Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 25 tháng 4, 2011

Xem phim ĐƯỜNG SƠN ĐẠI ĐỊA CHẤN

Các bạn đến sinh hoạt tại Funny Home Club đã được xem phim Đường Sơn đại địa chấn. Ai cũng khen hay, và khóc nức nở vì cảm động. Đây là bài viết của cô Kim đã đăng trên báo Giác Ngộ, cũng được độc giả khen ngợi. Xin mời các bạn xem nhé.



ĐỊA CHẤN TỪ TRÁI TIM
DIỆU KIM
            
Bộ phim Đường Sơn đại địa chấn (Trung Quốc) đang làm xôn xao thế giới, và riêng ở Việt Nam nó cũng gây chấn động rất lớn. Đạo diễn Phùng Tiểu Cương quả xứng đáng là một tên tuổi lớn khi dám chọn một đề tài không có gì để khoe hình ảnh, người đẹp. Một ký ức đau thương đã được khắc họa với những cay đắng lẫn ngọt ngào… Ở đây, chúng tôi sẽ nhìn bộ phim dưới con mắt Phật học, để rút ra những chiêm nghiệm từ lời Phật dạy.

MỘT GIỌT MÁU ĐÀO
Trận động đất tại thành phố Đường Sơn năm 1976 khiến 240.000 người chết, gây thương vong cao nhất trong thế kỷ 20. Và năm 2008 Tứ Xuyên lại gặp thảm họa tương tự. Chính quyền thành phố Đường Sơn dã đề nghị đạo diễn Phùng Tiểu Cương thực hiện một bộ phim ghi lại nỗi đau này. Aftershock (Đường Sơn đại địa chấn) ra đời vào mùa hè 2010. Trên khung hình đầu tiên là những cảnh sống thanh bình của những người dân với cha mẹ, vợ chồng, con cái trong ngôi nhà hạnh phúc của họ tại Đường Sơn. Nhưng chỉ 23 giây thôi, trong đêm đen, trận động đất lướt qua, biến mọi thứ thành hoang tàn, đẫm máu.
            
Bà mẹ Lý Nguyên Ni có hai đứa con sinh đôi là Phương Đăng (chị) và Phương Đạt (em trai) mới 7 tuổi bị vùi trong đống đổ nát. Đội cứu hộ đến, nhưng chỉ có thể cứu được một đứa vì chúng cùng bị kênh dưới tấm gạch, nâng đầu này lên thì đầu kia phải đè xuống, giết chết đứa kia. Bà mẹ quyết định cứu đứa con trai. Chính câu nói của bà làm đứa con gái chấn động tâm lý. Mọi người đều nghĩ rằng Phương Đăng đã chết, đành phải di tản đi xa, bỏ lại em nằm giữa hỗn loạn thây người. Không ngờ em tỉnh dậy và được một đôi vợ chồng bác sĩ quân y đem về nuôi dưỡng, hết mực thương yêu.
            
Nhưng ám ảnh tuổi thơ vẫn không nguôi ngoai, và Phương Đăng vẫn căm giận mẹ. Cô đâu biết rằng mẹ cô cũng đau lòng và mặc cảm tội lỗi, nên bà trở lại Đường Sơn sống bươn chải nuôi đứa con trai trưởng thành. Bà chối bỏ hết những cơ hội hôn nhân cũng như điều kiện sống sung túc hơn dù con trai đã trở nên giàu có, hết lòng phụng dưỡng. 32 năm, mẹ và con gái sống trong ám ảnh, dày vò, đau khổ.

Đến khi Phương Đăng tham gia chuyến cứu hộ động đất tại Tứ Xuyên năm 2008, chứng kiến cảnh người mẹ hy sinh đứa con, cô mới hiểu được nỗi lòng mẹ mình. Và oan trái chỉ hoàn toàn giải hết khi hai mẹ con trùng phùng, cô thấy mẹ vẫn giữ những kỷ vật của cô từ hồi tấm bé. Tình thương mãi mãi là tình thương, một giọt máu đào vẫn khiến người ta phải quay quắt tìm về và thấu hiểu lẫn nhau.

NGHIỆP QUẢ
            Bộ phim làm đau đớn trái tim khán giả. Nhưng người học Phật còn tỉnh táo để nhận biết một thông điệp nhân quả khủng khiếp hơn. Đó là sự sát sinh của chúng ta đã đưa chúng ta vào những tai họa đó. Nhiều đời nhiều kiếp chúng ta đã đưa biết bao sinh mạng vào lò mổ, vào chảo dầu để biến thành món ăn ngon miệng. Chúng ta làm đổ máu chúng sanh, bỏ mặc sự đau đớn rên la của chúng sanh. Thì một ngày nào đó, nhân quả tràn đầy, hiện ra thành cảnh đổ máu, rên la của mình. Xem phim mà hãi sợ. Những thân người kẹt dưới đống gạch vụn. Những bánh xe chạy trên vũng bùn trộn với máu đỏ quạch. Thây người nắm sấp lớp, y như lúc ta giết hàng tấn cá, tấn tôm, mổ bụng hàng trăm con heo, con bò trong lò công nghiệp.

Rồi những bà mẹ gào khóc tìm con. Tan tác, chia ly, y như lúc ta bắt con vịt khỏi bầy của nó, khỏi cha mẹ anh em nó, đem đi cắt cổ. Ái biệt ly khổ, không chỉ sanh ly, mà còn tử biệt. Bà mẹ của Phương Đăng ôm nỗi đau vì chồng và con đều chết. Phương Đăng may mắn sống sót, nhưng phải khổ vì xa cách gia đình suốt mấy chục năm. Chúng ta khắc ghi nỗi khổ này, để quán chiếu trong đời mình có lẽ cũng gây không ít nghiệp xấu nên có những tháng năm xa lìa, nhung nhớ. Đâu cần động đất như ở Đường Sơn, cũng có bao nhiêu gia đình ly tán vì thời cuộc, vì kế sinh nhai… Đời người ngắn gủi, vậy mà đếm không hết những chờ mong, khắc khoải.

Và đời còn là vô thường, mong manh, tạm bợ. Chỉ 23 giây thôi, mặt đất nứt ra, cuốn hết những gì mà ta gom góp, vun vén, tranh đua để có được. Kinh Bát Đại Nhân Giác nói: Thế gian vô thường, quốc độ nguy thúy. Nhưng chúng ta cứ chạy theo tài, sắc, danh, thực, thùy, cứ xây những tòa nhà cao chọc trời như chính tham vọng của ta. Nhà càng cao, sụp đổ càng thê lương. Tham vọng càng cao, sụp đổ càng khủng hoảng. Mỗi khi bị thất bại, ta thường đổ lỗi cho các yếu tố khách quan, như gia đình, xã hội, mà ta ít khi nhìn lại bản thân mình với những tham vọng hừng hực, đem đối chọi với cuộc đời vốn mong manh và đầy bất trắc. Có khi không là động đất, mà là một cơn khủng hoảng kinh tế cũng cuốn trôi bao nhiêu sự nghiệp, tính mạng.

Và không ai cứu hộ nổi khi nghiệp quả đã đến. Chính ta là người cứu hộ của bản thân mình, bằng nghiệp thiện đã gieo. Một chút phước báo sót lại cũng giúp ta vượt qua nguy hiểm, như cô bé Phương Đăng sống sót một cách kỳ diệu. Giữa bao người chết, cũng còn những kẻ sống sót, như cái biệt nghiệp tốt lành giữa cộng nghiệp khủng khiếp ấy. Cho nên, tự nhắc mình đừng bỏ qua bất cứ cơ hội nào để làm việc thiện, dù là việc nhỏ xíu.

BUÔNG XẢ
            Dư chấn của trận động đất còn kéo dài suốt 32 năm trong lòng mấy mẹ con. Lẽ ra nó không dài đến thế nếu Phương Đăng biết tha thứ cho mẹ sớm hơn. Nhưng rồi cô cũng tha thứ được. Gánh nặng trên vai buông xuống. Nỗi căm giận ngày xưa, cuối cùng lại biến thành câu nói dịu dàng, rằng lẽ ra con phải mừng vì em trai con sống được đã là kỳ tích. Nghĩa là, thay vì giận bởi mẹ chỉ muốn cứu em, thì cô đổi thành vui nếu trong hai đứa mà còn sống được một đứa, vẫn hơn mất cả hai. Cô thiểu dục tri túc hơn. Và cô hỷ xả hơn trước quyền lợi của người khác. Tâm ganh tị biến thành tâm Bồ Tát, chấp nhận phần thiệt thòi về mình.
            
Trải nghiệm thương đau còn giúp cô gái trân trọng mạng sống. Bởi cô hiểu hơn ai hết, mạng sống quý giá vô ngần, bao người đã phải giành giật từng giây trong biển máu. Cho nên, khi anh người yêu bảo cô phá cái thai trong bụng, thì cô nhất quyết giữ lại, mặc cho việc học đại học phải dở dang. Cô không muốn một sinh mạng phải mất đi. Cô trốn thật xa, một mình nuôi con, vươn lên giữa khó khăn, không hề tuyệt vọng. Cô là hình ảnh nối tiếp của mẹ cô, đầy nghị lực. 

Bởi suy cho cùng, mỗi người chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống, tại sao lại không biết nắm lấy và thăng hoa? Thân người là vô thường, giả tạm, nhưng thân người cũng quý giá để làm phương tiện tiến tu, làm phương tiện đưa mình và tha nhân đến bờ hạnh phúc. Chúng ta cần buông bỏ những bám víu, những chấp ngã, nhưng cũng phải buông bỏ luôn những tư tưởng bi quan, yếm thế, mà trân trọng từng thời khắc hiện diện trên cõi đời này. Quá khứ thì đã qua, đừng ôm ấp hoài nỗi đau. Tương lai thì chưa đến, đừng mơ tưởng viễn vông. Chỉ có mỗi giây phút hiện tại mới thật sự là hạnh phúc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét