Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2011

Lưu manh trong các giá trị

Lưu manh trong các giá trị
Văn đàn Trung Quốc đã tranh cãi về khái niệm “văn học lưu manh” suốt gần hai thập kỷ qua. Có người cho rằng đó là tác phẩm của những kẻ lưu manh khoác áo nhà văn. Người khác cho rằng đó là lối thoát của những cơn trầm uất của xã hội, khi văn học, lý tưởng, đạo đức xã hội, giá trị nhân văn phải đối diện với hiện thực trần trụi, mất đi lớp vỏ mỹ miều của những khái niệm cao quý ấy.
Lưu manh ngày xưa là những kẻ khố rách áo ôm, tính cách đê tiện, ăn mặc rách nát chửi bới tục tĩu trên phố, không đếm xỉa liêm sỉ. Lưu manh ngày nay lại là những kẻ quần chùng áo dài, đeo cà vạt, mang mác trí thức, gặp nhau bắt tay chào cười lịch thiệp và tự tin, thốt ra toàn lời hoa mỹ.
Như thế, khái niệm lưu manh từ chỗ tụt quần áo trần truồng và xả ra ngôn từ rác rưởi, dễ bị nhận diện, đã trở thành lưu manh trong lý tưởng, lối sống, và kinh khủng hơn là lưu manh trong các giá trị, ví dụ như: thưởng thức nghệ thuật xong sẽ đưa ra các lời bình luận thấp kém, phản bác, công kích nghệ sĩ; ngắm tượng Vệ Nữ xong chỉ phát hiện nàng này không mặc quần lót; gặp một cô giáo quên mình cứu học sinh thì chỉ nghĩ giá như cô giáo này làm điếm sẽ kiếm được nhiều tiền hơn; nhìn xã hội phong kiến chỉ thấy niềm vui sướng được ngủ với hàng đàn mỹ nữ mà không bị pháp luật sờ gáy; sống ích kỷ với thú vui bản thân bất chấp đạo đức xã hội lại được coi như đi tìm kiếm cái tôi đích thực, cái tôi cô đơn, khác biệt...
Từ điển văn học online của Trung Quốc đưa ra một định nghĩa, theo đó, văn học lưu manh gần như buộc phải có hai thành tố cốt lõi là sex và báng bổ.
Văn học lưu manh được đông đảo độc giả và nhà phê bình quan tâm, là bởi mỗi tác phẩm đều kéo theo sau nó rất nhiều lời phê phán lẫn tung hô của nhiều hạng người khác nhau trong xã hội. 
TRANG HẠ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét