Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

Thương lái Trung Quốc ồ ạt gom nguyên liệu

Thương lái Trung Quốc ồ ạt gom nguyên liệu

26/09/2011 2:11

Làn sóng mua gom nông, thủy sản của các thương lái Trung Quốc (TQ) đang tiếp tục gia tăng, nhất là ở ĐBSCL.

Tình trạng thu gom tôm nguyên liệu, kể cả tôm chất lượng thấp, tôm bị bơm tạp chất của thương lái TQ ở ĐBSCL đang khiến nhiều nhà máy chế biến thủy sản lâm vào cảnh thiếu nguyên liệu trầm trọng.

Gom tôm bán sang Trung Quốc


Ông Trang Văn Khanh - Chủ doanh nghiệp Trang Khanh chuyên thu mua, chế biến xuất khẩu tôm sú quy mô lớn ở P.5, TP Bạc Liêu - cho biết từ đầu năm đến nay, thị trường TQ tiêu thụ rất mạnh loại tôm cỡ nhỏ, từ 40-50 con/kg (tôm lớn 20-30 con/kg, chủ yếu xuất sang Nhật và châu Âu). Thương lái TQ mua tôm rất dễ, giá mua lại cao hơn giá bán ở thị trường nội địa VN nên nhiều cơ sở đang ồ ạt gom tôm bán sang TQ. Hiện thương lái TQ đến tận nơi đặt hàng, đặt cọc 30%, số tiền còn lại thanh toán bằng tiền mặt sau khi nhận hàng. Các cơ sở địa phương gom tôm xong chở đến cảng biển Sơn Thầu (TQ) giao hàng.

Chủ DN chế biến xuất khẩu thủy sản Huỳnh Sự (H.Giá Rai, Bạc Liêu) cho biết hiện có nhiều DN trên địa bàn H.Giá Rai cạnh tranh mua tôm nguyên liệu bán sang TQ rất mạnh. Tình trạng này đã ảnh hưởng lớn đến các nhà máy đang thực hiện hợp đồng xuất khẩu tôm sang các thị trường chiến lược, truyền thống như EU, Mỹ, Nhật... Tại một cuộc họp mới đây với ông Phạm Hoàng Bê, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, một số DN xuất khẩu tôm đã phản ánh về tình trạng thiếu trầm trọng nguồn tôm nguyên liệu. Nhiều DN hiện chỉ có thể hoạt động cầm chừng, có DN chỉ hoạt động từ 30-50% công suất vì thiếu nguyên liệu.

Mua cả tôm bơm tạp chất

Theo một cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản tỉnh Bạc Liêu, việc rất nhiều cơ sở gom tôm bán cho thương lái TQ là do thương lái TQ thu mua tôm nguyên liệu mà không cần kiểm tra chất lượng khắt khe như các thị trường Nhật, EU, Mỹ… Tôm không cần phải đều về kích cỡ, trọng lượng, cả tôm bị bơm tạp chất họ cũng mua. Một số cơ sở ham lời thu mua cả tôm bơm tạp chất trong dân, có đại lý còn tự tổ chức bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu. Tình trạng này khiến các nỗ lực ngăn chặn nạn bơm tạp chất vào tôm của ngành chức năng gặp nhiều khó khăn hơn. Gần đây, cơ quan chức năng ở ĐBSCL đã bắt quả tang hàng chục vụ, tịch thu hàng chục tấn tôm bơm tạp chất. Trước đó, trong năm 2010, tỉnh Cà Mau phát hiện 45 vụ, tịch thu 14.395 kg tôm bơm tạp chất; 6 tháng đầu năm nay phát hiện 26 vụ, tịch thu 5.410 kg tôm. Tại tỉnh Bạc Liêu, chỉ tính từ đầu tháng 9.2011 đến nay đã phát hiện 7 vụ, tịch thu 2.108 kg tôm bơm tạp chất.

Rủi ro lớn

Nhiều bất ổn, rủi ro do phụ thuộc vào thị trường TQ đã được giới chuyên môn cảnh báo từ lâu. Giới kinh doanh đều biết làm ăn với thương lái TQ rủi ro rất cao. Khi cần hàng, thương lái TQ đẩy giá thu mua lên cao hơn giá thị trường từ 5-10%. Khi chi phối được nguồn hàng, họ bất ngờ ép giá, không mua hàng gây tồn đọng hoặc dùng nhiều thủ đoạn để “quỵt nợ”. Nhiều DN chế biến tôm ở Bạc Liêu đều biết hồi năm 2010, một DN ở xã Tắc Vân (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) gom rất nhiều tôm bán cho thương lái TQ, lãi trên 30 tỉ đồng. Tuy nhiên, sang năm 2011, DN này đã nhiều lần bị thương lái TQ “bẻ kèo” quỵt nợ hàng chục tỉ đồng. Thủ đoạn của thương lái TQ là qua tận DN này đặt hàng, đặt cọc 30%, 70% còn lại thanh toán sau khi nhận hàng ở TQ. Thế nhưng sau khi nhận được hàng, thương lái TQ đã đột nhiên biến mất. DN nọ “chết đứng” vì điện thoại của đối tác tắt, địa chỉ trong hợp đồng là địa chỉ “ma”.

Theo ông Trang Văn Khanh, việc bán tôm cho thương lái TQ cũng không “dễ ăn”. Ngay ở cảng biển Sơn Thầu - chợ giao dịch, mua bán tôm, thủy sản lớn ở TQ, cũng có nhiều thành phần mua bán phức tạp. Nếu các DN Việt Nam thiếu cảnh giác rất dễ bị sập bẫy. Ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, nhận định tình trạng dịch bệnh trên tôm trong thời gian gần đây ở các tỉnh ĐBSCL khiến nguồn nguyên liệu giảm mạnh. Sự cạnh tranh mua nguyên liệu của thương lái TQ càng khiến tình trạng thiếu nguyên liệu chế biến của các DN trong nước trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến việc cung ứng cho các thị trường xuất khẩu truyền thống.

Trần Thanh Phong (Thanh Niên)

Xe gom thủy sản đậu chật đường

Tại Ninh Thuận, các cảng cá Cà Ná (H.Thuận Nam), Khánh Hội (H.Ninh Hải)… đều có từ 3 đến 5 chủ vựa chuyên thu mua thủy sản cho thương nhân TQ. Hàng thu mua chủ yếu là cá hấp. Anh Bình, một chủ vựa tại cảng Cà Ná, cho biết: “Gần nửa năm nay, tôi chuyên thu mua cá hấp cho các thương nhân TQ. Hồi trước, họ có mua nhưng ít lắm, gần đây thì mua ồ ạt, không đòi hỏi cao về chất lượng, giá cả ổn định”. Đại diện cảng cá Cà Ná cho biết: “Mấy tháng gần đây, các xe lạnh gom hàng cho thương nhân TQ tăng cao, có ngày xe phải xếp hàng vì không còn đường vào cảng. Họ chỉ làm việc với các chủ vựa cá chứ không trực tiếp thu mua”. Hiện giá hải sản các thương nhân TQ thu mua tại đây ổn định và khá cao. Cụ thể, giá đối với cá hấp loại 1 dao động từ 55.000 - 60.000 đồng/kg, loại 2 từ 40.000 - 55.000 đồng/kg, hàng xô thì giá trên dưới 30.000 đồng/kg; trong khi đó, giá các cơ sở chế biến trong tỉnh thu mua luôn thấp hơn 3.000 - 6.000 đồng/kg tùy theo từng loại nên không thể cạnh tranh được.

Bà Bùi Thị Anh Vân, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận, nhận định: “Với tình trạng này, các DN chế biến hàng thủy sản ở địa phương sẽ gặp khó khăn nhiều mặt”.
Lê Xuân (Thanh Niên)

Thương lái Trung Quốc ồ ạt gom nguyên liệu - Kỳ 2: Xứ dừa phải nhập khẩu dừa
27/09/2011 2:16

Đó là tình trạng đang xảy ra ở Bến Tre. Dừa khô ở đây đang ồ ạt chảy sang Trung Quốc (TQ) trong khi nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến phải sang Indonesia để tìm mua dừa về sản xuất.

Thua trên sân nhà

Theo số liệu của Hiệp hội Dừa Bến Tre, toàn tỉnh có 51.600 ha dừa với sản lượng hơn 410 triệu trái/năm. Có khoảng 70 DN và 1.400 cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa, sử dụng gần 50.000 lao động. Nhiều sản phẩm chế biến và phụ phẩm từ dừa đã không ngừng tăng về sản lượng và giá trị xuất khẩu như cơm dừa nạo sấy, thạch dừa, sữa dừa, kẹo dừa, than gáo dừa, chỉ xơ dừa... Trong 6 tháng đầu năm 2011, kim ngạch xuất khẩu của Bến Tre đạt 163 triệu USD thì riêng các sản phẩm từ dừa chiếm 80 triệu USD, chưa kể xuất khẩu tiểu ngạch không có số liệu chính xác.

Thế nhưng giờ thì ngành chế biến dừa đang có nguy cơ đình đốn do thiếu nguyên liệu trước sự cạnh tranh thu mua ồ ạt của thương lái TQ. Mấy năm gần đây, trong khi sản lượng dừa giảm mạnh thì tàu của thương nhân TQ tấp nập vào tận sông Hàm Luông, có lúc neo đậu hàng chục chiếc để tranh mua dừa với DN địa phương. Trung bình mỗi năm có khoảng 110 triệu trái dừa thô của Bến Tre được bán tiểu ngạch cho thương lái TQ, chiếm hơn 1/4 sản lượng dừa của tỉnh. Hiện nhiều DN tại địa phương thiếu nguyên liệu trầm trọng, buộc phải giảm công suất, giảm lao động, thậm chí phải đóng cửa nhà máy...

Các tàu TQ vào tận nơi ăn hàng thông qua các hợp đồng xuất khẩu ký với DN trong nước nhưng thương nhân TQ thì trực tiếp đứng ra thu mua và hiện đã hoàn toàn chi phối về giá.

Ông Cù Văn Thành - Giám đốc Công ty chế biến dừa Lương Qưới, cho biết thị trường dừa trái đang phụ thuộc vào thương nhân TQ. Buổi sáng ít dừa họ tăng giá mua, chiều thấy nhiều người bán thì lập tức hạ giá. Do thiếu nguyên liệu trầm trọng nên một số DN chế biến phải tìm sang Indonesia mua dừa về chế biến. Nhà máy của ông Thành khi hoạt động hết công suất mỗi ngày cần khoảng 300.000 trái dừa nguyên liệu nhưng hiện chỉ có thể hoạt động cao nhất là 70% vào đúng vụ thu hoạch dừa, bình thường chỉ hoạt động cầm chừng từ 20-30% công suất vì thiếu nguyên liệu. 

Địa phương thiệt hại

Theo ông Hồ Vĩnh Sang - Chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre: Hiện Bến Tre đang thiếu nguyên liệu dừa cho các nhà máy chế biến nhưng đồng thời dừa lại bán ồ ạt sang TQ theo đường tiểu ngạch. Chủ trương của tỉnh là phát triển công nghiệp địa phương, đặc biệt là công nghiệp chế biến nông, thủy sản nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời giải quyết lao động thiếu việc làm. Nhưng thực trạng hiện nay khiến việc thực hiện chủ trương đó rất khó. Có thể thấy rõ là nếu bán một trái dừa nguyên liệu qua đường tiểu ngạch thời điểm hiện nay chỉ được khoảng 11.000 đồng, trong khi nếu chế biến thành sản phẩm xuất khẩu, giá trị có thể đạt hơn 100.000 đồng. Ông Sang dẫn chứng: Cứ 100 trái dừa thì lấy được 30 lít nước để làm thạch dừa, giá bán là 300.000 đồng. Than gáo dừa nếu xuất thô được 300 USD/tấn, nhưng nếu chế biến thành than hoạt tính thì có giá từ 1.800 - 2.200 USD/tấn. Cơm dừa chế biến thành cơm dừa nạo sấy bán được gần 3.000 USD/tấn… Bên cạnh đó là tạo ra nhiều việc làm cho người lao động. Chưa kể việc thương nhân TQ mua dừa trả bằng tiền đồng khiến địa phương không thu được ngoại tệ. 

Cần có rào cản kỹ thuật 

Theo ông Cù Văn Thành - Giám đốc Công ty chế biến dừa Lương Qưới, chúng ta không thể ngăn sông cấm chợ, tuy nhiên Nhà nước cần phải có giải pháp, có rào cản kỹ thuật thích hợp để bảo vệ sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh mua nguyên liệu quá mạnh của các thương nhân TQ hiện nay. Cần tận dụng các quy định của WTO chẳng hạn như đánh thuế cao việc xuất khẩu nguyên liệu thô. Hoặc như có chủ trương hỗ trợ, khuyến khích tạo mô hình liên kết giữa DN với người nông dân, tăng thu nhập cho họ trong chuỗi giá trị từ trồng nguyên liệu đến xuất khẩu sản phẩm tinh chế.

Hoàng Phương - Khoa Chiến (Thanh Niên)

Thương lái Trung Quốc ồ ạt gom nguyên liệu - (Kỳ 3): “Nằm vùng” để khống chế giá
28/09/2011 0:43

Cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Long đã phát hiện và xử lý theo pháp luật 21 “thương nhân” Trung Quốc (TQ) dùng hộ chiếu du lịch vào đây núp bóng “người địa phương” để thu gom khoai lang đem về nước.

Toàn tỉnh Vĩnh Long có khoảng 6 ngàn ha đất trồng khoai lang, hầu hết sản lượng khoai được thương nhân TQ thu gom.

Theo nhiều nông dân, đang vào cuối vụ nên thương lái vào tận các ruộng khoai ngã giá, đặt cọc với mức giá 1,1 triệu đồng một tạ (60 kg). Bà Phan Thị Bé, Trưởng phòng Kinh tế H.Bình Minh (Vĩnh Long) cho biết, giá khoai năm nay cao gấp đôi so với năm rồi và cao nhất từ trước đến nay. Với mức giá này, lợi nhuận “một công khoai bằng 5 công lúa”.

Nông dân bỏ lúa trồng khoai

Ông Ngô Văn Hải, Phó chủ nhiệm Hợp tác xã khoai lang Tân Thành (xã Tân Thành, H.Bình Tân), cho biết khoai lang tím Nhật (chiếm 90% diện tích trồng khoai nói chung) chỉ phát triển rộ từ năm 2008, khi thương lái TQ vào và tiến hành thu mua ồ ạt. Thời điểm đó, giá khoai chỉ khoảng 200 ngàn đồng một tạ, nay đã tăng gấp 5 lần. Chính vì vậy mà diện tích đất trồng khoai không ngừng tăng theo cấp số nhân. Năm 2008, cả huyện Bình Minh chỉ có khoảng 10 ha đất trồng khoai thì hiện nay con số này là 324 ha. Còn ở Bình Tân, diện tích đất trồng khoai hiện đã lên đến gần 3.000 ha. Nguồn gốc đất trồng khoai hiện nay là từ đất trồng lúa.

Không dừng lại ở việc gom mua, đầu năm nay, thương nhân TQ còn nhờ một số người dân địa phương đứng tên thuê đất trồng khoai. Diện tích đất mà người TQ “núp bóng” thuê để trồng khoai lang được các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Long xác định là 61 ha, thông qua 3 người dân địa phương, với mức giá 35 triệu đồng/ha/năm, thời hạn thuê 3 năm.

Không chỉ ở Vĩnh Long, khoai lang đã vượt sông Hậu lan sang cả huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ). Theo ngành nông nghiệp địa phương, hiện có khoảng 100 ha khoai lang đang được trồng trên địa bàn. Đây là vùng đất sản xuất 2 vụ lúa, 1 vụ màu được người nơi khác đến thuê để trồng khoai lang.

''Đặc biệt, trong đợt kiểm tra trên, ngành chức năng phát hiện và xử lý theo pháp luật 21 thương nhân TQ dùng hộ chiếu du lịch vào đây núp bóng người địa phương để thu gom khoai lang đem về nước'' - Bà Phan Thị Bé, Trưởng phòng Kinh tế H.Bình Minh (Vĩnh Long)

Cảnh báo những hậu quả xấu

Tiếp xúc với chúng tôi, bà Phan Thị Bé chia sẻ: “Tình trạng trồng và tiêu thụ khoai lang ở địa phương vừa qua khiến chúng tôi mừng ít, lo rất nhiều. Chúng tôi liên tưởng đến những hậu quả xấu như đã từng xảy ra ở các tỉnh phía Bắc khi họ thu gom đuôi trâu, móng trâu, rễ cây hồi. Để chấm dứt tình trạng người trồng khoai vừa trồng vừa run, thì nhà nước cần tìm đầu ra chính ngạch cho khoai lang, phát triển thêm những thị trường mới để tránh phụ thuộc vào một thị trường náo đó. Ngành nông nghiệp sẽ hướng dẫn, hỗ trợ nông dân trồng khoai theo các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap… để đảm bảo chất lượng”.

Điều đáng nói là theo báo cáo mới đây của Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long, việc mua bán giữa người TQ và các đầu mối trung gian đều không có hợp đồng. Thương nhân TQ chỉ tổ chức thu mua theo thời vụ tại kho bãi, giá cả lên xuống bất thường. 7/10 cơ sở thu gom khoai lang hoạt động không phép. Do các cơ sở này hoạt động dưới danh nghĩa là người VN nên rất khó xử lý. "Đặc biệt, trong đợt kiểm tra trên, ngành chức năng phát hiện và xử lý theo pháp luật 21 thương nhân TQ dùng hộ chiếu du lịch vào đây núp bóng người địa phương để thu gom khoai lang đem về nước", bà Phan Thị Bé nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Vĩnh Long, toàn bộ sản lượng khoai lang được thương nhân TQ thu mua thông qua 10 đầu mối, nằm dọc theo tuyến QL1A, thuộc địa bàn H.Bình Minh. Những đầu mối này có một số điểm chung: không bảng hiệu, địa chỉ, được che chắn rất cẩn thận, có hàng rào chắn và thường xuyên có người bảo vệ, không cho người lạ tới gần…

Chí Nhân (Thanh Niên)

Khống chế giá thanh long

Bây giờ là cuối vụ chính của trái thanh long. Giá trái cây này hiện vẫn chỉ ở mức 5-7 nghìn đồng/kg (trái to). Nhà vườn thanh long hiện nay không có lãi nhưng không có cách nào khác. Chị Ngọc, một chủ doanh nghiệp chuyên thu mua thanh long ở Bình Thuận bán sang TQ cho biết, mỗi tuần chị chở khoảng 6 container ra cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Giá tại cửa khẩu Tân Thanh (hoặc chợ Pò Chài bên kia biên giới) chỉ bán được 7 - 10 nghìn đồng/kg. Dù lỗ tiền vận chuyển nhưng hầu như tất cả các doanh nghiệp bán thanh long sang TQ không dám ngưng vì phải giữ công nhân, có vốn xoay vòng và giữ mối bên kia biên giới. Nguyên nhân chính theo chị Ngọc vẫn là do các thương nhân TQ “nằm vùng” tại Hàm Thuận Nam để thu mua. “Họ khống chế giá cả hết thảy. Muốn tăng giá hay giảm là do họ, mình không quyết được”, chị Ngọc nói.

Quế Hà












Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét