Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2011

Hàng ngàn bài thi môn sử điểm 0: Bình thường mà... đau đớn!

Hàng ngàn bài thi môn sử điểm 0: Bình thường mà... đau đớn!
Thứ Hai, 01/08/2011 14:59
L.T.S: Sau phát biểu "gây sốc" của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trên báo chí về kết quả thi ĐH môn lịch sử rằng “có hàng ngàn điểm 0 là bình thường”, một bạn đọc (là nhà báo, nhà nghiên cứu) viết: "Với nhân dân, điều đó không bao giờ bình thường"...

Sau khi các thầy giáo, cô giáo chấm xong môn thi lịch sử của kỳ thi ĐH năm nay, ai nấy đều ngỡ ngàng vì điểm thi thấp quá, nhiều em có điểm 0.

Học sinh ta... không biết sử ta!

Điều ngỡ ngàng này trở thành sự lo lắng không chỉ của các bậc phụ huynh có con em thi môn lịch sử bị điểm quá thấp, kề cả điểm 0, mà còn là sự lo lắng chung của những người dân Việt Nam yêu nước thương nòi.

Thế nhưng, khi được báo chí hỏi thì Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận giải thích tỉnh queo: “Theo tôi, trong một kỳ thi như kỳ thi ĐH vừa qua, có hàng ngàn điểm 0 là bình thường. Đây là kỳ thi cấp quốc gia, là thi tuyển, với mục đích phân loại để làm rõ đâu là người giỏi, người khá, đâu là người yếu kém”.

Với ông bộ trưởng, thì trong kỳ thi tuyển “có hàng ngàn điểm 0 là bình thường” nhưng với nhân dân sẽ không bao giờ là bình thường. Thậm chí, đó là một nỗi đau đớn!

Năm nào ngành giáo dục nước nhà cũng “Thi đua dạy tốt học tốt”, cũng “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, cớ sao sau 12 năm học (nhất là khi chọn khối thi, con em chúng ta thường tập trung cao độ các môn phải thi, dân gian gọi là học lệch), con em chúng ta lại “có hàng ngàn điểm 0”?

Đây là nói chung các môn thi, nói riêng môn lịch sử lại là vấn đề lớn, không chút nào “bình thường” cả. Bởi thời đại ngày nay, bất cứ dân tộc nào cũng biết môn học lịch sử rất quan trọng trong giáo dục chủ nghĩa yêu nước, góp phần xây dựng nhân cách, bản lĩnh con người, giữ gìn bản sắc dân tộc…

Chính vì quá xem thường lịch sử nên đã xảy ra tình trạng treo băng-rôn kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ lại ghi lệch năm, sai năm (xem ảnh dưới); bia đá khắc thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh ca ngợi Anh hùng áo vải Nguyễn Huệ ở một di tích lịch sử bị ai đó xóa bỏ, thay bằng đoạn trích chiếu của Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ gửi La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp chọn đất đóng đô (Đoạn trích chiếu này được làm bằng chất liệu composite, dán đè lên đoạn trích thơ của Bác. Dư luận cũng bất bình quá đỗi nên ngày 31-7-2011, cái tấm composite này đã được gỡ ra trả lại đoạn thơ của Bác ca ngợi Hoàng đế Quang Trung!).


Băng rôn treo tại một đơn vị nhằm "kỷ niệm 56 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ" vừa sai điểm mốc sự kiện vừa tính sai số năm! (Ảnh: Tư liệu của tác giả bài viết)

Hơn 5 năm qua, chúng ta đã nỗ lực “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh” sao lại có cớ sự như thế? Thời Tổ quốc chưa giành được độc lập tự do, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: "Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam"... Và dân tộc ta đã viết nên những trang sử vàng oanh liệt, bởi “Vì dân hăng hái kết đoàn/ Nên khôi phục chóng giang san Lạc Hồng”.

Vậy chúng ta nghĩ gì khi con em chúng ta học lịch sử những 12 năm, tập trung cao ở 3 năm THPT để thi vào ĐH, lại “có hàng ngàn điểm 0"?

Vì đâu nên nỗi?

Một ai đó lỡ miệng nói “Theo tôi, trong một kỳ thi như kỳ thi đại học vừa qua, có hàng ngàn điểm 0 là bình thường” thì còn có thể chấp nhận, chứ vị đứng đầu ngành giáo dục của đất nước nói như thế là không bình thường.

Và tôi tin rằng hầu hết người dân chúng ta cũng không chấp nhận.

Vì đâu nên nỗi? Nguyên nhân thì nhiều và đã có nhiều người, nhiều bài viết trên báo chí, trên diễn đàn… nhưng với môn thi lịch sử trong kỳ thi ĐH vừa qua, tôi cho rằng vẫn ở triết lý giáo dục. Chính từ triết lý giáo dục không rõ ràng nên chúng ta nói nhiều mà không có gì mới.

Chúng ta giảm tiết học mà nội dung sách giáo khoa vẫn như cũ. Chính điều này buộc học sinh phải học mụ người mà cứ mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm. Bởi vì giảm tiết nên thầy cô giáo đâu có đủ thì giờ mà giảng dạy cho nhiều.

Bên cạnh đó, mở sách giáo khoa môn lịch sử ra chỉ thấy toàn những con số, những sự kiện...; còn giá trị văn hóa, nhân văn của từng thời kỳ lịch sử ít được quan tâm. Điều này, khó thể góp phần quan trọng trong việc phát triển nhân cách khi các em vào đời.

Nhiệm vụ của giáo dục là khơi dậy niềm yêu thích tìm tòi, sáng tạo chứ không phải là nhồi nhét kiến thức. Hy vọng những vị có trách nhiệm ở ngành giáo dục thấy rõ hơn trách nhiệm của mình hơn trước sự tồn vong của dân tộc, nếu những người chủ tương lai của đất nước tiếp tục không thích học lịch sử nước nhà, và còn thấy việc con em chúng ta “có hàng ngàn điểm 0 là bình thường”!!!

Vu Gia

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét