Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2011

Giáo viên mầm non sẵn sàng... nhảy!

Thứ Bảy, 29/10/2011, 05:57 (GMT+7)
Giáo viên mầm non sẵn sàng... nhảy!

TT - Giáo viên mầm non sẵn sàng bỏ nghề đi làm tạp vụ trong nhà hàng, khách sạn, nhân viên văn phòng, bán hàng, thậm chí... tiếp thị bia, mở quán ăn đang là một thực trạng đáng buồn đối với ngành giáo dục.


 Nhiều trường mầm non công lập luôn đau đầu tìm người thay thế khi giáo viên đột ngột bỏ ngang 
Đinh Hoàng Vân (sinh năm 1987) tốt nghiệp ngành mầm non Trường cao đẳng Sư phạm trung ương TP.HCM cách đây hai năm. Có năng lực, vốn tiếng Anh tốt, năng động và nhiều tài lẻ, Vân không chọn trường công mà đầu quân về một trường tư thục lớn ở Q.6 với mức lương trên 3 triệu đồng/tháng cùng nhiều đãi ngộ. Sau hai năm, phát hiện mình không thể gắn bó với nghề, chị bỏ ngang và chuyển sang học văn bằng hai ngành dược với mong muốn đổi nghề.

“Dứt áo ra đi”, vì đâu?

Hàng trăm giáo viên nghỉ việc

Tại TP.HCM, năm học vừa qua có 422 cán bộ quản lý, giáo viên, bảo mẫu, nhân viên các trường mầm non công lập nghỉ việc. Trong đó có bảy cán bộ quản lý, 236 giáo viên và 179 cán bộ công nhân viên ở trường mầm non công lập xin nghỉ việc.

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, sở dĩ tình trạng thiếu cán bộ quản lý và giáo viên làm việc trong ngành mầm non cùng sự “ra đi” của hơn 400 cán bộ, giáo viên là do thu nhập thấp (tổng thu nhập 1,8-2,4 triệu đồng/người/tháng), thời gian lao động dài hơn 12 giờ/ngày (từ 6g30-18g), cường độ lao động quá tải (sĩ số cao, công việc phức tạp), hoàn cảnh gia đình khó khăn...

Vân tâm sự: “Cũng đồng lương đó, người ta làm 8 giờ/ngày, còn giáo viên mầm non phải làm 12 giờ, tối về còn chuẩn bị học cụ cho buổi dạy hôm sau. Công việc chuyên môn đòi hỏi quá nhiều, chiếm hầu hết thời gian. Tôi rất tiếc quãng thời gian mấy năm vừa rồi khi chọn không đúng nghề”.

Theo Vân, khoảng 50% bạn bè cùng lớp với chị đã chuyển sang nghề khác, nhất là những bạn đã lập gia đình thì không ai bám trụ với nghề giáo viên mầm non được nữa. Vân nói: “Những giáo viên mới ra trường như chúng tôi rất hụt hẫng vì trong quá trình thực tập, giáo sinh chỉ đứng xem là chủ yếu, còn ra trường phải đứng lớp, chịu trách nhiệm lớn với hàng chục đứa trẻ nên phải yêu nghề và lăn lộn, kiên trì lắm mới có thể trụ được”.

Trong khi đó, khá nhiều giáo viên mầm non ở trường công nghỉ việc chuyển sang làm việc tại trường tư có thu nhập cao hơn. Nhưng ngay cả ở các trường tư thục có thu nhập cao hơn trường công lập, tình trạng giáo viên bỏ ngang cũng rất phổ biến.

Một hiệu trưởng trường mầm non tư thục tại quận Tân Bình (TP.HCM) chua xót kể: “Có giáo viên của tôi bỏ ngang, đi làm nhân viên văn phòng lương 4 triệu đồng/tháng, trong khi ở trường mầm non cô được lo ăn sáng ăn trưa, nghỉ thứ bảy, chủ nhật và ngoài lương 3 triệu đồng còn có phụ cấp, phúc lợi đầy đủ. Có người đã bỏ nghề mầm non vì quá vất vả rồi chuyển sang làm tiếp thị bia cho một công ty với chỉ tiêu được giao hằng ngày hết sức căng thẳng”.

Bà Đỗ Kim Lệ, chủ Trường mầm non Thiên Thần Nhỏ (huyện Nhà Bè), khẳng định: “Nỗi lo thường trực của các trường mầm non là nguồn giáo viên không ổn định. Nhiều cô được trường cử đi học nâng cao nhưng học xong lại chuyển sang trường khác có thu nhập cao hơn. Số giáo viên ở trường thay đổi hằng năm và suốt năm năm qua chỉ có một giáo viên và hai bảo mẫu là vẫn làm việc ở trường kể từ ngày thành lập. Còn lại có những giáo viên làm vài tháng đã đi”. Ở trường này khi có giáo viên đột ngột nghỉ việc, hiệu trưởng, hiệu phó cũng phải đứng lớp trong khi chờ tuyển người mới.

Hiệu trưởng kêu trời

Ông Ngô Ngọc Luyến, chủ hệ thống Trường mầm non Nam Mỹ (Q.7), cho biết số giáo viên xin nghỉ, xin chuyển đi trong hệ thống này thường chiếm tới 40% số giáo viên được tuyển dụng, trong đó khoảng 10% chuyển hẳn sang ngành nghề khác. Nguyên nhân nghỉ việc mà ban giám hiệu nhận được rất phong phú: về quê lấy chồng, chuyển nghề khác thu nhập cao hơn, cảm thấy không thích hợp với nghề...

Trong khi đó, “ngày càng nhiều trường tư thục mở ra nên nhu cầu nhân sự rất lớn. Có trường phải nhờ “cò” về các tỉnh kiếm giáo viên, bảo mẫu” - một hiệu trưởng trường mầm non tư thục cho biết. Theo hiệu trưởng này, có giáo viên gọi điện vào số của hiệu trưởng để hỏi vì sao nộp hồ sơ gần hai tháng mà trường vẫn chưa tuyển dụng và dọa kiện nhà trường, có cô nghỉ ngang nhưng vẫn dọa kiện nếu trường không giải quyết chế độ bảo hiểm trong một tuần.

Trước thực tế này, một cán bộ phụ trách mầm non ở Phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp, từng nhiều năm làm hiệu trưởng trường mầm non công lập, chia sẻ: “Phải dùng tình cảm để giữ giáo viên, thông cảm, chia sẻ với họ, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của họ thì công việc mới bền. Nếu không có niềm tin ở ban giám hiệu, giáo viên dễ nhảy sang những nơi lương cao hơn. Công việc vất vả, cực nhọc nên họ cũng mong mỏi quyền lợi và sự động viên. Theo kinh nghiệm của tôi, không chỉ là lương mà giáo viên thường bỏ đi khi không được chia sẻ”.

Hiệu trưởng một trường mầm non khác cũng thừa nhận: “Sự quan tâm, chia sẻ lúc khó khăn tuy nhỏ nhưng tiền bạc không thể nào sánh được. Có nhiều giáo viên rất giỏi, vừa giỏi chuyên môn, nhạc họa và tiếng Anh trôi chảy, nhận được nhiều lời mời với mức lương hấp dẫn từ trường khác, nhưng vẫn không bỏ học sinh nếu họ tin tưởng và quý mến nhà trường, đồng nghiệp”.

LƯU TRANG (Tuổi Trẻ)

Lương Giáo Viên
29/10/2011 9:37:14 CH
Không chỉ GV mầm non chịu nhiều áp lực của công việc mà ngay GV dạy THPT cũng vậy. Có rất nhiều việc mà bộ giáo dục yêu cầu GV phải làm trong khi lương thì vài đồng chả đủ sống, thử hỏi ai dám gắn bó với một nghề mà không nuôi sống nổi bản thân. Trong thời gian sắp tới nếu cơ chế không thay đổi thì sẽ tới GV THPT nghỉ dạy hàng loạt bây giờ. NGUYỄN TUẤN PHONG

Chắc cho vợ bỏ nghề.
29/10/2011 8:36:35 CH
Vợ tôi trước đây cũng làm GVMN, vừa nghỉ sinh em bé xong giờ tính đi dạy lại. Tình hình thế này chắc để vợ ở nhà giử con khỏe hơn hoặc làm việc khác nhàn hơn. VĂN TRUNG

Nghề cao quý
29/10/2011 8:01:23 CH
Đúng là nghề giáo là nghề cao quý trong những nghề cao quý.Lương tháng không bằng tâm.Vâng tôi là một thầy giáo sống nơi đầu biên giới cuộc sống rất khó khăn, nhưng thương những HS nghèo mà đeo bám 21 năm. Nhiều lần suy nghĩ muốn tìm công việc mới cho đở vất vả,cũng vì các em thôi thì...Ngành giáo dục hiện nay nhiều công việc dồn hết cho giáo viên nào là BVMT, KNS, TKNL... không lẽ ngày sưa chúng tôi không dược học chắc là không biết sao?Tôi nghĩ vài năm nữa bộ não của trẻ sẽ to gấp rưỡi bây giờ (như người ngoài hánh tinh) vậy mới đủ chứa lượng kiến thức.

Trong khi đó đồng lương chạy bước đuổi với vật giá....Còn nữa ngành yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin vậy mà mỗi tháng nhận giấy bút soạn bài tới 5000đồng. Còn ai có công tác 20 năm nhận kỉ niệm chương tới 200.000đồng còn thua xa một đề tài sáng kiến kinh nghiệm đạt giải A cấp huyện chỉ nghiên cứu vái ngày.

Vậy thử hỏi có vô lí không? Mấy mươi năm cống hiến lại thua một đứa HS bỏ học lớp 5 ngày nào, giờ em làm tại công ty TPHCM mỗi tháng gần 10 triệu chưa kể tiền thưởng cuối năm. Buồn thật thôi thì...... NGUYEN VAN DAC

Rất cực và rất khổ
29/10/2011 7:38:49 CH
Em tôi là GVMN ra trường được 2 năm hiện đang giảng dạy tại trường nông thôn.buổi sáng 6h30 phải có mặt ở trường về tới nhà lúc 18h.cơm nước, giặt giũ đến 19h30, bắt tay vào soạn giáo án, làm dụng cụ cho tiết dạy ngày mai đến 24h khuya.( hôm nào có thanh tra thì khỏi ngủ)

Xin nói thêm để có vật liệu làm dụng cụ em tôi phải bỏ tiền túi ra mua, lương 1 triệu rưõi/tháng.Tiền xăng, tiền mua nguyên vật liệu, làm đồ dùng đồ chơi cho cháu còn lại bao nhiêu? Câu trả lời xin dành cho Bộ giáo dục. HUY BINH

Hãy bắt đầu thay đổi tư duy!
29/10/2011 7:09:25 CH
GV không phải không yêu nghề nhưng với đồng lương không đủ nuôi sống bản thân mình thì họ phải làm gì? Tôi không trách những người bỏ ngành vì họ còn phải lo cho bản thân và gia đình mình. Nên có một quy định riêng về lương của GV.

Hiện nay, từ mẫu giáo đến ĐH lương của GV không tương xứng với những gì họ bỏ công sức ra (Đặc biệt là ĐH). Chúng ta luôn đặt giáo dục là quốc sách hàng đầu trong khi GV không thể sống bằng nghề của mình thì ta nên xem lại GD đã được đặt lên vị trí hàng đầu chưa. Chuyện này cứ nhắc đi nhắc lại nhưng Bộ GD không có sự tác động đến hay là chúng ta đợi khi nào cả nước không còn ai theo ngành GD nữa thì mới thay đổi. Hãy bỏ quan điểm nhà giáo phải hy sinh vì sự nghiệp giáo dục và sống nghèo mới thanh cao. Điều đó đúng nhưng hiện nay đây là sự không công bằng. Họ đang sống dưới cả cái nghèo và không lo nổi cho bản thân họ chứ đừng nói đến chuyện lập gia đình. ĐỨC TÀI

Tình hình chung
29/10/2011 5:57:27 CH
Không chỉ riêng giáoviên mầm non lương thấp mà cực, bản thân hai vợ chồng tôi cũng là giáo viên THPT nhưng thu nhập cũng bèo lắm, hai người không tới 5 triệu trên 1 tháng, với chí phí đắt đỏ hiện nay thì hai vợ chồng một đứa con số tiền đó không đủ để trang trải, trước đây lúc tôi mới ra trường hệ số chưa lên, lương cũng vậy mà một tháng lương của tôi vẫn mua hơn một chỉ vàng. Bây giờ lương và hệ số tôi đều lên cộng thêm lương vợ tôi nữa mua cũng được hơn 1 chỉ vàng…. Khổ lắm giáo viên. MINH HIỆP

Giáo viên Mầm non
29/10/2011 5:34:00 CH
Tôi cũng đồng ý với là giáo viên mầm non vất vả mà lương thấp. Nhưng chỉ ở các địa phương thôi, đặc biệt là vùng nông thôn. Còn ở thành phố thì khác, chẳng hạn ở Hà nội mỗi cháu đi học mầm non học phí mỗi tháng 2 -3 triệu đồng chưa tính đến khoản phong bì của phụ huynh. Vậy tiền đi đâu ? NGUYỄN PHÚC LỢI

Nỗi khổ giáo viên mầm non
29/10/2011 4:51:09 CH
Thật sự nếu tôi có thể kiếm được việc khác cho dù là lương thấp hơn tôi sẽ cho vợ  nghỈ ngay vì ngành này quá khổ, giáo viên mầm non phải kiêm quá nhiều thứ NGUYỄN HOÀNG SƠN

Vợ tôi là GVMN
29/10/2011 11:35:24 SA
Tôi thấy nghề GVMN rất cực, vợ tôi trước 6g sáng là đã đi làm, không khi nào về trước 18g chiều . Đêm nào cũng thức soạn bài, làm giáo cụ.Những lúc trường có đoàn thanh tra kiểm tra về thì coi như đêm hôm ấy vợ tôi không ngủ.Lương 1 tháng được 2,2 triệu.Ngán ngẩm! PHÚC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét