Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2011

NHẬT KÝ MẸ VÀ CON

(bài đăng trên tạp chí Đạo Phật ngày Nay)
NHẬT KÝ MẸ VÀ CON

Ngày 5-3-2010

Tháng giêng âm lịch, cả nhà ăn chay. Nhưng được một tuần thì con thèm cơm tấm bì sườn. Mẹ biết con ưa súp nấm nên lui cui nấu. Con reo lên: “A, nếu mẹ nấu súp thì con không ăn cơm tấm! Và ngày mai nếu mẹ nấu ragu thì con sẽ ăn chay tiếp tục”. Trời, “tu” mà đặt điều kiện với mẹ nữa! Mẹ cười. Mẹ biết tánh con thích món gì, nên nhất định nấu một món chay để “đổi” lấy một món mặn. Thà mẹ cực nhưng con “tu” là mẹ vui.
Mẹ cũng chẳng hề trách con “đạo lực” yếu. Vì con còn trẻ, cơ thể đòi hỏi nhiều thứ hơn người già, thèm cái này cái nọ, chứ không dễ ăn rau luộc, tương chao như mẹ. Nếu không thuận theo tạo hoá mà cứ cưỡng cầu thì những người trẻ sẽ “thua cuộc”.  Thiền sư Ajahn Chah có viết: Practice is like raising a duck. We feed it and give it water. It may grow fast or it may grow slow. We cannot change this. We accept it and do our work. This is how we practise. It may be fast or slow. Don’t force it, just know it. Continue like this and our practice will have a strong foundation. Mẹ nhớ hồi trẻ mẹ cũng thèm ăn tùm lum thứ, mỗi lần bà ngoại làm món gì là mẹ ăn cơm ngon lắm. Nhất là ngày chay, có món ngon thì “quên phắt” đồ mặn. Vì vậy sau này mẹ phát tâm làm món chay thật ngon để khuyến khích người ta ăn chay. Đầu tiên là áp dụng với con cháu trong nhà và học trò của mình. Những đứa trẻ cần được chăm sóc nhất vì nếu không chúng sẽ bị thế gian cuốn đi rất dễ. Thế gian với bao nhiêu thứ hấp dẫn, khó tu lắm, đừng tưởng chuyện đùa!
Hôm nọ thằng cu Tin qua chơi, mẹ nấu hủ tiếu chay Sa Đéc, cả nhà quây quần ăn tối ngon ơi là ngon. Mẹ rất thích cảnh các con lăng xăng ăn uống, xì xụp chan húp, thậm chí tranh nhau dưới bếp, cười đùa nghịch phá và căng bụng vì ngon lẫn vui. Một cảnh tượng gia đình hạnh phúc. Cái bếp luôn là nơi toả ra hơi ấm gia đình, cho nên mẹ thích nấu ở nhà hơn là đi mua đồ sẵn. Dù cực một chút nhưng nó ấm áp, gần gũi, kết nối mọi thành viên trong nhà. Và có cái bếp thì có vai trò người phụ nữ. Đó là điểm tựa của người đàn ông và của những đứa con. Họ ra ngoài đấu tranh với cơm áo, gạo tiền, với bon chen, vất vả, khi về nhà họ cần được ấm áp. Sự ấm áp đó toả ra từ cái bếp, từ bàn tay người vợ, người mẹ. Mẹ cầu mong con sẽ lấy được người vợ như thế.
Riêng mẹ, không may duyên nợ nửa chừng, nhưng mẹ vẫn xem nhà ta là một “đơn vị gia đình” trọn vẹn. Trong đó, mẹ vừa làm vai trò người đàn ông đi kiếm tiền nuôi con nuôi cháu, nhưng cũng không từ bỏ vai trò người phụ nữ giữ ngọn lửa ấm áp cho mọi người. Hết việc cơ quan là mẹ lăn vào bếp say sưa nấu nướng. Mà suy cho cùng, mẹ làm đâu chỉ cho các con, mà cho chính bản thân mẹ, để mẹ còn thấy mình rất “phụ nữ”. Cái bếp cũng là điểm tựa cho “người đàn ông trong mẹ”. “Người đàn ông” ấy rất mỏi mệt sau công việc xã hội, thì tìm về nhà để thư giãn với những chuyện nội trợ cỏn con. Ừ, người ta hay nói nó “cỏn con”, nhưng đôi khi nó lớn lắm, vì nó giảm stress, nó thêm sự mềm mại dịu dàng, nó thêm tiếng cười cho mỗi ngày trôi qua. Đó đôi khi là “thành luỹ” cuối cùng cho người phụ nữ, nếu một ngày nào đó họ không còn làm được gì khác ngoài xã hội. Khi người ta bị bất lực, hoặc không còn cách để bon chen, thì người ta sẽ rất vui khi làm những việc cỏn con cho những người thân yêu nhất của mình. Nhìn con mình mặc cái áo do chính tay mình ủi thẳng thớm, vui lắm chứ. Nó ra đường, ai cũng khen đẹp trai, là khen cả mình đấy chứ. Hoặc chồng mình xì xụp húp món canh do chính tay mình nấu, cũng vui lắm. Đám tiệc giỗ quảy mẹ cũng thích nấu, vừa vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa biểu lộ lòng thành với ông bà, vừa hạnh phúc khi bà con bạn bè thưởng thức. Ăn không chỉ là ăn, mà còn là kết nối trái tim, gieo duyên với nhau. Cho nên mẹ dạy các con hoài, khi nấu ăn tâm phải vui, phải mong người ta thưởng thức, thì người ta ăn sẽ thấy ngon. Còn nấu mà cằn nhằn, bực bội, người ta sẽ “đắng lưỡi” một cách tự nhiên. Phật dạy làm cái gì cũng chú trọng “tác ý”. Khi tác ý tốt, sản phẩm sẽ tăng hiệu quả tốt. Tác ý xấu, sản phẩm sẽ kém chất lượng. Nấu ăn mà lòng vui, nhẹ nhàng, thư giãn, thì từng phân tử đường, đạm, béo, xơ sẽ tự nhiên nhảy múa rộn ràng, ngon miệng, dễ tiêu…
Lên tới mâm cơm, gia đình ta còn vui một lần nữa, vì ai nấy tranh nhau kể chuyện học hành, làm việc, phim ảnh, tin tức, thời sự v.v… Một “bàn tròn” thông tin và thảo luận, hoặc đùa nghịch, cười giỡn rất bổ ích. Có khi ai đó kể về một giấc mơ cũng đủ làm xôn xao. Có khi khơi mào một chuyện ma, rồi ré lên vừa sợ vừa cười. Có khi là những bức xúc xã hội rất “vĩ mô”, chứng tỏ các con đã là người lớn, trưởng thành, sâu sắc. Lắm lúc lại là một câu nói gì đó mà mẹ nhân tiện biến thành một bài học tâm lý, đạo lý thật nhẹ nhàng, dễ tiếp thu. Các con thường được mẹ dạy bằng cách ấy, không thấy nặng nề, giáo điều. Bữa cơm gia đình ta thật tuyệt vời!
Lòng mẹ miên man chợt nghĩ đến ngày xưa… Lẽ ra ba con không nên tước đoạt tất cả “quyền lợi phụ nữ” của mẹ. Không thể tưởng tượng nổi một người đàn ông mà giữ hết tiền lương và thu nhập thêm của cả hai vợ chồng, sáng sáng phát tiền cho vợ ăn điểm tâm, đi chợ. Khi cần mua một chai nước tương, một gói tiêu cũng phải chạy đi tìm ông ấy để lấy tiền, vì trong túi mẹ không được giữ đồng nào. Như thế làm sao mẹ “thiết kế” nhà bếp theo năng lực sáng tạo của mẹ? Ôi, bó tay! Ông ấy đã thủ tiêu ước mơ đại học, ước mơ viết lách của mẹ, ừ thôi chấp nhận, nhưng thủ tiêu cả thành luỹ cuối cùng của người phụ nữ là cái bếp thì mẹ còn gì để nấn ná nơi căn nhà đó?
Sau này, mẹ mong con hãy để vợ con được tự do sáng tạo và mua sắm trong căn bếp của cô ấy. Một người nội trợ cũng có thể là một nghệ sĩ. Nếu ai nâng được công việc nội trợ lên thành nghệ thuật, đầy say mê và sáng tạo, thì sẽ không thấy nó là cực khổ, là phong kiến… Nhiều phụ nữ lên án việc nội trợ, cho rằng bất bình đẳng, trù dập họ. Nhưng rồi họ gặt lại kết quả là đánh mất hạnh phúc gia đình, đánh mất hơi ấm của những bữa cơm, những ngày chung sống. Chồng họ cuối cùng lại đi ăn cơm do người phụ nữ khác nấu. Con họ lại la cà, lêu lổng. Vấn đề là chúng ta phải biết cách giảm nhẹ sự vất vả của công việc nội trợ bằng những thứ máy móc cần thiết, như máy giặt, máy hút bụi, tủ lạnh, nồi áp suất v.v… Người chồng tặng vợ những món đồ đó không phải trù dập vợ vào chuyện nội trợ đâu, mà chính là thương vợ. Đừng bao giờ hà tiện khi sắm máy móc cho vợ làm nội trợ. Cô ấy cần có vị trí trong xã hội nữa, nên làm nội trợ thế nào để không mất thời gian và sức khoẻ để tiến thân, đó mới là nghệ thuật. Rất cần sự cân bằng giữa gia đình và xã hội. Như mẹ, vừa làm phóng viên nhật báo, chạy như con thoi, nhưng cũng khoái nấu ăn, dọn dẹp. Chưa kể, nghiên cứu kinh điển, dạy Phật học, viết sách, cắm hoa, làm thiệp, trồng cây… Đời cực mà vui phải không các con? Con phải cố gắng nâng cấp người bạn đời của con như thế. Và cô gái ấy chắc sẽ hiểu rằng bên cạnh công việc xã hội hấp dẫn cũng còn có một mái nhà tuyệt vời không kém. Chính bản thân con cũng vậy, tiến thân thế nào để không ảnh hưởng tới gia đình, đừng quá chạy theo công việc đến lơ là tổ ấm. Cuộc sống bây giờ quá bon chen, mẹ đâm ra lo sợ. Cho nên mẹ thì thầm với các con những lời này, chắc là không uổng...
Sắp tới ngày 8-3 rồi. Các con tặng mẹ những gì? Riêng mẹ tặng lại các con bài viết này. Thật ra, mỗi một nụ cười của các con đã là quà cho mẹ!
                                                                                                                      
                                                                                  HOÀNG KIM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét