Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2011

NGÀY NÀO PHẬT CŨNG ĐẢN SANH

(bài đăng trên tạp chí Suối Nguồn , tu viện Huệ Quang)
NGÀY NÀO PHẬT CŨNG ĐẢN SANH
DIỆU KIM

            Mỗi năm có một ngày mà tôi thường nói vui là “sinh nhật Phật”, “Happy Birthday Buddha”. Nói như thế không phải không tôn kính, mà vừa tôn kính vừa gần gũi, âu yếm. Có vậy mới thấy Phật “gần” mình, nếu không, chỉ lễ bái thì thấy Phật sao “xa” quá, không khéo lại chẳng muốn tu theo Phật.
            Nhớ khi mình còn trẻ, yêu ai thì nhớ hoài người ấy. Nhớ khi đi, khi đứng, lúc nằm, lúc ngồi. Nhớ khi ăn cơm, khi chạy xe, khi đi học… Chao ôi là tình yêu! Ai đã trải qua chắc biết rồi. Làm bất cứ chuyện gì thì hình bóng người yêu cũng lẩn quẩn trong tim, trong óc. Hình như không đứt đoạn, hình như mình rất là…nhứt tâm.
            Bây giờ học Phật, mới biết cái kiểu nhớ nghĩ như thế gọi là “niệm”. Ừ, yêu người thế gian thì niệm niệm không dứt. Và càng yêu, càng dắt díu nhau đến bến bờ sinh tử!
            Thành ra, bây giờ đổi lại là “tình yêu” với Phật, ngày đêm nhớ nghĩ, niệm niệm chẳng rời. Sáu chữ Di Đà luôn trong óc trong tim mỗi khi chạy xe, lặt rau, làm bếp…Càng niệm Phật, càng sáng suốt, làm cái gì đúng cái ấy, chứ không lẩn thẩn như niệm người yêu, làm sai, quên tới quên lui. Niệm mãi thành quen, khi không chuẩn bị mà sáu tiếng cũng bật ra. Và mình chợt mỉm cười, ừ mình “nhớ” Phật cỡ đó thì người yêu hồi trẻ đã thua xa.
            Càng ngày càng thấy Phật rất gần. Nhà ở phố chật hẹp nên bàn thờ Phật cùng không gian với phòng khách, bàn ăn, bởi vậy suốt ngày có thể ngước nhìn ảnh Phật, chiêm ngưỡng dung mạo đoan trang thánh thiện. Nhà chật hóa ra có cái hay của nhà chật. Và ngắm nhìn Phật thấy lòng hoan hỷ, lâng lâng. Trên bàn thờ luôn có lẵng hoa hoặc bình hoa tươi, mỗi ngày đều theo dõi, nếu héo thì thay ngay. Cắm hoa cúng Phật là một niềm vui. Và dõi theo hoa cũng để thấy vô thường sinh diệt, tươi héo vội vàng, càng hối hả niệm, ít bận tâm thói đời bon chen, ganh tị.
Và mỗi một niệm sanh ra là Phật đã “đản sanh”. Mỗi lần ngước nhìn là thấy Phật hiện thân. Mỗi ngày lạy Phật là nâng niu gót ngọc của Ngài đang bước trên bảy đóa sen hồng thơm ngát. Chờ gì đến tháng tư mới thấy Phật về, mỗi ngày mình đều đón Phật, gần gũi, thân thương. Gần như vậy mà còn lo không gặp Phật ở “bờ bên kia”, huống gì mỗi năm chỉ mừng sinh nhật một lần!
Nói vậy chứ ngày rằm tháng tư vẫn là một cột mốc quan trọng, phải tưng bừng rộn rã, không thể sơ sài. Nhưng mừng Phật đản sanh không chỉ có hoa đèn rực rỡ, lễ hội sắc màu. Đó là bề nổi, dĩ nhiên rất cần. Nhưng cần hơn nữa, mỗi người Phật tử phải ý thức rằng mình cúng Phật bằng cách giữ giới, bằng tâm thanh tịnh, bằng việc học giáo pháp… Có như vậy Phật giáo mới vững vàng từ trong nội lực, mới bền bỉ tồn tại không bị bất cứ ai bên ngoài chống phá.
Phật tử chúng ta hiện nay nhiều căn cơ khác nhau, thôi thì chỉ cần nhà chùa dạy cho một bài pháp ngắn, một đoạn kinh nhỏ, cũng gọi là “học”. Một ngày về chùa, ăn cơm chay là giữ giới bất sát, học vài câu kinh là tăng trưởng trí huệ, lòng không nhớ nghĩ chuyện đời, an nhiên thanh tịnh là giữ định trong tâm. Một ngày đi mừng sinh nhật mà Giới-Định-Tuệ đủ đầy, khác hẳn sinh nhật thế gian tràn trề rượu thịt, đắm đuối, mê say. Ta mừng Phật, hay ngược lại, Phật mừng cho ta, vì ta cũng đã “đản sinh” từ trong Phật tánh.
                                                                                                          TPHCM 19-4-2011


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét