Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

LỚP TÌNH THƯƠNG CỦA THẠCH

LỚP TÌNH THƯƠNG CỦA THẠCH
Trong thời gian này tôi có đi dạy lớp tình thương do cán bộ địa phương tổ chức cho các em nhỏ không có điều kiện đi học. Chúng là những đứa trẻ hằng ngày phải đi lượm “mũ” hay phụ giúp việc nhà cho người ta...bất kể công việc gì để phụ gia đình. Lớp có sĩ số dao động từ 18 tới 21, có vài đứa mẫu giáo, vài đứa lớp 4, một đứa lớp 2, còn lại là lớp 1.
Ngày đầu tiên tới lớp với tinh thần sẽ hết mình chỉ tụi nó học, nhưng tôi quên một điều là không tìm hiểu xem tụi nó muốn gì? Ngày càng tiếp xúc với tụi nó, tôi biết được điều tụi nó cần nhất không phải là học. Tôi đang suy nghĩ giữa chơi và ăn thì tụi nó thích cái nào hơn. Thiết nghĩ khi tụi nó đói thì thích ăn, ăn no rồi thì tụi nó thích chạy nhảy, vui đùa. Trẻ con mà. Tụi nó cũng thích hát, hát những bài chúng học được từ những anh bán đĩa ngoài đường mở nhạc dạo qua nhà chúng, hay từ hàng xóm. Chúng cũng thích nhảy hiphop, đặc biệt chúng bị ảnh hưởng bởi nhóm nhạc HKT đang nổi tiếng hiện nay.
Cô tôi (Diệu Kim) nói mình phải chỉ bảo nó với tình thương, lòng kiên nhẫn. Nhiều lúc tụi nó ồn ào, không chịu học, nói chuyện trong lớp thì lúc đó bị lửa sân đốt đi tình thương và lòng kiên nhẫn, muốn lại đánh tụi nói thật mạnh (và tôi cũng từng làm qua) vào miệng ồn, vào tay chọc phá bạn, vào chân chạy nhảy. Về nhà nghĩ lại thì mình làm vậy có đúng không? Người xưa nói “Thương cho roi, cho vọt; ghét cho ngọt, cho bùi”, lúc tụi nó sai thì phải đánh, nhưng hình như mình đánh không xuất phát từ tình thương mà từ sự tức giận của bản thân. Tôi sai. Vậy mình nên khuyên răn từ từ, hay kết hợp vừa khuyên răn vừa roi vọt (dĩ nhiên là từ tình thương)?
Một hôm, trong lớp xuất hiện một bé, tinh thần nó không ổn định. Nó tới lớp chơi và phá phách. Tôi đã cầu Bồ Tát giúp con tìm cách giải quyết tình trạng này. Sau đó không biết có phải là Bồ Tát hay không, mà có một người con gái trạc tuổi tôi đang ngồi ghế đá chứng kiến cảnh tôi đánh một roi vào đít bé đó thật đau. Người con gái ấy không nói nhiều, chỉ nói “Trẻ con cũng có quyền lợi” và “Tinh thần nó không ổn định không phải là do nó muốn”. Tôi có giải thích bằng phản xạ để che dấu cái sai của mình. Từ đó về sau tôi không gặp lại người ấy, tôi cũng không đánh bé đó một roi nào nữa. Tội nghiệp cho những thân phận bất hạnh.

2 nhận xét:

  1. Cô ơi, con nghĩ tiêu đề không chính xác, con chỉ tham gia dạy thôi cô.

    Trả lờiXóa
  2. Không sao, đọc là người ta hiểu mà. Trong bài có nói lớp này do cán bộ địa phương mở, con chỉ đi dạy thôi. Dùng chữ "của" trong bối cảnh con đang nói với lớp chúng ta. Yên tâm.

    Trả lờiXóa