Viết thêm cho Kiên
Theo như con mô tả, thì cô hình dung một gia đình mà người chồng dành nhiều ưu tiên cho người vợ được công tác, học hành. Người chồng gánh vác từ kinh tế tới chuyện chăm sóc con cái, người vợ rất sung sướng và có cơ hội tiến thân. Đây là một mô hình gia đình phổ biến thời hiện đại, người phụ nữ được giải phóng đúng như đòi hỏi của xã hội.
Tuy nhiên, cái gì cũng có cái mức của nó, nếu đi quá giới hạn thì sẽ trở thành tai họa. Phật dạy “trung đạo” là như vậy. Người ta được sung sướng sẽ vô tình bị thủ tiêu năng lực, ý chí, đến khi gặp tai biến, thảm họa thì không tồn tại nổi, hoặc tồn tại nhưng cảm thấy gánh nặng là quá sức mình. Từ đó, sinh ra cáu bẳn, đau khổ, và làm khổ cả những người chung quanh.
Hình như mẹ con rơi vào hoàn cảnh ấy. Đó cũng là bài học cho tụi con, đừng quên rèn luyện những kỹ năng sống, và phải cố chịu vất vả từ bây giờ thì sau này gặp hoàn cảnh nào cũng sống được. Nhất là phụ nữ, đừng từ bỏ thiên chức của mình, nghĩa là bỏ rơi gia đình, không thích chăm sóc, dọn dẹp, nội trợ. Gia đình chỉ ấm cúng khi ngọn lửa cháy hồng trong bếp, chỉ vui vẻ khi có tiếng cười con trẻ. Tiền bạc nhiều mà lửa tàn tro nguội, con buồn, chồng héo, thì làm sao gọi là hạnh phúc. Tiền ít một chút cũng chưa chết, đổi lại ta có những nụ cười thay thế vào, chẳng là “lãi” quá hay sao!
Con học tiếng Hoa, nhớ chữ Hảo không? Nó gồm một bộ Nữ đứng cạnh một bộ Tử, là người phụ nữ và đứa con. Phụ nữ gắn liền với con cái, gia đình, mới thật sự tốt đẹp. Mình nói Nho giáo lạc hậu, nhưng thực tế đã kiểm chứng, thời hiện đại nhiều gia đình tan nát hoặc nguội lạnh vì phụ nữ từ bỏ thiên chức của mình, hoặc chuyển giao nó cho người đàn ông trong nhà. Âm dương lẫn lộn. Chia sẻ công việc khác với giao khoán, phó mặc. Phụ nữ thật ra mới là linh hồn của ngôi nhà. Cô từng đọc một bài báo dịch từ phương Tây, là các nhà nghiên cứu thấy rằng đa số trẻ em chịu ảnh hưởng từ mẹ nhiều hơn từ cha. Phương Tây họ rất chú trọng nghiên cứu tâm lý, họ viết như vậy thì không phải là vô căn cứ. Điều này lại trùng hợp với câu “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” của phương Đông. Cho nên, người đàn ông thì kiếm tiền mua cái house, nhưng phụ nữ các con phải ra công sức xây dựng nó thành cái home. Chúng ta sống vui vẻ an lành trong cái home, chứ không có house thì ở thuê, ở lều cũng chẳng sao.
Nhưng nói chung, con phải thương mẹ con, vì bà không chuẩn bị cho mình đối phó với tai ương bất ngờ. Ba con mất đi, tự nhiên gánh nặng ập lên vai, bà chịu không nổi. Vậy mà bà vẫn gánh chịu, không đi bước nữa, thế là kiên cường lắm rồi. Nghĩ cho kỹ thì tội nghiệp bà quá, chúng ta phải xúm nhau lại làm nhẹ đi gánh nặng đó. Từ chia sẻ công việc, tới những lời nói thân thương, những chăm sóc nho nhỏ, những cành hoa xinh xinh…Chắc không đến nỗi quá khó. Và chắc bà cũng không vô cảm đến mức không nhận ra tâm ý của con.
Chúng ta làm đi, đừng nói nhiều quá, đừng suy nghĩ vu vơ nhiều quá. Cuộc đời cô là một chuỗi hành động thực tế, miệng nói tay làm, không lăng xăng vơ vẩn. Chỉ trong công việc ta mới thấy mình hữu ích và vững vàng hơn. Tụi con rất nhiều năng lực, cứ xông lên mà làm, sai tới đâu sửa tới đó, dần dần rồi trưởng thành. Cô chẳng sợ tụi con sai, chỉ sợ tụi con không chịu làm mà thôi. Sai đâu thì cô “la” đó, ngược lại cô sai thì tụi con cũng có quyền la. Chừng nào thầy trò mình cùng hết lỗi thì…thấy Niết Bàn. Hi hi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét