Thứ Hai, 27/06/2011, 08:37 (GMT+7)
Thanh niên thất nghiệp “đánh bóng đường làng”
TT - Khi cơn lốc đô thị hóa tràn về các vùng quê ven Hà Nội, bỗng chốc làng hóa phố. Sau chiếc cổng làng, thôn xóm yên ả ngày nào bỗng dưng nhộn nhịp, xuất hiện đường rộng, nhà cao, xe đẹp... Nhưng phía sau sự hào nhoáng đó bộn bề bao nỗi lo.
Khi các công trình xây dựng khổng lồ ồ ạt kéo về, con đường dẫn vào thôn Mễ Trì Hạ, Mễ Trì Thượng (xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm) vốn lổn nhổn ổ gà và lầy lội được thay bằng đường tráng nhựa bằng phẳng. Cánh đồng Đất Mạ với ruộng lúa bạt ngàn trước đây giờ mọc lên Trung tâm Hội nghị quốc gia và Bảo tàng Hà Nội to cao sừng sững.
Khu Đằng Ải ngày trước trù phú với cơ man ngô, khoai đã hóa thành đại lộ Thăng Long thênh thang. Những cánh đồng Nua, Cổng Kê, Gò Chùa, Bồ Quân, Đồng Vẻ, Đồng Kè ở xã Mỹ Đình (huyện Từ Liêm) cùng biến mất, nhường chỗ cho các công trình xây dựng.
Hai mặt sáng - tối
Sau khi 6 sào ruộng bị thu hồi, nhà Hà - một cô gái ở thôn Mễ Trì Thượng - bỗng dưng thất nghiệp, cả gia đình sáu nhân khẩu tự loay hoay kiếm kế sinh nhai. Bố mẹ Hà chạy chợ, còn cậu em trai vào tận tỉnh Bình Dương làm cho xưởng cơ khí của người bà con. Phần Hà sắm cho mình bộ đồ nghề rồi căng bạt cắm chốt trước công trình xây dựng đầu làng bán trà đá.
Trong khi đó, nhiều gia đình trước đây sớm hôm lam lũ với ruộng đồng bỗng chốc đổi đời nhờ tiền đền bù hay bán đất ao, đất vườn. Dọc các con đường làng ở các thôn Mễ Trì Thượng, Mễ Trì Hạ, Phú Đô, Nhân Mỹ, Đình Thôn... nhẩm tính số biệt thự mọc lên cũng phải đến hàng trăm.
Ở làng Mễ Trì Thượng, từ lúc con đường bên hông Bảo tàng Hà Nội cắt ngang qua làng, gần 200m2 đất ao nhà ông T. bỗng hóa giá thành tiền tỉ. Khi có nhiều tiền nhờ bán đất, ông xây tòa nhà bốn tầng hoành tráng, chi tiền cho đứa con trai út tên L. tiêu xài thoải mái. Được bố mẹ nuông chiều, đang học lớp 11 L. bỏ học giữa chừng, suốt ngày cưỡi trên con xe tay ga SH mới cáu chỉ ăn với chơi. Lịch sinh hoạt thường nhật của cậu quý tử này là tối tụ tập cùng đám bạn đi cà phê, quán bar, đi nhậu; chiều đi chơi game, còn suốt buổi sáng thì... vùi mình ngủ.
Cùng thôn ông T., nhà ông S. cũng thu về gần 5 tỉ đồng tiền bán đất gần khu Trung Văn, sau khi có dự án đường Lê Văn Lương kéo dài chạy qua đây. Có tiền ông S. xây dãy phòng trọ cho thuê, cộng với tiền lãi suất nhờ gửi tiết kiệm hai vợ chồng ông cùng ba người con không phải làm gì thêm. Hai người con trai ông S. là H. và V. học hết cấp III chẳng có nghề ngỗng gì, cũng sắm hai chiếc xe tay ga đắt tiền suốt ngày... đánh bóng đường làng.
Nhậu nhẹt, hát hò và game online
Từ lâu dãy quán nước đối diện sân vận động Mỹ Đình trở thành nơi tụ họp chè chén buôn chuyện, chơi bài ba cây ăn tiền của đám thanh niên nhàn rỗi ở các làng lân cận Nhân Mỹ, Đình Thôn, Phú Mỹ, Tân Mỹ. “Hầu như sáng nào tụi nó cũng tụ tập ở đây, sau đó kéo nhau cả lũ đi đâu đó, chiều tối lại quay về chè chén đánh bài” - ông Rai hành nghề xe ôm cạnh đó cho biết.
Trong lúc đó, gần hai năm nay dọc con đường khu Cổng Mộc (phía sau Bảo tàng Hà Nội) trở thành “điểm hẹn” của thanh niên làng Mễ Trì. Đường làng chạy dọc giữa hai vùng ao rau muống xưa kia nay biến thành “khu liên hợp ăn chơi” với hàng chục quán nhậu, cà phê, karaoke. Mỗi tối cả trăm thanh niên làng tụ tập nhậu nhẹt, hát hò từ chập tối cho tới khuya.
Bà Hồng - bán tạp hóa đầu gốc đa, đối diện chợ Mễ Trì - than thở: “Ngày xưa thanh niên trong làng chỉ quen làm đồng, làm ruộng, giờ hết ruộng suốt ngày chỉ quanh quẩn hết lê la quán nước chơi lô, chơi đề đến vùi đầu trong các quán Internet cày game”.
Còn chị Hương (chủ quán cà phê The One) ở đường Lê Đức Thọ, cư dân làng Phú Đô, cho hay từ khi khu này trở nên sầm uất, dân các nơi kéo về sinh sống, buôn bán, còn thanh niên trong làng sa vào mấy trò lô đề, cờ bạc, hút chích khiến làng xóm đang yên bình trở nên nhộn nhạo. Không việc làm là tình trạng phổ biến trong thanh niên ở đây.
Bài toán học nghề, việc làm
Nhiều chính sách hỗ trợ cho thanh niên vùng ven đô đã được các cơ quan chức năng triển khai, tuy nhiên bài toán thật sự hiệu quả về nghề nghiệp, việc làm cho nhóm đối tượng này vẫn chưa được giải đến nơi đến chốn.
Trong năm 2011, chỉ riêng Thành đoàn Hà Nội được cấp 5 tỉ đồng, thêm 3,7 tỉ đồng nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương Đoàn phân bổ về các huyện cho thanh niên vay vốn phát triển kinh tế. Các huyện có diện tích đất thu hồi cũng dành riêng quỹ hỗ trợ học nghề miễn phí thanh niên vùng ven đô, tuy nhiên đến nay các nguồn trên vẫn chưa thật sự phát huy hiệu quả.
Trưởng Ban thanh niên nông thôn (Thành đoàn Hà Nội) Nguyễn Đình Trung cho biết việc hỗ trợ chưa hiệu quả là do một mặt thanh niên nông thôn chưa thích nghi với đời sống đô thị, không thích học nghề mà chỉ thích làm những công việc “tiền tươi thóc thật”, được trả công hoặc kiếm lời ngay như làm thuê hoặc mở quán bán buôn nhỏ.
Mặt khác, đó là việc đào tạo nghề hiện nay chưa sát với thực tế, dạy theo kiểu... chỉ để biết. “Vẻn vẹn ba tháng đến một năm để học nghề là quá ngắn, lao động chưa đủ trình độ để có thể mưu sinh hay tách ra làm riêng”, ông Trung nói.
Bà Nguyễn Ngọc Trinh - phó giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên Hà Nội - cho biết: tính ổn định của lao động nông thôn trong công việc rất thấp, mỗi năm có 3.500 lao động tìm được việc qua Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên Hà Nội, tuy nhiên gần nửa số này bỏ việc giữa chừng.
“Bài toán việc làm cho thanh niên ven đô đang rơi vào vòng luẩn quẩn đầy mâu thuẫn - rất nhiều lao động chưa có việc làm, trong lúc nhiều việc lại đang trong tình trạng thiếu lao động giỏi”, bà Trinh cho hay.
Đô thị hóa và những vấn nạn theo sau nó như người dân mất đất sản xuất, thanh niên không có nghề và thiếu việc làm dẫn đến các hành vi xã hội tiêu cực như ăn chơi, phạm tội và nguồn nhân lực không được khai thác, đào tạo để bị lãng phí... là điều không mới. Nhà nước cũng có chính sách cho người dân - nhất là thanh niên - học nghề, tạo việc làm nhưng trên thực tế việc thực hiện các chính sách này chưa tốt.
Để đô thị hóa thành công và người dân có đời sống ổn định, xã hội phát triển bền vững, một mặt Nhà nước cần giám sát thực thi chính sách dạy nghề, tạo việc làm cho người dân thật tốt; một mặt nâng cao dân trí, hướng dẫn hoặc làm cho người dân biết tự hoạch định đời sống, việc làm cho mình để họ cùng song hành với quá trình phát triển.
Thất nghiệp còn lớn
Theo thống kê mới đây của Cục Thống kê Hà Nội, mỗi năm thành phố có 180.000-200.000 lao động chưa có việc làm, trong đó cụ thể số người từ 15 tuổi trở nên thất nghiệp trong năm 2010 là 109.000 người, dự báo trong năm 2011 tăng lên khoảng 111.000 người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét