Tôi đã sống bằng đam mê
TT - Câu chuyện về niềm đam mê đeo đuổi đến cùng ước mơ đời mình của một trong những bác sĩ sản khoa hàng đầu VN - bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng.
Tôi như người công nhân tự đổ đá làm cho mình con đường đến với nghề y. Tôi đã trải trên đó mồ hôi lẫn nước mắt một thời tuổi trẻ.
Gõ - nghe - bốc
Năm 8 tuổi, đột nhiên tôi gặp cơn bạo bệnh. Ba mẹ hốt hoảng mang tôi đến một bác sĩ lớn tuổi. Trong lúc tôi cảm thấy mình đứng ở ngưỡng thập tử nhất sinh, ông bác sĩ lại từ tốn lướt ống nghe nhè nhẹ, gõ gõ tay lên người tôi. Xong xuôi, ông nói tôi mắc bệnh thương hàn rồi kê đơn, bốc thuốc. Vài ngày sau tôi hết hẳn bệnh. Tôi thầm nghĩ nghề thầy thuốc hay thật và bắt đầu mơ được làm bác sĩ.
Như đa số gia đình vào thời bấy giờ, cuộc sống của chúng tôi lắm chật vật, nghèo đói. Ba mẹ tôi dắt các con lên đồn điền cao su Chup (Kompong Chàm, Campuchia) mong kiếm cái ăn. Bà ngoại thương tôi bắt ở lại Biên Hòa với bà. Trong những ngày tháng nghèo khổ nhất, tôi vẫn học thật chăm chỉ và âm thầm nuôi dưỡng ước mơ của mình. Vài năm sau tôi thi đậu Trường Gia Long ở Sài Gòn. Khi biết tôi mơ ước được học y, đám bạn cùng trường đã phì cười. Bởi như điều không tưởng khi một học trò cấp III chỉ học chương trình Việt ngữ bước một bước vào trường y chỉ đào tạo sinh viên thông qua Pháp ngữ. Tôi bắt đầu lùng sục các cuốn sách dạy tiếng Pháp. Tôi miệt mài phiên âm, chú thích chi chít trong các cuốn sách tiếng Pháp và ôm khư khư chúng mỗi khi rảnh tay.
Khi đó, trường sư phạm có rất nhiều ưu đãi. Vừa không phải đóng học phí, sinh viên còn được trả lương tháng. Với số tiền đó, gia đình tôi sẽ đỡ chật vật hơn. Ba mẹ viết thư khuyên tôi thay đổi nguyện vọng nhưng tôi nhất quyết không nghe. Ba nổi giận đòi từ tôi. Tôi đành nộp đơn dự thi vào trường ĐH sư phạm. Đến nơi người ta nói: “Mai thi rồi. Sao hôm nay em còn đến nộp đơn?”. Tôi mừng rơn, gọi điện thoại thông báo cho ba.
Năm đó, tôi thi lớp dự bị y khoa cùng với hàng trăm sinh viên học trường Pháp ngữ ở Sài Gòn và vinh dự là học sinh đậu hạng 6 toàn miền Nam. Tôi chính thức học chương trình hoàn toàn bằng tiếng Pháp.
Sống như thể ngày mai là ngày cuối
Ba mẹ tôi từ Chup trở về, thất nghiệp. Mấy đứa em nheo nhóc đói ăn. Tôi định bỏ học. Năm đó, Nhà máy ximăng Hà Tiên mới xây cần tuyển người. Nếu vào làm thư ký, ngay lập tức tôi sẽ được hưởng mức lương hậu hĩ 8.000 đồng/tháng (trong khi 100 kg gạo giá 800 đồng). Lúc tôi chơi vơi nhất, ba nói: “Con cứ đi học. Ngày nào ba còn sống thì con không phải bỏ học”. Cùng với nỗi khát khao mạnh mẽ được làm bác sĩ cứu người, được sống khác hơn hiện tại, tôi gượng dậy.
Tôi lao ra đường chộp bất cứ công việc lương thiện nào có thể kiếm ra tiền. Ngoài giờ học trên lớp, tôi cuốc bộ đi dạy kèm, giao gạo và than. Đêm về nhà lại vùi đầu học bài. Không biết tự lúc nào tôi hình thành thói quen ăn nhanh, đi nhanh, nói nhanh. Không nhớ khoảng thời gian đó tôi thường ngủ bao nhiêu tiếng một ngày và ăn uống tằn tiện ra sao. Chỉ nhớ mình hay xỉu. Đến lúc có dịp leo lên cân mới hay mình còm nhom - 37kg. Thi lên năm thứ nhất y khoa, tôi tuột xuống hạng 126/300.
Phải đi mới thành con đường
Học một thời gian, tôi để ý thấy sản khoa phù hợp với mình nhất. Sản phụ đang đau quằn quại, chỉ cần mình đỡ đẻ giúp họ một loáng là xong. Gặp tim thai suy, mình mổ trong vòng 3 phút để lấy đứa bé ra. Đứa trẻ khóc oe oe chào đời, người mẹ hết đau. Nếu người mẹ bị băng huyết, mình xử lý trong vài phút là cứu được một mạng người. Tôi cảm thấy thích điều kỳ diệu đó.
Lần đầu tiên cầm dao mổ cho bệnh nhân, tôi không sợ hãi, chỉ cảm thấy say mê. Có người nghe chuyện hết hồn vì sao một cô gái trẻ, nhỏ xíu người lại “lạnh lùng” như vậy. Nhưng đứng ở chỗ của tôi, họ mới thấy người bác sĩ phải bình tĩnh và tập trung chuyên môn để tình trạng nguy cấp của bệnh nhân trôi qua êm đẹp nhất.
Sau khi tốt nghiệp ra trường, tôi muốn tiếp tục học sau đại học thêm bốn năm. Tôi chọc giận ba lần thứ 2. Mẹ bật khóc. Nhà tôi vẫn bị cái nghèo bám riết trong khi tôi đang có trong tay cơ hội mở phòng mạch mưu sinh như các bạn. Tôi nghĩ nếu không giỏi mình có thể khiến bệnh nhân tử vong. Đến một lúc nào đó, lương tâm mình sẽ bị mòn dẹt. Thấy người ta chết, mình cũng không còn cảm xúc nữa. Như vậy là tội ác. Tôi suy nghĩ kỹ rồi về thuyết phục cho đến khi ba mẹ chấp nhận.
Trong số bệnh nhân của tôi có những cơ duyên rất dễ thương. Tôi đỡ đẻ cho người mẹ, mấy chục năm sau đỡ đẻ cho chính con gái của người mẹ đó. Song hành với những chuyện vui cũng có những chuyện đau lòng, đáng tiếc. Tôi nhớ mình từng hụt hẫng đến lặng người khi không cứu được một người mẹ bị ung thư thai trứng nặng. Chị mất để lại bốn năm đứa con nheo nhóc. Lần đầu tiên đỡ đẻ một đứa bé nhiễm chất độc da cam không có sọ, tôi bàng hoàng suốt.
Sau ngày 30-4-1975, tôi đem theo ba đứa con tình nguyện túc trực trong Bệnh viện Từ Dũ 24/24. Thời điểm đó chồng tôi đang tu nghiệp tại Pháp. Anh muốn đón mấy mẹ con sang đó định cư. Nhưng tôi nghĩ suốt thời gian học nghề y, tôi đã thực hành trên biết bao xác người Việt, giờ thành nghề lẽ nào lại đem toàn bộ kiến thức chữa bệnh cho người nước ngoài. Hơn nữa, ở đây dân mình còn đói khổ. Tôi không nỡ. Vợ chồng chia tay.
Bệnh viện Từ Dũ với tôi như một ngôi nhà, một người thân. Dù đã nghỉ hưu nhiều năm, nhưng tôi vẫn cảm thấy thân quen với từng góc nhà, từng khuôn mặt ở đó. Nơi đó tôi đã làm một bác sĩ sống bằng niềm đam mê đúng như mơ ước ngày trẻ của mình.
HÀ THANH ghi
Đam mê chỉ là yếu tố "cần"
TTO - Diễn đàn “Ngọn lửa đam mê” đang nhận được bài viết từ nhiều bạn đọc. Xin giới thiệu bài viết của bạn Thanh Thảo để các bạn cùng chia sẻ.
Có được một việc làm đúng với niềm đam mê là mong ước của nhiều người, nhưng thử hỏi có mấy ai đạt được niềm mong ước đó khi cuộc sống vốn... đâu dễ chiều lòng người. Với tôi, đam mê chỉ mang yếu tố "cần", chứ chưa phải là yếu tố quyết định, nhất là trong việc chọn ngành nghề, sự nghiệp...
Điều cốt lõi là khi bạn đam mê và quyết đeo đuổi một công việc nào đó, bạn cần bình tâm xác định liệu bạn có đủ năng khiếu, năng lực, học lực, điều kiện hay bản lĩnh không, nhất là niềm đam mê đó có nghiêm túc, đúng chủ đích..., hay chỉ là sự bồng bột, mơ ước viển vông.
Chị họ tôi ở Canada mơ trở thành một nhà quản lý trung tâm tài chính. Để rồi niềm đam mê đó nguội dần khi nhận ra không có năng khiếu về tài chính sau hai năm ngồi ghế giảng đường đại học. Vậy là chị làm lại từ đầu với ngành... khảo cổ học. Và sau hai năm học tập chị hớn hở báo với tôi đã tìm ra phần còn lại của đời mình. Cái ngành chị không hề nghĩ tới trước đây giờ là niềm đam mê số 1.
Câu hỏi đặt ra: việc làm và đam mê cái nào có trước? Tôi dẫn giải để "cảnh giác" các bạn trẻ đừng quá chủ quan với cái gọi là niềm đam mê. Thực tế không ít người đã thất bại, ngã gục vì sự đam mê lạc lõng, vô vị. Tôi có người chị là giáo viên cấp III. Chị bảo thời học cấp III chị mê tít nghề giáo viên. Dù học rất giỏi đủ sức vào ngoại thương, y dược... nhưng chị vẫn chọn sư phạm.
Giờ chị chán ngán vì đồng lương giáo viên không đủ sống; thấy tù túng vì sự hạn hẹp của nghề giáo, trong khi bản tính thích tranh đua chốn thương trường. Nhưng cái chính là chị thấy nó không hợp chút nào. Tôi hỏi sao ngày trước chị đam mê quá vậy, chị cười thổ lộ:" Đúng hơn là chị đam mê... thầy (người giờ là chồng chị)". Tiếc là chị không nhận ra sớm hơn và thay đổi con đường. Rõ ràng công việc và đam mê không hiểu cái nào có trước, mang tính quyết định. Nhưng không sao. Cái chính là chúng ta có mạnh dạn "chỉnh sửa" nó không.
Bạn Chử Bích Phương đã đúng vì đã nếm trải và nhận ra "chân tướng" của mình. Nhưng đâu phải ai cũng may mắn như thế. Còn biết bao người không thể thay đổi vì không có điều kiện, quyền hạn, thậm chí hoàn cảnh buộc phải sống trái ý mình. Cũng như biết bao người sai lầm, lỡ bước sa chân chỉ vì dấn thân cho niềm đam mê không định hướng.
Tóm lại, đam mê là cần thiết nhưng không là tất cả. Cũng như cái "thuở ban đầu" đó không thể là yếu tố quyết định, là kim chỉ nam, là định hướng bất di bất dịch. Đam mê cũng phải có tính toán, suy nghĩ, thực tế... Đừng sống dối lòng với niềm đam mê. Hãy nhận thức thật rõ niềm đam mê của mình.
THANH THẢO
Đam mê chắc gì làm cuộc sống tốt hơn?
TT - Diễn đàn “Ngọn lửa đam mê” đang nhận được bài viết từ các bạn. Xin giới thiệu bài viết của bạn Thiên Bình, tranh luận lại với các bài viết trên Nhịp sống trẻ vừa qua (bài tham gia diễn đàn xin gửi vềnhipsongtre@tuoitre.com.vn).
Người trẻ (kể cả người già) chắc ai cũng có đam mê. Nhưng để được sống với đam mê thì không phải là... chuyện nhỏ. Tôi chắc chắn 100% rằng những người trẻ vừa mới tốt nghiệp THPT đều mong muốn được vào đại học ngành mình lựa chọn, hay học một nghề nào đó mình yêu thích. Nhưng mấy ai trong số họ thực hiện được ước mơ sau 12 năm đèn sách?
Có rất nhiều lý do mà, theo tôi, những người trẻ không thể thực hiện được ước mơ của mình như: sức học, hoàn cảnh, điều kiện kinh tế gia đình, điều kiện địa lý...
Tôi biết ở nông thôn lượng người trẻ ước vọng sống thật với đam mê của mình nhiều lắm, nhưng tại sao hầu hết họ vẫn cứ luẩn quẩn quanh ruộng đồng hay làm công nhân ở các khu công nghiệp sau khi tốt nghiệp THPT. Như tôi đã nói ở trên, vì hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, sự tiếp cận về kiến thức không bằng người trẻ thành thị mà hầu hết họ đều từ bỏ đam mê để... được tồn tại (chứ không phải “sống”).
Tôi không phủ nhận sự can đảm của bạn Chử Bích Phương (“Không được học ngành yêu thích thì khổ cả đời” - Tuổi Trẻ 30-7), nhưng sao không thấy ai đặt câu hỏi để so sánh xem hoàn cảnh (cả về kinh tế gia đình) của bạn Phương với những người trẻ khác? Nói như TS tâm lý Trần Thị Giồng, “Thiếu đam mê, cuộc sống không còn thi vị” (Tuổi Trẻ 4-8).
Đúng, được sống và làm công việc mình yêu thích thì còn gì hạnh phúc bằng, điều cốt yếu là sự lựa chọn giữa sống thi vị hay sống có trách nhiệm với (trước hết là) gia đình mình, thế thôi.
Tôi không thể mua cho mình một chiếc máy ảnh chuyên nghiệp đắt tiền để theo đuổi ước mơ làm một nghệ sĩ nhiếp ảnh, trong khi ở quê cha mẹ còn đang lam lũ tảo tần lo cho đàn em ăn học. Tôi chỉ có thể thi vào cao đẳng sư phạm ở tỉnh nhà chứ không thể thi vào trường luật - ngành mà tôi yêu thích ở tận TP.HCM xa xôi vì hành trình đi thi là cả một quãng đường dài hàng trăm cây số, rồi chỗ ăn ở, chi phí đi lại là quá sức với một học sinh nhà nghèo rớt mồng tơi. Tôi muốn là ca sĩ vì đam mê ca hát từ bé nhưng giọng hát (được nhiều người nhận xét) chỉ tầm tầm giọng... karaoke...
Còn nhiều, nhiều đam mê và ước muốn như thế trong cuộc sống này, nhưng với những người trẻ có hoàn cảnh khó khăn hay chưa đủ thực tài thì được sống với đam mê liệu có ích gì? Muốn sống với đam mê, mọi thứ đều nên đặt lên bàn cân để tính toán, so đo thiệt hơn sao cho tròn chữ đạo, chữ hiếu và cả chữ năng lực (tới đâu), nếu không người trẻ dễ biến mình thành gánh nặng cho gia đình hay trò cười cho thiên hạ.
Vì vậy tôi nghĩ: cả tôi, cả bạn không thể sống với đam mê nếu hoàn cảnh gia đình không cho phép, hay đam mê đó không phù hợp với năng lực thật sự của mình. Ai cũng cứ khăng khăng đòi sống với đam mê trong khi thực tế, thực tài không cho phép nghĩa là đã tự biến mình thành người vô tâm, vô trách nhiệm với gia đình và cả xã hội.
Được sống với đam mê có lẽ cuộc sống sẽ rất thi vị nhưng đâu phải ai cũng chỉ cứ có ước mơ, có đam mê là đạt được điều mong muốn!
Chăm chắm đuổi theo đam mê là ích kỷ?
TT - Ngay từ nhỏ tôi đã mơ ước trở thành bộ đội. Nhưng ba năm liên tục thi vào trường quân sự, tôi đều thiếu điểm và trượt. Tôi chán nản nộp nguyện vọng 2 vào một trường ở tỉnh lẻ. Học được chừng một năm tôi phải thi lại và học lại nhiều môn.
Còn nhớ ngày tôi bỏ học về nhà ôn thi, mẹ chỉ khóc, còn bố nói một câu: “Con đã là một chàng trai trưởng thành, đủ để biết nên và không nên làm gì”. Tôi thật lòng rất ân hận, càng thấy mình sao kém cỏi quá, có mỗi niềm đam mê mà vẫn không đủ khả năng chinh phục.
Sau đó tôi thi lại đại học ngành cơ khí và đỗ. Cái sai của tôi cũng bắt đầu từ đó. Tôi luôn tự cho rằng do đang phải học cái nghề mình không thích thì không cần phấn đấu, nên cứ “ai hơn mình kém mặc kệ”. Phải ngồi chung giảng đường với những em nhỏ tuổi hơn mình, tôi thấy thua họ rất nhiều thứ nên càng tự ti hơn.
Cứ thế tôi tiếp tục lý tưởng hóa những sở thích, đam mê của mình. Để rồi tôi ân hận, giá như mình đừng viển vông, đừng quá mơ mộng thì bố mẹ sẽ đỡ khổ hơn.
Nhưng có đôi lúc soi lại mình, tôi vẫn thèm trở thành một sĩ quan. Nhưng đúng là ước mơ không chiều lòng người. Tôi đã không thể vượt lên được bức tường đam mê. Tôi không đủ năng lực và phải chấp nhận thất bại trước đam mê của mình.
Thường thì khi không được thỏa mãn niềm đam mê của mình, nhiều người lại đổ lỗi là tại bố mẹ bắt ép, do điều kiện gia đình và rất nhiều lý do khác. Còn tôi, tôi đã ích kỷ theo đuổi đam mê mấy năm không được (dù kinh tế gia đình thiếu thốn nhưng bố mẹ vẫn cắn răng cho tôi đi theo con đường mình đã lựa chọn). Vì năng lực có hạn, tôi đành lỡ hẹn với ước mơ.
Tôi không còn nghĩ nhiều đến niềm đam mê xa xưa của mình nữa. Trước mắt của tôi lúc này là phải bù đắp lại niềm tin cho bố mẹ. Bố mẹ đã đặt kỳ vọng vào tôi. Ngày tôi nhận bằng tốt nghiệp, bố rưng rưng nước mắt. Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy bố khóc. Bố hạnh phúc vì tôi đã có một cái nghề trong tay, có thể tự lo cho bản thân. Qua câu chuyện của mình, tôi chỉ khuyên các bạn trẻ đừng vì những đam mê viển vông mà làm phụ lòng bố mẹ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét