Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 28 tháng 4, 2011

TÂM SỰ CỦA KIÊN

Vậy là đã được 6 tháng từ lúc con biết đến lớp Phật Pháp của Cô. Thời gian cũng không hẳn là dài nhưng cũng đã đủ để con nhận thấy sự gắn bó, thân thương, đủ để con cảm nhận tình thương của người mẹ dành cho các con, của anh, chị em đối với nhau. Từ lâu con đã xem đây là ngôi nhà thứ hai của mình, ngôi nhà với đầy đủ tình thương, thứ mà chưa bao giờ con cảm nhận đầy đủ từ chính nơi con sinh ra. 
Cô biết không ba, mẹ con đều là CNVC, ba con làm công an, mẹ con thì làm ở bưu điện. Từ nhỏ con sống với ông, bà ngoại vì ba, mẹ đi làm không có thời gian chăm sóc anh, em con. Ít gặp gỡ nên con cũng chưa cảm nhận hết tình thương của ba, mẹ dành cho mình. Tuổi thơ cũng êm đềm trôi qua, tuy là con gái nhưng con nghịch ngợm chẳng kém con trai. Được bầu làm lớp trưởng nên con lạm dụng chức quyền ghê lắm đánh mấy bạn trong lớp đến nỗi giờ gặp tụi bạn nhắc chuyện cũ mà con quê cứng người luôn.
Bây giờ đã lớn, suy nghĩ cũng đã chững chạc và quan trọng hơn con được Cô dạy những bài giáo lý về Phật Pháp. Càng học con càng thấy mình xấu. Thế giới bao la, bản thân mình chỉ là một hạt cát nhỏ bé. Có khi con suy nghĩ về cuộc đời mình rồi lại nhìn những người xung quanh, sao người ta phải chạy theo cuộc sống xa hoa, cạnh tranh, hơn thua nhau từng tý như vậy? Có người sử dụng túi xách hai ba trăm triệu để khẳng định đẳng cấp, địa vị, danh tiếng nhưng lại có những người cả ngày chỉ sống với vài ba ngàn lẻ. Nhìn những cụ già, em bé lành lặn có khi là tàn tật bán vé số, hàng rong, lượm rác trên người chẳng có nổi bộ quần áo lành lặn. Thương xót biết bao nhưng con thì làm được gì cho họ đây? 
Xã hội phát triển, sự chênh lệch giàu nghèo phân cấp quá lớn. Ước gì ai cũng biết đủ để dang tay giúp đỡ những người khốn khó. Nói vậy không có nghĩa người dân mình không có tình thương với nhau đúng không Cô. Chúng ta không thiếu những mạnh thường quân nhưng tổng số tiền quyên góp để giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn khi đến tay người cơ cực thì chẳng còn là bao. Con chẳng hiểu nó bị hao hụt kiểu gì, nghĩ mà buồn. Chuyện xã hội con chỉ biết băn khoăn, trăn trở vậy thôi. Sức con chẳng đủ để tạo một sự thay đổi dù nhỏ. Cầu xin chư Phật gia hộ, mọi người được bình an.
Trong con có một nỗi buồn mà trước giờ con vẫn giữ kín, con không hiểu sao các thành viên trong gia đình con luôn có khoảng cách vô hình nào đó khiến mọi người chẳng thể gần nhau. Ba, chỗ dựa tinh thần, người con yêu thương, kính trọng nhất đã không còn. 3.7 âm lịch tới đây là tròn chín năm Ba mất. Chín năm không phải là khoảng thời gian ngắn nhưng con không thể xóa mờ hình bóng ba trong tâm trí. Vẫn biết ái biệt ly khổ nhưng con không thay đổi được. Mỗi khi về nhà con lại mong tới năm giờ, thời điểm mà ba đi làm về. Người ta vẫn hay nói ký ức về một người đã khuất bao giờ cũng là những ký ức đẹp, đúng như vậy. Anh, em con gắn bó với Ba hơn Mẹ, không ở nhà thì thôi lúc về nhà Ba chăm sóc, lo lắng cho từng đứa từ miếng ăn tới giấc ngủ. Anh, em con ít phải làm gì. Quên làm sao được hình ảnh lúc Ba cột tóc, chải đầu cho con, mặc áo ấm cho ba anh, em lúc trời lạnh. Cơm nước, quét dọn, giặt giũ một tay Ba làm những lúc Mẹ học nghiệp vụ xa. Thích ăn gì thì Ba nấu cho ăn. Nhớ nhất là món chè khoai, Ba có biết nấu đâu, thành quả là nước đi đằng nước, khoai đi đằng khoai. Mắc cười lắm nhưng cũng tíu tít khen ngon để Ba vui. Ba hứa sẽ nấu lại ngon hơn với nếp nữa, vậy mà Ba chưa kịp làm. 
Thương Ba nhiều lắm nhưng chưa bao giờ con nói với Ba. Tuy học giỏi nhưng cũng không ít lần con làm Ba buồn và thất vọng vì tính cách của mình. Lúc Ba mất con đã ước Ba nghe được con nói :” Ba ơi con xin lỗi Ba, con hứa sẽ trở thành một người có ích cho xã hội” chẳng còn cơ hội nữa, Ba bỏ con, Ba chẳng thương con nữa rồi. Con nhớ Ba nhiều lắm. Giờ điều con có thể làm là thắp nhang cho Ba thôi. Mỗi khi có dịp về chùa làm công quả con hay ghi tên để cầu siêu cho Ba. Tết đến hay những ngày quan trọng con tủi thân khi nhìn thấy gia đình bạn bè đầm ấm bên nhau. Chỉ biết lau vội nước mắt mỗi khi nghĩ đến gia đình mình. 
Từ lúc Ba mất con ít nói hẳn đi, làm gì cũng lủi thủi một mình chẳng cần đến ai hết, cũng chẳng tham gia hoạt động gì của trường, của lớp. Học bạ luôn bị phê là ngoan, hiền, trầm tính suốt những năm học tiếp theo. Cau có, bực bội, khó tính là những gì bạn bè dành cho con. Với Mẹ, không phải là con không thương bà nhưng con khó có thể nói chuyện lâu với Mẹ, câu trước câu sau mẹ không đứng lên bỏ đi nơi khác thì là con. Con thương mẹ lắm chứ, một thân một mình nuôi ba đứa con ăn học đâu phải dễ. Mẹ con là người ít nói, ít xã giao, suốt ngày chỉ biết đến công việc, ít khi nào Mẹ nghỉ ngơi. Những áp lực trong cuộc sống khiến Mẹ stress khiến bà khó chịu, hay cáu gắt mỗi khi anh, em con làm sai điều gì đó. Mẹ con lại quá đặt nặng vấn đề tiền bạc, hay ôm đồm mọi việc, lo lắng đủ điều. Mẹ tự làm khổ bản thân. Tội nghiệp Mẹ. Con cố gắng mở đĩa quý Thầy thuyết pháp để Mẹ nghe và khuyên Mẹ nên chấp nhận cuộc sống hiện tại nhưng chỉ được vài ngày thì đâu lại vào đó. 
Căn cơ con chưa đủ để giúp Mẹ. Lúc trước khi con đòi xuất gia sau khi giúp Mẹ nuôi em ăn học thành người, Mẹ khóc nói con bất hiếu, con đi rồi già yếu ai chăm sóc, Mẹ phải nương tựa ai. Chùa đối với Mẹ con chỉ là nơi đến để cầu xin điều gì đó và Mẹ con cũng chẳng có thiện chí nghe Kinh, học Pháp, điều luôn khiến con buồn. Anh, em con mỗi người một tính chẳng thể gần gũi, con gần như đơn độc trong chính ngôi nhà của mình. Tình trạng này chẳng biết đến bao giờ mới chấm dứt. Con ít về nhà hay nói đúng hơn là con sợ phải về đó: nhà cửa không có Ba nên chẳng gọn gàng, Mẹ thì vậy, anh, em chẳng thuận hòa. Ít ai nghĩ gia đình con lại phức tạp, chẳng hạnh phúc, êm đềm.
Âu cũng là duyên nợ, kiếp số của con, thôi thì con sẽ cố gắng thực hiện tốt bổn phận của mình. Không đủ phước để xuất gia, đang yêu và được yêu nhưng đôi lúc trong con vẫn có nhiều mâu thuẩn, con đấu tranh tư tưởng với chính mình, con sợ những gì mà con đã trải qua, sợ mình không đủ khả năng chăm sóc cho gia đình nhỏ mà con sẽ có. Vòng luẩn quẩn vui buồn con mãi không thể thoát ra dù con không quên luật Nhân Quả, luật Vô Thường mà Đức Phật đã dạy. Nhiều lúc con tự hỏi con sống để làm gì? Cái gì con cũng chẳng làm được, hình như con chỉ là vật vô tích sự chỉ biết than trách, buồn phiền, đổ lỗi, con quá ích kỷ, hờ hững với những người xung quanh, con nói nhiều nhưng con chưa làm được nhiêu. Con thất vọng vì mình nhiều lắm. Con chưa áp dụng được những gì Cô dạy con vào cuộc sống thực tế của mình. Vậy mà con luôn hứa không làm Cô thất vọng, không phụ tấm lòng cô dành cho con, cho lớp. Chắc Cô buồn con lắm. Con đã quá mỏi mệt trong việc giữ vỏ bọc của mình thôi thực tế là vậy chỉ là một đứa tầm thường, khó chịu, ích kỷ, tham, sân, si chưa dứt. Con xin lỗi Cô. Hi vọng các thành viên trong lớp không ai giống con, luôn tinh tấn tu hành, an nhiên, tự tại trong cuộc sống các bạn nhé.

1 nhận xét:

  1. chị K cố lên!
    Trong cuộc sống ai cũng có những niềm vui nỗi buồn. Nhưng dù sao đi nữa chúng ta cũng còn hạnh phúc lắm so với nhiều người, nhất là bây giờ chúng ta đã có 1 ngôi nhà thứ 2 để về đây chúng ta cùng chia sẽ, cùng nhau học tập, cùng nhau giúp cô xây dựng ngôi nhà vui này. Măc dù bây giờ chúng ta chưa đóng góp gì nhiều mình cứ nuôi ý chí thì sẽ làm được thôi. Và em huy vọng đây là mô hình tiên phong để mọi người học hỏi và nhân rộng nó ra. Sẽ có nhiều ngôi nhà vui trong tương lai và gắn kết tình yêu thương.

    Trả lờiXóa