Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 28 tháng 4, 2011

CÔ KIM CHIA SẺ VỚI KIÊN

Kiên thương mến

Cô thật bất ngờ, vì nhìn vẻ ngoài con rất cứng rắn, vậy mà lại rất nhạy cảm và có một nỗi buồn sâu xa như thế. Cô chia sẻ với con. Cô càng vui khi con nói ra được những nội kết trong lòng, thì sẽ nhẹ nhàng hơn là ôm giữ lâu ngày. HT Nhất Hạnh khuyên chúng ta không nên ôm giữ những nội kết, sẽ nguy hiểm cho tâm hồn và trí tuệ. Tham, sân, si, hờn giận, mặc cảm, kiêu căng, ganh tị, nhớ nhung, day dứt v.v… đều kết lại trong tâm ta thành một khối như ung thư nguy hiểm. Phải biết xả nó đi con ạ.

Vấn đề của lớp trẻ tụi con là, không biết tâm sự với ai, không biết “xả” với ai, vì chung quanh dường như ai cũng quá bận rộn, không chịu lắng nghe các con, không chịu tìm hiểu các con. May mắn sao, bây giờ chúng ta đã có một ngôi nhà đầm ấm, có “má Hai”, có anh chị em, chúng ta sẵn sàng lắng nghe và thông cảm cho nhau. Chúng ta sẽ vượt qua trở ngại, để sống vui hơn, an lành hơn. Ai rồi cũng có những lúc phiền não, nên ta chia sẻ với bạn, để rồi có lúc ngược lại, bạn chia sẻ với mình. Dìu nhau đi trên đường đời dài thăm thẳm, khó lắm các con ơi!

Với Kiên, cô nghĩ là con đừng quá day dứt nữa. Bởi con đã học Phật, hiểu rất nhiều vấn đề, nhưng chưa đủ sức mạnh để thắng “tập khí” của mình thôi. Từ từ rồi sẽ được. Con thử tập như thế này, mỗi sáng thức dậy, tự nhủ: “À, hôm nay mình còn sống, hôm nay mình còn mẹ, còn anh em, còn lớp học. Vậy là mừng!”. Cứ tưởng tượng một trận động đất quét qua, ta và mọi người biến mất tăm, thì đau đớn biết chừng nào. Vậy, cứ hãy còn một cô Kiên đã là mừng, dù cô ấy vẫn phảng phất tham sân si, hậu đậu. Còn một bà mẹ đã là mừng, dù bà ấy có càu nhàu, bực bội. Còn ông anh ở nhà đã là mừng, dù ổng hay khó chịu. Còn nhỏ bạn cùng phòng đã là mừng, dù nó thường ăn hiếp mình. Ta sẽ dễ bỏ qua những khuyết điểm của thiên hạ.

Rõ ràng thiên hạ làm ta bực dễ sợ. Nhưng ta chịu đựng được bởi ta cứ tưởng tượng ngày nào đó bất chợt mà người đó biến mất, ta sẽ khóc nhiều lắm. Cô hay chảy nước mắt khi tưởng tượng như thế. Cho nên, miệng cô thì hay la, nhưng cuối cùng vẫn chung sống được với mọi người, và cười hì hì. Thây kệ, nếu mình nói họ không nghe thì mình lủi đi chỗ khác, tìm người khác mà chơi.

Con nên thông cảm với mẹ, vì mẹ đã quá vất vả, nên thay đổi tính tình. Khi nào tụi con lớn lên, đi làm kiếm tiền thì mới hiểu áp lực của một người phải chống đỡ gia đình, làm trụ cột cho mọi người. Cô đã trải qua những gánh nặng như thế, nên hiểu mẹ con. Nhưng cô may mắn được trang bị một “áo giáp” là Phật pháp, nên dễ vượt qua hơn. Làm sao để mình “bận” mà không “rộn”, đó là điều rất khó. Mẹ con không được tiếp cận Phật pháp, mẹ con khổ nhiều hơn, con phải càng thương mẹ hơn. Con ráng về chăm sóc, làm việc nhà, hoặc thủ thỉ nói chuyện với mẹ những vấn đề mà mẹ quan tâm, đừng vội bắt mẹ nghe thuyết pháp gì hết. Mẹ chưa cảm nhận được đâu. Con hãy nhìn mẹ như một đối tượng mà con cần cảm hóa, thì phải từ bi và kiên nhẫn dìu mẹ đi chứ.

Con phải tự hỏi, tại sao mẹ hay ôm đồm? Tại tụi con lớn rồi mà không đảm đang, nên mẹ không an tâm giao việc. Tại sao mẹ đặt nặng vấn đề tiền bạc? Tại tụi con ăn học cần quá nhiều khoản chi phí. Tại sao mẹ cáu gắt? Tại tụi con chưa đỡ đần mẹ bao nhiêu, mà làm việc nào cũng hỏng, cũng sai. Tại sao nhà cửa không gọn gàng? Tại mẹ vất vả với việc kiếm tiền, hết thời gian và sức khỏe để dọn dẹp. Vậy, con phải nên về nhà thường xuyên, nhào vô lau chùi quét dọn, chưng bông chưng hoa, trang trí này nọ. Rồi đấm lưng cho mẹ, pha sữa cho mẹ, nấu món ăn cho mẹ…Trời, cả tỷ việc làm cho một bà mẹ vui lòng.

Con đừng so sánh hồi ba con còn sống, ba hay làm cái này cái kia cho tụi con, rồi thấy mẹ sao dở quá, không biết chăm sóc, không biết dọn nhà, không biết tâm sự. Con thương ba bởi ba luôn luôn “cho”, tụi con luôn luôn “nhận”, suy cho cùng thì đó là tính ích kỷ tiềm tàng trong mỗi chúng ta. Bây giờ phải đổi ngược lại, con là người “cho”, còn mẹ là người “nhận”. Mẹ đang rất cần nhận những chăm sóc của tụi con. Mẹ rất cô đơn mà tụi con đâu có biết. Tụi con chỉ lo xoáy vào nỗi cô đơn của bản thân, mà quên mất một người phụ nữ đang tuổi xuân phải cô đơn suốt 9 năm, lại còn gánh trên vai một gánh nặng của 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học chi phí rất cao. Con còn có thời gian thư giãn cùng bạn bè, chưng dọn quần áo, nhưng mẹ đâu có thời gian. Mẹ đáng thương quá con ạ.

Con may mắn được học Phât, thì con đã hạnh phúc hơn mẹ về trí tuệ. Con phải lập tức về nhà thực hành hạnh Bồ tát như nãy giờ cô đã nói. Trái tim của mẹ sẽ rung động vì những chăm sóc nho nhỏ của con, rồi mẹ sẽ nghe lời con. Đi từ trái tim trước tiên rồi mới tới lý trí. Như cô dạy học cho tụi con trước hết bằng trái tim người mẹ, trái tim người thầy, sau đó mới nói kiến thức. Có khi bài học vừa xong tụi con về nhà quên hết trơn, nhưng lại không quên những chăm sóc của cô, những thương yêu của cô, có phải không nào?

Con về chăm mẹ đi, đổi ngược lại vị trí, mẹ là người yếu đuối, bé bỏng, con thì mạnh mẽ vì có Phật pháp, có cô chăm lo. Con sẽ thấy con rất hữu ích chứ không vô tích sự như lời con than vãn. Cô chẳng thất vọng vì con đâu. Cô rất tự tin bất cứ học trò nào của mình cũng tiến bộ, cũng sẽ làm được những điều tốt đẹp, dù sớm hay muộn. Đứa nào lẹt đẹt thì đi sau nhưng cũng sẽ đến đích, chẳng đứa nào bỏ cuộc đâu. Con là Trung Kiên mà, chỉ có xông lên chứ làm sao thụt lui được. Cả lớp lại đánh giá cao về con đó. Ráng xông lên nhé. Cả nhà ta ủng hộ con làm Bồ tát. Nếu cần, thường xuyên tới đây cô huấn luyện trở thành đảm đang, về nhà sẽ thi thố với mẹ, mẹ phải nể con nhỏ này luôn. Mà nói trước, cô huấn luyện thì cô còn la dữ hơn mẹ nữa đó, chịu nổi hông?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét