Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

BẠN THUỞ HOA NIÊN

BẠN THUỞ HOA NIÊN

Diệu Kim
            
Ai cũng có những người bạn, nhưng có lẽ thân thiết nhất với tôi suốt mấy chục năm nay vẫn là hai cô bạn Phụng và Thảo từ hồi học lớp 6 cho đến bây giờ. Trải 38 năm (1973- 2011), mỗi người đã tròn 50 tuổi, mà vẫn thương nhau như thuở hoa niên ngày ấy…

            
Phụng học chung lớp với tôi suốt từ lớp 6 đến lớp 12, từ Trường Trung học cấp 2 Châu Thành (Cái Tàu Hạ) lên tới Trường Trung học cấp 3 Châu Thành (Nha Mân). Và đặc biệt là hai đứa thường ngồi chung bàn, cũng thường là bàn nhất. Trong lúc nhiều bạn “sợ” bàn nhất bởi thầy cô thường “chiếu tướng”, nhưng hai đứa tôi lại thích bàn này, vì gần thầy cô, tập trung nghe giảng tốt hơn, ít lao xao như “xóm nhà lá” bên dưới. Sau này khi có thêm Thảo từ lớp Pháp Văn chuyển sang, thì 3 đứa nhập vô một “cục”, trở thành “bộ ba” khá nổi tiếng trong lớp, đi đâu cũng kè kè với nhau. Ba đứa cùng tuổi Nhâm Dần, con cọp, nhưng Thảo nhỏ con, xinh xinh như búp bê, tôi thì vừa phải, cao đúng 1m6, còn Phụng lại cao như cây tre. Ba đứa xếp hàng thì giống hệt như…cái “bậc thang”, hi hi.

            Nói thật, ba đứa đều học khá giỏi, và đều có những năng khiếu văn nghệ như ca múa, sáng tác văn thơ, cho nên năm nào cũng thấy ba đứa tham gia làm báo tường, văn nghệ, chơi thể thao. Tụi tôi rất năng động, tươi tắn, thậm chí tôi là đứa “hồn nhiên “ nhất trong đám, có khi dám chơi u kéo bọn con trai, có khi dám ra sân trường nhảy dây tưng tưng, có khi dám đánh lộn với thằng bạn trong lớp nữa. Hồi đó đánh lộn không bạo lực như bây giờ, chỉ là kéo áo, đẩy một cái mà thôi. Nhớ thằng Quang Thành, nó lên lau bảng, rồi cầm cái bông bảng đầy phấn kêu tôi: “Ê, Hoàng Anh, tao đánh phấn cho mầy nè!”. Nó bóp cái bông bảng, phấn bay đầy mắt mũi tôi. Thế là tôi rượt nó, nắm áo, tán cho nó cái “bốp”. Oánh lộn là như vậy đó, nhưng rồi hai đứa lại cười khì rất nhanh. Sau này, hai đứa lại thân nhau chứ. Nó làm thợ sửa đồng hồ ở chợ Cái Tàu Hạ, lần nào tôi về quê cũng ghé thăm, “tám” đủ thứ chuyện. Mẹ vợ của nó là cô giáo tiểu học của tôi mà, lại càng thân.

            Nhỏ Thảo cũng không vừa gì, nó cũng la hét, chạy nhảy như khỉ con. Tôi và Thảo “chậm lớn” hơn Phụng, còn con nít hơn Phụng một chút. Còn Phụng tuy cũng hồn nhiên vui tươi nhưng đã ra dáng thục nữ, dịu dàng. Có lẽ vì vậy mà Phụng được nhiều anh bạn trong lớp “để ý”, thậm chí có những anh lớp khác nữa. Phụng có nước da ngăm ngăm mà có duyên lạ kỳ, nhất là khi Phụng cười, rõ nét một cô gái thùy mị, hiền lành. Gia đình Phụng cũng khá giả nên Phụng ăn mặc tươm tất, thanh lịch. Chính vì vậy, Phụng trở thành một ấn tượng đẹp trong lòng các bạn.

            Sau này, khi tôi chọn nghề làm báo, trở thành phóng viên đi khắp nơi, thì Phụng và Thảo là thợ may, chung nhau một tiệm, đồng cam cộng khổ. Rồi Thảo đi học y tá, Phụng lấy chồng sang Úc, tôi lại đi Sài Gòn lập nghiệp, ba đứa cách xa thăm thẳm. Tôi và Thảo còn gặp nhau mỗi năm mấy lần khi tôi về thăm quê, nhưng Phụng thì vắng bóng từ 1991 cho đến tận bây giờ.

            Đúng hơn, năm trước Phụng về, tôi có gặp lại, mà chưa kịp tâm sự bao nhiêu, bởi Phụng còn phải đi thăm quá nhiều bà con họ hàng. Năm nay, cũng chưa kịp hàn huyên thì thằng Nhựt em của Phụng bệnh nặng, Phụng vất vả từ trong bệnh viện cho tới khi về quê, đưa em đi chùa, đi chơi, đến lúc nó qua đời. Thật sự cái tuổi Dần của chúng tôi đứa nào cũng phải gánh vác chuyện đời. Phụng và Thảo gánh cả gia đình, chu toàn trách nhiệm làm con, làm chị, làm cô, dì, đã rất nghị lực. Tôi thì gánh chuyện dạy học cho những đứa trẻ, rồi nấu cơm chay từ thiện, rồi cúng quảy ông bà. Tuổi Dần cứ làm việc không nghỉ, cứ kiếm việc mà làm suốt đời. Nhưng vui lắm, bởi thấy mình có ích cho nhiều người, thấy mình sống một cuộc đời “dài” hơn 365 ngày mỗi năm.

            Lần gặp nhau mới đây, có thể nói tôi đã “kích hoạt” trở lại những năng lực rất hay của Phụng. Cuộc sống với nhiều lo toan cho gia đình riêng và gia đình vợ chồng hai bên suốt 20 năm nay đã khiến Phụng quên mất một thời tuổi trẻ của mình. Sự hy sinh thầm lặng để làm vợ, làm mẹ, làm cô dì chú bác, mấy ai hiểu được. Khi Phụng gặp tôi, Phụng rất mừng vì tôi có những hoạt động từ thiện, và Phụng đã nhiệt tình hỗ trợ. Ngược lại, tôi khuyên Phụng lên internet và viết lách trở lại, rồi tôi chịu khó ngồi biên tập những bài viết của Phụng cho chỉn chu hơn. Quả thật máu văn chương vẫn chảy, Phụng viết hăng say và viết rất tốt, tôi biên tập không hề vất vả, lòng vui mừng vì đã tìm lại chính cô bạn ngày xưa đầy năng khiếu. Hình như công việc viết lách giúp người ta được trải lòng, được chia sẻ, khiến Phụng càng thêm sức sống. Những bài viết của Phụng được bạn bè bên Úc đọc, khen ngợi, cảm thông, và họ cùng chung tay giúp Phụng hỗ trợ cho quỹ từ thiện của tôi.

            Thật sự Phụng và chồng là anh Hồng Phương rất có tâm đối với cuộc đời. Hai vợ chồng làm thêm để có tiền giúp từ thiện, lại khuyến khích hai con là Hồng Phi và Hồng Phan cùng bỏ ống tiết kiệm, cùng hướng về đồng bào nghèo khổ. Hai vợ chồng dạy con rất kỹ. Dạy sống nghiêm túc, đạo đức, không ăn xài hoang phí, se sua, không lười biếng, cẩu thả, biết kính trên nhường dưới, biết hiếu thảo, lễ phép. Hai đứa con đều thi vào trường tuyển của nhà nước, nghĩa là học rất giỏi mới đậu. Cha mẹ sao thì con vậy, Phụng và Phương đều chuẩn mực thì những đứa con ắt phải chuẩn mực. Suy cho cùng, Phật dạy “khẩu giáo” phải song song “thân giáo”, nghĩa là chúng ta dạy người khác bằng lý thuyết, lời nói, nhưng cũng phải dạy bằng chính việc làm thực tế của mình, như vậy người ta mới nể phục, vâng lời.

            Phụng và anh Phương cũng rất có uy tín trong cộng đồng bạn bè ở Úc. Cho nên khi Phụng vận động cho quỹ từ thiện là mọi người tin tưởng, ủng hộ ngay. Lại càng thương khi Phụng nói với tôi: “Từ ngày ủng hộ cho quỹ, tao nhận thêm đồ về may để có thêm tiền, cả anh Phương cũng nhào vô may tiếp”. Chưa hết, ban đêm Phụng còn thức khuya để in thư cảm ơn, đếm tiền lẻ đổi ra tiền lớn gởi về Việt Nam. Thời gian ngủ ít đi, nhưng niềm hạnh phúc thì lớn dần.

Tôi cũng vậy, vừa đi làm việc trong tòa soạn, tranh thủ viết bài cho quỹ từ thiện, rồi soạn giáo trình dạy các em, thiết kế những mẫu kinh Phật xinh xinh phát cho mọi người dễ thuộc, rồi nấu cơm chay, về quê phát quà… Tôi và Phụng đều ngủ rất ít, và đứa thì còng lưng trên bàn máy may, đứa thì còng lưng trên bàn vi tính. Hai đứa thường xuyên trao đổi qua điện thoại, cười hi hi. Nhưng đằng sau tiếng cười là “hu hu” vì đau lưng nè, vì đau khớp nè, vì thèm ngủ nè… Ối hơi đâu mà lo, tuổi già thì vậy, ai cũng như nhau. May là mình biết làm điều thiện để tích đức cho con, thì có bệnh cũng không uổng phí, chứ ăn chơi cũng sinh bệnh vậy, mà sau này con cháu lãnh đủ nghiệp xấu. Nói như anh Phương: “Hy sinh đời bố, củng cố đời con!”. Ừ, tụi mình phải hy sinh đời mình để con cháu mình nhờ phước đức đó mà sống yên lành.

Bạn già nhưng vẫn thắm thiết như thuở hoa niên. Riêng với Thảo, mình đã lấy nguyên mẫu đời Thảo để viết trong một truyện ngắn tựa là BỒ TÁT, đã đăng trên báo Giác Ngộ, được nhiều người khen ngợi. Nếu các bạn rảnh thì xin mời đọc truyện này nhé.

                                                                              Sài Gòn 11- 10- 2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét