Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2011

“Tẩm độc” cốm làng Vòng

“Tẩm độc” cốm làng Vòng
Thứ Bảy, 29/10/2011 21:42

Cốm xanh là một trong những đặc sản của Hà Nội được nhiều người yêu thích bởi hương vị hấp dẫn. Nhưng thông tin phát hiện hóa chất độc hại trong cốm làng Vòng (Hà Nội) gây lo lắng cho những người quan tâm đến món ăn đặc sản này

Bày tỏ sự bất bình về việc cốm làng Vòng nhuộm chất malachite green, PGS-TS Nguyễn Tử Cương, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Dịch vụ thủy sản Việt Nam, nói: “Hóa chất này cực độc ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đặc biệt là phụ nữ. Vì vậy, nó đã bị cấm sử dụng và được kiểm tra nghiêm ngặt về dư lượng có trong thực phẩm ở nhiều nước trên thế giới”.

Chất cực độc gây ung thư

Với 2 mẫu cốm đã được xét nghiệm, ông Nguyễn Tử Cương cho biết thêm: Hàm lượng malachite green phân tích được trong 2  mẫu cốm là 5,9 mg/kg và 1,5 mg/kg, tức là đã ở mức cực độc, cao gấp hàng chục ngàn lần giới hạn cho phép ở một số nước châu Âu. Nếu sử dụng thường xuyên, chất độc này sẽ tác động xấu tới sức khỏe con người. 

Theo ông Nguyễn Tử Cương, trước đây, khi phát hiện khả năng kháng khuẩn cực mạnh của hóa chất này, người ta thường sử dụng nó để trị các bệnh ngoài da: nấm, lở loét cho cả người và gia súc, gia cầm. Đặc biệt, những người nuôi trồng thủy sản thường dùng malachite green xử lý nước, phòng trị các bệnh nấm ngoài da và ký sinh trùng cho cá.

Tuy nhiên, từ năm 2003, Liên hiệp châu Âu đã cấm sử dụng và tại Việt Nam, chất này đã bị đưa vào danh mục hóa chất, kháng sinh bị cấm trong sản xuất, kinh doanh thủy sản do gây nguy hiểm đối với sức khỏe người sử dụng như có thể gây rối loạn chuyển hóa, tổn thương chức năng gan, thận...
“Hiện hóa chất này chỉ được dùng trong công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp dệt vải với vai trò là thuốc nhuộm” - ông Cương khẳng định.

Khó phân biệt

Phân tích lý do người kinh doanh sử dụng hóa chất cấm tạo màu cho cốm, PGS-TS Phạm Công Thành, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), cho rằng bản thân cốm không thể có màu xanh đậm như mọi người thường nghĩ. Để sản phẩm bắt mắt hơn, người ta thường tạo màu bằng cách dùng phụ gia thực phẩm nhân tạo hoặc màu tự nhiên.

“Với những sản phẩm sử dụng phẩm màu tự nhiên, người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm. Nhưng với các loại hóa chất, nhất là hóa chất cấm, dùng ít vẫn nguy hại cho người. Ngay cả những chất nằm trong danh mục cho phép thì vẫn có liều lượng, hàm lượng theo quy định chứ chưa nói gì đến những hóa chất cấm như malachite green” - ông Thành lo ngại.

Thế nhưng, làm thế nào để phân biệt loại cốm nhuộm hóa chất độc hại với sản phẩm cốm dùng màu tự nhiên, giới chuyên môn đều cho rằng rất khó. Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, cho biết chất cấm đó ở dạng bột, người sản xuất thường pha loãng với nước phun đều lên bề mặt để cốm có màu xanh đẹp và đều. Vì thế, người mua rất khó phân biệt bằng mắt thường.

Trước sự cố 2 mẫu cốm làng Vòng bị phát hiện có tẩm hóa chất độc, ông Cường cho biết đã chỉ đạo phòng y tế các địa phương chủ động kiểm tra bằng cách kiểm tra (test) nhanh để xác định định tính, trường hợp nghi ngờ có phẩm màu công nghiệp thì sẽ niêm phong sản phẩm và tiếp tục kiểm nghiệm về hóa chất độc hại.

Cốm tự nhiên không xanh

Với thâm niên hàng chục năm làm nghề cốm, bà Nguyễn Thị Rừng, ở xã Mễ Trì Thượng, huyện Từ Liêm - Hà Nội, cho biết: Thông thường, hạt cốm không thể có màu xanh đậm như mọi người vẫn gọi là “xanh cốm”. Để hạt cốm trông mềm, mượt, bắt mắt và xanh hơn, người ta thường dùng nước lọc từ lá dong riềng hoặc lá lúa non để phun lên. Cốm có màu vàng xanh thường là loại cốm tự nhiên, không nhuộm màu, còn cốm có màu xanh đậm thường có sử dụng phẩm màu.

Bài và ảnh: Ngọc Dung (Người Lao Động)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét