hội Phật giáo toàn quốc kỳ VII: Được và Chưa được
25/11/2012  Cư sĩ Lê Minh
Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chính thức được tổ chức từ ngày 23 – 24/ 11/ 2012 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Hà Nội.
Trước ngày khai mạc chính thức, ngày 21/11/2012 Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự khóa VI đã họp phiên cuối cùng để nghe Phân ban Trù bị đại hội báo cáo công tác tổ chức Đại hội và ngày 22/11/2012 toàn thể Đại biểu chính thức có phiên họp trù bị nội bộ.
Những ai quan tâm đến Phật giáo nước nhà và diễn tiến của Đại hội, chắc hẳn sẽ có những đánh giá khách quan về những cái được và cái chưa được của Đại hội.
Là một cư sỹ Phật tử và được tham dự tại Đại hội, tôi xin mạo muội nêu lên vài cái được và cái chưa được để cùng chia sẻ với công chúng.
Cái được:   
1. Công tác tổ chức trang trí được trang hoàng cờ hoa, đèn, băng rôn, khẩu hiệu dọc phố Quán Sứ, đoạn từ chùa Quán Sứ và phố Trần Hưng Đạo đến Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, đã tạo điểm nhấn và không khí cho Đại hội. Vào khu vực phía trong hội trường thì nhận thấy trang trí sân khấu rất trang nghiêm tố hảo và uy nghiêm.
2. Nghi thức lễ rước từ chùa Quán Sứ đến Hội trường Cung văn hóa trang nghiêm tố hảo. Lễ suy tôn Pháp Chủ bước đầu có kịch bản mới, trang trọng, bước đầu khẳng định được vị trí lãnh đạo tối cao của Đức Pháp chủ.
3. Văn kiện đại hội chuẩn bị chu đáo, công phu và khá đầy đủ các bài tham luận của các địa phương cũng như Ban – Viện trung ương.
4. Tổ chức hội trường dành riêng và truyền hình trực tiếp từ hội trường chính ra hội trường phía ngoài dành cho Phật tử về chào mừng được chu đáo, tránh được tình trạng đông Phật tử về chào mừng không có chỗ ngồi.
5. Khu vực báo chí với đầy đủ các trang thiết bị phục vụ các phóng viên, có tính chuyên nghiệp. Nhân viên của AVG nhiệt tình hỗ trợ.
6. Các phiên giải lao có ăn nhẹ được chuẩn bị tốt.
7. Tình nguyện viên là Tăng ni sinh của Học viện và thanh niên Phật tử rất nhiệt tình và có trách nhiệm.
8. 03 đêm văn nghệ được giàn dựng rất công phu cả trang thiết bị và con người.
9. Lần đầu tiên hai phiên Khai mạc và Bế mạc của Đại hội được truyền hình trực tiếp bằng công nghệ HD.
Cái chưa được:
1. Công tác nhân sự còn nhiều yếu kém và bất cập, không tuân theo một quy trình nào. Chiều ngày 21/11 tại phiên họp Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự, Phân ban nhân sự trình bày nguyên tắc cơ cấu và dự kiến danh sách nhân sự đã nhận được một số ý kiến của một số thành viên: Phân ban nhân sự giới thiệu nhân sự không trùng hợp với sự giới thiệu của địa phương, hoặc địa phương không giới thiệu nhân sự nhưng lại có danh sách; hoặc là Phân ban nhân sự giới thiệu nhân sự nhưng khi trao đổi với với một số cơ quan chức năng khác thì không nhận được sự đồng thuận; hoặc là danh sách tấn phong giáo phẩm có những trường hợp không có sự giới thiệu của Ban Trị sự, nhưng lại có trong danh sách đề nghị tấn phong giáo phẩm,… từ đó dẫn đến phản ứng của một số thành viên tại Hội nghị này.
Tuy nhiên, đến phút chót, thì những vấn đề trên vẫn được Phân ban nhân sự chấp thuận để trình trước đại hội và thông qua với một cách giải quyết “linh hoạt” người chưa được sự đồng thuận của các cơ quan liên quan địa phương, hoặc địa phương không giới thiệu thì được đưa nhân sự đó vào đơn vị khác, với lý do tăng cường nhân sự.
2. Đại biểu về tham dự Đại hội chưa thực sự thấy được trách nhiệm và quyền, nghĩa vụ của mình. Phiên khai mạc thì đông, nhiều đại biểu khách mời không có chỗ ngồi, nhưng sau giờ giải lao không tham dự nữa. Sau đó đến các phiên họp sau cũng vậy, làm cho Đại hội trống vắng.
3. Quyền và nghĩa vụ của Đại biểu tham dự Đại hội không được phát huy trong Đại hội. Không có sự thảo luận, trao đổi với các bản tham luận, không có trọng tâm thảo luận mà chỉ xếp hàng lần lượt đọc tham luận mà thôi. Không có hình thức suy tôn và suy cử nhân sự ở hai Hội đồng trước Đại hội. Và chỉ có đọc và vỗ tay, không đúng với tinh thần Hiến chương GH và Nội quy của Đại hội.
4. Công tác thông tin truyền thông có bài bản và truyền hình trực tiếp trên đài AVG phiên khai mạc, bế mạc, nhưng lại độc quyền khi AVG chủ trì. Vì thế các đài lớn có lịch sử lâu dài, có tính quảng đại quần chúng và chính thống thì tiếp cận khó khăn, hoặc có tiếp cận thì tiến hành trong phạm vi “cho phép” nên thông tin về Đại hội trên truyền thông quần chúng chưa được phát huy trên hệ thống phát thanh truyền hình chính thống và quảng đại quần chúng. Vì thế mà bạn xem truyền hình chỉ được coi thông tin rất ngắn trên các đài lớn như VTV.
Vụng về và sai nguyên tắc khi ra bản tin hàng ngày. Phiên họp bế mạc có các nội dung đang trong hội trường tiến hành như nhân sự và thông qua nghị quyết thì bản tin nhanh đã đăng hết danh sách nhân sự hai Hội đồng và toàn văn nghị quyết rồi được phân phát cho bạn đọc ở ngoài sân hội trường.
Thậm chí, ngay buổi trưa, báo điện tử Kiến thức đã công bố cho toàn dân thiên hạ biết ai là Pháp chủ, ai là Chủ tịch Hội đồng Trị sự, trong khi về nguyên tắc, buổi chiều Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự mới họp để suy tôn và suy cử các ngôi vị này.
Trên đây là một số nhận định bước đầu của cá nhân tôi, để cùng bạn đọc quan tâm rồi cùng bổ sung cho hoàn chỉnh.
Phản hồi (13 bài gửi)
giao 25/11/2012 
sau 2 ngày theo dõi tin tức ĐHPG nhiệm kỳ VII, tôi cũng có đồng quan điểm giống như tác giả Cư sỹ Lê Minh, tôi buồn nhất là ở mục (1)- Phần Cái chưa được. cứ đã này rồi kg biết sẽ ra sao?
Tâm Tín 25/11/2012 
Kính chào CS Lê Minh,
Cảm ơn bài viết của CS đã phản ảnh những cái được và chưa được trong những ngày diễn ra ĐH 7. Tuy nhiên, ở phần bầu bán nhân sự ở 2 hội đồng thì: có những nhân sự được BTS Tỉnh Thành giới thiệu vào, nhưng có nhân sự được Ban Ngành Viện TW giới thiệu. Nói chung Ban Nhân sự ĐH 7 đã làm hết mình góp phần nên ĐH thành công tốt đẹp.
Mô Phật 25/11/2012 
Tôi được nghe là phiên họp ngày 21/11, Thượng tọa Thích Thanh Hiện ở Hưng Yên có ý kiến về nhân sự của tỉnh mình là chưa giới thiệu nhân sự, nhưng Phân ban nhân sự lại cơ cấu một vị phó ban Thường trực vô danh sách Ủy viên Hội đồng Trị sự. Sau phản hồi này, thì Ban nhân sự cơ cấu vị phó ban thường trực này tham gia ủy viên dự khuyết của tỉnh Hà Giang. Trong khi đó tỉnh Hà Giang chưa được thành lập và kể cả có thành lập rồi thì giữa trung ương và tỉnh hội Hưng yên phải thống nhất đề cử.
Rồi một trường hợp nữa ở tỉnh Hải Dương cũng tương tự. Nhưng khi bị gạt bỏ rồi lại đưa vào danh sách chính thức là nhân sự của Phân viện nghiên cứu phật học Hà Nội. Trong khi đó bản danh sách nhân sự tổng thể trình tại Đại hội chỉ có nêu tỉnh, thành hội, không có nêu nhân sự của Văn phòng Trung ương hay của Ban - viện trung ương. Vậy mà riêng Phân viên nghiên cứu Phật học lại có nhân sự riêng.
Sơn Hà 25/11/2012 
Lại một lần nữa độc giả tôi tán thán bài viết thật thấu đáo và rõ ràng của Cư sĩ Lê Minh( LM).
Thưa Qúy vị độc giả :ngày xưa tôi có ngó xem bộ phim HỒNG LÂU MỘNG;ở đó có nhân vật nhỏ tuổi là Bảo Ngọc
Vạn Thành 25/11/2012 
Tôi tham dự Đại hội từ phiên trù bị cho đến bế mạc. Trước hết rất đồng tình với nhận định của cư sĩ Lê Minh và nhận thấy rằng khâu MC cho chương trình hơi yếu, thiếu các kỹ năng cần thiết để điều hành Đại hội tầm cỡ quốc gia và quốc tế này. Các khâu phối hợp và điều hành chương trình giữa MC và đoàn chủ tịch còn lúng túng,thiếu thống nhất.Đôi khi những điều đó làm cho Đại hội mất trang nghiêm vì nhiều đại biểu tham dự đều phá lên cười vì các nói và điều hành đó. Qua đó, người tham dự cũng phần nào nhận thấy được trình độ và kiến thức chung của một số Tăng Ni hiện nay.
Phần nhân sự trước Đại hội đã có nhiều điều tiếng rồi. Mỗi ngày nhân sự của HĐTS lại thêm vài ba người. Ví như lúc đầu thành phần ủy viên dự khuyết lúc đầu chỉ có 50 thôi, vài ngày lại tăng thêm 52 rồi 56...60...và cuối cùng là 62. Điều này thể hiện tính thiếu thống nhất trong khâu công tác nhân sự và để đến khi ra nghị trường rồi có nhiều lời xì xào, bàn tán ra vào không hay.
Dù sao đi nữa, Đại hội đã thành công và có nhiều tiếng vỗ tay trong hội trường lẫn ngoài hội trường. Mong rằng, nhân sự do Đại hội VII bầu ra sẽ đem hết khả năng và trình độ của mình cống hiến cho Đạo pháp và Dân tộc.
Tín Nguyện Hạnh 25/11/2012
Hệ thống tổ chức của PG cần phải củng cố, cải cách thì mới theo kịp với tôn giáo bạn. Trong đại hội cần phải có thảo luận và chất vấn những vị trưởng ban, để biết được trách nhiệm của mình đang làm.
Lê Phan 26/11/2012 
hoàn toan nhat trí bài viết của tác giả Lê Minh
Nguyễn Dũng 26/11/2012 
Về việc tấn phong lên hàng giáo phẩm Hòa thượng: Theo quy định tại điều 41, 42 của Hiến chương, được tấn phong Hòa thượng những Thượng tọa từ 60 tuổi đời, 40 tuổi đạo trở lên được tính theo Hạ lạp, có đạo hạnh, có công đức với Đạo pháp và Dân tộc. Vậy mà Đại hội vừa rồi,theo tôi được biết có những vị không đạt được điều kiện đó nhưng vẫn được tấn phong. Điều này có thể sinh ra tính ngạo mạn, coi thường các vị tôn đức khác
Giới Minh 27/11/2012 
Kính gửi Cư sĩ Lê Minh!
Trân trọng cảm ơn bài viết đầy tâm huyết của Cư sĩ Lê Minh, qua đó chúng ta có dịp nhìn lại các công việc đã thực hiện, công việc nào làm tốt cần phát huy, việc làm chưa được viên mãn thì sẽ nỗ lực, cố gắng để làm tốt hơn trong các công tác Phật sự sau này.
Tuy nhiên, trong bài viết có vài chi tiết chưa chính xác, xin được trao đổi lại, như sau: 
Công tác truyền thông báo chí ngoài xã hội đã được chú trọng cao, Trung tâm Báo chí Đại hội đã cấp thẻ cho trên 100 cơ quan gồm các Đài Truyền hình Trung ương và địa phương, TTXVN, báo in, báo mạng....đến dự và đưa tin về Đai hội. Tác giả viết "Công tác thông tin truyền thông có bài bản và truyền hình trực tiếp trên đài AVG phiên khai mạc, bế mạc, nhưng lại độc quyền khi AVG chủ trì. Vì thế các đài lớn có lịch sử lâu dài, có tính quảng đại quần chúng và chính thống thì tiếp cận khó khăn, hoặc có tiếp cận thì tiến hành trong phạm vi “cho phép” nên thông tin về Đại hội trên truyền thông quần chúng chưa được phát huy trên hệ thống phát thanh truyền hình chính thống và quảng đại quần chúng. Vì thế mà bạn xem truyền hình chỉ được coi thông tin rất ngắn trên các đài lớn như VTV."
Tác giả nhận định "nhưng lại độc quyền khi AVG chủ trì"? Đúng là râu ông nọ cắm cằm bà kia, AVG có Kênh An Viên và Kênh An Viên đã tích cực tham gia truyền thông về Đại hội trong suốt quá trình trước, trong và sau Đại hội, đặc biệt là phiên Khai mạc và bế mạc. Các Đài truyền hình khác được Trung tâm Báo chí của Ban tổ chức Đại hội tạo điều kiện tối đa trong tác nghiệp tại hiện trường, và sẵn sàng cung cấp các tư liệu khi có yêu cầu. Do vậy, khi tác giả nhận định AVG độc quyền và chủ trì là sai.
Thứ hai, việc ra được Bản tin trong 4 ngày Đại hội là sự nỗ lực của hàng chục con người thực hiện trực tiếp và gián tiếp, điều đó đã tạo ra một không khí sôi động của công tác truyền thông Đại hội, cung cấp thông tin kịp thời cho Đại biểu và khách mời, cũng như đại chúng đến với Đại hội. Bản tin chỉ được cập nhật và phát sau 16h15 ngày 24/11 tức là khi đã có công bố kết quả xong. Hoàn toàn không có chuyện phát Bản tin trước khi công bố kết quả như Lê Minh nhận định. Lê Minh đánh giá "Vụng về và sai nguyên tắc khi ra bản tin hàng ngày". Với đánh giá đó, xin được trao đổi lại và để Lê Minh suy nghĩ về chính những góp ý của mình.
Trung Kiên 27/11/2012 
Theo Giới Minh nói "Bản tin chỉ được cập nhật và phát sau 16h15 ngày 24/11 tức là khi đã có công bố kết quả xong. Hoàn toàn không có chuyện phát Bản tin trước khi công bố kết quả như Lê Minh nhận định".
Trong nội dung trong Bản tin số 4 có Nghị quyết Đại hội, Diễn văn bế mạc, theo Tường thuật trên Phattuvietnam là "16h50: Đại hội thông qua dự thảo Nghị quyết Đại hội.", "16h51: HT. Thích Thanh Nhiễu thay mặt Ban Tổ chức Đại hội tuyên đọc Diễn văn bế mạc Đại hội."
Nhỡ đâu đại hội đề nghị bổ sung hoặc thay đổi nghị quyết thì sao?
Vậy có phải là vụng về và sai nguyên tắc không hả Giới Minh? Tại sao không đợi đến khi Đại hội kết thúc rồi phát bản tin khi Đại biểu ra cửa?
Phải chăng sợ ế nên phải phát trước cho những người bên ngoài Hội trường?